Thứ Tư, 27 tháng 11, 2024

Nhân vật nữ trong tiểu thuyết Patrick Modiano

Nhân vật nữ trong
tiểu thuyết Patrick Modiano

Patrick Modiano là nhà văn lớn của văn học Pháp từ nửa sau thế kỷ XX đến nay. Ông là chủ nhân của những giải thưởng văn học danh giá như Goncourt (1978), Nobel (2014) bởi “cái nghệ thuật của ký ức mà ông đã vận dụng để gợi nên những phận người bẽ bàng, khó thỏa nguyện nhất” (theo Viện Hàn lâm Thụy Điển).
Sự trở đi trở lại của những chủ đề về kí ức, sự quên lãng, truy tầm bản thể, đánh mất căn cước trên cái nền của một Paris, một nước Pháp thời bị chiếm đóng trong hầu hết tiểu thuyết của Patrick Modiano đã kiến tạo và định hình một lối viết “kiểu Modiano” khó bề trộn lẫn với bất kì tác gia nào khác. Triển khai những chủ đề ấy trong hơn 40 tiểu thuyết, Modiano thường sử dụng motif một nhân vật nam “tôi” lần theo những dấu vết để ngược về thời quá vãng, tìm kiếm những chân dung người đã bị thời gian phủ bụi đến nhòe mờ. Hành trình đó, một cách kì lạ, luôn có sự hiện hữu song hành của những người phụ nữ trẻ tuổi. Họ vừa đóng một vai trò đặc biệt quan trọng khi trở thành một phần kí ức của những người đi tìm thời gian đã mất, vừa mang nặng biết bao thương tổn riêng tư của những cá nhân dưới sự tác động mạnh mẽ của một thời cuộc đầy biến động lúc bấy giờ.
1- Những bóng hình mờ ảo
Nhân vật nữ, đặc biệt là những nhân vật trẻ tuổi, trong tiểu thuyết Patrick Modiano thường xuất hiện và chiếm lấy phần lớn kí ức của các nhân vật nam chính trong hành trình tìm về quá khứ. Dẫu vậy, chân dung và lai lịch của nhân vật nữ vẫn hiện ra như những bóng hình mờ ảo của một thời đã xa: không rõ tên, không rõ tuổi, không nhân thân, không lai lịch, không nghề nghiệp và không ngừng dịch chuyển. Nói cách khác, sự hiện hữu của họ luôn bị chìm khuất trong hai lớp sương mù: sương mù quá khứ và sương mù thời cuộc.
Danh tính là yếu tố tối quan trọng trong việc xác định sự hiện hữu của mỗi người, là khởi đầu của hành trình tìm kiếm bản sắc hay căn cước. Thế nhưng, nhân vật của Patrick Modiano hầu như đều bất định danh tính. Trong Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối, nhân vật nữ chính ban đầu được biết đến với cái tên Louki. Song đó chỉ là cái tên mà những thực khách quen thuộc của quán Le Condé đặt cho nàng. Ở , cái tên Chantal Grippay cũng được đổi từ Joséphine Grippay, hay Annie Astrand của quá khứ nay đã đổi cả tên lẫn họ thành Agnès Vincent. Khái niệm tên thật trở thành bất khả, khi danh tính liên tục bị thay đổi và không có bất cứ bằng chứng nào, ngay cả những ghi chép ở các sổ niên giám, các danh bạ, các phiếu điều tra của cảnh sát… cũng không chứng thực đó là tên thật của một người nào đó. Họ có thể là bất kì ai hoặc là không ai trong số những cái tên đó là họ cả. Sự hiện hữu của nhân vật khi nhìn từ góc độ danh tính, rõ ràng đã mang những dấu hiệu của những bóng hình mờ ảo hơn là một thực thể xác định.
