Người lính - Truyện ngắn của Nguyên Tô
Hết đợt điều trị, sức khỏe đã ổn, Trần Viết Bảng từ biệt cô y tá cứu thương Ngô Thị Thái, trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Trong ngực áo là cuốn sổ tay nhỏ kẹp tấm ảnh đen trắng của cô gái xứ Thanh có đôi mắt huyền, nụ cười thơm hương mạ non, thân hình mảnh dẻ với những lọn tóc mai lòa xòa, khiến đôi khi Bảng thấy tim như có một ngọn gió sớm lay động. Thái ngắm mãi nét chữ rắn rỏi ghi địa chỉ của anh: “Trần Viết Bảng, thôn An Trụ, xã An Thịnh, huyện Gia Lương, tỉnh Hà Bắc. Đơn vị, hòm thư…”.
(Thân tặng đồng chí Thượng tá Trần Viết Soái, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Ninh)
Trần Viết Bảng tỉnh dậy, thấy một bầu tối băng chặt lấy hai hốc
mắt âm sâm, cánh tay phải nặng trĩu. Mưa thì phải, anh thấy những hạt nước nhè
nhẹ chạm gò má và đôi môi se nứt. Ngoài kia, tiếng dế gáy khúc cao vút rồi rơi
tõm xuống cánh rừng sâu, tiếng côn trùng ăn đêm rỉ rả. Anh thấy mình thời thơ
bé, mẹ đi làm đồng về, mùi mồ hôi ngai ngái lưng áo nâu, mẹ lấy từ trong xà đùi
những con muỗm xanh, béo núc đã bị vặt chân và cánh. Cu Bảng hớn hở xiên muỗm
vào que đóm hút thuốc lào của bố, đốt rơm nướng. Phút chốc căn bếp dậy mùi muỗm
chín ngậy. Rồi anh lại thiếp đi.
Nắng rất thơm, tràn qua má, xuống cổ, cánh tay áo cứng quèo
chạm vào vết thương đau nhói. Bảng thấy nếp áo dưới nách mình cồm cộm không hiểu
là bùn hay máu rỉ ra từ vết thương đã bị nắng hong khô cong. Bảng nhớ bố, khi
ông còn rất trẻ. Mỗi lần bố đi câu về, Bảng chạy ra tận đầu ngõ đón. Rồi cậu
lon ton vào nhà, lôi trong gầm giường chiếc thau đồng sáng bóng, lễ mễ bê ra giữa
sân. Theo cánh tay rắn chắc từ chiếc giỏ lớn đổ xuống thau, quà của bố là cả một
thế giới dưới nước: niềng niễng đen óng ả, tôm bà bật tanh tách, con cua kềnh
giương đôi mắt thô lố nhìn cậu bé, đôi càng giơ lên hăm dọa, cá ngạnh vàng ươm,
trườn đi trườn lại trong thau, mấy sợi rong đuôi chó sót lại xanh mướt… Bảng lấy
tay trái rờ rờ, chạm vào báng súng lành lạnh. Mừng quá, anh ôm chặt lấy nó.
***
Bảng mở mắt ra, ban mai xanh biếc òa vào căn lán cứu thương
dã chiến, bả vai trái được băng kín trắng toát. Cựa chân, kéo ống quần lên, anh
biết đôi chân mình vẫn còn nguyên vẹn, tay trái cử động nhẹ nhàng, chỉ cánh tay
phải thì như đi mượn của người khác. Anh thấy xế bên bàn đựng dụng cụ y tế, một
người con gái rất trẻ bởi tấm lưng thon, những lọn tóc mai nắng chiếu vào hừng
lên từng sợi, từng sợi lấp lánh.
– Anh tỉnh rồi ạ, đêm qua anh mơ sảng, toàn gọi mẹ. Bọn em
tìm thấy anh ở cánh rừng săng lẻ, vết thương ở bả vai rất nặng, có lẽ mất nhiều
máu.
Trận oanh tạc của giặc đã cày nát cả cánh rừng. Bom gầm réo,
không khí đặc mùi khói súng, những gốc cây to bị vật trơ rễ, lá xanh oằn lên, rụng
ào ào như một trận bão. Những trận bom rung giật, ép vào lồng ngực đến tức thở,
nhưng Trần Viết Bảng vẫn kiên cường không rời chiến địa, một mảnh bom sượt qua
vai, máu tuôn xối xả. Anh vội xé nốt mảnh tay áo đã bị bom cứa rách, quấn sơ
sài vào vết thương. Chưa kịp nghỉ ngơi cho lại sức, lại tiếp tục phải chống chọi
với trận bom mới của lũ giặc lái. Chúng bay rà rà trên đầu, cánh rừng săng lẻ
nghiêng ngả, đất đá bay mù trời, bỗng một mảnh sáng như tia chớp lao xuống cửa
hầm cạnh chỗ Kha, Bảng lao đến, đổ ập thân hình cao lớn của mình lên đồng đội.
Kha vừa được tin vợ sinh con đầu lòng.
Hết đợt điều trị, sức khỏe đã ổn, Trần Viết Bảng từ biệt cô y
tá cứu thương Ngô Thị Thái, trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Trong ngực áo là
cuốn sổ tay nhỏ kẹp tấm ảnh đen trắng của cô gái xứ Thanh có đôi mắt huyền, nụ
cười thơm hương mạ non, thân hình mảnh dẻ với những lọn tóc mai lòa xòa, khiến
đôi khi Bảng thấy tim như có một ngọn gió sớm lay động. Thái ngắm mãi nét chữ rắn
rỏi ghi địa chỉ của anh: “Trần Viết Bảng, thôn An Trụ, xã An Thịnh, huyện Gia
Lương, tỉnh Hà Bắc. Đơn vị, hòm thư…”. Cô nhìn theo hút bóng người lính trẻ,
khi bờ vai vuông vức lẫn vào vòm cây bên con đường nhỏ, mới quay vào lán tiếp tục
công việc. Còn Bảng, cánh tay bị thương cứ đặt mãi vào túi áo ngực, như thấy một
luồng ấm áp đang lan tỏa.
***
1972 là năm bản lề của cuộc kháng chiến chống Mỹ, mở ra những
thời khắc lịch sử hân hoan của dân tộc. Trả giá cho chiến thắng là máu xương của
cả hai bên. Tin báo tử về xã An Thịnh, những mái tranh nghèo nhuốm thêm u ám lẫn
vào màu trời xám chì trĩu nặng, buốt giá. Tịnh không một tin tức về chồng – ông
Trần Viết Bảng, người lính đang chiến đấu tại điểm nóng Khe Sanh, Đường 9 Nam
Lào, thêm nữa, mấy đêm bà Thái đều gặp ác mộng, thấy chồng trúng bom giặc. Tỉnh
dậy, nước mắt đầm gối, khắp người rã rượi, có điều gì đó rất mãnh liệt, thôi thức
bà đi tìm chồng.
Sớm đông gió thốc vào gian nhà trống hoác, sương đêm trĩu nặng,
làng xóm im lìm trong giấc ngủ, có bao nhiêu áo ấm khoác hết lên người, thắt
thêm chiếc dây chuối quanh vòng eo, túm hai gấu quần lụa bằng hai chiếc cặp nhựa,
xỏ chân trong đôi dép nhựa tái sinh cứng quèo, chiếc túi vải chỏng chơ vài củ
khoai luộc và ít sắn khô hấp, một bi đông nước, bà nhằm hướng Thái Nguyên, nhấn
pêđan xe đạp.
Đêm uể oải chưa tan, vệt trăng lẫn vào bầu trời mù sương, dưới
đường làng, người đàn bà cong lưng đạp xe thốc tháo trong một linh cảm dữ về
người chồng nơi chiến địa xa lắc. Dòng kí ức đứt nối về buổi ban đầu ở lán cứu
thương dã chiến, đã khiến đường lên đất chè bớt xa, nhưng hỏi khắp, đưa ảnh chồng,
mọi người kiên nhẫn trả lời rồi nhìn bà bằng ánh mắt ái ngại. Lại đi, trời đông
quất thêm những ngọn gió tê buốt, cái đói, cái rét không thắng nổi mong muốn được
gặp chồng, bà cứ đi, nơi chồng đóng quân ngày một gần hơn, còn mái nhà nhỏ thôn
An Trụ và đứa con gái nhỏ mới 3 tuổi ngày càng xa hun hút.
Chiến tranh, điều gì cũng có thể xảy ra nhưng hội ngộ thì lại
là chuyện không tưởng. Và khi ông cùng đồng đội vừa được lệnh chuyển quân thì
cũng là lúc bà tìm đến. Một người đàn bà tốt bụng, nghe xong câu chuyện, đã dẫn
bà đến điểm cao ta vừa giành được từ tay địch. Đó là một vùng đất trũng hoáy vết
bom cày, màu đất nâu thoáng vệt máu, thi thoảng tìm thấy vài mảnh dù pháo sáng
rách tướp. Bà ngồi sụp xuống, nhúm ít vụn đất và cành trinh nữ có hoa tím li ti
gói vào chiếc khăn tay. Dù không được gặp mặt, nhưng tin chồng vẫn còn sống, đã
khiến bà vui mừng khôn xiết. Sau này, cuộc tìm kiếm có một không hai đó, luôn
được ôn lại vào những phút giây gia đình được đoàn viên.
Ít lâu sau, ông cắt phép trở về, ào ào như một trận bão, tưởng
như có bao nhiêu sinh lực ông trút hết cho vợ. Còn bà rưng rưng, miệt mài thao
thiết như thể chỉ cần rời chồng ra là tất cả tan biến. Cái chết của ông trong
cơn ác mộng luôn ám ảnh bà, cuộc đi lịch sử trong trò ú tim của chiến tranh đã
khiến cả hai cùng thấm thía nỗi mất còn.
Bà hạ sinh con trai thứ hai năm 1973. Sáu bận sinh nở là mỗi
lần trái tim người mẹ vỡ đôi trong niềm đau đớn và hạnh phúc, đứa con nào cũng
là tinh huyết của cha mẹ. Nhưng có lẽ trái thảo thơm nhất là người con thứ ba –
thượng tá Trần Viết Soái, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử
dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Ninh. Soái được thừa hưởng những gì đẹp nhất
của cha mẹ. Ở Soái có cái bền bỉ, cương nghị, khéo léo, gắng gỏi vượt khó của
người mẹ miền cát cháy cùng với nét hào sảng, tự tin, điềm tĩnh, nghiêm cẩn,
khiêm cung của cha.
Mùa hè năm 1976, cái nắng như đổ lửa giữa tháng 6, đuổi hết
lũ cua lên những bờ cỏ cháy, bà Thái hạ sinh đứa con thứ ba. Cố thủ trong nỗi
đau sinh thành của mẹ, Trần Viết Soái chào đời bé hon, mắt chớp chớp trước tia
nắng vàng chói, mùi hương mạ non, mùi bùn ngấu khiến cánh mũi nhỏ xíu phập phồng,
phập phồng!
Một ngày hạnh phúc ngập tràn căn nhà nhỏ, bức thư của chồng
khiến bà rộn ràng, tất tả. Ngõ vườn sạch sẽ, tinh tươm, giậu cúc tần thả dây
leo tơ hồng óng ả, cây bưởi đầu ngõ từng chùm nụ sớm bung biêng, e ấp mùi hương
thầm kín. Trong vườn, vồng cải cúc xanh nõn, thoảng hoặc đốm vàng chúm chím, cải
bắp tròn xếp từng lớp, từng lớp, những dọc hành, tỏi vươn cao kiêu hãnh đua
hương với cây ớt chỉ thiên lúc lỉu. Bà yêu chồng theo cách riêng, rất tận tâm,
chi chút. Trong vườn đa phần là món rau ông thích. Đã mấy vụ rồi ông lỡ hẹn vì
mải mê trận mạc, mùa nào thức ấy, dưới tay bà, cây vẫn phổng phao!
Rồi một đêm ấm áp, những sợi râu ram ráp cọ vào bầu má non
tơ, hàm răng trắng tăm tắp cười rất gần, cậu bé mắt tròn xoe ngơ ngác trong cơn
mê ngái, rồi lại gục đầu ngủ tít. Mãi đến giờ, khi đã 47 tuổi, Soái vẫn vẹn
nguyên trong mình cảm xúc về bố: hàm răng tươi rói, bờ vai vuông vức và những sợi
râu khét mùi thuốc súng!
Những ngày phép của chồng, bà lui cui cả ngày trong gian bếp,
quanh quẩn với thịt gà vàng ươm, trắng nõn rắc lá chanh, cà muối xổi ròn ròn,
canh ốc gừng nấu cải, bát mắm thả vài lát ớt đỏ au. Ông đưa con trai sang nhà
hàng xóm. Chủ nhà là ông cụ mái tóc trắng như cước ngồi trầm ngâm trước bàn cờ
tướng với ông lão xóm bên nhưng khi thấy cậu bé, ông ãm lấy, chằm bặp, nựng nịu.
Nó không khóc, sà ngay xuống bàn cờ, mắt nhìn hau háu từng quân cờ gỗ đã lên nước
bóng loáng, tay với với như muốn bắt lấy. Khi ông ngừng nước cờ ngẩng lên, cũng
là lúc tay đứa bé kịp nắm một quân cờ. Ông cười hiền:
– Thằng cu này chắc sau lớn lên ham cờ lắm đây.
Gỡ lòng tay đứa bé “con xe” đỏ chói, ông lặng đi giây lát, rồi
xoa đầu cậu bé:
– Tốt, nam nhi trượng phu, nắm xe là có tài trí, luôn hành hiệp
trượng nghĩa, tấn công đối phương trực diện.
Rồi Trần Viết Bảng lại lên đường, quê hương bịn rịn. Chừng ít
lâu sau, quà của ông gửi về cho con trai là bàn cờ thủ công thơm mùi gỗ săng lẻ,
những quân cờ tròn xinh được mài dũa tỉ mỉ. Từ đó, cậu bé lẫm chẫm chỉ quanh quẩn
trong nhà ra ngõ với trò chơi xếp cờ, bắn súng, mẹ an tâm với ruộng, vườn và bầy
gà lợn.
Ở Playku, bốn mùa trong năm trôi qua chỉ một ngày, lần đầu
tiên đặt chân lên mảnh đất này, Trần Viết Soái thấy ngỡ ngàng. Vì chỉ trước đó,
Bắc Ninh quê anh còn chịu cái nắng oi hanh, gắt gỏng như của mùa hè, thì sau
vài giờ đồng hồ mùa thu của xứ lạ đã ùa đến mát rượi trong cơn gió ủ hương cà
phê, có chút hăng vị tiêu và mùi ngai ngái của loài hoa dã quỳ rực rỡ. Đang đi ở
đồng bằng, chợt thấy núi, nhưng bàn chân không mỏi, chỉ là cái cảm giác thật
háo hức trong chuyến xê dịch để thay đổi thực đơn cho giác quan. Lần nào đi
công tác ngoại tỉnh cũng vậy, xong việc là Soái lại tranh thủ đi tìm người đồng
đội đã thất lạc của bố.
– Con cố gắng dò hỏi tin tức của bác ấy nhé. Bố tin bác ấy
còn sống.
Nhìn thấy vẻ chộn rộn, mong mỏi của bố, anh chỉ biết nói lời
động viên:
– Bố an tâm, con sẽ tìm thấy bác ấy.
Trước chuyến đi Tây Nguyên, Soái về nhà ngủ với bố. Nửa đêm tỉnh
dậy, anh rón rén mở cửa ra ngoài hiên. Trên trời, vầng trăng đêm sáng rỡ, lóng
lánh soi tỏ mảnh vườn của bố mẹ, cây cối ngủ im, con chó thấy chủ, kêu lên những
tiếng rin rít trong cổ họng. Cái lưỡi mềm ấm của nó liếm tay anh ram ráp.
– Đi ngủ đi, mày thức khuya thế.
Nó không nghe, cứ nấn ná ngồi sát anh, đôi mắt nâu giương lên
như hỏi:
– Cậu chủ vẫn còn thức cơ mà.
Soái vuốt vuốt dọc sống lưng nó, thấy một điều gì đó rất lạ
chạy qua ý nghĩ, khiến anh bồn chồn.
Trở vào giường, anh ghé cạnh bố rất nhẹ, như sợ ông thức giấc:
– Ngủ đi con, lấy sức mai lên đường.
– Con làm bố mất ngủ à?
– Không, bố vừa gặp một giấc mơ chiến trường, y hệt cảnh bố
đã trải qua. Bom nổ, một mảnh văng trúng cửa hầm, bố lao đến che cho bác Kha,
sau đó bố lịm đi.
Soái quay sang, qua ánh đèn ngủ xanh xanh, mờ tỏ, anh thấy mắt
bố sáng lên, những nếp nhăn trên vầng trán nhíu lại, nhưng khóe miệng rộng lại
nở nụ cười nhẹ nhõm. Anh khẽ xoa xoa vào vết thương bả vai của bố:
– Bố lại đau à?
Playku là đô thị được khai sinh và trưởng thành trong lòng
Tây Nguyên chừng 90 năm với địa hình trập trùng dốc đèo, thung sâu, được choàng
thêm tấm áo mong manh từ hơi nước ngưng đọng bởi những mặt hồ tự nhiên và nhân
tạo nằm rải rác khắp thành phố, đêm ngày lắng nghe khúc reo vi vút từ nhiều rừng
thông ba lá thanh cao, ngút ngàn. Dưới mặt đất, từng vạt, từng vạt cúc quỳ vàng
chói như nắng trưa hè vô tình bỏ quên vì nuối tiếc độ thu sang.
Biển Hồ là món quà tuyệt tác mà tạo hóa đã ban tặng cho
Playku. Nằm cách trung tâm thành phố chừng 7km theo hướng quốc lộ 14, nó là di
tích còn sót lại sau cơn trở dạ của địa chất từ một miệng núi lửa khổng lồ. Và
bao thời gian đi qua, Biển Hồ vẫn ăm ắp nước mặc cho những mùa khô làm mình làm
mẩy với Tây Nguyên khô khát nắng cháy. Vẫn xanh miên man, mênh mông sóng vỗ,
như một chứng nhân vĩ đại về sự huyền bí của thiên nhiên. Mỗi năm, lại một hay
hơn, người dân mãi mãi nằm lại nơi đáy hồ, tịnh không một dấu vết, tất cả như
khiến Biển Hồ càng trở nên khó hiểu và nếu đến vào lúc chiều muộn, trong tim
còn dội về một cơn rờn rợn mơ hồ.
Khám phá Biển Hồ bằng con đường đất đỏ xuyên giữa rừng thông
cao vút, hai bên thoải dốc vừa đủ cho bàn chân đồng bằng không thấy mỏi. Đất ở
đây quý người, những bụi đỏ li ti len lỏi, chui bám vào những nếp áo quần, cùng
với nhụy dã quỳ vàng hườm, hăng hăng thoáng chút hoang sơ, đến nỗi khi trở về
nhà rồi, Soái vẫn thấy váng vất đâu đây đôi mắt Biển Hồ loang loáng nước, ngút
ngàn thông màu u tịch. Người ta cũng truyền nhau về huyền thoại rằng, nước mắt
khóc thương dân làng bị cuốn vào cơn thiên tai đã chảy thành hồ. Nếu lý giải dưới
cái nhìn khoa học, thì trong nước mắt, ngoài nước còn có chất béo, chất nhầy.
Do vậy, nước mắt sẽ không bị bốc hơi hoàn toàn. Và nỗi buồn trên thế gian này
cũng vậy.
Tranh của họa sĩ Nguyễn Khôi
Trong cuộc cờ của Hội thi cờ tự do năm ấy, tổ chức ở Playku,
Trần Viết Soái được sắp đôi với một bạn cờ của khu vực Tây Nguyên, anh Nguyễn
Thành Khang. Trận đấu rất quyết liệt, Khang đi những nước mới, mạnh mẽ, hào sảng,
khiến Soái có lúc rất lúng túng. Nhưng Soái cũng thấy lạ. Chưa bao giờ anh mất
tập trung đến thế, anh bị hút vào khuôn mặt vuông, cương nghị, rắn rỏi của đối
thủ, có điều gì đó mơ hồ chạy qua anh. Đến nỗi, Khang phải giục Soái ra nước.
Cuối buổi, Khang gặp riêng để mời Soái về thăm nhà mình. Chiếc
xe bon bon trên con đường phố núi đèo dốc và dừng lại ở một ngôi nhà dưới tán
lá rợp. Hoa leo quấn quýt thả từng chùm, từng chùm rực rỡ, lẫn vào đám lá xanh
làm mái cổng trở nên dịu dàng, mát lành.
Phòng khách rộng, bài trí vừa đủ ấm ấp, lịch sự, mắt Soái dừng
lại ở một tấm ảnh được phóng khổ lớn, đóng khung gỗ trang trọng. Tấm ảnh chụp
ba người lính trẻ trung đeo súng, tư thế ung dung. Người đứng giữa, khuôn mặt
hiền, bờ vai vuông vức quá quen thuộc với Soái. Lúc đó ông cụ thân sinh của
Khang vừa ra. Ông cụ cao lớn, nhanh nhẹn, mái tóc bạc phơ cắt ngắn gọn ghẽ, ánh
mắt sáng, tươi rói và ấm áp. Bàn tay to bè của ông vỗ vỗ vai anh rất mạnh:
– Con là bạn của Khang hả?
Bỗng ông lùi lại nhìn anh chăm chăm.
– Bác nhìn con, thấy rất giống một người bạn đặc biệt của
bác.
– Con giống ai hả bác?
– Người ấy là ân nhân của bác. Anh ấy đã cứu sống bác, cứu cả
gia đình bác.
Soái nắm chặt đôi bàn tay ông cụ, giật giật, giọng như lạc
đi:
– Bác có phải là bác Kha – Nguyễn Thành Kha không ạ?
Rồi anh chỉ lên tấm ảnh:
– Bố Bảng của con kia, bố con đứng giữa.
Ông cụ đột ngột ngồi sát lại, ôm chầm lấy Soái, mếu máo:
– Bảng ơi, anh Kha gặp con trai em rồi, anh tìm thấy em rồi.
Tiếng của người già trong nỗi xúc động, thành những âm thanh
lục cục trong cổ họng.
– Bà nó ơi, nhà mình tìm thấy anh Bảng rồi.
Bà cụ lập cập bước ra phòng khách. Thấy cảnh hai người đàn
ông, một già, một trẻ ôm chầm lấy nhau, bà lặng đi. Từ khuôn mặt răn reo của bà
dòng nước mắt ứa ra.
***
Người đưa thư dừng lại ở cổng, dõng dạc gọi:
– Bác Bảng có thư này.
Ông Bảng bỏ chiếc rổ đang đan, thấp thỏm ra cổng:
– Thư ai thế anh?
– Cháu chịu, chỉ thấy đề tên người nhận là Trần Viết Soái.
Vừa lúc Soái đi tát vét về, tay xách khau, tay cắp cái chậu
nhôm bên cạnh, lũ tôm cá bật tanh tách.
– Con chào bố, em chào anh.
Soái ra bờ ao, khỏa chân xuống nước, lấy mớ rác kì cọ những vệt
bùn ở chân và tay. Bùn mịn, có chỗ đã cứng từng mảng, bóc ra dễ dàng. Mặt ao rộng,
bè rau muống xanh mát, từng con gọng vó lướt đi nhẹ nhàng bằng trên cẳng chân
bé teo, cây sung sà xuống, che rợp một góc ao.
– Soái ơi con có thư này.
– Thư của ai hả bố?
Soái vội chạy vào nhà, nhận bức thư từ tay bố, thận trọng xé
một đường rất nhỏ nhưng chính xác. Vừa đọc mấy dòng đầu, Soái nhảy lên:
– Bố ơi con đỗ đại học An ninh rồi.
– Đâu cho bố xem.
Rồi cẩn thận đeo kính, ông ra ngồi ở tấm phản giữa nhà, đọc
như uống từng chữ. Lát sau, buông tờ giấy, ông khẽ gọi:
– Soái, vào đây bố bảo.
Soái ngạc nhiên lắm, từ bé chưa bao giờ thấy bố trịnh trọng với
mình như thế. Ông bố ôm chầm cậu con trai của mình, tay vỗ vỗ vào vai Soái:
– Tốt quá con ạ.
Bà Thái đã đứng đó tự bao giờ, ngắm chồng và con trai, mắt bà
ứa giọt nước mắt hạnh phúc.
Mười tám năm lấm lem bùn đất đem ra cọ với thị thành. Không
phải cái vẻ ngơ ngác, thư sinh xoá nhoà sự đứt gẫy giữa phố với quê mà là những
thành tích của chàng trai vùng lúa! Dù học hay hoạt động ngoại khoá, Soái đều lọt
vào topten.
***
Năm 1969, khi mùa đông thở dài trên những cánh đồng chỉ còn
trơ lại gốc rạ, Ngô Thị Thái đã đón tiếng khóc chào đời của đứa con đầu lòng
trên chính mảnh đất quê hương Thanh Hóa. Cuộc vượt cạn một mình và cảnh nuôi
con thời chiến thật lắm nỗi đoạn trường, đói rạc rài, bom đạn nhiều hơn bình
yên, lắm khi ghì con gái bé nhỏ trong lòng mà nước mắt ứa ra về nỗi lo âu đời
trận mạc. Mỗi lần như thế, vết thương lại cào cứa cơ thể, mùi thuốc súng khen
khét trên mái tóc con, ánh nhìn non nớt, khiến cô quên đi tất cả. Rồi cô trở về
quê chồng trong nỗi bỡ ngỡ làm dâu xứ lạ…
Tiễn chồng đến tận đầu làng, khi vóc dáng cao lớn ấy lẫn vào
rặng tre xanh, Thái biết, đó là lúc bắt đầu một cuộc sống mới đầy thử thách.
Đàn con 6 đứa bữa no bữa đói, đất quê nghèo cằn khô, những
đêm nằm nghe hun hút gió lùa, xoay trở mãi mà không sao ngủ nổi. Úp mặt vào chiếc
áo còn nguyên vẹn mùi cơ thể của chồng, trong nỗi lo âu mơ hồ về một niềm mong
manh cho ngày trở về; canh cánh trong lòng miền quê xa ngái, nếp nhà tranh mỗi
mùa bão lại giật tung, ở đó có cha mẹ già, có anh chị em. Bao đêm âm thầm đếm
những giọt nước mắt, nhưng sớm ra lại gạt bỏ tất cả, để bắt tay vào công việc đồng
áng, mỗi buổi tối khi được nghỉ ngơi thấy mẹ ngồi bên bậu cửa, tay chống cằm,
Soái lại ra ôm chặt bà.
***
Hôm nay, nhà ông Kha đón khách quý. Anh Khang và Soái đã hẹn
trước nhưng không nói cho ông Kha, để tạo sự bất ngờ. Ông Bảng dù biết trước
nhưng không giấu nổi nỗi bồi hồi. Bao năm xông pha trận mạc, mà hôm nay tay ông
cứ lóng ngóng, liên tục đưa tay chỉnh lại cặp kính. Khang ra tận cổng đón bố
con ông. Khi ngước nhìn tấm ảnh đen trắng trong phòng khách nhà ông Kha, ông Bảng
vẫn ngỡ ngàng như không phải. Mắt chăm chăm vào tấm hình, nhưng tay chân ông cứ
như thừa thãi. Chợt có tiếng của Khang:
– Bố ơi hôm nay nhà mình đón khách quý nhé.
Ông Kha hấp háy cặp mắt, hình như ông thấy mắt mình nhòe đi
thì phải.
– Bố có nhận ra ai đây không?
Ông Kha đứng khựng lại, đầu hơi ngửa ra phía sau, mắt mở lớn,
nhìn như nuốt lấy người đàn ông trạc ngoài tám mươi tuổi, vầng trán rộng, khuôn
mặt hiền từ, đằng sau mắt kính trắng là đôi mắt tinh anh, đuôi mắt hơi nhíu lại
để chờ âm thanh xác nhận từ ông Kha.
– Bảng, Trần Viết Bảng phải không em?
Ông Bảng đứng như trời trồng. Còn ông Kha lập cập nhào tới ôm
chặt lấy người đồng đội năm xưa đã không quản hiểm nguy lấy cả thân mình che
bom cho ông. Từ khóe mắt đã đục của ông, chứa chan những giọt nóng hổi, nghẹn
ngào. Hai mái đầu bạc trắng như cước run run. Ở bộ ghế giữa nhà, Soái và Khang
ngồi im lặng, mỗi người nhìn ra một phía, như để kìm nén cơn xúc động vô biên
trong cuộc gặp gỡ của hai người bạn chiến đấu, sau hơn nửa thế kỷ bặt tin nhau.
***
Một lần Soái đưa con gái về quê, thấy ông nội cặm cụi bên gốc
na, cạnh đó là gốc khế ngọt, hoa tím rụng tơi bời, nó nhanh nhảu:
– Ông ơi, sao ông không trồng chuối ạ?
Ông cụ cười hiền trả lời cháu gái nhưng ánh mắt ấm áp nhìn
sang con trai:
– Một đời cha trồng cây không đợi quả cho mình.
Bà Thái lui cui bên gian bếp, nói vọng ra:
– Áp Tết rồi mãi không thấy thằng hai về chạp họ ông nhỉ?
Đang tỉa nốt mấy cành khô từ cây đào phai ngoài vườn, vừa lúc
nghe thấy tiếng bước chân quen thuộc của con trai, ông Bảng bảo:
– Bà cứ nhắc, nó về rồi kìa.
Năm nào cũng thế, dù bận công việc đến mấy, Soái vẫn về vào
đúng phiên gói bánh của bố mẹ. Nhìn khói bếp loang chiều, giữa cái rét cắt ngọt
qua làn da, mưa lây phây, bầu trời sậm nước, Soái lại nôn nao về những ngày tết
xưa xác pháo hồng đón ngõ, cây đào phai ông nội trồng ngoài vườn đơm nụ phơn phớt
chúm chím chìa tay đón gió đông. Quê nghèo, dòng sông vắt trước làng với những
vó bè thả trôi, bụi cúc tần ken hai bên đường đầy bùn đất, thi thoảng lại gặp
con trâu đen bóng giương sừng.
Và năm nào cũng thế, sẽ lặp lại nghi thức thiêng liêng, bà lục
chiếc hộp kỷ niệm – hòm đạn quân dụng đã cũ, lấy ra một lọ thủy tinh trong vắt
đưa cho con trai, trong đó đựng nhúm đất nâu và cành trinh nữ với những đóa hoa
li ti tim tím. Mùi hương trầm ấm cúng, ba mái đầu chụm lại. Trong trái tim bà
hành trình ròng rã trên chiếc xe đạp cũ kĩ của mùa đông năm 1972 trở về vẹn
nguyên. Còn Soái, lần nào cũng vậy, vẫn băn khoăn mơ hồ về nỗi mình ở đâu trong
cuộc kiếm tìm tình yêu của bố mẹ anh!.
7/6/2023
Nguyên Tô
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét