Thứ Ba, 24 tháng 12, 2024

Nguyễn Vĩnh Tiến

Nguyễn Vĩnh Tiến

Tác giả - tác phẩm
Kiến trúc chữ, hội họa chữ và âm nhạc chữ
chân dung văn học
Thực lòng, tôi định viết về Nguyễn Vĩnh Tiến nhưng cứ lần lữa vì chưa biết bắt đầu vẽ chân dung anh như thế nào, bởi con người đa tài này thật khó nắm bắt, cứ như cánh nhạn bay xa mình vậy?...
Nhưng sao không bắt đầu chính bằng cái sự khó nắm bắt này nhỉ? Ấy là phương pháp khoanh một vòng tròn lớn. Rồi sao nữa? Là xem Tiến có cái gì hay thì nhặt bỏ chúng vào cái vòng tròn đó để quan sát và phân tích. Nào, kiến trúc sư, làm thơ, sáng tác nhạc, lại thêm vẽ nữa…
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi sẽ không phân tích về nghề kiến trúc và cái tài hội họa của Nguyễn Vĩnh Tiến, mà chủ yếu bàn về nghệ thuật thơ của anh, cùng với đó là âm nhạc, yếu tố quan trọng làm nên tính chất dân gian đương đại trong thơ-nhạc của Nguyễn Vĩnh Tiến.
“Ông, tờ mờ sáng ông đi về phía núi/ Đồi núi mở ra câu chuyện buồn trung du...” Có lẽ, tôi sẽ bắt dầu câu chuyện về anh chàng “bốn trong một” này bằng câu thơ, cũng là lời mở ca khúc “Ông tôi”, xuất phát từ một bài thơ của nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tuyền, cha anh, bởi nó đúng với Nguyễn Vĩnh Tiến, chí ít từ buổi đầu tiên kế thừa, dấn thân vào kiếp thơ nhạc, cho đến lúc này.
“Thi nhân sầu/ vì vạn sự đổi thay/ con người chẳng bao giờ đạt Đạo...”, một bài thơ đầy tính triết học, Nguyễn Vĩnh Tiến khai mở dòng triết luận man mát pha trộn giữa Phật giáo và Đạo giáo như thế, bởi anh ý thức được sự gian khó, cực nhọc song cũng đầy niềm vui và nỗi buồn trong hành trình Thi-Nhạc-Họa của mình, khi mà đã ở vào cái thế “cháu giờ tuổi giống triền đê/ chỉ thoải thoải dốc đổ về bến sông ”... Nhưng hãy khoan nói về chất triết lý trong thơ Nguyễn Vĩnh Tiến để trở về với thời tuổi thơ trong trẻo…
I. Chất đồng dao trong thơ Nguyễn Vĩnh Tiến.
Trước khi bàn riêng về chất đồng dao trong thơ Nguyễn Vĩnh Tiến, tôi khẳng định, chính chất đồng dao trong thơ anh là nền tảng, hồn cốt làm nên chất dân gian đương đại trong âm nhạc của anh. Chất đồng dao từ vùng đất trung du Phú Thọ hay nói rộng lớn hơn từ cả vùng châu thổ Sông Hồng trong hệ ngôn ngữ của anh vấn vít, xoắn xít vào nhau, quyện thành một khối, khó tách bạch ra được. Với Nguyễn Vĩnh Tiến, điều bất ngờ là khi một ca khúc ra đời, chẳng rõ lời thơ hay giai điệu, cái nào hình thành trước? Kể cả những bài thơ tồn tại dưới dạng một thi phẩm, thì có thể, một ngày đẹp trời nào đấy, nó được cất lời thành ca khúc, chỉ là sớm hay muộn, bởi thanh âm giai diệu đã có sẵn trong từng câu thơ rồi... Thơ trong nhạc, nhạc trong thơ. Dòng chảy ấy trở nên cồn cào và độc đáo.
Nguyễn Vĩnh Tiến có cả sê-ri ca khúc về người thân trong gia đình, bà tôi, ông tôi, cha tôi, mẹ tôi.... mà ở đó, phần lời đều là thơ, đều xứng đáng là một thi phẩm độc lập. Này đây:”Nhớ làng tôi, từng dòng mương xanh bay bay bay bay... Nhớ bà tôi, một trăm năm rồi ngọn cỏ hóa mây trời... Cười cười một chuỗi, trời thử bụng ta, có mùa thóc lép lợp trên mái nhà, có mùa hoa cà tự nhiên tím tái, bà ví lông gà, vàng như vườn cải, ông ví mặt trời như lời mối lái, ai ví tình yêu như trò nghịch dại?... Bà lên Kẻ Chợ có buồn được đâu, ra về lúc lắc, héo mòn một sâu...”. Cứ dắt dây, dung dăng dung dẻ, quanh co, lòng vòng như thế, Nguyễn Vĩnh Tiến đã vẽ lên một làng quê vô cùng ấn tượng (mà rộng ra là một nông thôn miền Bắc Việt Nam điển hình) dân dã, dung dị, thân thương, gần gũi và đầy vất vả nghèo khó qua hình tượng người bà. Câu thơ tài tình “Một mình bà đội cả trời nắng to” trong bài thơ Nguyễn Vĩnh Tiến thực ra được viết từ năm 10 tuổi, nhân một lần về thăm bà, hồn nhiên, thật thà ngày ấy lại làm nên ngòi châm kích hoạt và chắp cánh cho ca khúc Bà tôi nổi tiếng sau này, được xem như sự khai mở sự nghiệp ca nhạc của anh, mang tính chất dân gian đương đại riêng biệt.
Hay như, những câu thơ đầy chất đồng dao từng làm Du Tử Lê say lòng, lấy làm thích thú, trích dẫn tròng bài viết của ông “Nguyễn Vĩnh Tiến, tài hoa và lục bát”: “Quê tôi cả thẹn hay lo/ Dòng sông vắng khách con đò trầm ngâm/ Bụi tre thích đứng cười thầm/ Giàn bầu giàn bí thích cầm tay nhau/ Con chim sẻ nhớ bẹ cau/ Con chào mào lại nhớ màu ổi ương”(Tuổi tôi);
“Tháng tám đã sắp cạn rồi/ Ngoài song tháng chín đã ngồi trong sương/ Anh mơ hẻo lánh con đường/ Cánh đồng hoa dại nằm vương đôi mình”...
Có thể thấy, rất nhiều những câu thơ mang chất đồng dao và chất ca dao mới trong thơ Nguyễn Vĩnh Tiến, thơ đến tự nhiên như hơi thở:
“Bỗng dưng một cánh chuồn chuồn/ Lấy của tôi một nỗi buồn bay đi/ Để cho hoa lá ùa về/ Để tôi lạc giữa bốn bề là tôi ” (Một cánh chuồn chuồn);
“Có gì nặng trĩu đường trôi/ Một mùa xuân rót một lời đáy xuân/ Có quang gánh nỗi đồng lần/ Hồn kêu kẽo kẹt trên thân thể buồn” (Đáy xuân);
“Ai trách con vịt trắng/ Ngủ lại đứng một chân/ Ai yêu con chuồn ớt/ Bay quanh ruộng rau cần (Vỗ trống);
“Những đôi cánh chim se sẻ/ Vội vàng đôi bàn tay xinh/ Em mua bao nhiêu mới đủ/ Xổ tung cái chuyện chúng mình” (Se sẻ);
“Nâng lên những búp tay/ Mặt trời và nõn chuối/ Nắng vàng và lá bưởi/ Cánh cò và gai tre” (Thấy một mùa quen quen);
“Đưa em đưa em qua cầu/ Anh mang con sông về làm dâu/ Xa nhau xa nhau bao năm rồi/ Hoa bèo xác phác dạt bờ nao/ Bóng tre đã mục, bóng cầu đã mục/ Rêu xanh lên mắt ngóng tin nhau” (Giữa con sông làng);
“Những con chồn hoang/ Đêm mò về làng/ Mắt như sao rơi xuống đất/ Mỗi chiếc lông rụng mang theo một hạt bụi của núi đồi/’’... Chồn ơi chồn đứng ở đâu/ Ban ngày đang ngủ trên đầu ban đêm/ Chồn đi đá cứng chân mềm/ Về làng mà hát mà xuyên qua làng” (Chồn hoang);
“Chòng chành đã đến canh tư/ Tay khô cánh cúc vàng dư gió lùa/ Tháng tám đã khép cổng chùa/ Tiếng chuông có vọng đến mùa thu sau/ Sen tàn những lúc xa nhau/ Anh như hạt cốm gói nhàu lá sen” (Canh tư);
“Đêm qua núi lại kiễng chân/ Lại tô thẫm ngực những tuần cỏ xanh/ Lại bóng đè những mộng lành/ Lại mạch ngầm những suối quanh thuở nào” (Đêm qua núi lại kiễng chân) ;
“Mưa mùa thu, giọt mùa đông/ Như cầu không nhịp, như sông không phà/ Đong mưa bằng vạt cà sa/ Nhớ nhau mình lại thẩn tha cổng chùa/ Tháng chín hạc trắng nhớ vua/ Sông Hồng gió hát lạc mùa ngã ba/ Tháng mười, vườn đỗ ra hoa/ Một con sẻ nhỏ xa nhà, sang sông” (Mưa mùa thu); v.v...
Với thủ pháp cơn mưa đồng dao và ca dao mới này, thơ Nguyễn Vĩnh Tiến cứ trườn đi một cách uyển chuyển, khó nắm bắt, mà hay gây bất ngờ bởi những câu thơ xuất thần. Bất ngờ, những điều tưởng như phi lý song lại chấp nhận được vì ở một tổng thể hợp cảnh hợp ý hợp tình. Ấy là cái nét rất riêng và là điểm mạnh của thơ Nguyễn Vĩnh Tiến. Lẽ dĩ nhiên, chất liệu đồng dao vô cùng linh hoạt này được nhào luyện bởi yếu tố kiến tạo hình họa chồng lớp màu sắc, sự nhòe trong câu chữ, độ loang của Màu Nước, mảng miếng của hội họa lập thể và cả sự hư ảo của hội họa trừu tượng. Đó chính là điểm mạnh riêng có trong thơ anh.
II. Thơ cấu trúc
Thực ra, đây chỉ là cách gọi rút gọn, khi tôi chưa tìm được cách gọi khác chuẩn hơn để diễn đạt yếu tố kiến tạo kiến trúc trong thơ Nguyễn Vĩnh Tiến mà thôi.
Bản thân là một kiến trúc sư, lại rất mạnh về thiết kế quy hoạch, nên có thể xem, Nguyễn Vĩnh Tiến mang chất nghề nghiệp (kiến tạo không gian hình họa) vào thi ca và cả âm nhạc của mình. Sự ảnh hưởng ấy là yếu tố tự thân, lâu thành quen, gần như bản năng, dần dà làm nên phong cách riêng, định dạng thơ Nguyễn Vĩnh Tiến, mà qua đó ngươi ta có thể phân biệt thơ anh với thơ người khác.
Trong lĩnh vực thiết kế quy hoạch kiến trúc, người ta phải thực hiện việc tổ chức sắp xếp từ tổng thể đến chi tiết, một cách khoa học, chính xác, tỉ mỉ nhưng vẫn vô cùng lãng mạn (lãng mạn trong không gian mở và gợi của những kiến trúc sư có tài) để tận dụng tối ưu không gian, thậm chí chiếm lĩnh không gian có thể phóng chiếu tối đa tâm hồn, tầm nhìn, khi mà con người trong kiến trúc bị hạn chế bởi yếu tố chịu lực của cấu trúc và vật liệu...
Còn ở đây, trong không gian nghệ thuật, người ta có thể làm được hơn thế, vượt qua được giới hạn thông thường. Tôi nghĩ, trong thơ ca và âm nhạc, kiến trúc sư Nguyễn Vĩnh Tiến đã làm được cái việc ‘vượt qua giới hạn thông thường”, làm phong phú thêm cấu trúc thi ca và âm nhạc của mình, với sự hỗ trợ đắc lực của chất liệu đồng dao. Lẽ dĩ nhiên, còn có những yếu tố khác cấu thành, tôi sẽ phân tích rõ hơn ở phần sau....
Hãy xem, cái gọi là “thơ cấu trúc” của Nguyễn Vĩnh Tiến ra sao?...
Tìm đọc những bài thơ cũ, cả những bài thơ được anh phổ nhạc thành ca khúc, và nữa, đọc các bài thơ Tiến đăng hàng ngày trên trang Facebook của mình, đều nhận diện phong cách này rất rõ:
“Tôi như tảng đá ong nham nhở/ Khắc làm sao tên của tháng ngày em/ Chỉ mong sao nước chảy đá mềm/ Em đừng gọi tôi bằng tên bằng tuổi/ Em đừng ví tôi nỗi suối niềm sông/ Tôi là chòi hoang, chờ em nghỉ giữa đồng” (Lại trôi) ;
“Anh đã lúng túng mùa gieo mạ/ Anh đã quá nắng ngày gieo mầm…Anh đã khói úa triền đê vàng/ Anh đã lỡ chuyến đò qua ngày/ Giờ chiều neo u ám.../ Anh vẫn nhớ rõ bàn tay mềm/ Lưng đã thắt đáy mùa Xuân tròn/ Em đã lấp loáng mùa vun trồng/ Tay em đã cấy từng hy vọng/ Mạ non ửng mầm/ Duyên thì tuỳ/ Thuyền thì sông/ Lòng sao giờ lại cách lòng?...” (Mạ non ửng mầm) ;
“Rồi có ngày/ Nàng bước ra/ Và ôm chầm lấy chàng thi sỹ/ Chàng ơi/ Có thể Yêu thương đậm sâu nhất là khi chàng yên nghỉ/... Em cần đủ chữ, đủ tứ mới lên hình/... Chờ nàng từ lúc bình minh/ Từ khi Tháng Một tưởng mình Tháng Ba/ Ngoài hiên, ngõ nắng lân la/ Hỏi thăm mới biết, mình qua đời rồi... " (Đợi nàng Thơ);
“Tôi lặn lội những nàng đêm/ Quấn quýt tay mềm/ Trong mơ và lụa/ Những mùa Xuân sến súa/ Những thập niên đổ vỡ/ Trong đêm nức nở môi nàng/ Tên em là hoa xoan/ Hẹn anh tháng Ba bờ đê xóm cũ/ Tên em là nụ/ Hẹn anh chúm chím bên dốc đá tháng Năm/ Tên em là rằm/ Hẹn anh ngày trăng non e ấp/ Các nàng xâm xấp/ Ấm ngực mùa đông/ Thì ra cây cải vừa ngồng/ Then cài sao để cõi lòng mở toang...?” (Những nàng đêm);
“Chùng chình cũng đến tháng Tư/ Hoa vàng lại thấy đánh đu cành xoài.../ Nàng Bân nước mắt chưa ngoai/ Năm ngón tay dài lạnh mải miết đan/ Xa xa dãy núi xanh tràn/ Nhớ thương lẽo đẽo từng đàn phả sương/ Tháng Tư xuân cạn đầu giường/ Hệt như chai rượu thất thường đêm qua/ Đêm qua tôi gặp Tháng Ba/ Vừa đi vừa thả cánh hoa mịt mùng...” (Tháng Tư) ;
“Sông Thao réo ùng ục màu hồng xám/ lặn ngụp giữa dòng củi mục xác tuổi thơ trôi / Cây gạo đứng giữa bãi bồi, không lá / Tôi đáng lẽ ngồi chờ chuyến đò định mệnh.../Tôi đi chậm lại bỗng muốn khóc xối xả/ Muốn cõng về cho em một quả núi/ Rồi nằm thật dài như đường ray/ Tôi đáng lẽ đã thấy chuyến đò định mệnh/ Nếu không lạc vào những tiếng chuông trên mặt nước/ Rồi đuổi theo em áo vàng trong cánh đồng ngô...” (Trung du);
“Phú Thọ nằm khép nép / Ngay bên cạnh bờ sông / Chợ Mè tử thuở tôi lông bông / Đến giờ vẫn bán chổi và rế / Ông bà tôi hình như vẫn thế/ Chết lâu rồi vẫn đi dạo đâu đây / Này từng ruộng lạc củ gầy / Này đường dốc của những ngày nốc ao... / Thị xã của tôi / Thị xã cồn cào... / Với mùi thịt da như triền đồi cháy nắng / Tôi càng trôi, chuyến đò càng nặng, Một phút chiêm bao đã gần hết đời người...” (Phú Thọ của tôi); v.v...
Quả là, tôi không thể cứ sa đà lạc lối trong không gian “kiến trúc chữ” và “hội họa chữ” mà Nguyễn Vĩnh Tiến kiến tạo nên, bởi biết trích dẫn bao nhiêu cho vừa trong vô vàn những khúc thơ cấu trúc tầng tầng lớp lớp như vậy? Người ta có thể thấy, trong không gian hình họa được tác giả kiến tạo, có đủ không gian bốn chiều (rộng hẹp, cao thấp, dọc ngang và thời gian nữa), thấy sắc màu, giai tầng, ẩn hiện, thực ảo, ma mị, phân tâm...
Có thể nói, Nguyễn Vĩnh Tiến đã chuyển hóa tất thảy những gì mình đang ấp ủ trong nghệ thuật kiến trúc mà ngoài đời còn chưa thực hiện được vào thơ ca và âm nhạc của mình. Trong không gian hình họa ấy, hay đúng hơn là trong thế giới của trí óc tưởng tưởng riêng mình, Nguyễn Vĩnh Tiến mặc sức thoải mái kiến tạo.... Và chính vì thế, nó ảnh hưởng đến hình thức thơ của anh.
Để ý, Nguyễn Vĩnh Tiến rất ít sử dụng các thể thơ truyền thống, như ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn, trừ lục bát. Dường như, các thể thơ truyền thống khá chật chội, bức bối với ý tưởng khó nắm bắt và ngôn từ tự nhiên của anh. Ngay trong thơ lục bát của mình, Nguyễn Vĩnh Tiến cũng không chịu bó buộc với luật vần sáu, tám nên hay thay đổi tiết tấu nhịp thơ bằng vần lưng ở câu tám. Và như thế, Nguyễn Vĩnh Tiến tránh được cái nhàm của thể thơ lục bát, lại có thể đột biến cho những câu lục bát xuất thần.
Nguyễn Vĩnh Tiến, chủ yếu, là thơ tự do. Thơ tự do theo quan niệm của riêng mình.
Nhân đây, tôi muốn nói thêm quan điểm của Nguyễn Vĩnh Tiến về “thơ tự do”. Xin phép không kiến giải thế nào là thơ tự do, bởi phàm người làm thơ, yêu thơ thì ai cũng biết, cũng hiểu thể thơ tự do. Tuy nhiên, Nguyễn Vĩnh Tiến lại có cái nhìn thể thơ tự do theo cách của mình. Theo anh, “Thơ tự do là muốn kết hợp thể thơ nào cũng được, miễn là mạch thơ, cảm xúc thơ, ý thơ, tứ thơ trở thành một cấu trúc hay, đẹp, và quyến rũ”. Vậy thôi. Quan niệm vậy, nên phần lớn trong hàng nghìn bài thơ của mình, Nguyễn Vĩnh Tiến lựa chọn thể thơ tự do kết hợp kiểu này để chuyển tải ý tưởng, bởi đây thực sự là chiếc túi càn khôn to nhỏ tùy thích có thể bao vây đặng chứa nổi không gian hình họa mà tác giả kiến tạo nên.
Xin trích một khúc trong bài thơ “Loài thi sĩ” làm ví dụ:
“... Thi sỹ không nên lấy vợ
Nhạc sỹ sống một mình cũng chẳng sao...
Nốt nhạc lúc thấp lúc cao
Thất thường nhịp phách, mưa rào nội tâm...
Thi sỹ hồn mưa lâm thâm
Đôi khi thích bay lên bằng đôi cánh ướt
Rừng ý nghĩ thỉnh thoảng sầu thảm tê buốt
Mà chẳng hiểu nổi tại sao...
Sống gì phần nửa chiêm bao
Lúc tỉnh thức, cũng lạc vào mộng mơ
Ai mà đợi, ai thèm chờ
Người tỉnh thì ghét người thơ, đúng rồi...”
III. Thuyết về cái kết nốc –ao.
Đọc thơ Nguyễn Vĩnh Tiến, thích cả bài có, nhưng cũng có nhiều bài thích câu kết, đơn giản bởi câu kết thường hay và rất ấn tượng. Những tưởng, là ngẫu nhiên thôi, hoặc giả, thì cũng là người ưa cách dụng công vào câu kết. Song không hẳn thế, ấy còn là chủ trương của Nguyễn Vĩnh Tiến.
Có lần, Nguyễn Vĩnh Tiến mời tôi và nhà thơ Nguyễn Đình Hiển, cùng cha mình, nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tuyền, du xuân miền trung du, lên chơi trang trại của gia đình anh ở Thôn Liêm, thị xã Phú Thọ. Lúc trà dư tửu hậu, nhà thơ Nguyễn Đình Hiển cao hứng đọc thơ, một bài thơ về mẹ. Bài thơ này cả thảy có 5 câu lục bát, câu lục bát thứ 3 khá hay “Mẹ giờ đã hóa thành chùa/ Ta như chú tiểu bốn mùa chạy quanh”. Nghe rồi, trong khi mọi người tấm tắc khen bài thơ hay, thì Nguyễn Vĩnh Tiến bảo: “Sao bài thơ không kết ở câu thứ 3 này? Kết ở đấy, bài thơ ngắn gọn, hàm súc, mà là cái kết mở, có dư ba...”. Ngẫm nghĩ, ai cũng thấy đúng vậy, thêm vài cặp lục bát nữa, bài thơ chẳng thêm được ý gì mấy, mà cái kết là kết đóng, rất chi bình thường. Nhà thơ Nguyễn Đình Hiển mặt ngẩn ngơ, chẳng biết nói sao, nửa muốn nửa tiếc.
Thế rồi, Nguyễn Vĩnh Tiến cao hứng bảy tỏ quan điểm của mình, về cái kết nốc-ao (knock-out). Theo Tiến, khi làm một bài thơ, tác giả chẳng mấy khác võ sĩ lên sàn đấu. Khi hạ được đối thủ, không phải bằng cách tính điểm làng nhàng, mà hạ bằng knock-out thì trận đấu hay nhất và đúng luật là nên kết thúc thắng lợi ở đấy, chứ chẳng ai dại dột lại đi hà hơi tiếp sức rồi dựng đối thủ dậy, để đấu tiếp, mà rất có thể mình lại thua. Với hình dung như vậy, phàm người làm thơ được trời cho câu thơ hay, nếu thấy đủ, thì nên biết dừng bài thơ ở đấy. Chẳng nên ham và tham, kẻo mà?...
Thiết nghĩ, quan niệm vậy, cũng lạ và lý thú!...
May mắn thay, trong thực tiễn, thơ Nguyễn Vĩnh Tiến có rất nhiều cái kết nốc-ao:
“Ngạo nghễ cái gì hả bướm/ Chỉ nên chập chờn thôi.../ Nơi xa vốn dĩ không lời/ Đạo là vô đạo, chôn nơi im lìm.... “(Thi nhân sầu);
“Ngoài hiên, ngõ nắng lân la/ Hỏi thăm mới biết, mình qua đời rồi...” (Đợi nàng Thơ) ;
“Tự do lượn bốn phương trời/ Đến khi mỏi cánh thì rơi xuống hồ...” (Loài Thi sỹ);
”...Bây giờ tôi hiểu Ngày Xưa/ Chính là những thứ, mới vừa trôi qua...” (Đêm nay ngủ ở Phú Thọ) ;
“...Sông Hồng khi tỉnh khi say/ Uống trăm năm nữa, cạn ngày nay không...?” (Bố tôi Cẩm Khê, mẹ tôi Hoài Đức);
“... Tên em là rằm/ Hẹn anh ngày trăng non e ấp/ Các nàng xâm xấp/ Ấm ngực mùa đông/ Thì ra cây cải vừa ngồng/ Then cài sao để cõi lòng mở toang...?” (Những nàng đêm) ;
“...Bụi còn phủ cả lên lời/ Nghĩa trang chữ nghĩa nằm phơi bóng vàng.../ Trăm năm, mơ chửa sang trang/ Nội tâm cũng nát như hoàng thành xưa “ (Đêm nay ngủ ở Hà Nội) ;
“... Sống sao cho chạm mưa nguồn/ Sợi mưa rơi xuống, thích luồn lỗ kim.../ Chỉ còn lịch sử lim dim/ Xem lũ bọ gậy chết chìm đáy chum...” (Lấp Lỗ Thủng) ;
“... À ơi, yêu đương trong lòng/ Ngủ đi với nhớ và mong mệt nhoài/ À ơi, tới bến như lai/ Chữ như cò trắng bay đầy bến sông ..” (Thiền Thở Thiền Thơ) ;
“Chèo ơi chống mãi không xong/ Diễn viên luống cuống, rèm buông nhạc tràn/ Tô tô, vẽ vẽ, hỏi han/ Chỉ thấy nhân vật, đã toan bỏ bài.../ Anh ngồi uống sợi thở dài/ Uống luôn gió của những ngày tối tăm... “(Xem Chèo) ; v.v...
Rất nhiều những cái kết bài thơ như thế. Không hẳn đều hay, nhưng ấn tượng, khiến người đọc phải nghĩ ngợi. Ấy là kết mở, để lại dư ba. Một không gian mới lại mênh mang mở ra sau cái kết.
Thì cứ cho đây là một thử nghiệm của Nguyễn Vình Tiến, thì với anh, đến giờ, tôi nghĩ đó là một thành công.
IV. Dự cảm về một dương gian nhập nhoạng
Đọc thơ Nguyễn Vĩnh Tiến, không nhiều và cũng chưa rõ nét, nhưng người ta có thể nhận biết về một dương gian mà ở đó chập chờn âm dương, bóng hình chạng vạng. Trước khi bàn, thiết tưởng hãy xem một số bài thơ, câu thơ khơi gợi về dự cảm này:
“Ngồi xem cửa sổ chia ô/ Mưa hôm nay lụt nước cờ hôm qua/ Tô viền cho những bóng ma/ Bằng ánh mắt sẫm như là chì than/ Tô xong, sót lại trên bàn/ Một con tốt nhỏ đang giàn giụa bơi... “(Bàn cờ);
“Có gì nặng trĩu đường trôi/ Một mùa xuân rót một lời đáy xuân/ Có quang gánh nỗi đồng lần/ Hồn kêu kẽo kẹt trên thân thể buồn” (Đáy xuân)
“.... Sao lại cố bê tông nốt đồng cỏ?/ Sao lại muốn thiên nhiên thành những thành phố điên?/ Sao sân si tiếp tục sinh muộn phiền/ Và cổ suý cho những giá trị ảo?/ Đã bao thập niên ăn tạp và nói láo/ Sao không ngồi đốt lửa bập bùng ở quê/ Rồi tĩnh tâm tìm một lối về/ Với nông thôn đang xác xơ lạnh lẽo...?/ Càng chạy sẽ càng đuối sức/ Càng bơi sẽ càng hụt hơi/ Bao nhiêu sâu lắng trên đời/ Có bao giờ đọng ở nơi ồn ào?/ Chuồn chuồn chết rụng giữa ao/ Gió đưa cái xác dạt vào bụi khoai...” (Sao chúng ta không về nông thôn) ;
“Trong một bữa tiệc/ Say rũ rồi óc tưởng tượng thôi.../ Mà sao lòng dạ tơi bời/ Lấy tiên không lấy, lấy người làm chi? / Trong một bữa tiệc/ Ma men len lỏi dẫn lối thôi.../ Mà sao lòng dạ tơi bời/ Lấy ma không lấy, lấy người làm chi...?” (Tưởng tượng trong một bữa tiệc);
“Nhưng tôi một giận mười thương/ Dẫu không tin, vẫn chôn xương chân giường/ Còn tin cá chết để xương/ Thì còn châu báu trong rương cho nàng...” (Đêm nay ngủ ở Việt Trì);
“Nàng bay về phía tự do/ Và nàng thích lấp lánh/ Của cải và kinh nghiệm của tôi/ Đều lần lượt trôi vào cống rãnh.../ Nhưng nàng không đỏng đảnh/ Lúc nào cũng ẩm ướt thiết tha/ Nàng hoá ra chỉ là ảo ảnh/ Của hồn tôi phản chiếu hồn hoa...” (Nàng Thơ-02);
“Anh vẫn thế.../ Chạy từ bờ đê chạy về dốc Tỉnh/ Chẳng có ngọn đồi nào bình tĩnh/ Nếu tính từ nội tâm tính ra/ Nhưng vẻ ngoài thì nghìn năm hiền hoà/ Chỉ cọ cháy những bàn tay vụng dại../ Chả lẽ lại về chết ở đây/ Chứ không phải một ngọn núi kiêu bạc/ Một đỉnh cao thế giới? / Cũng để làm gì đâu?/ Chết là hoa cải phai màu/ Từ vàng rực đổ sang nhàu vàng thư/ Từ sắn khô đến khoai nhừ/ Chỉ là bếp lửa hình như... bập bùng...” (Đêm nay ngủ ở Phú Thọ);
“Việt Trì - Phú Thọ - Lâm Thao/ Anh về nơi nào, hạc trắng cũng bay/ Xót xa thời những kẽ tay/ Run run mộ biếc cỏ may vướng gì? / Sông Hồng thở khói vô vi/ Hồn hồi hộp nấp bên rìa miếu hoang/ Hỏi han đến cuối đường làng/ Mới hay đò cuối ngày sang sông rồi.../ Việt Trì - Phú Thọ - Lâm Thao
“Ngược xuôi trong cõi hão huyền/ Nhiều khi tỉnh thức là miền vô vi... / Thế rồi giấc mộng tô chì/ Chân dung giấy nháp cũng đi như người...” (Trầm cảm-01) ;
“Anh trồng cây tỏi/ Nó nở hoa hành.../ Yêu đương một thuở tanh bành/ Học hành lởm khởm không thành núi cao.../ Rồi cuối Xuân có mưa rào/ Có hồn lành lạnh nhập vào hồn anh...” (Đêm trung du); v.v...
Những bóng hình chập chờn âm dương này tuy không nhiều, nhưng dường như thường trực, ám ảnh tâm trí Nguyễn Vĩnh Tiến. Cảm giác như, có sự phân thân hay phân tâm nào đó trong con người tác giả? Không thật rõ, những tôi linh cảm vậy. “Ông bà tôi hình như vẫn thế/ Chết lâu rồi vẫn đi dạo đâu đây” (Phú Thọ của tôi). Nếu theo quan niệm của người xưa, dương sao âm vậy, thì cảm giác như Nguyễn Vĩnh Tiến ở nhiều thời khắc, sống chung với cả hai thế giới, nói chuyện thản nhiên với cả người dương và người âm...
Chúng ta đều biết, “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ và “Liêu trai chí dị” của Bồ Tùng Linh là truyện lạ, truyện ma. Thế nhưng, ở “Truyền kỳ mạn lục” thì ma rõ ma, sợ sợ là, đọc rồi nhát đi đêm, song ở “Liêu trai chí dị” thì ma lẫn với người dương, hành xử như người dương, không mấy sợ. Tôi nghĩ, chất âm dương trong thơ Nguyễn Vĩnh Tiến gần với chất “Liêu trai chí dị” hơn.
V. Tính triết luận, mạnh và yếu.
Triết học đã là sự đam mê từ thuở tuổi 20 của chàng sinh viên Kiến trúc khi bắt đầu đọc theo hệ thống triết học Hy Lạp, triết học Pháp và Triết học Đức. Về sau, sang tuổi 30, Tiến thổ lộ mới đủ tuổi ngấm dần triết học Phật giáo và Đạo giáo. Bên cạnh đó, anh còn say mê các sách Tâm lý học và Lịch sử:
“Anh chẳng thích lỗ thủng lịch sử/ Anh thích lỗ thủng của em/ Ẩm ướt, hồi hộp và đầy hải sản.../ Và lịch sử cũng chẳng có lỗ thủng/ Lịch sử được lấp đầy bởi linh hồn và xác chết/ Và sự man rợ tàn sát của tất cả chủng loài.../ Chỉ có lỗ thủng của em là tuyệt vời /Chỉ có lỗ thủng của em là sinh sôi / Sinh ra cả một chân trời / Ngày xưa thi sỹ có người từng bay.../ Cứ loạn xạ lên Triết lý, giãi bày/ Rồi ăn thịt, ăn rau, và nói đạo nghĩa” (Lấp Lỗ thủng);
“Chúng ta nên nuôi nấng sự khinh bỉ/ Và để chúng mọc lên như dương sỉ nóc nhà/ Chúng ta nên oà như rêu biếc/ Phủ phù du lên mọi tiếng ngợi ca/ Chúng ta nên nuôi những lời câm nín/ Trong lồng son của máu và hoa/ Rồi chúng ta nên ra bờ sông vắng/ Ngủ chông chênh như một mỏ neo phà.....” (Nên nuôi nấng sự khinh bỉ);
“Chúa trởi hỏi viên kim cương: -Mày là gì mà kiêu căng quá vậy?/ Kim cương trả lời: Vì tôi siêu cứng/ - Thế mày không biết sức mạnh của dòng nước mềm mại à?/ Kim cương trả lời: Nhưng tôi lấp lánh/ - Thế mày ko biết sức mạnh của vật chất tối à/ Kim cương trả lời: Tôi còn đắt giá nữa?/ - Thế mày không biết kinh tế duy tâm và tiền ảo là gì à?/ Kim cương khóc oà: Thế ngài không thương cái đẹp?/ Thượng đế bỏ đi, vì theo lẽ công bằng, con bò và cỏ dại cũng đẹp.” (Cái đẹp);
“Đừng leo cao/ Lại rơi xuống vực thẳm của sự thờ ơ/ Đừng xuống thấp/ Lại bị âm hồn năm cũ làm chật giấc mơ.../ Dân gian sinh sôi/ Dân gian rượm lời/ Như hoa mỗi loài mỗi vẻ.../ Anh thôi không kẻ vẽ/ Chỉ để thời gian phác thảo hộ tương lai.../ Tương lai, không đúng, không sai/ Nối sợi thở dài đan áo nàng Bân.../ Kìa em, sau Tết, là Xuân/ Tình anh nước lã hoà dân gian rồi...” (Xuân dân gian);
“Giật mình lại thấy trống không/ Vừa hình hài thế, đã bong bóng rồi... / Ven am Ao nhỏ/ Lá tre rụng bời bời/ Hỏi sao có tình huynh đệ?/ Huynh đệ là khi mọc rễ/ Còn nhường tăm tối cho nhau/ Ngọn cỏ rầu/ Núi thích sâu/ Còn khe ẩm ướt lại ngước bóng núi/ Tháng ngày lúi húi/ Không dám đi vào lối cửa Từ Bi/ Cửa Từ Bi chẳng mạng nhện gì/ Chỉ tò vò khóc than vì thương thôi... / Thương cho vạn dặm xa xôi / Cứ huênh hoang mãi những thời vô minh” (Nhìn cánh nhạn);
“Tôi chưa kịp lạc trong những khúc rẽ/ Thì mưa vết thương đã phủ những ngày lành.../ Tôi có những ngọn cỏ màu xanh/ He hé nhú bên rìa niềm hy vọng/ Và cũng ở bên rìa những chuyển động/ Một lũ thời gian ngu ngốc ngẩn ngơ trông...” (Vết thương và lũ thời gian);
“... Bạn thơ chết ở nẻo thơ/ Bạn tình chết ở bơ vơ cuộc tình../. Sáng ra, đã thấy thương mình/ Thương bong bóng vỡ những hình bóng hoa/ Hoa gì lại nở đường xa/ Nở vô danh cả chuyến phà vô hương.../ Sáng ra, hạnh phúc đứng đường/ Dưới chân, sóng của thất thường, thành sông...” (Sáng ra hạnh phúc đứng đường);
“Bấy lâu chẳng đếm thời gian/ Tháng ba chưa hết mà toàn tháng tư / Đêm năm canh mà lại như/ Trống không bàn tiệc, tàn dư cuộc cờ.../ Bấy lâu cơn lũ ngủ mơ/ Thành mặt nước sấp tràn bờ lan đi.../ Bấy lâu hơi thở đeo chì/ Chỉ hoa gạo đỏ những khi đêm tàn..”. (Hoa gạo đỏ);
“Hết rồi ngày tháng mộng mơ/ Đời còn nhặt rác trên bờ tháng năm/ Cũng chẳng vĩnh cửu ăn nằm/ Sống là hơi thở ghé thăm nhẹ nhàng/ Lá lành hay rách, đều vàng/ Đều rơi rụng ở dưới hàng mi cong/ Ô kìa đêm đã thành dòng/ Sao anh vá cái Trống Không làm gì?” (Vá víu) v.v...
Với hàng ngàn bài thơ, từ những năm Nguyễn Vĩnh Tiến hồn nhiên, tươi tắn, sau này, hàm lượng triết luận ngày càng tăng, nhất là mươi năm trở lại đây, hầu như bài thơ nào cũng có tính triết học. Nếu như, tính triệt luận là hệ quả tất yếu của ngôn ngữ dân gian đương đại và không gian kiến trúc trong thơ Nguyễn Vĩnh Tiến, thì đương nhiên, yếu tố này dần trở thành chủ đạo và nó làm nên sắc thái, diện mạo, định dạng thơ Nguyễn Vĩnh Tiến, làm người ta nhận ra anh giữa những nhà thơ khác.
Quả vậy, chất triết luận là một điểm mạnh tạo nên tính khái quát và sức nặng cho thơ Nguyễn Vĩnh Tiến. Nó làm bài thơ thoát khỏi sự tẻ nhạt, chàng màng, à ơi thường thấy. Mỗi bài, người ta đều cảm nhận được tác giả khái quát một điều gì đấy, hay gửi thông điệp nào đó, mặc dù chưa hẳn đã đúng, đã hay hoặc mang tính phổ quát, song rõ ràng là có ý tưởng.
Tuy vậy, cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Ở một liều lượng đủ và hợp lý sẽ mang đến hiệu quả tích cực, còn như nặng về triết học hay xã hội học quá liều sẽ khiến Thơ trở thành khô cứng, giảm đi sức gợi, phai đi sắc màu và giai điệu. Điểm lại thơ
Nguyễn Vĩnh Tiến nói chung, với những đoạn trích trên đây, tuy có nhiều khúc triết luận khá nhuần nhuyễn, uyển chuyển về giai điệu. song không khó để nhận thấy, tính triết luận đồng thời, vừa là điểm mạnh và điểm yếu trong thơ anh.
VI. Tâm thế thơ chở “nỗi buồn trung du”
Ngay đầu bài viết này, tôi đã mượn câu thơ trong một bài thơ của nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tuyền, thân sinh của Nguyễn Vĩnh Tiến, mà anh mượn để làm lời cho ca khúc” Ông tôi” của mình: “Tờ mờ sáng ông đi về phía núi. Đồi núi mở ra câu chuyện buồn trung du...”. Cho đến giờ, nhận thấy, gần như toàn bộ sự nghiệp thi ca-âm nhạc của Nguyễn Vĩnh Tiến, nói chung, mang đậm âm hưởng này. Dường như, nó ám ảnh, thường trực trong ý nghĩ của Nguyễn Vĩnh Tiến và dần ngấm vào tâm thế anh, rồi được biểu hiện trong thi ca cùng âm nhạc của anh....
“Tôi lao như mũi tên/ mê theo quả bàng chín ẩn hiện trong lá tim/ Tuổi tôi bao giờ cắn ngập những làn hương?/ Phố xá im lặng chồn chân/ Cánh cửa màu trắng phía ngày xa rộng toác/ Vẫn ít người trở về/ Tôi quen trò trốn tìm sắc ngày nhạt/ Khi chán lại tìm trùng điệp những ngọn đồi chơi trò cánh cung mây/ Tôi chạy xa rồi cái bến đợi chuyến đò định mệnh/ Nhưng Sông Thao lẽo đẽo chảy trong người”. (Trung du ) ;
“Tôi là một con chim, bay qua dòng sông/ Tôi nghiêng đôi cánh,... Mặt sóng soi tôi thành một con sóng/ Dòng nước soi tôi thành một chiếc lá/ Trôi dạt...trôi dạt.../ Tôi bay đi tìm.... bóng tôi/ Bờ lau hình như hình như ai che tiếng nói/ Bờ lau hình như hình như ai gom tiếng sóng/ Sóng vỗ, nghe như câu chuyện về dòng sông/ Bỏ quên mất bóng cho đôi bờ/ Gửi bao héo hắt cho đôi bờ/ Tôi chao, chao đi chao lại cùng sương khói/ Tìm đâu thấy bóng tôi trôi ngày/ Tìm đâu trí nhớ tôi sương mù..../ Cuối chân trời, mây lững thững bay/ Cuối một ngày, sông lững thững trôi...” (Chim bông lau tìm bóng) ;
“Tôi chỉ bị quyến rũ bởi cội nguồn/ Và nỗi buồn chó ăn đá gà ăn sỏi/ Nên tôi không đứng về phe tài giỏi/ Tôi trôi theo từng thân cọ luống chè xanh.../ Đêm nay ngủ ở Việt Trì/ Tôi ngóng về Cầu Phong Châu Đỉnh Hùng Lĩnh/ Chắc vua Hùng sống lại cũng không thể bình tĩnh/ Trước những ngọn đồi như da thịt rách bươm.../ Nhưng tôi một giận mười thương/ Dẫu không tin, vẫn chôn xương chân giường...” (Đêm nay ngủ ở Việt Trì);
“Mộng về xóm núi lân la/ Hỏi thăm, lạnh lẽo đã qua nửa lòng?/ Nhớ trái na nặng đầu đông/ Lá na rơi ở vườn không lặng lờ/ Nửa đêm lau lách nằm mơ/ Nồm lên hơi ẩm nương nhờ ngón tay/ Lang lang lớp lớp mây mây/ Nỡ lòng nào lỡ phút giây hoạ hoằn/ Nước nôi từ thuở gối chăn/ Nửa lòng lạnh ngắt, nửa rần rật reo...” ( Xóm núi) ;
“Ngày mai lại đến giỗ bà/ Trung du xanh thẫm nhạt nhoà mưa xưa/ Thạch Đê đồng lạnh gió mùa/ Cẩm Khê xoan cũng mới vừa tháng ba.../ Mười mấy năm cháu xa bà/ Hồn phảng phất mãi hiên nhà, đồi xưa/ Cây mít giờ đã lên chùa/ Bụi tre đã đốn, rễ trơ góc vườn/ Nhà xưa giờ đã trống trơn/ Cháu con mê mải chập chờn xa quê.../ Cháu giờ tuổi giống triền đê/ Chỉ thoai thoải dốc đổ về bến sông...” (Giỗ Bà nội);
“Chết là hoa cải phai màu/ Từ vàng rực đổ sang nhàu vàng thư/ Từ sắn khô đến khoai nhừ/ Chỉ là bếp lửa hình như... bập bùng.../ Sầu thì riêng chẳng sầu chung/ Người cứ bừng bừng cháy cõi người thôi/ Trung Du đêm vắng lặng rồi/ Tôi nằm tôi nếm từng thời khắc qua.../ Có chang chang nắng nhớ phà/ Có đêm khóc những người già mộng du../ Bây giờ tôi hiểu Ngày Xưa/ Chính là những thứ, mới vừa trôi qua....” (Đêm nay ngủ ở Phú Thọ);
Vậy là con sông Thao cứ lẽo đẽo chảy theo chân, theo cái bóng của cậu bé Nguyễn Vĩnh Tiến từ thuở lon ton cho đến khi giật mình nhận ra mình đã ở vào cái “tuổi giống triền đê, chỉ thoai thoải dốc đổ về bến sông”. Người xưa bảo “ngũ thập tri thiên mệnh”, giờ chớm đến tuổi này, Nguyễn Vĩnh Tiến đã ngộ ra, cái gọi là “ngày xưa” đâu có xa xôi gì, mà chính là “những thứ mới vừa trôi qua”. Nhanh thế, mau vậy, nhưng đâu có thể vội vàng.
Cùng với cuộc sống bộn bề chảy xiết ngày hôm nay, Nguyễn Vĩnh Tiến đã biết cách tổng hợp, kéo dài, vẽ những bức tranh thơ khổ lớn, du hành ngược dòng thời gian về quá khứ,...
“Bố tôi Cẩm Khê, Mẹ tôi Hoài Đức/ Hai vùng quê ròng ròng ký ức/ Hai vùng quê rã rời đổi thay/ Trước cò bay/ Giờ bụi bay/ Trước mỏi cánh/ Giờ sa lầy/ Tôi lớn lên từng ngày/ Người thân mất đi từng cụ/ Trẻ con lớn lên từng đứa/ Cho đến một ngày khoé mắt cay cay/ Có bao nhiêu khế chín cây/ Có bao thành quách lung lay bóng hồ/ Còn bao nhiêu thứ hồ đồ/ Còn bao nhiêu gió mơ hồ vẫn bay...” (Bố tôi Cẩm Khê, mẹ tôi Hoài Đức);
“...Phía Nam là Trung du thở/ Phía Bắc là mây âu lo/ Nhà tôi nằm ở trên đồi/ Có cây mít mật quả rơi kiến bò/ Tối qua tôi uống rượu ngô/ Ăn xôi ngũ sắc đến giờ vẫn say/ Thương nhau thì mới cầm tay/ Từng sợi hơi ấm thành dây tơ hồng /... Quê nội tôi ở đó, giờ vẫn chiêm bao/ Tôi mơ thấy mình thành viên đá ở Thẩm Thoóng...” (Yên Bái); v.v...
Tôi ngại, cứ mãi lan man trong dòng ký ức của Nguyễn Vĩnh Tiến thì e rằng sẽ lạc lối sa lầy chẳng biết đường ra... Với tâm thế này, những câu chuyện buồn trung du sẽ vẫn như dòng sông Thao cứ lẽo đẽo trôi chảy, mang theo cái bóng của Nguyễn Vĩnh Tiến cho đến ngày nào đó anh cảm thấy quá mệt mỏi mà buông bỏ chăng.?...
Giờ thì chưa, trong dòng chảy ký ức của mình, Nguyễn Vĩnh Tiến đã bày tỏ thái độ của một trí thức, thẳng thắn và dứt khoát, khi mà nông thôn xứ mình, cả miền quê trung du và làng quê của anh, đang trong cơn lốc “đô thị hóa” với nhiều bất cập, lo nhiều hơn mừng...
“Sao chúng ta không về nông thôn?/ Cùng quây quần bên nồi cơm nóng/ Vườn ao chuồng, đi dưới trăng thấy bóng/ Tre, Lúa, Sông còn nghe thấy tiếng reo.../ Sao chúng ta cứ chê nông thôn nghèo?” (Sao chúng ta không về nông thôn);
“... Anh hãy phơi áo ra nắng/ Để áo thơm mùi nắng/ Hôm nay anh về thôn vắng/ Dân làng bán hết cây to/ Để nhường cho các dự án/ Để tầng lớp trung lưu mới/ Được kiến trúc xanh và chất lượng sống mộng mơ.../ Ơ hơ.../ Ruộng khô hết cả bờ/ Cá chết vì nhiễm độc/ Người dân lởi xởi với một số người đi mua đất...” (Phơi áo sau Xuân);
Lẽ dĩ nhiên, đô thị hóa nông thôn là một tất yếu cuả cuộc sống và phát triển. Nông thôn cũng không thể cứ mãi nghèo đói cũ kỹ lạc hậu để bây giờ chúng ta lấy cớ mà thương nhớ nỉ non này nọ.... Song rõ ràng, hiện tại, nhiều cảnh sắc và những giá trị truyền thống tốt đẹp của làng quê Việt bị mai một, mất đi trong khi các giá trị văn hóa mới chưa hình thành, hoặc dang dở không thể hiện được tính tích cực. Ấy là điều đáng lo.
Thế nên, Nguyễn Vĩnh Tiến, con người Thơ chất chứa “bốn trong một” ấy không lo âu sao được? Khi mà, còn chưa thực hiện được những dự án lớn quy hoạch tổng thể và bảo tồn di sản làng quê Việt thời hiện đại, thì việc bày tỏ trong thi ca và âm nhạc của mình là cần thiết. Hãy cứ cất lên những lời cảnh tỉnh, âu cũng là tiếng nói thiết thực, thể hiện trách nhiệm công dân và nghệ sĩ của mình.
Nguyễn Vĩnh Tiến, kể từ buổi ban đầu, cái ngày mà tôi mường tượng về anh “một con sẻ nhỏ xa nhà, sang sông”, rời mảnh đất trung du Phú Thọ về Thủ đô học hành, rồi sang Pháp du học, lại trở về Việt nam, thì đến giờ, cũng đã hơn 30 năm trôi qua, anh thực sự trở thành một con đại bàng giang đôi cánh rộng bay lượn giữa bầu trời thơ ca nhạc họa!...
Vẽ xong vòng tròn để phác thảo chân dung Nguyễn Vĩnh Tiến, tôi hy vọng sẽ có một cách tiếp cận để hiểu, cảm và thưởng thức những tác phẩm mới tiếp tục dồi dào sức sáng tạo của Tiến. Và kìa, con đại bàng ấy đã lại tiếp tục giang rông đôi cánh tự do bên ngoài cái vòng tròn tôi vẽ…
Có lẽ, đó mới chính là Nguyễn Vĩnh Tiến?!....
Hà Nội, 4/2023
Nguyễn Chu Nhạc
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tam Lu nghiêng trời

Tam Lu nghiêng trời Trương Thu Hiền đã xuất bản ba tập bút ký: “Đoản khúc cho quê”, “Độc bản”, “Hoa báo mùa sang”. Ngôn từ của chị đẹp, gi...