Khi nhà văn xuống mỏ
Nhà văn đi thực
Khi nhà văn xuống mỏ – Ký của Y Ban
Cập nhật ngày: 7 Thá tế là một trong những hoạt động thường niên của các Hội văn học nghệ thuật. Thập niên 80, 90 có những nhà văn đến ăn cùng, ở cùng với xã viên hợp tác xã hoặc công nhân ở xưởng sản xuất cả tháng trời để viết nên các trang viết thấm đẫm thực tế. Mới đây các nhà văn: Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Mạnh Hùng, Đinh Phương và Vũ Thảo Ngọc đã đi thực tế tại Khe Chàm (phường Mông Dương, thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh).
Nhập môn
Đường cao tốc Hà Nội – Móng Cái mới được đưa vào sử dụng
nhưng qua khỏi địa phận Hải Phòng thì vẫn chưa có trạm nghỉ, đường tốt xe chạy
êm ro, thi thoảng gặp xe dừng để “xả e” giữa thanh thiên bạch nhật.
12 giờ trưa chúng tôi có mặt tại trụ sở của Công ty than Khe
Chàm, đón chúng tôi có đủ các ban bệ đồng phục áo trắng với hai chữ cái “KC”
thêu trước ngực. Óc bà nhà văn bắt đầu nhảy số, dẫu có là sếp ngồi văn phòng
thì cũng phải xuống mỏ chỉ đạo, áo trắng lốp thế kia thuốc tẩy nào cho xuể…
Chúng tôi vào bữa trưa luôn. Câu chuyện cởi mở dần. Trong 5 nhà văn có 3 nhà
văn lần đầu biết thế nào là mỏ than, nhà văn Vũ Thảo Ngọc quá thân thuộc với
ngành than, nhà văn Mạnh Hùng đã từng được xuống mỏ. Tôi vừa ăn vừa lắng nghe
các câu chuyện về người thợ mỏ hiện đại để nhập môn.
Buổi chiều chúng tôi có buổi làm việc chính thức với ban lãnh
đạo công ty, đồng chí giám đốc đang bận việc chỉ rẽ qua chào đoàn. Ông Vũ Quang
Tuyến – Phó Giám đốc, Phó Bí thư thường trực công ty lắng nghe “nguyện vọng”
thâm nhập thực tế của các nhà văn, ngoài các việc dễ như tham quan nhà máy, tiếp
cận nhân vật, ăn cơm thợ lò… thì muốn được xuống lò. Nhà văn Mạnh Hùng nói,
chúng tôi muốn biết “đời gặp vỉa” là thế nào? Tiếng cười vỡ òa chủ và khách dường
như đã qua được tầng đá (lạnh).
Đời gặp vỉa và đời không gặp vỉa
Công ty than Khe Chàm có hơn 3.000 cán bộ, công nhân trong đó
gần 1.500 thợ mỏ. Những năm gần đây khó tuyển được thợ mỏ vùng duyên hải Bắc bộ,
công ty kết hợp với trường đào tạo nghề tuyển thợ ở vùng núi phía Bắc. Hiện nay
ở công ty có thợ mỏ đến từ 25 dân tộc thiểu số. Những thợ mỏ người dân tộc khỏe
mạnh, khi làm việc năng suất cao. Công ty đã đưa ra nhiều giải pháp để họ gắn
bó lâu dài với công việc như tạo công ăn việc làm cho vợ con của thợ mỏ tại
công ty. Nhiều vợ thợ mỏ làm ở bếp ăn, vì thế mới có câu chuyện rất vui.
Chuyện thế này, bánh mì Khe Chàm ngon nổi tiếng ở vùng mỏ. Có
nhà báo đến hỏi bí quyết làm bánh mì ngon của một chị làm bánh. Chị thật thà trả
lời, em làm như làm cho chồng em ăn. Câu trả lời quá hay, bánh mì và sữa tươi
là bữa ăn phụ cho thợ lò. Chồng em có đủ kalo mới đủ sức đào than, nhiều than
chồng em được nhiều tiền, nhiều tiền thì gia đình em ấm no con cái nhà em được
học hành đến nơi đến chốn.
Chúng tôi vào phòng điều hành để xem những người thợ lò ngồi
trên tời khỉ xuống hầm lò. Để dễ hình dung chúng ta hãy ngắm nhìn một cây cổ thụ,
lối vào là thân cây rồi là những nhánh cây to đến nhánh cây nhỏ rồi đến cành
lá, lá cây… ước tính vài chục km. Mỗi ca làm việc khoảng 500 thợ lò. Quãng đu tời
khỉ khoảng 800m. Than cùng đất đá được đưa lên mặt đất bằng băng chuyền đến thẳng
xưởng sàng tuyển.
Than sạch sẽ được đưa lên băng chuyền dài 6 km đến thẳng nhà
máy nhiệt điện. Đối diện với phòng điều hành là phòng quan trắc khí, nhiệt độ
dưới hầm mỏ. Khi nhiệt độ dưới hầm mỏ lên đến 30 độ lập tức điện sẽ tự ngắt.
Khi khí CO (Oxit Cacbon) và CH4 (Metan) tăng quá ngưỡng cũng lập tức được báo động
trên màn hình. Từng bước một chúng tôi được khám phá một mỏ than được tự thiết
kế tự thi công đi đầu cơ giới hóa trong các khâu sản xuất.
Tuy nhiên tất cả máy móc chưa thể thay thế được thợ mỏ lành
nghề. Và một thợ mỏ giỏi đến đâu cũng cần một yếu tố may mắn. Đời gặp vỉa là thế.
Sau mũi khoan thủy lực phá vỡ tầng đất đá là vỉa than, vui nào bằng. Than cứ thế
được cào vào băng chuyền. Thợ mỏ hết ca mặt mũi hớn hở sạch sẽ, quần áo cũng sạch
sẽ chắc chắn đời gặp vỉa. Thợ mỏ quần áo mặt mũi chát than ắt đời không gặp vỉa.
Bước ra khỏi nhà đèn chúng tôi bắt gặp ngay một anh chàng đời không gặp vỉa.
Chàng ta dời hầm lò muộn hơn các thợ khác cả tiếng đồng hồ.
Cái sự không gặp vỉa đó có thể còn do máy móc gặp sự cố và
nhiệm vụ của người thợ lò lúc ấy là khắc phục sự cố đó, có thể khoan và nổ mìn
vào lớp đá dày thì sẽ thu dọn lớp đất đá đó… Người thợ mỏ không gặp vỉa ấy có
thể sẽ là người mở ra vỉa mới cho đời gặp vỉa ở ca sau. Chúng tôi đề nghị được
chụp ảnh cùng anh, ban đầu anh ngại ngần: Xấu lắm. Nhưng rồi anh đồng ý. Một
chân dung người thợ lò rất hoàn hảo, ánh mắt của anh đầy cương nghị, sao phải
nhụt chí chứ, ngày mai đời sẽ gặp vỉa. Những người thợ lò không bao giờ phải độc
hành một mình.
Sau một buổi sáng tham quan nhà máy còn một mình tha thẩn soi
chỗ này xét chỗ kia, tôi đã tìm ra cho cái việc “nhảy số” ngày hôm qua, áo trắng
lốp ấy vẫn trắng lốp thế, cả nhà máy không có chút bụi than nào thì lấy đâu
than mà dính vào áo trắng kia chứ.
Trải nghiệm công việc của người thợ mỏ.
Xuống hầm lò
Chúng tôi thay quần áo bảo hộ, tất tần tật đồng bộ như một
người thợ vào lò. Lòng đầy háo hức. Phó Giám đốc Vũ Quang Tuyến đã quán triệt từ
đầu, các chị chỉ được xuống âm 90, hai anh nam được xuống tận gương than. Cả
đoàn được đưa vào phòng y tế để đo huyết áp và nhịp tim. Cuối cùng chỉ có anh
Hùng quân đội (Tạp chí Văn nghệ quân đội) đủ tiêu chuẩn xuống âm 175.
Chúng tôi lên toa xe gòng di chuyển trên con đường khoảng
900m với vận tốc 1m/1s. Càng vào sâu càng hút gió và lạnh. Mọi tưởng tượng của
tôi bị phá sản, chả tối chả sâu chả nguy hiểm tẹo nào.
Anh Hùng quân đội đu tời khỉ cùng anh Thái, anh Tuyến đã từng
là hai thợ hầm lò kỳ cựu mất hút vào khoảng tối rầm. Tôi ngó xuống khoảng sâu
hun hút đó bắt đầu sợ. Anh Hùng quân đội không tỏ vẻ ta đây khi là người duy nhất
trong đoàn được đối diện với gương than, được cầm máy khoan thủy lực. Hùng ngậm
ngùi nói với tôi: “Đời gặp vỉa có được ba bốn chục triệu cũng hoàn toàn xứng
đáng chị ạ!”. Rồi Hùng cười, trải nghiệm thú vị nhất là lúc tắm tồng ngồng như
nhau.
Cũng vì sự tồng ngồng đó mà nhà văn Mạnh Hùng đã được nhìn vết
sẹo trên lưng của Phó Giám đốc, Phó Bí thư thường trực Vũ Quang Tuyến. Vết sẹo
do axit của đèn mỏ đeo ngang thắt lưng rò rỉ ngấm qua lớp áo bảo hộ ăn dần da
thịt. Vũ Quang Tuyến đã trưởng thành lên từ một anh thợ mỏ cái thời ba mơ (thời
bao cấp): Một mơ đứt xích ván cào. Hai mơ lò trưởng lật nhào gãy chân. Ba mơ mất
điện toàn phần. Anh em thợ mỏ kháo nhau sếp Tuyến trải qua công việc của thợ hầm
lò nên hiểu tâm tư anh em.
Một chuyện tình cổ tích
Theo chân Chủ tịch công đoàn Nguyễn Duy Thái chúng tôi đến
thăm gia đình đặc biệt của một thợ hầm lò. Đó là gia đình anh Triệu Nguyên
Chuyên và chị Bùi Thị Điểm. Căn nhà nhỏ trên đỉnh con dốc. Đón chúng tôi anh thợ
mỏ Chuyên có gương mặt nhân hậu và nụ cười rạng rỡ. Như bao thợ mỏ khác anh
Chuyên có bắp tay và vồng ngực nở nang. Tôi ào ngay vào phòng ngủ của hai vợ chồng
Chuyên, trong đó có cô vợ bé nhỏ tàn tật. Em Điểm càng mỏng manh hơn sau ca mổ
ruột thừa. Em có nước da trắng đôi mắt sáng và gương mặt xinh xắn. Và nếu như
em không trải qua cơn bạo bệnh ngày bé chắc hẳn em sẽ là một cô gái đẹp. Căn bệnh
hiểm nghèo đã khiến em liệt hai chân, khoèo hai tay và không nói được.
Chuyên và Điểm đã quen nhau từ năm 2014 qua internet, chỉ
chát chít qua lại nhưng họ đã chia sẻ được với nhau những tình cảm sâu kín nhất.
Một ngày Điểm viết cho Chuyên: Em bị tàn tật sau một trận ốm từ nhỏ. Chuyên quyết
định về tìm Điểm và tình yêu của chàng thợ mỏ dành cho cô gái tàn tật đẹp như một
giấc mơ. Năm 2016 họ cưới nhau và 1 năm sau đôi uyên ương đón nhận một bé trai
đẹp hoàn hảo. Sau 6 năm có một cô vợ yêu kề bên chàng thợ mỏ đã mua được căn
nhà nhỏ, cậu con trai được ông bà ngoại đón về quê chăm sóc và một tháng trước
ông bà nội đã đồng ý nhận con nhận cháu.
Tôi mơ một giấc mơ
Từ sân ký túc xá của thợ mỏ trong chiều chạng vạng, tôi nhìn
lên ngọn núi cao cao trước mặt, keo lá chàm đang dần phủ kín màu xanh. Dãy núi
đấy trước đây chưa có, đá từ hầm lò trong quá trình khai thác than chất thành
núi. Mỗi một hầm lò khi đã khai thác xong đều phải hoàn nguyên. Một buổi chiều
trong lòng không vướng bận bởi các câu chuyện buồn tôi bỗng mơ một giấc mơ. Dãy
núi cao cao trước mặt sẽ dựng lên những căn nhà của bảy chú lùn, hàng ngày các
chú lùn vào hầm lò khai thác than đá còn nàng Bạch Tuyết sẽ dẫn các em nhỏ xuống
các hầm lò đã được khai thác xong. Nàng Bạch Tuyết sẽ kể cho các em bé nghe câu
chuyện của những người thợ mỏ. Để câu chuyện hấp dẫn hơn các em bé có thể tự cầm
dụng cụ khai thác mỏ kiểu của bảy chú lùn tự khai thác ra một viên than.
Mà đâu chỉ là các em bé, người lớn nữa chứ. Nơi đây sẽ là một
điểm du lịch khám phá, người lớn tuổi thì đi toa xe gòng, thanh niên thì đu tời
khỉ xuống độ sâu cho phép rồi tự tay khai thác những viên than… Chúng ta có quyền
mơ một giấc mơ về một nền du lịch không khói phát triển mạnh mẽ.
7/6/2023
Y Ban
Nguồn: Báo Đại Đoàn kết
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét