Thứ Tư, 27 tháng 11, 2024

Đồng tháng ba sương bắt đầu lên

Đồng tháng ba sương bắt đầu lên

Làng tôi ven sông Cả. Hằng năm, mỗi mùa lũ, dòng mở cửa một lần, ghé vào nhởn nhơ chơi mấy hồi rồi lại thong thả quay ra, nhập vào cửa Thái Bình về biển, bỏ lại lũ cá tôm mải rong chơi con nước rồi lạc bước trong những máng chuôm nối tiếp ao đầm.
Lũ trẻ con trong làng, trong đó có cả bọn con gái như tôi, suốt từ ngày bé, tinh mơ trên giường lăn xuống đất là nhao ra bờ ao góc máng với đồ nghề là chục cái vó tép, đôi cần câu tay tre, cái giậm rách không mõ và cặp ống bơ nếu không nhét vài con giun đất thì cũng lưng lửng cám rang bóp cơm nguội vo tròn, nửa giống viên thuốc tễ nửa hệt như những hòn bi đất chưa nung. Và cũng giống như nhau, cả lũ, không đứa nào bảo đứa nào, đều mơ lớn lên thành dân đi cá chuyên nghiệp như bác Vượng, hàng xóm liền dậu nhà tôi, người bốn mùa tung hoành đầu sông cuối bãi với đó, đơm, te, xiếc.  Dưới con mắt không chỉ lũ vó màn, dậm rách loanh quanh bờ ao bắt nạt lũ rô ron sọi cờ mà cả của nhiều người lớn khác, bác Vượng chỉ cần đeo cái rọ tôm, xách đôi ống lươn đi ngang bãi ra sông cũng oai phong lẫm liệt chẳng kém Thủy thần.
Nhưng duy nhất trong làng có một người không theo số đông như thế.
Người ấy không thần tượng bác Vượng, bảo thằng “giời đày” chứ “sát thủ”, “thần ngư” gì, nhà cửa đàng hoàng không ở, quanh năm ăn đống ngủ gò, quần đùi đến bẹn, tì tũm bơi sông lội đầm như con ma nước, sương bờ gió bụi nó ám vào rồi thành ngớ ngẩn. Cho mà xem…
Người đó là bà tôi.
Mỗi hoàng hôn nhập nhoạng, nhìn cái bóng cao lòng khòng vác đồ nghề  đi tắt qua vườn sau sang đống Mả Thần, bà lại toang toang nói thế. Ngụ ý bóng gió của bà, cả làng này cùng hiểu: tôi với anh Cu suốt ngày cứ mải câu mải vó, trước sau  cũng thành ngớ ngẩn, rách rớt mùng tơi và biến thành con ma nước như bác Vượng…
Cho mà xem!
Bao giờ bà tôi cũng kết thúc bài ca dự báo của mình bằng câu cho mà xem. Và bao giờ, lúc nhấc bó rào chắn cổng sau sang đồng, bác Vượng cũng quay lại, nhăn nhở cười bảo thành ma nước đã tốt. Cứ đi mây về gió, thích chó làm chó, muốn mèo hoá mèo, không phải ì oạp đêm hôm mà có cá ăn ngập mồm lại chả sướng quá…  Rồi quay về phía chái bếp màu khói đã loãng trên mái rạ, quát thằng Cu, bảo nãy chửa nghe à, rút cái quần vào! Cứ phơi sương thế kia thì da trâu cũng mục… Bảo sao nay thủng mai xoạc… Tao cứ để tội đấy, mai tính…
Tội để đấy của anh Cu mỗi hôm một kiểu. Bác Vượng bảo mai tính nhưng lúc nhớ lúc quên trừ những tội liên quan đến hai cái quần xanh chéo tích kê mông. Quần ấy, tiếng là của anh Cu, nhưng cái màu bạc khươm năm và hai ống lượt sượt như chổi quét lá tre lại ngụ ý chủ nhân đích thực của nó phải là bác Vượng, tuy cả làng từ lớn chí bé chưa ai tận mắt nhìn thấy bác Vượng mặc nó bao giờ. Cả bốn mùa, dầu nắng giữa trưa hay chiều mưa gió bấc, trang phục độc bản của bác là manh quần cộc rung rúc màu cháo lòng, thắt dải rút, vừa để tiết kiệm chun, vừa tiện vặn lên tận bẹn, tránh được ướt ống những chỗ nước nông, nom từa tựa đóng khố nhưng chướng như chọc vào mắt vì khố còn có vạt che đằng trước. Phụ kiện trang bị thay đổi theo mùa là cái nón mê tướp vành hoặc cái mũ ngày xưa vốn gốc bông chần, nay đụp xiêu vẹo dọc ngang không biết bao nhiêu mảnh, trông xa như ghép vải.
Bác Vượng có một người con trai, hơn tôi vài tuổi, tôi vẫn gọi là anh Cu. Có lần, nghe tôi hỏi, anh Cu thì thầm, nghiêm trọng và hiểu biết: “Không phải tao không có bu mà là bu tao chết. Ngày tao bé tí… Chỗ Đống Mả Thần ấy… Tại đi vớt củi ấy…”
Theo lời anh Cu thì bu anh chết vì đi vớt củi nhưng bà tôi bảo không phải, chết vì đói chứ củi đuốc gì. Bu nó dân thuyền chài, từ trên mạn theo lũ dạt về, thấy đến tháng đẻ mà còn  lênh đênh bà mới bảo thôi lên bờ, đất vườn nhà tôi đấy, khoanh lấy một góc, nhờ ba bề xóm láng dựng tạm cái lều, lúc trở dạ hay đêm hôm trẻ con ốm đau quấy quả còn người này người nọ…
“Chỗ đất quây rào râm bụt xung quanh kia, phải không bà?”
“Đúng rồi! Tự tay bu nó giâm từng cành đấy. Nó bảo bén rễ rồi thì chỉ vài năm là thành tường rào, bà nhỉ? Lúc ấy lá xanh, hoa đỏ lồng đèn, tha hồ đẹp.  Thầy  bu con cả đời chỉ ước được lên bờ, có miếng đất… Chồng con cũng chết ở sông. Đêm ấy lũ… Lúc con tìm được thì chỉ thấy thuyền… Người không bị vùi dưới đáy cát thì ra biển mất rồi, bà ạ!”
“Thế anh Cu thành con bác Vượng từ lúc nào hả bà?”
“Lúc nó gần một tuổi… Đận ấy mưa, hàng tuần giời, sông Cả lũ sớm, bu nó bảo bà trông hộ con thằng cu, con ra vụng vớt củi trôi. Lũ này dồn củi về, nhiều lắm. Con tích cóp dần, đến lúc Cu lớn kiểu gì cũng đủ tiền xây một cái nhà gạch, bé thôi cũng được… Bà bảo tường tre mái rạ, nền đất vách bùn như này thì đã làm sao mà phải mơ gạch ngói nhưng bu nó lắc đầu phải nhà gạch mới bền, mới chịu nắng chịu mưa bà ạ. Bà không biết chứ chồng con hôm ấy, trước khi đi củi ngoài sông còn bảo con cố chờ vài năm nữa, có tiền, tôi lên bờ, mua đất, làm hẳn cái nhà gạch cho mẹ con mình ở, rồi rước cả thầy u về, chứ cứ để hai người ăn gió nằm sương, chết thành ma vẫn lang thang bờ bãi, tội lắm…
Bà tôi lặng im, nhìn mãi về phía cái lùm cây um xum, cao vượt hẳn lên trên nền đồng hanh hanh heo may, lâu lắm mới nghe lẩm bẩm bảo thật tao cứ ân hận mãi. Giá kể bắt nó ăn nắm cơm ngay trước mặt mình thì đâu đến nỗi. Buổi trưa đã nhịn suông, chập tối lại ra sông, bảo tranh thủ không người ta vớt hết, cơm bà cho, con mang theo đây rồi, con đi một lúc rồi về thôi, về sớm… Đấy, là vừa mưa ngấm, vừa đói quật chứ củi đuốc gì…”
“Bu anh Cu chết đuối hả bà?”
“ Không. Chết cạn. … Mà không hiểu sao tận chỗ đống Mả Thần… Lúc ấy là gần sáng, bác Vượng mày đi cá về, ngang qua bảo nghe tiếng trẻ con khóc mới tạt vào, thấy củi đã mang về đấy hết về mà người thì gục bên chân đống, nắm cơm gói mo cau vẫn để trong mê nón, còn nguyên, ăn được miếng nào đâu… Chắc mệt quá, lả đi không hồi lại nữa… Thật bà cứ ân hận mãi, giá kể như…
Cái điệp khúc lẩm bẩm “giá kể như…” của bà cứ lặp đi lặp lại, cứ băn khoăn bảo chẳng biết đất khiến trời xui thế nào mà bu nó lại chết ở đống Mả Thần… Từ sông về đấy dễ đến hơn cây số… Bác Vượng mày bảo nghe tiếng trẻ con khóc… Tao đồ rằng có khi là tiếng ngày xưa…
… Ngày ấy, đê Triều Dương, Triều Khúc ngoài kia vỡ hàng chục năm liền, nước biển tràn vào, ruộng vườn hóa đầm chua bãi mặn, mọc rặt một loài cỏ cói. Các cụ kể có một kì giáp hạt, dân mạn ngoài đói rơi đói rụng dắt díu nhau dạt cả vào đây, gặp lúc đồng xanh nước trắng chẳng kiếm đâu hạt rơi hạt vãi, nhiều người gục ngay bên bờ. Cái cánh Mả Thần ấy lúc đầu chỉ là chỗ chôn người tứ xứ, sau mối đùn dần lên thành đống Mả Thần… Ai tỉnh tai, hằng đêm cứ nghe mà xem, kiểu gì cũng ra tiếng trẻ con khóc. Thấy cả ánh lửa nữa. Cả tiếng chân người…
“Thế là đống Mả Thần có ma thật hả bà?”
Chiều nào cũng thế, lúc đứng với anh Cu trước hiên nhà, ôm cây cột tre nhìn về phía gò đất lù lù giữa cánh đồng, bao quanh là những lùm duối hoang thân gộc, sùi lên từng đám, rễ chờm ra tận đầu lối vào men theo bờ mương lan đầy cây xấu hổ, tôi thường hỏi bà tôi câu ấy. Bao giờ bà cũng bảo đi mà hỏi bác Vượng mày. Cái thằng giời không sợ, đất không sợ, chỉ sợ rách quần ấy kiểu gì chẳng bảo…
“Có ma tao cho mày tiền…”
Anh Cu nghênh nghênh cái mặt lên trời, tay vặn cạp quần, bắt chước giọng bác Vượng, lặp lại lần nữa: “Có ma tao cho mày tiền!” Rồi quay sang bà đấy thầy con bảo thế… Bà tôi bĩu môi, nguýt về phía cái lều nát – đại bản doanh của bác Vượng trên đống Mả Thần  bảo ờ to mồm… Cho mày tiền… Cho mày tiền… Không phải thách. Cứ ăn bờ ngủ bụi, đi đêm về hôm, kiểu gì cũng có lúc bao nhiêu tiền tích cóp tao lột cho bằng hết…  Rồi nhìn anh Cu một lượt, mắt dừng ở cái quần ống sớ, đũng chân què lùng thùng đến đầu gối, xắn đến ba lần gấu mà ống vẫn quét đất, lẩm bẩm trần đời tao chửa thấy nhà nào một bố một con mà cái quần cũng không dám sắm như nhà mày… Nhịn ăn nhịn mặc để thành vương tướng gì không biết… Có tiền chứ phải không đâu. Vẫn nguyên đây, lâu chửa đếm nhưng chắc cũng nhiều vô số…
Đấy là bà tôi đang nhắc đến chỗ tiền bác Vượng gửi, bà cất trong ruột tượng, lúc nào cũng kè kè bên mình, bảo mai kia tao quăng trả, cứ không công giữ của cho thầy mày thế này, nhọc cả người… Mà tích làm gì không biết, gần chục năm chứ ít gì. Anh Cu thì thầm vẻ bí mật để xây nhà cưới vợ bà ạ. Rồi vừa vòng tay chỉ chỉ ra phía mông vừa kể hôm trước, lúc vá cho con chỗ rách sau đít này này, thầy con bảo lần sau còn để xoạc nữa là tao cho cởi truồng luôn. Quần tao mặc bao năm không sao, đến lượt mày hết rách lại thủng là dư nào. Có mấy đồng để dành, chuẩn bị cuối năm làm cái lò gạch, xây lấy cái nhà chứ không để mua quần cho mày đâu.  Con hỏi thầy xây nhà lấy vợ hử thì chửi luôn, bảo hỏi linh tinh tao vả cho vài nhát…
Bà tôi hơi ngẩn ra, vẻ băn khoăn. Ngẫm nghĩ một lúc, lắc đầu bảo chẳng có nhẽ rồi lại gật gật mà có nhẽ thật, khéo dính bùa mê thuốc lú con nào vác cả cột nhà cho nó thì hỏng. Kí ca kí cóp cho cọp ngồi xơi. Bao nhiêu năm đi sương về gió giờ mà rước nặc nô về thì nó phá cho tan tác chim muông… Kiểu này tao phải truy tận gốc, xem binh tình, cơ sự ra sao…
Nhưng bà tôi chưa kịp truy binh tình thì cơ sự đã xảy ra…
Sáng hôm ấy, như thường lệ, anh Cu kéo tôi đi lấy cá. Bác Vượng lưới đêm ngoài sông bao giờ cũng để ở đống Mả Thần, anh Cu có nhiệm vụ mang về đưa bà đi chợ hộ. Tôi sợ nên đứng tít phía ngoài, trên đường nhánh, anh Cu rẽ đống cành leo nghều ngào đầy gai, lò dò đi vào, mắt trước mắt sau nhấc vội mấy xâu cá rồi co giò phóng vụt ra. Tôi đón ngay đầu đường, thì thào hỏi như nào hở? Anh Cu bảo như nào gì, trong đấy lạnh, ghê bỏ bố!  Rồi giơ cao xâu cá, ngắm nghía một hồi bảo to phết mày ạ… Sau đó nhìn quanh, hạ giọng vẻ bí mật: “Thầy tao bảo hôm nay nước mới”… Ngẫm nghĩ thêm một lát, lại thì thào: “Mà đêm nay sáng trăng. Cá về đấy… Hay tao với mày đi nơm…”.
Lúc này đương đầu tháng ba, mưa rước hạ đã ào ào đổ về, sấm ì ùng phủ lên ruộng đồng một lớp nước mới mòng mọng ấm. Đồng vẫn trong kì giáp hạt nhưng mùa cá vật đẻ đã bắt đầu. Nhìn mớ cá béo múp tôi thú lắm nhưng vẫn băn khoăn bảo em toàn cất vó, chưa đi nơm bao giờ. Anh Cu gật tao chả thế à, nhưng thầy tao bảo mùa cá gáy như này, đêm nào son là vài chục cân ấy… Hay cứ đi bừa… Chục cân cũng tốt. Tao bảo bà bán, lấy tiền mua cái quần. Mặc quần thầy tao mãi chán lắm rồi.
Tôi đứng ngẩn người, hình dung mình đang vác cái nơm đại ám đen màu khói, hùng dũng đứng trên bờ như sát thủ Vượng, đảo hai mắt nhanh như mắt quạ, rồi đánh nhoằng một cái đã hiên ngang giữa mương, nơm đã xắm đều chân xuống bùn, đắc chí nghe tiếng lịch kịch thúc nhộn lên phía trong chán rồi mới khoan thai thò tay, túm cổ quăng lên bờ cỏ từng con cá chép giẫy bình bịch, màu vảy hắt ngược từ nền cỏ lên những vệt lấp loá như bạc ướt dưới ánh trăng.
“Ừ! Đi nhá!”
Tối ấy, chờ tiếng chó sủa làm hiệu sau hàng rào cúc tần, tôi quăng mâm bát đang rửa dở ở bậc cầu ao, ào sang nhà bác Vượng. Nhìn hai cái nơm anh Cu đang chìa vào tận mặt, tôi nghi ngờ hỏi không phải lấy trộm đấy chứ, cái này giấu tận chái bếp cơ mà. Anh Cu đắc ý thầy tao cho mượn hẳn hoi, bảo đôi này sát cả lắm, nhẽ ra không đưa chúng mày đâu nhưng may nay tao không ở đồng mà đi rập ngoài sông. Mau! Đi luôn không bà biết, chửi ầm lên giờ, đen lắm!
Tôi gật đầu, vác nơm trên vai, bám theo anh Cu ba chân bốn cẳng lên đường.
Lúc ấy trăng vừa lên…
Mặt mương săm sắp nước bắt đầu chuyển từ đen sẫm sang loang loang nhạt. Anh Cu bảo bọn mình dàn hàng ngang nhá, cứ nhằm chỗ  sóng cuồn kia kìa… Cứ đấy mà chụp nhá. Tôi hớn hở ngầm thành sóng như thế to phết đấy. Anh Cu gật thầy tao bảo cái kiểu cuồn đập bờ ấy cứ phải vài cân… Mai phiên chợ, bán cá xong, tao với mày đi mua quần luôn nhá! Tôi bảo anh phải dặn bà ấy, không thầy anh thấy mặc quần mới lại chửi cho. Anh Cu vừa xì xục khua khoắng vừa lẩm bẩm biết rồi, mua cả cho thầy tao nữa. Từ bé, tao chưa thấy thầy tao mặc quần dài bao giờ… Nhưng phải giấu đi, tết hẵng đưa. Tôi gật gật, bước dấn theo anh Cu, dặn chờ đúng sáng mùng một ấy, sáng đầu năm người ta kiêng chửi nhau…
Chúng tôi đuổi theo giấc mơ quần mới của anh Cu đến tầm nửa đêm thì lần ra tận giữa đồng, bùn vật lên đến tóc mà không thấy cá chỉ toàn cua với ốc. Ngồi thở phì phì như trâu gạ húc nhau trên bờ mương lấp lóa, tôi đang bảo chán thế, về thôi, bà mà phát hiện em không có nhà kiểu gì cũng đi tìm, đập cho phát chết thì bị huých một phát suýt ngã chúi xuống  nước. Theo tay chỉ, từ phía sông, cách khoảng dăm chục mét, lừ lừ xuất hiện một bóng người…
Trăng bấy giờ đã lên lưng lửng trời. Màu trăng bàng bạc như sương nhưng không đọng hạt mà giăng màn ngang mặt, kéo đồng đêm tháng ba dâng lên sẫm đen màu lúa đương thì con gái. Cái bóng lặng lẽ đi trên con đường mòn xuyên cánh đồng tiến thẳng về phía đống Mả Thần. Anh Cu thì thào đàn bà mày ạ, biết ai không? Hình như không phải người làng. Tôi gật bảo em cũng chưa gặp bao giờ. Làng mình không ai được thế này. Dân đi cá chuyên nghiệp đấy. Thấy chưa? Từ dưới sông lên… Nhiều thế kia cơ mà… Hay là…?
Anh Cu nhìn tôi vẻ nghi ngờ, lại nhìn ra sông, ngẫm nghĩ một hồi, rồi gật như bửa củi bảo đúng rồi, chuẩn rồi, tao nói có sai đâu…
Chúng tôi đứng cạnh nhau, trên bờ mương. Giữa con đường mòn ngập cỏ, người đàn bà dừng lại, nhìn mãi về phía tôi và anh Cu. Trăng không trong, không đủ soi rõ mặt, chỉ thấy ánh mắt loang loáng nước và nét cười buồn, nghe tôi hỏi cô mang cá về đống Mả Thần đúng không thì yên lặng gật đầu, dấn thêm vài bước, chìa tay về phía anh Cu, định nói gì đó nhưng ngập ngừng, lại thôi…
Nấn ná thêm một lúc, người đàn bà cúi đầu, lặng lẽ quay lưng đi về hướng Mả Thần đen sì bóng duối, dưới trăng lu… Những xiên cá dài xâu qua sợi dây bện bằng cỏ cói lượt sượt kéo một vệt dài sẫm màu trên cỏ ướt… Anh Cu bảo tôi thấy chưa, giờ tao mới biết không phải tự yên mà cho mình mượn nơm. Hoá ra hẹn hò nhau mày ạ… Tôi gật, đang định bảo anh Cu sướng nhá, sắp có mẹ thì lại bị huých một cái đánh huỵch từ sau lưng, ngã chúi xuống phía sau đám cỏ lác. Chưa kịp cáu thì nghe tiếng chặn trên đầu bảo im, xem kìa, thế mà hôm nọ còn chửi chửi. Tôi nhìn cái dáng cởi trần, vận quần đến bẹn, tất tả từ hướng sông thẳng về phía đống, cái rập vẫn vác trên vai còn mắt cắm xuống vệt cỏ ướt rạp trên đường mòn bảo để mai mách bà. Anh Cu đồng tình ừ, bảo bà muốn xem binh tình cơ sự cứ ra đống Mả Thần thì biết…
Hôm sau, mãi đến quá trưa anh Cu mới lò dò chui qua chân hàng rào râm bụt sang bên nhà, ngó qua cửa sổ bảo chết rồi, bà đâu mày? Bà tôi đương ngồi lấy nắm là chuối tươi bọc mấy thân vỏ quạch mới mua ở chợ phiên để dành ăn trầu cho khỏi héo, ngẩng lên bảo chết cái gì, tao chưa hỏi tội chúng mày thì chết làm sao được, đêm qua dẫn nhau đi vầy bùn chỗ nào? Anh Cu vẻ mặt nghiêm trọng, nhảy bổ lên thềm bảo vụ ấy từ từ tính, bà sang con đã, thầy con bảo cái gì ấy… Con không biết… Bà chui lối này cho nhanh…
Bà tôi cầm cái nón mo nang dầy bịch bổ đánh cốp vào đầu anh Cu chửi chui chui cái gì? Cổng rộng ngõ dài thế này việc gì tao phải chui hàng rào… Mà có chuyện gì? Thầy mày làm sao mà nay tịnh không con cá nào, sáng giờ cũng chưa thấy mặt? Mày làm sao mà tròn tròn dẹt dẹt, mắt mẹt mồm nia thế kia? Có gì nói to lên! Cứ thì thà thì thào như ma cào cửa liếp… Anh Cu lắc đầu bảo chuyện này bí mật, không to được. Thầy con đi rập ngoài sông, được bao nhiêu cá đưa cho cái cô gì mang hết về đống Mả Thần… Rồi quay sang tôi hôm qua bọn mình tận mắt trông thấy, nhỉ! Lại quay sang bà, tiếp tục bảo sáng nay thấy thầy con nằm, con tưởng ngủ, mãi vửa rồi con gọi thầy dậy ăn cơm mới biết là không phải, là mắt vẫn mở mà không dậy được, bảo thầy ốm lắm, mày sang gọi bà, thầy muốn nói cái này…
Anh Cu bước lên bậc hè đất lồi lõm vết vồ nện, đẩy liếp cửa nhưng lấy tay chắn, chưa cho mọi người vào ngay, vẫn thì thào chắc là chuyện cưới vợ, xây nhà… Hôm qua bọn con gặp rồi… Không tin bà cứ ra Mả Thần thì biết…
Bà tôi đẩy phắt anh Cu sang một bên, ngó đầu nhòm, thấy bác Vượng nằm thẳng đuột trên cái chõng nát, đắp mảnh chăn chiên tướp mép ngang ngực thì khóc ầm lên ối giời cao đất dày ơi, làm sao mà đắp điếm đậy điệm như chết rồi thế này? Đã bảo không nghe, cứ vớ vẩn đồng nát thì đương sống cũng thành ra chết! Thế hôm qua ở ngoài đống thế nào? Có gì khai hết ra, tao còn biết đường tao liệu… Bác Vượng cố ngóc đầu dậy bảo sao cái gì u cũng biết, y ma xó… Rồi chống tay ngồi dựa vào vách liếp, nhìn qua vườn sang đống Mả Thần cao vượt lên trên nền xanh lúa, một lúc sau mới nói từ mai con nghỉ lưới.
Bà tôi không nói gì, chỉ thấy vừa giơ thẳng cánh thì vèo một cái, mê nón đang cầm trên tay đã rơi đánh bịch tận ngoài hiên. Bà ghé xuống lom lom nhìn bác Vượng, cười khẩy anh nghỉ lưới để múc nước sông đổ vào hai cái mồm hử? Đận này ếch dáng gớm nhỉ?  Hôm nay anh gọi tôi sang để bảo u cho con xin chỗ tiền con gửi, con làm cái này chứ gì? Cái này là cái nhà gạch chứ gì? Ra thằng Cu nói cấm có sai… Giời ơi là giời, tần này tuổi đầu rồi còn nghe xui khôn xui dại. Cái loại ấy rồi nó bòn cho bằng hết… Quần đùi xoạc đũng như này này cũng không có mà mặc đâu… Anh bỏ tay ra, cái quần mỏng tướp thế này làm sao mà che với đậy… Giờ khai mau, con Mả Thần ấy là con nào? Người ngợm ở đâu để tao còn truy gốc tích…
Bác Vượng vẫn đưa tay túm chặt lưng quần dải rút như sợ bà tôi giật thêm vài phát nữa bảo công nhận u tài, cái gì cũng biết… Nhẽ ra con phải nghe u từ ngày xưa… Con vô sư vô sách, cứ không tin nhưng giờ tận mắt rồi u ạ! Chuyện hôm qua ấy, là người  quen của mình, bao năm nay vẫn ở đống Mả Thần mà u con mình không biết. Người ta không xui khôn xui dại gì con sất, tự thấy cần thì con phải làm thôi…
Bác Vượng đứng dậy, bước ra thềm gọi thằng Cu lại đây với thầy, thầy kể cho mày chuyện này… Thương lắm…
Chúng tôi ngồi trên bực hè đất nện, nhìn qua vườn sang cánh đồng. Chiều giao mùa, nắng còn lẩn giữa sương nên hoá màu bàng bạc, chân trời trước mặt chưa rộng ra nhưng đống Mả Thần đã gần lại, tôi nghe tiếng bác Vượng giữa tiếng sóng sông lẫn với gió đồng…
“Người hai đứa gặp đêm qua, trên đường đi về đống, các con có biết là ai không?”
… Đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ, buổi chiều cuối mùa xuân năm ấy, trước hiên ngôi nhà tranh nát như lều vịt, một  người đàn ông mình trần, gầy quắt queo như hình nhân, ngồi dựa lưng vào cây cột cái, kể cho mọi người nghe chuyện mình gặp ai, đêm trước, ở đống Mả Thần.
… Lúc ấy tầm nửa đêm…
U không biết đâu, chuyến rập đêm qua vô khối cá, con đã xiên mang, để gọn trên bờ đâu ra đấy, định nốt mẻ cuối rồi về thế mà lúc lên mất sạch, chỉ còn lại dấu cỏ ướt ngang qua bãi về đồng. Con cú lắm, cứ lần theo dấu ấy…
“Thế là về tận đống Mả Thần?”
“Vâng. Về tận đống luôn… Thấy nó đã ăn trộm lại còn ngang nhiên lên cả lửa, con định xông vào cho một trận. Nhưng đúng lúc ấy, u có biết con lại nghe thấy tiếng gì không?”
“ Nếu là tiếng trẻ con khóc thì tôi biết anh gặp ai rồi!”
“Vâng! Là cô ấy u ạ! Một tay bế đứa bé con như cái dãi khoai, một tay cời bụng bếp, khơi lửa lên, nướng cá cho mọi người ăn…Nhìn thấy con cô ấy bảo anh cho tôi xin lỗi, nhẽ ra phải có lời với anh trước nhưng việc đã trót thế rồi tôi đành xin tạ lỗi với anh sau. Anh biết không, năm nào, vào dịp này chúng tôi cũng có một đêm giỗ Đống, bao nhiêu người bỏ cửa bỏ nhà phiêu dạt rồi chết đường chết chợ tụ cả về đây. Ngày giỗ đúng kì giáp hạt, có năm củ khoai cũng không kiếm nổi đỡ lòng, chỉ biết nhặt mớ củi, đốt lửa lên ngồi túm lại với nhau cho ấm. Nhưng cũng may ông giời thương, cuối giấc đói này gửi cho mùa cá gáy để tôi còn có đường mà xoay xoả… Cứ như mọi năm thì tôi không dám phiền anh đâu, nhưng năm nay, mai mới giỗ mà nay người đã về nhiều quá, thương bà con mình đói khát nên tôi mới làm liều, mong anh bỏ quá cho…
Bác Vượng ngừng lời, đưa bàn tay đen thủi móng phèn, có những vết chai cời lên thành cục nắm lấy tay anh Cu, mắt vẫn nhìn mãi về phía đồng xa, chỗ đống Mả Thần đang lẫn vào màu nắng loang từng vệt dài như vệt khói, mãi lâu sau mới quay lại: “U biết không, cô ấy bảo cái đêm tôi đi vớt củi trôi ngoài vụng ấy, lúc ngang qua đống, nghe tiếng trẻ con khóc thì rẽ vào, thấy mấy người già tầm tuổi u mình nhưng rách rưới lắm đang chuyền tay nhau bế một đứa trẻ con, chừng kém thằng Cu nhà tôi vài tháng. Tôi cho nó bú, để lại nắm cơm với cái nón che mưa rồi dặn mọi người chờ, chút nữa tôi mang củi về cho mà sưởi… Đêm ấy, tôi về được đến đống nhưng lại thất hứa không về được với u… Rồi cô ấy khóc u ạ, bảo ngày mới đi, hằng đêm ngồi ôm con người ta mà không về được để dỗ con mình nín, đau lòng lắm… Thoáng cái đã hơn chục năm,  Cu lớn quá, không nhận ra tôi. Bé con đi cùng Cu cũng nhầm tôi với ai ấy. Chúng nó hỏi có phải cô về đống Mả Thần…”
Bác Vượng nhìn lên, hất hất đầu. Tôi bảo đúng rồi bác ạ, anh Cu kể bác sắp xây nhà gạch để lấy vợ, cô ấy lại xách cá về đống nên chúng cháu tưởng… Bác Vượng lườm tưởng tưởng cái gì, tao thì đập cho vài nhát. Nuôi mình nó cũng đủ dúm đít còn đòi rước thêm của nợ để mà đói vêu mõm chó. Rảnh à? Rồi lại quay sang bà bảo từ mai, ban ngày con nghỉ lưới, chỗ đất vườn kia vật dần lên đóng mộc, cuối năm đốt lò, lần hồi vài năm kiểu gì cũng có cái nhà gạch để mời ông bà, thầy mẹ của Cu về…
Rồi đứng dậy, vừa khòm lưng theo thói quen để khỏi va đầu vào cái đòn tay trước hiên nhà thấp tịt, vừa vận quần đùi lên đến bẹn bảo nhưng việc ấy tính sau, giờ con ra sông kiếm ít cá, u lấy tiền đong hộ con nồi gạo, u con bà cháu  mình nổi lửa… Đêm nay giỗ đống Mả Thần…
… Thế rồi từ ngày ấy…
Cứ hằng năm, vào một buổi chiều cuối mùa giáp hạt, trước hiên ngôi nhà gạch, bên hàng rào râm bụt hoa buông ngang tầm tay như những chiếc đèn lồng, có ba người ngồi nhìn nắng tắt dần trên mái ngói âm dương của ngôi miếu nhỏ được dựng ngay trên đống Mả Thần, nghe người đàn ông gầy như hình nhân, vẫn cởi trần, vận mỗi manh quần cộc, kể lại câu chuyện cũ. Câu đầu tiên bao giờ cũng là u ạ, đêm ấy con đi rập ngoài sông…
Lời kể quẩn mãi vào trong gió…
Đồng tháng ba sương bắt đầu lên…
16/1/2023
Nguyễn Hải Yến
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...