“Khi mà ta chết đi” của Bảo Bình: Cảm xúc vượt thời gian
Tuyển tập thơ văn Khi mà ta chết đi là tác phẩm thứ ba của tác giả Bảo Bình sau hai tập Khúc hát tự tình (thơ), Mơ (văn xuôi) được xuất bản. Khi mà ta chết đi với 16 bài thơ và 12 bài văn xuôi gồm truyện ngắn, bút ký, tản văn của Bảo Bình là tập sách hay. Thơ văn của Bảo Bình giúp cho con người luôn phấn đấu vượt qua mọi trở lực trong cuộc sống, để bình yên trong tâm hồn.
Bảo Bình tên thật là Lê Thị Thanh Tuyền sinh năm 1972 tại Cần
Thơ, hiện là giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hậu Giang. Bảo Bình sáng tác từ
lúc còn là sinh viên, khi trở thành giảng viên cô thường xuyên cộng tác với các
báo và tạp chí các tỉnh thành. Bút ký Mùa điên điển của Bảo Bình để lại
dấu ấn cảm xúc cho người đọc.
Trong tập thơ văn Khi mà ta chết đi có những điểm rất
mới lạ, đó là cảm xúc vượt thời gian. Và với cảm xúc xoay quanh nhân sinh, thân
phận, quê hương,… ngôn từ ngắn gọn, mỗi câu mỗi chữ của Bảo Bình dẫn dụ người đọc
cảm thức sâu vời vợi, và có khi cao ngút ngàn. Ta thử nghe những cảm xúc sau
đây, Cảm ơn mùa xuân:
Anh ạ! Xuân đã qua/ Em vẫn nghe tiếng hoa nở và chim muông
tình tự/ Nhịp bước thời gian như cung đàn cuộc sống/ Gảy điệu thương nồng ấm ngọt
lành/
… Nếu một ngày đến tuổi sáu mươi/ Hai đứa mình có thêm nhiều
nếp nhăn và tóc bạc/ Em sẽ cám ơn mùa xuân đã mang đi tuổi trẻ/ Mình chứng đôi
ta đã đi qua cuộc sống và đã được cuộc sống ban tặng lại khá nhiều/ Những đắp
xây những khát khao được truyền đi và cả nhưng thứ tha…
(Cảm ơn mùa xuân – thơ trang 11).
Tâm hồn thơ của cô có lúc biến mình thành nhà điêu khắc, mà Bảo
Bình đã “Tạc tượng mùa xuân” bằng nét chấm phá của ngôn ngữ cực kỳ tinh xảo:
Cầu trời gói được nỗi đau/ Cột vào cánh gió làm diều bay xa/
Quằn trong mưa gió âm ba/ Tiếng mùa thu/ Với mùa đông chia lìa
Tiếng mùa đông với mùa xuân/ Giao thoa giây phút đất trời gặp
nhau/ Giao thoa giấy phút mặn nồng/ Nghe rơi rụng/ Những ưu tư, muộn phiền/
… Tạ lòng mình chén rượu cay/ Tạ ơn trời đất vẫn nồng nàn
xuân/ Tạ lời dâu bể nghiến đay/ Để hôm nay ta với ngày mai trưởng thành.
(Tạc tượng mùa xuân – thơ trang 12).
Đôi khi sắp gục ngã giữa đời tác giả tự ru mình:
Cứ ngỡ mình chẳng còn sức để bước đi/ Cớ ngỡ bên kia đã mở rồi
cánh cửa/ Thấy đâu đâu cũng đục ngầu những ánh nhìn tóe lửa/ Những bàn tay bẩn
thỉu đến kinh người
Chị cho tôi niềm tin về sự thiện lương/Và chấp nhận nỗi đau
như một phần cuộc sống/Khi hít thở là khi ta nên cười nhiêu hơn khóc/ Để ru
mình yên ả giữa bể dâu
Tôi lại bước đi, tiếp tục cuộc hành trình về phía trước/Gói
những buồn thương cất vào sâu thẳm/Thoa vết thương lòng bằng tình yêu cuộc sống/Để
ru mình yên ả giữa bể dâu.
(Để ru mình yên ả giữa bể dâu – trang 20).
Tuyển tập thơ văn “Khi mà ta chết đi” của Bảo Bình
Đời người cho dù sang hèn cao thấp cũng có lúc suy nghĩ về sự
mất còn của đời mình với kiếp nhân sinh. Nỗi băn khoăn này với nhà thơ Bùi
Giáng đã thốt lên câu hỏi:
Em về mấy thế kỷ sau/Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy
không/Ta đi còn gởi đôi giòng/Lá rơi có dội ở trong sương mù?
Còn đối với Bảo Bình thì không gì bận bịu với cuộc đời:
Mình đi, mình để lại gì/Một đời lận đận một đời hư hao/Dặm
trường mây gió, nước non/Khóc cười được mất… mình về hư vô
… Nếu mình tạ thế một ngày/Âu là đến lúc luân hồi đó thôi/Người
thân bè bạn xa gần/Mĩm cười nhé! Mình xong ước nguyền
Khởi duyên rồi lại diệt duyên/Diệt rồi sinh, nghiệp lực mình
tạo ra/Trả thân cát bụi về không/Ta theo duyên mới khởi sinh nghiệp lành.
(Gởi ngày tạ thế – trang 23)
…Nếu có một ngày ta nhắm mắt xuôi tay/ Hồn thanh thản nhẹ bay
qua đường sinh tử.
(Nếu có một ngày ta về với hư không – trang 34).
Người phụ nữ từ xưa đến nay luôn lận đận với “hồng nhan”.
Nhưng đối với Bảo Bình không khuất phục cái số phận hồng nhan này mà vượt lên
nó để tự tạo hạnh phúc cho chính mình mình trong cuộc sống:
Vác thơ làm của hồi môn/ Mượn trăng làm gối tựa đầu đêm đêm/
Viễn du mây cứ bồng bênh/ lấy chồng lấy cả bốn bề bể dâu/
Ta cùng nhật nguyệt càn khôn/ Rằng mưa gió lắm cho người xanh
xao
… Ta về nghiền nát cơn đau/ Trộn vào dâu bề đắp thành hồng
nhan.
(Hồng nhan – trang 27)
Với sông nước tác giả như có một điều gì to lớn như tình tự
quê hương bất tử, một tình cảm sâu đậm… nên tác giả muốn gởi thông điệp cho
chính mình:
Nếu một ngày tôi chết/Hãy đưa tôi về với sông Cần Thơ/Nơi
dòng chảy ngọt ngào như sữa mẹ/Tắm mát tuổi thơ tôi/Ru khúc yên bình
Nếu một ngày tôi chế/Hãy đưa tôi về với sông Cần Thơ/Nơi có
anh đến trước, đợi chờ/Chắc là anh sẽ vui mừng lắm/Vì đã cô đơn ở đó bấy lâu rồi
Anh em tôi sẽ được chung nhà/Tôi sẽ nấu cơm và anh lại bảo
ngon/Dù tôi biết mình chưa bao giờ làm bếp giỏi/Anh chưa chê bất cứ món nào tôi
đưa mời anh cả/Và đôi lúc mĩm cười khi em gái nâng niu/Và đôi lúc bần thần khi
em gái “nổi điên”/Nếu một ngày tôi chết sẽ đưa tôi về với sông Cần Thơ.
(Nếu một ngày tôi chết – trang 36).
Nhà thơ Phan Hoàng và nhà văn Nhật Hồng – tác giả bài viết
Khi trở về với thực tại của con người bằng sự tỉnh thức:
Khi con người rơi vào khoảng lặng: Không gian, tâm hồn, và thế
sự…mới thấy hết cái an nhiên của nó. Và một sự bình thản vô cùng. Không bị cái
trách nhiệm của công việc theo đuổi. Không bị cái nhiệt tình của yêu thương quấn
quýt. Không bị xao động bởi hư vinh phù phiếm…mới thấy tâm thanh tịnh đến lạ
lùng.
(Vừa đủ – tạp bút trang 114).
Nhà văn, nhà thơ vốn dĩ nhạy cảm với mọi tâm tư tình cảm vui
buồn, bi lụy với cuộc sống. Nhưng tác giả Bảo Bình cũng sớm nhận ra cốt lõi sự
đời và chọn cho mình một công thức sống, đó là tùy duyên. Đây là một
triết lý của Đạo Phật vừa cao siêu vừa giải thoát các áp lực của con người đang
đối mặt. Bởi sự đời không thể theo ý riêng của ai:
Nơi chốn trần tục này, chẳng gì tốt hơn là tùy duyên. Một tấm
thân nhẹ nhàng và một nội tâm tĩnh lặng, tôi đi bên cuộc đời này bằng sự tùy
duyên. Với chốn nhân sinh cười khóc tựa mây trời này, tôi chẳng thể biết mình
còn đi tiếp tục được bao xa? Nên từng bước đi tôi sẽ đi chậm lại, cho mình có
chút thời gian ngắm hoa đẹp bên đường, nghe tiếng chim hót và cảm nhận vẻ đẹp của
hoàng hôn.
(Gia tài của tôi – tản văn trang 89).
Cái số phận không buông tha cho bất cứ ai, nó bám lấy người
cho đến kiệt sức:
…Tuổi hăm bốn của những ngày xưa cũ, trái tim một nữ sinh đã
mềm lại bởi chàng trai chân quê hiền hậu, rồi đám cưới diễn ra khi tình yêu
chưa đủ chín. Không lâu sau đó, cô biết mình đã sai. Sĩ diện cùng với gia phong
của một nền giáo dục truyền thống đã trói chặt Xuân Thường trong bốn bức tường
đạo nghĩa, cô cắn răng nuốt những giọt nước mắt tủi buồn, cay đắng. Cô đã đi
bên cuộc đời bằng trái tim đau đớn, trầy trụa. Cô vẫn tồn tại.
(Xuân Thường – truyện ngắn trang 118).
Tất cả những thành bại, mất còn, oan khiên, buồn vui, hạnh
phúc kiếp người rồi cũng đến một giao điểm nào đó:
Ôi! Dòng sông miệt mài, có biết chăng trăm sông rồi cũng đổ về
biển cả? Sông ơi! Hày gột rửa những nhơ nhớp trong những trái tim nhiều vết hằn
đen đúa sông nhé! Nguyện cầu bao dòng sông trên thế gian này, giúp chuyển hóa
và thanh lọc tâm hồn họ và giúp cả cho tôi. Giúp ngày về cát bụi, linh hồn
chúng tôi được nhẹ nhàng để thanh thản bay xa.
(Khi mà ta chết đi – truyện ngắn trang 103)
Văn và thơ của Bảo Bình rất gần gũi và thân quen với cuộc sống
hàng ngày. Cô đã biến sự việc thực tại trước mắt thành lời biểu cảm ngọt ngào
và sâu đậm không ai có thể đo lường cho được (Lấy chồng lấy cả bốn bề bể
dâu). Đây là sự thành công của tác giả giả Bảo Bình trong sáng tác văn học.
Bên cạnh những vần thơ đầy tính trữ tình, thì văn xuôi của Bảo
Bình lại mượt mà đầy chất nhân văn, nhân sinh qua các thể loại như: Bút ký, tản
văn, truyện ngắn, mỗi truyện đều mang một tình cảm sâu sắc đầy tính nhân văn,
hướng tới chân, thiện, mĩ. Không ai ngờ được, cô giảng viên đã ba mươi năm trên
bục giảng bận rộn biết bao công việc ở trường và gia đình, mà vẫn thao thức từng
đêm để có những tác phẩm xứng đáng cho người đọc, và đóng góp thiết thực cho nền
văn học nước nhà. Sự cảm xúc vượt thời gian.
Cần Thơ, 8/3/2023
Nhật Hồng
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét