Thứ Hai, 23 tháng 12, 2024
Chuyện buồn không muốn nhớ
Tôi vừa đi công tác về thì chị tôi đến tìm. Chị bảo tôi tối đó đến nhà chị vì mẹ tôi có chuyện cần bàn. Không rõ chuyện gì nên tôi lo lắng gặng hỏi thì chị hé mở: “Người ở quê ra thì thào với mẹ chuyện đất cát, nhà cửa gì đó, tôi chỉ nghe loáng thoáng”.Tôi thở phào, phần nào yên tâm. Tiễn chị về rồi, tôi thần người vì nỗi buồn ập đến. Điền thổ là chuyện của muôn đời, ngẫm thấy người xưa nói cấm sai câu nào. Quê tôi, làng Giải Oan, một làng cổ của vùng ngoại thành Thăng Long xưa. Nguyên cha tôi được ông tôi cưới vợ cho từ khi người mới mười ba tuổi và hơn cha tôi đến vài ba tuổi. Nhà có mấy mẫu ruộng nên cần có người trông nom, bà nội tôi chỉ phục dịch ông tôi và đám học trò cũng đủ nhược người. Người vợ đầu cha tôi vốn con nhà giàu của làng bên nên sớm biết làm ăn, chỉ phải tật hợm hĩnh, động tý lại cậy gia thế mình giàu có, chê bai, dè bỉu người khác. Tính khí làm vậy nên sinh thất lễ với bà tôi và bà liền đem chuyện nói với ông tôi. Ông buông sách, thở dài rồi bảo: “Con người ta sang hèn là ở cốt cách, tài cán chứ đâu phải ở miếng cơm, manh áo”. Còn cha tôi, sau khi cưới vợ liền ra Hà Nội học, thi thoảng mới về nhà. Vì ít tuổi, lại ham học, vả lại ông bà tôi sẵn lòng không quý mến con dâu nên bảy năm sau, cha tôi bỏ hẳn người vợ này.Sau này cha tôi có kể lại là lúc lâm chung, ông nội tôi vẫn nhớ chuyện người vợ đầu của cha tôi bỉ nghèo nên căn dặn cha tôi chớ lấy vợ con nhà giàu. Nhưng sự thể lại khác, người vợ kế tiếp của cha tôi (tức là mẹ già tôi) là con nhà giàu nhất trong vùng, được cái lúc ấy cha tôi đã học xong nghề kiến trúc, bắt đầu làm ăn phát đạt nên chẳng ngại mang tiếng tham của lấy vợ giàu. Mẹ già tôi là người biết điều, khi về làm dâu lại mang theo năm mẫu ruộng tốt làm của hồi môn, vì thế gia sản nhà tôi tăng nhanh. Sẵn tiền, sẵn nghề trong tay, cha tôi mua thêm đất của những nhà xung quanh, mở mang thổ cư rộng đến sáu sào, xây liền một biệt thư hai tầng với mười hai phòng theo kiểu nhà tám mái, sàn gác ghép toàn gỗ lim. Ngôi nhà to đến nỗi sau này người làng vẫn kháo nhau rằng hôm khánh thành ăn liền một trăm mâm cỗ không phải ngồi ngoài sân. Cách mạnh năm bốn nhăm cha tôi về quê và giữ chức chủ tịch Ủy ban hành chính đầu tiên của xã. Năm bốn sáu, toàn quốc kháng chiến, cha tôi tản cư lên Bắc Giang, mẹ già tôi lo tiếp tế, một lần không may, bà bị đắm đò, chết đuối. Rồi sau đó, cha tôi bị Pháp bắt, may mà người trốn thoát, trở về Hà Nội làm nghề thiết kế nhà cửa. Thời gian này, người gặp gỡ và lấy mẹ tôi. Mẹ tôi vốn buôn bán từ nhỏ, con gái thành thị không biết làm ruộng, song vì ở nhà quê nhiều ruộng, bà tôi già, chị Ngoan (con mẹ già tôi) chưa lớn, nên dù không muốn, mẹ tôi vẫn thường xuyên về quê trông nom nhà cửa, ruộng vườn. Mấy năm ấy, mùa màng thất bát, tô thu được chẳng đáng là bao, bên nội nhà tôi đông người nhưng toàn nhà nghèo, làm giúp thì ít mà tìm cách bớt xén, bòn rút lại nhiều. Năm năm hai, giặc Pháp chiếm làng tôi khi rút đi đã chôn mìn giật nổ tung ngôi biệt thự của cha tôi. Cha tôi về quê, nhặt nhạnh gạch vỡ, cho xây lại một ngôi nhà ngói năm gian. Mãi đến hòa bình lập lại, mẹ tôi mới mang hai chị tôi về quê ở hẳn. Cả gia sản ấy của cha tôi chỉ tồn tại đến cải cách ruộng đất.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Chuyện cha con người đốt than
Chuyện cha con người đốt than 1. Tôi còn nhớ, khi ấy, từ mấy chục năm trước, trên đường từ Long Xuyên, Châu Đốc về Thất Sơn, ngồi trong c...
-
Vài nét về văn học Đông Nam Á Đặc điểm của văn học Đông Nam Á (ĐNA) Nói đến văn học Đông Nam Á là phải nói đến sức m...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
-
Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi 1. Trong lịch sử văn học Việt Nam, cảm thức thiên nhiên của các thi nhân không phải là hiếm. Nhưng t...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét