Thứ Tư, 27 tháng 11, 2024

Góc tủ cuối năm

Góc tủ cuối năm

Có những thứ cứ mỗi năm dọn ra lại cất vào, không phải vì quá quý mà không bỏ đi, không phải vì quá cần mà để lại. Giữ lại để tiếp tục nối dài kỷ niệm ư. Đó là trường hợp cuộn len trong góc tủ của nhà tôi.
Cuộn len ấy chính là chỗ len thừa mà mẹ chồng tôi chưa kịp đan tiếp chiếc khăn quàng cổ cho đứa cháu nội- là cậu con trai của chúng tôi thì bà đã ốm. Mỗi lần vào dịp cuối năm, dọn tủ quần áo là tôi lại đụng vào túi len. Nó còn nguyên cả kim đan, nửa cuộn len màu ghi xám vẫn mùi len mới chưa trải sợi.
Thằng bé con rất quấn bà nội.  Từ lúc bé sinh ra nó được bà ẵm bồng cưng nựng. Hễ bố mẹ có mắng mấy câu là chạy tọt vào phòng bà trú ngụ, dằn dỗi.
Mùa đông đến, tôi mua đủ thứ áo len, áo khoác, khăn quàng cổ, mũ đội đầu cho con trai. Nhìn nó như cái cục bông di chuyển trong lạnh giá. Như con lật đật chạy vào lớp học mẫu giáo đến là buồn cười. Về đến nhà là tháo bỏ một đống đồ len đặt lên ghế.
Buổi tối ấy, cả nhà đang ngồi xem ti vi, trời lạnh lắm. Tất cả cho hết chân vào một chăn lông mỏng mà vẫn chưa hết rét. Các cửa đã đóng chặt. Thế rồi, thằng bé rất khó chịu với cái khăn to ở cổ. Nó bỏ ra từ lúc nào không biết. Đến hôm sau thì nó bắt đầu ho. Mẹ lại tự trách bản thân là đêm ngủ cùng cháu ngủ thế nào say quá quên không canh để kéo chăn lên cổ cho cháu ấm.  Mẹ cứ tự trách mình như thế làm vợ chồng tôi áy náy. Trẻ con nó ốm ho mùa đông là chuyện thường. Mẹ lại lụi hụi đi lấy lá hẹ hấp mật ong nịnh thằng cháu nhỏ ngậm nuốt. Nó bướng bỉnh không chịu uống. Cả nhà lại phải dùng hết biện pháp nịnh, dọa, lừa mới uống được mấy viên thuốc đắng ngét. Rồi mấy ngày sau nó cũng khỏi ho. Mắt mẹ trũng xuống, hình như đêm nào mẹ cũng thức canh cháu ngủ thì phải…
Vừa nấu cơm vừa trò chuyện, mẹ bảo: “Chả dám ngủ vì sợ đêm cháu nó nóng lạnh thất thường và lại hất chăn ra.” Tôi kể với mẹ, hồi nhỏ, con thường có cái mũ len chụp xuống hở mỗi cái mắt, kín cả cổ, kín cả đầu, kín cả mũi, ấm lắm. Đứa nào đi học cũng kín mít những ngày rét buốt. Có đứa thò lò mũi khụt khịt mãi rồi lau luôn vào mũ. Trẻ con thời đó thế.  Giờ người ta không bán loại mũ len đó cho trẻ con nữa. Bỗng dưng mẹ vui hẳn lên: Mua len về mẹ đan cho thằng Tít một cái. Mũ len như vậy hồi xưa mẹ vừa đi dạy học vừa tranh thủ cũng đan được cho mỗi đứa một cái đấy. Mẹ biết đan ạ? Chứ còn gì, ngày xưa mẹ đan giỏi lắm. Đan áo, đan khăn, đan mũ. Làm gì sẵn có mua như bây giờ.  Cái hồi thằng Lâm (chồng tôi giờ) đi học đại học rồi mà vẫn thích mẹ đan khăn cho quàng đó.  Toàn tranh thủ đan.  Buổi tối đan dưới ánh đèn dầu. Tranh thủ đan lúc trống tiết dạy học ở trường, ngồi chờ nồi cơm chín cũng đan ấy chứ… Gớm ngày xưa, len dạ quý lắm. Cái áo len của chị Lan, mẹ đan cho mặc đến thằng Thắng  rồi đến chồng con là đứa thứ ba thì chật, chả bỏ đi và cũng chẳng cho ai đâu, mẹ lại tháo ra, hấp lại trong nồi nước nóng cho sợi bông tơi rồi đan lại thành khăn quàng.
Nghe mẹ kể y hệt như kể về cuộc sống của tôi vậy. Những chiếc áo len cứ tháo ra đan vào chắp vá thành chiếc áo mới. Cuộc đối thoại bất đối xứng mà cùng thời, mẹ là người đan những chiếc áo cho anh chị em chồng tôi, còn tôi kể về cảm giác được mặc những chiếc áo chắp từ những mảnh len của thời các mẹ. Mẹ ở quê nên vất vả hơn cuộc sống ở thị xã như mẹ của tôi. Vào mùa đông, đi dạy học về, mẹ còn phải chăm mấy luống rau ngoài đồng, nuôi lợn để Tết có thịt. Nhà là con trưởng nên không nuôi lợn không được. Rồi vết sẹo ở chân chồng tôi cũng là vì băm củ chuối  nuôi lợn mà ra. Chuyện của mẹ con tôi kéo dài mãi như những sợi len mùa đông thời ấy. Những sợi len qua tay các mẹ được tái sinh thêm một kiểu dáng mới. Tôi cứ xuýt xoa, ngày xưa các mẹ khéo tay thật đấy! Lời khen như làm mẹ thêm phấn khích. “Mai mua cho mẹ cuộn len. Mẹ đan cho thằng Tít một cái mũ… mà không biết còn nhớ cách đan không nhỉ!” Tôi cũng phấn khích theo vì đã lâu trong nhà toàn đồ mua  không có gì gọi là thủ công truyền thống cả. Nhân dịp này tôi cũng học cách đan khăn lại. Hồi sinh viên chúng tôi cũng dành cả buổi tối để đan khăn len đó chứ. Mấy đứa cùng phòng đan cho mình rồi đan cho cả người yêu nữa.
Tôi mua tận ba cuộn len và cả kim đan nữa. Hai đôi kim đan bằng kim loại luôn. Về nhà đã thấy mẹ bày sẵn lên bàn đôi kim đan vót từ đũa tre già. Mẹ bảo thích đan bằng tre già này hơn.
Buổi tối cả nhà quây quầy bày len ra đan. Trên tivi hôm nay chiếu bộ phim cuối tuần, chả nhớ tên phim là gì vì cái tên nước ngoài đọc không nổi. Đọc mà nhầm thì thằng lớn nó cười ngặt nghẽo. Ví như máy lọc không khí Encovy thì lại đọc là Em Cô Vy cho nhanh… Bộ phim giả tưởng hay quá, tôi không thể đan được đường kim nào. Những con ma ngoài hành tinh xuất hiện để tiêu diệt người trên trái đất. Chúng có một năng lượng siêu hình, nếu chạm vào ai, người đó sẽ tan thành bụi ngay và biến mất không dấu vết chứ đừng nói tới đối mặt với cái chết mà đau đớn. Cuộc đấu tranh với thần chết của một thành phố hiện đại là nhóm người nghiên cứu về khoa học đã dụ được đám ma đó ra ngoài ngoại ô và dồn chúng vào một thư viện lớn đã vắng bóng người. Kẻ thù nào dù lớn đến đâu cũng có điểm yếu của nó. Nhưng để tìm được điểm yếu ấy dường như đạo diễn phim đã để sự may mắn và ý nghĩa của tình yêu thương chỉ có ở con người, lớn hơn là giải pháp khoa học. Vô tình ở một góc thư viện khổng lồ ấy có một nhà nghiên cứu ẩn dật đã ngồi ở căn phòng bị lãng quên nhiều năm. Dường như ông ta ngồi đó để đợi kẻ thù ngoài hành tinh đến. Chính ông ta có một vũ khí để tiêu diệt loại ma khủng khiếp này. Vũ khí đó là gì? Bộ phim cứ khiến người ta phải giật mình trước những tình huống hồi hộp này đến hồi hộp khác. Tôi mê mải xem cho tới khi gần hết phim, chết mất bao nhiêu người, hóa ra vũ khí  đó là lửa. Một cái bật lửa mà nhà khoa học đã dùng để hút bao nhiêu thùng thuốc lá cho tỉnh táo để nghiên cứu tìm cách cứu vãn ngày tận thế của loài người. Vì bị dồn vào cánh cửa cuối cùng, ông ta nhớ đến mẹ, sờ vào túi thấy vật kỷ niệm của mẹ trao cho trước khi bị bố đuổi ra khỏi nhà vì ông quá mê thứ nghiên cứu dị người. Đó là chiếc bật lửa. Ông đã bật lửa lên để đốt sợi dây buộc cánh cửa, rồi nhảy ra ngoài, Không ngờ con ma vừa chạm vào lửa, nó bị nổ đến bép một cái rồi tan biến khỏi thế giới tồn tại. Thế là những cuốn sách sau đó trở thành vũ khí tối tân nhất với ngọn lửa bùng cháy và quăng vào đám ma. Con người quay mũi để tiêu diệt kẻ thù ngoài hành tinh bằng lửa…
Bộ phim kết thúc cũng là cảm giác muốn được nghỉ ngơi ùa tới. Tôi xếp cuộn len lại. Mẹ cũng về phòng nghỉ.  Ngày hôm sau, và những ngày tiếp theo cứ việc nọ nối việc kia, cuộn len của tôi vẫn còn nguyên si. Một tuần sau, buổi tối cả nhà lại ngồi vào xem tivi, mẹ khoe, xong rồi đây này. Trông cái mũ len đúng y như hồi xưa tôi đội. Mẹ còn đan rộng hơn để nhỡ sau thằng cháu trai út nó lớn đầu to hơn vẫn vừa. Tít  thích lắm, nó bảo: “Mũ bà đan giống mũ chiến binh ninza như trong phim ấy! Con sẽ đội suốt để không bị ho nữa!”
Chiếc mũ len màu ghi ấm áp, sợi lại đàn hồi mềm mại, Tít thích lắm. Nó bảo, đến lớp đứa nào cũng muốn đội thử vì như ninza ấy! Có hôm về đến nhà, Tít mếu máo vì bị bạn cắn vào tay do không cho mượn mũ ninza. Bà nội xót cháu bảo: “Mai bà đến hỏi tội xem đứa nào dám đánh cháu bà.” Nó bảo: “Bạn ấy bị cô phạt rồi! Bà đừng đến nữa. Bà nó béo hơn bà nhiều… ”
Thời gian cứ trôi đi. Trước những mùa đông, lại dọn tủ để xếp quần áo rét ra, thu gọn bớt quần áo mùa hè lại. Bộ nào cũ, hoặc ngắn lại xếp gọn bỏ đi hoặc cho các em họ. Riêng cái mũ len thì cu cậu mở ra lại cất vào góc tủ. Hình như nó hơi bần thần một chút: Đây là chiếc mũ bà đan cho con, ấm lắm. Nhưng giờ đội vào trông buồn cười mẹ nhỉ! Đầu con giờ to quá không đội được nữa rồi! Không biết nó sẽ giữ đến bao giờ!
Ngày mẹ chồng tôi mất, trong tủ riêng của bà có một chiếc hộp bằng gỗ, giấu tận góc dưới chồng quần áo. Tôi ngạc nhiên vì bao nhiêu tiền vàng bà đều trao cho con cháu hết. Mà bà làm gì có nhiều tiền nữa để cất giữ vậy. Mở chiếc hộp ấy ra, đó là chiếc áo cũ của Tít. Chiếc áo rất đặc biệt, bị cắt xẻ một ống tay áo. Cuộn trong chiếc áo là tờ giấy ghi ngày tháng Tít bị gẫy tay và phải bó bột, phải cắt một ống tay áo ra. Hồi đó Tít mới hơn một tuổi, chạy ra đón mẹ về bị ngã nhẹ mà gẫy cả tay… Cầm chiếc áo, bao nhiêu kỷ niệm bỗng ùa về. Tôi gọi Tít vào, đưa cho nó chiếc hộp ấy. Nó ngỡ ngàng vì giờ mới biết từng gẫy tay.
Tôi lại cất túi len vào góc tủ. Không biết bao mới có thời gian để đan tiếp chiếc khăn… Và lúc ấy liệu tôi còn nhớ cách đan len của thời các mẹ nữa không!.
20/1/2023
Nguyễn Thị Thu Hà
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...