Năm cọp, nhớ “Thần hổ”
Chắc hẳn ai cũng sợ cọp. Và cũng có những người thích
cọp. Thế cho nên răng cọp, da cọp, pín hùm, cao hổ cốt… vẫn được nhiều người
tìm mua, để khẳng định uy quyền, đẳng cấp, hoặc để chữa bệnh. Có nhà còn nuôi
nhốt cả mười mấy con hổ ngay trong khu dân cư để sinh lợi!
Tôi vừa rất sợ cọp, vừa rất mê đọc về cọp qua văn chương. Tôi thích truyện dân gian “Trí khôn của ta đây” kể chuyện con cọp to đầu mà dại, bị trói vào gốc cây, bị bác nông dân đánh một trận để cọp thấy trí khôn là thế nào. Rồi những chuyện mèo dạy cọp, chuyện chú thỏ tinh khôn… kể về những con cọp bị những con thú nhỏ mưu mẹo phỉnh phờ lừa gạt. Tôi cũng thích đọc về cọp trong những tiểu thuyết như “Tiết Nhơn Quý chinh Đông”. Long hổ tranh hùng, long tranh hổ đấu thường tạo nên sức hấp dẫn cho những tiểu thuyết dã sử, kiếm hiệp.
Tác phẩm tôi thích đọc nhất là truyện “Thần Hổ” của
nhà văn Đới Đức Tuấn (TCHYA). Nguyên là thuở nhỏ, nhà tôi ở gần nhà của chú Thức,
người em kết nghĩa của ba tôi. Chú Thức họ Đèo. Tôi không rõ chú là người dân tộc
nào. Trên bàn của chú thường xuyên đặt quyển sách học tiếng dân tộc Thái trắng.
Còn những truyện về ó ma lai chú kể cho chị em tôi nghe tối tối lại thường nhắc
đến những bản Mường, Mèo xa lạ.
Một lần, chú Thức đưa về nhà một quyển truyện. Hình bìa và
nhan đề đủ khiến tôi tò mò: “Thần hổ”. Chú Thức bảo để đọc xong chú sẽ kể
cho nghe. Nhưng ngày thì chú đi làm với ba tôi. Mỗi tối chú chỉ đọc được đôi ba
trang sách là thím đã giục đi ngủ hoặc mẹ tôi gọi chị em tôi về. Biết bao giờ
chú mới đọc xong! Tôi đánh bạo hỏi mượn chú để đọc trước.
Truyện quá hấp dẫn, sách lại đi mượn, nên tôi đọc ngấu nghiến,
quên cả giờ ăn giờ ngủ. Tôi không biết ông chú họ Đèo của tôi và những con ó ma
lai có quan hệ đến dòng họ Đèo bị thần hổ căm thù, tìm giết cho tuyệt hậu và
con ma trành trong truyện không. Nhưng càng đọc thì càng bị lôi cuốn theo cốt
truyện.
Bây giờ, đọc lại “Thần hổ” trên trang Truyện
Online, tôi vừa nhớ lại kỷ niệm tuổi thơ, vừa ngẫm nghĩ sâu hơn về truyện. Tác
phẩm in năm 1937 này có ba phần: Phần 1: Thần hổ (có bản ghi là Biệt cố
hương), phần 2: Ma Trành, phần 3: Báo phục. Theo tôi, những tác phẩm
đường rừng có yếu tố ma quái, ly kỳ của Việt Nam như “Vàng và máu” của
Thế Lữ, “Thần hổ” của Đới Đức Tuấn… xứng đáng trở thành danh tác
không chỉ của văn học Việt Nam mà còn của cả thế giới.
Câu chuyện xảy ra ở huyện Thạch Thành, Thanh Hóa. Nhân vật
chính của truyện là Đèo Lầm Khẳng. Chàng là hậu duệ sót lại duy nhất của dòng họ
người thợ săn cọp nổi tiếng Đèo Văn Bỉnh. Quan huyện Thạch Thành nhờ người thợ
săn tài ba này tìm cách tiêu diệt con hổ xám quấy nhiễu dân lành. Con cọp suýt
bị cha con ông Bỉnh tiêu diệt nhưng nó may mắn thoát chết. Tương truyền rằng hổ
báo thù rất dữ. Thần hổ đã tạo ra một mối thù truyền kiếp với đời cha, đời con
và đến đời cháu của ông Bỉnh, chỉ còn người cháu Đèo Lầm Khẳng sống trong sự
truy tìm tận diệt của Thần hổ.
Văn sĩ TchyA (Đới Đức Tuấn) (1908-1969).
Nếu ở đất phương Nam, người đọc thích thú khi đọc “Bắt sấu
rừng U Minh hạ” của nhà văn Sơn Nam và thán phục trí tuệ người xưa, thì đọc “Thần
hổ”, người đọc lại bị cuốn hút và ngưỡng mộ sự từng trải, dày dạn kinh nghiệm
chinh phục thiên nhiên, chinh phục thú dữ của người dân tộc vùng cao phương Bắc.
Con cọp ở Thạch Thành là một thần hổ xám, độc dữ: “Đồn rằng
tai nó thường hay vểnh lên lắng nghe thiên hạ bàn tán về nó: trong lỗ tai nó có
hơn trăm vết đỏ, chứng rằng nó đã ăn thịt hơn một trăm người. Phàm già trong
loài hổ, tục truyền rằng mỗi lần bắt được một người, trong tai lại có thêm một
vết đỏ; con nào bình sinh gồm đủ trăm vết, thì sẽ được thành tinh, và nếu có
phúc phận, sẽ sống lâu đến vài trăm tuổi. Từ sắc vàng, hổ yêu sẽ thay lông ra sắc
xám, khi nào sắc lông trắng toát, ấy là lúc được làm chúa các loài hổ trong rừng”.
Người thợ săn Đèo Văn Bỉnh sau một thời gian thăm dò tìm hiểu
về Thần hổ đã cùng hai con trai là Đèo Thắng Mãnh và Đèo Lầm Phá lập mưu diệt hổ.
Những trang văn mô tả tỉ mỉ cảnh tượng diệt hổ của cha con người thợ săn thật
ly kỳ, hấp dẫn và truyền đến người đọc một cảm giác hồi hộp nín thở. Đấy là do
tài năng và sự từng trải, óc quan sát và trí tưởng tượng phong phú của nhà văn.
Thần hổ chưa xuất hiện, không gian đã căng thẳng nỗi sợ: “Đợi
ngót nửa trống canh, vào khoảng giữa giờ Thân, một tiếng gầm inh ỏi, trong lanh
lảnh như tiếng khánh, làm tạo hoá phải giật mình kinh hãi. Những loài chim
chóc, đương ríu rít kiếm ăn, rào rào vỗ cánh bay đi chỗ khác, những loài chồn,
loài thỏ vội chui rúc vào lỗ, không dám lộ đầu ra ngoài. Con nào vô phúc chạy bị
vấp, thì đành chổng ngược bốn vó lên trời, kinh khủng đến cực điểm, không lê đi
được bước nào nữa, cứ đành run lẩy bẩy mà liều với số mệnh”.
Khi Thần hổ mới xuất hiện, tư thế của nó thật ngạo nghễ: “Một
mùi hôi thối nồng nàn, sặc sụa, xông lên mũi hai cha con họ Đèo, tựa hồ tất cả
gầm không khí bao bọc khu rừng toàn bị mùi hổ làm cho nhơ nhớp. Một cái bóng lù
lù tự phía Đông Nam đi lại, ở trong một bãi sậy nhô ra. Cái bóng ấy vươn mình mấy
lượt; mỗi một lượt vươn tấm hình hài vừa dài vừa to lớn, là một lần cúi gầm mặt
xuống đất, ngáp một cái dài. Rồi những tiếng “à uôm” vang trời nối theo những
cái ngáp dài ấy. hai cha con Thắng Mãnh nhận biết Thần hổ xám, con hổ đã làm
cho cả huyện Thạch Thành kinh sợ hơn sợ Thánh, sợ Trời. Con vật đã làm cho nhân
dân huyện ấy không lúc nào làm ăn mà không nơm nớp lo ngại”.
Lúc hổ xám trông thấy một con dê rừng con buộc ở đầu cây cầu
quen thuộc nó vẫn thường đi qua, nó đã hả hê sung sướng vì sắp được ăn ngon. Thần
hổ tiến đến chỗ con dê, nhưng nó không dễ tha miếng mồi béo đi được, dù con sơn
dương nhìn thấy ánh mắt cọp với “đôi đồng tử sáng ngời điện tuyến”,
đã “mềm nhũn ra như một cái xác không xương”. Đây là mồi nhử cọp của cha
con người thợ săn. Con vật khốn khổ đã bị buộc chặt vào một cây cọc. Khi hổ vừa
cắn đứt cái chân bị buộc vào cọc của con dê để định tha đi thì Đèo Thắng Mãnh mặc
đồ hóa trang thành một con vật kỳ lạ khác chờn vờn trước mặt hổ như muốn cướp
miếng mồi ngon của hổ. “Đắn đo lừa miếng mãi, hổ mới nhảy bắt được con vật
ăn cắp dê. Con vật đó tựa như bằng lòng để hổ vồ mình; nó cúi đầu chạy tuột vào
bụng hổ, cho hổ ngồi đè lên nó gọn thon lỏn”.
Khi Thắng Mãnh, người hóa trang thành con vật kỳ lạ, đã ngồi
gọn dưới bụng cọp thì thợ săn Bỉnh xuất hiện với ba chiếc mã tấu sáng quắc trên
tay. Người cha dùng ba thanh mã tấu liệng lên tung xuống chờn vờn trước mặt cọp
dụ cọp phải tiến tới. Nếu cọp phóng về phía người cha thì mất con mồi dưới bụng.
Nếu cọp cúi xuống con mồi dưới bụng thì lại sợ mã tấu của người thợ săn trước mặt
sẽ phóng trúng mình. Cọp vừa cố giữ con mồi vừa lê chậm về phía trước. Cứ thế,
cha con hợp mưu dụ cọp tiến về phía có một khoảng hở lớn trên cầu. “Lúc hổ
đã tới chỗ ấy, thì Mãnh chịu khó ngồi yên, không cựa nữa mà ông Bỉnh cũng không
lùi nữa. Chỗ hổ ngồi là một lớp sàn, làm bằng tre hoặc luồng, chắp lại như một
cái bè dài, dùng làm cầu bắc ngang qua khe suối. Thế tất những quãng giữa hai
cây tre chắp lại là một khe hổng dài làm cho ta đứng trên cầu, có thể trông suốt
được xuống đến mặt suối. Những đường kẻ ấy, có chỗ bề rộng đến hơn một tấc ta.
Chỗ Thần hổ ngồi, có một đường hở to như thế. Hai cha con Mãnh cố ý làm cho hổ
ngồi đúng giữa đường hở ấy, Mãnh lại khôn khéo cố lết mãi lên gần hai chân trước
của hổ, ép mình sát vào hai chân ấy, chỉ cốt để mé dưới bụng hổ được thành
thơi. Mãnh làm như thế, không phải không có ý định. Nguyên xưa nay Thần hổ xám
vẫn có một nết rất xấu, là mỗi lần đến ngồi trên cầu tre, thì thường hay ngồi
vào chỗ có kẽ hổng, rồi thả dương vật vào cái khe hổng ấy, cọ đi cọ lại cho đỡ
ngứa, tự lấy thế làm khoái lạc vô cùng. Đó là một thói thường của hổ, tỷ như
thói gãi tai của loài chó, hoặc thói gãi bẹn của giống hầu. Biết được thóp ấy,
ông Bỉnh cốt lừa hổ đến ngồi ở chỗ cũ, để bắt nó thế nào cũng phải chết sau khi
chịu một phen cực khổ ê chề”.
“…Không mất một phút nào vô ích, khi Mãnh đã biết rõ hổ ngồi
đúng giữa kẽ hổng, hắn vội vàng tháo cuộn song trong người, buộc một đầu rõ chặt
vào dây lưng mình rồi đo đắn tử tế, lại buộc nốt đầu kia vào một cây luồng lớn
giữa sàn cầu. Hắn tính trước: nếu nghiêng mình nhảy xuống khe, tất sẽ ở lưng chừng
khe, không sợ đập đầu vào đá. Từ mặt cầu xuống đến khe có hơn hai mươi thước ta
(nghĩa là tám thước tây) mà khoảng song chỉ có độ già mười thước. Mãnh buộc cẩn
thận đâu đấy xong xuôi cả, lại ngồi yên độ một khắc cỏn con. Rồi bỗng hắn nhét
hai ngón tay vào mồm, huýt một tiếng còi lanh lảnh. Tiếng còi ấy vừa phát ra, một
cảnh kinh hồn táng đởm bỗng theo tiếng còi, hiển hiện trên mặt cầu”.
Ấy là lúc người con Đèo Lầm Phá của ông Bỉnh ra tay. “Anh
chàng con út ấy phải nằm phục dưới cầu, dùng dây buộc mình vào thân cầu, nằm
dài theo chiều cầu và áp mặt vào phía dưới sàn. Anh ta phải tắm bùn cho hổ
không thấy hơi người nữa, rồi cứ nằm ngửa sát mũi vào những cây luồng, hé mắt
qua khe hổng để nhìn lên trên cầu. Đợi khi Thắng Mãnh dử hổ lại giữa khe hổng
và buộc xong đâu đấy phân minh, Lầm Phá mới dùng lưỡi dao găm đâm nhè nhẹ vào
tay anh, ra hiệu. Khi Mãnh huýt còi cho hổ phải bàng hoàng kinh ngạc, thì Phá
đưa lưỡi dao găm cho ngọt, dùng thân luồng làm thớt, cắt mất của ông chúa sơn
lâm cái quý vật rơi lòng thòng xuống khe cầu”.
Thần hổ tuy bị thương vẫn vô cùng dũng mãnh. Con mắt bên trái
của nó bị một mã tấu của người cha phóng trúng cắm chặt. Hạ bộ của nó thì bị
người con út cắt lìa. “Đau đớn quá, tức giận quá, con vật thét lên những
tiếng kinh thiên động địa, gầm lên, lồng lên, quay ngang nhảy ngửa đến chín mười
vòng để tìm người hại nó, cắn xé cho kỳ tan xác. Nhưng nó không làm gì được. Nó
đành đứng trên bờ suối giương con mắt còn sót lại nhìn ông Bỉnh trên cây và Thắng
Mãnh giữa khe một cách oán hờn, dữ tợn; nó chiếu thẳng vào hai cha con nhà thiện
xạ những tia sáng quắc, đầy ý tưởng căm tức, tưởng chừng nó nguyền rủa hai cha
con nhà ấy, và thề có trời đất chứng giám, thế nào nó cũng quyết chí báo thù rất
độc ác sâu xa”.
Nếu thần hổ bị chết thì truyện cũng đã hay rồi, nhưng không hấp
dẫn ly kỳ thu hút độc giả đọc hết ba phần sách. Con cọp thành tinh ấy không chết!
Một mối thù “bất cộng đái thiên” giữa thần hổ và gia tộc họ Đèo hình
thành. Nhân dân huyện Thạch Thành được yên ổn làm ăn một thời gian lâu dài thì
một hôm người con cả là Đèo Thắng Mãnh đi ăn giỗ làng bên không thấy về. Sau ba
ngày tìm kiếm, người em Đèo Lầm Phá tìm thấy thi thể anh trong một khe đá bên
dòng suối nhỏ. Hạ bộ của Mãnh đã bị cắn nát và mắt trái bị móc mất. Nhìn thi thể
nhầy nhụa máu của con, người thợ săn Đèo Văn Bỉnh kinh hoàng biết ngay từ đây
gia đình ông sẽ bị “vạ diệt môn”.
Quả thế, thần hổ không chết dù bị thương tích khá nặng. Cọp
cái vợ nó đã chịu khó đi tìm thú cho nó ăn, lại đi tìm lá thuốc chữa trị cho
nó. Mất hơn năm tháng mới qua cơn hoạn nạn, Thần hổ trở nên độc dữ lạ lùng.
Ngày nào cũng tát chết hoặc cắn chết vài ba người và đều để lại dấu hiệu đặc biệt:
Nạn nhân bao giờ cũng bị cắn nát hạ bộ và móc mắt trái!
Người thợ săn nghe tin hổ xám trở về Thạch Thành báo thù thì
gửi con trai trưởng của Đèo Lầm Phá là Đèo Lầm Khẳng cho quan huyện. Lại gửi
con trai thứ hai của Đèo Thắng Mãnh là Đèo Thắng Hổ cho một bạn thân khác. Rồi
ông cùng gia đình lánh nạn sang huyện Cẩm Thủy. Nhưng dù đã trốn tránh đi xa, lần
lượt chẳng ai thoát khỏi nanh vuốt báo thù tàn độc của thần hổ xám, trừ Đèo Lầm
Khẳng.
Chàng trai cuối cùng dòng họ Đèo này thoát nạn nhờ tình yêu của
ma trành Peng Slao dành cho chàng. Ngòi bút của nhà văn ở phần Ma Trành biến
hóa ly kỳ. Peng Slao vốn là một thiếu nữ nhan sắc. Nàng từng học chung với Đèo
Lầm Khẳng ở nhà thầy đồ Lê Văn Hồng và đem lòng thầm yêu chàng trai đồng môn
nhưng chàng lại không hề biết đến. Sau đó, Peng Slao bị thần hổ xám vồ chết và
hóa thành ma trành hầu cận thần hổ. “Thần hổ đi đến đâu, đều có một lũ ma
trành hầu hạ. Lũ đó đến năm sáu đứa. Có vài đứa con trai, vài đứa con gái. Đứa
nào xúi hổ bắt được người khác thế cho mình thì được thoát”. Peng Slao có một
người theo đuổi hỏi làm vợ nhưng nàng từ chối. Hắn bị thần hổ vồ chết và đã run
rủi cho Peng Slao bị mờ mắt, đi lạc đường và chết dưới móng vuốt của thần hổ,
trở thành ma trành thay hắn. Nàng ma này đã tìm cách cứu mạng cho Đèo Lầm Khẳng.
Đọc phần này, người đọc dễ liên tưởng đến “Liêu trai chí dị” của Bồ
Tùng Linh hoặc “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ khi diễn tả tình yêu
đắm đuối nhục dục giữa ma và người.
Sau đó, ở phần 3 Báo phục, Đèo Lầm Khẳng lên Hà Nội học
với tên khác là Phá Leng. Chàng lấy hai vợ và có thêm một nhân tình, mục đích
là để mỗi người đẻ cho chàng một con trai nối dõi cho dòng họ sắp bị tuyệt hậu.
Phá Leng vẫn nhớ mối thù với thần hổ xưa. Chàng kể chuyện gia đình mình cho cho
một bạn đồng môn, gửi gấm vợ con nhờ bạn chăm sóc nếu chàng chết, rồi quyết tâm
tìm hổ xám trả thù. Chàng đã được Peng Slao báo mộng: “Anh sẽ phải chết vì
thần hổ xám đúng theo số kiếp và duyên nghiệp của anh. Song le, bởi tội ác loài
mãnh thú kia đã đầy đủ, nó cũng sẽ chết vì tay anh, ngõ hầu mối oan nghiệt đến
đấy là đoạn tuyệt, không giây vướng mãi đến đời sau nữa. Mối tử thù của anh sẽ
được báo phục. Thần hổ cũng sẽ được hóa kiếp. Như thế sẽ tránh khỏi oan oan
tương báo, sẽ tránh khỏi vòng nghiệp chướng lưu truyền”. Cảnh báo phục được tác
giả mô tả hấp dẫn, hồi hộp đến nín thở, giống như cao trào của một phim hành động
đầy kỹ xảo điện ảnh của Mỹ. Phá Leng và một người bạn khác thường lái xe đi
săn. Trong một đêm cận rằm tháng Mười, họ gặp thần hổ, kẻ thù truyền kiếp của
Đèo Lầm Khẳng: “Nhân buổi trăng sao vằng vặc, nhân khi khí tiết êm ả dịu
dàng, nhân quang cảnh lặng lẽ âm thầm, con quái vật kia hiện ra hình người để
cùng lũ ma trành đùa giỡn”. Phá Leng đã bắn trúng mắt còn lại của hổ xám.
Dù mù cả hai mắt, hổ xám vẫn điên cuồng rượt đuổi theo xe hai người. Họ sợ hãi
khi hổ xám càng lúc càng đuổi theo đến gần. Xe lại chạy lạc đường, thay vì về
phủ Nho Quan thì lại chạy lầm sang một con đường đi tuột vào cửa rừng, ven sườn
núi. Hổ xám đuổi kịp xe. Nó dùng hết sức tàn húc chiếc xe vào mãi cửa rừng cho
đến khi gặp hòn đá to mới dừng lại được. Rồi hổ lần vào tận trong một hang rộng
để chết. Phá Leng và bạn đến sáng mới tỉnh dậy. Phá Leng kinh hoàng nhận ra dấu
vết của thần hổ trên mặt mình và bạn: Một vết đỏ hồng to bằng miệng chén tống!
Hai tháng rưỡi sau, Lầm Khẳng và người bạn đi săn đã cùng chết đột ngột.
Sau này, tôi còn được đọc nhiều thơ, truyện khác về cọp, cả
trong văn học Việt Nam và văn học nước ngoài. Có bài thơ thật hay như “Nhớ
rừng” của Thế Lữ với những câu thơ đầy hùng khí: “Ngậm một mối căm hờn
trong cũi sắt”. Có những tóm tắt truyện hấp dẫn đến nỗi đọc xong chỉ muốn mua
ngay tác phẩm như “No beast so fierce” (Không quái thú nào dữ tợn như vậy) của
Dane Huckelbridge kể về một con cọp cái cô đơn di chuyển như bóng ma ở chân rặng
Himalaya, giết hại 436 người, gieo rắc kinh hoàng cho vùng bắc Ấn Độ và Nepal
hàng chục năm trời. Người thợ săn dũng cảm Jim Corbette đã quyết định ngăn chặn
thú dữ trước khi nó giết hại sinh mạng tiếp theo. Khi đọc về những tác phẩm
ấy, tôi đều nhớ đến “Thần hổ”, con vật với mối căm hờn truyền đời và chắc
hẳn cũng chẳng có con quái thú nào độc ác hơn! Tôi cũng nhớ những con người can
đảm quyết chinh phục thú dữ trừ hại cho dân lành.
Dù sao, có một tập tính ở loài cọp được mô tả trong “Thần
hổ” mà nếu con người có được thì sẽ dễ tha thứ cho người khác. Đó là tính
hay quên. “những con cọp thường là những vật “thiên lý nhĩ”, nghe được
ngàn dặm, ai nói gì động tới chúng nó, chúng nó đều biết cả. Nhưng trời lại phú
cho cái tật hay quên, hễ đụng tai vào một cành cây, vào một chùm lá, là quên bẵng
hết, không nhớ gì nữa. Duy có Thần hổ thì không thế”.
Mùa xuân, cây lá tốt tươi, ước gì mỗi người khi chạm
vào những mầm xanh lộc biếc đều quên hết những sân si thù hận, quên cả những thống
khổ, phiền muộn, ưu tư của năm cũ đã qua.
17/1/2022
Ngọc Khánh
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét