Ngày xuân đọc thơ thiền Trần Ngọc Tuấn
Trong tập thơ Chân Thân, Trần Ngọc Tuấn có nhiều bài thơ trăn trở về quá trình hành Thiền của mình, cũng đồng thời anh thể hiện nhiều trạng thái trải nghiệm tâm linh như dấu chỉ của hạnh ngộ.
Trần Ngọc Tuấn là một nhà thơ Thiền độc đáo trong dòng chảy
thơ ca hôm nay. Bởi vì sau Phạm Thiên Thư (nhà thơ Thiền ở miền Nam trước
1975), tôi chỉ thấy có Trần Ngọc Tuấn là người tiếp bước trên con đường thi ca
– tư tưởng này. Ngọn nguồn của thơ Thiền Việt Nam là thơ Thiền thời Lý- Trần.
Thời Lý- Trần, thơ Thiền đã triển nở một mùa rực rỡ, tạo nên một dòng thi ca-
tư tưởng duy nhất trong thi ca dân tộc. Trần Ngọc Tuấn không phải là một Thiền
sư, anh lại làm thơ giữa thời toàn cầu hóa, nên thơ Thiền của Trần Ngọc Tuấn có
nhiều cái riêng. Trần Ngọc Tuấn đã in Suối reo (2006), Hiện hữu (2013)
và Chân thân (2018). Đó là những đóng góp giá trị vào những nỗ lực
cách tân suốt mấy chục năm qua của thơ ca Việt Nam đương đại.
Thơ của người hành thiền
Nếu không phải là một Hành giả (người thực hành Thiền) thì
không thể làm thơ Thiền. Thiền vừa là “trí huệ” vừa là “tâm Bát Nhã”. Người làm
thơ là để nói “tiếng lòng”. Nguyễn Du đã chạm đến căn gốc của thơ khi ông viết:
“Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Kết
thúc truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) ông lại khẳng định: “Chữ Tâm kia mới bằng
ba chữ tài”.“Chữ Tâm” là thơ và “chữ Tâm” cũng là Thiền. Nói đến Thiền là nói đến
Tâm (Tâm tức Phật/ Phật tức Tâm), là nỗ lực hàng phục Tâm và an
trụ Tâm (Kinh Kim Cang). Bởi vì “Vạn pháp do Tâm” (Kinh Hoa Nghiêm).
Đọc thơ Trần Ngọc Tuấn, người đọc nhận ra anh hành Thiền theo
Tịnh Độ Tông. Mở đầu tập Suối reo, Trần Ngọc Tuấn có bài thơ diễn tả trạng
thái hành thiền rất tuyệt của anh. Đó là một trạng thái trong veo, thanh khiết,
đầy sức sống, trong một cảnh giới mà con người đã vượt thoát để an nhiên trong
vạn vật. Đó là trạng thái “Pháp giới tánh với tâm là một, Vạn pháp đồng nhất
thể” (Kinh Hoa Nghiêm)
Sáng nay lên đồi Tịnh Độ
Giọt sương tan trên lá xanh
Trưa nay lên đồi Tịnh Độ
Nghe cây chuyển nhựa lên cành
Chiều nay lên đồi Tịnh Độ
Mây vàng từng áng mong manh
Tối nay lên đồi Tịnh Độ
Trăng non đầu núi an lành
(Suối reo-Lên đồi Tịnh Độ)
Và đây là niềm hoan hỷ của Trần Ngọc Tuấn trên đường hành Thiền
trong tập thơ Chân Thân
Chợt lòng
Tín giải
Vui sao
Như chàng cùng tử
Được trao gia tài
(Chân thân-Tín giải)
Niềm hỷ hoan của Trần Ngọc Tuấn khi xác tín được chân lý Thiền
cũng giống như niềm vui của chàng cùng tử trong Kinh Pháp Hoa.
Truyện kể rằng: Chàng cùng tử rất nghèo. Từ nhỏ anh
đã bỏ nhà đi, lưu lạc tha phương cầu thực hai ba chục năm. Rồi tình cờ anh trở
về quê mà không biết. Anh không biết gốc tích của gia đình mình. Cha anh là người
rất giàu. Mấy chục năm thương xót con, ông luôn dõi tìm nhưng không thấy. Hôm ấy, chàng
cùng tử tình cờ đi tới nhà người giàu (cha anh) để xin làm thuê. Ông nhà
giàu nhận ra ngay đứa con ông đang tìm, còn chàng cùng tử thấy sự
giàu sang quá đỗi của nhà ông chủ thì sợ và bỏ chạy. Anh bị ông chủ bắt lại,
sau đó được trả tự do và đi làm chỗ khác. Ông nhà giàu đến chỗ anh làm thuê, gặp
gỡ trò truyện rồi nhận anh làm con nuôi. Ông vẫn giữ bí mật cha con với anh.
