Thứ Tư, 27 tháng 11, 2024

Mạch sống - Truyện ngắn của Đặng Thị Thúy

Mạch sống - Truyện ngắn
của Đặng Thị Thúy

Nhà họ ở cạnh nhau, cùng  một gióng đất. Mọi người bảo cái đất ấy không lành, có lẽ vì thế mà số phận của họ dường như đã được định sẵn nên giống nhau đến thế. Hai gian nhà cấp bốn xây gần giống nhau, cùng đi chung một ngõ. Những người chủ của hai gia đình ấy cũng có cái nếp sinh hoạt giống nhau.
Sáng sáng, cứ tầm sáu rưỡi là hai đứa trẻ lao ra cửa, í ới gọi nhau rồi tíu tít cùng nhau đi học. Hai người  đàn bà lịch kịch khoá cửa, họ chào nhau, nói đôi ba câu rồi mỗi người đi mỗi ngả lo việc kiếm tiền. Chiều chiều, hai đứa trẻ xách hai cái bếp than ra đầu ngõ nhóm bếp, đợi mẹ đi chợ về. Nhà nào việc nấy xong xuôi, đến khi hai đứa trẻ ngồi vào bàn học bài thì hai bà mẹ mới có thời gian trò chuyện với nhau. Hầu như tối  nào họ cũng phải trò chuyện một lúc. Họ kể cho nhau nghe những chuyện họ trải qua cả ngày hôm đó, có những chuyện khác thường, nhưng cũng có những chuyện chẳng có gì đặc biệt cả, ấy thế mà họ vẫn kể một cách say sưa và đầy hứng thú. Dường như cái việc chia sẻ ấy cũng đã là một thói quen từ lâu rồi. Hôm nay, vừa ăn cơm xong thì Đông đã nghe thấy tiếng gọi:
– Đông ơi, xong việc chưa?
– Chị Nhiên à? Em còn đang rửa bát. Chị ngồi chơi chờ em chút nhé.
Chị Nhiên đi thẳng xuống bếp, đứng sát cửa vào, hạ giọng:
– Này, cô có nghe tin gì không?
Đông hồi hộp hỏi:
– Chưa, tin gì hả chị?
Nhiên bước sát về phía Đông, liếc mắt lên phía cu Tùng đang ngồi học để chắc rằng thằng bé sẽ không nghe thấy gì, chị thì thầm:
– Sáng nay ở chợ, chị gặp thằng Phó con bà Voòng ấy…
– Vâng… thế có chuyện gì hả chị?
– Nó bảo là bố lão Cát đang ốm nặng, lại cứ đòi phải gặp bằng được mày với thằng cu Tùng…, hình như nay mai gì đấy thôi là lão Cát sẽ ra tìm mày về đấy. Thế mày tính thế nào?
Đông thần mặt ra, cái bối rửa bát trong tay thõng hẳn vào trong chậu:
– Thật không hả chị?
– Tao còn nói dối mày nữa à? Đúng là quân trơ tráo, lại còn dám vác cái mặt ra đây nữa cơ đấy, mẹ cha nó chứ, bà mày cứ không nhận, không quan hệ gì hết, bố của con bà chết từ khi nó chưa sinh ra cơ mà, làm gì còn thằng bố nào ra đây mà nhận…
Nhiên cứ thế tuôn xối xả, mắt nhìn chằm chằm vào bức vách trước mặt, hai tay chống ngang sườn, cứ như  có một “thằng bố” nào đấy đang đứng ở đây và đang đòi nhận con của chị vậy. Rồi như sực nhớ ra, chị quay sang hỏi:
– Này, thế cô định thế nào?…… này!… này!….
Đông vẫn thần người ra, mắt nhìn vào cái khoảng vô định trước mặt , nghe tiếng gọi chợt giật mình nhìn lên:
– À… em…, em…..
– Còn em, em cái gì nữa. Nó mà đến thì tống cổ nó ra khỏi nhà. Quen biết gì với cái giống sở khanh ấy….
Đông sực nhớ, ra hiệu cho Nhiên nói nhỏ, chỉ về phía thằng Tùng:
– Chị đừng nói gì cho nó biết nhé, để em tính xem.
– Giời ạ, tính gì nữa, đang yên lành thế này…
– Nếu thật như thế, em cũng chưa biết phải làm sao. Thôi chị cứ về đi…
Đông bỏ dở chậu bát đang rửa, chầm chậm đi vào ngồi xuống mép giường, hai tay vẫn mân mê cái bối rửa bát. Nhiên định nói thêm nhưng thấy vậy đành đi về.
Đông ngồi như thế không biết bao lâu, đầu chị lung bung với biết bao suy nghĩ đan xen nhau, tất cả đang rối cả lên, chính chị cũng không biết rõ là mình nghĩ gì nữa, cho đến khi cu Tùng gọi chị:
– Mẹ, mẹ ơi… mẹ sao thế?
