Thứ Ba, 24 tháng 12, 2024

Bức tranh thiếu phụ chiều đông

Bức tranh thiếu phụ chiều đông

Chiều cuối đông! Những cây bàng đỏ lá gợi bao niềm luyến tiếc, nhớ thương cứ rơi từng giọt xuống sân trường. Gió mùa về gom bao mưa rét đổ xuống lòng đường, đuổi hết nắng đi.
Ta ngẩn ngơ trước dòng người hối hả. Những chuyến xe ngược xuôi chở trăm hoa đua sắc ào về xếp dọc bên đường. Bao dáng người tất bật, bao giọt mồ hôi chạy vòng ủ kín trong những chiếc áo nâu bạc phếch. Ta thương biết bao người đang lo mang sắc xuân về cho thành phố với muôn nỗi mưu sinh.
Cuối đông rồi, nhanh thật! Chiếc khăn choàng cứ tung bay cuốn ta vào những nỗi nhớ không tên. Ta ghé vào một quán cà phê quen thuộc. Chỗ ngồi ấy ta thường một mình ngắm mưa, vẫn trống. Bần thần ngồi xuống, vô tình ta bắt gặp một dáng người cũ kỹ, già nua, râu tóc dài, đội chiếc mũ phớt, tay đeo một cặp da. Trước đôi mắt ngơ ngác của ta, chị chủ quán cười giới thiệu:
– Hoạ sĩ đường phố đó em!
– Vâng, chào bác!
Khẽ gật đầu tôi chào, bác nheo mắt:
– Ký hoạ một bức chân dung nha, cô gái!
Một ý nghĩ chạy nhanh qua đầu: “Ái chà, mình sẽ có bức chân dung Thiếu phụ mùa đông, thú vị đây!”. Ta đồng ý, tắt bài hát “Chờ đông”, bỏ điện thoại lên bàn và ngồi nghiêm ngắn cho bác hoạ sĩ vẽ. Vừa vẽ bác vừa nhận xét:
– Đôi mắt to thật đẹp, phúc hậu và nghiêm nghị! Bao chông gai, khó khăn, gian khổ cũng sẵn sàng vượt qua…
– Gương mặt thật dễ thương! Làn da ngọc ngà thật đấy!
Nghe mà cũng vui vui!
Rồi bác kể: “Tôi cũng có một người vợ rất đẹp… Nhưng tôi thích vẽ… Bà ấy bỏ đi”. Ta nghe nhưng không dám hỏi thêm điều gì, chỉ thấy bác thở dài: “Vợ đẹp cũng khổ…, tôi yêu bà ấy”.  Nghe cứ xa xót, tội nghiệp và đau đớn thế nào ấy!
– “Bác ơi, cháu cũng thường giao lưu với văn nghệ sĩ”
Bác nghe ta nói thế liền hào hứng kể một loạt tên tuổi từng gắn bó với cuộc đời của mình: “Tôi biết Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh hơn tuổi Lưu Quang Vũ, nhà họ ở rất chật chội, nhà chỉ toàn sách thôi! Họ mất cùng trong một chuyến xe định mệnh. Ông Trọng Tạo mới mất đây cũng đa tài lắm. Ông ấy là bạn tôi đấy. Vậy mà rồi cũng một kiếp người”. Thấy bác nhíu mày,… lòng ta chợt nhói đau: “Ôi, những người nghệ sĩ… Họ hát ca, họ trải lòng, rút ruột tơ tằm nhả vào cuộc đời, lưu giữ bao vẻ đẹp cuộc sống,… Rồi họ ra đi”! Khi dừng cây bút chì, bác hoạ sĩ trầm ngâm: “Mỗi người lựa chọn một cách sống”.
Lòng hồi hộp, vui mừng, ta nhận bức vẽ từ bác và không quên nói lời cảm ơn và biếu bác một ít tiền. Bác xách cặp đi lủi thủi, lặng lẽ trong mưa! Chị chủ quán lắc đầu chép miệng: “Đến khổ vì vẽ vời, vợ bỏ đi, sau đó lại triền miên trong những cuộc rượu em ạ. Nghĩ cũng tội”. Ta ngoảnh lại nhìn chị mắt đỏ hoe: “Như anh nhà chị đây thì tai biến nằm một chỗ bốn năm nay rồi, muốn đi cũng không đi được”. Lòng ta chợt bàng hoàng: “Sao cơ chị, một mình chị gánh vác gia đình bốn năm nay ư?”. Mắt ầng ậc nước, chị cười gượng gạo: “Ừ, em! Chồng chị hay tủi thân lắm, chị phải vững vàng làm chỗ dựa cho cả gia đình chứ!”. Ôi, hoá ra người phụ nữ mảnh khảnh, làm việc nhanh nhẹn, khách đến lúc nào cũng đon đả, nhiệt tình hay cười hay nói lại là một người đàn bà phải gồng gánh trên vai nhiều trách nhiệm và sống đầy nội tâm!
Người thiếu phụ trong bức tranh nhìn ta nghiêm nghị: “Đấy mùa đông cuộc đời mỗi người một khác hãy tìm cách đối mặt và vượt qua, sau mùa đông là mùa xuân đó”. Ta mỉm cười và biết mình đang đi về đâu: “ Mùa đông ơi!… Mùa xuân đang đến thật gần”.
23/1/2022
Hà Vinh Tâm
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tam Lu nghiêng trời

Tam Lu nghiêng trời Trương Thu Hiền đã xuất bản ba tập bút ký: “Đoản khúc cho quê”, “Độc bản”, “Hoa báo mùa sang”. Ngôn từ của chị đẹp, gi...