Nhưng ông âm thầm đối xử hết sức yêu thương với anh và giao cho anh trọng trách
quản gia. Đến khi ông lâm bệnh, biết mình không qua khỏi, ông quyết định nói sự
thật cho con. Chàng cùng khổ vô cùng hạnh phúc. Anh không ngờ mình là
con của một người quyền quý và giàu có như vậy.
Niềm hạnh phúc của chàng cùng tử giống hạnh phúc của
muôn chúng sinh giây phút Phật thuyết kinh Pháp Hoa, nói cho biết ai cũng đều
có thể thành Phật được (1). Nhưng điều kỳ diệu là Trần Ngọc Tuấn lại cảm
nhận được niềm hạnh phúc ấy khi lòng anh “Tín giải” những chân lý của Phật ngay
trong thời đại này (rất khác với thời Phật thuyết kinh Pháp Hoa).
Người hành thiền Tịnh Độ phải thực hiện 3 giới luật lớn: Tín,
Nguyện và Hành. Tín là tin Phật, tin Pháp và tin mình. Nguyện là
mong muốn thực hiện những điều chân chính (như 48 đại nguyện của Phật A Di
Đà). Hành là chuyên tâm niệm Phật cầu được vãng sanh vào cõi Cực lạc
của Phật A Di Đà. Hành giả Trần Ngọc Tuấn đã đắm mình trong cõi Thiền ấy.
Quanh đây/ Quyến thuộc Bồ đề
Tám phương trăng sáng/ Bốn bề hoa thơm
(Miền Tịnh Độ)
Những điều tưởng như giản dị ấy lại không dễ dàng. Trong tập
thơ Chân Thân, Trần Ngọc Tuấn có nhiều bài thơ trăn trở về quá trình hành
Thiền của mình, cũng đồng thời anh thể hiện nhiều trạng thái trải nghiệm tâm
linh như dấu chỉ của hạnh ngộ. Thơ Thiền thường là diệu âm (tiếng tâm linh)
trong khoảnh khắc đốn ngộ của hành giả. Những bài thơ như thế nằm trong dòng chảy
thơ Thiền. Những bài trực tiếp nói đến Phật, Pháp có nhiều đặc điểm của Kệ (một
thể loại Thiền sư dùng để Thị đệ tử về Phật)
Trần Ngọc Tuấn tra hỏi về Chân thân tức là nỗ lực trí tuệ nhận
thức về bản thể của tồn tại, về Tự tánh của vạn pháp, nhưng anh bế tắc:
Người trong gương có phải mình
Hay là ảo ảnh hiện hình chân thân
(Chân thân)
Tra hỏi như thế là chạm đến cốt tủy của tư tưởng Phật. Sự tồn
tại của bản thân (thân xác, bản ngã, tử-sinh, có- không) là thật hay là ảo ảnh?
Sự tồn tại của mọi vật ta nhìn thấy, của cả vũ trụ này, là thật hay cũng là ảo ảnh?
Ý tưởng này được Tổ sư Long Thọ (Nagajuna) diễn giải rất sâu
sắc:
“Nếu pháp nhân duyên sanh,
Pháp ấy, tánh thật không.
Nếu pháp ấy chẳng không,
Không từ nhân duyên có.
Thí như bóng trong gương,…”
Thầy Thích Hạnh Bình giải thích như sau: “Long Thọ đã lấy
ví dụ ‘bóng trong gương’ thuyết minh các pháp là duyên khởi
tính. Cái bóng trong gương ấy, không phải do gương tạo ra, cũng không
phải do mặt tạo ra, cũng không phải người làm gương tạo ra, không phải do mình
tạo ra, cũng không phải do người khác tạo ra. Như vậy, ai là chủ nhân tạo ra
‘bóng’ này? Không có một chủ nhân nào tạo ra cả. Sở dĩ cái ‘bóng’ có
trong gương là do tất cả những yếu tố này hình thành, nếu thiếu một
trong những yếu tố đó thì ‘bóng’ ấy không xuất hiện. Như vậy,
cái ‘bóng’ là do nhân duyên tạo thành. Cái gì do nhân
duyên tạo thành, không làm chủ, thì cái ấy mang tính vô thường “(2).
Bìa tập thơ Chân Thân của Trần Ngọc Tuấn. (Nxb HNV 2018)
Và Phật dạy: cái gì vô thường đều là khổ (Kinh Vô Ngã tướng).
Để thoát khỏi cái vô thường, phá bỏ Ngã chấp, người hành Thiền phải đi con đường
Trung đạo. Phật dạy:“Có hai cực đoan này, này các Tỳ- khưu, một người xuất gia
không nên thực hành theo. Thế nào là hai? Một là đắm say trong các dục
(kàmesu), hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục
đích. Hai là tự hành khổ mình, khổ đau, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến
mục đích. Tránh xa hai cực đoan này, này các Tỳ-khưu, là con
đường Trung đạo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác
thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.”(Kinh
Chuyển Pháp Luân-Dhammacakkappavattana Sutta).
Người hành Thiền phải vượt qua vô thường, mới “vô ngã vô
ưu”(không còn cái Ta thì không đau khổ). Trần Ngọc Tuấn khám phá những tư tưởng
này bằng nhiều tứ thơ rất thuyết phục:
Vượt qua/ Đường hiểm/ Oan sai
Tự do/ Sải cánh/ Chim bay/ Giữa trời
(Vượt thoát)
Vui gì mấy đóa hoa rơi
Mấy thân mục rữa, mấy lời ngoa ngôn
Về ngồi giữa đỉnh núi non
Nghe tâm thanh lọc mất-còn, có-không
(Giữa núi)
Giã từ gánh nặng sân si
Dứt tình tham ái từ bi dâng tràn
Chỉ còn tâm thức nhẹ nhàng
Lặng trong cõi tịnh, niết bàn, chân như
(Điều còn lại)
Miệt mài/ Trì niệm/ Pháp KHÔNG
Phận mình giun dế/ Vẫn mong một ngày…
(Thân phận)
Đường dài/ Mù mịt/ Đêm đen
Tự mình thắp sáng/ Ngọn đèn/ Chân như
(Tự tâm)
“Lang thang/ Trong cuộc lữ hành
Con đường trung đạo/ Đã thành lối quen”
(Trung đạo)
Con đường trung đạo là tu tập theo Bát chánh đạo. Khi
đã đi con đường trung đạo, Hành giả đạt đến niềm hạnh phúc an nhiên
Một mình/ Một núi Thiên Thai
Gương sen soi sáng/ Sương mai/ An lành
(Trên núi Thiên Thai)
Núi Thiên Thai là nơi Trí Khải Thiền sư tu tập (năm 575 đời
Trần Tuyên Đế-TQ). Nhắc đến núi Thiên Thai, Trần Ngọc Tuấn thể hiện niềm vui của
một cuộc hạnh ngộ Thiền; Tuyệt nhiên không có cảm giác cô đơn, tự mãn, cao ngạo
như Xuân Diệu trên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn (bài thơ Hy Mã Lạp Sơn).
Tôi chia sẻ được niềm vui của Hành giả Trần Ngọc Tuấn trải khắp
không gian-thời gian:
Trên tay/ Một đóa sen hồng
Hương tâm/ Dịu nỗi có-không kiếp người
(Hương tâm)
Không chấp người/ Không chấp ta
Rừng hoang/ Thung vắng/ Vào ra nhẹ nhàng
(Vô chấp)
Đất lành/ Rừng lại thêm xanh
Chim muông về tụ/ Trên cành nhân tâm
(Đất lành)
Đường đời/ Hội ngộ/ Phân ly
Niềm vui/ Ngay bước chân đi/ Một mình
(Hành hương)
Đèo cao/ Vạn dặm muôn trùng
Pháp âm vi diệu/ Sáng bừng núi non
(Diệu âm)
Tùy duyên/ Đây đó/ Tiêu dao
Hương sen/ Dẫn dắt/ chốn nào không an
(Tiêu dao)
Thong dong/ Một chiếc thuyền không
Mặc thu vàng lá/ Mặc đông buốt chiều
(Thuyền không)
Sống vui/ Hằng thuận chúng sanh
Ngày đêm soi mặt/ Gương lành Pháp Hoa
(Đối diện)
Ngôi nhà bên suối/ Tịch liêu
Một vầng trăng sáng /Thương yêu bên thềm
(Về)
Cái Tâm trong những bài thơ trên đã rất “an lành thơm
tho” và “sáng bừng lên” niềm vui đầy hào quang Thiền, không còn là “cái Tâm
sai biệt”. “Cái Tâm” ấy đã bao trùm được vạn pháp trong một hạt cải (Kinh Hoa
Nghiêm).
Tôi đặc biệt chú ý những bài thơ Trần Ngọc Tuấn hướng về tha
nhân. Những bài thơ này có sức lay động sâu xa lòng người và chứa đựng sự mầu
nhiệm của tư tưởng Thiền. Thơ Trần Ngọc Tuấn trở nên rất lạ, rất mới thể hiện
cái bao la từ bi Phật.
Đi trong/ Hoang vắng/ Khô cằn
Thương cho cây cỏ/ Nhọc nhằn tử sinh
(Thương)
Cây thối rễ/ Còn mong gì/ Hoa lá
Tội nghiệp người/ Ngồi nhớ/ Thuở còn xanh
(Vô thường)
Vãn tuồng/ Màn khép/ Rèm buông
Lơ ngơ đào kép/ Buồn buồn xướng ca
(Thấy)
Nguyện xin/ Ở lại nơi này
Những mong tận thấy/ Hoa bay cùng người
(Ở lại nơi này)
Phải chăng đó là tâm nguyện của Phật A Di Đà, ngài có 48 lời
nguyện khi ở lại cõi nhân gian để cứu độ chúng sinh?.
Trần Ngọc Tuấn – nhà thơ tài hoa
Thiền chỉ là tư tưởng trong thơ Trần Ngọc Tuấn, và nhà thơ có
phải là người hành Thiền (Hành giả) hay không, điều ấy không quan trọng. Vấn đề
là người làm thơ có viết được những bài thơ hay, độc đáo về tứ hay không?
Nhưng để đọc những bài thơ Thiền của Trần Ngọc Tuấn, người đọc
không thể tiếp nhận thơ như một văn bản nghệ thuật bình thường. Thơ Trần Ngọc
Tuấn có nhiều tri thức, thuật ngữ Phật học, chứa đựng cốt tủy tư tưởng Phật
trong các Kinh văn. Những tri thức tư tưởng ấy được chuyển hóa từ tâm nhà thơ,
một cách rất tinh tế, thành những tứ thơ độc đáo.
Như tôi đã trình bày ở trên, Trần Ngọc Tuấn đã thâm nhập rất
sâu vào Kinh Chuyển Pháp Luân, Kinh Vô Ngã tướng, Bài Kinh ngắn về Tính
Không của Phật; Kinh Kim Cang, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Pháp Hoa, …Anh
cũng đã hành Thiền theo Tịnh Độ Tông và vận dụng phép biện chứng “Bát Bất” của
Long Thọ (Bất sinh, bất diệt/ Bất thường, bất đoạn/ Bất nhứt, bất
dị/ Bất lai, bất khứ). Người đọc cần có sự hiểu biết tối thiểu văn hóa, tư tưởng
Phật mới có thể cảm nhận được cái hay của thơ Thiền Trần Ngọc Tuấn. Chẳng
hạn, những hình ảnh “Hoa sen nghìn cánh”, câu chuyện “Chàng cùng tử”, hoặc tư
tưởng “Tự mình thắp sáng”, kiểu ngôn ngữ “Vô ngôn”…đều hàm chứa những ý tứ sâu
xa trong kinh điển Phật giáo. Nếu không nắm được những tri thức ấy, và nếu
không “thành Tâm”, người đọc sẽ không cảm được cái hay của thơ Thiền.
Trần Ngọc Tuấn có nhiều tứ thơ đẹp, mới lạ làm ngỡ ngàng người
đọc. Rất tiếc trong phạm vi một bài viết ngắn, tôi không chia sẻ lời bình được
với bạn đọc, nhưng tôi tin cái hay của thơ Trần Ngọc Tuấn một khi đã thấm vào
tâm, bạn đọc sẽ thấy lòng mình tự sáng lên.
Bao năm/ Ở núi/ Quên trò chuyện
Nên tiếng của người/ Như tiếng chim
(Ở núi)
Vừa xong/ Một giấc mơ hoa
Ơ hay!/ Chớp mắt/ Đò qua sông rồi
(Ngày đẹp)
Trăm con đom đóm/ Tự tình
Chợt đêm huyền ảo/ Chợt mình rỗng không
(Tự tình)
Chim bay/ Chim đã bay rồi
Đừng mong tiếng hót/ Trên đồi quạnh hiu
(Dõi cánh chim bay)
Dọc ngang/ Xuôi ngược/ Mỏi mòn
Bên dòng sông cạn/ Sao còn buông câu
(Bể dâu)
Bài thơ Hồn nhiên xanh tập trung đầy đủ những phẩm
chất của một Hành giả đã vượt qua những bão giông của Ngã chấp để tới bến bờ
bên kia (đáo bỉ ngạn) của Miền Tịnh Độ; vừa bung nở những nét tài hoa vốn có
trong thơ Trần Ngọc Tuấn. Tôi gọi là “Tài hoa” vì Trần Ngọc Tuấn sáng tạo những
tứ thơ độc đáo để chuyển tải tư tưởng Thiền, góp thêm vào làm giàu có thơ Thiền
Việt Nam.
Hồn nhiên xanh lá trên cành
Không hay sâu bọ loanh quanh bóng mình
Hồn nhiên xanh suối lặng thinh
Không hay sấm chớp thình lình bão giông
Hồn nhiên xanh biển mênh mông
Không hay sóng cả trải lòng trùng khơi
Hồn nhiên xanh nắng bên trời
Không hay mây trắng cất lời hư vô
Hồn nhiên xanh cỏ ngây ngô
Không hay giun dế dưới mồ niệm kinh
Hồn nhiên xanh đến hết mình
Không hay cơn gió bội tình vừa qua
(Hồn nhiên)
Trạng thái “Hồn nhiên xanh ” tương phản với thực tại
vô thường của Trần Ngọc Tuấn không phải là thái độ sống “vô vi”(Vi vô vi, sự vô
sự) của Lão Trang thường thấy trong thơ trung đại Việt Nam. Hồn nhiên xanh là
vượt qua bão giông tư tưởng, vượt qua cái tâm sai biệt nhị
nguyên; vượt qua những bể khổ tử-sinh; vượt qua những hư huyễn ảo giác; những
ác nghiệp. Hình ảnh thiên nhiên cây cỏ, nắng bên trời, giun dế niệm
kinh dưới mồ vừa gợi ra một cảnh sắc thực tại, là vừa là cảnh sắc ẩn dụ để
chuyển tải tư tưởng Thiền, tư tưởng của một Hành giả đã như cánh chim bay vút
lên, thoát khỏi những nghiệt ngã dữ dội của Thân, Nghiệp (“Đã mang lấy nghiệp
vào thân”-Nguyễn Du).
Tôi rất thích bài thơ nhỏ này
Bên đồi
Một ngọn khói bay
Ai ngồi đốt lửa
Cho ai sáng lòng
(Ánh lửa hồng)
Bài thơ chỉ là một cặp Lục bát được ngắt ra để tạo thành một
bài Tứ tuyệt, thế nên có 2 cách đọc. Đọc bài thơ như Tứ tuyệt, và đọc bài thơ
như Lục bát.
Tôi thích đọc Lục bát, bởi Lục bát có nhạc, có vần, cấu trúc
tứ thơ tròn đầy, hình tượng trong thơ hiển lộ; nhờ đó tình ý vang lên, cộng hưởng
với những rung động trong tim phát ra những vòng hào quang rất đẹp của trí tuệ.
Bên đồi/ Một ngọn khói bay
Ai ngồi đốt lửa/ Cho ai sáng lòng
(Ánh lửa hồng)
Đọc theo cách đọc một văn bản nghệ thuật hiện thực: Bài thơ
là một cảnh hiện thực, một lát cắt không-thời gian. Ai đó đốt lửa bên đồi làm
khói bay lên. Một cảnh vừa quen thuộc vừa lạ. Quen bởi vì hình ảnh đốt lửa
làm khói bay ai cũng từng gặp: chẳng hạn cảnh đốt đồng ở miền Tây sau mùa
gặt, hoặc khói cơm chiều ở thôn quê (“Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” Huy Cận)…Nó
gợi ra sự thanh bình, yên ả và ấm cúng nhàn nhã sau những ngày làm lụng vất vả.
Đại từ”Ai” trong “Ai ngồi đốt lửa” là tha nhân, còn “ai” trong “cho ai ấm lòng”
lạ chính là nhà thơ, người hành Thiền. Vì có lửa của người khác chia sẻ nên nhà
thơ cảm thấy ấm lòng, ấm lòng vì có tha nhân ở bên, ấm lòng vì tình người như lửa
(Khác với J.P.Sartre: “Tha nhân là địa ngục”).
Nhưng bài thơ trở nên lạ trong trường mỹ học Thiền. Khói là
hình ảnh hư huyễn của vạn vật. Nó gợi ra cả một trời suy tưởng về tồn tại, về
những nuối tiếc cuộc đời khi con người biết rằng tất cả rồi sẽ qua đi, sẽ tan
đi và biến mất như làn khói kia. Con người phải đối mặt với hư vô và tan vào hư
vô hay là phải nỗ lực nhảy qua hố thẳm (Hố thẳm tư tưởng-Phạm Công Thiện).
Nhưng bài thơ đột ngột chuyển ý. Câu Lục là sự vật, câu
Bát là con người. Tâm điểm chú ý của bài thơ không phải là khói mà
là tha nhân, là lửa, bởi hai nhân tố này đem đến một giác ngộ:
“Ai ngồi đốt lửa/ Cho ai sáng lòng”.
Nhà thơ-người hành Thiền, nhìn khói mà ngộ ra chân lý vô
thường của sự vật, càng ngộ ra Thân-Nghiệp của Ngã. Mỗi người là quả nghiệp
của chính mình, của cha mẹ, của kiếp trước nhưng cũng của tha nhân. Chính người
đốt lửa tạo nghiệp phúc làm cho nhà thơ giác ngộ (sáng lòng).
Đức Phật từng dạy: “Vậy nên này Ananda, hãy tự mình là ngọn
đèn cho chính mình(atta-dipà viharatha), hãy tự mình y tựa chính mình
(attàsaranà) chớ y tựa một cái gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng
chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác”.
Có thể hiểu người đốt lửa ấy là người đem đến chánh pháp (Đức
Phật) cho hành giả, để rồi nhà thơ tự sáng.
Ung dung/ Từng bước du hành
Khai-thị-ngộ-nhập/ Rành rành dấu chân
(Tự sáng)
Khai-thị-ngộ-nhập là từ dùng trong Kinh Pháp Hoa. Phật
vì một đại sự nhân duyên mà ra đời: khiến chúng sinh được giác ngộ, và nhập vào
tri kiến của Phật. Khai thị là làm cho thấy, mở ra, chỉ cho thấy(3).
Bài thơ chỉ có 16 chữ nhưng chứa đựng những tư tưởng lớn về
con người (quan hệ Ta với Tha nhân), về hiện thực, về chứng ngộ Thiền; hơn thế
còn hiển lộ phẩm chất Hành giả an nhiên và cốt cách của một nhà thơ tài hoa. Đó
là chỗ đặc sắc của thơ Thiền Trần Ngọc Tuấn.
Ngày xuân đọc thơ Thiền
Tôi viết những dòng này trong những ngày xuân Tân Sửu, bởi có
lẽ, ngày xuân đọc thơ Thiền thì hạnh phúc hơn cả. Cám ơn nhà thơ Trần Ngọc Tuấn
đã giúp tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc Tịnh Độ
Nguyện xin/ Ở lại nơi này
Những mong tận thấy/ Hoa bay cùng người.
(Ở lại nơi này)
Cỏ hoa rực rỡ niềm vui, con người hân hoan gần gũi. Người ta chúc nhau bao nhiêu điều tốt đẹp, phải chăng đó cũng là đại nguyện của Phật A Di Đà (xin đọc đại nguyện số 32).
Chú thích:
(1) Trích sách Sen nở trời phương ngoại của HT Làng Mai, https://www.facebook.com/.
(2) Thích Hạnh Bình-Tư tưởng Không của Phật giao Đại Thừa: https://thuvienhoasen.org/.
(3) http://www.hoalinhthoai.com/.
21/2/2023
Bùi Công Thuấn
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét