Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2024

Bình yên Đà Lạt

Bình yên Đà Lạt

Nằm trên cao nguyên LangBian có độ cao 1500m so với mực nước biển, Đà Lạt có khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng tốt tươi, cảnh quan tươi đẹp, di sản kiến trúc độc đáo. Không gian tự nhiên mát lành, thoáng đãng trước nay của Đà Lạt rất phù hợp với công tác nghiên cứu khoa học, nghỉ dưỡng và những tâm hồn đi tìm sự bình yên. Đà Lạt bình yên từ trong cảnh vật đến cõi lòng người.
1. Với nhiệt độ trung bình từ 18oC đến 20oC, Đà Lạt mát lạnh quanh năm. Chính cái lạnh thường trú của một vùng mang khí hậu ôn đới đã làm cho Đà Lạt luôn yên bình, luôn là “thành phố của tình yêu”, bởi trong cái lạnh con người ta muốn đến gần nhau hơn. Thời gian ở xứ sở sương mù dường như đi chầm chậm, khiến người ta thư thái thanh tịnh, như quên đi những bon chen, hối hả đời thường.
Đà Lạt bình yên với thông.
Đà Lạt là “thành phố ngàn thông”, là “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”. “Rừng” ở đây là rừng thông xanh thẳm. ĐL có diện tích thông ba lá lớn nhất thế giới. Đến đây, đi bất cứ đâu ta cũng gặp những tán thông xòe ô, những con đường rợp mát bóng thông, những đồi thông thoáng đãng. Ở đây, tháng ngày rì rào trong tiếng thông reo, trong bạt ngàn màu xanh của cỏ cây vĩnh cửu. Trong ngàn thông thì thầm cô đơn ấy, ta thấy tâm hồn mình thật thanh sạch, bình yên.
Đà Lạt bình yên với sương mù.
Đà Lạt là “thành phố trong sương”. Cùng với “thông” thì “sương mù” là đặc sản  của phố núi. Còn ghì bình yên hơn khi mỗi sớm tinh sương hay buổi chiều tà, từ trên tầng cao của ngôi nhà mình ta ngắm nhìn Đà Lạt sương phủ mờ trên đỉnh núi xa xa…Rồi có những ngày Đông, những ngày có nhiều sương, Đà Lạt bảng lảng trong sương. Mỗi sớm chiều, sương mù bao phủ khắp thành phố. Ở trung tâm loãng hơn còn ở ngoại ô sương mù dày đặc hơn. Sương như chất xúc tác để núi, đồi, hồ, phố xá như chìm trong biển sương mù, trông thật huyền ảo như chốn “bồng lai tiên cảnh”. Lúc ấy, trong màn sương lồng khói tỏa của phố núi, ta thấy lòng mình thật bình yên.
Đà Lạt bình yên vì có hoa.
Đà Lạt là “thành phố ngàn hoa”, là “thiên đường của các loại hoa”. Phố núi có nhiều công viên, trang trại, khu vườn, lễ hội với nhiều loài hoa đẹp và quý. Chính vì vậy Đà Lạt đã được du khách toàn cầu bình chọn nằm trong top 3 những điểm đến để chiêm ngưỡng hoa đẹp nhất thế giới (trang Booking.com của Hà Lan công bố). Chưa nơi đâu, trên dải đất hình chữ S này lại có nhiều hoa và hoa tươi thắm như ở Đà Lạt. Đến đây, ta sẽ có những lúc bình yên, hạnh phúc được đắm mình với hoa, đắm mình trong thế giới của cái đẹp.
Đà Lạt bình yên với những con đường.
Đà Lạt là “thành phố những lưng đồi”. Nơi đây có những dốc phố yên bình, những con dốc xô nghiêng về phía lòng hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, những con dốc nối tiếp con dốc, những con dốc quẩn quanh núi đồi. Chỉ có dốc và dốc (chắc đây cũng là lý do vì sao ở Đà Lạt không có xích lô?). Những dốc phố ở đây không khói bụi mù mịt và rất hiếm tiếng còi xe.
Tôi nhớ những lần thả bộ trên những con đường của phố núi, những con đường quanh co uốn lượn ngang dọc, những con đường mòn giữa rừng thông xanh ngắt và ánh nắng chiếu qua kẽ lá. Người ta bảo: nếu chưa một lần thả bộ như thế thì chắc chắn chưa được xem là đã một lần đến Đà Lạt. Những lần dạo trên những con đường ấy của Đà Lạt, ta thấy lòng mình thật thư thái, bình yên.
Bây giờ, xa Đà Lạt rồi lại “nhớ” và “thèm” được gắn từng bước chân, từng giác quan của mình trên những nẻo đường Đà Lạt. Cứ đi như thế, thủng thẳng và thong dong, tận hưởng thiên nhiên vạn vật, tận hưởng tình yêu với “vùng đất lãng mạn và thanh nhã bậc nhất Việt Nam”.
Rồi những cơn mưa. Đà Lạt bình yên ngay cả trong mưa.
Nếu bạn muốn tìm đâu đó sự an yên, thư giãn sau những ngày bộn bề của cuộc sống thì Đà Lạt mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10) chính là sự gợi ý tốt nhất cho bạn. Mùa mưa không phải là những tháng cao điểm của du lịch, Đà Lạt  vắng khách hơn. Mùa mưa, Đà Lạt  mang vẻ đẹp yên bình. Đó là mùa thành phố yên bình nhất trong năm, mùa thành phố đẹp và buồn  một cách lạ thường.
Đà Lạt bình yên trong chiều mưa bay. Có những cơn mưa dông chợt đến, chợt đi nhẹ nhàng như không. Lúc đó, phố núi mờ ảo trong mưa. Có những cơn mưa không nặng hạt, không đủ làm ướt áo khách đi đường. Sau cơn mưa, cảm giác thật mê hoặc. Đất trời tinh khôi. Những giọt mưa còn đọng trên lá cây, ngọn cỏ. Những tia nắng nhạt bắt đầu xuất hiện, le lói  xuyên qua những rừng thông ba lá. Mùa mưa, những cơn mưa chiều càng làm tăng thêm vẻ đẹp lãng mạn, trầm buồn của phố núi ngàn sương, nó tạo nên những “khoảng lặng” trong cuộc sống ồn ào, náo nhiệt này.
Đà Lạt nổi tiếng với những kiến trúc cổ kiểu Pháp là những dinh thự, biệt thự với khoảng gần 1000 ngôi biệt thự cổ từ thời Pháp thuộc. Đà Lạt được coi là một “tiểu Pa ri”, một “Bảo tàng kiến trúc châu Âu thế kỷ 20”. Đó là những ngôi biệt thự cổ rong rêu, cổ kính, yên bình, trầm mặc, lặng lẽ dưới rừng thông vi vút, với những kiểu dáng vô cùng đa dạng nhưng tổng thể vẫn giữ được tính thống nhất và sự hài hòa với thiên nhiên. Những công trình kiến trúc này tồn tại như một đặc sản của xứ sở sương mù.
Tuy vậy, trong hoài niệm của người dân xứ sở ngàn thông này còn có một Đà Lạt khác, một Đà Lạt bằng gỗ với những căn nhà gỗ thông, đơn sơ, mộc mạc, bạc phếch màu sơn, còn thơm mùi nhựa thông. Những căn nhà ấy cho ta một cảm giác gần  gũi với rừng. Và những cơn mưa đập vào mái tôn suốt đêm, những cơn gió mùa đông luồn qua khe gỗ, những ánh nến màu vàng ấm áp mang đến một cảm giác bình yên.
Đà Lạt còn nổi tiếng là thành phố của hồ, thác với những thác lớn như thác Datanla (đẹp nhất Lâm Đồng), thác Voi…Đà Lạt có 16 hồ lớn, phần lớn là hồ nhân tạo, nổi tiếng như hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, hồ Tuyền Lâm, hồ Suối Vàng…Những hồ này nước thường trong, phẳng lặng, được bao bọc bởi những con đường thông, đường liễu, rừng nguyên sinh, những bãi cỏ mềm. Cảnh sắc thiên nhiên nơi đây đẹp như tranh vẽ, không gian tĩnh lặng nhẹ nhàng. Những ngày trở mưa lạnh, mặt hồ đầy sương khói, rất thơ mộng, trữ tình, lãng mạn. Hồ nước từ lâu đã trở thành một nét đẹp của phố núi, làm cho thành phố yên bình hơn, đỡ cô quạnh, đơn điệu với những rừng thông bạt ngàn ở nơi đây.
Để tìm một chốn bình yên, Đà Lạt không thiếu nơi để đến, có thể đó là một quán café. Đà Lạt có hàng trăm quán café, mỗi quán có một phong cách riêng rất đặc trưng. Bạn có thể đến quán Cafe Tùng ở ngay khu trung tâm Hòa Bình đã trên nửa thế kỷ. Tại quán này, Trịnh Công Sơn đã gặp Khánh Ly lần đầu tiên. Quán giản dị, mộc mạc, đem đến cho ta một cảm giác thanh bình, yên ả, u tịch. Ở đây, có một không gian đi qua thời gian, một không gian yên bình có thể cho bạn thả hồn, hoài niệm về một ký ức đã xa. Ở ngoại ô, bạn có thể đến một quán café xinh xắn với căn nhà gỗ mộc mạc, giản dị, với thảm cỏ xanh mướt, nghe tiếng thông reo, nghe cỏ cây xào xạc, nghe tiếng chim ríu rít gọi nhau; hoặc nghe một bản nhạc cổ điển châu Âu…Bạn sẽ thấy lòng mình thật thư thái, bình yên.
Đà Lạt thật bình yên không chỉ trong cái se se lạnh bất kể ngày và đêm, trong sương, trong nắng, trong mưa, trong gió, trong hồ, trong thác, trong tiếng thông reo, trong hoa nở suốt bốn mùa, trong những ngôi nhà cổ; Đà Lạt còn bình yên ở những khoảnh vườn rau, vườn dâu xanh ngắt; trong những ánh đèn vàng ấm áp giữa đêm mờ sương; trong những tiếng lóc cóc đều đều  gõ nhịp của những chuyến xe ngựa quanh hồ Xuân Hương, trong những hạt bụi không khí…Nơi đâu ở Đà Lạt cũng gợi  một cảm giác bình yên khó tả.
Và sau hết, Đà Lạt bình yên từ chính người Đà Lạt. Con người Đà Lạt sống gần gũi với thiên nhiên, chịu ảnh hưởng của thiên nhiên. Nếu thiên nhiên Đà Lạt “cho người này niềm vui, cho người khác sự mát lành” thì thiên nhiên tĩnh lặng- cái môi trường thanh sạch, thuần khiết bao quanh- là chất xúc tác để an bình trong lòng mỗi con người nơi đây được khơi dậy, góp phần tạo nên nét đẹp hiền hòa, nhẹ nhàng, thanh lịch, kín đáo, sâu lắng, mến khách…rất riêng trong phong cách người Đà Lạt. Khi tiếp xúc, người Đà Lạt cho ta cảm giác dễ chịu, an lành.
2. Đà Lạt ‘một góc bình yên” không chỉ cho những kẻ mộng mơ, lãng mạn mà cho tất cả những ai yêu phố núi, những ai đi tìm chốn an bình. Như những người đã từng đến và yêu Đà Lạt, Đà Lạt luôn ám ảnh tôi. Bởi nhớ nhung một vùng đất mà như thể nhớ nhung một người tình. Tôi mong lại được quay về chốn bình yên ấy, dù chỉ một lần. Còn bây giờ, trong tâm tưởng của một kẻ yêu Đà Lạt mà lại cách xa Đà Lạt hơn 1500 cây số, tôi muốn nhắn một người bạn của mình ở nơi xa ấy: “ Bạn ơi, hãy đi giùm tôi con dốc ấy, hãy ngắm giùm tôi sắc vàng Mimosa cuối mùa ấy, và ngắm giùm tôi cơn mưa bất chợt chiều nay…”.
10/6/2023
Nguyễn Thị Lan
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bản năng - Truyện ngắn của Mrozek Slawomir

Bản năng - Truyện ngắn của Mrozek Slawomir Sau khi bị bội tình tôi tậu một con chó. Tôi muốn nó phải là bạn chung thủy của tôi. Để được vậ...