Thứ Hai, 23 tháng 12, 2024
Trúc nguyệt
Một sáng mùa thu, trời còn tinh mơ, sư tổ Huyền Quang sau những
phút ngồi thiền, ông bước ra khỏi Am Dược. Bên ngoài, cây cỏ ướt sương đêm, tuy
hơi đất, sương núi còn giăng mù nhưng đôi mắt còn tinh anh của ông vẫn đủ thấy
vòm trời thu xanh non buổi sớm đang dần nhuốm hồng khi vầng nhật chồi lên ngang
đầu núi, chỉ cách ông trong tầm tay với. Ông khẽ giơ tay vươn người, và dường
như giây phút này, ông quên mình là người tu hành, ngỡ đang là đấng anh hùng
quân tử có chí nuốt núi ôm biển. Ông bước lên phía trước vài bước, chợt một
loài cây thuốc đập vào mắt ông, làm ông bừng tỉnh thoát ra khỏi ánh hào quang,
trở về với thực tại. Ông nghĩ, đây là loài thuốc quý, ta phải hái ngay, mà tại
sao mọi ngày ta lại không thấy nó nhỉ, mặc dù nó ở cách Am Dược của ta vài chục
bước chân?...
Khi hái thuốc, sư tổ Huyền Quang nghĩ về ca chữa bệnh cứu người đêm qua. Đã mấy ngày rồi, ông rời chùa Hoa Yên sang Am Dược, ông đang dồn tâm sức vào nghiên cứu, luyện một loại thuốc chữa chứng bệnh mà dân gian quen gọi là cảm nhập tâm. Sau nhiều năm làm thuốc, chữa bệnh cứu người, đi đây đi đó trong thiên hạ, ông hiểu đây là chứng bệnh cực kỳ nguy hiểm mà người nghèo lam lũ thường gặp phải. Không có gì lạ cả, người dân lao động, nhất là nông dân nghèo khó, bất kể gì mưa nắng, gió bão, làm lụng quần quật quanh năm, ăn uống chỉ quanh quẩn rau dưa, tương cà, lại chẳng mấy chú tâm đến việc dưỡng sinh, gặp cơ địa bất lợi là đổ bệnh ngay. Mà bệnh đến như núi đổ, thuốc thang thì chẳng có tiền, sinh mạng người coi như thí cho trời đất, may rủi… Tối qua, ông đã chế xong thuốc, khi đang lật giở mấy cuốn sách y cổ, xem lại đôi chỗ còn ngờ ngợ, thì chú tiểu hớt hải từ ngoài chạy vào am báo tin có con bệnh nguy cấp từ làng dưới chân núi chuyển lên. Ông còn chưa kịp hỏi chú tiểu thì người lực điền khiêng võng, một người đàn bà nạ dòng và một cô gái trẻ đi theo, chừng là người nhà con bệnh, đã vào đến nơi. Ông vừa nghe người đàn bà khóc mếu kể bệnh của con mình và cầu xin ông ra tay tế độ cứu mệnh, vừa xem bệnh. Cậu con trai chừng mười ba mười bốn, người lạnh toát, mắt nhằm nghiền, hơi thở thoi thóp, đứt đoạn. Ông vừa xem bệnh, bắt mạch vừa thầm chẩn đoán, đúng là ca bệnh mà mình có thể thử nghiệm loại thuốc vừa chế xong. Ông không dám chắc cậu bé có qua khỏi không, nhưng đã đến nước này thì một liều ba bẩy cũng liều, may ra…. Quyết đoán, rồi ông làm luôn. Cô chị gái của con bệnh vừa khóc lạy ông vừa luôn miệng một điều sư tổ, hai điều sư tổ rón tay làm phúc… Ông phải bảo họ đừng làm thế, mà hãy cố gắng bình tâm, đừng làm rối lên, để ông tập trung vào việc cứu chữa. Bảo họ vậy thôi, chứ ông hiểu lòng họ, làm sao bình tĩnh được cơ chứ. Chỉ có người tu hành coi sinh mệnh như mây khói mới có thể bình tâm trong lúc nước sôi lửa bỏng như thế này. Trời Phật phù hộ độ trì, may quá thuốc mới công hiệu, người cậu bé ấm dần lên, hơi thở điều hòa, qua được cơn nguy kịch. Cậu bé được đưa về Nhà Tổ chùa Hoa Yên tiếp tục thuốc thang. Ông định bụng, lát nữa sẽ rời Am Dược về Hoa Yên, mang theo ít thuốc đã làm xong…
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Chuyện cha con người đốt than
Chuyện cha con người đốt than 1. Tôi còn nhớ, khi ấy, từ mấy chục năm trước, trên đường từ Long Xuyên, Châu Đốc về Thất Sơn, ngồi trong c...
-
Vài nét về văn học Đông Nam Á Đặc điểm của văn học Đông Nam Á (ĐNA) Nói đến văn học Đông Nam Á là phải nói đến sức m...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
-
Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi 1. Trong lịch sử văn học Việt Nam, cảm thức thiên nhiên của các thi nhân không phải là hiếm. Nhưng t...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét