Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2024

Linh thiêng hai tiếng Gạc Ma

Linh thiêng hai tiếng Gạc Ma

Trong các chuyến công tác ra nhà giàn DK1 và quần đảo Trường Sa, sự kiện được mọi người mong chờ nhất là lễ tưởng niệm liệt sĩ trên Biển Đông. Bạn có nghĩ tôi may mắn không, khi mà trong cuộc đời tôi đã hai lần được tham dự, lần đầu vào năm 2019, lần hai vào những ngày cuối năm 2022.
Đêm, con tàu 490 của chúng tôi di chuyển hối hả từ Sinh Tồn. Chúng tôi rất cần tranh thủ thời gian sóng gió đang tạm ngưng để di chuyển cho kịp lịch trình. Nói là nói vậy, ở đây sóng gió tạm ngưng cũng phải cấp 4, cấp 5. Trong suốt hải trình chúng tôi di chuyển liên tục trong các cơn áp thấp nhiệt đới. Bởi thế nên ruột gan chúng tôi cũng sôi theo sùng sục, hoặc thắt lại lo âu khi nhìn thấy vầng trán đầy nếp nhăn căng thẳng, ánh mắt đầy nỗi lo lắng của Trưởng đoàn công tác, Thượng tá Phạm Văn Thọ. Những khi ấy, đoàn phóng viên có mỗi việc là nằm dài thườn thượt trong phòng để say sóng, từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối, quanh quẩn mỗi việc nhìn vu vơ những con sóng đổ ập vào cửa sổ phòng ngủ, làm trong phòng tối om mất mấy chục giây. Tình cảnh ấy, nói thật là buồn chán không thể tả được. Và chúng tôi cũng biết, cứ khi nào gặp anh Thọ với nụ cười vui vẻ, cơ mặt giãn ra, y như rằng tàu có thể dừng, mọi người lại lên đảo theo đúng lịch trình.
Còn lần này, chúng tôi nhổ neo khi chuẩn bị đến giờ cơm chiều. Tiếng kéo dây neo rầm rầm xủng xoảng trên boong tàu khiến tôi lo ngại. Có chuyện gì không? Tôi linh cảm như dự báo về cái gì đó khó khăn mà chúng tôi không thể biết, chỉ những người dạn dày ngủ sóng thức gió như các sĩ quan hải quân trên quần đảo Trường Sa này mới hiểu và biết trước thôi. Cũng phải nói thật, những ngày qua trên tàu 490, chúng tôi đã quá quen với những mệnh lệnh mà không cần lời giải thích.
Rồi đêm cũng trôi qua, trong thời tiết cực xấu, mặc cho mưa gió mù mịt, con tàu vẫn đè lên từng vệt sóng lừng. Rạng sáng 30 tàu chúng tôi đã tới được vùng biển Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao. Tiếng loa phóng thanh quen thuộc vang lên “Toàn tàu chú ý! Chú ý toàn tàu! Hiện nay chúng ta đã tới ….”, rồi tiếng thả neo xủng xoảng, roàn roạt lấp cả tiếng loa phóng thanh. Tuy nhiên giờ đây nghe tiếng vọng lại của cuộn dây xích sắt chuồi xuống biển mới thấy đó là chuỗi âm thanh êm dịu làm sao. Chúng tôi mong chờ chuỗi âm thanh này suốt cả đêm qua. Tôi háo hức nói “Tàu thả neo rồi đấy”. Phóng viên Hà Giang (đài truyền hình Vĩnh Phúc) thì reo lên khe khẽ như hát “Tàu đang thả neo rồi”. Cô gái trẻ nhất phòng này luôn mang đến một năng lượng tươi mới.
Cả phòng 229 với sáu chị em chúng tôi hân hoan, hồi hộp. Ai cũng biết đã tới vùng biển thiêng liêng, tự dưng trong lòng có cảm giác bình yên như được che chở.
Nhớ lại hải trình từ quân cảng Cam Ranh, tôi đã hỏi đồng chí Thiếu tá, Chính trị viên đoàn công tác phụ trách báo chí Nguyễn Văn Trung rất nhiều lần rằng khi nào chúng ta tới vùng biển Gạc Ma, có được dừng lại ở vùng biển đó không. Hỏi vậy là bởi điểm đến mà tôi mong đợi trong chuyến đi này chính là Gạc Ma. Tôi biết rằng để đến được đó là rất khó, vậy mà sao vẫn tha thiết muốn được đi qua, muốn được nhìn thấy, muốn được đến gần hòn đảo, muốn được chạm vào phần đất thiêng liêng của Tổ quốc. Thế hệ chúng tôi hôm nay cần đi qua Gạc Ma để nhìn thấy, để nhớ và nhắc cho thế hệ sau về một hòn đảo nhỏ như một dấu chấm trên Biển Đông xa xôi. Cái dấu chấm nhỏ xíu ấy đã thấm đẫm xương máu của sáu mươi tư liệt sĩ. Hồi sự kiện Gạc Ma xảy ra, tôi vừa tốt nghiệp đại học, tình nguyện đi dạy học ở nơi miền núi xa xôi. Nơi đó còn thắp sáng bằng đèn dầu, chưa có điện, mong gì có đài hay tivi mà cập nhật thông tin. Vì thế không chỉ riêng tôi, mà cả thế hệ chúng tôi đã lớn lên và trưởng thành mà không biết có Gạc Ma. Trong những tháng năm đứng lớp tôi cũng chưa bao giờ nói với học trò về sự kiện Gạc Ma. Tôi đã đợi hơn ba mươi năm để tìm cơ hội sửa lỗi…
Có tiếng gõ cạch cạch. Cửa mở, đồng chí Thiếu tá Thuyền phó Đinh Văn Công ân cần nói với chúng tôi “Mấy chị em đừng ra ngoài nhé, mưa gió mù mịt, sóng lớn lắm, và không thể nhìn thấy đảo đâu. Tàu đang chuẩn bị thả neo”. Dứt lời, anh đi ngay nhắc phòng khác, chẳng để chúng tôi hỏi han thêm câu gì. Mà cầm chắc, nếu chúng tôi có hỏi thì anh cũng cười… đánh trống lảng mà thôi. Ở trên tàu 490 có nguyên tắc ai nói gì biết nấy, việc của ai người nấy làm được thực hiện khá mềm dẻo và khéo léo. Dường như ai cũng biết một điều gì đó mà không nói rõ ra, nhất là những giới hạn thông tin.
Sau cả tiếng vật lộn, con tàu đã thả được neo và tạm đứng kiểu chòng chành, chứ không lật bật nghiêng ngả dữ dội như hồi đêm nữa. Sóng vẫn ộp oạp đập vào cửa sổ, nhưng tôi hi vọng sẽ lên được mặt boong, ngắm toàn cảnh vùng biển đặc biệt này. Tôi đã chờ đợi điều đó lâu lắm rồi, tôi muốn tận mắt nhìn thấy Gạc Ma…
Ngày 30 tháng 12 năm 2022
9h30, cả vùng biển chìm trong mưa gió, sóng dữ dội hơn, nằm trong phòng tôi nghe rõ tiếng mưa quất ràn rạt vào thân tàu, nhìn qua cửa số thấy trắng xóa một màu. Tôi hi vọng mưa ở Trường Sa không kéo dài, chắc sẽ tạnh ngay thôi. Anh Trung, Chính trị viên thông báo rằng đến 13h sẽ tới Len Đao. Vì dự đoán sóng rất dữ cho nên chỉ có cán bộ đoàn công tác và một số ít phóng viên được đi cùng lên đảo.
Phòng 229 chúng tôi cử 3 người có sức khỏe tương đối vào danh sách lên đảo, đó là Thu Hải (truyền hình Hưng Yên), Thanh Vĩnh và Hồng Chung (báo Vĩnh Phúc). Cả phòng đều sốt sắng chuẩn bị cho ba người. Ba lô, áo mưa, giày mũ, máy ảnh, máy ghi âm, dây sạc máy ảnh, điện thoại… được gói ghém cẩn thận. Chúng tôi giục nhau ngủ lấy sức nhưng chả ai ngủ được, cứ một lát lại bật điện thoại lên xem đồng hồ dù biết rằng đến giờ thì loa của tàu cũng sẽ báo thức.
Đến 12h30, loa thông báo sóng dữ hơn mọi hôm, cấm các phóng viên lên boong tàu. Trong danh sách đăng kí lên đảo nếu đồng chí nào cảm thấy không đủ sức khỏe có thể ở lại. Dù vậy, ba bạn phóng viên vẫn quyết định lên.
Ở lại tàu, tôi lên đài chỉ huy, mượn chiếc ống nhòm có độ phóng đại lớn nhìn theo con xuồng vượt qua những con sóng lừng lững để lên đảo. Rồi tôi dõi ống nhòm về phía Gạc Ma, nhìn rõ mồn một nhà cửa, đường đi… Tôi nhìn rõ Gạc Ma như thế này, tất nhiên phía họ cũng nhìn thấy chúng tôi rất rõ. Đồng chí Thọ chỉ cho tôi xem năm cụm tàu màu nâu đỏ, mỗi cụm gồm ba chiếc tàu ghép lại, được bố trí theo hình vòng cung hướng về phía con tàu 490. Ban đêm, những con tàu ấy soi đèn pha sáng rực sang bên này, họ nói là soi đèn để câu cá mực, nhưng chúng tôi biết thừa chẳng phải…
Chúng tôi đứng ở đây để đợi làm lễ tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma. Vì sóng gió dữ dội quá nên chúng tôi mất thêm một ngày đêm nữa. Giờ chỉ cầu mong ngày mai trời đẹp, tàu không chòng chành hất đổ mọi thứ đồ lễ, sẽ dựng được cột cờ, mọi người đứng vững trên boong. Chúng tôi háo hức mở va li lấy áo dài. Nhất thiết chúng tôi sẽ mặc áo dài, những tấm áo dài đỏ có in hình ngôi sao vàng năm cánh đã cẩn thận chuẩn bị cho chuyến hải trình này…
Đúng 8h sáng, chúng tôi tập trung lên boong để làm lễ tưởng niệm liệt sĩ. Tất cả chị em đều mặc áo dài. Các bạn phóng viên nam mặc bộ đồ đẹp và nghiêm trang nhất. Lính hải quân mặc lễ phục. Chúng tôi xếp hàng theo đúng điều lệnh quân đội. Hàng trăm con hạc giấy trắng muốt xinh xắn, hàng trăm cành hoa cúc tươi rói, vàng thắm màu nắng được bày sẵn trên bàn. Ban thờ chính được bày lễ vật: gà, xôi, hoa quả, trầu cau, vàng hương. Khi bó nhang trầm thơm ngát được thắp lên bắt đầu tỏa khói, nước mắt tôi đã trào ra. Xung quanh tôi ai cũng thế…
Gió biển lồng lộng thổi, không khí đột ngột lạnh buốt, những đám mây nặng chình chịch màu xám chì sà xuống lướt vù vù trên đỉnh tàu. Con tàu bắt đầu lắc mạnh. Mọi người bấm chân vào sàn tàu. Tôi tự nhủ, cố gắng không ngã. Nghe nói năm nào cũng thế, hễ bắt đầu làm lễ tưởng niệm là gió thổi mạnh hơn, có cả mưa nữa, nhưng cơn mưa sẽ thoáng qua rất nhanh như thể các anh “rất vui và rủ nhau về”, rồi sau đó trời tạnh ráo và sẽ nắng. Tôi nhìn ra mặt biển xa màu mực đen thẫm, thấy các con sóng dồn dập hướng về tàu. Các con sóng đi gần nhau, líu ríu như bước chân hớn hở. Thốt nhiên tôi tin các anh đang về thật. Chúng tôi đang đứng đợi các anh…
Trung tá Nguyễn Văn Trình, Chính trị viên đảo Sinh Tồn thay mặt đoàn công tác đọc diễn văn ôn lại trận chiến đấu bảo vệ Gạc Ma. Về trận chiến này tôi đã tìm hiểu khá kĩ nên mỗi khi nhớ lại hoặc nghe nhắc tới là trái tim quặn thắt. Ngày 14 tháng 3 năm 1988, những người lính công binh Việt Nam với cuốc xẻng xà beng đang xây dựng bãi đá Gạc Ma thì giặc đổ tới. Chúng cho xuồng cao tốc đổ quân xuống bãi đá nhổ cờ Việt Nam. Trận chiến bằng dao găm, lưỡi lê và xẻng cuốc đã diễn ra. Dù nhiều người bị thương nhưng Thiếu úy Trần Văn Phương đã quấn lá cờ đỏ sao vàng quanh thân mình, hô to: “Không được lùi bước!” Biết không thể khuất phục được chiến sĩ ta, giặc đã rời bãi đá. Và rồi, từ những tàu chiến giặc tập trung hỏa lực mạnh bắn xối xả vào đội hình những người lính Hải quân Nhân dân Việt Nam đang đan tay vào nhau tạo thành một vòng tròn bất tử quanh Gạc Ma. Với hành động quả cảm và tinh thần quyết tử, những người lính trẻ đã ngã xuống, chìm vào sóng nước Biển Đông…
Trong trận hải chiến đẫm máu năm đó đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm. Đó là Trung tá Trần Đức Thông, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 kiên quyết chỉ huy đến lúc hi sinh. Là Thiếu tá Vũ Huy Lễ mưu trí chỉ huy tàu HQ 505 lao thẳng lên đảo Cô Lin, biến con tàu thành cột mốc chủ quyền, vì thế chúng ta vẫn giữ được và có đảo Cô Lin đẹp đẽ bề thế của ngày hôm nay. Giọng Trung tá Nguyễn Văn Trình lạc đi vì xúc động: “Cuộc chiến đấu rạng sáng 14 tháng 3 năm 1988 ở Gạc Ma đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu ấn không bao giờ phai mờ trong tâm khảm mỗi người dân đất Việt. Những người lính đầy nhiệt huyết và sức trẻ đã mãi mãi nằm lại trong lòng biển sâu. Ý chí quật cường của các anh đã trở thành tượng đài bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tiếp nối truyền thống đấu tranh giữ nước bất khuất của dân tộc Việt Nam.”
Mắt tôi mờ đi trong khói nhang trầm thơm ngát. Tôi để cho giọt nước mắt rơi xuống lòng bàn tay. Có tiếng nấc khe khẽ ngay sau lưng tôi. Những khuôn mặt lính biển đầy phong trần nắng gió khẽ nhíu lại, nhưng ánh mắt cương nghị nhìn lên lá cờ Tổ quốc đang tung bay phần phật như một niềm tự hào kiêu hãnh. Tiếng nhạc Hồn tử sĩ bi tráng trầm hùng cất lên. Lần lượt, từng người chúng tôi lên làm lễ dâng hương trong niềm xúc động nghẹn ngào.
Vòng hoa mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ” được nhẹ nhàng thả xuống mặt biển, ngọn sóng chợt duềnh lên cao rồi dịu đi, gió nhẹ nhàng hơn, nắng bỗng bừng lên chói chang, mây đen cuộn xô về một phía để lộ ra bầu trời xanh thắm. Biền trở nên hiền hòa như chưa từng có bão tố ít phút trước đó.
Mâm lễ vật được thả xuống biển. Những đôi mắt đẫm lệ dõi theo những đóa cúc vàng thắm, những cánh hạc trắng muốt bồng bềnh trên sóng trôi thong dong dần về phía Cô Lin và vòng lên phía Gạc Ma, nơi đang bị chiếm giữ trái phép.
Tiếng còi tàu u trầm cất lên. Tiếng máy tàu xịch xịch. Tiếng roàn roạt, xoang xoảng của dây xích kéo neo. Tàu rời vùng biển Gạc Ma. Tất cả mọi người yên lặng nhìn ra mặt biển mênh mông, đầy ắp những con sóng. Một cảm xúc mạnh mẽ khó tả trào lên, tôi nhắm mắt thầm gửi lời từ biệt tới vong linh các anh hùng liệt sĩ dưới đáy biển sâu và hẹn ngày trở lại.
9/6/2023
Phan Mai Hương
Nguồn: Tạp chí Văn Nghệ Quân đội
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bản năng - Truyện ngắn của Mrozek Slawomir

Bản năng - Truyện ngắn của Mrozek Slawomir Sau khi bị bội tình tôi tậu một con chó. Tôi muốn nó phải là bạn chung thủy của tôi. Để được vậ...