Phận Đàn Bà
Trời mới hửng sáng, My đã dậy nhẹ, cho con khỏi thức giấc. Với
tay lấy hai cái gối ôm nhỏ chèn hai bên, kéo mền dằn bụng, yên tâm là con sẽ ngủ
ngon. Thằng nhóc chưa được một tuổi. Sữa mẹ mát nên ú ù, hai cái má cứ hây hây,
bú no một bụng, lăn quay ra ngủ.
Làm vệ sinh thay đồ xong. My qua phòng dì Tư thưa:
- Dì Tư con đi bán. Con gởi thằng nhóc.
Không đợi dì Tư trả lời. My khép hờ cửa phòng, nhìn qua đối
diện. Giờ này dì Tư đã dậy đọc kinh. Dì không có gia đình. Ít khi nhắc chuyện
ngày xưa. Có lần bệnh liệt gường mấy ngày, My bên cạnh chăm sóc…không lấp hết
khoảng trống và nỗi tủi thân trong dì. Giọt nước mắt đọng lại ở khóe mắt dì Tư
cứ thế âm thầm lặng lẽ trôi theo ngày… Lòng My xót xa.
Hôm đó dì kể cho My nghe những chuyện khiến dì cô độc như
ngày hôm nay: “Dì Tư quê Hà nội. Gia đình vô Nam từ lúc còn nhỏ. Cảnh nhà tuy
nghèo, nhưng đầm ấm, hạnh phúc. Mẹ chạy chợ, Ba che một quán nhỏ trước nhà sửa,
vá xe. Đêm về cả nhà quây quần thật bình yên. Giọng dì Tư trầm hẳn xuống như
đang trở về quãng thời gian đó…
Ngày đem nỗi bất hạnh cho cuộc đời một cô bé…
Đã hai ngày. Trời mưa tầm tã. Mẹ buôn bán ế ẩm. Ba sửa xe
không được bao nhiêu tiền nhưng vẫn mở tiệm để kiếm được đồng nào hay đồng đó!
Một buổi chiều… Dì Tư ngưng lại, lấy hơi lên, như điều dì sắp
nói làm ngực dì đau. Có người đàn bà, bước xuống từ chiếc xe hơi sang trọng vào
tiệm. Nói chuyện với Ba rất lâu. Một cô bé con, sáng đi hoc, chiều ở nhà nằm vắt
vẻo trên chiếc võng mắc vào một góc tiệm, dù có nghe, cô bé cũng không hiểu?
Người đàn bà nói gì mà thấy mặt ba căng thẳng. Đêm hôm đó, ba, mẹ nói chuyện
trên chiếc chiếu quen thuộc hơi ấm gia đình. Cô bé nằm giữa như mọi khi. Lúc
quay qua ôm ba, lát quay lại ôm mẹ, cô bé không hiểu sao mẹ khóc. Tiệm sửa xe
đóng cửa. Ba nói “Đi làm ăn xa, sẽ thường xuyên về thăm hai mẹ con.”
Giọt nước mắt không cầm được chảy dài. My đở dì Tư ngồi tựạ
lưng vào tường, rót cho dì ly nước ấm… Dì lại kể, cảm giác như đang nói với
chính mình. Giọng dì tư lúc to, nhỏ, lúc hụt hơi như thứ âm thanh đòi nợ oan hồn
trở về từ nơi âm u nào đó...
“Thời gian đầu, khoảng một hai tuần Ba về thăm nhà một lần.
Sau rồi khoảng cách đó thưa dần. Cô bé nhớ Ba, hỏi Mẹ. Câu trả lời vẫn là: “Ba
con bận đi làm” vậy mà hai mắt mẹ đỏ hoe. Thời gian đó kéo dài cho đến khi cô
bé lên cấp hai. Một hôm mẹ nói: “Mai mẹ dẫn con đi thăm ba!” cô bé nhảy lên
sung sướng “Thật ha Mẹ” và thế là lựa bộ đồ đẹp nhất treo lên, trong đầu cô bé
săp xếp đủ chuyện để kể cho Ba nghe, ước mong trời mau sáng.
Chiếc xe đò Sài Gòn lên Đà Lạt như chậm rì với nôn nóng được
gặp ba của cô bé. Xe vào bến, Mẹ mở chiếc túi sờn da, lấy tờ giấy đã nhàu vì nếp
gấp có ghi địa chỉ. Lão phu xe với chiếc xe ngựa, cầm mảnh giấy coi đường, rồi
buông hai tiếng cộc lốc “Lên xe”. Đà Lạt chiều xuống lạnh co ro. Xa xa cảnh vật
mờ trong màn sương. Tiếng vó ngựa đều đều sãi những bước dài qua nhiều khúc
quanh. Có những đoạn hoa vàng nở dọc suốt con đường. Mẹ choàng tay ôm tròn cô
bé để giữ ấm. Lên một con dốc thoai thoải. Trước mặt là những căn biệt thự
riêng biệt. Xe ngựa dừng lại, lão phu xe nói “Tới rồi”. Lão đưa tay chỉ ngôi
nhà phía trước. Mẹ đỡ cô bé xuống xe. Chỉ chờ mẹ trả tiền, lão phu xe đã vung
cây coi quất vào mông ngựa. Chiếc xe vút đi, trong phút chốc đã xuống chân con
dốc. Mẹ tần ngần đứng lặng hồi lâu, có tiếng xe hơi dưới dốc chạy lên. Mẹ kéo vội
cô bé nấp sau gốc cây thông bên đường. Chiếc xe hơi dừng lại, người đàn ông bước
xuống. Mẹ đưa tay bụm miệng cô bé như nín thở… Cửa xe bên kia mở, người đàn ông
ẵm một bé trai còn nhỏ từ tay người đàn bà. Họ tiến về phía cổng biệt thự, đi
ngang gốc cây. Mẹ nắm chặt tay cô bé. Bàn tay Mẹ nhớp nháp mồ hôi, quay mặt đi
không dám nhìn. Tiếng người đàn ông: “Em ẵm con, anh mở cửa cho”.
Mẹ kéo cô bé, đi như chạy trong tiếng thở tắc ngẹn. Đưa tay
ngoắc chiếc xe ngựa ngược chiều. Cô bé vùng vằng “Mẹ! chưa gặp ba mà”. Trở lại
bến xe, suốt dọc đường đi mẹ không nói câu nào. Mặt mẹ tái ngắt như gặp phải
ma… Từng cơn gió thổi mang theo hơi nước hắt hiu, cái lạnh như cứa vào da thịt
trong chiếc áo phong phanh của hai mẹ con. Mẹ mướn một chiếc chiếu trong căn
phòng trọ nhiều người. Lúc đi ngủ mẹ khẽ nói “Mình đi lộn địa chỉ rồi, con đừng
buồn, bữa nào ba sẽ về thăm con”. Mệt mỏi với một ngày dài, cô bé nằm co trong
lòng mẹ ngủ vùi.
Trở về Sài Gòn, mẹ khác trước rất nhiều, thường lặng lẽ ngồi
một mình. Căn nhà nhỏ bây giờ như rộng hơn. Thời gian đó cũng qua đi mấy năm.
Ba có về một vài lần rồi đi liền. Cô bé cảm giác như mình đã mất ba. Mẹ bịnh,
đêm không ngủ được, và rồi không còn sức để đi bán. Mẹ bày một xe thuốc lá và
vé số trước nhà, cô bé nghỉ học, ở nhà phụ mẹ. Mẹ mòn mỏi rồi mất…!”
My ôm choàng dì Tư. Hai dì cháu cùng khóc. Nước mắt dì và nước
mắt My đều chảy từ tận cùng đau khổ. Dì Tư như không ngưng được…
“Hôm đám tang mẹ, ba có về. Ba nói với cô bé “Thỉnh thoảng ba
sẽ về thăm con”. Hình như với ba, bỏ con mình ở lại là điều bình thường, nên thật
nhẹ nhàng ba đi. Cô bé sống trong sự bảo bọc thương yêu của hàng xóm.
Thời cuộc thay đổi… Nhiều năm sau đó ba bịnh nặng rồi mất. Được
tin báo, cô bé trở lại Đà Lạt với địa chỉ trên tay, vẫn những khúc quanh với
hoa vàng. Khí trời lành lạnh, lên một con dốc thoai thoải và khi đứng trước cổng
căn biệt thự đó, tim cô bé thắt lại! Chợt hiểu lý do ngày đó sao tay mẹ lạnh ngắt.
Sao mẹ lại đón chiếc xe ngựa ngược chiều. Sao mẹ thường ngồi lặng lẽ mỗi khi
đêm về.
Sau đám tang, cô bé biết mình có thêm một cậu em trai, từ lâu
không qua lại. Cô bé đem tấm hình của ba về đặt lên bàn thờ bên cạnh mẹ. Từ nay
cô bé đã có một gia đình trọn vẹn, có ba, mẹ bên cạnh.
Lâu dần cô bé cũng nguôi ngoai. Một mình kiếm sống. Xe thuốc
lá bây giờ đã trở thành một tiệm tạp hóa nhỏ bán trong xóm. Bận rộn cả ngày, chỉ
đêm về, sự thiếu vắng người thân khiến lòng cô trống trải. Có những đêm mưa lớn,
gió và tiếng sấm muốn lật bung mái tôn căn nhà cũ kĩ. Cô bé kéo chăn trùm kín đầu
với nỗi sợ mơ hồ…
Người đàn ông mới dọn đến ở trọ đối diện nhà cô bé, khoảng chừng
ngoài bốn mươi tuổi, làm công trình xây dựng. Hàng xóm láng giềng đều quen biết.
Cuối tuần nghỉ ở nhà, trong xóm nhà nào có việc gì cần ông đều giúp. Nhà cô bé,
từ cái bóng đèn, cho đến vòi nước, chuyện gì cũng “Chú làm dùm”.
Không biết từ khi nào… Một thứ tình cảm không thể thiếu, in
bóng dáng người đàn ông trong lòng cô bé. Tình cảm đó có phải là sự khao khát
tình thương của một người cha. Còn lại bao nhiêu phần tình yêu nam nữ…? Chuyện
gì đến rồi cũng đến… Năm đó cô đã tròn mười tám tuổi, hàng xóm láng giềng thị
phi một thời gian rồi cũng thôi! Cho đến một ngày, hôm đó ông đi công trình. Một
người đàn bà xông vào nhà cô. Tự xưng là vợ ông vừa đánh vừa chửi… Bao nhiêu lời
tục tỉu, xấu xa đều được dùng để miệt thị cô. Bao nhiêu uất hận bà ta trút hết
lên đầu cô. Hàng xóm vô can. Tiêm tạp hóa nhỏ bị phá tung. Cô được đưa vô bệnh
viện cấp cứu… Đứa con mới tượng hình, cô chưa kịp nói với ông cũng không còn.
Cô sốt cao, mê sảng…!
Con đường nào đưa cô đến địa ngục hôm nay…? Có phải con dốc
thoai thoải dẫn đến ngôi biệt thự, lối đi ngập đầy hoa vàng. Có phải những đêm
mà bóng tối nuốt chửng mẹ cô trong âm u thời gian cho đến khi kết thúc. Có phải
sự trống trải trong căn nhà côi cút chỉ mình cô… Khiến cô thèm hơi ấm một con
người. Tất cả đã đẩy cô xuống vực thẳm.
Cô xuất viện… Căn nhà trọ đối diện đã dọn đi. Đôi chân như muốn
sụm xuống không đủ sức đứng lên. Một mình vò võ trong đêm cô nhớ ông. Khoảng thời
gian có ông, cô cảm được hạnh phúc và yêu thương thật sự dành cho mình. Có lẽ
ông muốn cô được bình yên… Dù sự bình yên này tệ hơn cả cái chết. Lý do tồn tại
là hy vọng một ngày nào đó ông trở về bên cô. Yêu thương và sự ấm áp ngày cũ, đủ
cho cô sống ngày hiện tại. Tâm không còn chỗ cho một ai khác… Cô chờ đến mòn tuổi
xuân. Thời gian như gió thổi lụn tàn chút hy vọng mong manh. Khi những sợi tóc
xanh lén đổi màu, ánh mắt mệt mỏi như chút nắng cuối ngày vụt tắt.”
…Dì Tư lặng yên. My choàng tay ôm chặt dì, buổi chiều ngày
hôm đó, không gian và thời gian như đứng lặng. Hai người đàn bà bất hạnh đều có
động lực để tồn tại. My nghĩ thầm “Sẽ đi tìm hạnh phúc của chính mình, sẽ đối
diện với nó, cho dù sự thật có ra sao?”
Ngày đầu tiên gặp dì Tư. Trời đổ mưa, My tay ẵm con, vai mang
túi xách vào quán dì trú mưa. Cơn mưa dầm tháng tám giữ chân My. Khi hỏi thăm
dì Tư nhà trọ, dì quay lại nhìn My như dò xét:
- Chồng cô ở đâu? Sao lại mướn nhà trọ?
- Dạ, chồng con làm ngoài biển. Lâu lâu mới về, có con nhỏ
nên không theo được
Dì Tư nén tiếng thở dài:
- Tối nay tôi cho mẹ con cô ở tạm, mai tính.
- Dạ con cám ơn dì.
Mọi gặp gỡ trên đời này đều bắt đầu một duyên phận. Cuộc đời
đã dung rủi Mẹ con My được dì cho tá túc. My coi dì như mẹ, người dưng giữa đời
lấy cái tâm đãi nhau, cơm nước trong nhà một tay My lo toan. Sáng nào My ra khỏi
nhà cũng 5 giờ sáng, đạp xe qua lò bánh mì, lấy mấy chục ổ bánh mì chạy theo xe
đò để bán. Những ổ bánh mì to dài đặc ruột, ngậy mùi bơ, khách mua về làm quà.
Con của My còn nhỏ. Tranh thủ được thời gian sáng sớm. Gởi
con cho dì Tư đi bán kiếm chút tiền. Đắt, ế gì cũng phải về trước 8 giờ để dì
Tư còn dọn hàng bán. Mọi chuyện không thể đều có thể nếu có động lực. Công việc
này quá lạ lẫm với My. Ngày đầu đi bán My cứ lẫm bẫm như đọc thần chú. Tim đánh
trống liên hồi: “Cố lên! Cố lên! người ta làm được, mình làm được, chỉ là tạm
thời thôi.”
Là một cô giáo. Lấy chồng với suy nghĩ: “Hãy sống yêu thương,
mình sẽ nhận được yêu thương!” Cuộc đời không như những gì My tưởng tượng… Mẹ
chồng chê nghề giáo của My. Cuộc hôn nhân này không theo đúng ý của mẹ. Đã
không ủng hộ, mẹ còn tìm mọi cách để chia rẽ vợ chồng My. Tất cả mọi chuyện chồng
đều nghe theo sự sắp xếp của mẹ. Mẹ không giống những người mẹ chồng khác. Trước
mặt con trai lúc nào cũng tỏ ra thương con dâu với cháu nội nhưng phía sau lại
khác. Một cơn bão lớn sắp cuốn xoáy cuộc đời My. Dù cho có cố gắng bao nhiêu để
hòa nhập vào gia đình vẫn bị hất ra. Một tô canh muốn nấu theo ý, mẹ cũng không
dạy để rồi trong bữa cơm My ngồi cúi mặt nghẹn ngào… Khoảng cách đó như từng
cơn sóng đẩy xa bờ, để rồi nhấn chìm My xuống biển đời đầy những đau khổ.
Sáng nay trời thiếu nắng. Cái lạnh se se của mùa xuân tới ngõ
thật dễ chịu. Sắp tết, khách về quê đông. Mới 7 giờ sáng My đã bán hết mấy chục
ổ bánh mì, nhưng không quên chừa lại hai ổ đem về ăn sáng với dì Tư. Dì Tư
thích ăn bánh mì chấm sữa. Lớn tuổi ăn miếng bánh ngấm sữa mềm dễ nuốt. Cơn gió
ban sáng đưa cái lạnh lắt lay làm My nao lòng.
Cuộc đời luôn bí mật với ta. Phía sau cánh cửa… Bước vào con
đường trước mặt. Nắng gió hay mưa dầm cũng là con đường ta đã chọn. Hãy bằng
cách nào đó để vượt qua! Lấy chồng được 3 năm. Thời gian sống với chồng chắc vừa
đủ để sanh con. Cảm giác của My chênh chao như đứng trên cái bập bênh chực ngã.
My vẫn còn sợ lắm ngoài kia những điều chưa biết.
Mẹ chồng đã bán nhà dọn đi nơi khác. My ôm con nhỏ bị quăng
ra đường… Trong túi chỉ có chút tiền My dành dụm phòng thân. Trên con đường tìm
chồng, My đã may mắn gặp dì Tư.
Nhìn mọi người nôn nao về quê. My muốn bỏ hết, lên xe một mạch
về quê… Tới nhà, để rồi thở phào nhẹ nhõm. Chợt nhớ lại nỗi buồn trong mắt ba,
me. Ánh mắt xoi mói của hàng xóm. My lại nuốt xuống nỗi khao khát trở về. My
thì thầm: “Mẹ ơi! Tết này con không về nhé!”. Từng chiếc xe đò lăn bánh như
mang theo nỗi niềm nặng trĩu… My thở dài tự nhủ: “Rồi sẽ có một ngày, ngày
không còn nước mắt”.
Hai ngực của My căng tràn sữa, chắc thằng nhóc đang khóc. My
sốt ruột… Từ lúc có con, suy nghĩ My thay đổi hẳn “Với thời gian, chuyện gì
cũng qua”. Ghé chợ mua chút đồ ăn rồi về. Bản năng sinh tồn và tình thương con
khiến My mạnh mẽ hơn. Cuộc sống thiếu thốn cho bà mẹ nuôi con nhỏ, nhưng hai bầu
sữa của My dư đầy cho con. Chỉ My là gầy đi trông thấy.
Đạp xe về gần tới nhà. Một chiếc ba gác cua ngang làm My giật
mình dừng lại. Trên xe ngổn ngang đồ đạc của người đàn ông trung niên và đứa
con gái tuổi còn đi học… My lẩm bẩm: “Dọn nhà ư!” Chuyện bình thường! Người đến,
kẻ đi, người dư, kẻ thiếu… My nghe nhức nhối, ngộp thở khi nhìn những cảnh đời…
Mấy ngày nữa là tết rồi! Một chỗ trọ vẫn chưa yên…
Dựng chiếc xe đạp sát hè nhà. Gió dưới sông mang theo hơi nước,
thổi thốc lên lạnh hơn. My nghe tiếng con khóc, tiếng dì Tư ầu ơ dỗ, lật đật chạy
vô My chào dì Tư:
- Dì Tư con mới về
- Lẹ lên con, cục vàng đói bụng khóc nãy giờ.
Xuống bếp rửa tay, rồi lại gần bên con My lên tiếng: “Mẹ đây,
Mẹ về rồi!” Thằng nhóc được mẹ ẵm, nhoẻn miệng cười, nước mắt còn lưng tròng.
Dúi đầu vào ngực mẹ đòi bú, cu cậu khát sữa nuốt ừng ực nghe thương. Vừa cho
con bú, My vừa bóp hai cái chân đầy bông sữa trắng hồng, thì thầm: “Con là động
lực cho mẹ tiến về phía trước. Hứa với mẹ là phải ngoan, phải khỏe mạnh nhé!”
Thằng nhóc bú no, nhả vú nhìn mẹ cười. Sữa còn chảy bên khóe miệng. Trong căn
nhà có hai người đàn bà, một già một trẻ, đứa bé là nắng ấm, là niềm vui…với
nhiều tổn thương đau khổ thói đời.
Có phải bản năng làm mẹ đã khiến My lớn hẳn, chính chắn hơn,
kiên nhẫn hơn. Khó khăn không còn là trở ngại khi trong lòng My đang ôm con…
Con trai ăn no, tắm mát lại lim dim ngủ, My hôn trán con thì
thầm: “Tình yêu thương mẹ dành cho con lớn hơn nghịch cảnh! Yên tâm mà ngủ, con
yêu!”.
Sài Gòn, 8/2017
Lê Yên
Theo http://vietnamthuquan.eu/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét