Thứ Hai, 23 tháng 12, 2024

Biển của một thời

Biển của một thời

Nơi ấy là một bãi biển nhà quê, anh đã gặp nàng hơn năm năm trước. Mùa hè đó, bạn bè người rủ anh đi Sầm Sơn, người lại chèo kéo anh đi Đồ Sơn, anh từ chối hết. Anh chán cảnh những bãi biển sầm uất đông người với những mông, những đùi. Tự nhiên đến cuối mùa tắm, anh chợt nhớ đến một người bạn thân của mình hồi còn ở trong quân ngũ, quê ở một làng ven biển. Anh có một tuần rảnh rỗi, để sau đó đi biệt phái mãi Tây Nguyên hai năm. Thế là anh khăn gói tìm đến nhà người bạn.
Bạn anh mừng lắm. Cả gia đình bạn đón anh nồng hậu, chân tình. Anh bảo bạn: “Ngày mai tôi sẽ đi đánh cá với ông”. Bạn anh cười: “Được. Cậu cũng nên đi để biết người dân biển lao động thế nào”. Mùa này, ngoài biển động, người dân ở đây ít đi khơi, mà chỉ đánh bắt bằng các phương tiện đơn giản gần bờ. Anh theo bạn dậy từ sớm ra biển. Nước triều lên cao còn chưa rút. Người đánh cá đẩy những chiếc lưới vét gọng dài. Khi ra xa, nước ngập, họ phải đi bằng đôi cà khoeo. Anh không đi được, thế là đành đứng ở chỗ nước nông mà nhìn. Trong màn sương buổi sáng, nhìn họ như những chú sếu lêu nghêu trên mặt nước. Nghịch nước chán, anh quay lên bãi cát. Đúng lúc ấy, anh thấy nàng. Nàng không xinh nhưng tỏ ra rất có duyên trong bộ đồ tắm một mảnh màu đỏ, anh kịp nhận ra ngay điều đó. Nàng đi rón rén trên mặt cát, hình như để nghe ngóng chính mình, thỉnh thoảng nàng ngoảnh đầu nhìn những vết chân mình in trên cát. Cậu bé con, chắc con nàng, nhảy lơn xơn quanh mẹ. Buổi sáng tinh mơ, ngoài biển toàn những người lao động., thành ra chỉ có anh và mẹ con nàng là người tắm. Nàng khẽ so vai, không hiểu vì cái se lạnh của buổi sớm hay nàng làm điệu bộ ra thế. Anh ngồi bệt xuống cát hướng ra biển, quay lưng lại phía mẹ con nàng, song bằng cảm quan, anh vẫn biết được mẹ con nàng đang chơi bong với nhau trên bãi cát. Cậu bé đá quả bong nhựa để nàng bắt rồi tung lại cho nó và nó vừa đá vừa cười khanh khách. Nàng hình như cũng cảm thấy mình đang bị dò xét nên chỉ cười nho nhỏ, song thỉnh thoảng lại lên giọng khuyến khích con. Anh thầm nghĩ, nếu mình cứ ngồi mãi thế này thì thành Gia-ve mất, bèn vùng đứng dậy, lao người xuống nước, sải tay bơi một chập ra ngoài xa. Từ ngoài ấy, anh đứng lén nhìn vào. Nàng và con thôi chơi bóng. Nàng lội xuống nước, dò dẫm từng bước, co ro một lát, rồi ngồi thụp xuống vã nước lên người. Hình như nàng khẽ kêu lên thì phải. Khi đã dạn nước, nàng quay lưng về phía biển, cụm tay té nước lên cậu con trai đang hò hét bên mép nước. Tự nhiên anh mủm mỉm cười một mình. Anh bỏ mặc nàng vui đùa với đứa con, đi xem những người đánh cá vét lưới. Bạn anh cười hỏi: “Thế nào, cậu có đánh được con cá nào không?”. Anh thật thà: “Thì tôi có lưới gì đâu mà ông hỏi rỡn tôi vậy?”. Bạn anh cười, hất cái nhìn về phía nàng: “Có con cá sộp trên kia kìa, ông cần gì phải lưới”. Lúc ấy anh mới ớ người ra, bèn lắc đầu cười: “Tính tôi thật thà…. Cậu cũng tinh quái lắm”. Bạn anh: “Cũng không bằng ông”. Cả hai cùng cười vang. Lúc ấy nhìn ra biển, anh thấy biển tuyệt vời làm sao. Rồi anh như quên đi tất cả, anh sà vào đám ngư dân đang vét lưới, lăng xăng bên họ và luôn miệng ô a… Xem chán chê, anh về. Lại thấy nàng và con đi trước anh một đoạn. Qua bãi cát là đến một dải nước bên dưới sụt bùn. Cậu bé con thụt chân, quỵ xuống kêu oai oái. Nàng vội vàng kéo con dậy. Anh đi đến đằng sau và tự nhiên anh buột miệng:
Dải nước này sụt bùn lắm. Cẩn thận kẻo có chỗ nước sâu, cháu nhỏ không biết sa xuống là khốn. Chị nên để ý đến cháu luôn.
Thế ạ!… Cảm ơn anh. Nàng nhìn anh thoáng đỏ mặt và như để lấp đi sự lúng túng của mình, nàng nhắc con – Đấy… Con nhớ nhé. Chú nói là có chỗ nước sâu đấy.
Bãi biển này gần cửa sông nên có nhiều bùn. Với lại …. – anh giải thích – nước bị phân luồng hay tạo ra những vùng xoáy. Nguy hiểm với cả người lớn nữa đấy.
Vâng! – Nàng khẽ cười, mắt chợt ánh lên vẻ tinh nghịch – Chắc anh là cán bộ ngành thiên văn hay địa lý gi thì phải, vì vậy anh mới thông thạo thế ….bởi anh đâu phải là người vùng này?
À …. Tôi chỉ nói theo sách thôi.
Vừa lúc ấy một tốp người từ trong khách sạn ùa ra. Một người réo to:
Mẹ con nhà này trốn mọi người mò ra đây sớm thế.
Một người khác thì đùa:
Thu ơi! Mày tài ghê. Đã kịp có bạn tắm rồi đấy à!
Cả đám cười ồ, trêu nàng. Anh lâm vào tình thế khó xử và tự mình cảm thấy mình là một kẻ tán gái rẻ tiền. Anh chào lúng túng: “Tôi rẽ đường này”.
Ngay hôm ấy, lúc chiều nhá nhem, anh đi ra biển. Anh men theo mép nước đi mãi. Biển lặng. Mặt nước bắt những ánh ngày cuối cùng hồng lên chốc lát rồi ngả màu nhung xám. Những con thuyền cá lác đác trở về. Phía xa hơn, thuyền đánh cá còn nhiều và mỗi con thuyền thắp lên một đốm sáng làm mặt biển bớt mông muội. Thuyền đang về đấy!.... Anh nghĩ đến nàng. Phải. Tự nhiên trong cái đầu hoang vắng của anh có hình bóng của nàng. Tại sao lại chính là nàng chứ không phải là một người đàn bà nào khác? Mà anh đã biết gì về nàng đâu. Anh hình dung về gia đình nàng. Chồng nàng là một gã công chức tẻ nhạt.... Và gã ta còn không biết đến cả ghen nữa.... Anh mỉm cười buồn trong bóng tối và nghĩ về mình. Anh cũng có vài ba cái na ná như mối tình. Anh cũng chỉ là một gã công chức tẻ nhạt, thậm chí còn tẻ nhạt hơn gã chồng nàng. Anh phải làm gì để cuộc đời bớt tẻ nhạt đi. Anh cũng chẳng biết nữa. Anh nghe có tiếng hát. Anh nhìn ra. Triều đã rút rồi. Biển lùi xa để lại những vạt cát ướt. Anh lần đến gần nơi có tiếng hát. Lại nghe cả tiếng người lao xao. Đúng là nàng hát. Bài hát về một thời thiếu nữ, những đam mê, tiếc nuối. Chợt một cô bé hét lên: “Ai?”. Anh nghe tiếng nàng: “Ai đó?”. Anh đến gần:
Tôi.... Tôi đây.... Hình như là chị Thu.
Thì ra là anh. Anh làm cho chúng tôi sợ quá. Nhất là mấy cháu nhỏ đây. Mà sao anh lại biết tên tôi?
Thì...sáng nay, tôi nghe mọi người gọi tên chị.
Thế à.... Anh đi đâu vậy?
Cũng như chị thôi. Tôi đi dạo. Xem thuyền cá về.
Thế là anh cùng nàng và lũ trẻ dầm chân trên cát ướt, tha thẩn hết thuyền cá này đến thuyền cá khác. Trăng lên, lũ trẻ chơi với nhau, tản ra xa hai người. Khi chỉ còn anh với Thu, anh chẳng biết nói gì. Nàng hỏi:
Anh đi tắm biển có một mình thôi sao? Còn chị ấy đâu?
Tôi chưa có gia đình.
Tôi không tin – Nàng khẽ cười – Đàn ông các anh lúc nào mà chả nói là chưa có vợ.
Thật mà!... Tôi về đây chơi với một người bạn cũ... Tình cờ gặp chị.... Tôi....
Nàng chỉ tay ra ngoài biển, bảo:
Theo anh ở ngoài kia có gì?
Có người.
Tôi thì tôi cứ nghĩ chỉ có sóng và gió.
Thế còn những đốm sáng kia thì sao! – Anh nói như hát - Cuộc đời đấy. Vì những đốm sáng ấy mà chúng ta sống.... Nhiều khi, hạnh phúc ở ngay trước mắt ta mà ta không biết!
Anh nghĩ thế thật sao!?
Anh nhìn nàng. Nhìn thẳng vào đôi mắt nàng và anh thấy ở đó có những đốm sáng. Bọn trẻ không rõ từ đâu ùa về, ríu ran.
Đêm. Anh khó ngủ. Có thể anh vẫn còn lạ nhà. Ngoài kia là biển. Biển thì bao giờ cũng thế, chẳng vui mà cũng chẳng buồn. Buồn vui là việc của con người. Anh nhớ....
Dạo ấy anh mới rời quân ngũ, chuyển ngành đi làm. Một lần anh về quê. Quê anh là một vùng chiêm trũng. Anh không sinh ra ở đấy. Có một thời gian, anh sơ tán từ Hà Nội về khi còn học sinh. Anh không nhớ lối vào nhà người bác họ mình nên phải hỏi đường một cô bé, đúng ra là cô gái chừng mười sáu, mười bảy tuổi. Cô bé rất xinh, nó năng có duyên. Tự nhiên anh nảy ý định tán tỉnh cô bé. Cô bé chỉ đường rồi, song anh cứ đứng ì không chịu đi. Cô bé bảo: “Sao anh không đi đi. Không sợ lạc đâu”. Anh vờ nhăn nhó: “Cô phải đưa tôi đến tận cổng. Đi trên đường làng tôi sợ chó lắm. Nếu cô không đưa, tôi sẽ đứng mãi thế này”. Cô lại bảo: “Không được đâu. Đi với anh, tôi ngượng chết. Người làng nhìn thấy, họ lại nghĩ này nọ”. Anh nói đầy chất lính tráng: “Thì chúng mình này nọ với nhau cũng được chứ sao. Nếu cô nhất quyết không đưa, tôi sẽ lập tức quay về thành phố, và …. đưa cô theo”. Cô khẽ ngúng nguẩy: “Cái nhà anh này, ăn nói mới táo tợn làm sao … Mới lại thành phố nhà các anh thiếu gì con gái đẹp, thiết gì con gái quê mùa”. Anh dấn tới: “Quê mùa à … Quê mùa tang tính tình tang … Bố mẹ tôi quê đây … Hoa chanh nở giữa vườn chanh. Thầy u mình với chúng mình chân quê”. Cô che tay bụm miệng cười: “Anh làm thơ hay quá”. Anh nhận liều: “Thơ tôi đấy. Tôi sẽ tặng cô”. Cô chỉ tay:“Thôi đừng tán hươu tán vượn mãi. Quần anh có cỏ may kìa... Với lại.... Tôi phải về xay lúa đây”. Cô lẩn nhanh vào ngõ hẹp ngay cạnh đó. Anh ớ người gọi: “Kìa!... Cô gì ơi”. Chỉ còn nghe tiếng cô khẽ rúc rích sau hàng rào dâm bụt um tùm.
Mấy ngày đầu về quê, anh khoanh chân uống rượu với các bậc huynh trưởng trong họ, liên thuyên đủ các chuyện trên trời dưới bể làm mọi người phục lăn. Những lúc đi thăm thú trong làng, anh đều để ý theo dõi xem có thấy cô bé đâu không và có đến vài ba bận anh biết cô đứng ở một chỗ khuất nhìn theo anh, tới khi khi phát hiện ra thì cô vội lẩn mất. Anh tự nhủ: “Cô bé phải lòng mình rồi”, và anh đi đến một quyết định táo bạo là trong vòng một tuần ở quê phải tán đổ cô bé. Vài ngày sau đó, anh theo lũ trẻ ra tắm ở ao làng. Anh chạm trán với cô. Cô gánh một gánh cỏ trâu to tướng. Anh níu quang gánh của cô lại nói nhỏ: “Sao mấy ngày hôm nay cô trốn tôi”. Cô nhìn anh trân trối: “Đâu... Tôi phải làm đồng chứ”. Anh nắm cổ tay cô thì thầm: “Cô đẹp lắm. Tối nay cô ra chỗ gốc đa gần cái cầu gì ấy”. Cô vội vã: “Cầu Đá Bia... Nhưng tôi không ra đâu... Tôi phải họp Đoàn.... mới lại sợ ma lắm”. Anh khẽ gắt: “Cô phải ra. Họp thì để hôm khác, còn ma thì đã có tôi. Nhớ đấy!”. Câu cuối anh nói như ra lệnh làm cô rúm người lại, xuýt để tuột gánh cỏ khỏi vai. Sợ lũ trẻ biết, anh bỏ cô chạy gằn theo bọn chúng. Đến lúc anh nhảy xuống ao bơi, nhìn lên thì cô đã không còn ở đó. Cơm tối xong, anh thấp thỏm rồi tìm cách lẻn đi. Trời tối lại không thạo đường, anh lạc loanh quanh mất một lúc rồi cũng tìm thấy đường. Khi anh vừa tới gần cây đa thì anh nghe có tiếng chân người chạy ra phía đằng sau rồi ánh đèn pin quét loang loáng. Tiếng bác họ gọi anh: “Thằng Tuân đâu!.... Tuân ơi”. Anh sững lại trước ánh đèn pin và chỉ kịp nghĩ: “Thế là hết”. Bác họ anh vỗ vai anh bảo: “Thôi về đi...Nghe bác, không cần phải giải thích”. Anh sượng sùng, ngoan ngoãn đi theo. Được một quãng, bác họ anh nói rất chân tình: “Mày mê nó à? Cái Cúc ấy... Nhưng mày có biết không, xét về họ hàng nội tộc, nó là vai cô mày, bằng vai với tao, với bố mày kia đấy... Nếu nó chỉ là người làng thì tao mặc kệ”. Trên đường về nhà, anh nghe thoảng có tiếng chân người bước xa xa phía sau lưng. Đúng là cô bé Cúc rồi. Cô đã ra đợi anh ở đấy từ trước.
Anh ra thành phố sớm hơn dự định. Đến chỗ anh gặp Cúc hôm về, anh để ý. Cạnh hàng rào hoa dâm bụt còn hằn vết chân người lẩn quất và ở đó những cánh hoa dâm bụt bị nát xé lả tả. Rõ ràng là Cúc vừa đứng ở đó và mới bỏ đi. Có lẽ cô vẫn thầm theo dõi nhưng không muốn giáp mặt anh. Tới cây đa cầu Đá Bia anh dừng lại nhìn về làng. Làng quê thật bình thản. Anh đã làm tổn thương trái tim của một người con gái quê mùa mộc mạc.
Sau này, anh biết cô bé lấy chồng, con nhà khá giả ở làng bên, hắn vũ phu và ghen tuông đến bệnh hoạn. Sau lần ấy, trong các mối quan hệ với đàn bà anh thận trọng hơn, cho đến lúc anh gặp nàng....
Đêm ấy, anh nghĩ miên man, đến gần sáng mới ngủ được, và anh đã dậy muộn. Buổi chiều anh mới ra biển. Nàng đang tắm cùng với những người đi trong đoàn. Bãi biển này là điểm du lịch mới nên không đông khách, vả lại cũng là cuối mùa tắm vì thế cả bãi tắm chỉ khoảng dăm chục người. Nàng ôm phao tập bơi. Hai chân nàng đập nước tung tóe. Cặp chân nàng khá đẹp, thon dài và trắng ngần. Triều đang rút. Chỗ nàng tắm nước chỉ cao trên bụng một chút. Thấy anh, nàng bảo:
Anh tắm quanh quẩn ở đây nhé. Tôi đang tập bơi. Nhỡ ra có làm sao thì đã có anh...
Nàng nói vậy chẳng khác nào mời chào. Anh nhận lời mà lòng đầy hồi hộp. Anh bày cách cho nàng đạp nước để đẩy phao đi. Thân thể nàng làm cho anh chói mắt. Nàng tuột phao, chới với. Anh ào vào, đỡ nàng lên. Và anh cứ ôm nàng như thế không chịu bỏ ra nữa. Anh nhìn ra biển, mọi người díu phao vào nhau lênh đênh ngoài xa, còn trên bờ, cậu bé con nàng đang nghịch cát. Cả một quãng biển vắng, chỉ còn anh và nàng. Anh và nàng cứ thế lặng im.... Một phút, hai phút, ba phút, rồi không nén nổi, anh ghé miệng hôn lên chân nàng. Mặt nàng đỏ lựng và anh nghe tiếng nàng nén mình cố thở ra nhè nhẹ. Anh không biết điều gì sẽ đến nếu như lúc ấy trên bờ không có tiếng người kêu. Nàng vùng ra khỏi anh nháo nhác nhìn lên bờ. Cậu bé con nàng vẫn đang nghịch cát. Anh cũng ngơ ngác nhìn quanh không hiểu chuyện gì. Thì ra, một ai đó thấy mấy chiếc phao bị triều xuống kéo mãi ra xa, lo sợ mà kêu toáng lên. Lúc đó, mọi người chỉ còn quan tâm đến việc đưa đám người trên phao vào bờ. Anh và nàng chẳng ai nói với ai câu nào. Lát sau, nàng dắt con trở về khách sạn.
Tối về, khoanh chân trên chiếc chiếu trải ngoài sân uống rượu với bạn, sau mấy chén, anh cao hứng ngửa mặt nhìn trăng, nghêu ngao mấy câu thơ. Bạn anh đùa: « Hôm nay tôi thấy ông vui ha. Đích thị lưới ông mắc cá to đây? Nói nhỏ với tôi đi, tia được em gái nào trong xóm hả? Tôi biết còn làm mối cho ». Anh cười trừ, bảo không.
Đêm. Anh chợt nghe thấy tiếng hát Anh lắng nghe, chỉ tiếng gió biển lùa hàng phi lao. Lắng thêm, quả là có tiếng hát, khi xa khi gần, khi trầm khi bổng, không rõ lời, nhưng giai điệu thì da diết lắm. Anh bị hút theo thanh âm đó, mụ mị lần theo. Nẻo đường cát sỏi quanh co đầy những hoa cỏ dại và dây gai nhìn quen mắt mà chẳng rõ tên hiện rõ trong anh sáng trăng suông. Con đường anh đi lút vào giữa bãi phi lao rồi đột ngột nhô ra bãi cát ven biển. Triều cạn lùi mãi xa, để lại những lạch nước nông nhỏ. Anh chân trần lội qua những lạch nước, lùng nhùng dưới chân những chú cá nhỏ. Anh cúi xuống nhìn kỹ thấy loang loáng đàn có nhỏ màu sắc sặc sỡ, mà con nào vây bơi cũng xòe to hệt như cánh bướm. Lạ kỳ, là mặt cá con nào con ấy nhang nhác mặt người. Anh nghe tiếng hát rõ hơn và rảo bước về phía ấy. Gần đến mép nước, anh thấy rõ bóng người và thoáng rùng mình. Nhưng rồi anh vẫn tiến gần bóng người. Đàn bà. Dù người đó hơi nghiêng người hướng mặt ra ngoài khơi, song anh vẫn nhận rõ qua mái tóc và khuôn ngực nhô cao. Anh đến gần ngay phía sau, người đó vẫn hát khẽ và quay mặt lại nhìn anh. Nàng. Đúng là nàng. Nàng nhìn anh mà như không thấy anh, bởi khuôn mặt và cái nhìn của nàng cho thấy nàng chỉ chú tâm đến tiếng hát của mình. Anh sững người, chết trân, không biết nên đứng đấy hay trở lui. Và thời khắc đó, anh mới để ý đến những lời nàng hát. Một bài hát về biển, ca từ có nắng gió hiền hòa, có bão tố gầm thét, có những đàn cá nhỏ tung tăng rỡn sóng xanh, có tiếng nước bị xé toạc và quẫy lên ngầu bọt bởi lũ cá dữ lao mình tranh cướp săn mồi... Anh nhìn nàng. Tự nhiên nàng nhoài người xuống nước và tự thân eo của nàng cứ thon dài theo chân dính liền nhau và xòe rẻ quạt thành chiếc đuôi cá. Cả thân mình nàng phủ một lớp vảy bạc lấp lánh. Nàng tiên cá. Anh cứng họng không thành lời. Chợt có tiếng réo sùng sục, rồi một thân hình cá khổng lồ đột ngột nhô lên, đớp gọn nàng tiêng cá vào họng và thụt ngay xuống mất dạng nhanh như khi xuất hiện. Tiếng hát phụt tắt, và trong ánh trăng suông, cùng nỗi khiếp hãi, anh vẫn kịp nhận ra hung thần cá có khuôn mặt đàn ông bành bạnh. Lúc ấy, anh mới thét lên được. Anh choảng tỉnh. Thì ra là cơn mơ. Trên bàn thờ nhà người bạn, ngọn đèn dầu hỏa hãm hạt đỗ vẫn sáng xanh lét vẻ ma quái. Nằm im một lúc mà chưa hết bàng hoàng. Rồi sau đó, cứ nghĩ ngợi phấp phỏng, không sao ngủ lại được. Mấy lần nghe gà gáy sáng, rồi thiếp đi trong mệt mỏi...
Sáng hôm sau, anh ra biển muộn. Mặt trời lên cao, nàng và đoàn của nàng đã ở bãi tắm. Họ tắm cách anh một quãng. Anh tìm cách lân la lại gần. Chuyện xảy ra giữa anh và nàng chiều qua hun nóng chút tình cảm mới vừa nhen nhúm trong lòng, song giấc mơ đêm lại khiến anh rờn rợn. Thấy anh, nàng gọi to tên của một người nào đấy. Và một gã thấp đậm từ trên bãi lao ngay xuống. Gã nhăn nhở bảo nàng: “Người đẹp gọi, tôi xin có ngay. Hy vọng sẽ làm đẹp lòng người đẹp”. Nàng bảo gã: “Anh dạy tôi bơi nhé”. Gã trâng tráo: “Được. Rồi hai chúng ta sẽ bơi đến một đảo hoang và cùng nhau gieo mầm ở đó”. Anh giận tím người, cảm thấy mình bị xúc phạm ghê gớm. Ôi, đàn bà!... Anh chợt giật mình nhớ đến khuôn mặt người bành bành của hung thần cá trong giấc mơ hao hao khuôn mặt gã đàn ông nhăn nhở...
Anh bỏ lên bãi cát, nằm ngửa nhìn trời. Nắng lấp loá. Anh nhắm mắt lại nhưng anh vẫn hình dung thấy cảnh gã đàn ông dìu nàng tập bơi. Anh ngồi dậy, lẩn thẩn đắp một lâu đài bằng cát. Anh nhớ đến một câu chuyện rằng có hai đứa trẻ mới lớn yêu nhau, một ngày trước khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, chúng cùng nhau tắm biển và xây một lâu đài trên cát, xem đó là lời ước hẹn về hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc của chúng bị chiến tranh đập nát như cái lâu đài bằng cát kia bị ngọn triều chờm lên xoá sạch. Tình cảm vừa manh nha trong lòng anh không những mong manh như lâu đài trên cát mà còn ngớ ngẩn làm sao. Nàng là gái đã có chồng. Cậu bé con nàng xán đến bên anh. Nó reo lên: “Cái nhà của chú đẹp quá! Chú làm cho cháu một cái đi”. Anh bảo nó: “Đừng cháu ạ. Cái này chỉ dành riêng cho chú”. Anh bỏ thằng bé, ra về. Nàng cất tiếng gọi con mà như là gọi anh. Không, anh không quay lại. Anh đi lững thững. Đến bìa làng, anh không nén nổi mình, nhìn lại. Nàng không còn tắm nữa. Nàng đứng trên bãi cát. Bộ đồ tắm chói lên trong nắng gió.
Anh chán biển. Anh bị sức hút về phía nàng. Anh lang thang ngoài chợ xem người quê mua bán rồi loanh quanh thế nào anh lại mò vào khách sạn nơi nàng ở. Nhìn lên trên tầng thấy những bộ quần áo phơi, anh biết đoàn của nàng ở đó. Anh lên cầu thang nhưng không dám vào. Anh leo lên tầng thượng. Anh bắt gặp những đám cá tãi phơi khô. Những con cá cong dần lên. Anh có nghe tiếng người, đưa mắt tìm. Kìa nàng. Đúng là nàng, đang cùng mấy phụ nữ khác cẩn thận lật từng con cá. Anh sững lại giây lát, thở dài thất vọng và trở lui.
Tối ấy anh chủ động nài bạn, uống say. Bạn anh bảo: “ Sao thế? Mới tối qua ông còn cao hứng đọc thơ kia mà. Nói vậy... chứ tôi thấy vài ngày nay... ông tư lự thế nào ấy. Chợt vui chợt buồn ”. Anh bảo: “Yêu” và cười ngất. Bạn anh lại bảo: “Để xổng cá sộp rồi chứ gì”. Anh hung hăng: “Cá khô... Đàn bà và những con cá khô”. Anh lại cười ngớ ngẩn. Bạn anh khuyên: “Bằng tuổi ông mà tôi đã ba con. Tôi sắp gả chồng cho con gái đầu. Lấy vợ đi ông ạ... Không khéo rồi lại... ”. Anh nói tỉnh bơ: “Hâm hâm chứ gì”. Và anh đã uống... Sáng hôm sau tỉnh dậy thì mọi người đã đi biển từ bao giờ. Đầu anh nhức nhối. Chợt anh nghe tiếng còi xe. Nhìn ra, chiếc xe khách từ cổng khách sạn trườn lên đường. Anh hiểu, nàng đã đi rồi.
Sau hai năm đi biệt phái, anh trở về Hà Nội. Mảnh đất Tây Nguyên với bầu không khí lạ làm anh cân bằng trở lại, song anh không quên nàng. Khi tuổi đã cao, con người ta khó quên. Tưởng rồi chuyện sẽ qua đi theo thời gian nếu như anh không gặp lại nàng. Anh đang ngồi nhâm nhi ly cà phê trong quán thì anh nhìn thấy nàng mua hàng ở một hiệu tạp hoá ngay cạnh đó.
Nàng không mấy thay đổi so với hai năm trước. Anh bổ ra gọi tên nàng. Nàng cũng nhận ra anh ngay. Anh mời nàng một ly cà phê và nàng đồng ý. Đến lúc này, anh mới được biết thêm đôi chút về nàng. Nàng làm thủ thư ở một thư viện. Chồng nàng là hoạ sĩ, bây giờ chuyên vẽ mẫu tiền. Hồi còn chưa lấy nhau, nàng đã từng làm người mẫu cho gã sinh viên hoạ nghèo, tức chồng nàng bây giờ. Sau buổi gặp lại nàng, anh có thể cân đo được tình cảm của mình với nàng. Anh không còn sự khao khát của ngày nào. Còn nàng là một người khôn ngoan, ý thức được sự duyên dáng của mình song cũng không hề lạm dụng sự duyên dáng đó. Nàng không có khả năng, đúng ra là không đủ can đảm để phá vỡ bất cứ một cái gì mà nàng coi là chuẩn mực. Nàng là người đàn bà của gia đình. Đúng vậy, ngày ấy trong khi anh đang cháy lòng vì nàng và nàng cũng có phần nào nghiêng ngả nhưng nàng vẫn có thể bình thản ngồi lật từng con cá khô.
Nghĩ thế song anh vẫn muốn thử nghiệm lần cuối cùng. Theo địa chỉ nàng cho ; anh tìm đến nhà nàng vào một sáng chủ nhật. Nàng đón anh và giới thiệu với chồng rằng anh là một độc giả thường xuyên nơi thư viện nàng làm. Anh không cải chính. Chồng nàng khá phương phi, mày râu nhẵn thĩn, khác hẳn sự mường tượng của anh về dân hoạ sĩ. Lúc đầu là nước trà, thuốc lá, sau đó chồng nàng lấy ra chai rượu Uyt – ky Xcốt. Bốc lên, anh mang mớ kiến thức anh đọc từ sách về hội hoạ tranh luận với chồng nàng. Gã ta nổi tự ái nghề nghiệp, nói tràng giang đại hải về tranh siêu thực, tranh lập thể. Gã lên gác xép mang hàng lô tranh của gã cho anh xem. Anh xem rồi và phán: “Anh nói rất hay về siêu thực nhưng tôi thấy tranh của anh lệ thực lắm”. Và không hiểu sao anh buột miệng:“Cũng như tiền ấy... Chín đồng cộng với một đồng bằng mười đồng”. Gã lặng người đi và anh biết là mình đã lỡ lời. Nàng vội xen vào để chấm dứt câu chuyện về hội hoạ.
Anh về, nàng tiễn anh xuống tận đường. Nàng dặn anh nhớ lại chơi. Nàng còn bảo muốn anh và chồng nàng thành bạn của nhau. Anh đang nghĩ là sẽ không bao giờ quay lại nhà nàng nữa thì đúng lúc ấy nàng giục anh: “Hãy lập gia đình đi”. Và anh lại buột miệng: “Không bao giờ”.
Giờ thì anh đã có vợ. Anh phải làm chủ cái gia đình bé nhỏ của anh. Vợ anh là công nhân nhưng nhà máy không có việc đành xin nghỉ ở nhà. Hàng ngày, thị bê cái tủ thuốc lá con con xuống rìa đường. Những lúc cáu gắt, thị bảo: “Giá như chồng người ta thì đâu tôi phải thế này. Chồng ơi là chồng.... Anh chỉ còn thần người ra. Cãi nhau ích gì. Thị ru con gái ngủ bằng cái câu: “Làm trai cho đáng nên trai...”. Và mỗi lần như vậy, anh bỏ đi lang thang cho khuây khỏa. Đã có lúc anh thầm đặt ba người đàn bà cạnh nhau: Cúc, nàng và thị. Thật là ngớ ngẩn.
Nguyễn Chu Nhạc
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện cha con người đốt than

Chuyện cha con người đốt than 1.  Tôi còn nhớ, khi ấy, từ mấy chục năm trước, trên đường từ Long Xuyên, Châu Đốc về Thất Sơn, ngồi trong c...