Thứ Tư, 27 tháng 11, 2024

Thanh âm suối ngàn

Thanh âm suối ngàn

Nhà văn Đặng Bá Canh còn có bút danh Bá Canh, Phan An mới được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh sinh năm 1980 quê quán xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh hiện là Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Nông, Tổng biên tập Tạp chí Nâm Nung.
Tác phẩm của Đặng Bá Canh đã xuất bản: Sang mùa (Tập truyên ngắn, 2013); Đất đắng (Tập truyện ngắn, 2016), Rừng xa (Tập truyện ngắn, 2021) và anh được nhận các giải thưởng văn học: Giải B – Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Nông (2015 – 2020) cho tập truyện ngắn Đất đắng, Giải C – Giải thưởng Văn học nghệ thuật các DTTS Việt Nam năm 2021 cho tập truyện ngắn Rừng xa.
Nhà văn Đặng Bá Canh: “Văn học là cuộc sống được tái hiện bằng cảm nhận, góc nhìn và suy tưởng của người cầm bút. Chất liệu hiện thực cuộc sống, số phận của những người mà ta quen, ta gặp và những thăng trầm của cuộc đời là nguồn cảm hứng dồi dào cho các trang văn. Viết để sẻ chia, viết để đồng cảm với mong muốn cuộc đời này dịu bớt những lo toan, khổ đau. Đâu đó trong bất hạnh vẫn bắt gặp những tấm lòng để mỗi người có một nơi neo đậu tìm động lực tiếp tục sống trong cõi nhân gian”. 
1. Mưa. Những con mưa mềm tơi đất. Con suối Đăk Kar nước ăm ắp bờ. Vạt lúa trên rẫy vàng suồm suộm. Tuốt những bông lúa hạt chắc mẩy, dù chưa ăn bụng Phương cũng đã thấy no. Mẹ vẫn thường bảo, ăn cơm mới phải cúng tạ dao rìu. Biết là vậy nhưng lâu lắm rồi chẳng ai trong bon làng Bu Bir này cúng cơm mới nữa. Mẹ chọn lấy những hạt lúa đầu mùa giã sạch nấu cúng cha. Mùi nếp nương dìu dịu như đánh thức cả những thanh âm rộn ràng trong bon làng của những ngày xưa hãy còn tục cúng cơm mới. Phương nhóm củi. Bên ánh lửa bùng bùng, gương mặt mẹ bừng sáng. Mẹ bảo: “gõ mấy nhịp Goong Lú* đi con! Goong Lú kết nối cõi âm với cõi dương mà!”. Phương cẩn thận đặt những thanh goong lú lên cái kệ kết bằng tre đực chắc chắn rồi đưa hai hòn đá cuội cho mẹ. Đôi bài tay gầy gò với những đường gân xanh ấy lướt nhẹ trên những thanh Goong Lú. Lúc khoan, lúc nhặt, những âm thanh vang vọng rồi cuốn vào trong không gian của màn đêm dần buông xuống bon làng. Phương thấy bóng ai như bóng H’Duen ngoài ngõ. Vậy là tiếng Goong Lú đã dẫn bước chân Duen sang đây. Duen ngồi lặng yên bên bếp lửa. Đôi mắt lấp lánh, trong veo. Mẹ khe khẽ ngồi xuống cạnh Duen. “Mới về à Duen?”. “Dạ! Cuối tuần cháu được nghỉ, về với mẹ cha, về với bon làng mình thôi!”. Mẹ nhìn Duen trìu mến. Chà, con bé mới ngày nào đó mà giờ đã ra ngoài phố huyện làm cán bộ rồi. Ý nghĩ chợt thoáng qua làm mẹ mỉm cười. “Phương à! Duen muốn nghe tiếng Goong Lú! Lâu lắm rồi, tưởng chẳng còn ai nhớ đến Goong Lú của bon làng ta nữa!”. Duen đừng nói vậy làm Phương buồn. Bộ Goong Lú ngày nào Duen lẽo đẽo theo Phương lội suối Đăk Kar tìm kiếm về rồi nhờ già Điểu Lanh thẩm âm Phương giữ như báu vật đây mà. Goong Lú Phương giữ được, Phương chỉ sợ không giữ nổi con tim Duen thôi! Duen dành cho Phương một nụ cười như để động viên, khích lệ. Tiếng Goong Lú lại vang lên. Róc rách, ầm ì, ào ạt, êm đềm như dòng suối Đăk Kar đi qua mùa mưa nắng. Duen nhìn sâu vào nhịp gõ của Phương. Nghe tiếng Goong Lú, Duen biết Phương vẫn dành những tình cảm trong trẻo, mát lành nhất cho Duen. Dù có lúc hờn giận, trách móc nhưng cuối cùng vẫn êm ái, dịu ngọt. Nghĩ đến đó, Duen lại thấy lòng dạ rối bời. Duen vẫn luôn yêu cái bon làng Bu Bir nhỏ bé của Duen nhưng Duen muốn trở thành người phố huyện. Và giờ đây Duen đã chính thức là dân phố huyện. Phương có hiểu được điều đó hay không? Cùng lớn lên bên nhau, cùng học, cùng chia sẻ niềm vui đi tìm Goong Lú dọc con suối Đăk Kar bao tháng năm của thời niên thiếu, Duen hiểu Phương lắm. Không như Duen, Phương yêu đến say mê con suối Đăk Kar hiền hòa và đau đáu cho những đổi thay nơi bon làng mình. Phương vẫn muốn giữ mãi cái thanh bình, yên ả cho làng quê, mặc kệ bao đổi thay đang ồn ả, phả hơi nóng vào cái bon làng nhỏ bé. Duen phải có cuộc sống riêng của Duen, có hoài bão, có khát vọng và ước mơ. Duen đã bước những bước đi đầu tiên trên con đường đầy thử thách đó. Phương bảo, Duen cứ ráng theo đuổi hoài bão của mình đi. Phương không đi đâu cả, chỉ ở đây thôi. Sợi tóc mai của Duen khẽ lay trước ngọn gió luồn qua tấm liếp, Phương thấy Duen đẹp đến nao lòng…
2. Bệnh mẹ ngày càng trở nặng. Mẹ nằm liệt giường. Bác sĩ bệnh viện tỉnh bảo phải mổ để cắt khối u. Hẳn là vậy rồi, mẹ phải khỏe để sống cùng Phương chứ. Phương sẽ làm tất cả để mẹ khỏi bệnh. Thế nhưng chi phí mổ xẻ, thuốc thang cho mẹ lấy đâu ra? Đám rẫy, Phương đã dày công chăm sóc, mỗi năm cũng chỉ cho thu một vụ. Nông sản ngày càng rớt giá thảm hại. Sau mỗi vụ thu hoạch chở cà phê ra đại lý, trừ đi các khoản chỉ còn lại vài chục triệu bạc. Đắng lòng, nhưng biết làm sao. Từng đó tiền còn không đủ tái đầu tư cho mùa vụ mới, nói chi đến chuyện dành dụm. Biết vậy nhưng vẫn cứ phải bám vào đám rẫy. Đất đai, núi đồi là máu thịt. Rời bỏ nó là rời bỏ tất cả, chẳng còn gì hết. Gay go quá, chẳng lẽ hết đường vay mượn để lo thuốc thang bệnh tật cho mẹ hay sao? Cậu Điểu Phơn ngồi cạnh giường, áp bàn tay lên bả vai gầy đang run run của mẹ: “được rồi, hãy để Hội Thánh giúp đỡ!”. Mẹ cố quay mặt đi nơi khác, “không, không đâu Phơn à”. Mặt cậu Điểu Phơn đanh lại “Chị là cố chấp, bảo thủ lắm. Cả bon, cả làng người ta đều một lòng phụng Chúa. Đi theo Người để được ấm no. Có ai như mẹ con chị? Cả cái bon làng mình, còn ai không là con chiên của Người. Chỉ còn mỗi mẹ con chị và lão gàn Điểu Lanh thôi!”. Mẹ lắc đầu, “tao đã nói rồi, Phơn à. Cảm ơn lòng tốt của cậu, nhưng được rồi mà. Tao không làm được con chiên của Chúa như mày đâu!”. Cậu Điểu Phơn vỗ về “được chứ, được mà chị! Em đang tính để cho thằng Phương nhà mình đi học mục sư nữa đó!”. Mẹ cố gồng mình ngồi dậy “Mày nói cái gì vậy Phơn? Thằng Phương đi học để về làm mục sư ư? Không được đâu mà. Nó mãi là con tao, là con của bon làng mình thôi. Mày quên ý nghĩ đó đi! Mày về đi!”. Cậu Điểu Phơn thở dài rồi đứng phắt dậy “Tùy chị thôi mà! Nhưng khó khăn thì cứ nói với em. Hội Thánh sẽ không bỏ rơi mẹ con chị”.
Mẹ thở dài “đừng nghe cậu Điểu Phơn mày nói. Mẹ có chết cũng không cần đến những đồng tiền của cái thằng đã vận động, mua chuộc bà con vứt bỏ hết cái truyền thống của ông cha để đi theo Tin Lành”. Tin Lành, Phương lẩm nhẩm. Hai tiếng ấy lúc ồ ạt nhanh chóng, lúc rả rích chậm rãi, ban đầu chỉ như kẻ lạc đường rừng ghé xin trú chân rồi dần dần trở thành chủ nhân của bon làng. Mọi người đã tìm đến với Tin Lành đầy ngây thơ và háo hức. Những tháng ngày giáp hạt, túi thóc, nắm tiền trao tận tay cho bà con từ những vị mục sư truyền đạo đã làm biết bao người vứt bỏ hết chiêng ché để tập trung nhau lại ngước lên cây thánh giá cảm tạ và biết ơn. Nhà nguyện mọc đầu con đường dẫn vào trung tâm bon làng. Cứ sáng sáng cuối tuần, cả bon làng lại lũ lượt đến nhà nguyện để nghe mục sư Điểu Phơn giảng đạo. Đêm đêm, lũ thanh niên và bọn con nít trong bon ê a cùng tập hát thánh ca. Loay hoay nhìn lại, hai mẹ con Phương và già Điểu Lanh lạc lõng ngay trong chính cộng đồng ruột thịt.
Tiếng trở mình và rên la của mẹ trong đêm rin rít gió cứa vào lòng Phương. Ước gì Phương có thể gánh lấy cơn đau thay mẹ. “Mổ thì còn có cơ hội sống, không thì tính ngày tính tháng thôi”. Bác sĩ đã gặp riêng báo với Phương như thế. Không, Phương chẳng tiếc, chẳng cần thứ gì hết. Phương chỉ cần hình hài, nụ cười và hơi ấm của mẹ thôi. Phương mệt nhoài đứng dậy. Ngón tay chạm vào thanh Goong Lú. Một âm thanh vang khẽ trong đêm khuya. Phương giật mình. Ồ, Goong Lú. Mắt Phương sáng lên. Goong Lú! Phương lật đật chạy lại hộc bàn. Số điện thoại và tên tuổi của rất nhiều người đam mê, sưu tầm đồ cổ M’nông để lại. Họ đã tìm đến, đã thích thú chiêm ngưỡng và trầm trồ khi nghe tiếng Goong Lú của Phương. Họ sẵn sàng trả giá cao cho những thanh Goong Lú. Nhưng tất cả đều nhận được nụ cười hiền cùng cái lắc đầu của Phương. “Goong Lú không phải để bán. Goong Lú là tiếng lòng của bà con bon Bu Bir chúng tôi các vị à”. Ừ! Thì cứ cho gửi cái số điện thoại, tìm được bộ Goong Lú mới thì báo một tiếng. Thì cầm. Phương tặc lưỡi. Mấy ông sao hiểu được thanh âm của Goong lú mà đòi mua với bán. Đâu phải cứ thích là bán được đâu? Nhưng lần này Phương phải bán. Chắc thần sông, thần suối, thần núi, thần rừng cũng sẽ tha thứ cho Phương. Phương nén tiếng thở dài, đành để bộ Goong Lú này lưu lạc…
3. Già Điểu Lanh quấn mớ thuốc rê rồi cầm thanh củi đượm châm lửa. Bộ râu quai nón bạc theo từng mùa rẫy. Già ngước nhìn những sợi khói vờn trên tóc, “ở nhà chúng nó hát karaoke làm tao đau cái đầu quá!”. Ờ. Sao già không cùng hát cho vui? Già thở dài. “Chắc tao bị lạc hậu mất rồi. Không theo được với bọn trẻ nữa. Mà chúng gọi tao là ông già cổ hủ mày à! Có khi đúng thật!”. Không! Già là bóng cây K’nia che chở cho bon làng mình mà? Già Điểu Lanh  ho húng hắng. Ho mà nghe như tiếng cười nhạo khùng khục trong cổ. “Bóng cây K’nia quái gì đâu. Có ai nghe tao đâu. Bây giờ cần hỏi chuyện gì, chúng nó tìm đến thằng Điểu Phơn. Nó là mục sư mà”. Phương thấy nghẹn đắng. Chẳng lẽ, một pho sách về phong tục và giá trị sống như già Điểu Lanh đã là thứ vô dụng trong con mắt của bon làng Bu Bir thật sao? “Phương à! Mày bán Goong Lú rồi à?”. Câu hỏi của già Điểu Lanh rất khẽ như sợ mẹ nghe thấy. Già Điểu Lanh lặng im sau cái gật đầu của Phương. “Rượu cần à?”. Già Điểu Lanh bất giác hỏi. Đúng rồi! cứ mỗi dịp giỗ cha, mẹ vẫn ủ ché rượu cần dâng lên bàn thờ. Mẹ bảo, hồi trẻ cha mẹ say mê nhau cũng từ ché rượu cần cất trong đáy mắt mẹ. Già Điểu Lanh vít cong cần rượu rồi cất tiếng như nói với chính mình “cái thằng này không phải thằng Kinh đâu. Nó một trăm phần trăm là đồng bào M’nông mình mất rồi”. Già à? Con là người M’nông mình chứ sao nữa? “Thì vậy. Ý tao là mày làm tao nhớ đến cha mày”. Cha Phương. Phương chỉ hình dung qua lời kể của mẹ. Đó là một người lính Cụ Hồ, trên căn cứ B4. Sau những lần xuống bon làng Bu Bir làm công tác dân vận đã phải lòng cô gái M’nông. Khi vùng đất Tây Nguyên được giải phóng, cha đã ở lại để tiễu trừ Fulro. Ngày cha cùng đơn vị nhận được khẩn lệnh hành quân ra biên giới phía bắc, hình hài Phương đã ở trong bụng mẹ. Từ đó, cha chẳng bao giờ trở về với mẹ con Phương nữa. Mẹ cũng đã nhờ người dò hỏi tin tức ngoài quê. Người ta bảo cha đã hy sinh tận biên giới. Mẹ lấy ngày cha chia tay bon làng Bu Bir làm ngày giỗ và vẫn khói hương như tục lệ người Kinh. Mẹ không lấy ai nữa. Mẹ bảo, cha mất, giờ mỗi Phương là đủ với mẹ. Hồi tấm bé, Phương mang cái tên nửa M’nông, nửa Kinh – Điểu Phương. Bạn bè thường trêu chọc “nó là thằng Kinh miền Thượng”. Phương chỉ cười. Không quan trọng, với Phương, bon Bu Bir, suối Đăk Kar là máu, là thịt của Phương…
Nắng. Cái nắng hiếm hoi trong những ngày mưa dài đằng đẵng. Con suối Đăk Kar trong văn vắt len lỏi qua vạt rừng rùng mình đón nắng. Dòng nước ấm áp dưới chân Phương. Ôi, dòng suối có cái bến nước của cả bon làng giờ chẳng mấy người quan tâm nữa, dẫu vậy, vẫn thủy chung ôm ấp lấy bon làng. Đi sâu vào khoảng rừng vắng là nơi đầy ăm ắp những kỉ niệm đẹp của Phương và Duen. Nơi đây, hai đứa đã tìm ra bộ Goong Lú. Phương có lỗi với Duen rồi. Duen sẽ nói gì khi biết Phương đã bán bộ Goong Lú nhỉ? Chắc Duen phải buồn lắm đây. Hoàn cảnh bắt buộc phải vậy. Bàn chân Phương đụng phải một vậy gì dài dài nham nhám như thanh đá. Phương cúi xuống, ẩn sâu dưới mặt nước trong veo là những thanh đá dài. Phương thảng thốt. Chẳng lẽ có bộ Goong Lú thứ hai? Phải báo cho Duen biết thôi. Phương chạy một mạch về nhà để điện báo Duen. Duen sẽ vui sướng. Duen sẽ về, cả hai đứa sẽ đưa những thanh đá về nhờ già Điểu Lanh thẩm âm. Nếu là Goong Lú… lần này Phương sẽ không bán nữa đâu. Giá nào cũng không bán. Mẹ nói vọng từ trong bếp “Con Duen qua gửi thiệp cưới”. Ai? “Con Duen lấy chồng”. Mẹ nói từng tiếng rành mạch mà như khổ tâm và bất mãn. Duen lấy chồng! Lời mẹ như cật nứa cứa vào lòng Phương. Duen lấy chồng thật ư? Còn Phương thì sao? Thì sao Duen? Phương thẫn thờ đi về phía con suối. Vậy là Duen lấy chồng phố huyện, không còn về bon làng Bu Bir nữa? Doen đi học để làm cán bộ, rồi lấy chồng cán bộ luôn à? Tự nhiên Phương thấy tủi thân, cay cay nơi khóe mắt. Duen sẽ không về nữa. Sẽ chỉ còn Phương với con suối vắng này thôi. Duen ơi, lấy chồng rồi, Duen có còn nhớ con suối nhỏ, nhớ tiếng Goong Lú nữa hay không?.
Chú thích:
* Goong Lú (tiếng M’nông): đàn đá.
10/1/2023
Đặng Bá Canh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...