Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2024

Những ngày đi qua nhau

Những ngày đi qua nhau

Là tác phẩm của chúa, em đừng ngoan ngoãn nghe theo sự sắp đặt của người. Tự mình hãy vẽ nên những gam màu lung linh tươi mới…
– Quyên, Quyên. Em nói cái này Quyên không được cho ai biết nha!
Thằng bé kéo tôi vào sát vách nhà thỏ thẻ.
– Chi Win?
– Quyên phải hứa là không cho ai biết em mới nói.
Nhìn vẻ mặt đầy nghiêm trọng của nó tôi không khỏi phì cười. Chợt mắt nó ánh lên tia nghiêm nghị, tôi cũng vừa kịp khép đôi môi sắp vô duyên của mình, mặt nghiêm trọng theo:
– Quyên nghe nè, Win nói đi.
–  Ba mẹ Win sắp bỏ nhau.
– Hả, gì? Win giỡn với chị Quyên hả?
Một giây chững lại, nó nín thở, tôi nín thở.
– Win nói thiệt á, chuyện này không giỡn được đâu.
Hồi mới biết, Win chỉ muốn nhảy lầu tự tử cho xong.
Tôi sững sờ nhìn nó, đứng trước mặt tôi là thằng nhóc chưa được tám tuổi, nhưng cách nói chuyện và suy nghĩ tôi tưởng nó mười tám, bằng tuổi tôi.
Cánh mũi nó phập phồng, mắt mở to ráo hoảnh. Tôi kéo nó vào lòng, vỗ về:
– Chắc ba mẹ giận nhau xíu lại hết mà, nhà ai chẳng vậy!
Nó trườn ra khỏi người tôi:
– Quyên không tin thôi em về.
– Ơ Quyên tin mà, tin mà!
Một thoáng hẫng hụt, như tầng ly thủy tinh đầy rượu vang ngày cưới với hoa, nến và bánh bỗng chốc đổ ụp vỡ loảng xoảng.
Dì Hạ và chú Tân là mẫu gia đình văn hoá hạnh phúc mà tôi từng biết. Vợ chồng chú là cán bộ nhà nước, suốt ngày ôm cặp  đến cơ quan, mãi tối về đoàn tụ  bên bữa cơm gia đình. Những ngày cuối tuần tôi vẫn thấy chú đưa vợ con đi chơi hoặc vào bếp cùng dì. Còn dì Hạ, người phụ nữ hiền lành tốt bụng lúc nào cũng chỉ biết chăm lo cho chồng cho con. Họ có một vườn lan đầy màu sắc, sau mỗi chuyến đi công tác xa chú thường mang về một giò lan quý. Dì trầm trồ xuýt xoa, mặt chú lại giãn ra mãn nguyện.
Tôi từng nhìn họ và ngưỡng vọng, tôi nhìn mẹ và xót xa. Cũng là phận đàn bà, người được yêu thương chiều chuộng, người cứ phải đăm đăm với cơm áo gạo tiền, với chật vật mưu sinh…
–  Bao giờ mẹ bỏ ba?
Câu hỏi bất ngờ của tôi khiến mẹ giật nảy mình ngưng tay kéo.
– Con sao hỏi kì vậy?
Chùm lá ố vàng bị mẹ cắt bỏ được gom qua một bên.
– Mấy em này đỏng đảnh lắm, chăm không khéo lại bỏ mình mà đi thôi. Chẳng có hoa để ngắm, chẳng còn hương để ngửi nữa.
– Chẳng phải mẹ nói cái gì không phải của mình thì có cố mãi vẫn không thuộc về mình sao?
– Riêng với hoa lá thì khác con nhé! Con không nên vịn các câu nói vào chung các hoàn cảnh được. Người có tâm ắt sẽ nhận được những điều tốt đẹp. Con thấy không, mấy hôm nay mẹ chăm cắt tỉa tưới bón mà nay các em ấy rộ cả. Cứ nhìn là mê.
Mẹ vừa nói vừa đưa tay mân mê từng cánh hoa.
– Thế sao dì Hạ tốt là vậy mà chú Tân vẫn bỏ đi.
–  Chuyện người lớn, mẹ nghĩ con ít quan tâm chút, lo học đi cho mẹ.
– Mẹ lúc nào cũng học, học.
Tôi giận dỗi bỏ vào trong, không hiểu những người phụ nữ họ nghĩ gì. Mẹ thì lúc nào cũng rắn rỏi, mạnh mẽ, lúc nào cũng đi trấn an cho thiên hạ, lúc nào cũng như chuyên gia tư vấn tâm lý. Mọi chuyện qua tay mẹ đều nhẹ nhàng như không. Không sân si đố kị, không nhỏ mọn hẹp hòi, không so đo tính toán. Còn ai biết trong mẹ thế nào. Ai dám chắc mẹ không có lúc yếu đuối cô đơn. Ai chắc mẹ ổn sau tất cả những gì xảy ra trong cuộc đời.
Ba tôi là người đàn ông hiền lành và vô tư. Ông vô tư đến độ vô tâm. Chuyện trong nhà từ bé đến lớn một tay mẹ cáng đáng, từ cô giáo đến y sĩ, từ bạn đến nhà tâm lý. Tôi vẫn thường hãnh diện về mẹ, theo cách của riêng tôi.
Mẹ chỉ cười:
– Trên đời này không ai là hoàn hảo, con không nên thần tượng bất kì một ai, kể cả mẹ. Đừng đặt quá nhiều kỳ vọng vào một ai đó, ấy là cách con tạo áp lực cho họ.
– Đỗ Quyên!
Cú thổ vai khiến tôi giật bắn người. Không cần quay lại tôi cũng thừa biết Khanh pháp sư.
Hắn, kẻ chung bàn ba năm, pháp sư kiêm chuyên gia tâm lý. Miệng hắn lúc nào cũng như bắp rang. Hắn có thể thuyết giáo cho tôi từ chuyện khoa học đời sống đến thế giới tâm linh. Từ văn học đến mỹ thuật, từ nhạc ngoại đến nhạc nội… Bên cạnh hắn những chuyện bực mình dường như tan biến. Hắn biết cách làm người khác vui, nhưng cũng trêu tôi cáu không ít bận.
– Ê, bộ mới bị anh nào hớp hồn à, hay anh lớp trưởng?
Nhìn mặt tau biết ngay mà, định chối chứ gì!
Thấy tôi chẳng buồn đáp, hắn ngồi lại bên cạnh, gỡ chiếc kính dày độp xuống cọ cọ vào tay áo:
– Sao tâm trạng vậy?
– Mi chọn ở với ai. Ba hay mẹ? Tôi đột nhiên hỏi.
– Điên, dỡ hơi à?
– Tau đang dở hơi đây!
– Mi bờm lắm, ai sống tốt với mình thì mình ở. Mà thiệt ra tau nghĩ nên ở với ngoại. Ngoại lúc nào cũng yêu thương mình vô điều kiện.
– Thế ba mẹ mi sắp bỏ nhau à? Đôi mắt cú vọ dướn lên sau cặp kính.
Tôi chưa kịp nói gì hắn đã tiếp:
– Theo tau nghĩ á, đàn ông đến một thời điểm nào đó, họ cũng sẽ có bồ thôi. Họ không thể chịu nổi mãi một bà vợ suốt ngày làu bàu, như mi á!
Cái liếc mắt bén đến độ đứt ngang câu nói, pháp sư vội xả lả:
–  À không, ý tau là sau hàng núi công việc, họ phải có phút giây thư giản để cân bằng lại cuộc sống. Nhưng đàn ông khôn là người biết quay về. Gia đình vẫn trên hết. Tau á, sau này chắc tau cũng có bồ, he he…
– Thế mi nghĩ vợ họ sẵn lòng cho quay về sao?
– Phụ nữ thông minh người ta sẽ biết cách sống cho mình, biết yêu thương bản thân và những giá trị cuộc sống. Không nên vùi lấp đời mình nơi căn bếp rồi la con mắng chồng, rồi ủ ê mặt mày ôm cái đạo lý mà rao giảng. Mi chịu nổi không khi mẹ mi suốt ngày thuyết giáo mớ kiến thức mi đã thuộc nằm lòng. Chán đúng không, không thích nghe đúng không? Mà tỏ thái độ là bị phang ngay .
Nhìn cái mặt khinh khỉnh của hắn tôi cũng muốn phang hắn thật.
– Mi đúng là Gáo – Xư –  Bít – Tút!
– Ê ê! Hắn vừa chỉ tay vào mặt vừa cướp không chiếc kẹo tôi đang vần vò trên tay.
– Giảm béo đi cho não thông thoáng. Người béo luôn kém trí tuệ!
Dì Hạ gục vào lòng mẹ tôi tức tưởi:
– Chị ơi em đã làm gì sai?
– Thôi ngoan nào, bình tĩnh nào em.
– Em không bình tĩnh được nữa, em đã làm gì sai, chị nói cho em biết em đã làm gì sai.
Mặt dì bất thần, nước mắt tuôn không ngớt.
Dì khóc nhiều ngày liền từ khi nhận được lá đơn đề nghị li dị từ chồng.
Dì hoảng loạn tinh thần, không biết chuyện gì đang xảy ra với mình. Dì vẫn là vợ thảo dâu hiền, vẫn tề gia nội trợ. Mọi thứ bắt đầu khi chồng thường xuyên công tác xa nhà. Những hôm không đi công tác thì chú ở hẳn lại cơ quan, bảo có nhiều việc cần yên tĩnh xử lý. Dì luôn tin yêu chồng.
Bảy năm yêu nhau, cũng trải qua bao đắng chát ngọt bùi, cũng giận hờn chia tay các kiểu. Nhưng rồi cái kết viên mãn là đám cưới ngọt ngào, và cu Win chào đời sau đó.
Tám năm sống cùng nhau trong một mái nhà, dì luôn hết mực yêu thương chồng con, tằn tiện từng đồng cho chú lên bằng thạc sĩ. Cuộc sống êm đềm như một giấc mơ.
Chú Tân dạo này thay đổi hẳn, người hay dấm dẳng bực dọc. Đụng đâu cũng cáu gắt, chuyện không đáng cũng quạu.
Dì Hạ khéo léo quan tâm săn sóc, lo chú áp lực công việc mà ra. Kì lạ, dì càng quan tâm chú càng khó chịu. Lương bổng vơi dần, mọi chi tiêu gói gọn trong đồng lương ít ỏi của dì.
Chú vắng nhà nhiều hơn, những cuộc gọi lạ nhiều hơn. Mỗi lần nghe điện thoại chú phải lên ban công hay tắt máy đi đâu đó.
Có lần, một người bạn không thân  gọi cảnh báo về chú Tân. Dì không tin. Làm gì có chuyện ấy, là người ta ghen ghét tổ ấm của mình thôi, chú Tân bảo thế khi nghe dì rụt rè hỏi.
Nhưng chuyện đồng nghiệp chú Tân nhiều người lâm vào cảnh nợ nần là có thật. Và chủ nợ không ai khác là Hoa, em gái lão chủ căn tin.
Chú Tân thi thoảng có kể về chị ta, một người đàn bà lắm tiền, chuyên cho vay nặng lãi. Chung chia với lão chủ căn tin chỉ là cái cớ, thật ra ả có nhiều mối quan hệ phức tạp, hầu như tay mê cờ bạc cá độ nào trong cơ quan cũng là con nợ của ả. Lúc đầu ham vui là vài trăm, rồi vài triệu, rồi chục triệu, vài chục triệu…
Con mồi của thị là mấy gã công chức quèn hay nuôi dưỡng những ý tưởng hão huyền nhưng lười sáng tạo. Cứ sáng xách cặp đến cơ quan, chiều ghé quán nhậu, tối cào phím. Cả cơ quan đến hơn phân nửa lâm vào cảnh nợ nần túng thiếu bởi những con số biết nói. Chú Tân cũng không là ngoại lệ.
Nhưng cái vỏ thư sinh cùng khuôn mặt điển trai của chú đã lọt vào tầm ngắm của ả.  Ả mê chú Tân bất chấp, thuộc làu những ước mơ và sở thích của chú, sẵn sàng chu cấp, sẵn sàng cung phụng.
Ả giăng lưới bủa vây tứ phía. Con cá lớn đã mắc, ả hả hê với chiến lợi phẩm của mình.
Hôm ấy, dì đang nằm mơ màng, chợt có số điện thoại lạ gọi tới, vừa chạm nút nhận rồi mở loa ngoài :
– Alo, Hạ à! Chị đây, chị người yêu anh Tân đây. E có cần thuê giang hồ không chị đưa số cho.
Bị bất ngờ, dì ngơ ngác mất mấy giây, chưa kịp nói lời nào thì bên kia lại tiếp:
– Em cần gì cứ nói, chị chiều!
Rồi giọng cười khả ố vang lên thách thức.
Đôi mắt không chịu nổi sức ép của hệ thần kinh đang suy sụp cứ sưng mọng tấy đỏ. Mấy chị em bạn thân xót xa khuyên bảo đủ điều, dì vẫn không biết mình sai chỗ nào. Dì không cam lòng. Dì phải vào viện cấp cứu ba bận do suy kiệt.
Bên nội Win ban đầu cũng phản đối gay gắt, cũng bảo vệ mẹ con dì hết mình. Nhưng rồi khi chú Tân, đứa con trai duy nhất của gia đình họ đòi bỏ việc đi bụi nếu không được cưới người đàn bà kia, họ đành đầu hàng. Dù dì chú Tân cũng là trụ cột của gia đình, đàn ông thê thiếp chuyện thường. Với nó bỏ đứa này cưới đứa khác chứ có phải phạm pháp chi đâu. Cháu thì cũng là cháu mình, không có con dâu này thì có con dâu khác. Mà con Hạ được mỗi cái hiền lành thôi, còn Hoa, con dâu mới, là đứa sắc sảo lắm tiền. Tân vừa đưa về nhà ra mắt là cô ta bủa vây quà cáp, nào sâm nhung, yến sào, nào sữa ngoại, nào thực phẩm chức năng các loại. Ả còn lót tay mẹ chồng tương lai “đôi đồng bạc lẻ ăn quà” bằng cả năm lương công chức quèn của Hạ.
Ba lần toà xử bất thành vì sức khỏe dì quá yếu không thể đến dự. Cuối cùng họ cũng chính thức chia tay do chú Tân đề nghị đơn phương chấm dứt cuộc hôn nhân.
Hôm ấy dì lại xỉu, hình như không còn nước mắt để khóc. Mẹ tôi vừa thương vừa bực, thương cho tình yêu dì trao nhầm chỗ, bực sự hèn hạ của chú Tân.
Đến một vụ đánh ghen ầm ĩ dì cũng không. Dì bảo không cần nữa, van mọi người đừng xát muối vào trái tim đang ngang dọc vết thương này.
Hưng vẫn chờ tôi nơi góc sân trường, chỉ để trao đổi đôi câu vớ vẩn:
– Nay lớp phó có tâm trạng à?
– Khùng quá, tâm trạng gì đâu .
– Thấy lớp phó thiếu tập trung nghe, mấy câu hỏi dễ ẹc mà trả như gà mắc tóc.
Tôi xấu hổ vò chiếc quai cặp, nhớ lại tình huống luống cuống của mình lúc trả bài.
– Đi với tui, bảo đảm hết tâm trạng.
– Nhưng tui còn tiết học thêm.
– Thì gọi điện xin cô, nói xe lủng lốp đến không kịp.
– Lỡ mẹ biết.
– Mẹ bà đi làm nửa đêm mới về làm sao biết.
– Mẹ tui tinh lắm ông đừng vớ vẩn!
Nói thì nói thế nhưng chỉ cần lớp trưởng rủ rê thêm chút nữa tôi ừ luôn. Tôi thích hắn, về tất cả. Hắn hơn tôi một tuổi, vì lí do nào đó phải học muộn một năm. Hắn trưởng thành hơn hẳn các bạn cùng trang lứa, học giỏi đều các môn, nhất là các môn tự nhiên, hắn học một cách xuất sắc. Hắn hát hay và đàn  giỏi, mái tóc rẽ ngôi lãng tử, và cách ôm đàn hát giữa trường trong tiết chào cờ khiến hắn ghi điểm với không biết bao nhiêu cô gái.
Hắn có quá nhiều thứ để một đứa con gái mơ mộng.
Thấy tôi còn lưỡng lự, hắn chốt luôn:
–  Nhanh còn về kẻo tối. Mình chỉ có 1h30’ cả đi cả về.
Hắn vào chỗ người quen gửi xe rồi mang ra một túi lỉnh kỉnh nước và bim bim, với cây đàn vắt vẻo trên vai:
–  Mở cặp bỏ vào, mau, đi thôi!
Tôi ngoan ngoãn nghe theo.
Ngồi sau lưng hắn, nghe gió thổi nhè nhẹ, nghe lá non lao xao. Nắng chiều tinh nghịch rọi qua vành tai, chói vào mắt. Tôi nghiêng đầu né những tia sáng. Những tia nắng cuối ngày vàng vọt nhảy nhót trên từng vạt cỏ may tía. Những tia nắng lung linh trên đám cỏ lau ven đường. Những tia nắng hắt lên đám mạ đang bị rầy nâu cứ khắc khoải. Những tia nắng óng ánh trên dòng sông đang lượn lờ chảy.  Những tia nắng tinh nghịch như điểm cườm vào cánh lục bình vừa bị chiếc ghe cát đi qua xô dạt.
Chúng tôi dừng lại bên một nhánh sông. Cất xe dưới gốc sưa già mấy trăm năm tuổi.
Lớp trưởng đưa tay đỡ tôi trèo lên một nhánh Cừa già. Gốc Cừa nằm ngã rạp ra mé sông, thân to xù xì. Ngay chỗ chạn cây chúng tôi có có thể nghe nước chảy, nghe lá hát, nghe cá quẫy đuôi, nhìn ghe thuyền qua lại. Gió chiều hào phóng từng cơn mát rượi, tôi bỏ cặp, tựa lưng vào một hốc cây, nhắm nghiền mắt đón gió.
Giọng ghita dặt dìu:
“Chiều còn vương nắng để gió đi tìm 
Vết bước chân em qua bao nhiêu lần
Lời ru đan ngón tay buồn 
Ngàn năm cho giá băng hồn 
Tuổi gầy nồng lên màu mắt…“
Một chiều, dì nhờ tôi đến trường đón Win. Lúi húi dựng xe vào lề, tôi vừa đưa mắt tìm, vừa định gọi Win ơi chị Quyên nè, chợt tôi khựng lại. Trước mặt tôi, một dáng đi quen quen, là chú Tân.
Ôi chú Tân, chắc là nhớ Win nên tới trường đón em đây mà. Ai cũng bảo chú đoạn tình, nhưng mấy ai hiểu sâu thẳm trong lòng chú. Tôi tự bào chữa cho chú thế dù mới hôm qua hãy còn ghét chú đến tận đâu đâu.
Tôi nín lặng chờ đợi giây phút cảm động ấy, Win cũng nín thở khi nhìn thấy ba. Nhưng chợt vòng tay của chú đưa sang một hướng khác. Bên kia gốc bằng lăng già, cô bé với mái tóc vàng đỏng đảnh đang nhún nhảy đôi chân, chú đón lấy chiếc cặp hồng xinh xẻo rồi cả hai rời đi trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Tôi không tin vào mắt mình, tôi càng không cho phép ai làm tổn thương đến cảm xúc trong Win. Vội gọi to lên, miệng cố nở một nụ cười méo mó:
– Nay Win thích ăn chi chị Quyên đưa đi, mình ăn gà rán ha!
Không có tiếng trả lời, ánh mắt em mãi nhìn theo dáng người đàn ông em từng gọi ba. Chiếc xe Toyota Fortune mới cóng nuốt chửng lấy người đàn ông cùng đứa bé, họ lao đi trong tiếng động cơ êm ru.
Có lần, tôi nghe dì kể chồng dì mê một chiếc ôtô, loại xe địa hình cho cả gia đình đi phượt vào những dịp nghỉ lễ. Thi thoảng chú chơi lô đề xây giấc mơ đổi đời. Nhưng chú Tân của dì là người mực thước, dì luôn tin chú vô điều kiện.
Sự việc chỉ vỡ lỡ khi chú một mực đòi cưới người đàn bà giang hồ cho vay nặng lãi, hơn chú mấy tuổi, đã từng có chồng và đang nuôi con riêng. Cô bé trạc tuổi Win.
Tin nhắn sms của lớp trưởng xua tan cơn buồn  khiến tôi đang vật vờ:
– Chào lớp phó.
– Nhà anh mấy hôm nay có việc. Lớp phó nhớ anh à!
– Xí gớm, anh ai đấy?
–  Lớp phó sinh sau chịu làm em đi. Có nấy nhiêu mà thương lượng mãi không xong.
– Sao ông nghĩ học không xin phép tui?
– Anh xin lỗi, nhà có việc thật. Chiều mình gặp nhé!
– Chiều bận ồi.
– Chiều mà không gặp là không biết bao giờ gặp á!
– Nói chi á cha. Tôi đanh đá.
– Giờ anh bận lắm, thiệt á, chiều gặp nha. Có nhiều thứ anh muốn nói với Quyên.
Chiều nay tôi có hẹn với dì Hạ.
Dì nhờ tôi chở đến viện truyền nước. Đập vào mắt tôi là cảnh chú Tân và người đàn bà nọ đang đèo nhau trên con SH mới cóng, ả cong người ôm lấy chú, chiếc quần đùi jean cũn cỡn phô ra đôi chân thô kệch. Dì úp mặt tựa vào vai tôi nên không hề hay biết, tôi vội hạ ga, rẽ qua hướng khác, sợ dì thấy cảnh đó lại ngất xỉu luôn trên đường.
Tôi lan man với những dòng suy nghĩ. Những chuyện xảy ra quá sức chịu đựng của một con bé mười tám. Niềm tin và những câu hẹn hứa. Mọi thứ thật rẻ mạt, thật tầm thường.
Hưng đột ngột chuyển trường. Cả lớp láo nháo, ai cũng xoay quanh hỏi tôi về Hưng. Tôi hẫng hụt. Tôi bối rối. Tôi ngơ ngác. Tôi buồn.
Lục dòng tin nhắn cũ trên sms:
– Chiều mà không gặp là không biết bao giờ gặp á.
Tài khoản khoá.  Mọi liên lạc đều mất dấu. Tôi như người trên mây suốt cả tiết học.
Tôi lang thang ra dọc mé sông. Tựa lưng vào gốc Cừa già quen thuộc.
Nghe giọng Hưng đâu đó, nhớ cái siết tay và ánh mắt ấm nồng: “mình mãi thế này Quyên nhé!”
“Đàn dâng tiếng phong kín tuổi buồn 
Đường hoang vắng cho lá về nguồn 
Người tìm đến xin gợi nỗi hờn. 
Từ khi gió mang đấu địa đàng 
Đường lên đá che vết nồng nàn… 
Người còn nhớ mãi hay quên lời.”
Thì ra, bảy năm đã là trọn đời, và mãi mãi cũng chỉ đến mười lăm năm. Dì Hạ cười chua chát. Từng chiếc kỷ niệm được vứt vào sọt rác. Tôi nhặt lên xem, phía sau những bức ảnh là nét bút mềm mại “mình mãi thế này em nhé!”, “trọn đời yêu em”, “nothing gonna change My love”...
Mẹ bảo với dì:
– Trong tác phẩm văn học, thân phận người phụ nữ không những chịu sự sắp đặt của mệnh trời, sự nghiệt ngã của chế độ xã hội, mà ở đó họ còn bị phụ thuộc vào lương tâm của người cầm bút.
Là tác phẩm của chúa, em đừng ngoan ngoãn nghe theo sự sắp đặt của người. Tự mình hãy vẽ nên những gam màu lung linh tươi mới.
Hãy là một tay họa sĩ tài ba cho chính bức đời mình, biết không!
Là mẹ tôi dạy thế, nhưng dì vẫn chưa vực dậy được sau cơn bão đời cay nghiệt. Mãi sau này, nghe  lời mẹ, dì đã biết buông bỏ cho nhẹ cõi hồn, biết yêu và trân quý bản thân mình hơn trước. Nhưng dì không còn mở lòng ra với bất cứ người đàn ông nào. Hay là, chưa ai đủ tinh tế để vá lại vết thương loang lổ nơi tim dì.
Mãi mãi, mãi mãi là bao lâu? Thật ra, mãi mãi chỉ là một dấu mốc về thời gian không có giá trị vĩnh hằng, dẫu được đếm đong qua xiết bao nhung nhớ.
Chú thích:
* Dẫn từ bài hát “Dấu tình sầu” của Ngô Thụy Miên.
19/2/2023
Hồ Loan
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...