– A,…ừ…  mẹ không sao, mẹ chỉ hơi mệt một tý thôi. Mẹ đi ngủ trước, chốc nữa con nhớ khoá cửa cẩn thận nhé!
– Vâng!
Tùng lại ngồi vào bàn học tiếp, còn chị lên giường nằm. Chị cảm giác như đầu mình đang đeo một mớ những thứ lộn xộn, không rõ là gì. Chị tự nhủ “hãy ngủ một giấc cho đầu óc tỉnh táo đã, ngày mai biết đâu sẽ nghĩ được rõ ràng hơn”. Nhưng khi chị nhắm mắt lại thì tất cả những hình ảnh mà chị đã cố quên từ lâu lại chợt ùa về. Thế mà cũng đã tám năm có lẻ rồi…
Ngày ấy, Đông là một cô gái ngoan ngoãn, chăm chỉ nhất ở cái làng biên giới  ấy. Cô có nước da ngăm ngăm, khoẻ mạnh, cặp mắt to đen láy lúc nào cũng như biết cười, biết nói. Gia đình cô thuần gốc Miền Đông nên tính cô rất thật thà, hiền lành, chẳng bao giờ xích mích hay nói nặng lời được với ai. Nhiều bà mẹ trong làng mong muốn có được cô làm con dâu, không ít những gã trai dập dìu săn đón  nhưng cô chẳng hề thấy lòng mảy may rung động. Bố Đông hy sinh từ hồi chiến tranh biên giới, nhà đã nghèo mẹ lại đau ốm suốt, ba chị em cô mải miết làm vườn ruộng quanh năm cũng không đủ ăn. Gặp đúng thời nhà nước có chủ trương mở cửa biên giới, con buôn từ khắp mọi nơi ồ ạt kéo về đây làm ăn, ngôi làng nhỏ bé yên tĩnh của cô cũng như chuyển mình và bị cuốn vào cái nhịp hối hả ấy. Cô cũng theo mọi người đi gánh hàng qua lại biên giới. Sáng gánh hai bao gạo to tướng lội qua suối sang bờ bên kia bán cho người Hoa, lấy tiền mua bia chai  gánh về bên này bán lại cho dân buôn. Chỉ vậy thôi nhưng ngày nào cũng kiếm được mấy chục ngàn đồng, số tiền mà trước đây cô phải làm cả mấy tháng trời mới có được. Nhưng chuyện buôn bán ấy cũng không dễ dàng lắm với  cô vì cô vốn hiền quá. Một lần, rõ ràng cô gánh từ bên kia về mười tá bia, buộc chằng gọn gàng, cô cũng đã đếm đủ trước khi gánh về, thế mà khi giao cho mụ béo, mụ ấy đếm ra đếm vào thế nào mà chỉ bảo là có chín tá, hàng của mụ thì chất đống ngổn ngang thế kia, trót xếp lẫn cả vào đấy rồi biết làm sao được. Thế có nghĩa là chuyến này bao công sức của cô là công không rồi. Nghĩ tiếc của, tiếc công nhưng cô không biết cãi với mụ như thế nào, bởi cãi được đến câu thứ hai thì cổ cô đã nghẹn lại, nước mắt đã trào ra rồi. Cô đành lủi thủi quay về. Chợt có một bàn tay kéo giật cô lại, lôi về phía mụ béo. Đó là một gã đàn ông độ ba hai, ba ba tuổi, gã hất hàm về phía mụ béo, nói:
– Mụ kia, rõ ràng tôi thấy mụ đếm mười tá sao lại bảo có chín? Định bắt nạt người ta hả?
– Lấy đâu ra mười, tôi đếm có chín. – Mụ béo cố cãi.
Gã đàn ông gườm gườm nhìn mụ:
– Mụ có muốn tiếp tục làm ở khu vực này nữa không đấy. Trả cho người ta! – Gã nói như ra lệnh.
Mụ béo đành rút tiền trả thêm cho Đông. Quá bất ngờ và vui mừng, cô chỉ kịp lí nhí  cảm ơn gã rồi chạy mau về nhà, như thể sợ mụ béo đổi ý sẽ đòi lại tiền của cô vậy. Hôm sau, vừa gánh hàng về đến bờ suối bên này, cô đã thấy gã đàn ông hôm qua đứng đón sẵn, gã bảo cô gánh hàng sang mé đường bên kia sẽ có người mua cho, không cần bán cho mụ béo nữa. Từ đấy, hôm nào cô cũng gánh bia về bán cho chủ hàng mới, ông ta lấy hàng và trả tiền rất nhanh mà chẳng bao giờ phàn nàn hay nói nặng lời nào cả. Ông ta là anh họ của gã kia. Họ ở tận mạn trong ra đây làm ăn nhưng rất có thế, chẳng có ai dám tranh giành hay gây gổ gì với họ. Và cũng từ đấy, Đông quen gã đàn ông kia. Gã tên là Cát, hơn cô mười tuổi. Vóc người gã cao to. Khuôn mặt gã sạm đen, hơi lạnh lùng nhưng cũng ưa nhìn. Giọng nói của gã nhẹ nhàng, dễ nghe chứ không nặng như giọng của Đông. Gã quan tâm, giúp đỡ Đông rất nhiều và không biết từ bao giờ cô thấy quý mến gã. Gã cũng đi lại nhà cô thăm hỏi và quan tâm đến mọi người trong nhà cô nhưng gã chẳng bao giờ nhắc đến gia đình cả. Mẹ Đông vẫn có ý lo ngại cho cô. Bà bảo:
– Nó là ma quê, biết nó có thật lòng với mình không mà mầy dám gửi thân hả con?
Quê Đông thường gọi những người phía trong ra đây làm ăn là ma quê, ý bảo họ khéo nói, khéo làm nhưng sống không thật lòng như người miền Đông. Chẳng hiểu sao nghe mẹ nói thế mà Đông vẫn tin là gã sống thật với mình. Hắn tốt và quan tâm đến mình thế cơ mà. Đông tin đến độ trao gửi cho gã hết cả. Ngày ấy có một gã trai cùng làng rất mê Đông nhưng cô chỉ quý và coi hắn như một người anh, mẹ hắn hay yếu đau mà nhà không có con gái chăm sóc nên thi thoảng Đông có ghé qua đỡ đần, trông nom bà cụ. Không ngờ, tức tối vì không lấy được Đông nên hắn tung tin rằng cô đã ngủ với hắn. Mà đúng lúc ấy Đông lại thông báo với Cát rằng cô đã có thai. Thế là Cát tin lời gã kia là thật. Cát chửi Đông, không để cho cô kịp thanh minh một lời nào cả, gã về quê lấy vợ luôn, không bao giờ quay lại mảnh đất này nữa.
Đến lúc ấy thì cái thai trong bụng Đông đã được bốn tháng, nhiều người xui  đi tìm thầy lang xin thuốc uống cho ra, nhưng Đông  thương  đứa bé, nó đâu có tội tình gì… Mẹ con cô phải hứng chịu biết bao nhiêu những lời đàm tiếu, những ánh mắt khinh khi cay nghiệt của xóm làng. Mẹ Đông tủi buồn quá, bệnh nặng dần rồi  qua đời. Coi như đời mình thế là hết, cô sống chỉ vì nghĩ đến đứa con. Rồi thằng bé được sinh ra giống Cát như đúc. Thằng Phó con bà Voòng trước theo Cát làm ăn biết nhà gã, nó bảo để nó dẫn về trong đó tìm gã nhưng với Đông, tình nghĩa chẳng còn cần gì trách nhiệm, đằng nào thì chuyện cũng lỡ  mất rồi.
Năm tháng rồi cũng trôi đi mang theo cả những nhọc nhằn đau khổ cả về vật chất lẫn tinh thần của Đông. Mấy đứa em cũng dần lấy vợ, lấy chồng và ra ở riêng, nhường cho hai mẹ con chị căn nhà cũ. Đứa con trai khôn lớn, ngoan ngoãn là niềm vui sống của chị. Cũng đã không ít lần nó hỏi về cha nó. Đông vẫn thỉnh thoảng cho nó xem ảnh của Cát và bảo: “Bố con đi công tác xa lắm, rất nhớ và muốn về thăm con nhưng chưa có thời gian, con ngoan, học giỏi thế nào bố về cũng cho con nhiều quà”. Thế là nó yên tâm không hởi nữa. Chẳng phải là Đông hy vọng gã quay trở lại, vết thương lòng năm xưa đã chai lại rồi đến nỗi chị chẳng còn có thể mở lòng ra được một lần nào nữa. Nhưng chị không muốn thằng Tùng mặc cảm với bạn bè rằng nó là đứa không có cha, chị muốn hình ảnh của người cha là một góc sáng và đẹp đẽ trong tâm trí nó, dẫu thực sự người cha đó không hề xứng đáng được như thế, chỉ cần thấy con vui là chị cũng vui rồi. Đã mấy lần nó vặn hỏi chị vì nghe loáng thoáng ai đó nói lại chuyện cũ, nhưng trước sự khẳng định chắc chắn của mẹ, nó lại tin ngay. Qua Phó, chị biết được cuộc sống của Cát chẳng suôn sẻ gì, cha hắn là con trưởng mà cả mấy anh em hắn chẳng ai đẻ được con trai, bản thân hắn cũng ba đứa con gái. Mấy năm trước mọi người biết vậy đoán rằng thế nào hắn cũng ra nhận con nhưng không thấy, có lẽ hắn sợ chị quá căm giận mà không chấp nhận hay vì điều gì đó chị cũng không cần biết. Nhờ trời, thằng bé ngoan ngoãn, khoẻ mạnh.
