Con rồng Thiên Tôn
Vùng đất Thượng Bạn huyện Tống Sơn (huyện Hà
Trung, tỉnh Thanh Hóa ngày nay) quả là một danh sơn, như được khí sơn hà chung
đúc. Vùng đất ấy có làng Gia Miêu quý hương, nơi phát tích của nhà Nguyễn tồn tại
mấy trăm năm trong lịch sử với chín đời chúa và mười ba đời vua. Một dòng họ đã
đã có công mở mang bờ cõi để nước Việt ta có toàn đồ “từ mũi Cà Mau đến địa đầu
Móng Cái” như ngày hôm nay.
Nói đến nhà Nguyễn, không thể không nói đến người mà nhà Nguyễn tôn là Triệu tổ Tĩnh Hoàng đế, tức Nguyễn Kim, người đã có công trung hưng nhà Lê ở thế kỷ mười sáu.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Nguyễn Kim húy là Cam,
sinh năm Mậu Tý (1468), người làng Bái Trang, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa,
là con của Yên Hòa hầu Nguyễn Hoằng Dụ và cháu của Nghĩa Quận công Nguyễn Văn
Lang. Ông có tướng mạo phi phàm, thượng nhân quảng khoát, dung nhân thanh
thoát. Ở quân trung, ông biểu lộ rất rõ tài cầm quân. Cho nên ngay khi tuổi còn
trẻ, ông đã được vua Lê phong chức Hữu vệ điện tiền tướng quân, tước An Thành hầu.
Sau ông lại được phong Thái tể Đô tướng, Tiết chế tướng sĩ chư dinh thủy bộ, thống
lĩnh toàn quân. Ở chức vị này, ông đã luôn coi trọng chỉnh đốn binh bị, thường
xuyên cho tập luyện quân sỹ tinh nhuệ. Cầm quân, ông đánh đâu thắng đó. Kẻ địch
mới nghe thấy tên ông đã bạt vía kinh hồn. Uy dũng lừng danh thiên hạ.
Nguyễn Kim là người anh hùng có công rất lớn trong việc khôi
phục vương triều nhà Lê. Uy danh là thế. Tài điều binh khiển tướng như thế,
nhưng rồi ông lại bị chết bởi kẻ tiểu nhân.
Năm Ất Tỵ (1545), khi sự nghiệp khôi phục kinh đô Thăng Long
đang ở trong tầm tay thì Nguyễn Kim bị hàng tướng của nhà Mạc là Dương Chấp Nhất
đánh thuốc độc ám hại chết. Việc ông mất đột ngột làm cho vua Lê Trang tông sững
sờ, thương tiếc. Ông được vua Lê truy tặng tước Chiêu huân Tổng công, ban tên
thụy là Trung Hiếu. Mộ ông táng tại núi Thiên Tôn, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh
Hóa.
Hình núi Thiên Tôn trên Cao Đỉnh. Ảnh tham khảo nguồn tư liệu
Núi Thiên Tôn trước có tên là Am Sơn, núi Am, cũng gọi là Triệu
Tường, thuộc dãy Rương Lăng, là ngọn núi cao nhất của vùng “Nhất bách lục sơn”.
Người dân ở đây, nhiều đời hầu như rất ít người lên đến đỉnh
núi. Núi cao, cây cối rậm rạp thâm u. Chim chóc khắp nơi tụ về. Cọp beo, nai hoẵng,
cày cáo,… tha hồ quần tụ. “Cây cỏ một màu xanh tốt trông xa đẹp như gấm vóc”
(Vương Duy Trinh, Thanh Hóa tỉnh chí), được liệt vào danh sơn, chép trong điện
thờ, cho khắc vào Cao Đỉnh đặt trước Thế miếu ở kinh đô Huế. Chuyện kể rằng,
trên núi Thiên Tôn có một cửa hang tựa như miệng rồng. Lòng hang bằng phẳng mà
không rộng lắm. Vòm hang rủ xuống những nhũ đá, quanh năm rỏ nước. Những giọt
nước tí tách rơi từ đời này qua đời khác, tạo nên nhũ đá óng ánh. Mỗi buổi
sáng, ánh mặt trời chiếu vào, nhũ đá rực lên năm màu long lanh, kỳ ảo như chốn
bồng lai. Ở phía trước cửa hang, không xa lắm là thung lũng xanh mướt mát, trải
dài vẻ trù mật. Đó là cánh đồng lúa của làng Gia Miêu ngoại trang. Làng mà sau
này được nhà vua ban tên Quý hương. Cửa hang kỳ ảo trên lưng núi Thiên Tôn thâm
u ấy được gọi là Long Khẩu. Long Khẩu là miệng rồng.
Tương truyền, ngày an táng thi hài đức Triệu tổ Nguyễn Kim,
vòm trời hạ thấp xuống, mây đen tĩnh lặng. Vậy mà khi đoàn đưa tang đến gần
Long Khẩu thì bỗng nhiên trời nổi giông gió, sấm sét ầm ầm rồi đổ xuống một trận
mưa rất to. Những người đi đưa tang vội đưa Tử cung (cách gọi quan tài của vua
chúa), đặt tạm vào Long Khẩu tránh mưa rồi chạy tán loạn. Ai nấy đều chạy thật
xa nơi gió tung, mưa giật, cây đổ, lũ dâng… mong thoát thân. Nhưng, lạ thay, đất
trời đang vẫn vũ, mưa to gió lớn, sấm chớp ầm ầm, đất lở lũ xô… là thế, mà chỉ
lát sau, bỗng trời quang mây tạnh, cây cối, núi non yên hàn như chưa hề có gì xảy
ra. Lạ hơn nữa là khi mọi người trở lại nơi ấy thì chỉ còn thấy núi đá chi
chít, cây cỏ um tùm, không thể nào nhận ra được nơi có long khẩu chứa quan tài
của đức Triệu tổ ở đâu nữa. Mọi người ai nấy đều kinh ngạc, bèn trở về bẩm chuyện
lạ với quan trên. Từ đó, khu vực ấy được cho là vùng đất thiêng, không ai dám
bước chân đến. Truyền ngôn nói rằng, cụ Nguyễn Kim đã được thiên táng. Cả ngọn
núi Thiên Tôn cao ngất um tùm cây cỏ… là ngôi mộ lớn của đức Triệu tổ.
Một ngọn núi uy nghi đỉnh chạm trời xanh, chân vươn ngàn thước,
cây lớn đan cài, suối khe róc rách, chim chóc tụ hồi… là nơi an nghỉ vĩnh hằng
của bậc chân chúa… hẳn là có sự sắp đặt của Thiên ý. Kể từ đó mỗi khi tế lễ, họ
tộc và các chức sắc đều lập đàn rồi hướng vào vùng núi Triệu Tường mà vọng bái,
mà linh ngưỡng vùng huyệt thiêng đã di dưỡng thiên thu bậc chân nhân anh kiệt.
Cho đến mãi sau này, khi đã lập triều. Hoàng tộc và quan sở tại mỗi khi tế đức
Triệu tổ cũng đều làm như vậy.
Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), vua dụ rằng: “Nước nhà ta gây dựng
nghiệp lớn, giữ mệnh trời lâu dài. Kính nghĩ lăng tổ khí thiêng chung đúc, chứa
chất phúc lành, phong thần núi hiệu là Thiên Tôn, đều làm đền thờ để đáp ơn thần”.
Núi có tên là Thiên Tôn từ đó.
Cổng thành Triệu Tường, chụp tháng 3.1926. Ảnh tham khảo nguồn
tư liệu
Năm Gia Long thứ hai, Quý Dậu 1803, sau khi ổn định triều
chính, vua Gia Long đã ban dụ, giao cho tỉnh Thanh Hóa quê hương chăm lo, xây dựng
khu lăng miếu tổ tiên. Âu cũng là cái đức hiếu nghĩa của hậu thế đối với tiền
nhân, mà mỗi người con dân Việt đều tâm niệm.
Nơi được chọn để xây dựng lăng miếu tổ tiên nhà vua chính là
thềm đất phía trước Long Khẩu, vùng đất linh địa đã an táng Đức Triệu tổ nhiều
trăm năm trước.
Quần thể lăng gồm Phương Cơ và hương án. Do không thể xác định
được (không ai được biết) thi hài cụ Nguyễn Kim táng ở đâu, nên lăng là đàn tế
vọng, gọi là Phương Cơ. Phương Cơ chính là nền đất bằng phẳng mà trước khi đưa
Tử cung vào Long khẩu, người ta đã từng đặt linh cữu đức Triệu tổ. Phương Cơ
hình vuông. Mỗi cạnh chừng non chục thước tây, nền lát gạch. Chính giữa có
hương án. Hai bên rồng chầu. Có bậc tam cấp lên xuống. Phía trước là bình
phong. Ngoài ra còn dựng nhà trai đường và miếu thờ sơn thần.
Năm Mậu Thìn 1808, vua Gia Long ban dụ đặt tên cho lăng đức
Triệu tổ là lăng Trường Nguyên. Trường Nguyên: Suối nguồn dài lâu, vĩnh viễn.
Năm Minh Mạng thứ ba (1822), rồi Thiệu Trị thứ nhất (1841),
nhân các dịp Bắc tuần, vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị đều về thăm cố hương,
bái yết tôn lăng. Hai ông đều làm thơ ngự chế, cho khắc vào bia. Bia được dựng
bên tả Phương Cơ. Bài thơ ngự chế của vua Minh Mạng như sau:
Đất lớn Chúa thiêng sinh ra Triệu tổ
Vun đắp cương thường nên nên rạng thánh võ
Nghĩa động quỉ thần công truyền vũ trụ
Cõi trần rời bỏ lăng ở Bái Trang
Non nước bao bọc sấm mắt tùng xanh
Khí thiêng nhóm họp đời đời xưng vinh
Mệnh trời đã giúp con cháu tinh anh
Võ công dựng nước bèn tìm gốc nguồn
Tuy tôn dựng miếu lăng gọi Trường Nguyên
Tân tuy Bắc tuần đến đây dựng lại
Trông ngắm non sông nhớ đến gốc cõi
Khắc chữ vào bia lưu ức vạn tài. (Bản dịch)
Tựa lưng vào núi Thiên Tôn hùng vĩ, ngọn núi cao nhất vùng
“Nhất bách lục sơn”, lăng Trường Nguyên ở vào nơi tuyệt túy linh địa. Có tiền
án, có hậu chẩm. Hai bên tả hữu có hai dãy núi hình vòng cung như hai tay ngai
ôm lấy long huyệt một cách vững chãi. Với thế đất này, khí thiêng trời đất tụ về
chính huyệt. Phát vương phát đế đời đời.
Đồng thời, nhà Vua cũng cho xây Nguyên miếu thờ đức Triệu tổ
và miếu Trừng Quốc công.
Miếu thờ đức Triệu tổ được dựng bằng gỗ lim. Miếu có quy mô 3
gian 2 chái. Đủ cột cái cột con, chân tảng bằng đá xanh. Kiến trúc kiểu chồng
rường kẻ chuyền, tàu đao mái lượn, cửa bức bàn, mái lợp ngói âm dương. Thượng
cơ có lưỡng long chầu nguyệt. Mỗi cột lim phải hai người ôm mới xuể. Án thờ và
đồ tế khí sơn son mà không thếp vàng. Gian giữa tôn bài vị thờ Triệu tổ Tĩnh
Hoàng đế Nguyễn Kim, gian bên tả thờ Thái tổ Gia dụ Hoàng đế tức Nguyễn Hoàng
(1558 – 1613). Miếu được đặt tên là Nguyên Miếu. Ở bên tả Nguyên Miếu cho xây
miếu Trừng Quốc công thờ Nguyễn Hoằng Dụ, thân phụ Nguyễn Kim và Lỵ nhân công
Nguyễn Văn Lang. Miếu Trừng Quốc công cũng được dựng y như Nguyên Miếu nhưng
quy mô nhỏ hơn. Năm Minh Mạng thứ 16 xây tường gạch ở vòng trong và hào lũy ở
vòng ngoài. Khu lăng miếu được gọi là Tôn Thanh hay thành Triệu Tường. Toàn bộ
chu vi thành là 182 trượng. Việc tế lễ đều theo điển lệ các miếu trong kinh
thành, do quan đầu tỉnh khâm mạng chủ tế. Theo sử sách, trong 143 năm của Vương
triều Nguyễn, có 5 vị vua đã về bái yết tôn lăng, là Gia Long, Minh Mạng, Thiệu
Trị, Thành Thái và Bảo Đại. Tháng Hai năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống Pháp
vừa nổ ra, về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên, Hồ Chủ tịch đã đến thắp hương tại miếu
Triệu Tường.
Năm Gia Long thứ hai (1803), Gia Miêu Ngoại trang được nhà
vua ban tên Quý Hương. Tống Sơn được ban Quý Huyện. Quý Hương được miễn phu
phen, tạp dịch, thuế khóa. Hương chức Quý Hương nếu được thưởng phẩm trật thì
thường cao hơn một bậc so với nơi khác. Người làng Quý Hương đi ra thiên hạ được
trọng vọng, kiêng nể.
Thiên Tôn – Triệu Tường – Gia Miêu, Tống Sơn – Hà Trung là
vùng đất thiêng. Thời nhà Nguyễn trị vì, suốt mấy trăm năm, vùng đất ấy bị cấm
đào bới. Quan tỉnh cho đến hương chức đều nghiêm ngặt coi sóc, sợ động long mạch.
Núi non, sông ngòi, hồ đập, mỏm đá, hốc cây, doi đất… nhất nhất yên vị tự
nhiên, một nhát mai, một xẻng đất, một vồ búa… cũng không ai dám động đến… Cũng
bởi vậy mà vùng Tống Sơn – Hà Trung đã trũng thấp, bị đồi núi bao bọc, lại càng
thêm úng lụt mỗi khi mưa lũ tràn về. Hệ thống thủy nông hoàn toàn dựa theo
nhiên tạo.
Vùng đất Tống Sơn Hà Trung nổi tiếng lụt lội là vì thế. Bị
úng lụt liên miên, mùa màng thất bát. Cái nghèo cái đói đeo bám người dân ở đây
đời này qua đời khác. Cho đến tận thời tổ đổi công rồi đến thời hợp tác xã, mới
bắt đầu có thủy nông nhân tạo. Nhưng là một hệ thống manh mún, nhỏ lẻ, năng lực
tiêu lũ rất kém.
Đi từ Trạch Lâm lên Phố Cát, cung đường không xa mà êm ả lạ
thường. Phong cảnh ở đây như thực như mơ. Một vùng bán sơn địa mướt mát những
ruộng mía, vạt ngô, đồi sắn. Ở phía chân đồi, lác đác những đàn trâu gặm cỏ và
lũ trẻ mục đồng đuổi bắt châu chấu, cào cào. Những nếp nhà ẩn sau những rặng
cây xanh thẫm, lêu nghêu vạt khói bếp xanh lơ. Mỗi khi chiều buông, những ngọn
núi phía xa sương giăng mờ ảo. Cảnh vật choán ngợp tâm trí du khách. Kẻ khó
tính nhất cũng trở nên dịu dàng. Người bức xúc cũng chợt nhuần tính. Còn những
bậc lãng du thì đây là dịp thả hồn chọn tứ nhả thơ.
Nếu ta đang đi ngược lên Phố Cát, thì phía bên phải có một
dãy núi trùng điệp, non không cao, dốc không sâu với chín ngọn uốn lượn nhấp
nhô chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam mà điểm đầu chính là núi Thiên Tôn hùng
vĩ. Dãy núi có hình một con rồng uy nghi, khiến núi Thiên Tôn thêm uy linh
thánh khí. Nếu đầu rồng là núi Thiên Tôn linh thiêng mà bí ẩn. Thì thân rồng là
dãy núi uốn lượn mềm mại lúc như ẩn khuất trong mây mờ ảo. Lúc chìm trong nước
suối Long Khê (Khe Rồng) trong vắt. Lúc lại như ùa ra trong nắng mai mềm mại
lung linh. Và cuối cùng đuôi rồng phóng khoáng vùng vẫy ở vùng đèo Ba Dội nhất
bách lục sơn. Con đèo hùng vĩ mà hiểm trở đã đi vào thơ của nữ sỹ Hồ Xuân Hương
“Một đèo, một đèo lại một đèo/ Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo”. Ở cái rốn
long vĩ – đuôi rồng này có ngôi đền nhỏ, nép mình bên chân núi. Đền không biết
có từ bao giờ, được gọi là đền Rồng (Long từ). Đi sâu vào một chút lại có đền
Nước. Cả hai ngôi đền đều rất thiêng. Khách thập phương đến đền Rồng đền Nước
chiêm bái quanh năm và tấp nập nhất là vào mùa xuân. Trước hai đền có một dòng
suối nước trong vắt nhìn tận đáy, hình như cũng bắt nguồn từ tận Long khê. Dưới
suối có đàn cá thần cả nghìn con không biết có tự bao giờ. Không một ai dám
đánh bắt hoặc trêu chọc đàn cá này cả.
Suối Long Khê, thường được gọi là Khe Rồng, là một con suối bắt
nguồn từ dãy núi Thiên Tôn chảy ra sông Tống Giang. Rồi sông Tống Giang lại hợp
lưu với sông Hoạt để đổ ra biển. Long Khẩu, Long Khê, Long Từ… Cả một dãy núi,
từ Thiên Tôn đến Ba Dội đều tên là Long – Rồng. Cái tên chỉ dành cho bậc đế
vương.
Con rồng đã hình thành ở đây cả triệu triệu năm. Đầu rồng –
núi Thiên Tôn cả triệu triệu năm chờ đợi để đến năm Ất Tỵ 1545 yên ấp hài cốt bậc
chân nhân thánh chúa. Để rồi hậu duệ của ngài sau này, trong nhiều trăm năm mải
miết mở mang cõi bờ, chấn hưng giang sơn, xã tắc, xây dựng nhà nước phong kiến
tập quyền với thiết chế bài bản nhất, đầy đủ nhất, thống nhất, hoàn hảo nhất
trong lịch sử phong kiến. “Cơ nghiệp ngàn vạn năm của nước nhà, thực bắt đầu từ
đây” (Lê Quý Đôn).
***
Năm 1905, năm thứ 5 của thế kỷ hai mươi. Năm thứ bốn mươi người
Pháp thiết lập nền cai trị xứ Đông Dương. Người Pháp tính kế mở mang giao
thông. Nếu trước đó, họ đã mở thông con đường thiên lý bắc nam. Thì giờ đây, họ
thiết lập con đường hỏa xa. Đưa đầu máy hơi nước, sản phẩm của nền đệ nhị văn
minh công nghiệp từ trời tây xa xôi tham gia công cuộc lưu thông của người An
Nam.
Rừng núi Ba Dội ngàn đời yên ả là vậy, bỗng rùng rùng đất thở.
Tiếng choàng, tiếng búa… chát chúa cả một vùng. Người Pháp đã cho bạt đất, đẽo
đá để lắp đường tàu. Từ ga Hàng Cỏ tỉnh Hà Nội vào đến ga tỉnh lỵ Thanh Hóa,
tuyến đường sắt Hà-Thanh dài 171 cây số. Thanh tà vẹt đầu tiên của con hỏa xa lộ
nằm trên đất xứ Thanh, là ở Dốc Xây.
Vì sao lại gọi Dốc Xây.
Con đường thiên lý bắc nam (và cả đường sắt), khi rời đất
Ninh Bình để vào đất Thanh đã phải vượt qua dãy Tam Điệp vô cùng hiểm trở. Để
có thể mở đường, khai lối, người ta đã phải bạt núi san đồi cả chục nghìn khối
đất. Ấy vậy mà con đường qua đây vẫn còn dạng thắt cổ bầu, dốc cao, đèo sâu. Một
bên là vách đá dựng đứng. Một bên là vực sâu thăm thẳm. Bởi thế cho nên người
ta mới cho xây lan can để bảo vệ cho người và xe không bị lao xuống vực sâu.
Cái đoạn dốc cao có lan can xây bằng gạch đó, được gọi là Dốc Xây. Cái tên Dốc
Xây ra đời vậy đấy.
Với việc lắp đặt hỏa xa lộ, người ta đã chặn một thanh sắt
dài lên đuôi rồng. Hoàn toàn ngẫu nhiên thôi. Người Pháp chứ không phải ông Cao
Biền nào đó xuống tay trấn yểm. Người Pháp hoàn toàn không có ý gì, ngoài việc
mở mang giao thông.
Từ đây con rồng Thiên Tôn hết cơ vùng vẫy. Yên phận nằm im
lìm.
Nhà văn Lâm Bằng
Lại nói, ông vua thứ mười của nhà Nguyễn là đức Thành Thái.
Ông có tinh thần chống Pháp rất cao. Ông từng bí mật cho lập đội nữ binh tới
200 người, cho tập luyện và có ý mua vũ khí để chờ ngày nổi dậy. Thực dân Pháp
biết được điều đó, tìm cách hạ bệ ông. Họ đã vu cho ông mắc bệnh điên và buộc
ông thoái vị. Ngày 3 tháng 9 năm 1907, triều thần theo lệnh của Pháp vào điện
Càn Thành dâng vua dự thảo chiếu thoái vị, có chữ ký của các đại thần. Rằng, sức
khỏe nhà vua không bảo đảm, xin tự nguyện thoái vị. Xem xong bản dự thảo, vua
Thành Thái cười nhạt, hạ bút ghi hai chữ “phê chuẩn” bằng mực son đè lên văn tự,
choán gần hết tờ châu bản. Sau đó ít lâu, con ông, hoàng đế Duy Tân cũng bị bức
đày qua đảo Rề uy ni ông do có tinh thần chống Pháp.
Bắt đầu từ đây Hoàng triều Nguyễn Gia Miêu chỉ còn vai trò tượng
trưng. Mọi quyền hành nằm trong tay người Pháp qua danh nghĩa Bảo hộ.
***
Năm 1944, Khâm sứ Trung Kỳ Émile Louis François Grandjean lấy
quyền mẫu quốc đã làm một việc tày trời, là cấp phép cho P’ron, chủ đồn điền
người Pháp được khai thác mỏ than lộ thiên ở núi Thiên Tôn, tổng Thượng Bạn,
huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung. Núi Thiên Tôn tôn nghiêm là thế, hàng mấy trăm
năm không ai dám bứt một cọng lá, nhặt một hòn sỏi, nay bị người ngoại quốc đào
bới tứ tung để lấy than. Đầu rồng Thiên Tôn bị tổn thương nghiêm trọng. Nếu ở
các triều trước (Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức cho đến Khải Định). Và
kẻ đào bới là người Việt, thì bị rơi đầu là cái chắc.
Ngọn Thiên Tôn cao vòi vọi uy nghiêm là thế, nhiều tháng dòng
mây gió âm u. Vắng hẳn tiếng vượn hú nai tác. Vắng hẳn bầy chim chiều chiều
quây tổ.
Ngày hai mươi ba tháng tám năm một nghìn chín trăm bốn mươi
lăm, trên lễ đài Ngọ Môn, trước đông đảo dân chúng kinh thành Huế, vua Bảo Đại,
ông vua thứ mười ba. Vị Hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn tuyên chiếu thoái vị,
trao ấn kiếm cho đại diện Việt Minh. Kết thúc vai trò của họ Nguyễn Gia Miêu
trên vũ đài lịch sử. Đồng thời chấm dứt nền quân chủ mấy nghìn năm của nước Việt.
***
Lịch sử có những khúc theo lẽ nhi nhiên.
Mưa thu thánh thót rơi… cũng theo lẽ nhi nhiên.
Mùa thu năm 2006, một ngày đẹp trời, Hội đồng Nguyễn Phước tộc
ở Huế tìm về cội nguồn, làng Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung. Đứng trước cảnh
tiêu điều của nơi phát tích, và trước dấu vết lăng mộ của tiền nhân, con cháu
Nguyễn tộc không khỏi bùi ngùi, xót xa. Liền đó, một hội nghị nội tộc đã được
diễn ra cấp tốc và đi đến quyết định tôn tạo lại lăng Trường Nguyên. Công trình
tôn tạo gồm Phương cơ, hương án, nhà bia và bình phong… được xây dựng ở đúng vị
trí cũ. Ngày khởi công, trời trong, ráng hồng, khí núi Thiên Tôn bốc lên ngùn
ngụt, mây lành sà xuống, chim chóc tụ về, hẳn là tiền nhân ở nơi cao xanh chứng
kiến… Kiến trúc lăng Trường Nguyên mới mang nguyên vẹn phong cách kiến trúc
lăng tẩm Huế. Vật liệu xây dựng và thợ thi công cũng được mang từ Huế ra. Ngày
lễ lạc thành được tổ chức long trọng, trang nghiêm, có đông đảo bà con họ Nguyễn
từ mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài về dự.
Quả là phúc ấm tổ tiên được chung đúc, vận khí tụ hồi, ngay
trong năm 2550 Phật lịch, họ Nguyễn có tể tướng đăng cơ. Mây lành trở về quấn
quýt trời Thiên Tôn.
***
Năm 2018, tỉnh sở tại lập Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy
giá trị Khu di tích lịch sử Lăng miếu Triệu Tường. Việc trùng tu khu di tích vừa
là nguyện vọng của nhân dân vừa là trách nhiệm của chính quyền các cấp đối với
các bậc tiền nhân có công lao to lớn với đất nước. Dự án có tổng kinh phí gần
500 tỷ đồng, được chia làm 4 giai đoạn. Hiện đã xây xong Nguyên miếu thờ Nguyễn
Kim, Nguyễn Hoàng, và miếu Trừng Quốc công thờ Nguyễn Hoằng Dụ và Lỵ nhân công
Nguyễn Văn Lang.
Dự án được huyện Hà Trung và tỉnh ấp ủ từ lâu. Nhưng đến đây
mới gặp hồi khởi động. Ấy là thuận lẽ tiền nhân và thuận lòng đương nhân. Mây
lành một lần nữa bay về Thiên Tôn.
Phúc ấm tiên tổ lại nhuần đượm cháu con, ngay trong năm 2562
Phật lịch, Nguyễn tộc xuất hiện hiền nhân chân mạng Thống quốc.
Thật là hồng phúc cho Nguyễn tộc, rồng Thiên Tôn đã nhuận
vân, hội vận.
Mùa xuân năm Tân Sửu, công trình tôn tạo, tu bổ Lăng miếu Triệu
Tường hoàn thành giai đoạn Một, thỏa lòng mong đợi của người dân, nhất là bà
con Nguyễn Phước tộc. Từ đây, vùng đất Tống Sơn xưa lại có một địa chỉ để khách
hành hương ngưỡng mộ. Ráng hồng ửng đỏ ngọn Thiên Tôn. Suối Long Khê nước tuôn
trong vắt. Cũng mùa xuân Tân Sửu, đệ nhị hiền nhân Nguyễn Tộc đăng cơ quốc chủ.
Nếu nửa đầu thế kỷ Hai mươi, rồng Thiên Tôn hai phen bị tổn
thương, khiến tộc Nguyễn Gia Miêu thoái trào. Thì chỉ hai thập kỷ đầu thế kỷ
hai mươi mốt, sự chấn hưng văn hóa đã giúp cho trời Thiên Tôn long vân tụ hội,
Nguyễn tộc lại gặp hồi long thăng.
***
Qua vùng Thiên Tôn hôm nay thấy rầm rập xe máy, rộn rịp công
trình, rùng rùng vạt đất đỏ au chảy ra chảy vào, bụi tung mù mịt. Hình như có một
con đường sắp đi qua nơi đây, lưng rồng. Nếu con đường này đi qua, sẽ là một
lát cắt, cắt rời đầu rồng với thân rồng, vốn nguyên vẹn đã triệu triệu năm…
23/2/2023
Bùi Lâm Bằng
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét