Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2024

Thả câu - Truyện ngắn của Văn Lê Tám

Thả câu - Truyện ngắn
của Văn Lê Tám

Mưa to lắm, nổi bong bóng nước, giọt nào giọt nấy như quả ổi chín mọng đang rơi xuống ao, tiếng rơi làm xao động và thơm lừng mắt nước. Mưa nổi phèn đỏ cạch, bờ ruộng ngập tràn, cây cối xác xơ, làm úng luôn luống khoai mì, còn mấy cây mãng cầu gai thì trái chín rơi lộp bộp.
Khi những bờ dòng được be bằng năn chuyển màu úa vàng, thì mùi nó thúi hơn ốc chết, mưa lớn quá nó nổi lềnh bềnh trôi theo dòng chảy. Nước ruộng đen ngòm thum thủm, như mùi đặc thù cái khóe móng chân của nông dân, quanh năm bùn đất nhét vào làm mưng mủ thúi đen rồi goéo lại chụi lủi cái móng.
Mưa đại vụ nên không ai chui ra khỏi nhà, nhà nào biết nhà nấy, ngoài đồng mạ trôi dạt theo bờ dòng, đè vô mấy công lúa mùa mới cấy; chắc chắn là không xong, phải bỏ công đi dặm lại.
Cũng nhờ những trận mưa mày mà rau nhút thỏa thích bập bềnh, ngọn non xèo, giòn khấu, bẻ vô nấu canh chua hay luộc thì cũng bá phát. Rau muống cũng dài đua theo mực nước nổi lên, nhờ vậy mà bữa ăn của bầy heo được cải thiện, nó đỡ phải ăn chuối cây bằm trộn cám.
Trời vừa mưa vừa đi bắt ốc bu cũng khoái lắm, càng mưa ốc càng nổi, đến chỗ nước sâu, chỗ mấy cái hố bom thì càng nhiều, đem về khượi ra kho mắm tép, mưa này đem theo đi cấy ăn thì nhất xứ Nam kỳ – Nhì xứ Đông dương, ăn lũng đấy nồi hồi nào không hay.
– Mưa kiểu này trôi hết mạ, nổi hết lúa bà ạ! Ông Hai hớp ngụm nước trà nói vọng vào trong mùng.
– Cứ mưa ít bữa nữa chắc tiêu ba cái mạ. Ông trời năm nay khắc nhiệt quá, cuối năm coi chừng lại thất mùa, đói ăn. Bà Hai trong mùng đáp ra.
– Chịu chớ sao giờ! Trời đất biết đâu mà lần, không thương dân thì chịu chết. Ông Hai giọng càng rầu rĩ.
– Tội mấy nhà cấy trước, nước lụt kiểu này chắc mạ bị lật gốc nổi lều phều cho xem.
Nghe tía má trò truyện thằng Tân con mắt thao láo, nó cũng chẳng ngủ được vì tiếng mưa đêm rả rích, tiếng ếch nhái, côn trùng kêu rôm rả. Nó nghe cá quẩy ùm ùm ngoài ao, thèm lắm mà mưa quá nên chịu trận. Nó khẽ với thằng Ân em nó.
– Mai đi thả câu hen!?
– Ừ! Chờ tý bớt mưa ra soi nhái. Ân trả lời.
Câu chuyện lúa mạ của ông bà Hai làm cho thằng Ân ngủ thiếp đi hồi nào không hay, Tân lổm ngổm ngồi dậy, nó sờ xoạng kiếm cây đèn pin trên đầu ông hai, bước xuống nó vặn cao cái đèn dầu hoa kỳ cho sáng hơn một chút.
Cầm cây đèn pin lia ngang Tân nhìn thấy nhái giựt giựt cổ họng, cặp mắt xanh lè ngồi đầy sân kêu ộp ọp. Thường là vậy mưa xong nhái túa ra đi săn mồi, kêu râm ran như giàn nhạc không có chỉ huy trưởng. Tân thì thầm trong bụng ”Toàn là những con vừa mồi”, bỏ đôi dép trên hè nó nhón gót chộp nhái, dính con náo bẻ “cái rốp” một chân bỏ vào cái keo chao.
– Làm gì vậy Tân? Bà Hai vọng ra làm nó giật mình.
– Dạ! com soi nhái, mai đi cắm câu.
– Trời ơi! đêm hôm mưa gió mò mẫm gì ngoài đó.
– Bắt vài con nữa là xong à má.
– Nhanh vào đi ngủ.
– Dạ.
Nó cất keo nhái cẩn thận rồi ra cầu xàng lảng ngoài ao rửa chân, ra đây cu cậu gặp một bầy cá phi con lên kiếm ăn nên bì bõm chọc phá. Tân lấy các rập chuột bằng lưới sắt, bắt cá rọng vào đó để sáng mai ba anh em lấy “làm quân xanh” cho mớ cá lia thia của tụi nó đá.
Vào mùng mà cái áo ẩm xì, chân tay tanh nghéo mùi nhái, nó cũng thiêm thiếp vào giấc ngủ trong đêm mưa rả chả.
Hai anh em nó chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho trận “thả câu” đêm nay, rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay nó làm cả hai loại, câu thả và câu cắm, chơi vậy thì mới dính nhiều cá. Bộ anh em nó tính lấy hết cá lóc đồng vùng này hay gì mà chuẩn bị cái giỏ to như cái đó, nó treo keo nhái lủng lẳng lúc nhúc chờ trời tối “hành quân” từ nhà thả câu dài dài lên hậu đất.
– Đi mày, lẹ không dính mưa á. Tân hối Ân.
– Trời đen xì nữa rồi, ổng kéo đùng đùng tới nữa. Thôi hay nghỉ đi, thấy thê thảm quá à! Ân trả lời.
– Mày nói kỳ, đống mồi nhái này bỏ uổng, vừa mồi không à. Đi đi, mai dính nhóc cá bự luôn cho mày coi. Tân thúc giục em.
– Ừm, đi đại. Ân trả lời.
Thằng Ân tướng lùn sủn, đội cái nó lá bẹp của má nó, quấn thêm miếng cao su trắng, nói là cao su đi mưa chứa thật ra má nó lấy từ cái bao phân đạm ra cắt thành cái áo đi mưa, ôm mớ cần câu thả, nó di chuyển như cây nấm thấy tội mà nghiệp. Còn Tân cao hơn chút, nó cầm keo mồi nhái và mớ câu cắm, xách theo cây đèn pin chế dài thoòng chứa được tới bảy cục pin con ó, nhưng mà cũng chỉ sáng lờ mờ như con đom đóm đực.
– Chỗ này chắc êm, có cá lóc cối… Kìa! Có bầy lồng rồng, cắm câu dí bắt cá mẹ. Vừa nói Tân vừa chỉ bầy cá lồng rồng đang lặn ngụp xủi bọt trắng, con nó đỏ ỏm, trồi lên lặn xuống kiếm ăn, thường thì con cá mẹ đi gần đó để bảo vệ bầy con.
– Cái này mà có cây cần câu nhắp vịt của anh Được thì con cá mẹ chết chắc. Ân vừa nói rọi đền cho Tân mắc mồi, con nhái giãy giãy khi Tân máng lưỡi câu sắt móc lủng qua cằm nó. Tân cắm cần xong con nhái nhảy nhảy lứng tứng trên mặt nước, chỉ cần vậy, chờ cá lóc táp cái bụp là ngon lành.
Hai anh em nó đi tới trên hậu đấy, rồi qua đất thím Hai Hùng, lên khu liếp dừa đặt câu thả. Vì câu thả chỉ thả dưới ruộng vào mùa lúa trổ bông, móc con nhái vô lưỡi, gác cái cần ngang hai bụi lúa, cá đi ngang táp cái ục… dích là quấn ôm gốc lúa luôn, khỏi chạy. Nhưng mùa này mới cấy, chưa dùng được loại câu này, nên nó đem vô khu bờ kênh 500 nhà bác Ba Sách thả chỗ bị ngập nước.
Nhưng đi đến đây thằng Ân không chịu đi tiếp, vì nó sợ ma. Khúc này bịt hù bởi cây cối um tùm, chỉ có cái lối mòn nho nhỏ, đi vô là ướt nhẹp hết quần áo. Ban ngày tụi nó đi xúc cá lia thia còn sợ ớn tóc gáy, tụi nó nghe người lớn nói có lần đó chị Hà con bác Ba Sách đào đìa sên mương dính xương người hoài, có cả quần áo bộ đội, mũ sắt của lính Mỹ. Hồi kháng chiến chống Mỹ đánh nhau khúc đó dữ lắm, nên giờ trên ruộng nhà nó còn có một cái hố bom, cái kênh bờ 500 đó còn gọi là kênh Chống Mỹ.
– Đi đại đi, sợ gì… cái đèn pin còn sáng mà, chút xíu nó hết pin tối thui khỏi về á! Tân dục Ân.
– Thôi! Đi vô đó thấy ghê lắm.
– Đi vô đó thả ít cần rồi mình vòng lên đường lớn về luôn. Trong đó mới nhiều cá. Tân nói theo kiểu hối thúc.
Nghe Tân nói nhiều cá Ân cũng ráng bước theo chứ trong lòng nó không muốn tý nào. Nó càng thấy sợ hơn khi trời bắt đầu kéo mây đen thui, gió lạnh lùa làm hai cái hàm nó đánh bọ cạp, đi tới đây rồi không lẽ cứ đứng chịu trận hoài. Đành nhắm mắt chịu vậy.
Tân gác cái cái cần câu thả lên hai cây tràm, thả con mồi xuống, con nhái đạp nước tung tóe, miệng nghiến răng kêu két két ộp ộp khiến màn đêm càng thêm âm u ghê rợn. Tiếng ếch nhái râm ran, gió lùa hàng tràm khiến nước mưa rơi lộp độp, gió ghê người khiến anh em Tân có cảm giác như ai đó đang đứng nhìn mình. Hai anh em ba chân bốn cẳng rời khỏi con kênh chống Mỹ gấp.
Hai anh em nó thức dậy thì trận mưa cũng vừa kết thúc được chút xíu, Tân đeo giỏ, Ân cầm cái bao đi cuốn câu. Con cá lóc mẹ đã cắn câu, nó gì cái cần chìm nghỉm cuốn dây vào một cành chà dưới nước. Tân lội xuống nước gỡ con cá đem lên mà quên cả lạnh giá, con cá lóc bằng cùm tay thằng Ân, chắc cũng cỡ nửa ký.
– Tội nghiệp bầy con nó quá ta, con mẹ bị bắt rồi ai giữ con nó trời! Thằng Ân than thở bâng quơ.
– Mày lo quá à! Thế nào cũng có người lấy cái mùng ra xúc bầy lồng rồng này về kho tiêu thôi, ăn con mẹ khỏi phải ăn bầy con. Tân đáp.
Hai anh em nó mò mẫm tìm mấy cái cần câu bị cá lôi mất hút, ruộng đất mênh mông này biết cá lôi đi đâu mà tìm. Tân xuýt xoa tiếc nuối, nó cũng tính gáng tìm cho ra nhưng chịu thua, đành bỏ luôn đi thăm cho hết, để dính cá mà có ai đi ngang thấy họ dỡ câu thì mất cả chì lẫn chài, còn tức hơn.
– Tức thật, toàn các lóc ký không đó. Thằng Ân tuyên bố chắc nịch.
– Mày hay nữa.
– Chứ sao, có lóc ký nó mới lôi cả cần câu đi chứ. Ân giải thích.
– Con nào hụt mày cũng nói lóc ký. Hồi tới kênh chống Mỹ cho mày són ra quần gỡ lóc ký.
– Hehe, ban ngày sợ cha con thằng nào.
Hai anh em lội bùm bùm trên mặt nước mông nước, nó đi về hướng Bờ 500, qua kênh chống Mỹ thăm cho xong mớ cần câu còn về nấu cơm, chiến lợi phẩm này cũng đủ cá cho ăn một vài ngày.
– Hi vọng còn ít cần, mỗi cần một con thôi hen. Ân cất lời.
– Mày ước hay quá he?
– Hehhe, vậy cũng gần nửa giỏ ạ.
Ah… ha. Dính rồi, dính rồi… cá lóc cối. Vừa nói Tân vừa chạy lại chỗ cái cần câu thả khi nó nhìn thấy có nước bắn tung tóe.
Chết mồ rồi, bác Ba Sách mà biết chắc toi mạng. Tân lẩm bẩm xong nó kê hàm răng căn đứt cọng dây nhợ bỏ cái cần câu để cho con vịt bơi đi, chứ để lâu là bị phát hiện. Không có con lóc ký nào hết mà con vịt xiêm con của bác Ba Sách mò trúng cái cần câu của nó, dính mồi con vịt bỏ đàn đâu mất tiêu. Hai anh em rón rén gom hết cần câu rồi lội tắt đường ngang về nhà, nó cũng không giám đi lên đường lớn về, sợ bị lộ chuyện con vịt cắn câu.
Xui thiệt! Không lẽ các chú bộ đội và lính Mỹ đánh nhau hồi đêm hôm mà sao không có con cá nào cắn câu, chỉ có con vịt dính đòn kêu không lên tiếng. Tân nói ra làm thằng Ân xanh mặt im re.
Tới nhà thì cũng vừa lúc cơm mưa ập đến, trời xầm xì tứ phía, sấm chớp kinh thiên động địa. Lại mưa, ông trời mưa đêm chưa hết nước, ban ngày tưởng yên lành, giờ lại kéo về ầm ầm. Tuy nóng giận, nhưng ông trời vẫn thương xót nên anh em Tân và Ân quẩy giỏ cá lóc đồng về tới nhà rồi mới trút nước xuống thế gian.
4/12/2021
Văn Lê Tám
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xóm nhà lá

Xóm nhà lá "Xóm Nhà Lá" trong cái lớp học của tôi ngày xưa, không có nghĩa để phân biệt sự giàu nghèo như thế giới của người lớn...