Cơ chế mới của nhà nước làm thay da đổi thịt cái xã biên giới nghèo này, việc bán buôn thuận lợi làm cho cuộc sống của mẹ con chị cũng khấm khá dần lên. Chị chỉ mong cuộc sống cứ như thế là mẹ con chị cũng toại nguyện rồi. Thế mà nay… hắn lại định cuớp con của chị hay sao? Hắn là một thằng bố không có lương tâm, hắn nỡ bỏ đi không một chút vấn vương gì cả, nay lại quay về mà đòi con hay sao? Cả một đời chị đau khổ, nhọc nhằn, hy sinh, mất mát tất cả là vì hắn, nay chị chỉ có con làm niềm an ủi duy nhất, hắn lại định cướp nó đi hay sao… Chị cứ suy nghĩ miên man như thế cho đến tận khi trời sáng tỏ, thằng Tùng lục sục dậy ở giường bên kia, chị mới ra khỏi giường nấu nồi cháo khoai , giục con ăn sáng. Thằng Tùng ăn xong vội vàng chạy ra cổng, í ới gọi cái Hà rồi cả hai cùng đi học.
Chỉ còn mình Đông ngồi trong nhà, đang bần thần suy nghĩ thì Nhiên sang, thấy chị vẫn còn ngồi đó, Nhiên cũng ngồi xuống bên cạnh, thở dài:
– Cả đêm qua tôi cũng không ngủ được. Càng nghĩ càng thương cho cái số phận hẩm hiu của chị em mình. Nhưng gì thì gì cô cũng phải nhất quyết không cho phép chúng nhận con, trời phạt chúng nó không cho có con trai, chúng nó phải chịu để bù vào tội lỗi của chúng. Bao năm nay chúng nó có thèm tằng đến con cái gì đâu….
Nhiên nói như bộc bạch chính nỗi lòng của mình, như thể bố con Hà sắp quay về đòi nó đi vậy.
Hoàn cảnh của Nhiên cũng giống như Đông. Từ lâu lắm rồi, gia đình Nhiên và Đông đã ở cạnh nhau. Khi Đông quen Cát thì Nhiên đã ba mươi hai, cái tuổi quá lứa nhỡ thì và đã toan về già rồi. Mà do vất vả từ bé, quanh năm làm ruộng và đi biển nên trông Nhiên lại càng già hơn so với tuổi. Những ngày Đông đẻ thằng cu Tùng, Nhiên vẫn thường qua lại giúp đỡ. Chị bỗng cảm thấy khát khao hơn bao giờ hết cái hạnh phúc được làm một người mẹ. Thế là bất chấp cái gương tày liếp kia, bất chấp tất cả những miệng lưỡi đàm tiếu cay nghiệt của thiên hạ, Nhiên chấp nhận đi lại với một người đàn ông dù biết là ông ta đã có vợ con  rồi. Sau khi Nhiên đẻ thì ông ta cũng lặn bặt tăm luôn. Có lẽ Nhiên cũng không đến nỗi căm hận ông ta cho lắm nếu không có chuyện ông ta hứa hẹn sẽ có trách nhiệm và coi mẹ con chị như vợ lẽ con thêm. Cũng có thể là do ông ta cũng khát con trai  mà Nhiên lại đẻ ra con gái. Nhưng chị cũng chẳng cần bận tâm đến tất cả những điều ấy nữa bởi  quan trọng nhất là chị đã đạt được điều mình mong muốn. Khác với Đông, ngay từ khi cái Hà biết nhận ra sự thiếu vắng của người bố thì Nhiên đã bảo với nó rằng  bố nó đã chết từ khi nó chưa được sinh ra. Thế nên con bé yên tâm trong cái ý nghĩ là nó mồ côi bố. Cuộc sống của hai người đàn bà ấy có lẽ sẽ cứ  trôi đi như thế nếu không có chuyện xảy ra ngày hôm qua.
Thấy Đông cứ ngồi nghe mãi mà chẳng nói gì, Nhiên vừa kéo tay Đông đứng dậy vừa nói:
– Thôi, nghĩ ngợi làm gì cho đau đầu, dậy mà đi bán hàng kiếm tiền nuôi con, sểnh ra một ngày là con mình đói, ai lo hộ mình đây? A, mấy hôm nay hàng hoá bên chỗ cô thế nào, có đủ bán không? Sắp Tết rồi nên trong kia họ điện ra giục chuyển hàng về gấp mà chưa biết kiếm đâu ra, nhặt mấy chỗ mà vẫn chưa đủ.
– Từ hôm cấm biên đến giờ nhà nào chẳng khan hàng hả chị, có nhà còn tăng giá giao cơ đấy. Thôi chết, chị nói em mới nhớ là sáng nay hẹn với A Sằn lấy hàng sớm, có lẽ nó chuyển sang rồi cũng nên. Thôi, chị em mình đi đi!
Đông hối hả xách túi, khoá cửa rồi  cùng Nhiên  ra ngõ. Hai người đàn bà đi về hai ngả khác nhau, hoà vào dòng người nhộn nhịp với những bộn bề toan tính cuộc mưu sinh cùng hai nỗi lòng nặng đầy  suy nghĩ.
Chiếc xe khách từ từ rẽ vào bến rồi đỗ hẳn trong bãi xe. Hành khách lần lượt đi xuống. Đám xe ôm ào tới mời mọc, chèo kéo. Xuống cuối cùng là một người đàn ông độ gần năm mươi tuổi, dáng cao gầy, khuôn mặt vẻ khắc khổ. Gã xe ôm kéo tay ông ta, mời mọc:
– Bác về đâu cháu chở cho?
– Cho tôi về chợ Một – Ông ta nói nhanh.
Gã xe ôm mau mắn chạy lại nổ máy cho xe chạy. Ngồi sau xe, người đàn ông ngó nghiêng quan sát khắp hai bên đường. Tất cả như lạ như quen. Vẫn cây cầu ấy, dòng sông ấy mà sao bây giờ sầm uất và đẹp thế. Hai bên bờ sông trước kia toàn là lau sậy, nhà cót ép lụp sụp sau những bụi cây, giờ được thay bằng những toà nhà cao tầng san sát. Trên cầu người xe qua lại tấp nập. Dưới sông, thuyền bè hối hả ngược xuôi. Thuyền, xe nào cũng ắp đầy hàng hoá… Người đàn ông ấy cứ mải mê nhìn ngắm. Dù đã được nghe kể trước nhưng ông ta cũng không thể tưởng tượng là mảnh đất này lại thay da đổi thịt nhanh đến thế. Ông ta chợt mỉm cười khi chợt thấy chiếc xe Min – khờ chất đầy hàng hoá phành phạch chạy qua, phả lại phía sau một đám khói đen khét lẹt. Chỉ có nó là vẫn như ngày nào, cái ngày mà chính ông ta cũng làm chủ một chiếc như thế để ngày ngày chở hàng hoá từ cửa khẩu về bến xe. Phải, người đàn ông đó chính là Cát. Ông ta vừa vượt qua hơn ba trăm cây số để trở ra mảnh đất này, mang theo điều ước nguyện thiết tha của người cha đang cận kề cõi chết.
Gã xe ôm dừng lại trước cổng chợ Một theo lời Cát. Gã lấy của ông ta ba nghìn đồng rồi lại vội vã phóng đi ngay. Cát ngơ ngác nhìn quanh. Rõ ràng đây là nơi ông ta muốn đến, dù cảnh vật khác đi nhiều nhưng ông ta vẫn nhận thấy con đường phải đi. Ông ta rẽ sang con đường nhỏ phía bên kia. Phía cuối con đường này sẽ là căn  nhà có cây mận ngay trước cổng. Ông ta sẽ vào đó, sẽ gặp được thằng con trai bảy tuổi, niềm khát khao cố kìm nén suốt hàng chục năm qua của ông ta. Nhưng… liệu nó có chấp nhận mình không nhỉ, hay là nó sẽ nhìn mình với một con mắt căm giận, khinh ghét, tràn ngập hận thù? Hoặc là nó sẽ chẳng biết mình là ai… Mà không biết cũng phải thôi, vì đã bao giờ mình gặp nó đâu… Mình sẽ phải bắt đầu nói với nó như thế nào nhỉ? Cả Đông nữa, cô ấy có thể tha thứ cho mình không? Nghĩ đến đấy thôi thì Cát cảm thấy mình chẳng còn mặt mũi nào mà gặp họ nữa. Nhưng hình ảnh người cha gầy gò, teo tóp vì bệnh tật mấy tháng nay nằm liệt giường lại hiện lên rõ mồn một trước mắt ông, những lúc thiếp đi thì thôi chứ lúc nào tỉnh ông cụ lại đòi gặp bằng được đứa cháu đích tôn:
– Thằng Tùng đã về chưa hả?
Hễ nghe nói là “chưa” thì ông cụ lại nhắm nghiền mắt vào, miệng vẫn thều thào chửi:
– Tiên sư cái thằng Cát kia, mày còn chưa đi đón mẹ con nó về hả? Mày định để ông chết không nhắm mắt được à?
Trong hơi thở thoi thóp ông cụ còn lẩm bẩm:
– Nhà mình còn phúc, con ạ. Dẫu  có phải quỳ gối xuống mà lạy mẹ con nó mày cũng phải làm, nghe chưa? Nhà này…. nhà này chỉ còn trông vào đấy thôi, đi mau đi con…
Chân Cát đã dừng trước cổng. Căn nhà đã thay đổi hoàn toàn so với trước, duy chỉ có cây mận trước cửa là vẫn còn nguyên. Cửa khoá bên ngoài. Cát trở bước quay ra vừa lúc một người đàn bà tất tả đi vào, vừa đi vừa cúi lục chìa khoá trong túi xách, suýt va vào nhau, chợt giật mình nhìn lên. Cả hai cùng ngỡ ngàng…
Chiếc bàn uống nước thấp là thế mà sao Cát thấy nó cao ngất như núi vậy. Phía bên kia là Đông với khuôn mặt lạnh như băng. Cát biết trước thế nào cũng là như thế. Nhưng Cát vẫn thu hết can đảm để thốt lên một cách khó khăn:
– Đông… tôi ra đây lần này… là vì…..
– Anh không cần phải nói gì cả, tôi biết hết rồi.
– Đông, tôi biết là tôi có tội với hai mẹ con, nhưng…
Giọng Đông vẫn cứng cỏi, lạnh lùng.
– Nó đâu phải là con của anh, thế nên anh hãy để cho chúng tôi được yên.
– Tôi biết là tôi đã sai rồi, cũng chính vì thế mà tôi đã bị trời phạt ra nông nỗi này đây. Bao năm nay biết con mình mà tôi đâu dám nhận, tôi không còn mặt mũi nào mà gặp Đông. Tôi cũng tưởng Đông đã yên ấm với ai đó rồi, tôi không muốn làm khổ Đông thêm nữa.
– Vậy thì anh về đi.
– Đông… Đông hãy hiểu cho tôi, hãy cho tôi được nói với Đông, dù chỉ một lần này thôi, còn thì tuỳ Đông quyết định.
Thế rồi Cát kể về cuộc đời của mình, bắt đầu từ cái ngày anh rời mảnh đất này mang theo nỗi hận và niềm tin mù quáng của mình, chấp nhận lấy cô gái cùng xóm do cha sắp đặt, rồi thì buôn bán thua lỗ, phiêu bạt, gia đình lục đục vì vợ chồng chẳng hợp nhau.
Giọng nói của Cát đều đều, trầm trầm mà sao Đông nghe lòng mình đau nhói, từng đợt sóng ở đâu cứ cuộn lên trong lòng, rồi vỡ oà theo những giọt nước mắt mặn chát mà chị đã cố kìm nén mười mấy năm qua. Giờ chị cứ để mặc cho nó tuôn trào, cho những tủi phận căm hờn cứ thế mà trôi ra theo, chị chẳng còn đủ lạnh lùng mà giữ nó lại nữa. Bao nhiêu lời cay đắng, bao nhiêu lời nguyền rủa mà chị nghĩ sẽ có thể xả vào mặt kẻ phụ tình khi gặp, thì giờ đây cứ nghẹn lại trong cổ chị rồi tràn ra thành thứ nước mặn chát này. Anh ta ngồi kia, mới bốn mươi hai tuổi mà trông như đã năm mươi, dáng người khắc khổ, đầu cúi gằm, nét mặt nhau nhúm như một kẻ tội đồ đang chờ được phán xét và hành xử. Chính con người này, cái con người chị đã tin tưởng trao gửi cả cuộc đời của mình, đã hết lòng yêu thương, chờ đợi và cũng vì thế mà tột cùng căm giận. Bởi cũng chính con người ấy là gốc rễ của tất cả những cơ cực, đắng cay của cuộc đời mà chị đã phải trải qua. Nhưng cứ như những gì chị biết và những gì anh ta nói  thì cuộc đời anh ta cũng chẳng phải hạnh phúc thanh thản gì. Vợ chồng không thương yêu nhau, làm ăn thất bát, cũng cơ cực, nhọc nhằn và khốn khó lắm. Khi biết Đông bị oan rồi, mấy lần anh cũng đã định quay ra nhưng ngặt nỗi người đàn bà mà anh cưới gấp để trả thù Đông ngày ấy cũng đã có con với anh rồi… Âu cũng là số phận bắt cả chị và anh ta phải chịu như thế. Giờ chị làm sao mà nỡ trách ai kia. Nhưng tha thứ cho anh  ta là điều mà chị chưa hề nghĩ đến. Chấp nhận chung chồng với kẻ khác cũng là điều chị chưa bao giờ tưởng tượng ra. Không có chồng bao năm nay cuộc sống của mẹ con chị vẫn tốt đấy thôi. Nhưng còn ông cụ. Chẳng lẽ chị nỡ để mặc ông cụ chết mà không thấy cháu mình sao?
Chị đang rối bời  suy nghĩ thì thằng Tùng chạy xộc vào nhà. Nó dừng lại giữa cửa vài giây nhìn vào mặt người đàn ông ngồi đó. Đúng là bố nó về thật rồi, bà Voòng không lừa nó, đúng là bố nó thật. Nó quăng chiếc cặp sang một góc, chạy ào đến, nhảy phốc lên ôm thật chặt cổ Cát:
– Bố… đúng là bố đã về rồi.
– Tùng… Con…
Niềm xúc động trào lên khiến Cát bật thành tiếng gọi, vòng tay ôm chặt thằng bé vào lòng.
