Phóng viên Lê Phong, ông là ai?
80 năm trước, nhà thơ, nhà báo, nhà viết kịch Thế Lữ
viết truyện trinh thám “Lê Phong” (*) sau khi chia tay Tự Lực Văn
Đoàn. Phải chăng ông muốn gửi gắm vào đó những phẩm chất cần thiết của một
phóng viên mê say nghề nghiệp?
Lê Phong là nhà báo nổi tiếng của chuyên mục điều tra trên một
tờ báo hư cấu mang tên Thời Thế với nhiều phẩm chất khác thường.
1- Truyện phóng viên trinh thám (hay điều tra) “Lê Phong”
không dài, chỉ độ 100 trang in khổ 21×23 cm, được chia ra nhiều phân đoạn, mỗi
đoạn chỉ khoảng 8 – 10 trang in, dài nhất là 16 trang. Chuyện kể về vai trò một
phóng viên điều tra vụ án giết người ở Phủ Lạng Thương cách nay một thế kỷ. Vụ
việc tuy gọi là bí hiểm nhưng nay coi lại thấy cũng bình thường, nên không cần
kể lại.
Chi tiết đáng lưu ý là bên cạnh việc điều tra về một cái chết
diễn ra trong đêm hôm, ngoài những thủ tục nhiêu khê vốn có ở pháp đường thì
vai trò điều tra riêng của một nhà báo có trách nhiệm như Lê Phong đã mang lại
kết quả nhanh chóng. Chính kẻ thủ ác cũng cho rằng khó mà phanh phui ra nên cứ
nhởn nhơ…
Thế Lữ – với trải nghiệm là cậu bé có nhiều năm sống xa mẹ ở miền núi và kỹ năng của một cây bút lão làng – đã dẫn dắt câu chuyện khá mạch lạc, nhiều chi tiết hấp dẫn khiến người đọc thời bấy giờ say mê. Tuy vậy, có lẽ chủ đích của tác giả, như đã nói ở trên, là thông qua một vụ án, thông qua câu chuyện thể loại “đường rừng” và cả các tuyến nhân vật đa văn hóa – gồm người Việt, các quan Tây, người gốc Hoa – ông muốn chú trọng về những phẩm chất mà một phóng viên cần có trong bối cảnh nền báo chí quốc ngữ còn manh nha những năm 1930-1940.
2- Lê Phong đã xộc vào tòa báo Thời Thế, chủ động gặp chủ
bút để trình bày việc muốn trở thành phóng viên. Bị tránh mặt rồi bị từ chối rất
nặng lời (tòa báo không phải mở cửa cho mọi người, trang 14), anh không từ bỏ ý
định chỉ làm việc cho tờ báo ấy và yêu cầu cứ dùng thử thì sẽ biết…
Khi thấy tòa soạn cần bài gấp – vì bị kiểm duyệt phải bỏ bài
vào giờ chót, Lê Phong xuất hiện và xin vào viết thử, nào ngờ bài viết được duyệt
in. Chủ bút lại cử anh đi xa ngay để điều tra một vụ án thuốc phiện. Mới vào
nghề, không có máy ảnh, Lê Phong ký họa những kẻ buôn thuốc phiện bị bắt. Thế
là bài viết hấp dẫn với ký họa lạ và sinh động. Và, Lê Phong được nhận việc.
Lê Phong “có cái nhìn tinh tế, tỉ mỉ và cách làm việc khác
thường”. Cái nhìn tinh tế giúp anh suy luận hợp lý, phán đoán tình huống bất ngờ
mà người thường hay phóng viên tồi không có kỹ năng ấy. Chỉ một cái tàn thuốc
lá và mớ lá dâm bụt bị bứt xé gần đó, Lê Phong đã đoán ra một đôi nhân tình vừa
rời đi. Chỉ một anh cò nhà in bị các vết bùn dính vào áo sau trận mưa, Lê Phong
đã suy đoán người ấy đi từ đâu đến tòa soạn. Từ vài vết mực in trong phòng làm
việc, trên tờ lịch trong phòng chủ bút, Lê Phong đã tìm ra thủ phạm ăn cắp tiền
của báo…
Thú vị nhất là quan sát phóng viên Lê Phong làm việc. Báo nào
in bài trước báo Thời Thế của Lê Phong đều khiến anh bực tức và tự sỉ
vả mình. Anh phải đi ngay đến hiện trường, điều tra lại và phải viết hay hơn họ.
Lê Phong ra phố, đóng nhiều vai với trang phục khác nhau, lời
ăn tiếng nói khác nhau. Anh quen biết nhiều giới, từ cảnh sát đến trẻ bán báo,
bán quà vặt, từ phu xe đến kẻ gác sòng bạc… “Điều tôi kiêng kỵ nhất là không để
họ biết mình làm báo bao giờ. Họ là nguồn tin rất nhanh, giao tiếp với họ có
ích không biết là chừng nào…” (trang 32-33).
Lê Phong từng len lỏi vào các động hút, sòng bạc, hàng cơm
bình dân.
Anh từng bị anh phu xe say rượu gây chuyện; từng bỏ ra nửa
tháng mặc quần áo dính dầu, lăn lộn với giới thợ thuyền để viết phóng sự về họ.
“Mỗi lần được cử đi xa làm phóng sự điều tra dài, thì Lê Phong sung sướng như
con cá gặp nước và trịnh trọng như một chiến sĩ sắp ra trận” (trang 34). Nhưng
nghe lời chúc “thượng lộ bình an” thì Lê Phong không đồng tình. “Một phóng viên
mà thượng lộ bình an là phóng viên không may…Tôi thích các anh chúc cho gặp
toàn chuyện không may, những khó khăn rắc rối, bị bắt cóc nữa thì càng hay…”
(trang 35).
Khi điều tra vụ án giết người, Lê Phong bất ngờ gặp cơ hội, rồi
dùng tiếng Pháp thuyết phục cảnh sát và bác sĩ để đi theo. Lúc bị từ chối, anh
bu theo sau xe của họ để đến nơi. Anh nhờ cả những đứa bé chuyển thông tin. Anh
vừa ngồi tàu xe vừa viết để tin bài mình được chuyển in và tới bạn đọc sớm nhất.
Anh nhịn đói vượt rừng trong 15 ngày đi tìm dấu vết những kẻ buôn lậu súng và
thuốc phiện. “Chịu chừng ấy khổ đau mà mang về chừng này tài liệu (cho bổn báo)
thì cũng hạnh phúc lắm rồi!”. Anh đọc được chữ Nho nên biết được chiếc dao gây
án là của ai… Nói chung, phóng viên giỏi phải biết một – hai ngoại ngữ!
3 – Sau 30 năm làm báo chuyên nghiệp, tôi từng chứng kiến các
phóng viên xin vào làm ở những đội “móc cống” trong đơn vị vệ sinh môi trường,
xin làm việc trong đội vệ sinh ở các bệnh viện, tham gia làm cửu vạn gùi hàng
qua biên giới hay thâm nhập làm công ở bãi vàng lậu để có các phóng sự xúc động
đến chảy nước mắt. Vì thế, tôi lại càng hiểu hơn về Thế Lữ.
Thế Lữ mượn lời Lê Phong để nói: Nếu anh không cảm động,
không hồi hộp, không ứa nước mắt khi viết thì làm sao bạn đọc của anh cảm động?
Trước mắt mình, trước trang báo, anh phải luôn nghĩ đến bạn đọc…
Những lời ấy, Thế Lữ viết ra từ năm 1942, nghĩa là cách nay đến
80 năm, thông qua một nhà báo có tên Lê Phong. Nếu không phải là những lời tim
gan của ông dành cho nghề báo nước nhà thì là gì?
Đọc lại người xưa và soi rọi lại thế giới hôm nay cũng là công việc không vô ích của mọi nhà báo vậy!.
Chú thích:
(*) Lê Phong, Thế Lữ, NXB Đời Nay, Hà Nội,
1942
20/6/2023
Trương Điện Thắng
Nguồn: Báo Người Lao Động
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét