Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2024

Một buổi tối mùa thu

Một buổi tối mùa thu

Mùa thu năm ấy, tôi tròn mười sáu tuổi, đúng vào độ tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất của đời người. Thế nhưng lúc bấy giờ tôi lại lâm vào hoàn cảnh thật khó khăn, khi vừa đặt chân đến một thành phố xa lạ mà trong túi cũng vừa cạn tiền. Sau khi bán sạch những gì có thể bán được, chỉ giữ lại trên người những thứ tối cần thiết để che thân, tôi rời khỏi thành phố, lê bước đến vùng Ustche.
Cảng sông này có những bến tàu thông thường rất nhộn nhịp, nhưng giờ đây vắng vẻ im lìm vì đã vào những ngày cuối năm.
Chân bước ngập ngừng trên đường, mắt chăm chăm nhìn xuống nền cát ẩm hy vọng kiếm được mẩu thức ăn thừa, tôi lầm lũi vượt qua những ngôi nhà khang trang, những quầy hàng to lớn, đầu óc cứ bị ám ảnh với ý nghĩ giá mà có được một bữa no nê thì không gì hạnh phúc hơn.
Trong tình trạng của tôi lúc bấy giờ, cái đói của tâm hồn được thỏa mãn nhanh chóng hơn cái đói của thể xác. Lang thang trên các con phố, quan sát những căn nhà đẹp đẽ cả bên ngoài lẫn nội thất bên trong, điềâu ấy gợi cho người ngắm những ý nghĩ vui thích về kiến trúc, về trang trí và về nhiều cái cao cả khác. Kể cả những con người tôi gặp cũng thế, ai nấy đều ăn mặc tươm tất, ấm áp và lịch lãm. Tuy nhiên, hầu hết họ đều cố tình lảng tránh một tay cầu bơ cầu bất như tôi. Có lẽ do bản tính tế nhị, họ không muốn nhìn thấy một sự thật đau lòng là trên đời lại có những kẻ dáng vẻ thảm hại dường kia.
Trời sụp tối. Cơn mưa bất thần ập tới. Gió bấc giật từng cơn, luồn lách qua những cửa hàng rồi va đập vào khung cửa sổ của các khách sạn. Gió hung hãn xô từng đợt nước sủi bọt ầm ầm lên bờ, tung những bọt nước lên cao, hăm hở nhảy qua đầu nhau rồi cuống quýt kéo ngược về hòa vào dòng nước ngầu đục phía sau. Dường như dòng sông cảm nhận mùa đông đang tới gần nên hoảng hốt chạy trốn lớp băng giá mà gió bấc sẽ tàn nhẫn phủ trùm lên nó trong đêm.
Bầu trời càng lúc càng nặng nề u ám. Hai cây liễu gục ngã dưới trận cuồng phong tạo nên một hình thù quái gở càng làm tăng vẻ thê lương của trời đất. Một chiếc thuyền độc mộc thủng đáy nằm úp sấp bên cạnh gốc cây, trông già cỗi và thảm thương. Cảnh hoang tàn bày ra khắp xung quanh trong khi trời vẫn không ngừng tuôn suối lệ.
Tôi đi trên mặt cát ướt lạnh lẽo, răng va vào nhau lập cập vì đói và lạnh. Vòng ra phía sau một quán hàng, tôi kiên nhẫn tìm kiếm bất cứ thức gì ăn được cho đỡ đói lòng và đột nhiên trông thấy một bóng người thấp thoáng trước mắt. Tôi đứng phắt lại và chăm chú nhìn. Có vẻ như người ấy đang lom khom dùng tay bới đám cát ở phía dưới quán hàng. Tôi bèn nhẹ nhàng ngồi xổm bên cạnh và cất tiếng hỏi:
- Cậu bới cát làm gì thế?
Người đó khẽ kêu lên với giọng sợ hãi và đứng phắt dậy, quay sang nhìn tôi bằng đôi mắt mở to đầy hốt hoảng. Tôi nhận ra đó là một cô gái trạc tuổi mình với dáng vẻ dễ thương, có thể gọi là xinh xắn nếu không có ba vết tím bầm to tướng trên mặt. Những vết bầm này được sắp xếp hết sức cân đối, hai vết bằng nhau ở dưới mỗi mắt còn cái thứ ba nằm ngay giữa trán. Sự hài hòa này cho thấy đây là công trình của một chuyên gia sành điệu trong việc làm hỏng diện mạo người khác.
Cô gái chăm chú nhìn tôi và vẻ sợ hãi trong mắt cô mất dần. Cô phủi hai bàn tay dính đầy cát, sửa lại chiếc khăn san trên đầu và bình thản nói:
- Anh cũng đang đói phải không? Nào, phụ với tôi đi, tôi mỏi tay quá rồi. Trong quán này chắc chắn phải có bánh mì...
Không nói không rằng, tôi bắt đầu bới cát. Cô gái ngắm nghía tôi một hồi rồi ngồi xuống và hai chúng tôi lẳng lặng đào tiếp. Quả thực lúc ấy tôi không hề bận tâm đến luật pháp, đạo đức hay tất cả những luân lý ở đời mà một công dân gương mẫu phải luôn tâm niệm. Giây phút đó tôi đặt hết tâm trí vào việc bới cát và chỉ nghĩ một điều là cố gắng đột nhập được vào trong cái quán ấy.
Bóng tối ẩm ướt và giá rét mỗi lúc một dày đặc chung quanh. Tiếng sóng vỗ bờ to hơn trước, mưa càng nặng hạt hơn trên những mái nhà. Tiếng mõ của người gác đêm giục lên xa xôi.
- Quán này có sàn không nhỉ? – Người phụ việc của tôi khẽ hỏi. Tôi chưa hiểu rõ ý cô muốn gì nên im lặng.
- Anh nghe này. Nếu quán có sàn gỗ xem như chúng mình nhọc công vô ích. Đào hố xong thì sẽ gặp những tấm ván dày, làm thế nào bật lên được? Tốt hơn là nên bẻ khóa.
Thế đấy, phụ nữ ít khi sử dụng đến đầu óc, nhưng khi hữu sự họ lại có thể nảy ra những ý tưởng tuyệt vời. Tôi vẫn luôn đánh giá cao những ý nghĩ sáng giá ấy và tìm cách vận dụng bằng mọi cách có thể được. Vậy là tôi mò mẫm tìm ổ khóa và nhanh chóng nạy tung ra. Nhanh như cắt, cô bạn mới quen của tôi luồn vào bên trong và reo lên hoan hỉ:
- Anh thật cừ khôi!
Đối với tôi, một lời khen nhỏ nhặt của phụ nữ bao giờ cũng quý hơn cả một bài văn chúc tụng tràng giang đại hải của nam giới, nhưng lúc bấy giờ tôi chẳng hề để tâm đến lời khen của cô gái mà hồi hộp hỏi với giọng cụt lủn:
- Có cái gì không?
Cô bắt đầu kể ra những món trước mắt:
- Có cái thùng đựng chai, mấy cái túi xắc, chiếc dù, cái phuy sắt...
Toàn những thứ không ăn được! Tôi bắt đầu cảm thấy thất vọng thì nghe giọng cô cất lên hớn hở:
- A, nó đây rồi...
- Chết, ai thế?
- Bánh mì... một chiếc bánh mì tròn... có hơi bị ướt. Này, cầm lấy!
Ổ bánh mì lăn ngay tới chân tôi và tiếp đó, cô bạn tòng phạm dũng cảm của tôi cũng trở ra. Tôi rứt một mẩu bánh bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến.
- Kìa, đưa cho tôi với chứ! Và mau mau rời khỏi đây thôi. Nhưng... ta đi đâu bây giờ nhỉ?
- Đằng kia có chiếc thuyền lật úp... Chúng mình có thể chui vào đấy.
Thế là hai chúng tôi vừa nhai bánh mì vừa vội vã chạy đến chỗ trú ẩn. Mưa vẫn tuôn xối xả cùng với tiếng sóng gào thét ầm vang. Gió rít từng cơn nghe như tiếng huýt sáo ngân dài đầy vẻ giễu cợt, tựa như một người khổng lồ đang cười nhạo mọi sự trên đời, mỉa mai cái buổi tối mùa thu ảm đạm này và chế giễu cả thân phận đáng thương của hai chúng tôi. Một nỗi đau đớn âm thầm len lỏi vào tim, tuy thế miệng tôi vẫn không ngừng nhai và cô gái bên cạnh tôi cũng nhiệt tình không kém trong việc này.
- Tên cô là gì? - Tôi hỏi bâng quơ.
- Natasa - Cô lơ đễnh trả lời.
Tôi q+uay sang nhìn cô mà lòng đau thắt, cảm thấy số phận của chúng tôi cũng đen đủi chẳng khác gì bóng tối mênh mông đang ngự trị chung quanh. Mưa không ngớt vỗ vào ván thuyền, giọt dài giọt vắn gợi lên những ý nghĩ buồn thảm. Gió phi nước đại dọc bờ sông hoang vắng, lướt trên dòng nước ngầu bọt và cất lên những điệu ru não nuột. Gió lùa vào đáy thuyền thủng, lọt qua khe hở làm lay động một mảnh vỏ gỗ. Mảnh vỏ kiên cường bám lấy ván thuyền, vật vã cất tiếng kêu thảm thiết đầy lo lắng. Mưa tuôn xối xả hòa với tiếng sóng vỗ bờ tạo thành âm thanh tựa như tiếng thở dài phát ra từ lòng sâu của trái đất, chắc hẳn đang chán ngán và mệt mỏi trước sự đổi thay đột ngột của thiên nhiên.
Chỗ ẩn náu bên dưới con thuyền thật bất tiện vì chật chội và ướt át. Chúng tôi ngồi im lặng, run cầm cập vì rét. Natasa tựa lưng vào mạn thuyền, hai tay bó gối và tì cằm lên đầu gối. Cô nhìn chằm chằm vào khoảng không, khuôn mặt mờ mờ trắng và những vết tím bầm ở dưới mắt làm cho đôi mắt có vẻ quá to. Dáng ngồi bất động và câm nín ấy khiến tôi dần dần cầm thấy e sợ, vì vậy tôi muốn gợi chuyện với cô nhưng chưa biết nên mở đầu thế nào. Chính cô lên tiếng trước:
- Cuộc sống khốn kiếp!...
Cô thốt rõ ràng từng tiếng, với giọng điệu biểu lộ một niềm tin sâu sắc về điều mình vừa thốt ra. Cái giọng nói quá đỗi lãnh đạm ấy không có vẻ gì là than vãn cả. Chẳng qua cô tập trung mọi suy nghĩ để đi đến một kết luận hiển nhiên rồi bật ra thành lời. Tôi không thể phản đối cái kết luận đúng đắn ấy nếu không muốn mâu thuẫn với chính mình, do vậy tôi tiếp tục im lặng. Còn cô, dường như chẳng buồn để tâm đến mọi sự, vẫn ngồi không nhúc nhích.
- Giá cứ chết quách đi cho rảnh...
Natasa lại lên tiếng, giọng nói lần này khẽ khàng và cũng không phải là lời than vãn. Rõ ràng sau khi suy nghĩ về cuộc sống, cô gái đã nhìn lại bản thân và đi đến một kết luận chắc như đinh đóng cột rằng muốn dứt khỏi những hệ lụy của cuộc đời này thì không còn cách gì tốt hơn là chết quách đi cho rảnh”.
Tôi đau nhói lòng về cách suy nghĩ rành mạch ấy và cảm thấy nếu cứ giữ im lặng thì đến phát khóc mất, mà như thế thật xấu hổ trước mặt phụ nữ. Tôi quyết định nói chuyện với cô, nhưng nghĩ mãi không ra câu gì nên hỏi bừa:
- Ai đánh cô thế
- Paska chứ còn ai.
- Nhưng Paska là ai?
- Người yêu.
- Anh ấy vẫn thường đánh cô à?
- Cứ nốc rượu vào là đánh.
Bỗng nhiên cô gái nhích lại gần tôi rồi bắt đầu kể lể. Hóa ra cô làm cái nghề bán thân nuôi miệng. Còn Paska là thợ bánh mì, có bộ ria hung quyến rũ, biết chơi đàn accordeon, luôn khoác chiếc áo bành tô rất mốt và đi đôi ủng thật hách. Anh ta thường lân la đến xóm bán hoa và khiến cô chết mê chết mệt bởi tính tình xởi lởi và bề ngoài bảnh chọe. Tuy nhiên Natasa kể rằng Paska lại chỉ chuyên “ăn quỵt", không những thế, anh ta còn tìm cách moi tiền của cô để đi uống rượu, rồi khi ngà ngà say lại đánh đập cô. Nhưng nếu chỉ có thế thôi thì còn chịu được, đằng này Paska lại còn là kẻ phản bội:
- Anh biết không, hôm kia tôi đến nhà Paska định rủ đi chơi. Không ngờ gặp con Dunka đang ngả ngớn ngồi uống rượu ở đấy. Tôi nổi cơn thịnh nộ: "Mày là đồ đểu giả, đồ bịp bợm". Thế là hắn đánh tôi mềm người, hết đấm đá lại giật tóc. Cái đó cũng chẳng sao, tôi quen rồi. Nhưng hắn còn xé rách hết xống áo, cả áo ngoài, áo trong, cả khăn quàng đầu nữa...
Đến đấy, bỗng nhiên cô nức lên, giọng nói não nuột đến chạnh lòng: Lạy Chúa! Làm thế nào bây giờ? Tôi phải ăn nói sao với bà chủ đây?
Gió gào rít mỗi lúc một mạnh hơn và hai hàm răng của tôi bắt đầu va vào nhau lập cập. Cô gái cũng co ro vì lạnh, xích sát vào tôi đến độ có thể nhìn thấy tia sáng trong ánh mắt cô:
- Đàn ông đúng là một lũ hèn hạ. Tôi muốn chà đạp lên tất cả các người. Nếu có kẻ nào lăn đùng ra chết thì tôi sẽ càng hả dạ chứ chẳng hề thương hại. Bình thường thì cứ xán đến, khoe mẽ như những con chó đực trơ tráo. Nhưng hễ cô gái khờ khạo nào hiến thân cho các người là tàn đời. Bấy giờ các người sẽ thản nhiên giẫm đạp họ dưới chân mình. Đồ đểu giả!
Cô sử dụng ngôn ngữ vỉa hè lưu loát, nhưng những lời chửi rủa của cô không kịch liệt và tôi cảm thấy có vẻ như cô không hề căm hờn ''những quân đểu giả''. Nói chung, giọng cô điềm đạm, ngữ khí không phù hợp với nội dung. Tuy nhiên, cái giọng buồn thảm ấy tác động đến tôi còn mạnh mẽ hơn cả những bài diễn văn bi hùng, sôi nổi và có sức thuyết phục nhất mà trước đây và cả về sau này tôi từng được nghe.
Bỗng dưng tôi thấy khó chịu trong người, chẳng biết vì lạnh hay vì lời lẽ của cô bạn đang ngồi bên cạnh. Tôi khẽ rên lên, cố nghiến răng chịu đựng. Ngay lúc đó, tôi cảm thấy đôi bàn tay nhỏ bé lạnh giá của cô chạm vào mình. Một tay sờ vào trán, tay kia cô thận trọng áp vào mặt tôi đồng thời cất tiếng nhỏ nhẹ:
- Anh làm sao thế?
Trong một thoáng tôi tưởng chừng như đó là người nào khác hỏi tôi chứ không phải là Natasa, cô gái vừa mới tuyên án tất cả đàn ông đều là những kẻ đê tiện và cầu mong cho họ chết ráo cả đi. Natasa hỏi với giọng lo lắng:
- Anh làm sao thế? Lạnh à? Sắp rét cóng hả? Ồ, hay chưa, thế mà cứ ngồi im thin thít? Đáng lẽ phải báo cho tôi biết ngay chứ. Nào, nằm dài xuống, duỗi hai tay ra. Tôi sẽ nằm lên anh. Bây giờ hãy ôm lấy tôi, cả hai tay ấy, ôm thật chặt vào. Đúng rồi. Chỉ một chốc anh sẽ thấy ấm ngay. Lát nữa chúng mình lại nằm quay lưng vào nhau, cốt sao cho qua cái đêm này. Đừng nghĩ ngợi gì cả. Mọi việc rồi sẽ ổn thôi...
Cứ thế, cô an ủi tôi, động viên tôi. Trong khi đó, bản thân tôi thì đang tự nguyền rủa mình! Thật mỉa mai cho tôi biết chừng nào! Thử nghĩ mà xem, hồi ấy tôi thật sự quan tâm đến số phận nhân loại, mơ ước thay đổi trật tự xã hội, ôm ấp lý tưởng chính trị cao xa, nghiền ngẫm đủ các loại sách triết lý mà tư tưởng sâu sắc đến nỗi có khi chính các tác giả cũng không hiểu hết những điều mình rao giảng. Tôi đang hăm hở chuẩn bị cho mình trở thành một lực lượng hoạt động nòng cốt để cải tạo cả thế giới.
Ấy thế mà cô gái giang hồ bất hạnh, bị đánh đập, bị xua đuổi, bị khinh rẻ và bị xô đẩy ra bên lề cuộc sống này đã lấy thân mình sưởi ấm cho tôi, trong khi tôi lại không hề nghĩ tới chuyện lo lắng cho cô, mà nếu như có nghĩ tới thì chưa chắc đã giúp được gì!
Chao ơi, tôi sẵn sàng cho rằng chuyện này chẳng qua chỉ là một giấc mơ. Tuy nhiên, thực tế không cho phép tôi tự lừa dối mình, bởi vì những giọt mưa lạnh tiếp tục nhỏ giọt xuống người tôi, bởi vì bộ ngực cô gái vẫn áp chặt vào tôi, và hơi thở nhẹ nhàng của cô phả vào mặt tôi - tuy có hơi thoảng mùi Vodka - nhưng vẫn làm cho tôi thấy ấm cả người.
Tất cả những cái đó hoàn toàn thật và tôi chua xót nghĩ rằng chẳng có giấc chiêm bao nào nặng nề và tai quái như cái sự thật này. Natasa vẫn tiếp tục thầm thì điều gì không rõ, với cái giọng chứa chan tình cảm và âu yếm mà chỉ phụ nữ mới có được. Những lời lẽ mộc mạc, trìu mến của cô nhen nhúm một ngọn lửa ấm áp và khơi gợi một tình cảm lai láng trong tim tôi.
Thế là nước mắt tôi tuôn như mưa, cuốn trôi đi bao nhiêu nỗi căm hờn, buồn phiền, oán giận vẫn tích tụ trong lòng từ trước đến nay. Natasa dỗ dành tôi:
- Thôi đừng buồn khóc nữa, anh ạ! Chúa sẽ phù hộ anh. Rồi anh sẽ vượt qua những khó khăn, sẽ có chỗ làm mới, sẽ tìm được...
Cứ thế, cô nhẫn nại khuyên nhủ tôi. Rồi cô nồng nhiệt hôn khắp người tôi, những nụ hôn trong trắng, hồn nhiên và không tính toán. Đó là những chiếc hôn đầu tiên của phụ nữ mà tôi nhận được trong đời, cũng là những nụå hôn tốt đẹp nhất. Bởi vì so với lần đó, tất cả những cái hôn về sau này đều đắt giá và hầu như chẳng đem lại gì cho tôi cả. Và chúng tôi ôm nhau nằm đến sáng.
Rạng sáng hôm sau, chúng tôi chui ra khỏi thuyền, cùng đi vào thành phố rồi thân mật chia tay nhau. Để rồi từ đó trở đi tôi chẳng bao giờ gặp lại cô nữa, mặc dù trong suốt sáu tháng trời sau, tôi đã sục sạo tìm cô khắp hang cùng ngõ hẻm.
Natasa, cô bạn đáng yêu! Nếu giờ đây cô đã qua đời - thế là may cho cô - thì cầu xin cho linh hồn cô được cứu rỗi. Nếu cô còn sống, cầu mong cho tâm hồn cô được thanh thản! Tôi ước ao sao những ý nghĩ đen tối đừng thức dậy trong tâm hồn cô nữa, bởi vì đó là nỗi đau khổ vô ích trong cuộc sống, và nó không phù hợp với bản chất thánh thiện của cô.
Maxim Gorki
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những trường đại học của tôi 2XXX

Những trường đại học của tôi 2 Kèm theo lời nói, cánh tay trái lông lá của ông ta làm điệu bộ giống như chém vào không khí, còn tay phải t...