Thằng bé đưa tay sờ mặt Cát. Khuôn mặt dẫu có đen sạm hơn, gầy gò và nhăn nheo hơn trong ảnh nhưng nó vẫn chắc chắn đây đúng là bố nó. Còn Cát bây giờ mới kịp nhìn vào mặt thằng bé. Nó giống anh y như đúc thật. “Từ cái mắt một mí, đến cặp lông mày, cái môi dưới có cái ngấn kia nữa, giống mình y hệt”.
Thằng bé dụi má vào chiếc cằm lởm chởm râu của bố nó:
– Sao bố đi lâu thế? Sao mãi hôm nay bố mới về? Bố bận lắm à?
Thằng bé hỏi dồn dập như thể nó muốn bố nó phải giải đáp tất cả những thắc mắc suốt từ khi nó được sinh ra đến bây giờ. Mà cũng phải thế thật bởi vì sau bao nhiêu mong ngóng, sau những bảy lần cây mận trước cửa kia nở hoa, cái cây mận mà mẹ nó đã mấy lần định chặt đi nhưng nó thì khăng khăng không chịu bởi nó thấy bố của những đứa bạn nó đi làm xa nhưng cứ đến Tết lại về, mà cứ đến Tết cây mận mới nở hoa, thì hôm nay là lần đầu tiên trong đời nó được gặp mặt bố nó. Cát chưa biết phải nói thế nào bởi sự việc xảy ra không giống những gì anh tưởng tượng, khiến anh hoàn toàn bất ngờ và xúc động.  Cát ậm ờ trả lời theo nó:
– Ừ, bố bận quá.
– Con biết chắc chắn bố sẽ về, mẹ cũng bảo vậy. Thế mà cái  Hà cứ bảo là bố cũng giống như bố nó, không bao giờ về nữa.
Thằng Tùng cứ thế ngồi cuộn tròn trong lòng Cát kể hết chuyện này đến chuyện kia, như thể nó sợ rời ra là bố nó lại đi mất vậy.
Cát xoa đầu nó và nhìn Đông với đôi mắt biết ơn lẫn khâm phục. Cát nói không chỉ với con:
– Chỉ tại bố bận quá đấy thôi, bây giờ thì hết bận rồi. Nếu mẹ cho phép, ngày mai cả nhà mình sẽ về quê thăm ông nội . Ông đang  ốm nặng lắm , và ông rất mong sớm gặp hai mẹ con.
Đông bối rối chưa biết phải nói sao trong khi thằng Tùng sung sướng reo lên:
– A, thế là năm nay con được ăn tết ở trong quê rồi, vui quá!
Rồi như sực nhớ ra điều gì, nó tụt xuống chạy vụt ra cửa. Có lẽ nó muốn chia sẻ niềm vui sướng tột cùng đó với người bạn thân nhất, ấy là cái Hà. Quả như thế thật, nó chạy thẳng sang nhà kế bên, nói như reo:
– Hà ơi, mai anh được về quê nội ăn Tết rồi. Bác Nhiên ơi, cả bố cháu về đón nữa, bác sang mà xem.
Thằng Tùng nói liền một mạch. Niềm hạnh phúc lớn lao  của nó không làm cho không khí trong ngôi nhà này náo nức lên như nó đang nghĩ. Bác Nhiên chẳng nói gì. Mặt cái Hà thì buồn thiu, nó trả lời cộc lốc:
– Biết rồi.
Tùng ngơ ngác không hiểu thế nào. Nó chẳng bao giờ làm gì để cái Hà giận cả. Vì chúng lớn lên cùng nhau, hoàn cảnh sống cũng gần như nhau, Tùng lại lớn hơn Hà nên nó coi con bé như là bạn, là em gái, lúc nào cũng nhường nhịn nó. Hôm nay có chuyện gì mà nó lại dỗi thế nhỉ? Hay là nó bị mẹ mắng? Tùng toan hỏi thêm thì vừa lúc mẹ nó vội vàng chạy sang. Hình  mẹ nó hiểu chuyện gì. Chị liền ra hiệu bảo Tùng kéo Hà ra ngoài sân. “À thì ra nó bị mẹ đánh, chắc lại bị điểm kém giống như hôm nọ đây mà. Hôm ấy cô giáo bảo: hãy kể về gia đình em. Nó liền kể: bố em làm thợ điện, mẹ em bán hàng. Hàng ngày bố em thường dạy em làm toán và viết chính tả. Em rất yêu bố mẹ em… Cô giáo bảo rằng nó kể không đúng sự thật và cho nó điểm 2, đã thế nó còn bị mấy đứa trong lớp trêu là đồ không có bố mà còn nói dối. Về nhà nó bị mẹ đánh cho một trận đau điếng. Hình như hôm ấy mẹ nó cũng khóc. Hôm ấy mẹ Tùng cũng bảo nó kéo Hà ra ngoài chờ mẹ nó bớt giận mới cho về. Sau đó bác Nhiên phải xin cho Hà sang học trường khác. Chắc chắn hôm nay lại xảy ra chuyện lớn rồi”.
Nó vừa đoán vừa kéo tay Hà đi ra.
– Sang nhà anh chơi đi, hôm nay bố anh về thật rồi đấy
Con bé vùng vằng đi theo Tùng ra ngoài. Nhưng nó nhất quyết không vào nhà Tùng. Nó thì thầm hỏi:
– Bố anh về thật à? trông có giống như ảnh anh cho em xem không?
– Sao lại không giống, em vào mà xem, bố anh thì phải giống anh chứ. A, thế hôm nay lại bị điểm kém à?
– Không, nhưng em bị ăn đòn.
– Sao vậy?
– Chỉ tại lúc nãy nghe bà Voòng nói chuyện nhà anh, lúc bà ấy về  em bảo “nếu bố mà chưa chết nhà mình cũng vui như thế mẹ nhỉ” Thế là mẹ em đánh em mấy cái liền, lại còn mắng… cái gì  mà con cua… con cáo… cái gì nữa ấy…
– Mẹ Hà bảo Hà là con cua con cáo á?
– Ừ, hình như là thế. đấy là em chỉ ước thế thôi chứ bố em chết rồi, cũng như bố cái Chi ấy thì làm sao mà về được nữa. Chỉ  anh bây giờ đã có bố rồi, đứa nào bắt nạt là về mách bố, sướng nhé.
Thằng Tùng cười toét miệng, bây giờ nó mới thấy cái Hà nói đúng cái mà nó muốn khoe.
Tất cả những lời nói vô tư của hai đứa trẻ đã lọt vào tai hai bà mẹ không sót một từ nào. Nhiên thở dài nhìn Đông:
– Cô xuôi rồi à?
– Nghĩ tội cho thằng bé, chị ạ. Chưa bao giờ em thấy nó vui sướng như thế.
– Ừ, thế cũng phải. Hôm nay nghe con Hà nói mà tôi cũng xót cả ruột gan, giận mình mà đánh oan con. Khổ thân con bé bị khổ lây vì mẹ. Giá mình biết trước mọi chuyện sẽ như thế này…
– Hay chị nói  cho nó biết chuyện, nhưng nó còn bé quá, chắc phải từ từ chị ạ.
– Tại  tôi ích kỉ chỉ nghĩ đến mình mà không chịu hiểu con, giờ tôi biết phải nói với nó thế nào, chắc phải chờ khi nó lớn tí nữa. Không biết rồi nó có hận tôi không?
– Chắc nó sẽ hiểu chị mà. Bé thế mà cũng biết nghĩ, biết thương mẹ lắm đấy!
Nhiên gật đầu, điều đó thì chị hiểu hơn ai hết. Giờ chị chỉ ước sao con bé được như thằng Tùng để nó đỡ thiệt thòi tủi thân với bạn bè, còn chị thế nào thì cũng xong. Còn mà được như Nhiên thì chị chẳng dám mong ước bởi điều đó quá xa vời. Nhưng ai mà cấm được người ta có quyền mong ước để mà sống. Cũng như Nhiên, cô ấy có bao giờ ngờ rằng sẽ có lúc thế này. Nhìn Nhiên, chị chợt hỏi tại sao mình lại không thể cho mình, cho con cái quyền hi vọng ấy…. Từ bao lâu nay, chị luôn cho rằng cách sống của Đông là không đúng. Nhưng bây giờ, chị mới chọt thấy rằng: người cần phải điều chỉnh lại chính là mình… Tiếng Đông cắt ngang dòng suy nghĩ của chị:
– Có lẽ sớm ngày mai em phải về trong ấy gấp, ông nội thằng Tùng chắc sắp đi rồi. Mong sao ông cụ được thanh thản.
– Ừ, sắp xếp mà về cho sớm. Còn công việc ngoài này cứ để tôi nhắn mấy đứa lo giúp cho.
– Mai ngày kia, cây mận nở đều, chị chặt lấy một cành to mà cắm trong nhà cho đẹp. Chẳng năm nào em thấy chị chặt vào cắm cả.
– Thì cái cây to đùng trước cổng ấy chẳng phải là của nhà mình hay sao?
Đông cười  kèm theo cái nháy mắt đầy hàm ý:
– Ở cửa nhà mình cả một cây to, nhưng chưa vào nhà thì cũng chưa chắc đã phải của mình, dù chỉ là một bông nhỏ.
Nhiên bỗng ngẩn người trước câu nói của Đông. Ngoài kia, gió đông hình như đã tràn về, ùa vào trong căn nhà, ấm áp. Dường như có tiếng cựa mình của những mạch sống mới đang dâng trào phía dưới lớp vỏ khô cũ kỹ của thân cây mận ngoài sân. Hai người đàn bà nhìn sâu vào mắt nhau. Xuân nay vừa đến sớm!.
22/1/2023
Đặng Thị Thúy
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...