Thứ Hai, 23 tháng 12, 2024

Đêm phương Nam và những người dân di cư

Đêm phương Nam và
những người dân di cư

Gần mười hai mươi năm, kể từ khi tôi theo đoàn làm báo do Chi cục di dân Bến Tre tổ chức vào vùng kinh tế mới ở huyện Thạnh Hóa, Long An để tác nghiệp, tôi mới có dịp trở lại nơi này. Là dịp đi đám cưới thằng cháu, con của người em bà con, một trong những người có mặt đầu tiên ở vùng đất thấp, trủng và nhiễm phèn nặng giữa Đồng Tháp Mười. Ngồi trên xe con, tôi giương tầm mắt quan sát những thảm lúa xanh rờn, những rừng tràm bạt ngàn, những ngôi nhà tường, nhà ngói xênh xang mà thấy lòng mình phơi phới lạ. Còn trước đây, khi đoàn người di dân từ Bến Tre vào đây, nó thật ảm đạm, xơ xác…
Trung tuần tháng năm năm 2001, cái nắng hè “sấy” mặt đất bằng nhiệt độ 34 – 35 độ C. Đoàn làm báo chúng tôi đến Thị trấn Thạnh Hóa tỉnh Long An lúc 9 giờ. Thị trấn chưa có đường nhựa, các cơ quan ban ngành của huyện còn trống hoác vì mới xây dựng. Nói chung, nếu không được giới thiệu, thì tôi cứ ngỡ đây là một khu dân cư mới mà sự qui hoạch là đường hướng của một nơi dành để… chống lũ!
Anh Lư Minh Hoàng, cán bộ Ban kinh tế mới, trực thuộc Chi cục di dân Bến Tre, một nông dân chính gốc nhưng có sự linh hoạt của người hướng dẫn du lịch, nói với chúng tôi:
– Từ đây đến Trạm (tức cơ quan Ban kimh tế mới của Chi cục di dân Bến Tre) còn chừng… hai chục cây số chứ gì!
Mọi người nhìn nhau ngán ngẩm. Phơi đầu trần dưới cái nắng chang chang thế này gần hai tiếng đồng hồ, chịu sao thấu. Nhưng, lời giới thiệu mang tính “dụ dỗ” của đồng chí Chi cục trưởng Chi cục di dân Bến Tre cứ thôi thúc chúng tôi:
– Mấy ông chuẩn bị giỏ xách để vào đó mà đựng tư liệu.
Chiếc tắc ráng xẻ nước trên sông Vàm Cỏ Tây hun hút. Hai bên bờ, thỉnh thoảng mới thấy một căn nhà lá nằm trơ trụi giữa hàng cây khô gầy. Sông nước phương Nam bắc đầu lên tiếng buồn trong cảm giác. Chiếc tắc ráng đột nhiên rẽ vào một con kinh hẹp. Hai bên toàn là tràm. Tràm mọc ken dầy, mọc trên cả mép nước. Nhìn lâu, suy nghĩ lâu mới thấy, chỉ có giống tràm mới chịu khó làm bạn với sự khắc nghiệt của thiên nhiên như vậy. Mùa lũ, nước ngập đến nửa thân, cây vẫn vững trân. Mùa nắng, khô nứt đất, cây vẫn trơ ra mà sống. Chiếc tắc ráng cứ rẽ trái, quẹo phải trên những con kinh giống nhau như đúc.
Loài người đã biết chinh phục thiên nhiên từ lâu lắm, nhưng giữa chão lũ Đồng Tháp Mưởi, để “hạ” được ông thủy thần và cả ông thần nắng, thần mưa luôn có tính khí thất thường là một điều không hề đơn giản. Năm 1988, khi ông Nguyễn Văn Chiêu, người của xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, Bến Tre quảy giỏ đến đây lập nghiệp, thì vùng này chỉ toàn năn và lác. Đứng giữa cảnh hoang vu bao la, chỉ là nơi “thường trú” của rắn độc và… lũ từ thượng nguồn sông Mê – kong đổ về, ông Chiêu tiến thoái lưỡng nan. Rồi cuối cùng, ông quyết định trụ lại, trụ lại trong sự gièm pha bàn tán của nhiều người, rằng, ông đang đội đá vá trời! Cũng phải thôi, chống chọi với thiên nhiên bằng những kỹ thuật khoa học cực kỳ hiện đại đôi lúc còn bó tay, huống hồ gì một ông Chiêu với đôi tay quá “oải” của người lính trong thời chiến tranh. Nhưng, chỉ hơn một năm sau, gần hai mẫu đất hoang ở xã Bình Hòa Đông, huyện Mộc Hóa đã được dựng thành hình hài. Vậy mà lúa cũng khó tính kinh khủng, không chịu sống chung với nước phèn, với lũ và nắng hạn.
Thất vọng, ông Chiêu định quảy giỏ ra về, trả lại cho thiên nhiên khắc nghiệt kia cái thân thể luôn gầy gò, bệnh hoạn, yếu đuối… Nhưng, đi thì không nỡ, tiếc đứt ruột hai chục công đất thấm đầy mồ hôi và công sức của mình. Rồi một đêm ông thức trắng, đắn đo, cân nhắc, đấu tranh với chính mình một cách căng thẳng. Cuối cùng, ông quyết định ở lại. Lại thêm một năm nữa loay hoay với việc đào kinh xả phèn, xới đất lên bằng cây cuốc bóng lẳng cán. Huy động toàn bộ sức lực còn lại, ông Chiêu cương quyết chinh phục cho bằng được cô gái đẹp nhưng khó tính này. Và, thành quả ban đầu là vụ đông xuân năm đó ông không bị… lỗ vốn để đằng sau nó là một niềm tin rằng công sức mình bỏ ra sẽ không thừa.
Hay tin, Ủy ban Nhân dân huyện Mộc Hóa đã xuống tận nơi để “chiêm ngưỡng” một thành quả mà mà lãnh đạo ở đây cứ tưởng là… cổ tích! Sẵn dịp, ông Chủ tịch Ủy ban huyện Mộc Hóa tuyên bố sẽ cắt 250 mẫu đất hoang ở đây cho ai có khả năng chinh phục nó. Nghĩ ngay đến bà con mình ở huyện Giồng Trôm, Bến Tre phần đông là dân nghèo sau chiến tranh, và sau thời bao cấp, thiếu đất sản xuất nhưng thừa nghị lực, ông chạy về quê vận động bà con họ hàng, chòm xóm đi lập nghiệp. Một cuộc di dân lặng lẽ nhưng cũng đầy ấn tượng khi sau hai năm, 250 mẫu đất hoang ở vùng giáp biên giới Campuchia đã xanh lúa. Bây giờ, cả ba huyện: Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Đức Huệ của tỉnh Long An có gần 2.500 hộ, và 4.500 khẩu là người Bến Tre tới lập nghiệp, đông nhất là huyện Thạnh Hóa. Hầu hết họ đã được chính quyền Long An cấp quyền sử dụng đất.
Xem ra, lịch sử khai hoang mở đất của những người Bến Tre ở Long An không qui mô về diện tích, cũng không gian nan quá thể như người xưa đi chinh phục đất phương Nam vì dẫu sao họ cũng được tiếp tay một phần từ những phương tiện khoa học kỹ thuật. Nhưng, nói như thế không có nghĩa là hàng vạn héc ta đất trồng lúa, trồng tràm ở vùng kinh tế mới này không có mồ hôi, nước mắt trộn lẫn với những lo âu mùa màng.
Chiếc tắt ráng cặp vào bến của cơ quan Ban kinh tế mới tỉnh Bến Tre đã hơn 12 giờ trưa. Người Bến Tre gặp nhau tay bắt mặt mừng và cười với nhau bằng nụ cười… khét nắng! Dù mệt vì một chặng đi dài, nhưng bỗng một lời đề nghị hấp dẫn:
– Xuống kinh mò cá đi.
Vậy là ào xuống. Mát rượi. Bắt cá chỉ là cái cớ, tắm là chủ yếu. Vài chiếc xuồng ba lá lặng lẽ  bơi qua trước mặt chúng tôi, gương mặt những người ngồi trên xuồng khó đoán được tâm trạng. Họ đi chài cá. Cá ở đây được giới thiệu là nguồn thủy sản tiềm năng mới được phát hiện. Cá lóc, cá rô, cá trê, cá thác lác… nghe nói mùa lũ chỉ cần ngồi trên bờ thò tay xuống là… dính.
– Thế thì sướng quá còn gì. Trên bờ đầy lúa, dưới sông cá đầy dẫy ra đó làm sao sợ chết đói? – Tôi thật tình và anh Minh Hoàng cười buồn:
– Nếu đơn giản vậy thì không có những hộ quảy giỏ quay về cố hương. Anh tính đi, mùa này (tức vụ hè thu) và vụ lúa mùa coi như ở không ăn. Lúc trời nắng thì đất cứng như đá, cuốc xuống lại bật lên, làm sao gieo trồng. Đến mùa lũ càng khủng khiếp hơn, không nhờ Nhà nước xây cho tuyến đê bao dân cư M3 này thì có nước leo lên đọt tràm mà ở, trồng tréo gì được. Chỉ làm được vụ đông xuân, vậy mà, khi trúng mùa lại… thất giá! Coi như huề, có hộ còn lỗ, như chú Hai Bình Phú nè…
Buông cái cười hề hà và câu cửa miệng “chèn ơi” thật thương, chú Hai kể về quá trình đi mở đất của mình thật quá gian nan. Bán cả miếng đất hương quả ở xã Bình Phú huyện Giồng Trôm để gom vốn vào đây lập nghiệp. Những dự tính ban đầu xem ra thuận lợi và có phần khả quan. Nhưng, khi đối diện với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, nhất là mấy năm liền bị lũ quét, thất mùa liên tục, bây giờ phải đi chăn vịt để sống cầm chừng chờ cơ hội, mới thấy, làm ăn xứ này không hề đơn giản. Nếu trở về thì uổng công tạo dựng thành khoảnh 30 công đất, đứt ruột! Còn ở lại chọn phương pháp trồng tràm cho “chắc ăn” (tuy có hơi lâu thu hoạch) thì vốn đầu tư quá nhiều, mỗi héc – ta lên đến khoảng ba triệu. Trồng rồi, phải nằm chờ tới bảy tám năm mới có thu hoạch có nước đói teo ruột. Hơn nữa, giá cả thị trường thì năm ăn năm thua, thôi thì chờ Nhà nước có biện pháp kế hoạch gì đó khả thi để mà… hy vọng!
Chiều đó, anh Lư Minh Hoàng chở chúng tôi đi một vòng xã Tân Hiệp, nơi tập trung nhiều dân Bến Tre nhất. Nắng đã dịu lại. Trên bờ, sau hàng tràm trồng “ăn theo” dọc bờ kinh là những mảnh đất khô nứt nẻ, xa tít mắt. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp những cái nhìn và những nụ cười không nhiệt tình lắm nhưng cũng đủ thân thiện. Một hàng cột điện kéo dài đã được nối dây trung thế nhưng vẫn còn… chờ! Mới thấy, Nhà nước cũng đã cố gắng lo cho dân về điện, đường, trường, trạm. Như đã đầu tư 36 triệu để xây dựng hệ thống xử lý nước sạch; 120 triệu để xây kiên cố hai trường tiểu học; 35 triệu để xây dựng trạm xá ở kinh 90C… Tuy nhiên, bao nhiêu đó cũng chỉ ở mức chữa cháy. Nhưng thôi, Bến Tre còn nghèo, không thể một ngày một bữa mà vừa chu toàn cho mình, lại chu toàn luôn cho những người con xa xứ.
Đêm Đồng Tháp Mười nghe hoang sơ một tiếng chim lạc bầy. Trăng đủng đỉnh mọc ở đằng đông. Chống xuồng qua kinh M3, trên tuyến đê bao dân cư, nơi mà mùa lũ hàng ngàn người che tạm bợ miếng mủ ni- lông để trốn mưa tránh lũ, chúng tôi đi dạo quanh triền đê. Cá dưới sông đớp mồi đôi lúc quẫy mạnh. Buồn. Chiếc radio của ai đó vang lên một đoạn trong bài Dạ cổ hoài lang : “Từ là từ phu tướng…” sao mà da diết. Chú Hai Bình Phú dừng lại lại lắng nghe rồi bật nói:
– Mấy cái radio này là quà tặng cho dân vùng lũ của Đài tiếng nói Việt Nam đó.
Thì ra, ở tận xa tít đâu ngoài thủ đô Hà Nội, tấm lòng của người phương Bắc với người phương Nam luôn tha thiết và ấm nồng.
Chiếc đệm lác được trải ra trên mặt đê rụng đầy trăng. Một dĩa mắm sống, khô, hai con rắn bông súng xào sả ớt và chai rượu đế, đơn giản vậy nhưng sao thấy ấm áp tình người quá! Rượu trao tay, những cái nhìn nhập nhoạng dưới bóng trăng không đèn nhưng ngầm chứa đựng sự thông cảm, động viên và yêu thương nữa, vì cùng là người Bến Tre mà. Sự im lặng bị dồn nén đến mức bùi ngùi. Ai đó chịu không nổi, đề nghị:
– Ca vọng cổ đi!
– Không, Vũ Hồng đọc bài thơ Người phương Nam đi!
“… Người phương Nam đi là cứ đi
Một chiếc ghe con có sá gì…
Người phương Nam say thì say trọn
Người phương Nam buồn thì buồn sâu”*.
Đêm đồng Tháp Mười buồn rười rượi không phải vì lúa thất mùa, cũng không phải vì xa xứ mà buồn vì cái kiểu đọc thơ chầm chậm của nhà văn Vũ Hồng. Và rồi, như để tiếp thêm “nhiên liệu” cho đêm phương Nam đầy thi vị, Nguyễn Nhật Nam xuống xề một câu vọng cổ không đờn, nhói lòng.
Tôi lén bỏ ra đứng bên kinh M3 nhìn để không nhìn vào đâu hết mà lắng nghe đêm phương Nam và những người dân di cư nói với thiên rằng, hãy nhẹ tay một chút cho những thân phận dạt trôi này có một nơi cư trú bình yên.
Chú thích:
* Bài thơ Người phương Nam của Vũ Hồng.
30/1/2022
Đào Ngọc Vinh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vườn xưa

Vườn xưa Vườn xưa, ấy là cái vườn của gia đình tôi ở quê, thôn Khê, nằm bên tả ngạn con sông Cái thuộc tỉnh Hưng Yên, cách thủ đô chừng và...