Thứ Tư, 27 tháng 11, 2024

Cổ tích mùa xuân

Cổ tích mùa xuân

Bữa ấy là đêm mùa đông tối mù. Mưa phùn bay lất phất, lạnh căm căm. Tôi xiêu vẹo băng qua nghĩa địa. Không biết là ai đó thắp nhang, đốt lửa hay lân tinh, hay tôi kiệt quệ đến hoa cả mắt mà tôi thấy vô vàn những đốm sáng nhảy múa. Kệ, lúc đó nỗi sợ trong tôi tan biến. Tôi phải đi thật nhanh đề phòng Tiến biết chuyện mà đuổi theo thì cuộc vượt thoát của tôi không thành.
“Em cứ đến đó, nói là chị Chiến giới thiệu, chị đã gọi điện gửi gắm rồi. Cứ yên tâm, ở đó như một gia đình”.
Như một gia đình!
Đó là một trang trại xa trung tâm trồng rất nhiều cây ăn trái. Có một cây sanh rất to rễ đan trùm lên vòm cổng. Có nhiều ngôi nhà nho nhỏ, xinh xinh lấp ló dưới những tán cây. Tôi bước vào ngôi nhà gần nhất tính từ cổng vào theo hướng dẫn của chị Chiến. Một nhóm người ngồi sẵn đó. Bỗng ai đó bóng quen quen vụt đứng dậy lẩn đi rất nhanh. Người phụ nữ mặc áo ba lỗ, quần ống thụng, rắn chắc, ngăm đen vẫy tôi lại gần.
– Tên Hằng phải không? Tôi đã nghe chị Chiến giới thiệu chi tiết. Nom cô còn yếu lắm, về sống cùng nhóm cô Hạnh đi. Cứ nghỉ ngơi cho khỏe đã rồi muốn làm gì thì làm.
Tôi gật, lắp bắp không ra câu. Tất cả những người ngồi ở đó cũng chỉ nhìn tôi gật đầu đồng tình. Tôi sợ, sao ở đây ai cũng câm lặng thế? Sao có người vừa trông thấy tôi liền bỏ đi? Tôi đến đây có đúng không? Hoang mang, tôi run rẩy bước theo người đàn bà thấp nhỏ tên Hạnh. Trên má chị có vết sẹo dài và sâu, chạy từ miệng lên thái dương. Chị Hạnh không nói gì, chỉ cho tôi chiếc giường từ nay sẽ là nơi tôi nương náu rồi lẳng lặng đi vo gạo nấu cơm. Tôi liếc qua ngôi nhà, nhỏ nhưng sạch sẽ ngăn nắp. Có 4 chiếc giường đơn đặt 4 góc. Một bình hoa tươi đặt trên bàn, hoa sao nhái, nó tràn ngập các lối đi trong trang trại. Một đĩa bày những bông ngọc lan trắng muốt còn tươi rói, hương ngọc lan dìu dịu lan lan trong không gian bé nhỏ. Tôi ngủ lìm lịm, mê mê giữa những cơn ác mộng đan xen kéo tôi hết hãi hùng này đến đau đớn khác. Ác mộng nào cũng khiến tôi bải hoải, chỉ muốn vùng chạy nhưng cứ có bàn tay vô hình níu chặt.
Lơ mơ tỉnh dậy lúc căn phòng nhập nhòa sáng tối. Mùi ngọc lan vẫn dịu dàng lan lan.
– Dậy đi!
Giọng nói nhẹ nhàng nhưng đầy dứt khoát, bóng người đàn bà rắn chắc ngồi sừng sững cạnh bàn nước.
Tôi rón rén ngồi dậy. Sáng hay chiều? Chập choạng hay bình minh? Tôi ngây ra một lúc vẫn chưa tỉnh hẳn.
– Em ngủ gần một ngày một đêm rồi đó. Có sốt nhẹ. Dậy ăn chút cháo nóng rồi uống thuốc.
Tôi dạ mà lại thốt ra một hơi thở phều phào. Người đàn bà mang gương mặt đẹp rắn rỏi, ánh mắt bình thản, hơi lạnh lùng:
– Chị tên Hương, chủ trang trại này. Đây là một khu biệt lập, chỉ thu nhận những hoàn cảnh đặc biệt như em.
Tôi dạ lí nhí, cổ họng dẻo quánh, thốt nhiên tôi lại ứa nước mắt. Chị Hương hơi chững lại trước những giọt nước mắt của tôi. Chị trầm giọng:
– Những ngày ở đây, em hãy ghi nhớ, một là tuyệt đối không để lộ thân phận, nhất là chỗ ở trước khi đến đây. Hai là, không được phép ra khỏi trang trại này, nếu ra thì không quay lại nữa, tránh có kẻ bám đuôi gây rắc rối cho những người cần yên ổn. Ba là, phải lao động. Trang trại có trồng ổi, trồng rau, nuôi gà và lợn. Một hộ gồm 4 người sẽ được phân công phụ trách khu vườn, chuồng trại riêng. Đến kì xuất chuồng hoặc thu hoạch, tập kết ra nhà chung sẽ có bộ phận thu mua đến lấy. Không được phép tự ý giao dịch với người ngoài. Cuối cùng, không được ức hiếp nhau, khốn khổ mới vào đây mà còn ức hiếp nhau là tôi đuổi. Nếu em bị ức hiếp, hãy ra ám hiệu báo tôi biết để tôi theo dõi, xử lý.
Điều đặc biệt sau cuối, tôi và một số chị em ở đây mở lớp dạy võ thuật vào ban đêm, dành cho chị em nào có ý chí. Nâng cao sức khỏe, trau dồi võ thuật, trở về đòi lại công bằng. Trang trại này chỉ là nơi nương náu tạm thời cho tất cả những ai gặp biến cố. Cứng cáp, vững vàng muốn về tôi sẽ cấp cho một khoản tiền để về. Ai không còn chỗ để về có thể ở đây cả đời. Ai không còn mối hiểm nguy nào từ bên ngoài có thể được xem xét cho ra nhà chung, được phép ra vào mua bán. Nghĩ cho kỹ những quy định của tôi, quyết định ở lại hay không hãy đến gặp tôi vào sáng mai.
Chị đứng dậy, ngắm thật lâu vào mặt tôi và thở dài:
– Em còn trẻ, suy nghĩ theo hướng trở về đòi lại con, đòi lại công bằng đi. Biết đâu…
Cái đêm lạnh lẽo ấy, tôi quỳ xuống chân mẹ chồng, lạy bà chăm sóc giùm đứa con 3 tuổi, tôi đi. Mẹ chồng tôi lúc đó ngồi như hóa đá cạnh chiếc bàn đã cũ, lớp sơn bong tróc từng mảng loang lổ. Con gái bé bỏng của tôi đang bò toài trên đó, đưa bàn tay bé nhỏ cạy cạy từng đám sơn cứng khừ, cười toe toét với tôi. Không dám nhìn vào mắt con, tôi siết chặt hình hài gầy guộc rồi vùng chạy. “Mẹ sẽ quay về đón con. Mẹ thề!”.
Nước mắt tôi tuôn lòa luện. Đôi chân sau lần bị xô ngã dập mặt, sẩy thai vẫn còn run rẩy. Tôi không một đồng cắc trong tay, mang con theo là một ý nghĩ mạo hiểm. Nhưng tôi cần phải ra khỏi ngôi nhà ma quỷ đó, nếu không tôi sẽ trở thành một phế nhân mà không ai xót thương. Mẹ chồng tôi dẫu không thương con dâu nhưng quý cháu hơn vàng. Tôi dập đầu lạy bà, tôi đi. Đôi khi tôi tự hỏi, nếu bà cũng có con gái, nếu con gái bà tuần nào cũng bị chồng kiếm cớ đánh cho bầm dập, bà sẽ thế nào. Liệu bà còn có thể một tay ôm cháu, miệng dửng dưng: “Mày có làm sao đã mới bị nó đánh”.
Khi bạn vớ phải một gã chồng vũ phu, bạn sẽ hiểu, với những kẻ ấy, bất kỳ một lý do lớn nhỏ nào cũng sẽ trở thành cớ để hắn trút lên người vợ những tràng chửi và cơn mưa đấm đá. Bốn năm làm vợ Tiến, bốn năm làm dâu, dần dà thì tôi hiểu: đánh tôi là thói quen của Tiến. Bốn năm ấy, mẹ chồng chưa một lần can ngăn con trai, chưa một lần tỏ ra thương xót da thịt của đứa con dâu cũng đầu đen máu đỏ như bà.
Kể cả lần này, khi Tiến đánh tôi vì một lý do rất vớ vẩn: không kịp bắt máy khi Tiến gọi về. Đầu tiên là Tiến lao xe sầm sập vào sân, tìm chiếc điện thoại của tôi ném vỡ tan rồi Tiến xông vào tôi. Tôi vẫn nhớ ánh mắt căm hờn của Tiến lúc đó, cứ như thể hành động chậm nghe điện thoại của tôi là một tội lỗi tày trời không thể dung thứ. Tôi cũng nhớ, lúc đó mẹ chồng tôi bế xốc con gái tôi đang khóc thét lên vì sợ hãi, cằn nhằn: “Tao đã bảo rồi, làm gì thì thì làm cũng phải để ý điện thoại. Ở với thằng chồng tính khí như thế mà mãi không sáng mắt ra”.
Tôi cũng chỉ nhớ đến lúc ấy, bị cú đạp từ Tiến phóng tới, cả tấm lưng và mông tôi rơi không trọng lượng xuống nền xi măng thô ráp, cũng là lúc tôi cảm nhận bụng đau quặn lên và máu bắt đầu chảy xuống mông âm ấm. Đứa con gần bốn tháng tuổi của tôi, nó đã được xác định giới tính, là một bé trai như mong ước của Tiến và mẹ chồng. Nhưng, kể cả điều thiêng liêng nhường kia cũng không kìm giữ được thú tính trong Tiến. Trong nỗi đớn đau tột cùng cả thể xác lẫn tinh thần, trong sự đơn độc vì không một người thân bên cạnh, tôi đã nhận được cái chìa tay ân cần của chị Chiến. Tôi nắm lấy, thổn thức sẻ chia.
Những ngày ở bệnh viện, bỗng tôi nhận ra mình thích ở bệnh viện hơn là được về nhà. Vào mỗi sáng thức dậy, trên tán bồ đề rậm rì sà sát cửa sổ phòng bệnh, ríu ran một đàn chim sâu mải mốt chuyền cành. Thật lạ, ở không gian chỉ có mùi cồn, thuốc tẩy và bông băng… sao lại có một đàn chim sâu trú ngụ? Những đốm vàng chanh xinh xinh nhảy nhót không ngừng giữa vô vàn phiến lá xanh mướt.
Vào một buổi trưa có nắng chiếu qua, tôi phát hiện sau vòm lá kín đáo kia có ba chiếc tổ. Ôi! Thật kỳ diệu! Nó như những chiếc giỏ tí hon được đan khéo léo bằng những sống lá khô. Có 4 chiếc mỏ non nớt nhóng lên miệng tổ chờ mẹ mớm mồi. Bụng tôi lại quặn lên cơn đau sâu thẳm. Dưới gốc bồ đề, vô số bát hương lớn nhỏ được đặt chung quanh và khói hương nghi ngút. Khi người thân đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, những người còn lại trong gia đình luôn đặt niềm tin vào thế lực siêu hình nào đó. Linh hồn con tôi có nằm ở đó không? Con có kịp cùng mẹ đến đây rồi mới bay đi hay đã vụt bay lúc người cha tạo ra con thẳng chân đạp mẹ con mình rơi xuống thềm?
Xóm tôi ở tựa lưng vào nghĩa địa khổng lồ, với những ngôi lăng lớn ngang biệt thự người sống. Đàn ông chủ yếu sống bằng những việc liên quan đến mồ mả. Có những việc họ phải dùng đến rất nhiều rượu mới có thể tiến hành. Tiến và rất nhiều người khác nằm trong số ấy. Rượu mãi thành nghiện.
Đàn bà chúng tôi cũng làm bất cứ việc gì được thuê: đào huyệt, làm cỏ những khu mả chưa xây, hoặc phụ nề. Cuối chiều, sau một ngày trằn bò bán sức, tất cả đàn ông tụ tập luân phiên tại nhà ai đó, người góp thứ này, kẻ góp thứ kia và nhậu đến khuya. Những người vợ bị hô hét kiếm thứ này, mang thứ nọ xoay tít theo đám nhậu ấy. Ngày nào cũng như ngày nào, nó trở thành nếp sống của cả xóm lao động ấy. Ở đâu tết sẽ thật vui. Ở đây, tết chỉ dành cho đàn ông. Họ kéo nhau đi hết nhà này sang nhà khác, nói nói cười cười, tiền mừng tuổi rút ra mừng tuổi con cái của nhau loạt xoạt. Và vẫn cứ điệp khúc hô hét, cụng cụng uống uống. Họ đánh bạc thâu đêm. Kéo nhau đi karaoke xuyên đêm rồi ngày về ngủ. Một tiếng động khiến họ giật mình tỉnh dậy là cửa nhà sẽ tanh bành, mẹ con ôm nhau rúm ró. Đó là những ngày phải đi nhẹ nói khẽ và đêm thì nơm nớp lo âu.
Mẹ tôi, người đàn bà đẹp đã bỏ đi ngay sau ngày cưới của tôi với Tiến. Bởi vì, ngôi nhà ảm đạm ven đồi lúc ấy chỉ còn mẹ và ba tôi, một ông chồng điển hình về độc đoán và bạo lực của xóm. Tôi biết đó là chuyện sớm muộn. Vì rằng, kể cả lúc có con rể, thói bạo hành của ba tôi không hề suy giảm.
Tôi chưa từng nghĩ đến ngày rời bỏ Tiến, trước khi có tai họa này.
Hầu hết những người đàn bà bỏ đi vì lý do trốn tránh bạo lực đều rất biết cách ẩn mình. Những ai ra đi đều không thấy trở về, như thể quãng thời gian ở đây là một phần đời cần xóa bỏ. Xóm lao động này, tối tối nhìn lên phía nghĩa địa mênh mông lập lòe đốm sáng, có kha khá đàn ông độc thân thứ phát, tất cả họ đều đã già. “Ma quỷ đã khiến họ thú tính như vậy”. Mẹ tôi từng lẩm bẩm như thế khi bà mang về mấy cái am nhỏ đặt trong vườn mong có thể trấn yểm. Nhưng vô hiệu. Có nơi nào bạo lực gia đình triền miên như ở xóm này?
– Thằng Tiến mỗi ngày say rượu đều réo tên con ra chửi, nó bảo mày theo trai? Mày có theo trai không hả con?
Mẹ chồng thận trọng hỏi khi tôi gọi điện về. Sau khi báo cho tôi biết con gái bé bỏng tôi vẫn ngoan. Tôi phải cảm ơn bà về điều này. Dù có vô tình với tôi đến mấy, tôi vẫn thấy bà luôn yêu quý các cháu của bà, yêu vô điều kiện. Cũng chính vì điều này ở bà, chứ không phải Tiến, luôn nhắc tôi phải níu giữ tổ ấm ấy. Trong cái xóm không ngày nào vắng tiếng cãi cọ, đánh đập, sự biến mất của người đàn bà nào cũng bị quy là ĐI THEO TRAI. Vậy đấy, có người chồng nào nhận ra sự biến mất ấy là do mình bạo hành không? (Thậm chí họ còn không hiểu hai từ “bạo hành” nghĩa là gì nữa). Có ai không? Nhiều đêm tôi tự hỏi mình câu hỏi đó.
Chị Chiến và chị Hương có cách lý giải khác. Chị Chiến bảo, những người đàn ông xóm tôi đa phần ít học, và bị ảnh hưởng từ đời con sang đời cha. Họ cứ nghĩ họ có quyền đánh đập người phụ nữ của họ như con chó, con mèo, vì đó là vợ họ. Họ không hoàn toàn xấu, họ vẫn trợ giúp lẫn nhau mỗi khi ai đó gặp hoạn nạn, họ cũng biết yêu thương chăm lo con cái. Nhưng, đến cả con cái họ cũng đánh, họ coi con cái như vợ, như chó mèo họ nuôi. Yêu thương nhưng đánh vẫn đánh. Họ không ý thức được rằng, bạo lực khiến những người thân chán ghét họ. Nên phải có cách thật hiệu quả giúp họ nhận ra điều ấy. Tôi tin lời chị Chiến nói. Nhưng có hiệu quả không? Bao đời nay, xóm nghĩa địa đã quen nếp ấy.
Tôi được chị Hương rèn cặp rất kỹ. Ở nhà riêng của chị có đầy đủ thiết bị cho người tập gym nâng cao thể lực. Mỗi sáng, chị kèm tôi chạy bộ quanh sân. Mỗi chiều, chị hướng dẫn tôi tập các bài tập giúp cơ thể săn chắc. Buổi tối, chị dạy tôi học võ. Ban đầu tôi rất đuối, có lúc cảm tưởng muốn bỏ cuộc. Nhưng tôi đã vượt qua. Tôi không nhớ mình đã vượt qua bằng cách nào? Bằng hình ảnh con gái bò toài trên mặt bàn nham nhở sơn cười toe toét, hay bằng nỗi đau đớn vì bị mất đứa con đã rõ hình hài, hay bằng những tổ chim bé xinh lấp ló trên vòm lá cây ở bệnh viện? Chỉ biết, mỗi lần đứng dưới vòi nước ly ti, bàn tay tôi trượt đến đâu đều cảm nhận cơ thể săn chắc lên đến đó. Chỉ biết mỗi lần nhìn vào gương, người đàn bà ẻo lả, yếu ớt thuở nào giờ đã thành một người khác hẳn.
Tôi trả lời câu hỏi của mẹ chồng bằng một câu hỏi khác:
– Mẹ, con có câu hỏi này muốn hỏi mẹ từ lâu, mẹ trả lời con trước rồi con sẽ trả lời mẹ… – Bên kia có tiếng hắng như muốn phản đối nhưng tôi không dừng lại – Tại răng mỗi lần Tiến đánh con mẹ không ngăn anh ấy?
Không cần một giây suy nghĩ, mẹ chồng tôi thở hắt ra:
– Hồi ba hắn còn sống, ai can cho tau? Thằng Tiến cũng bị ba hắn đập không biết mấy chục, mấy trăm lần. Vợ chồng đập nhau là chuyện bình thường ở cái xóm ni. Ai cũng bỏ đi như bây, xóm ni còn lại chắc đàn ông với con nít à?
Tôi chết sựng đi mấy phút, trong lúc mẹ chồng vẫn không ngừng kể lể lẫn truy vấn. Tôi không lọt vào não được câu gì vì tôi bận nghĩ, tôi bận hối hận, tôi thương bà. Hóa ra, bà cũng từng là nạn nhân của bạo lực, như mẹ tôi. Và Tiến cũng vậy, như tôi, chứng kiến ba đánh mẹ mà chỉ biết run bần bật và trơ mắt nhìn với cơn sợ hãi tức tưởi. Nhưng mẹ chồng tôi chấp nhận được điều đó, Tiến thì thừa hưởng điều đó, còn tôi và rất nhiều người khác thì không. Chao ôi! Phải làm sao để những người ở đó nhận ra rằng, đánh vợ, đánh con là sai trái?
Lý lẽ thông thường là tôi sẽ phải hận Tiến, hận mẹ chồng cho đến chết. Lòng trắc ẩn, lương tri trong mỗi người là thứ luôn níu giữ chúng ta không chìm xuống vực sâu oán thù. Ai ngờ đâu, chỉ cần một sự thật vô cùng trần trụi lại vén ra cho tôi một khoảng trời quang đãng đến thế:
– Mẹ yên tâm, con không theo ai hết. Con sẽ về với mẹ với cháu khi đủ điều kiện. Mẹ nhắn anh Tiến tu chí làm ăn đi, léng phéng với đứa khác về nhà con thiến!
Tôi không biết mình lấy dũng khí từ đâu để phát ngôn xanh rờn như vậy. Tôi cũng không hình dung được vẻ mặt của mẹ chồng lúc ấy ra làm sao. Tôi chỉ biết giờ mình đã có mục tiêu rõ ràng.
Nhưng còn người mẹ sinh ra tôi nữa, bà đang lưu lạc chốn nào?
Trong trang trại mênh mông, tôi chỉ biết 4 người ở cùng nhà với tôi. Chị Hạnh có vết sẹo ngang mặt suốt ngày lầm lũi làm việc, thỉnh thoảng cần trao đổi gì đó chị mới cất tiếng. Tôi chưa thấy chị cười bao giờ. Hai người kia có vẻ hoạt bát, cởi mở hơn, nhưng ai cũng đầy u uẩn. Mỗi sáng, cũng như tôi, họ ngồi thừ ra rất lâu trên chiếc giường của mình, ánh ngày chưa rạng hẳn đủ in mờ mờ một bóng người im lìm. Chúng tôi tránh nhắc tới những chuyện đã qua, bởi hễ chạm đến là ai cũng như sóng trào, khóc cười điên dại. Phải đau đớn lắm, tổn thương và mất mát lắm chúng tôi mới đành đoạn rời khỏi tổ ấm của mình.
Lần đầu tiên, theo lệnh chị Chiến, trang trại có buổi tập trung đông đủ tại ngôi nhà chung. Giống như những chú chim từng bị trúng tên, chúng tôi nhìn nhau dè dặt. Không phải vô cớ chị Hương dặn chúng tôi giấu kín địa chỉ và hạn chế tiếp xúc với nhau. Mấy năm trước đã có nhóm đàn ông xông đến đây đòi vợ chỉ vì một người rời khỏi đây đã tìm cách báo tin về gia đình của người ở lại, nguyên do là vì hiềm khích, muốn trả thù nhau. Lúc ấy, trang trại đang còn là một vùng đất trống, duy nhất ngôi nhà chung này tọa lạc. Mất một thời gian gây dựng, đợi mọi chuyện lắng xuống, chị Chiến và chị Hương chọn mô hình vườn ao chuồng vừa để che mắt, vừa có tiền cho trang trại hoạt động. Người phụ nữ bị chồng xông đến bắt về ấy, về sau cũng trốn bỏ đi biệt tích vì không chịu được sự đối xử tàn tệ.
Tôi đeo khẩu trang, ngơ ngác tò mò nhìn quanh. Chúng tôi đều dành cho nhau thái độ như thế. Chỉ có một người thì không, bà ngồi quay mặt ra vườn, nơi có những bóng vàng anh ríu rít nhảy nhót. Tim tôi đập dội lên, người bắt đầu run rẩy. Mẹ!
Thật sự những lần bị Tiến đánh, hay khi bỏ đi, hay những tháng ngày ở đây, tôi không hề nghĩ đến người cha đẻ ra mình. Có lẽ ông chưa bao giờ cho tôi cảm giác được che chở, ông chỉ mang đến cho tôi sự sợ hãi và giận dữ. Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến cầu cứu ông. Dường như tôi sợ, nếu biết ông sẽ bảo Tiến đánh tôi mạnh thêm. Tôi nhớ lại những năm tháng ở cùng mẹ và giận mình khủng khiếp, rằng là tôi chưa bao giờ dám xông vào can ngăn ba đừng đánh mẹ. Sự sợ hãi khiến tôi tê liệt hay đâu đó trong tôi bảo rằng đó là điều hiển nhiên bởi chính tôi thỉnh thoảng cũng bị cả cha lẫn mẹ đánh cho mấy trận nhừ tử vì cái tội lì lợm.
Mẹ tôi đẫy đà hơn lúc còn ở nhà. Nụ cười bao dung hơn, bình thản hơn và lãnh đạm hơn. Mẹ không ngạc nhiên lắm khi thấy tôi ở đây, cũng không tỏ ra oán hận gì. Mẹ chỉ thở dài. Mẹ chỉ nhìn tôi và thở dài.
– Răng hôm đầu tiên con đến đây, mẹ thấy con lại tránh mặt? Mẹ có biết con lo cho mẹ lắm không?
Tôi nức nở, còn mẹ thì vẫn điềm nhiên:
– Mẹ muốn con một mình đối diện với mọi thứ trước, mẹ vẫn dõi theo con hàng ngày. Con mẹ giỏi lắm.
Mẹ khen, nhưng miệng chỉ khẽ mỉm cười. Một nụ cười như ẩn chứa nhiều nỗi lo mà mẹ đã tiên lượng bằng chính kinh nghiệm của mình.
– Sẽ không ai cứu được người đã tự thỏa hiệp với sự u tối đâu em – Chị Chiến nắm lấy vai tôi, thủ thỉ – Chị thấy em đang làm rất tốt, quyết tâm lên nữa em. Chị sẽ không bỏ mặc em đâu.
Chị Hương thở dài, bỏ đi chỗ khác. Chị Hương là người chỉ làm chứ không nói, hoặc nói khi thật cần thiết. Tôi luôn e dè với chị. Bởi tôi cứ sợ mình sẽ làm sai điều gì đó khiến chị phật lòng. Nhưng chỉ một lát, chị quay lại, ngắn gọn:
– Học võ để làm chủ hành vi và cảm xúc nữa em ạ. Ngày trước tao vào tù vì lỡ tay tự vệ quá đà. Tao vào tù mới gặp chị Chiến ở đó, chị dạy võ cho tao. Nhưng thôi, đừng kể chuyện tao, vì đó là một câu chuyện rất dài. Mày chỉ cần biết, cái trang trại này là của chồng tao – kẻ say xỉn hay đánh tao nhưng bị tao lỡ tay… Tao đã trả giá và tao đang chuộc lỗi bằng cách giúp đỡ những người phụ nữ như tao và mày. Mày có võ, có sức khỏe, mày làm được điều mày muốn đấy. Đừng như tao, rồi phần đời còn lại chỉ chán ghét bản thân mình.
Ra thế, giờ tôi đã hiểu động lực giúp chị Hương thành lập trang trại. Có quá nhiều phận đời bế tắc cần một nơi như thế này để sửa chữa lại cuộc đời mình.
Tôi đã thử gọi điện cho ba tôi lần nữa. Tôi muốn xem ông còn muốn mẹ tôi trở về hay không, tôi muốn biết ông có xứng cho việc mẹ tôi trở về. Con người khi xế chiều, thường trăn trở về nơi mình sẽ nằm xuống. Nhưng có vẻ mẹ tôi không thiết tha việc đó nữa. Với mẹ, hiện tại được yên thân là quá đủ với bà rồi.
Mẹ tôi không về dù tôi thuyết phục thế nào. Mẹ cũng không chịu nghe máy khi ba có ý muốn gặp. Trong thái độ của mẹ, trong cái nhìn lãnh đạm của mẹ, ba không còn tồn tại nữa.
Ngày tôi trở về là ngày đông khô, gió mùa vi vút thổi qua những khu mả rờn rợn. Những cây đại đến mùa thay áo, trơ ra những nhánh cây buồn bã. Cuối năm, nghĩa địa được tu sửa, tôn tạo sặc sỡ. Tôi lạnh, và đâu đó thẳm sâu tôi thấy mình chưa sẵn sàng. Tôi đã ôm chị Chiến, chị Hương khóc rất nhiều. Họ đã tái sinh tôi. Nơi đó đang cưu mang người mẹ tuyệt vọng của tôi. Tôi sẽ luôn nhớ về đó như nhớ về một nơi thiêng liêng ấm áp.
Tôi cứ đứng mãi ở cửa. Trong nhà, mẹ chồng đang kèm con gái tôi tập vẽ. Hai bà cháu thỉnh thoảng cười lên ngân vang. Con tôi lớn lên nhiều kể từ chừng bấy thời gian tôi xa, chừng bấy thời gian con âm thầm nhớ tôi mà không thể nào thốt ra lời. Nghĩ thế thôi, nước mắt tôi giàn giụa. Tôi rón rén bước vào, ngồi xuống chiếc bàn tróc sơn loang lổ. Con Vện xồ lên 1 tiếng rồi im bặt, vẫy đuôi rối rít. Ôi! Loài chó trung thành, loài chó nghĩa tình, chúng luôn nhận ra người nào là chủ của nó.
Tôi cứ ngồi đó, nhìn đăm đăm vào khuôn mặt hồng hào của con gái. Nhưng tôi còn ngần ngại. Tiến đâu rồi? Tiến sẽ làm gì khi trông thấy tôi? Tôi sẽ phản ứng sao nếu Tiến lại xông vào như bao lần khác?
Tôi nhìn mặt bàn, tưởng tượng mình sẽ nắn gân Tiến bằng cách đá bay chiếc bàn này văng ra xa, cho Tiến biết sức mạnh của tôi hiện giờ.
Cái bàn loang lổ, cũ kỹ cũng cần phải vứt đi rồi.
Nghĩ đến đó tôi mỉm cười, lấy lại dũng khí đối mặt với Tiến. Tôi sẽ tạo ra một cái Tết cho mẹ con tôi đúng nghĩa của Tết. Tôi làm được không?.
13/1/2023
Nguyễn Hương Duyên
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...