Chịu ảnh hưởng lí thuyết trôi dạt của Guy Debord(1), kết hợp với nhãn quan nhạy cảm, nắm bắt được bản chất, không khí của một Paris, một nước Pháp thời chiếm đóng, và sau cùng là trải nghiệm cá nhân, Patrick Modiano luôn khắc hoạ nhân vật mang tính trôi dạt đậm đặc. Nhân vật nữ cũng không nằm ngoài đặc trưng sáng tạo ấy của Patrick Modiano. Họ trôi dạt trong không gian, thời gian và trong trường kí ức của tha nhân một cách bất định. Nhân vật của ông không ngừng dịch chuyển theo từng con phố của Paris mà không mấy khi theo một dự định nào cụ thể. Những địa điểm, không gian dường như có một hấp lực chi phối và dẫn lối bước chân thường xuyên rơi vào trạng thái vô định của các nhân vật. Louki của Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối cũng đã bước vào Le Condé theo cách đó. Ngoài ra, vì phải lẩn trốn những người chồng, người tình cũ, sự theo dõi của cảnh sát, sự truy tìm của những kẻ nguy hiểm, nhân vật nữ phải không ngừng thay đổi địa điểm ẩn náu. Cùng với khao khát được đoạn tuyệt với cuộc đời cũ, mở ra một tương lai bớt u ám hơn, không gian trôi dạt của các nhân vật nữ không chỉ bó hẹp trong Paris, nước Pháp mà mở rộng đến London, Anh, Bỉ… theo con đường vượt biên. Dẫu thế, với một thân phận của kẻ không căn cước, họ vẫn bị dạt trôi và rồi lại phải quay trở về nơi họ đã muốn rời xa mãi mãi.
Không chỉ trôi dạt trong không gian, những cô gái trẻ trong tiểu thuyết Patrick Modiano còn trôi dạt trong các liên kết xã hội. Cũng như cái cách mà không gian hút lấy con người, mỗi con người cũng tạo ra một hấp lực nào đó và kéo lấy người khác về phía mình. Và trong tiểu thuyết Patrick Modiano, nhân vật nữ luôn ẩn chứa một hấp lực đặc biệt đối với các nhân vật nam chính. Họ ngay lập tức gắn kết với nhau thành một đôi với những biến thể khác nhau: người phụ nữ lớn tuổi với một cậu bé con, một cô gái với một cậu học sinh, sinh viên nhỏ hơn vài tuổi, một người phụ nữ với một người đàn ông… Những con người trôi dạt, vô tình gặp nhau, nhanh chóng gắn kết nhưng cũng nhanh chóng tách rời. Thế nên hình ảnh của những cô gái trong kí ức của những nhân vật nam tuy rất ấn tượng, từ danh tính, ngoại hình, hành trạng, giọng nói, mùi hương… đến mức chỉ cần một dấu hiệu quen thuộc là tất cả những vọng âm quá khứ ngay lập tức vang lên, gợi nhớ về một con người của một thời quá vãng, song chính sự kết nối và tan rã chóng vánh khiến cho chân dung của những cô gái trong kí ức chỉ là những mảnh vỡ rời rạc. Những nỗ lực tái tạo chân dung một con người nói chung và một cô gái nói riêng trở nên bất khả hơn bao giờ hết, khi những minh chứng, dấu vết chứng tỏ sự hiện hữu có bản sắc, có căn cước còn sót lại trên hiện vật và trong kí ức vừa ít ỏi vừa mông lung, bất định đến vậy.
Sự biến mất là dấu hiệu cho thấy sự hiện hữu mong manh, hư ảo của một con người. Không ít nhân vật nữ chính – những bóng hình quá khứ mà nhân vật nam “tôi” thao thiết kiếm tìm – đều biến mất một cách đột ngột và đầy ám muội. Louki được người tiếp tân khách sạn báo rằng nàng đã nhảy lầu tự sát. Jacqueline một ngày không còn trở về căn phòng khách sạn cô đang ở cùng “tôi”. Annie Astrard bất ngờ bỏ lại cậu bé Jean giữa một khu phố xa lạ. Denise bị mất tích sau khi cô và Guy Roland tách ra trong quá trình vượt biên sang Bỉ… Cứ như thế, tiểu thuyết Patrick Modiano dày đặc những cuộc tách rời đột ngột, để lại nhiều chấn thương cho những nhân vật nam chính là “tôi” – vốn là người đã gắn kết sâu sắc với họ trong suốt hành trình trôi dạt. Và điều đó cũng có thể là nguyên nhân của việc các nhân vật của Patrick Modiano luôn thấp thỏm trong nỗi lo âu, sự mặc cảm bị bỏ rơi bất cứ lúc nào. Khi nhìn từ hiện tại, sự biến mất đột ngột của các nhân vật nữ luôn khiến các nhân vật nam chính “tôi” không ngừng hoài nghi và nỗ lực truy tìm lại hình ảnh của những người phụ nữ ấy. Họ là ai, họ có thật sự đã từng tồn tại hay không… là những câu hỏi mà “tôi” không dễ dàng đưa ra những xác quyết cuối cùng.
Khắc hoạ số phận của con người trong guồng quay của lịch sử, Patrick Modiano tỏ ra đặc biệt nhạy cảm khi nhìn rõ nỗi khốn khổ, sự khắc khoải của những cá nhân vùng ngoại biên – những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thời cuộc hắc ám, biến động. Những nhân vật nữ của ông nói riêng và nhân vật của ông nói chung luôn phải đối diện với nguy cơ bị xoá sổ trên mọi phương diện: danh tính, căn cước, bản thể, lai lịch, và cuối cùng là sự hiện hữu. Để chống lại điều đó, họ lựa chọn việc xoá đi những gì có thể là dấu vết của mình, theo những cách mà các nhân vật nữ của ông đã làm. Lựa chọn đó gây ra những chấn thương, mà trước hết là với chính các cô gái trẻ ấy: phải trở thành một người khác, phải quay lưng trở mặt với những người mình gắn kết, và hơn hết là sự một sự hiện hữu như những bóng hình mờ ảo trong kí ức của tha nhân.
2- Hiện thân của tình yêu, nỗi đau và kí ức
Một cách đặc biệt, những nhân vật nam chính “tôi”, chủ thể của những cuộc truy tầm quá khứ, trên hành trình trôi dạt luôn bị kéo về những phụ nữ trẻ tuổi và nhanh chóng trở thành người đồng hành với họ. Những cô gái trẻ tuổi – nhan sắc xinh đẹp, là vũ nữ hoặc gái điếm, không lai lịch, dường như luôn phải chịu đựng một nỗi đau nào đó – đã tạo ra một từ trường khiến cho “tôi” không thể “tránh khỏi việc trôi dạt về phía nó”. “Tôi” của Từ thăm thẳm lãng quên đã gặp Jacqueline và Gérard Van Bever vào một buổi tối của mùa đông những năm 1960. Bắt đầu từ đó, “tôi” đã luôn hiện diện và song hành với Jacqueline để đến cuối cùng, anh đã làm theo lời nàng lấy cắp chiếc vali của một gã ưa chuộng nàng hòng kiếm tiền đi sang Mallorca. “Tôi” của Một gánh xiếc qua đã gặp Gisèle khi hai người đến đồn cảnh sát để trả lời thẩm vấn. Ngay sau cuộc trò chuyện, Gisèle đến ở nhà của “tôi”, từ đó “tôi” theo nàng đến mọi nơi nàng muốn đến và luôn đợi nàng trở về sau mỗi lần nàng rời đi. Trong Để em khỏi lạc trong khu phố, “tôi” khi còn là cậu bé Jean bé bỏng cũng sẵn sàng theo chân của một người phụ nữ sang Thụy Sĩ mà không có bất cứ sự băn khoăn hay kháng cự nào…
Có thể thấy, dù tính chất mối quan hệ giữa nhân vật “tôi” và các cô gái khác nhau ở mỗi tác phẩm song bản chất của mối quan hệ ấy dường như rất giống nhau. Cả hai đều là những phận người trôi dạt ở những năm Paris bị chiếm đóng. Họ là dân nhập cư, những kẻ bên lề, không căn cước, không lai lịch, luôn bị theo dõi, bắt bớ và bị đẩy vào những công việc, những phi vụ mờ ám để có thể tồn tại. Tình thế hiện sinh quá đỗi chênh vênh ấy khiến cho những người xa lạ dễ bị trôi dạt về phía nhau và bám lấy nhau mà không cần quá nhiều thời gian, quá nhiều lí do. Tìm thấy một người có thể song hành trên chặng đường trôi dạt có lẽ là một hạnh phúc, đối với người luôn có mặc cảm bị bỏ rơi như “tôi” và cả đối với những người phụ nữ trẻ luôn bất an như Louki. Song việc người đồng hành biến mất ngay trong những lúc cả hai đang trên đường đi đến những vùng đất mới để đoạn tuyệt với quá khứ, tìm kiếm một cuộc đời mới đầy hi vọng càng khiến cho nhân vật “tôi” bị sốc, thậm chí đó trở thành vết thương không ngừng giày vò họ cho đến tận những năm tháng sau này.
Việc bị trôi dạt nằm ngoài dự liệu khiến cho sự di chuyển của các nhân vật trở nên bất định đến mức có những người bị ám ảnh bởi những điểm cố định hòng “tìm cách cứu khỏi quên lãng những con bướm bay thoáng chốc quanh một ngọn đèn”, để có thể lưu giữ “một khuôn mặt”(2). Nếu nhìn hành trình tìm kiếm quá khứ của các nhân vật “tôi” không phải trong không gian vật lí Paris, nước Pháp, mà trong không gian trừu tượng – không gian kí ức, thì các nhân vật “tôi” cũng không tránh được tình trạng bị trôi dạt. Họ không có những mốc thời gian, những điểm không gian cụ thể để tìm kiếm, cũng không có những gương mặt người định sẵn để tham vấn. Duy chỉ có hình ảnh của những người phụ nữ là điều mà các nhân vật “tôi” không ngừng tìm kiếm. Vì thế, có thể xem nhân vật nữ chính là những điểm cố định trong không gian kí ức của các nhân vật nam chính “tôi”. Lần theo những dấu vết của những cô gái ấy, các nhân vật nam thực sự tìm thấy lại kí ức của mình – từ hoàn cảnh sống đến những xúc cảm của những ngày tháng tưởng như đã lùi vào xa xăm mãi mãi không thể tìm lại như cái cách Guy Roland (Phố của những cửa hiệu u tối) – một thám tử bị mất trí nhớ, đang sống dưới một danh tính giả và lai lịch giả – trong hành trình tìm kiếm lại “bản mặt” của mình, đã lần theo vô vàn những dấu vết của một người nào đó có thể là anh ta. Trong không gian kí ức mờ mịt, hình ảnh của một cô gái tên Denise là một trong những điểm cố định của hành trình vô định kia. Hay nói cách khác, những cô gái trẻ là chìa khóa giúp anh mở từng lớp cửa quá khứ để có thể tiệm cận hơn với căn cước mà anh đã thất lạc khi xưa.
Trở thành người song hành cùng nhân vật chính, nhân vật nữ đóng vai trò trung tâm trong tiểu thuyết của Patrick Modiano. Là những con người mà sự tồn tại chỉ như những bóng hình mờ ảo giữa những biến động của thời cuộc, trong màn sương mù của ký ức, nhân vật nữ cũng mang vác chung số phận của biết bao phận người khi đó: mất danh tính, không căn cước, thất lạc bản thể và thất lạc cả cõi người. Dẫu thế, sự hiện hữu của họ và việc mang đến cho những nhân vật nam những cảm nhận hạnh phúc, những tổn thương sâu sắc thật sự làm cho một quãng đời của các nhân vật nam trở nên sáng rõ hơn – bởi họ là những “điểm cố định”, là ký ức không bao giờ có thể mờ phai.
Khi so sánh công cuộc “đi tìm thời gian đã mất” của mình với Marcel Proust, Patrick Modiano cho rằng: “Ký ức của Proust làm sống dậy quá khứ trong từng chi tiết nhỏ nhất, như một bức tranh sống. Tôi có cảm giác ngày nay ký ức ít tin chắc hơn vào chính nó và nó cứ phải không ngừng chiến đấu chống lại chứng mất trí nhớ và lãng quên. Vì cái lớp, cái khối quên lãng phủ lên tất cả đó, người ta chỉ có thể năm bắt được những mẩu quá khứ, những dấu vết đứt đoạn, những số phận con người thoáng qua và gần như không thể chộp lấy được” (3). Song với nghệ thuật khắc họa những nhân vật nữ thông qua những mảnh vỡ rời rạc, thông qua những dấu vết đứt đoạn mà thời gian còn chưa xóa nhòa lại làm nổi bật lên số phận của những con người bên lề trong thời kì u ám của Paris, của nước Pháp những năm bị chiếm đóng. Họ cùng những nhân vật khác trong tiểu thuyết của Modiano đã không ngừng phải khắc khoải đi tìm câu trả lời cho sự hiện hữu của mình: Làm thế nào để có thể tồn tại mà không cần biến mất, và làm thế nào để biến mất mà vẫn có thể hoặc có cơ hội tìm lại được chính mình? Câu hỏi đó còn vang vọng đến hiện tại và cả tương lai – khi thời cuộc vẫn không ngừng tạo ra những bất an cho con người nói chung và cho mỗi phận người nói riêng.
Xem thêm: 
Trần Thanh Nhàn, Tiểu thuyết Patrick Modiano nhìn từ “lí thuyết về sự trôi dạt” của Guy Debord, Theo https://vanvn.vn/https://jshe.ued.udn.vn (cập nhật ngày 27.5.2022).
Patrick Modiano, Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối, Cao Việt Dũng dịch, Nxb Văn học, Hà Nội, 2020, tr.16.
Patrick Modiano, Diễn từ nhận giải Nobel 2014 của Patrick Modiano, Nguyên Ngọc dịch, https://breadandrose.com (cập nhật ngày 27.5.2022).
15/1/2023
Võ Nguyễn Bích Duyên
Nguồn: Báo Văn Nghệ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...