Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2024

Tình sơn nữ - Truyện ngắn Lý Thị Thủy

Tình sơn nữ
Truyện ngắn Lý Thị Thủy

Tôi chạy ào ra sau vườn rồi chạy lên đồi thông, vừa chạy vừa khóc. Tôi gần như đâm sầm vào một gốc thông rồi rũ người xuống, ngồi bó gối, khóc không thôi. Những âm thanh lạnh lùng đến cay nghiệt của mẹ ban nãy cứ văng vẳng truy đuổi tôi đến tận chỗ này “Mày lấy ai cũng được, ở đâu cũng được còn những thằng ở dưới đó thì không, nếu cãi lời muốn đi đâu thì đi, đừng bước chân về nhà này nữa. Nhớ lấy!”, mẹ chỉ có bấy nhiêu từ thôi, mẹ không thay đổi mặc cho tôi có giãi bày van xin thế nào đi chăng nữa.
Mẹ không cần nhìn mặt Hoàng, mẹ không cần biết anh là người như thế nào, gia cảnh của anh ra sao, chỉ cần nghe anh ở dưới xuôi là mẹ không chấp nhận. Ba ngồi lắc đầu, ba không tham gia gì cả, mặc cho ánh mắt van lơn của tôi tha thiết nhìn về phía ba. Ba ngồi im lặng lúc lâu rồi vỗ vai tôi “Trên đời này hãy còn nhiều chàng trai tốt, rồi mày sẽ gặp người khác xứng đáng với con thôi!” Nhà có ba chị em, mình tôi là con gái, ba thường cưng chiều tôi nhất vậy mà lúc này ba không hề bênh tôi lấy một câu. Trong lòng tôi dâng lên một mối hờn dỗi lẫn oán trách. Cả ba và mẹ đều đã dối tôi, đều gạt tôi hết, cứ luôn miệng bảo tự do yêu đương, người Nùng mình cũng vậy, thời buổi này chẳng còn như xưa nữa. Nếu yêu thật lòng ba mẹ cho tôi tự do chọn lựa. Thế đấy, hôm nay cả ba và mẹ phản lại lời nói của chính mình. Tôi thật không hiểu vì sao mỗi chuyện nghe đến cái địa danh mà mẹ đã nhu đỉa phải vôi như thế. Tôi với Hoàng yêu nhau và không hề nghĩ chuyện hai chúng tôi sẽ gặp phải bất cứ sự cản trở nào. Nước mắt tôi lại rơi, bỗng thấy mình lẻ loi nhỏ bé giữa nơi mình hay tìm đến mỗi khi có chuyện vui buồn. Rừng thông chiều về khẽ vi vu bản tình ca của riêng mình trong gió. Sương chiều phố núi dần buông như những tấm khăn voan khổng lồ khẽ khàng choàng lên những triền núi như e ấp, như chở che cho những cô gái trước cái se lạnh của ngày tàn. Tôi nhớ Hoàng da diết.
Mùa hè năm trước tôi gặp Hoàng trong một chuyến đi tình nguyện về một xã nghèo, tôi là cô sinh viên khoa sư phạm còn anh là một chiến sĩ công an. Ngày gặp nhau tại hội trường ủy ban nhân dân xã để nhận nhiệm vụ, tôi thấy một chàng trai trong bộ quân phục công an cứ mải nhìn mình cái nhìn khiến cái bản tính kiêu kì của tôi lại càng được đà nổi dậy. Tôi chẳng lạ gì trước những cử chỉ ấy của các chàng trai trước một cô gái xinh đẹp (bạn bè và mọi người xung quanh vẫn thừa nhận tôi xinh đẹp, tôi giống mẹ tôi như đúc kia mà), anh cũng thế thôi. Trời xui thế nào anh và tôi lại cùng chung một đội, anh ném về phía tôi cái nheo mắt đắc ý. Tôi bất cần, nắm lấy tay đứa bạn thân thầm nhủ “mặc xác hắn”. Đội chúng tôi có bốn sinh viên và hai chiến sĩ công an. Bọn sinh viên chúng tôi được chia cũng gần như đều, hai cô sư phạm một cô kinh tế, một anh y khoa. Sáu con người phụ trách ba thôn khó khăn trong xã. Chúng tôi đã lăn ra làm đủ thứ việc từ làm đường, làm nhà đến dạy chữ, khám chữa bệnh và tuyên truyền. Lần đầu tiên trong đời tôi làm những việc mà tôi chưa từng nghĩ đến mình sẽ làm như cắt tóc cho trẻ em, chặt cây làm nhà, và tuyên truyền pháp luật, kế hoạch hóa gia đình. Ở nơi vốn khó khăn, thiếu thốn mọi bề sinh hoạt, chẳng mấy ngày mà tôi đừ người hẳn. Một tuần trôi qua, tôi nhớ nhà, nhớ chăn ấm nệm êm nhưng cố chịu. Nhưng rồi tôi khóc, tôi hoảng thật sự khi sáng ra chải đầu, tóc theo ra đầy lược, chắc dị ứng loại dầu gội mà tôi mang theo. Thật tai họa khi tôi quên những trái bồ kết, giờ biết tìm đâu ra. Chắc phải gội nước không cho hết đợt tình nguyện. Anh biết chuyện cố tìm mượn cho bằng được chiếc xe máy rồi chạy ngược xuống phố cách hơn bốn mươi kilômet để mua những trái bồ kết mang về giúi vào tay tôi trong đêm. Tôi mừng suýt ôm lấy cổ anh mà reo lên giống như ở nhà ôm chầm lấy ba mỗi khi ba làm điều gì đó khiến tôi cảm động nhưng kịp bảo mình đứng yên, cúi đầu và cảm ơn. Sự kiện những trái bồ kết thành đề tài của cả nhóm. Tôi chỉ cười và anh cũng không thanh minh gì, vẫn cứ cử chỉ như lúc đầu gặp, ném cái nheo mắt tình tứ về phía tôi, nhưng lần này thì cô con gái kiêu kì trong tôi đã chạy trốn mất nơi nào chẳng rõ. Mỗi ngày trôi qua tôi và anh dần xích lại gần nhau hơn, chúng tôi sánh bước cùng nhau trong sự nhiệt huyết đầy ắp tiếng cười, ngày hối hả giúp dân làm đường, làm nhà, sửa nhà, đêm đến bên ánh đèn măng sông lại dạy chữ cho các em rồi sinh hoạt văn nghệ. Anh đàn hay lắm, những trai gái trong làng thường tụ tập về nơi chúng tôi ở để cùng nhau ca lên những bản tình ca. Thi thoảng có vài cô sơn nữ bẽn lẽn giúi vào tay anh nhành phong lan, chiếc vòng đồng hay chiếc khăn tay, mỗi lúc như thế anh lại phải từ chối đây đẩy, các cô ra về giấu quà ở góc nhà hay trong ba lô của anh để tàn cuộc vui anh lại lôi ra đỏ mặt thanh minh với cả nhóm. Anh nhìn tôi thật lâu như dò xét thái độ tôi như nào, chỉ khi nhận được nụ cười của tôi anh mới trùm chăn đi ngủ. Tôi thấy mình quý mến người bạn đồng hành vừa nhìn mình nhưng rồi nghĩ anh cũng như những chàng trai khác theo đuổi mình trước đây, và rồi sẽ hết mùa tình nguyện.
Đêm xóm núi, mưa xối xả, mưa giần từng trận xuống mái tôn nghe rầm rầm, từng ánh chớp sáng lóa xé ngang dọc màn đêm, theo đó là tiếng sấm đùng đùng. Tôi giật nảy, run bắn người theo từng âm thanh khủng khiếp ấy. Nhìn đồng hồ, mười giờ đêm, co rúm người trong chăn, tôi cầu xin trời đừng nổi cơn thịnh nộ nữa, xin các bạn mau về. Từng này tuổi vẫn sợ sấm chớp, thêm bao nhiêu cái sợ khác cùng ùa về phía tôi nữa, tôi khóc, mong mọi người chóng về. Nhưng mưa như trút thế kia ai về được với mình đây, tôi bỗng giận mình ghê gớm, ai bảo ban chiều bảo nhỏ bạn “Cứ đi xem diễn văn nghệ đi, mình hơi mệt nhưng cũng đỡ nhiều rồi, đây cũng gần nhà dân, mình không sao đâu”. Mười một giờ đêm, chắc mọi người ngủ đó luôn không về với mình nữa. Ôi, đêm mưa xóm núi, bao giờ trời mới sáng. Có ánh sáng đèn pin rọi về phía cửa, tôi vơ lấy con dao gọt trái cây giấu ngay đầu giường, vơ thêm cái rựa giữ chặt trong tay. Tiếng bước chân lẫn với tiếng mưa gần hẳn và dừng ngay cửa. Tim tôi như ngừng đập, tay cầm cái rựa chặt hơn, thật nhẹ bước về phía cửa, lôi cái ghế chắn ngang cho chắc chắn, bỗng nghe ngoài cửa lên tiếng gọi:
-Tuyên ơi, em có sao không? Anh về rồi nè, mở cửa Tuyên ơi!
– Dạ! – Tôi, rôi run lên, tim như muốn vỡ òa, anh đã về – Anh Hoàng hả, thật anh không? – Tôi nói mà như không tin vào chính tai mình nữa.
– Ừ, anh đây, mở cửa cho anh vào, anh ướt hết rồi, lạnh lắm.
– Dạ, – Tôi “dạ” nhưng nửa muốn anh vào nửa muốn anh đừng vào thì hơn.      Đêm xóm núi. Tôi và anh chỉ hai người thôi ở trong căn nhà này ư? Tôi không sợ sấm chớp nữa, cũng không sợ ma, tôi sợ một điều gì đó không thể gọi tên ngay lúc này.
– Nhanh đi, anh lạnh chết mất. – Hoàng giục.
Tôi chần chừ trong giây lát rồi cũng mở cửa, anh vào nhà, người ướt sũng, mặt tái nhợt vì lạnh. Thì ra anh từ bỏ cuộc vui ở xã vì không thấy tôi, chạy trong cơn mưa xối xả để đến bên tôi vì lo tôi ốm nằm một mình, vì lo tôi sợ sấm chớp. Anh vơ vội bộ quần áo trong ba lô rồi ra phía hiên sau thay quần áo. Trở vảo, lau nhẹ mái tóc, anh ngồi đấy nhóm bếp và mắng tôi xối xả:  “Bé gan mà to còi, tình nguyện chi mà quên cả lo cho bản thân mình. Anh mà không về trước, đợi đến khi các bạn về chắc ở đây lụt vì nước mắt của em chứ chẳng phải vì mưa”. Anh hỏi tôi có mệt không nhưng tránh nhìn vào mắt tôi như mọi lần. Ánh lửa sáng dần, mưa cũng bắt đầu thôi không vần vũ mà nhỏ dần, rả rích trong đêm. Anh trở về giường của mình, chiếc giường dành cho ba chàng trai được kê bằng những tấm ván giờ mình anh nằm rộng thênh thang. Cách chưa đầy năm mươi centimet về phía đối diện là cái giường nơi tôi đang nằm cũng từ những tấm ván kê lên. Sự ngăn cách giữa giường của nam và của nữ là một cái lưới bóng chuyền giăng ngang. Cái nhà làm hội trường thôn nơi xóm núi được tận dụng để sáu đồng chí tình nguyện chúng tôi ở như vậy thường ngày thấy chật chội nhưng đêm nay với tôi thật lạ. Thấy căn nhà càng nhỏ bé hơn, hai cái giường sao gần nhau quá, nếu như không có tiếng mưa ngoài kia, tôi chắc chắn nghe được nhịp đập của trái tim anh. Bao nhiêu ý nghĩ quẩn quanh trong đầu, sau bao nhiêu chuyện từ trái bồ kết cho đến những bài ca và đêm nay khi anh đội mưa về,… thật khó tả. Muốn đừng có cái ranh giới là cái bóng chuyền kia, cũng muốn cái lưới bóng chuyền kia là một bức tường kiên cố để tôi và anh đừng nhìn thấy nhau đang nằm cho đến sáng mai. Tôi không dám ngủ. Anh nằm đấy, như đọc được trong tâm tư của người con gái đang cùng mình chung một mái nhà, thật gần nhau trong đêm mưa nghĩ gì. Anh khẽ hỏi:
– Em ngủ chưa?
– Dạ chưa?
– Nghe anh kể chuyện nhé!
– Dạ!
– Đêm nay anh sẽ là chàng mục đồng kể chuyện về đám cưới sao rồi canh giấc ngủ cho cô tiểu thư xinh đẹp. Em nhớ câu chuyện Những vì sao của Alphonse Daudet chứ, câu chuyện về chàng chăn cừu xứ Prôvăngxơ ấy ?
– Nhớ ạ. – Tôi trả lời anh, trong lòng đã thấy bình yên bên chàng trai mới gặp nhau và đồng hành cùng mình hơn ba tuần. Thầm nghĩ anh thật khéo trấn an tinh thần người khác.
– Thay vì chuyện đám cưới sao, anh sẽ kể em nghe về quê hương anh nhé! – Anh nói và không đợi câu trả lời của tôi, tiếp tục kể về nơi anh lớn lên – Quê anh là miền biển, khi nào về nơi ấy đứng trước biển, em sẽ thấy mình thật nhỏ bé, nếu có chuyện gì không vui, sóng biển sẽ cuốn nỗi buồn của em đến tận khơi xa rồi sau đó đêm về sóng lại rì rào ru em giấc ngủ thật ngon. Em sẽ thấy biển thật kì diệu, biển nuôi anh lớn lên từ những mùa cá cơm ngần đầy khoang khi ba anh đi biển về, biển cho anh nơi tung tăng với tuổi thơ chân trần trên những dải cát trắng mịn màng trải dài bên hàng dương xanh thẳm.
Tôi chưa từng đứng trước biển, tôi lớn lên với đại ngàn, con đường cửa tôi chỉ dài từ nhà tới trường, và mùa hè này, đi tình nguyện là tôi đi xa nhất những vẫn cứ là cao nguyên quê hương tôi, không có biển. Tôi sợ nước, tôi không biết bơi nhưng tôi không khỏi tò mò về thế giới của anh. Tôi lặng im nghe anh kể, thỉnh thoảng “dạ” như một kiểu thông báo mình đang chú ý lắng nghe. Anh kể nhiều lắm về về quê hương mình, những địa danh khiến người nghe không khỏi ước muốn mình một lần được đặt chân đến đó. Anh bảo đến những con ốc biển vì yêu tiếng sóng mà khi chết rồi vẫn cố gắng giấu vào trong chiếc vỏ của mình những âm thanh rì rào của đại dương. Các cô gái miền biển thường nhặt những vỏ ốc ấy mang theo mỗi lần xa biển để mỗi khi nhớ nhà lại áp vỏ ốc vào tai để nghe tiếng sóng vỗ về. Tôi tò mò về những âm thanh trong vỏ ốc và trong khi anh cố giảng giải cho tôi nghe bằng một câu chuyện kể thì tôi đã chìm vào giấc ngủ tự lúc nào chẳng biết.
Anh hoàn thành nhiệm vụ, trở về quê, chúng tôi liên lạc với nhau bằng điện thoại, thi thoảng anh lại xin nghỉ phép tất tả lên tận trường đại học thăm tôi. Mỗi lần chia tay anh lại dặn “Ra trường về quê anh làm cô giáo miền biển nhé!” Tôi cười đồng ý. Vậy mà lúc này, còn hai ngày nữa anh sẽ dẫn ba lên thăm gia đình tôi để xin được cưới tôi, mẹ lại như đỉa phải vôi khi nghe hai chữ miền xuôi. Cách gì mẹ cũng không đổi ý. Van xin mẹ lắm mẹ gào lên: ” Người dưới xuôi cái bụng gian lắm, không như người dân tộc mình, rồi nó sẽ lừa mày thôi! Tao cấm!” Tôi thấy mẹ không hoàn toàn vô lý, con Mẩy bạn tôi đấy, nó là đứa hiền lành và nhu mì nhất làng tôi. Chẳng hiểu anh chàng dưới xuôi lên xây cầu bỏ vào tai nó lá bùa kiểu gì mà ba mẹ nói gì nó cũng không nghe. Nó đã trao trọn đời con gái với tất cả niềm tin cho anh chàng kĩ sư xây dựng cầu đường ấy, vậy mà khi cái bụng nó to ra như quả bí giấu dưới áo thì chàng kĩ sư ấy cũng lặn không sủi tăm tự bao giờ. Nó không được ở trong nhà mẹ. Nó sinh con một mình trong cái lán dựng vội cạnh nhà mẹ trong tủi hờn, trong sự dè bỉu của mọi người xung quanh “Đồ mất nết, đẻ con hoang!”. Tôi khẽ rùng mình khi nghĩ đến cảnh mình cũng bị lừa như thế. Mẹ như đọc được ý nghĩ của tôi quắc mắt giằn từng tiếng “Liệu mà giữ thân, đừng khiến ba mẹ mặt đen mặt cháy vì mày nghe chưa!?” Ba ngồi đấy, vẫn không nói gì, chỉ nhìn mẹ rồi nhìn tôi thở dài.
Mặc cho tôi gọi điện can ngăn Hoàng, anh vẫn dẫn ba đến nhà tôi. Tôi run lẩy bẩy, sợ mẹ mình làm gì đó không phải với ba anh. Anh xách lỉnh kỉnh đủ thứ quà, giúi vào tay tôi, nheo mắt “Qùa ba anh chuẩn bị cả ngày hôm qua đấy, trong đó có cá cơm ngần được sấy khô và nem chua đặc sản nổi tiếng của quê anh nữa đó!”  Tôi đón lấy những thứ quà ấy và cúi đầu chào ba anh nhưng đáp lại là người đàn ông đứng trước mặt tôi cứ ngây người ra, đứng như trời trồng. Môi ông run run định nói một điều gì đó nhưng lại như chẳng thốt nên lời. Ba tôi vừa đến chào ông với cái bắt tay đưa ông trở về với thực tại. Ý nghĩ chắc bác mệt do đường xa trấn an tôi. Khi mọi người đã an vị nơi ghế ngồi thì mẹ từ bếp đi lên, mặt mẹ biến sắc trước vị khách của nhà mình, mẹ nhìn chằm chằm vào ông ấy, không nói. Hai người nhìn nhau không thôi, tôi linh cảm được trong đôi mắt họ những cảm xúc trái ngược một hận thù cay đắng, mộ áy náy, bao dung. Hoàng lay ba mình “Ba biết cô ấy hả ba?”. Không đợi câu trả lời, mẹ tôi đã  tuôn ra đều đều với những từ ngữ như rải đinh vào lòng người. “Ông định dạy con ông lừa chúng tôi nữa sao, đồ bội ơn bội nghĩa. Ông ra khỏi nhà tôi, đi mau, đi mau!”. Người đàn ông ấy đi thật, anh dìu ba anh đi.
Thế là hết, anh đi rồi. Tôi biết giận ai đây, giận mẹ, giận ba anh, giận mình, hay giận anh. Tôi lại chạy lên đồi thông, chiều, mây phố núi giăng những mảng màu đen kịt bủa vây. Trời phố núi nổi cơn thịnh nộ, mưa xối xả, sấm chớp đùng đùng nhưng tôi không thấy sợ mưa hay sấm chớp nữa, tôi gan lì dưới mưa, chỉ muốn thần sấm giáng một đòn rồi theo luồng sáng ấy, tôi như một vì sao, bay về trời. Người tê dại, bước chênh chao dưới mưa.
Tôi mở mắt thấy một mày trắng xóa của căn phòng lạ, khó nhọc trở mình, tay vướng phải dây truyền nước. Tôi đang nằm trong bệnh viện, Hoàng gục đầu bên giường, chắc đêm qua anh thức trắng vì tôi. Giật mình khi tôi tỉnh giấc, anh hổi hả hỏi han đủ thứ, tôi suýt khóc mà ôm chầm lấy anh. Ông ngoại tôi cũng vào thăm, xoa đầu tôi:
– Mau khỏe để còn làm cô dâu nghe, ông thèm bữa rượu thịt lắm rồi đây!
–  Nhưng mà! – Không hẹn mà cả tôi cùng Hoàng đều thốt lên.
– Chuyện mẹ cháu chứ gì? – Ông đã giải quyết xong rồi.
– Thật hả ông? – Tôi ôm lất cánh tay của ông lắc lắc.
– Ừ, chuyện là thế này, ngày xưa ba Kiên của Hoàng là một chiến sĩ từng chiến đấu trên chiến trường tây nguyên này, trong một trận đánh để bảo vệ dân làng ta, Kiên bị thương, giặc lùng giữ dội, mẹ Hà của cháu đã liều lĩnh nuôi giấu Kiên ở trong rừng, hái thuốc đắp vết thương cho Kiên. Ngày ấy, Hà là một bông hoa của làng mình, nhiều chàng trai trong làng và các làng bên say mê nhưng nó vẫn cứ yêu Kiên, thề sống chết với Kiên thôi và nó ước sẽ được về với biển, nơi Kiên sống làm dâu xứ biển. Chiến trường ngày càng ác liệt, vết thương chưa lành hẳn, chàng thanh niên ấy lại tiếp tục lên đường. Lại thêm một lần bị thương nặng, nó trở về mặt xanh xao, gầy đi nhiều lắm nhưng vẫn hay cười với Hà, rồi một đêm mưa, người lính ấy gõ cửa phòng ông. Đứng nhìn ông thật lâu rồi khóc xin chia tay với Hà vì những vết thương trong hai trận đánh khốc liệt ấy đã tước đi thiên chức làm cha của nó. Kiên không thể khiến cho Hà phải khổ phải chịu thiệt thòi khi lấy mình, nhưng nếu nói thật với Hà thì không đời nào Hà chịu để anh phải cô đơn một mình nên một lần nữa người lính ấy nhận về mình vết thương đau đớn hơn gấp bội đó là nhận về mình cái tiếng bỏ Hà để về quê cưới một cô vợ giàu có. Ý người lính đã quyết, ta không cản được. Người lính trẻ ấy rời bản trong đêm mưa mịt mùng của đại ngàn, khi Hà đang còn say giấc mộng về làm dâu xứ biển. Kiên về chăm sóc cha mẹ già và ở vậy. Hai năm sau thì nhận cậu bé hai tuổi, con của một đồng đội vừa qua đời vì những vết thương cũ tái phát về nuôi, đó chính là Hoàng đấy. – Ông ngoại chỉ tay về phía Hoàng rồi lại nhìn tôi –  Mẹ cháu sau cơn đau đớn đã đồng ý về làm vợ ba cháu nhưng từ đó đến nay nó vẫn chưa hề được biết gì thêm về người yêu mình hết mực ngoài hai chữ phản bội, và cái nơi mẹ cháu từng mơ ước được về làm vợ người nó yêu lại trở thành nơi dội lại nỗi đau mỗi khi nghe ai đó nhắc đến. Khi tình yêu trong trái tim con người đã dâng lên đến tuyệt đỉnh thì khi bị phản bội nó dễ trở lại trái dấu là con người ta sẽ trở nên căm hận đến cùng cực. Hai mươi lăm năm rồi, những người hết mực yêu nhau đã hi sinh và đau khổ vì nhau như vậy đấy. Trong chuyện này cả ba Hoàng và mẹ cháu đều đáng được các cháu thông cảm và kính trọng.
Hoàng ngồi im, nghe ông nói như nuốt lấy từng lời, trong mắt anh, ánh lên  những cảm xúc khó tả, anh nắm lấy bàn tay tôi, thật chặt. Dù chưa khỏe hẳn nhưng tôi muốn về nhà. Chúng tôi về nhà nhanh nhất có thể. Chúng tôi sợ ba anh về mất.
Nhà tôi rộn ràng hẳn, người ra kẻ vào xúm xít nấu nướng như có tiệc. Hoàng đỡ tôi vào nhà, dừng lại nhìn ba anh thật lâu nhưng bác đã vỗ vào vai anh, gật đầu cười kiểu “Về nhà ta hãy nói chuyện nghe con!” mẹ ra đón tôi với vẻ mặt vui tươi rạng rỡ, nhanh miệng sai Hoàng xuống bếp phụ mấy em nấu nướng. Bác Kiên ngồi đấy, đối diện với ba tôi với ấm trà đặc, trông họ thật thân thiết. Nằm trong phòng, tôi cố gắng dỏng tai nghe câu chuyện của ba và bác Kiên
– Trà vườn nhà đấy, mời anh uống thử. – Tôi nghe giọng của ba.
–  Dạ, anh cứ để tôi tự nhiên.
– Chuyện cũ qua rồi, từ nay mình sẽ là thông gia, thông gia như anh em đấy, bác đừng khách sáo nhé!
Những câu nói khiến bao nhiêu tảng đá ưu tư đè nặng bấy lâu trong trái tim tôi phút chốc tan biến vào sương khói. Và dù không đứng trước gương tôi cũng biết hai má mình đang hồng lên vì xấu hổ khi nghĩ đến cảnh mình mặc áo cô dâu, rời đại ngàn về với biển. Tôi trùm chăn, nhắm mắt lại thấy Hoàng nắm tay mình đi dạo trên bờ biển, rồi tròn mắt ngạc nhiên khi anh áp nhẹ vỏ ốc thật to vào tai cho tôi nghe tiếng sóng biển rì rào, để nghe lại câu chuyện mà đêm mưa nào giữa đại ngàn anh đã kể tôi nghe.
6/12/2021
Lý Thị Thủy
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xóm nhà lá

Xóm nhà lá "Xóm Nhà Lá" trong cái lớp học của tôi ngày xưa, không có nghĩa để phân biệt sự giàu nghèo như thế giới của người lớn...