Thứ Tư, 27 tháng 11, 2024

Nguyễn Trí viết văn như người nghệ sĩ dân gian kể truyện

Nguyễn Trí viết văn như người
nghệ sĩ dân gian kể truyện

Như đã nói, trong cái thế “kiềng ba chân” ở tuyển tập truyện ngắn “Miền Đông” mà chúng tôi đã đề cập trong bài viết về nhà văn Nguyễn Một trước đây, thì ở bài này chúng tôi xin vạc đẽo chân dung nhà văn Nguyễn Trí trong tuyển tập kia âu cũng là sự giữ lời khi được đọc một tuyển tập khá thú vị của ba vị “hườm hườm tuổi xế” (chữ của nhà văn Nguyễn Hiệp).
Thoạt đầu, ấn tượng trước tiên về nhà văn thì có thể nói, văn Nguyễn Trí có vẻ thô nhám, câu chữ anh rất giàu chất đời. Cuộc sống ngồn ngộn và đầy những bụi bặm trong từng trang văn anh viết. Chúng tôi có cảm giác Nguyễn Trí viết văn như người nghệ sỹ dân gian kể chuyện. Anh quan sát cuộc sống và thu gom lại theo kiểu của mình, sự trộn lẫn những mảng vỉa kiến thức cuộc đời của cả xưa và nay ở anh đã cho ra một loại sản phẩm vừa keo kết vừa đẫm đầy những ngẫm ngợi lắng suy. Đoạn nhà văn mượn cái triết lý nhân sinh trong con chữ để ngầm chỉ và lý giải tính cách nhân vật rất độc đáo: “người ta như chữ nghĩa vậy. Nhẹ có dấu nặng, vững dấu ngã, hiểu dấu hỏi, ngắn thì dài hơn chữ dài” (truyện ngắn “Lưu manh”, sách “Miền Đông” trang 154) thì đấy là do anh xàng xẩy lại những gì người ta vung tóe vào dân gian xưa nay mà mạng xã hội lưu giữ rồi dán lại rải rác đây đó. Âu cũng là cái cách lượm lặt bên ngoài để rồi tô vẽ nên cái bên trong lại chẳng là điều đáng quý cho người viết văn?
Văn Nguyễn Trí không chỉ luôn ăm ắp chất đời mang màu sắc hiện sinh mà còn cực kỳ sinh động. Sinh động kiểu buông tuồng như vốn đời sống nó thế. Điều này chúng tôi thấy trước đây nhà văn Nhật Tuấn đã viết rất hay trên facebook cá nhân của mình, được ông đăng lên thành nhiều status là từ những câu chuyện lượm lặt lề đường hẻm phố. Những chi tiết miêu tả trần thuật cuộc sống cứ ào ạt chảy ra trong con chữ Nguyễn Trí. Tác giả quả khéo léo trong việc cài các đoạn đối thoại gợi mở và ẩn chứa những thắt mở trong tác phẩm, điều đó làm tăng độ hấp dẫn khi ta đọc anh.
Đọc truyện Nguyễn Trí, chúng tôi có cảm tưởng rằng chính anh đang kể lại cuộc đời mình và cuộc sống ngoài kia bằng con mắt quan sát giàu sự chiêm nghiệm của riêng anh. Cho nên, văn anh ào ạt mà vẫn rụt rè, liều lĩnh của kiểu giang hồ tứ chiếng mà vẫn nhũn nhặn đầy những cẩn trọng. Một sự cẩn trọng cần có cho mỗi cá nhân viết lách, song đôi lúc lại làm mất đi lắm cái hấp dẫn cho nhiều người. Bởi đôi lúc, đọc Nguyễn Trí chúng tôi có cảm giác rằng anh không dám để cho nhân vật của mình đi đến tận cùng của sự việc, của số phận. Hoặc anh dừng ngang hoặc anh lái câu chuyện rẽ theo ý của mình để rồi mất đi khá nhiều màu sắc chất liệu tự nhiên. Điều đó kéo theo sự mất mát chất hiện sinh khá đáng kể. Dĩ nhiên, những hứa hẹn hấp dẫn ở phía sau cũng bị chính cái kết kiểu ấy nó cuốn đi. Cho nên, lắm lúc, trượt theo cái đà mạch văn ấy chúng tôi cứ thấy tiêng tiếc là.
Trong sáng tác của mình, những so sánh tạt ngang với các kiểu nhân vật cổ kim của nhiều tác giả lừng lẫy Đông Tây thường xuất hiện trong tác phẩm Nguyễn Trí, khiến chúng tôi đồ rằng anh phải có một sức đọc và sức nghĩ rất đáng nể bên cạnh sự thu lượm và quan sát cuộc sống một cách miệt mài. Người ít đọc thường mỏng kiến thức và không bao giờ dám sử dụng thủ thuật so sánh tạt ngang khi mình có nhu cầu lập ngôn. Điều này chứng tỏ Nguyễn Trí không chỉ thu nạp kiến thức từ trong cuộc sống mà anh còn luôn luôn có ý thức bồi bổ thêm kiến thức từ sách vở để làm giàu kho tàng kiến thức cá nhân. Đây quả là một sự đáng trân trọng cho một người viết văn… “trẻ” như Nguyễn Trí. Tiềm năng học hỏi không ngừng của Nguyễn Trí sẽ hứa hẹn rằng tác giả còn tiến xa hơn nữa trong con đường viết lách đầy những thử thách này!
Nghệ thuật lời nói nửa trực tiếp được Nguyễn Trí sử dụng khá linh hoạt. Nó phù hợp với lối kể như dòng nước chảy, nó mang đến sự tự nhiên cho trang văn anh, đồng thời tiết kiệm được thời gian kể bằng cách loại bỏ những chi tiết ăn theo rườm rà. Song, có lẽ vì quá say sưa với kiểu nghệ thuật lời nói nửa trực tiếp mà nhà văn sử dụng có khi đôi chỗ lại hóa ra thừa, thành thử mạch truyện bớt đi cái mạch ngầm hoặc bỏ lửng nhằm gợi sự tò mò đáng ra phải có để làm tăng sức lôi cuốn của thể loại truyện ngắn.
Chúng tôi đồ rằng, khi viết văn Nguyễn Trí chủ trương thả lỏng cho câu chuyện trôi theo dòng chảy tự nhiên. Dấu vết vạc đẽo ngôn ngữ hay bóng dáng kỹ năng o bế con chữ rất khó gặp trong văn Nguyễn Trí. Đây vừa là thế mạnh vừa là sự thử thách cực lớn cho chính tác giả. Bởi, nếu như cạn vốn sống, trang văn Nguyễn Trí lập tức sẽ kém hấp dẫn ngay. Điều này đòi hỏi nhà văn phải chú trọng nạp năng lượng cuộc sống hiện tại không ngừng nghỉ cho giọng văn của mình luôn tươi ròng. Không có chất bỗ bã đời thường, Nguyễn Trí không còn là Nguyễn Trí. Bởi thế, chúng tôi có cảm giác rằng Nguyễn Trí đã ôm được bao nhiêu những xô bồ của cuộc sống mà dập dìu với nó trong từng tác phẩm của mình. Có lẽ vì thế mà ngay cả truyện mang màu sắc liêu trai của anh, chúng tôi thấy nó vẫn mang bóng dáng bụi đời chớt nhả. Truyện ngắn “Đêm mai anh đến nhé!” kể về câu chuyện nhân vật Lâm gặp cô gái trong một hoàn cảnh sặc mùi ma quái nhưng vẫn mang dáng dấp của kiểu bụi đời chớt nhả kia. Sự ma quái liêu trai chỉ là cái nền thổi cho cung cách bụi đời vút lên. Cách kết hợp là lạ này đem đến sự thú vị cho độc giả, song như chúng tôi đã nói, Nguyễn Trí thường không cho nhân vật đi đến sự tận cùng, do vậy sự hụt hơi và không thể bung nở là điều đã xảy ra, nó tất yếu trong một sự thầm tiếc âu cũng là cái tạng của nhà văn chăng?
Một điều chúng tôi nhận thấy nữa, và có thể là hạn chế của tác giả, đó là ông hay cố tình đi lý giải này nọ, thành thử câu chuyện ông kể thường không được giấu kín mà cứ toác toàng toạc ngay ra, do vậy độ lì của câu chữ níu ghị cảm xúc không có, hoặc có mà rất mỏng, thành thử mùi vị hấp dẫn của sự bí hiểm cũng kéo theo không có: “Ở rừng về – Lâm nói – đương nhiên bọn tao phải ăn nhậu cho đã đời sương gió. Vài tháng lăn lộn trên non cao đủ thứ khát thèm chứ bây tưởng chơi sao? Sau ngà ngà hơi men thì cái khoản kia dứt khoát phải… “tới luôn bác tài”… Khoản kia tức cái bản năng cơ bản đang bị ức chế” (truyện ngắn “Đêm mai anh đến nhé”, sđd trang 176). Thật tiếc.
Song cũng phải nhìn nhận rằng, sức quan sát và sức đọc của Nguyễn Trí quả thật là đáng nể. Thế mạnh ấy anh quăng ngay vào từng trang viết của mình. Văn của anh như là một kiểu máy quay phim, nhà văn ghi hình lại những cảnh huống đầu đường xó chợ, nơi giam cầm các loại người lầm lỡ, ở đó nổi bật lên là chất sống bản lĩnh, ý chí vượt thoát, suy nghiệm từng trải. Những trang văn Nguyễn Trí gói cuộc sống lại khá tự nhiên, cái trước lôi cái sau ra, cứ thế tồng tộc mà phơi bày. Thành thử tìm những trang viết đẫm chất văn chương dạng đong đưa con chữ, làm duyên các kiểu ở văn Nguyễn Trí là rất khó, âu cũng là cái tạng của một nhà văn gần cả cuộc đời mình đã mang vác va đụng, nhai nuốt và đọc cuộc sống, về già mới có điều kiện gạn lọc mình ra để viết thì tránh sao khỏi những xô bồ ầm ào? Cái sự xô bồ ầm ào đó gân guốc lắm mà cũng gần gũi lắm! Và chính cách viết xô bồ ầm ào đó đã tạo nên một Nguyễn Trí gân guốc, vâm váp đầy những bụi bặm.
Sài Gòn, 11/12/2022
Khang Quốc Ngọc
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...