Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2024

Văn học giải trí chưa trưởng thành từ không gian mạng

Văn học giải trí chưa
trưởng thành từ không gian mạng

Giải trí là một chức năng quan trọng của văn học, hiểu theo nghĩa tích cực, lành mạnh. Chức năng này được các nền văn học lớn chú trọng, giúp nghệ thuật ngôn từ có thể trụ vững trước sự lên ngôi của các loại hình giải trí đa phương tiện hiện nay. Ở Việt Nam, tính giải trí của văn chương thể hiện rõ trên môi trường mạng, song chưa có tác phẩm nổi trội, tạo dấu ấn sâu đậm.
Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, văn học mạng Việt Nam phát triển hết sức nhanh chóng. Hiện thật khó thống kê chính xác số lượng các trang web văn học mạng ở nước ta, song con số cũng phải lên đến hàng nghìn.
Trong khi những trang web của các cơ quan văn học như: Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ công an, Diễn đàn văn học nghệ thuật… thường đăng tải lại các tác phẩm từ báo in mang tính truyền thống, nghiêm ngắn thì phần lớn các trang web cá nhân lại chú trọng xuất bản những tác phẩm mang tính giải trí với ba thể loại chính: Kiếm hiệp, trinh thám (phiêu lưu mạo hiểm) và ngôn tình. Ba thể loại văn học này chiếm đến hơn 95% số lượng công bố trên những trang web văn học tư nhân, bao gồm các sáng tác của cả người Việt lẫn nước ngoài.
Mặc dù các trang web văn học tư nhân đều do người Việt lập nên với mục đích chính là tạo một diễn đàn cho những người đam mê văn học giải trí Việt, nơi giới thiệu, quảng bá và tôn vinh những tác phẩm giải trí thuần Việt nhưng trên thực tế những sáng tác giải trí của người Việt đang “thất thủ” ngay tại “sân nhà”. Văn học giải trí Việt trên không gian mạng đa phần là những tác phẩm thường thường bậc trung, không có những “siêu phẩm” có khả năng “tạo sóng”, “gây sốt” cho cộng đồng mạng để trở thành “hiện tượng xuất bản” được in dưới dạng sách với số lượng lớn, điều mà một số tác phẩm văn học giải trí nước ngoài đã thành công như “Tru tiên” của Tiêu Đỉnh (Trung Quốc).
Theo chúng tôi, thực trạng đáng buồn trên bắt nguồn từ sự áp đảo tuyệt đối về cả số lượng lẫn chất lượng của văn học giải trí nước ngoài trên không gian mạng hiện nay. Hằng ngày, có đến hàng chục tác phẩm giải trí của các nước được giới thiệu thông qua bản dịch thô bằng phần mềm (convert) hay bản dịch đã chỉnh sửa, hiệu đính (edit). Những tác phẩm của các tác giả Âu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… có cốt truyện hấp dẫn, đánh đúng vào mơ ước trở thành “người anh hùng vô địch” và có một tình yêu “cổ tích” theo kiểu vượt qua bao trắc trở để rồi “nắm tay nhau đi khắp thế gian” của đa số bạn đọc trẻ tuổi với nhiều chi tiết vừa hồi hộp-ly kỳ, vừa hài hước-tếu táo, được kể theo lối tuyến tính đơn giản bằng một thứ ngôn ngữ văn chương lãng mạn và cũng rất hậu hiện đại. Với nội dung và nghệ thuật mang tính giải trí rất cao như thế, nên không ngạc nhiên khi các tác phẩm giải trí nước ngoài mặc sức “làm mưa làm gió” trên không gian mạng Việt.
Sự áp đảo của văn học giải trí nước ngoài đã phơi bày một cách gián tiếp những nhược điểm của văn học giải trí Việt Nam. Các tác giả Việt mặc dù rất cố gắng nhưng vẫn không thể chiếm lĩnh thị trường. Nguyên nhân chính dẫn đến sự thúc thủ này cũng không nằm ngoài hai chữ “chất lượng” tác phẩm. Tuyệt đại đa số các sáng tạo giải trí của người Việt-đặc biệt là kiếm hiệp-đều chịu ảnh hưởng của nước ngoài. Nhiều tác phẩm đơn giản chỉ là mô phỏng, “Việt hóa”, một số tác phẩm trong nỗ lực tạo ra chất riêng thì hàm lượng sáng tạo cũng rất ít do trí tưởng tượng không phong phú. Nhiều truyện do người Việt sáng tác có cốt truyện khá nghèo nàn, chủ yếu dựa vào một số truyền thuyết, thần thoại như việc Cao Biền trấn yểm sông Tô Lịch, Thánh Gióng đánh giặc Ân… chứ chưa khai thác sâu và vận dụng sáng tạo kho tàng văn hóa dân gian của dân tộc.
Lâu nay, giới đọc văn học giải trí đã truyền tai nhau phương thức xác định đâu là một tác phẩm do người Việt viết hay người nước ngoài viết đó là nhìn vào số chương. Nếu trên 1.000 chương thì phần nhiều là do người nước ngoài viết, còn dưới 1.000 chương đa số do người Việt viết. Do trí tưởng tượng không tốt nên tác giả Việt viết một đoạn là đuối, không thể ra chương dài-nhiều. Mặt khác, tính chuyên nghiệp trong sáng tác của các tác giả văn học mạng Việt chưa cao. Nhiều tác giả coi việc sáng tác là giải trí theo đúng nghĩa đen của từ này. Thích thì viết, không thích thì dừng. Sự kiên trì, nhẫn nại, dám chịu thất bại để đi đến thành công, đi đến cùng với nghề, với đam mê là điều nhiều tác giả văn học giải trí Việt còn thiếu.
Yếu về tay nghề, thiếu chuyên nghiệp trong công việc, đam mê nửa vời… chỉ khi nào khắc phục được những hạn chế này, văn học giải trí Việt mới có cơ hội chinh phục được bạn đọc trong nước.
4/6/2023
Đoàn Minh Tâm
Nguồn: Báo Quân Đội Nhân Dân
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thẻ nhớ vô tri

Thẻ nhớ vô tri Anh bạn thẻ nhớ từ ngày mua về đến giờ, cứ bị nhốt suốt trong máy ảnh, hôm nay mới được ra ngoài, tung tảy, tự mình nhìn ng...