Mệnh Giá
Ráng chiều nhuộm tím chân trời. Không khí đã dịu đi, gió
thong dong thật dễ chịu. Cô đặt con ngồi lên chiếc xích đu dưới gốc cây mận
đong đưa nhè nhẹ. Đứa bé cười vui với đôi mắt sáng bình yên bên cạnh mẹ. Cách
đó không xa, trước hiên nhà, chú út đang lật ngửa chiếc nón đếm những đồng tiền
kiếm được sau một ngày vất vả. Thỉnh thoảng lại phá lên cười… Cô nghĩ trong thế
giới của chú niềm vui và nỗi buồn có giống thế giới cô không?
Chú út là em chồng. Gia đình chỉ có ba anh em, chồng cô là
anh hai, đến cô em gái và chú út. Cô về làm dâu nhà chồng không bao lâu thì bố
mất vì bệnh nan y, còn mẹ và hai em. Thời gian sau cô Ba lấy chồng trên phố.
Nhà chỉ còn chú út, mẹ và vợ chồng cô. Nghe mẹ kể lại. Hồi nhỏ chú rất khỏe mạnh.
Vì một tai nạn xe hơi, chú đã thoát chết nhưng từ đó trở nên ngờ nghệch hơn so
với trẻ cùng tuổi. Chú không còn đi học, cũng may vẫn còn biết đọc và viết chữ.
Cái tật cà lăm cũng từ lúc xảy ra tai nạn đó! Chú trở nên ít nói, được cái hay
cười. Mọi người trong xóm ai cũng thương cái nết hiền lành của chú. Chú học được
nghề hớt tóc của bố. Chỗ là một quán nhỏ trước nhà hớt cho người già và trẻ nhỏ
trong xóm. Là chị dâu nhưng tuổi của cô cũng chỉ ngang tuổi chú út.
Có tiếng xe về đầu ngỏ, chú Út lật đật chạy ra mở cổng rào.
Tiếng mẹ chồng cô nghe lanh lảnh:
- Làm gì mà mở điện từ trong ra ngoài, mấy người không trả tiền
nên không biết xót!
Ngày nào cũng qua chập choạng tối, chồng cô chở mẹ về đến
nhà. Mẹ có một gian hàng bán tạp hóa ở chợ. Chỉ là trá hình. Công việc chính của
mẹ là cho vay nặng lãi và chơi huê hụi với các tiểu thương trong chợ. Chồng chạy
việc cho mẹ. Mẹ bảo cô: “Con cô còn nhỏ, ở nhà vừa chăm con vừa lo việc nhà”.
Tối về cô phải làm sổ cho mẹ, Mẹ cẩn thận không để chồng vừa
đi thu tiền vừa làm sổ…
Những con số làm con nợ biến dạng… Họ từ con người cơ khổ xuống
bần cùng méo mó. Có người phải bán cả nhà tổ để trang trải nợ nần. Những đồng
tiền vấy máu, những con số như bạch tuột nhiều chân quấn lấy con nợ xiết chặt.
Tay cô run lên từ con số của mẹ. Những tờ giấy vô tri vô giác với nhiều mệnh
giá khác nhau được lòng tham nuôi sống. Chúng như con ma rỗng linh hồn không
đáy. Con người khiến nó nên tội.
Gia đình chị tư xóm trên. Chồng cờ bạc nợ nần… Chị với gian
hàng làm ăn nhỏ nuôi con đi học, vừa trả nợ cho chồng. Chiều nào chị vừa dọn
hàng ra, mẹ cho người đến chờ, chị bán được đồng nào là lấy trước. Chị kể có
khi bán đến hết hàng, trong túi chị chỉ còn được ít tiền để mua đồ ăn cho con.
Cuối cùng không chịu nổi, chị đã cho con nghỉ học bỏ xứ đi.
Cô rùng mình khi nhìn những đồng tiền của mẹ. Đêm ngủ cô mơ
thấy nó bò lổm ngổm khắp nhà, chúng rống lên cười ma quái đuổi theo cô. Giật
mình cô thét lên bật ngồi dậy, mồ hôi vã ra ướt đẫm. Dù với mệnh giá bao nhiêu
chúng cũng chỉ là những tờ giấy. Nó chỉ có giá trị khi con người cho phép. Tại
sao ta để nó biến thành những ông chủ tối tăm… Tiền chỉ là những tờ giấy… là tờ
giấy mà thôi! Cô quay qua ôm lấy con mình. Cô sợ hơi hám đồng tiền bám vào
thiên thần nhỏ của cô.
Nhìn chồng nằm bên cạnh, cô cảm giác như ai đó xa lạ… Xa lạ
như trước khi cô bước lên kiệu hoa về nhà chồng. Cái tâm của anh ở đâu không
còn nhìn thấy. Cô chỉ thấy một công cụ lòng tham và đồng tiền. Một lối sống bản
năng thui chột… Cuộc hôn nhân của cô là do mai mối. Người ta muốn tìm một cô
dâu gia giáo có học, bù vào cái người ta không có. Vì muốn lấy chồng gần nhà để
thăm nom ba mẹ nên cô đồng ý. Càng ngày cô cảm giác mình đang lạc vào nơi không
thuộc về mình.
Thỉnh thoảng mẹ đưa tiền cho cô như là trả lương việc làm sổ
mỗi ngày. Cô trả lời mẹ: “Dạ mẹ. Con chưa cần dùng. Khi nào có việc gì con xin
mẹ.” Mẹ liếc một cái rõ dài: “Tiền mà chê. Nghèo bày đặt thanh cao.”
Chiều nay. Như mọi ngày, sau khi xong công việc nhà cơm nước
chuẩn bị sẳn. Cô lại đong đưa con trên chiếc xích đu quen thuộc. Chú Út về tới,
lại gần mẹ con cô, trên tay cầm một bó hoa dại, lắp bắp nói:
- Tặng…tặng… chị hai nè.
Mỗi bông một màu, thật đẹp.
- Chú hái ở đâu vậy?
- Ở…ở… bên kia… đường.
- Đẹp lắm! cám ơn chú Út.
Cô thấy chiều đẹp hơn với bó hoa dại.
Chú Út cũng cười thật vui… Có lẽ niềm vui lan tỏa giữa hai
con người lạc trong một nơi được gọi là gia đình.
Chú Út lật ngửa cái nón đội đầu. Móc hết túi quần, túi áo. Những
đồng tiền kiếm được chú chưa kịp xếp ngay ngắn. Cô nhìn chú Út vuốt từng tờ giấy
bạc với nhiều mệnh giá một cách trân trọng. Cô nghĩ thầm: “Những tờ giấy bạc
này chắc hạnh phúc lắm. Vì nó được kiếm bằng công sức lao động của chú Út. Sạch
sẽ, nhẹ nhàng. Chúng ngoan hiền nằm trong chiếc hộp đựng tiền, khe khẽ hát và
lim dim ngủ.” Đồng tiền luân chuyển từ tay người nay qua người khác. Và dưới mỗi
chủ nhân nó lại có một khuôn mặt khác… Cô lại suy nghĩ: “Mệnh giá đồng tiền có
mua được giá trị con người không? Có đấy! Nó mua được nhiều thứ trên đời. Nó
mua được giá trị ảo như một chiếc áo khoác lên người. Khi lột trần sự giả dối ấy,
đối diện bản ngã chính mình. Giá trị thật lộ nguyên hình.”
Đồng tiền có hai mặt. Hãy nghĩ đến sự tốt đẹp của nó. Có tiền
để lo cho cha, mẹ. xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái theo ý mình. Làm từ thiện,
san sẻ cho những nơi nghèo khó v.v… Ngược lại. Có tiền trở nên thay lòng đổi dạ,
ăn chơi, sa đọa. Có tiền lại muốn được nhiều hơn nữa nên làm ăn phi pháp, bất
nghĩa, vô lương v.v… Khi ta đến thế gian với hai bàn tay trắng và khi ta đi
cũng thế. Tiền là cái ta kiếm được trong thế giới tạm bợ này. Được mất trong chớp
mắt. Nó không có cảm xúc, không biết đau nỗi đau của con người. Tên tội phạm
chính là lòng tham núp ở trong tâm và những ai yếu đuối sẽ bị nó lấn chiếm và
điều khiển… Cô thở dài, cảm thấy thương cho những nạn nhân của đồng tiền. Cho
dù họ là ông chủ hay con nợ… Họ vẫn là kẻ bị thao túng đứng sau đồng tiền ở mặt
này hay mặt khác…
Chú Út lại mang về một bó lá Bưởi.
- Cho… chị hai… gội đầu…
- Cám ơn chú Út nghe.
- Có… có… chi…
Chú lại cười hồn nhiên…
Người thanh niên đã gần ba mươi tuổi, nếu ai gặp lần đầu
không biết chú có bệnh. Da ngăm đen với cái vẻ trầm tư khiến chú trông lớn hơn
tuổi. Trong xóm nhà nào cần gì chú cũng giúp. Một thân thể lực điền, quanh năm
chẳng bịnh đau. Trái ngược với ông anh ra dáng thị thành. Tối ngày ăn nhậu, ra
oai với mọi người.
Sáng chú Út dậy ra quán hớt tóc, ngang qua mẹ con cô đang ngồi
phơi nắng trước hiên nhà. Trên tay cầm cuốn sách. Cô buột miệng hỏi:
- Chú Út đọc sách gì đó?
- Sách … sách… chị hai… cho mượn.
Chú quay bìa cuốn sách cho cô xem. “Hiểu về trái tim - tác giả
Minh Niệm.” Cô thấy chú thích đọc sách, nên đưa sách cho chú đọc. Mong chú Út
ngày một tỉnh ra.
Nhà chỉ còn lại mẹ con cô. Đêm qua cu cậu nóng mọc răng, cả
đêm quấy khóc. Dỗ cho con ngủ trên tấm phản gỗ láng bóng, mát rượi. Cô thiếp đi
hồi nào không hay. Giật mình bật dậy cảm giác ai đó đang nhìn mình. Chú Út đứng
gần đó nhìn mẹ con cô. Đôi mắt… ánh nhìn khiến cô bối rối… Chú vội quay đi. Cô
lên tiếng:
- Chú Út về lâu chưa?
- Mới… mới… về.
- Chị… Hai ngủ… không đóng cửa…
Cô bị ám ảnh bởi đôi mắt chú Út. Ánh nhìn ấm áp, lo lắng… Cô
không dám nghĩ thêm nữa. Cô mong là cảm giác đánh lừa. Ánh mắt đó, cô chưa từng
bắt gặp ở chồng mình. Chồng cô chỉ có một cái nhìn đục lờ của bản năng...
Ngôi nhà ba gian rộng, vắng đến độ cô nghe được tiếng bước
chân mình. Ngồi nhìn con ngủ ngoan, đôi môi xinh còn mơ ngậm vú mẹ, cô thương lạ!
Có con rồi cô hiểu thế nào là núm ruột… Thấy thương ba mẹ nhiều hơn. Đồng tiền
không thể hiểu được thế nào là máu chảy ruột mềm, thế nào là cốt nhục tình
thâm…
Chợt có tiếng gọi lớn ngoài cổng:
- Cô Hai ơi! Cô Hai!
Cô bước vội ra xem chuyện gì. Chị Ba nhà dưới lộ, ào vô như
cơn lốc. Nói trong tiếng khóc:
- Cô Hai làm ơn cứu con chị. Chị mang ơn cô nhiều lắm.
- Có chuyện gì chị nói em mới biết.
- Thằng út nhà chị bị tim bẫm sinh. Hôm rồi bác sĩ cho đi viện
tim. Nhà không tiền nên chị lần lữa mãi. Sáng giờ cháu nó lên cơn mệt dữ lắm.
Cô hai có thể cho chị mượn một ít tiền không? Chị sẽ thu xếp trả lại sau. Chị đội
ơn cô hai nhiều lắm.
Cô chưa biết tính sao vì quá bất ngờ. Chị Ba nhấp nhỏm khóc:
- Gấp dữ lắm cô ơi!
- Chị chờ em chút.
Nói rồi cô chạy vội vô nhà. Đây là lần đầu tiên cô tự ý mở tủ
mẹ. Ngày thường mẹ vẫn hay nói. “Tiền mẹ để trong tủ, mua gì gấp cứ lấy.” Số tiền
mẹ để hờ ở nhà cũng không nhiều, cô đếm vội vàng được ba triệu. Không suy nghĩ,
cô cầm hết số tiền đưa cho chị Ba.
- Đây chị. Chỉ có ba triệu. Chị cho cháu đi lẹ rồi tính tiếp.
Chị Ba cám ơn rối rít rồi chạy ào đi với đôi chân trần. Có lẽ
lúc này trong tâm người mẹ, mạng sống con là tất cả, không có khái niệm bản
thân như thế nào.
Cô đến bên chiếc nôi con trai bình yên say ngủ. Một cảm giác
đau thắt lồng ngực. Giờ hoàn hồn rồi cô bắt đầu lo. Một mơ hồ sợ. “Nói sao với
mẹ đây”. Gần đây cô nghe xa, nghe gần từ mẹ, chuyện chồng cô với nhỏ Kiều con
ông Hai tiệm vàng ngoài chợ.
Trời đã xuống chiều. Chú Út lại ngồi trước hàng ba đếm tiền,
cô ôm chặt con trong lòng đi lui đi tới. Không có tâm trạng đong đưa trên chiếc
xích đu như mọi ngày. Tiếng xe máy ngừng trước cổng làm tim cô thót lại. Cô
nhìn ra con ngõ. Hôm nay không phải chỉ có mẹ mà còn có vợ chồng cô Ba trên phố
về chơi. Cô ba lấy chồng đủ lâu nhưng chưa có con. Nghe đâu dượng ấy không sanh
được. Mỗi lần về thăm nhà, cả hai vợ chồng nhìn con trai cô mà thèm lắm. Cô Ba
sà tới bên đứa bé nựng nịu. Thằng bé toét miệng cười khoe mấy cái răng sữa mới
mọc, thật đáng yêu.
Bữa cơm qua trong vui vẻ. Nhà có khách nên mẹ không hỏi chuyện.
Vợ chồng cô Ba nói với mẹ chuyện xin con nuôi. Mẹ liếc nhìn cô với cái nhìn khó
hiểu… Cô chợt rùng mình.
Cơm nước xong vợ chồng cô Ba đi nghỉ. Cô chưa biết mở lời với
mẹ như thế nào. Tiếng mẹ cao giọng:
- Vợ thằng hai đâu?
- Dạ. Mẹ gọi con!
- Chiều nay con Ba cuối lộ vô nhà mình có chuyện gì vậy?
Cô biết không gì qua mắt được mẹ. Cô thuật lại cho mẹ nghe tất
cả. Mẹ không kịp nghe hết câu chuyện đã nổi giận với vẻ mặt thật đáng sợ:
- Ai cho cô cái quyền đó. Tự ý lấy tiền của tôi cho người ta
mượn. Quá lắm rồi.
Mẹ hét lên và thế là mâm ly trên bàn bị lôi xuống đất. Tiếng
động làm cả nhà chạy đến. Chồng cô lên tiếng:
- Chuyện gì vậy mẹ?
- Mày hỏi con vợ mày đó.
Chồng quay qua nhìn cô. Không đợi chồng hỏi cô đã nói luôn một
hơi cho cả nhà cùng nghe. Tiếng mẹ chồng cô tru tréo.
- Phải. Chỉ có nó biết thương người, còn tôi ác đức.
Một cái tát tai nảy lửa. Cái tát đầu tiên của chồng. Cái tát
vô lý khiến cô không biết mình sai chỗ nào. Tiếng ồn ào khiến con cô sợ hãi
khóc thét lên. Cô Ba giật đứa nhỏ trên tay cô. Chú Út đứng chắn ngang trước mặt
cô…
Tiếng chồng cô:
- Cô coi lại cô đi. Hãy biết thủ phận mình. Còn hỗn với mẹ sẽ
biết tay tôi.
Quay qua chú Út, chồng cô gằn giọng:
- Còn mày. Tao dạy vợ, mắc gì mày xía vô. Đồ khùng.
Cô nhìn chú Út. Trong cô có một thứ vỡ nát mà biết không thể
hàn gắn được. Đôi mắt chú Út khép lại như nén xuống, hai tay nắm chặt run lên.
Cô sợ… Tới trước mặt mẹ nói:
- Con xin lỗi mẹ vì đã tự ý quyết định. Con sẽ không làm như
vậy nữa.
Nói xong cô lại ẵm con vô phòng. Tiếng mẹ còn vói theo:
- Khôn hồn mà ăn ở. Tao cưới vợ khác cho thằng Hai đừng
trách. Không phải chỉ mình cô biết sanh con.
Mấy ngày sau đó… Cô lặng lẽ. Trong cô ngổn ngang những suy
nghĩ trái ngược. Có một điều ngày một rõ trong cô là “Phải rời đi”. Cô không muốn
con mình sống trong môi trường này. Cô cũng không thể chôn đời mình trong địa
ngục đồng tiền. Như thế không công bằng với bản thân… Khi đã bình tâm. Cô không
còn giận nữa. Cô thấy mẹ và chồng cô thật đáng thương. Người ta không tách tội
ra khỏi phạm nhân. Khi cái ác xuất hiện, người ta thường lên án tội nhân, ghét
bỏ họ và quên mất tội ác thật sự phía sau… Làm sao tìm ra mầm sự ác và tách nó
khỏi con người. Đấu tranh với nó. Chống lại nó. Trong lòng con người, mầm mống
đầu tiên là sự ích kỷ, đố kị… rồi ghét nhau. Từ sự nhỏ nhen này con người muốn
trèo lên, đạp đổ giá trị đạo đức, bất chấp cái đúng. Thế là cây ác ra trái tham
lam, ra cành vô cảm, sẵn sàng làm tổn thương người khác. Một khi cái ác làm chủ
đồng tiền, thì hậu quả thật khôn lường…
Trời quê thật yên bình. Ráng chiều từng sắc thẫm màu đan
nhau, ửng lên một vầng sáng thật đẹp trước khi chìm vào đêm. Cô đong đưa con
trên chiếc xích đu dưới gốc cây mận, trên là những chùm hoa nấp vào tán lá. Còn
bao chiều đong đưa trên xích đu? Cô luyến tiếc chiều quê… Cô nhớ chùm hoa dại của
chú Út. Hương hoa bưởi vẫn ở lại trong ký ức... Cô đi rồi, một mình chú Út thật
tội nghiệp. Cô đã làm bạn với chú trong khoảng thời gian đủ cho chú giữ lại một
nụ cười. Cô xót xa…
Chú Út lầm lũi trở về. Từ hôm xảy ra chuyện chú trở nên lầm
lì, xa vắng. Cô gợi chuyện:
- Chú Út có gì vui không?
Quay nhìn cô một giây. Chú lên tiếng:
- Chị… Hai có… có vui… không?
Cô cười nhẹ… Những câu hỏi không có câu trả lời. Cô lại lên
tiếng:
- Tôi có làm gì cho chú buồn không?
Chú Út nhìn vào bóng chiều xa xăm… Cô thấy nỗi buồn ngập
trong ánh nhìn đó. Cô không muốn xoáy vào tâm bão… Người đàn ông đó cô đơn
trong tòa tháp của mình. Bản thân cô thì sao? Nào có khác gì… Sự tương quan giữa
con người với nhau qua một cầu nối. Đó là sự thấu hiểu, có thấu hiểu thì mới sẻ
chia và gần nhau hơn.
Cô dậy sớm. Chuẩn bị việc nhà đâu đó. Chồng cô chở mẹ ra chợ.
Cô chỉ chờ có vậy. Gom vội quần áo và những vật dụng cần thiết cho vào chiếc
túi. Kéo học bàn chỉ có ít tiền, cô tần ngần tự nhủ: “Chỉ cần ra khỏi đây rồi
tính tiếp.”
Cô định bụng bước qua nhà ngang chào chú Út nhưng thật bất ngờ
khi thấy chú đã đứng sẵn như chờ cô. Một tay cô ẵm con, một tay với túi xách.
Cô chưa biết phản ứng chú Út như thế nào nên đứng như trời trồng. Chú Út lên tiếng:
- Chị… Hai định… định … đi đâu?
Một chút tần ngần cô trả lời:
- Chưa biết. Nhưng tôi không thể ở lại.
- Chị… chờ chút…
Nói rồi chú đi vội qua nhà ngang, rồi quay lại với chiếc hộp
đựng tiền trên tay. Chú mở ra, lấy hết tiền đưa đến trước mặt cô. Đặt nắm tiền
vào tay cô:
- Chị… giữ lấy…
Cô chưa kịp phản ứng thì đôi tay rắn rỏi ôm lấy mẹ con cô. Một
cái ôm từ biệt cho đến sau này cô khó quên được nhịp đập gấp gáp trong ngực
trái người đàn ông luôn nén cảm xúc của mình. Giọt nước mắt nóng hổi lăn trên
khuôn mặt rám nắng rơi xuống mặt cô. Cô lặng người…quay mặt đi để kìm nén sự òa
vỡ cảm xúc… “Không hôm nay thì cũng một ngày khác cô sẽ rời đi. Vì nơi đây
không phải thế giới của cô”. Tiếng chú Út trầm hẳn xuống:
- Chị Hai… đi…đi.
Cô quay nhìn chú Út nói khẽ:
- Cám ơn chú.
Mọi lời nói lúc này chẳng còn ý nghĩa gì… Cô lặng lẽ giữ lại…
Lặng lẽ đi… Cô đã khóc thật nhiều, những giọt nước mắt tủi hờn, thua cuộc. Cô
có nhà mà không được về… Sức mạnh đồng tiền đã bật tung cô ra giữa dòng chỉ vì
cô chống lại nó. Cô không là môn đồ sự ác. Cô muốn được hít thở không khí trong
lành. Một bầu khí không có tính sát lạnh và mưu mô của đồng tiền. Cô ngửi thấy
hương thơm sự lương thiện, cho dù với mệnh giá bao nhiêu đồng tiền cũng không
mua được.
Đoạn đường trước mắt nhiều gian khổ! Nếu như bây giờ cô không
chọn lại thì đến tuổi đi học con cô sao biết câu: “Tiên học lễ. Hậu học văn.”
Như ngày đầu làm quen với con chữ cha đã dạy cho cô. Nếu không xây dựng một nền
tảng đạo đức qua giáo dục mà trước tiên là gia đình thì loài người sẽ về đâu?
Con người sẽ là ông chủ tốt. Đồng tiền và danh vọng chỉ là những tên đầy tớ
trung thành làm những việc hữu ích, cho người cho đời…
Hít một hơi thật sâu, cô nhìn lên và suy nghĩ: “Mặt trời trên
cao rất công bằng với mọi người, chỉ trừ khi ta thỏa hiệp với bóng tối thì
trong ta không còn ánh sáng…”
Những bước chân dài hơn… đang tiến lên phía trước…!
Sài Gòn, 1/5/2019
Lê Yên
Theo http://vietnamthuquan.eu/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét