Thứ Hai, 23 tháng 12, 2024

Bàn tay sang tuổi

Bàn tay sang tuổi

Nếu nhận được sự nâng niu, ân cần, trìu mến, thương yêu có lẽ phải bắt đầu từ việc cầm nắm những bàn tay ấy…
Muốn biết tuổi của một ai đó có rất nhiều cách, trong đó có cách nhìn vào bàn tay của họ. Chỉ nhìn trực quan thôi, chứ không phải “xem bói” bàn tay như ta quen nói.
Hãy quan sát đứa trẻ mà xem. Đôi bàn tay bé xinh, trắng hồng, các ngón tay như những búp non nõn biếc. Những bàn tay ấy mỗi khi giơ lên cao nhìn trong nắng, thấy ánh sáng xuyên cả bàn tay. Càng đầu ngón tay, lại càng hồng rực. Mỗi móng tay là một viền hồng, như năm nốt nhạc vắt đều trên năm dòng kẻ vậy.
Lớn lên một chút, bắt đầu bước vào tuổi nam thanh nữ tú. Những bàn tay mềm, ấm, trắng hồng, nhẵn mịn, chưa qua nhiều công việc nặng nhọc. Ở cái tuổi này, đúng là đôi bàn tay biết nói. Khi hai đứa bên nhau, tay tìm tay đan lại, run rẩy, thiêng liêng, ngây ngất. “Tay nắm chặt tay, mắt dừng lâu trong mắt/ Và tình yêu bắt đầu như vậy đó”… Chẳng rõ câu thơ này của một thi sĩ nào đó đã cho ta cảm nhận được đôi bàn tay của tuổi hoa niên tình ái.
Xin kể một câu chuyện nhỏ. Ngày tôi, người viết bài này đi tìm tư liệu về nhà văn Vũ Bằng, có tìm đến gặp nhà văn Tô Hoài, người cùng thời với Vũ Bằng. Tôi có hỏi về mối tình giữa nhà văn Vũ Bằng và bà Nguyễn Thị Quỳ, người đàn bà Kinh Bắc, lúc ấy đã có 4 mặt con, hơn Vũ Bằng 7 tuổi, lại là vợ của người anh con ông bác họ… Cụ Tô Hoài vốn là người hóm hỉnh, tinh quái, cười cười bảo với tôi: “Lúc Vũ Bằng yêu bà Quỳ thì bà này đã cứng tuổi rồi. Tôi có gặp bà này. Nhìn bàn tay của bà Quỳ lúc ấy đã thấy héo rồi…”. Nhà văn Tô Hoài lý giải về việc tại sao Vũ Bằng lại mê bà Quỳ: “Dĩ nhiên bà ấy cũng có nhan sắc, chứ không phải không. Nhưng đàn bà bốn mặt con rồi, thì sao có thể bảo là hấp dẫn được nữa. Chẳng qua Vũ Bằng là cái tay rành ăn, thích ăn ngon, ăn sướng từ bé, thỉnh thoảng đi qua nhà anh chị chơi, bà Quỳ nấu cho ăn ngon quá… Thế là dần dần mê bà ấy”.
Nói thêm một chút: Sau khi bỏ chồng về ở với Vũ Bằng, bà có đem theo một anh con trai trong số bốn người con với người chồng trước tên là Khoái về ở cùng, rồi hai ông bà có thêm một người con chung đặt tên là Lạc (ông Lạc sau này đổi tên là Vũ Hoàng Tuấn, lớn lên tại Hà Nội, sau làm giáo viên dạy văn cấp ba cho đến khi về hưu). Khi Vũ Bằng sống và viết ở Sài Gòn từ sau 1954, ông cho ra đời những tác phẩm nổi tiếng như Miếng ngon Hà Nội, Món lạ Miền Nam, Bốn mươi năm nói láo, Thương nhớ mười hai… Trong các các trang viết của ông miên man một nỗi yêu nỗi nhớ về bà Quỳ, “người vợ tấm mẳn”, “người bạn chiếu chăn” của mình.
Từ buổi được trò chuyện với nhà văn Tô Hoài ấy, lắm khi ngồi lẩn thẩn một mình, tôi cứ hay nghĩ về đôi bàn tay héo của người đàn bà đẹp tên Quỳ, người đã đi vào những trang văn cẩm tú của Vũ Bằng. Và thú thật, từ bấy trong tôi có một thói quen hơi… không được đàng hoàng cho lắm, ấy là hay ngắm đôi bàn tay người khác, kể cả bàn tay của chính mình.
Nâng bàn tay của mẹ một nắng hai sương vất vả ngoài đồng ruộng cả đời, thấy một bàn tay gồ ghề, có phần thô tháp, thậm chí nứt nẻ trong mùa đông giá, ta thương.
Nhìn bàn tay của người vợ lam lũ tảo tần vì chồng vì con mấy chục năm trời, bây giờ cũng đã có phần heo héo, ta không khỏi giật mình… Có phải ta vô tâm quá không khi đã lâu lắm rồi không cầm bàn tay ấy.
Ngắm bàn tay của em một thời xuân sắc mịn màng, óng ả, “từng ngón xuân hồng” như lời hát Trịnh, nay đã có chút phôi pha, khẽ run lên một nỗi thương.
Cầm bàn tay của con ta, ồ biết con ta đang từng ngày lớn, từng ngày trưởng thành, từng ngày dần xa bố mẹ.
Trong một lớp học, khi trao đổi với một số cây bút trẻ đang bước vào nghề viết văn, tôi có ra một cái đề bài: “Tiếng nói của bàn tay”. Chỉ thế thôi, các em muốn viết gì thì viết. Kết quả là phần lớn các bài viết chỉ toàn một giọng ca ngợi sức mạnh dời non lấp biển, sức mạnh chiến đấu chống quân thù… của bàn tay. Tôi không khỏi chạnh buồn. Các em được người lớn dạy, quen nói những điều to tát. Rất hiếm các em cảm thấu về bàn tay của một ai đó, bàn tay cha, bàn tay mẹ, bàn tay ông bà, bàn tay anh chị, bàn tay em bé, bàn tay người tình… Thì ra, điều tôi cảm thấy phải chăng là các học trò của tôi ngay từ tấm bé ít nhận được lòng yêu thương thông thường của những người xung quanh quá. Nếu nhận được sự nâng niu, ân cần, trìu mến, thương yêu có lẽ phải bắt đầu từ việc cầm nắm những bàn tay ấy… Khi con người thực hiện hành vi cầm tay nhau tin cậy, bao giờ cũng nhận được năng lượng tích cực từ người khác.
Cho nên, người ta vẫn hay sợ những bàn tay giá lạnh, những bàn tay nhũn nhẽo, những bàn tay lỏng lẻo, những bàn tay ơ hờ…
Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư vừa qua, một hôm đang ngồi xem chương trình thời sự trên TV, tôi giật mình thấy ống kính máy quay đặc tả đôi bàn tay của một nữ bác sĩ đang trong lúc chữa bệnh cho những F0 trong một bệnh viện dã chiến. Đôi bàn tay bợt bạt, nhăn nhúm do bị ngâm trong nước, bị đeo găng cao su trong nhiều giờ… Chắc không phải riêng ai, lúc ấy trong tôi dào lên một nỗi xót thương vô kể. Đó là những bàn tay chữa bệnh, cứu người. Bàn tay Phật độ…
Tết năm nay em vào tuổi mới. Có thể bàn tay em đã bớt mịn màng. Có thể lòng tay đã sần lên những nốt chai. Có thể khớp của những đốt tay đã thôi thon mịn… Nhưng cũng không sao. Yêu thương sẽ làm cho hồng cầu chảy mạnh. Yêu thương sẽ làm cho đôi bàn tay ấm lại. Và từ đó, đôi bàn tay lam lũ của em vẫn ngời lên một vẻ đẹp theo cách khác…
4/2/2022
Văn Giá
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vườn xưa

Vườn xưa Vườn xưa, ấy là cái vườn của gia đình tôi ở quê, thôn Khê, nằm bên tả ngạn con sông Cái thuộc tỉnh Hưng Yên, cách thủ đô chừng và...