Thứ Hai, 23 tháng 12, 2024

Người Quảng Ngãi ở Sài Gòn

Người Quảng Ngãi ở Sài Gòn

Người Quảng Ngãi ở Sài Gòn, kể biết bao giờ cho hết. Từ Quảng Ngãi, TS Nguyễn Đăng Vũ, nhà thơ – nhà phê bình Mai Bá Ấn, nhà báo Nguyễn Phú Đức – Tổng biên tập Báo Quảng Ngãi… cứ nhắn nhủ tôi viết về “Người Quảng Ngãi xa quê” đi, viết nhiều nhiều một chút. Tôi thấy cũng thú vị lắm. Cứ đi và gặp, sẽ có cả vạn câu chuyện để viết. Nhưng tôi biết sức mình có hạn…
1. Thầy tôi – Giáo sư Huỳnh Như Phương là người cùng làng với tôi. Cùng làng là nói theo ngôn ngữ văn chương, còn theo ngôn ngữ hành chính hiện thời thì phải gọi là cùng xã. Làng là đơn vị hành chính, nhỏ hơn xã, tương tự như thôn. Nhưng ở quê tôi, dường như không có làng mà chỉ có thôn. Nhà thầy ở thôn 5 còn nhà tôi ở thôn 4, cùng một xã Đức Tân (Mộ Đức – Quảng Ngãi).
Gọi nhà nhưng thực ra là mảnh vườn quê ngoại, bởi thầy vào Sài Gòn từ trước năm 1975. Sau này, mỗi lần về thăm nhà, tức thăm quê xưa và tưởng mơ người cũ. Cứ mỗi lần thầy về quê lại nhắn tin báo cho tôi biết. Có khi tin nhắn trôi đến lúc tàu vừa dừng ở sân ga thị xã (nay đã là thành phố) Quảng Ngãi. Những lúc đó, tôi thường mường tượng cảnh thầy ở quê, lui tới những đâu, gặp gỡ những người nào. Có lần thầy về ở nhà nghỉ ngay cạnh nhà tôi, nên tôi có cảm giác như thầy đang ở nhà mình.
Nhưng về quê, dù đi đâu, rốt cuộc thầy cũng đi ngang nhà tôi, bởi đó là con đường dẫn lên nhà thờ họ Huỳnh tiền hiền (ở xã Đức Hòa huyện Mộ Đức), nay là Di tích Văn hóa – Lịch sử tỉnh Quảng Ngãi. Tên làng cũ nơi nhà thờ họ Huỳnh là “sáu xã Vạn Phước”, cái tên do các bậc tiền hiền Trần Văn Đạt và Huỳnh Công Chế (quê gốc Hà Đông – Hà Nội) những người đã tuân theo lệnh vua Lê Thánh Tông vào Mộ Đức để khẩn hoang, lập trại vào đầu thế kỷ XV.
Mãi tới sau này tôi mới biết thầy Huỳnh Như Phương cùng đứng tên sổ đỏ nhà thờ chi nhánh ông Huỳnh Nhượng tức Đình Vĩnh với một người tên là Huỳnh Sơn Hải. Mẹ thầy với mẹ Huỳnh Sơn Hải là chị em chú bác họ, cùng họ Lê, cùng lấy chồng họ Huỳnh ở Đức Hòa. Nhà anh Hải cũng ở thôn 5 (Đức Tân – Mộ Đức), bên ngoài cầu Vĩnh Phú, nằm phía dưới cánh đồng. Anh Hải hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng đậu nành Vinasoy (VSAC) – một thương hiệu sữa đậu nành rất nổi tiếng hiện nay.
Tôi chưa gặp anh Huỳnh Sơn Hải ngoài đời lần nào, chỉ mới gặp nhau trên facebook và điện thoại. Như một ngẫu duyên kỳ lạ. Trong suốt mấy tháng ròng Sài Gòn phong tỏa chống dịch, tôi cùng các anh chị quê Quảng Ngãi lập nên nhóm thiện nguyện Trụ Lại Sài Gòn (TLSG), đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ quê nhà. Những ngày đó, cùng với bầu bí, những hũ cá kho tiêu, gà kho sả…; là những thùng sữa đậu nành Fami từ Quảng Ngãi gửi vào. Trên những chiếc xe bán tải của nhóm thiện nguyện TLSG ngoài gạo, dầu ăn, nước mắm, đồ gia vị; thì lúc nào cũng lỉnh kỉnh quà quê. Trong nhóm, tôi là người được phân công phụ trách phần tã sữa cho các bà mẹ đơn thân, nên rất để ý tới hình ảnh những lốc sữa đậu nành.
Lúc này, tôi chỉ biết là trong nhóm, có anh chị nào đó thân thiết với lãnh đạo nhà máy sữa Vinasoy nên nhận được sự tài trợ quý báu này. Còn công việc của chúng tôi là mang phát cho các cháu nhỏ trong các khu trọ đang thiếu thốn trăm bề. Mãi sau này tôi mới tình cờ biết, chính anh Huỳnh Sơn Hải là người đứng sau thiết kế các chuyến chuyển sữa nghĩa tình này.
Huỳnh Sơn Hải là người rất yêu văn chương, đến nay vẫn còn duy trì thói quen đọc sách. Hai anh em chúng tôi kết nối với nhau từ khi tôi viết bài thơ Đêm nay quỳ lạy cùng nhau, tạo nên một “cơn sóng lan tỏa” trên mạng xã hội vào những ngày tháng 10/2021.
Thỉnh thoảng, tôi lại vào facebook của anh Huỳnh Sơn Hải để nhìn những tấm hình do chính anh chụp mỗi dịp về thăm nhà. Quê nhà như gần lại. Quê nhà như hiển hiện trước mắt, trong những ngày nắng ấm, cả trong lúc bão lụt; tức trong cả những buồn vui.
 Hình ảnh giếng quê nơi nhà thờ họ Đoàn mà doanh nhân Đoàn Thế Hiền chia sẻ
2. Nhóm thiện nguyện TLSG, với các thành viên nòng cốt là các anh chị trong CLB Về với quê mình, gốc Quảng Ngãi nhưng hiện sống, làm việc ở Sài Gòn. Lúc chúng tôi vận hành chương trình này thì hầu hết các anh chị cũng nằm trong tâm dịch, cho nên tâm cảm yêu thương, san sẻ là vô cùng lớn lao. Nhưng có một người lúc này không ở Sài Gòn mà đang “mắc kẹt” ở quê nhà, đó là anh Đoàn Thế Hiền.
Anh Đoàn Thế Hiền hiện là Giám đốc công ty Giấy Bình Chiểu có trụ sở đặt tại Sài Gòn – TP.HCM. Anh về thăm quê những ngày tháng 6/2021 rồi mắc kẹt luôn ở ngoải. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội để anh “ăn nằm dầm dề” với quê nhà, sống lại những ký ức làng quê thuở ấu thơ. Trong nhóm zalo những ngày ấy, anh Hiền thường gửi cho chúng tôi coi những bức ảnh đi bắt cá đồng, đi hái cau hái lựu… Anh Hiền ở ngay trong nhà thờ họ Đoàn (xã Đức Chánh – Mộ Đức) rất rộng rãi và thơ mộng. Nhưng ngày tháng lê thê không biết làm gì cho hết, anh trổ tài nuôi cu gáy, mát tay tới mức đẻ được một lứa, mà anh vẫn chưa thể vào Sài Gòn. Nói vậy, nhưng anh có bao giờ rảnh rang, mặc dù ở quê, nhưng bằng các quan hệ của mình, anh Hiền giúp chúng tôi mua các thực phẩm cần thiết kịp thời với giá cả tốt nhất.
Nhớ lại những ngày Sài Gòn ban bố tình trạng phong tỏa khẩn cấp, việc mua lương thực là vô cùng khó khăn. Nhóm thiện nguyện TLSG lại có nhu cầu mua hàng hóa số lượng lớn, mỗi đợt là hàng trăm thùng mì, hàng trăm chai dầu. Nếu như không có anh Đoàn Thế Hiền “chỉ đạo từ xa” thì chương trình chắc chắn không thành công như thế.
Nhưng nói tới nhóm TLSG, không thể không ghi nhận đóng góp của các anh chị: thầy giáo Nguyễn Tấn Đức, nhà báo Hàng Chức Nguyên, doanh nhân Lê Quốc Ân, doanh nhân Kiều Minh Phụng, nhà báo Nguyễn Trần Tâm, chị Thanh Trâm, em Thùy Trang, em Kim Liên… Đó là những người con Quảng Ngãi ở Sài Gòn. Mỗi người, trong lãnh vực của mình, đều có thể nói là khá thành đạt, nhưng sống nghĩa tình ấm áp. Làm việc cùng các anh chị qua một chương trình, cũng là dịp để mình học hỏi và trưởng thành hơn trong trường đời.
Nhà thờ chi nhánh họ Huỳnh do GS Huỳnh Như Phương và doanh nhân Huỳnh Sơn Hải cùng đứng tên sổ đỏ
3. Người Quảng Ngãi ở Sài Gòn nhiều lắm. Có biết bao người thành đạt, nổi tiếng mà mình chưa có dịp diện kiến. Cũng có biết bao người lặng lẽ cống hiến mà mình chưa có duyên gặp để bày tỏ niềm kính yêu.
Tôi nghĩ mình xa quê cũng đủ lâu, như một thứ trái cây được ủ kín đủ dài để thành rượu ngọt mà vẫn say. Với tôi, men rượu ấy chính là nỗi nhớ quê nhà. Càng xa quê thì càng nhung nhớ.
“Bữa nay tính bọc thụi cho anh mấy trái bồ kết mà lận bận quên mất tiêu”, đó là câu nói rặt nhà quê của người em đồng hương Quảng Ngãi, bạn Võ Thanh – ông chủ thương hiệu dầu gội đầu bồ kết An Nhiên. Thanh nhỏ hơn tôi vài tuổi, quê Đức Nhuận – Mộ Đức, vào Sài Gòn học đại học, ra trường làm thuê cho vài công ty rồi khởi nghiệp ở tuổi 38 với thương hiệu dầu gội đầu bồ kết An Nhiên. Nhìn cách Võ Thanh nói chuyện, có thể yên tâm sản phẩm này cũng sạch bong và thơm thảo như trái bồ kết quê nhà.
Nhưng tôi thích gặp Thanh không chỉ vì hương bồ kết, mà mỗi lần gặp, tôi có cơ hội học lại vài tiếng quê cứ mai một dần trong bộ nhớ. Lần gặp gần đây nhất, Thanh “tặng” cho tôi chữ “khó chằn”. Thú vị quá. “Cái chuyện khó chằn dẫy mà nó cũng làm được, giỏi thiệt”, Võ Thanh nói. Khó chằn tức khó lắm. Chữ “chằn” này là trong “chằn tinh”, “chằn ăn trăn quấn”. Lại lần hồi nhớ qua những từ khác, ví dụ như: “cái con yêu đó mà nói làm gì”. Yêu ở đây không phải là yêu thương, mà chính là yêu tinh, yêu ma. “Đồ yêu” tức “cái đồ yêu tinh ấy”, một cách nói rất Quảng Ngãi, mà nếu không cắt nghĩa người vùng khác có thể nhầm lẫn.
Người Quảng Ngãi ở Sài Gòn, kể biết bao giờ cho hết. Từ Quảng Ngãi, TS Nguyễn Đăng Vũ, nhà thơ – nhà phê bình Mai Bá Ấn, nhà báo Nguyễn Phú Đức – Tổng biên tập Báo Quảng Ngãi… cứ nhắn nhủ tôi viết về “Người Quảng Ngãi xa quê” đi, viết nhiều nhiều một chút. Tôi thấy cũng thú vị lắm. Cứ đi và gặp, sẽ có cả vạn câu chuyện để viết. Nhưng tôi biết sức mình có hạn. Thôi thì coi đây là bài viết “mở hàng” cho câu chuyện “Người Quảng Ngãi” ở Sài Gòn vậy.
27/1/2022
Trần Nhã Thụy
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vườn xưa

Vườn xưa Vườn xưa, ấy là cái vườn của gia đình tôi ở quê, thôn Khê, nằm bên tả ngạn con sông Cái thuộc tỉnh Hưng Yên, cách thủ đô chừng và...