Thứ Ba, 24 tháng 12, 2024

 

Truyện ngắn của tác giả trẻ Trang Thụy

Trang Thụy tên thật Nguyễn Thị Trang, sinh ngày 11.11.1989, quê quán Hương Trà, Hương Khê, Hà Tĩnh. Hiện đang sinh sống tại Hà Nội. Tốt nghiệp Khoa lý luận chính trị Học viện Báo chí. Truyện ngắn Trang Thụy có vẻ như tiếp nối các giọng văn đàn chị như: Bùi Thị Như Lan, Đỗ Bích Thúy… Nhưng ở tác giả này lại nổi lên cái chất “bạo loạn” trong văn học, cái gì cô ta cũng thích ngường ngược một tí, đường đang quang nhưng lại thích quàng vào bụi rậm. Chính vì vậy mà các tác phẩm của Trang Thụy có chất riêng biệt, nhân vật đều mang nhiều cá tính. Với một cây bút trẻ như thế này tôi tin rằng bằng nền tảng và nghị lực Trang Thụy sẽ có khả năng tiến xa trên con đường sáng tác. Văn chương đòi hỏi sự cần cù và trách nhiệm, thành quả của văn học là kết quả của sự cố gắng, không dành cho ai có tác phong đủng đỉnh… Vanvn.vn xin giới thiệu đến bạn đọc truyện ngắn “Duyên muộn” và “Ô mai got” của chị.

 

DUYÊN MUỘN

 

Trời lại sáng. Ngày đêm cứ nuốt rồi nhè nhau ra ko biết chán, riêng y thì đã chán lắm. Y bực dọc ra phía bờ rào bẻ nhánh chè tàu làm tăm xỉa. Bên kia rào, nhà góa phụ trẻ vẫn cài then im ỉm. Trời cao chọc họng rồi mà vẫn chưa quét tước gì. Rõ chán! Đâu ra cái thứ đàn bà lười chảy thây thế nhỉ? Một tá ý nghĩ tai quái nhảy múa trong đầu, y bặm môi ném hòn đá đánh đốp vào vách lưng nhà ả. Tức thì có tiếng sột soạt, thoáng thấy bóng người dật dờ như ma đói trong chòi hoang.

Nhà sát vách nhưng đã bao giờ y hỏi ả nổi một câu. Chỉ đứng bên này rào len lén nhìn sang. Đời lính tráng không ngán một thằng phỉ nào, thế mà nhắc tới đàn bà y lại lạnh gáy. Nhớ lại ngày giải ngũ, đám phụ nữ chạy lỏng cả cạp quần vì trông thấy cái đầu hói nhoáng, trống hoác như hố bom của y. Họ kháo nhau y bị thuốc diệt cỏ gặm cho trụi lủi, không bấu víu vào đâu được. Y đem cái tự ái ấy vào rừng làm bạn với gỗ, tự nhủ vướng vào đàn bà chỉ bừa bộn cái thân, thà để ma rừng hốt vía có khi còn đòi lại được. Thế mới biết, giống đực cũng quá lứa lỡ thì chứ riêng gì giống cái.

Kể ra y thầm ngóng ả cũng đã hơn nửa đời người. Ngày ấy, y cất ả như của để dành, nghĩ kè kè sát vách cơm không ăn thì gạo hãy còn, ai dè về đến đầu làng mới hay “đóa nhài cắm bãi lâu nhâu” mất rồi.

Ả vớ phải thằng chồng nát rượu. Hắn tặng ả những tháng ngày rượu tràn mi đong đầy nước mắt, tập cho ả nếm đủ mùi rồi bỏ. Bẵng vài năm, hắn ngọt nhạt bứng luôn thằng cu con. Ngót nghét cả chục năm ả sống kiếp nạ dòng góa bụa. Chuyện sẽ phanh lại ở đó và còn vớt vát được nếu như không có cái ngày tai vạ đó.

Một ngày hè nắng oi mắt. Xe lu, máy xúc rầm rập lăn về xó núi. Con đường mòn mòn dần phía sau lưng. Ả mở quán nước mong kiếm xèng ra xèng vào. Hắn tới, mở cái giọng mượt mà quá thể:

– Em không phiền nếu tôi ghé chân xin chén nước chứ?

Ả ngợp trước bóng quan lớn đang toan đổ ập xuống. Hắn sà vào tận chỗ ả mới sực đon đả:

– Vâng! Anh vào đi ạ! Nắng thế mà nước nôi vẫn ế ẩm anh ạ! Anh uống nhân trần hay rau má?

Mắt hắn đang nhắm tịt vì nắng đã hưng hửng mở. Tháo kính, bóp sống mũi, giọng hắn chùng hẳn xuống:

– Em giống vợ anh thế! Chỉ nấu hai thứ nước này giải khát. Tiếc là cô ấy mất khá lâu rồi. Anh uống cả hai loại. Ít đường thôi nhé?

Hắn cười. Mồ hôi lịm dần trong lớp da sồ sề đang áp đảo quai hàm. Cốc nước lọc xọc đá hắn đưa mắt xin thêm:

– Anh đi kiểm tra chất lượng công trình. Bọn anh về bụi quá phải không em?

Ả phe phẩy quạt mo, xởi lởi đón lời:

– Bụi gì đâu ạ! Rảnh rỗi, anh ghé quán chống thiu cho nước em nấu nhé?

Hay quá! Hắn bắt ngay lời ả:

Anh muốn chống thiu cho cả chủ. Em đồng ý không?

Mặc ả tin hay không? Hắn rót kiến vào tai, anh anh em em ngọt xớt rồi rảo bước ra ngoài. Hắn qua lại tỉ tê với ả, có trời xanh chứng giám bát nước ả nấu giải nhiệt giữa thanh thiên, không có đêm vằng vặc nào cả. Hắn lè lưỡi đếm tiền trả cho ả, chẳng có gì là không sòng phẳng ở đây. Hắn đưa tờ tiền to đùng, ả không có “thối” hắn dúi luôn vào tay gọi là trừ dần phí hạ nhiệt. Ả chết mê chết mệt hắn. Giai đất Bắc phong lưu, hào nhoáng. Ăn nói gọn gẽ, kín kẽ, ngắt từng chấm phẩy… Chuyện gì tới nó cũng phải tới.

Chiều chập choạng, gà loáng quáng mắc màn đi ngủ. Sấm sét rượt hắn chui tọt vào nhà ả, vừa chạm mặt hắn đã hỏi:

– Em còn cơm nguội không, cho anh xin vực?

Ả nhũn hết dây dựa trong người, thấy tội cho hắn. Ngần ấy tuổi còn nay đây mai đó, bữa no bữa lỡ. Ả không ngần ngại nhóm lửa thổi cơm, dí cá mòi nài nỉ hắn. Hắn ăn như kẻ sắp chết đói vớ được bánh màn thầu. Ả se sắt, nhộn nhạo mớ tơ lòng. Hơi thở hắn hong khô bức vách in bóng hai người. Ấm quá! Da thịt ả reo lên, chúng giãn căng ra. Trông ả bây giờ mây mẩy như đỗ đỏ hút no nước. Phải hơi đàn bà gặp hơi đàn ông, các thớ thịt cứ căng phềnh lên thế chăng?

Hạnh phúc vốn dài chẳng tày gang… Một chiều đông rét mướt, mưa phùn giăng khắp lối. Một mụ đàn bà hổ báo lao vào nhà ả. Đúng lúc, ả và hắn đang lắp gắp cho nhau. Mụ hất tung tóe một lố giản đơn đang gom góp trên bàn. Ả hứng trọn cái xô nhúi cắm đầu vào cột nhà kèm theo tiếng thét xé không gian:

– Cái con đào mỏ kia? Mày khép mở với ai mặc kệ cha mày. Sao đến chồng bà mày cũng không tha?

Ả bổ ngửa người. Té ra vợ hắn còn sống đâu đã xanh rì cỏ như hắn nói. Lẽ nào lại thế? Ả vẫn còn chưa tin vào tai mình. Cái máu Hoạn Thư của đàn bà quả ghê gớm. Mụ sỉ vả hết nhẽ, moi móc hầm hố hang hốc lên để vò xé. Vết chân răng hằn lên da thịt, máu non rịn ra xanh lè như vết chó táp. Dân xóm Lá được thể kiếm câu chuyện làm quà, góa bụa tằng tịu với thầu cầu đường thành tin sốt dẻo từ đầu ngõ đến tận xó xỉnh chuồng gà. Ngần ấy năm cô quả nay chắp vá cộp cạp những tưởng nên cơm cháo gì. Ai dè chốc lát đã bê bối rối mắt. Thứ già nhân ngãi non vợ chồng nó chóng vánh, ráo hoảnh nhiều khi quá lố.

Cuộc đời ả gói gọn lại chỉ có thế, so với các bà các chị trong làng thì cái cơ sự rình rang ấy xứng đáng được liệt vào hàng dữ dội, cả làng ai cũng biết. Y thấy ghét loại đàn bà ham hố đó. Thiếu thì cũng đã thiếu rồi, ai lại đi rước điều tiếng về làm trang sức bao giờ. Tự dưng y thấy bực mình. Thuốc lào cũng hết nhẵn không vét nổi lại một bi đến là khiêu khích. Y ngấp nghé bờ rào trông sang nhà bên ấy, người đàn bà đã trở dậy.

Trông thấy y, ả bối rối gọi:

– Anh La… m!

Ả gọi tên y nhưng phát âm không rõ. Trên gò má lồ lộ mấy đốm nâu xanh như màu da nám chắc là dư âm của thị phi. Cố gắng lắm y mới nhếch mép lên để hở mấy mẩu răng ra chào ả. Bát nước chè rụt rè đáp xuống mặt bàn. Y nhíu mày quét qua ả, dường như cái dại nào cũng để lại sản phẩm. Ả chửa! Ngụm nước bỏng đắng trong khoang miệng, y hỏi đoàng đoàng như nã cả băng đạn:

– Mấy tháng rồi? Ăn được gì không? Tăng cân hay giảm?  Họ hàng… À không! Bố nó biết chưa?

Ả trừng mắt trát lên mặt y một lớp phấn vô duyên không thể nào cạo mỏng. Y quên mất việc con gì chửa cũng dữ. Đôi mắt đó nói thẳng với y:

– Chồng con gì mà gặng hỏi người ta như thế?

Y thọng mặt như giẻ lau dúng nước, ì ạch kéo ấm ức ra về. Cái kiểu chà dép xoèn xoẹt ấy dễ chừng làm mòn đường chết cỏ. Lớp niêm mạc vốn miễn dịch với đàn bà bong tróc ra trông thật nham nhở. Phải! Chồng con gì chứ? Cũng chỉ là người dưng thôi mà. Vô duyên hết cả phần thiên hạ. Y lủm bủm chữa thẹn để thổi dịu đi nỗi hiềm đang cồn lên xoắn xít. Người ta khổ vì yêu không đúng chỗ còn y khổ vì không còn chỗ để mà yêu. Đời vẫn hay vẩn vơ như thế. Vừa vào đến cổng đã gặp ngay bà cô nhọn mỏ:

– Anh vừa ở đâu về? Thiếu gì mà lân la vào cái xó ấy? Thiên hạ chọc đũa vào nhà mình đến nơi rồi đấy.

Sẵn máu bực trong người y gằn giọng cãi:

– Sốt ruột! Người ta bán thuốc lào, cháu thèm thuốc thế thôi. Cô cứ bới chuyện ra mà nói.

Đã thế bà càng không tha:

– Thuốc lào? Tôi chả tin. Thế thuốc lào ở đây rít kiểu gì? Anh liệu lên lâm trường sớm đi. Ở nhà ngày nào sa bẫy con nhền nhện ngày đó. Mạt phúc mạt vận cũng không đi rước cái kiểu lúng liếng ấy về. Anh nhớ lấy lời tôi.

Lời bà cô phi thẳng vào đống tự ái đang rò rỉ, tức khí y gào toáng lên:

– Lên thì lên! Chừng ấy thôi mà cô nói lắm. Đã có miếng nào đâu mà xúc tiếng đút vào mồm tôi? Và dù cái thằng này có thậm thụt gì thì cũng chẳng việc gì đến bố con nhà nhà nào. Hoa giữa trời chẳng của ai sất. Rõ rỗi hơi! Cứ bới móc, săm soi… có mà nát hết lương duyên.

– Lương duyên gì với cái ngữ ấy? Anh cuốn gói lên rừng cho tôi. Cuốn ngay!

Đuổi thì đi! Mũi nhằm nhặm cay, y hậm hực bẻ cong từng con dốc. Trời sa sầm nét mặt xẹt bung ra những vệt cào xước mặt. Cơn đằng đông đuổi theo sát đít y cũng kệ. Sấm rền vang lôi cổ đám măng rừng nhỏm dậy. Bao lắng lo không biết ở đâu ùa về, kéo hơi thở y dài ra ngăng ngẳng. Giờ này, hẳn ả đã bị bôi trát tèm nhem lên mặt. Thân đàn bà nhỡ nhàng đêm hôm gió máy biết xoay xở kiểu gì. Ai cũng bóng gió xa xôi biết gọi ai cho phải? Đúng thật là… Khi không lại nhớ người dưng thế này? Y trở mình cấu vào lưng chiến hữu:

– Cuối tuần tao có việc cần xuống núi. Mày ở lại bóc nốt xe gỗ này nhé?

– Cần việc gì? Vẽ chuyện! Bê hẳn một tá lên đây đi.

Y tặc lưỡi mượn tạm một lý do:

– Không! Tao về vời thầy cúng cắt phắt duyên với con ma rừng đi. Nó bám dai như đỉa không tòm tem gì được. Bao nhiêu năm chung chạ với gỗ vẫn chưa lợp nổi một mái nhà với ai. Quẩn quanh chỉ một đống gỗ nằm ườn thây ra đợi lột trần… Bói ra ma nhưng thôi cứ thử xem, nhỡ được thì sao?

Nghe thế, anh bạn bật ngửa người:

– Có mà rước quỷ rước ma về nhà, chỉ tổ tốn nước nôi xôi cúng. Thiên hạ hợp tan nhặng xị còn ông chín nẫu cũng chẳng vong nào ám. Thôi! Cờ đến tay ai người đó phất. Cái số ma trơi nó thế. Thế còn ả Mây? Làng sắp lên đây bắt ông về quy án đấy. Họ bảo ông là nhà sản xuất chứ không phải cái thằng sề kia. Ai bảo ngóng ả cho lắm vào. Vì ở đời rất hiếm thằng nào ngu để được tiếng tử tế nên thiên hạ túm cổ ông, bắt cái đầu hói của ông đội mũ. Hiểu chưa?

Y cáu tiết muốn thụi cho thằng lắm mồm mấy phát. Cái mồm hầm hố y hệt lũ chèo bẻo dưới xuôi. Nán lại giường tổ ê lưng, y bỏ ra ngoài đốt thuốc. Đêm đại ngàn ma quái, tiếng bóc tách chọc gốc chui lên của măng làm nỗi nhớ Mây công khai vạ vật, chẳng thể nào nhàn nhạt đi được. Có khi nào Mây chỉ là cơn mưa ảo? Chưa kịp mơn trớn lên gò má đã hóa hơi ngay khi vừa mới lơ lửng lưng chừng trời? Không! Dù Mây có là mưa đậm đặc a xít làm biến dạng thể xác này cũng phải giữ bằng được. Y vơ vội đám quần áo ẩm, cõng trên lưng con dốc chênh vênh xuống núi.

Cả làng mất điện. Đám đàn bà con gái kéo nhau đi lễ những mai kia mới về. Mỗi khi họ hành hương, đàn ông ở nhà lại lắm kẻ mắc chứng mộng du. Ngay cả y cũng không ngoại lệ. Y xắn ống lội ra phía bờ rào, vạch một lỗ nhòm sang bên ấy. Căn nhà lá cửa ngõ tối thui. Có bóng người mò mẫm châm đèn, hơi dầu thư thả nhả hơi. Ả vẫn thế, lại thui thủi như bó củi mắc chứng tự kỷ.

– Cô Mây… Cô Mây ơi!

Y gọi ả như muốn cả làng nghe thấy. Có gì đó nằng nặng đang khấp khởi trên vai.

– Tôi mang cho cô thứ này hay lắm!

Cần gì ả mời, y phăm phăm vào nhà tự nhiên như ruồi nhảy đầm trong mâm cỗ. Ả tựa lưng vào cột nhà, mặt nghệt ra nói với y bằng cái giọng lạnh tanh:

– Anh về đi. Nhà sát vách cũng không thân thiết gì. Anh làm thế người làng chê anh dại, làng này một mình tôi ngu dốt là được rồi.

Nén cái máu tự ái lại, y kéo mắt ả nhòm vào bao tải:

– Cô xem! Toàn măng. Ai bảo chửa ăn măng đẻ con mọc lông chi chít như lại tổ? Đúng là ma nhát không bằng người nhát, có chút hơi rừng vào oắt con sẽ lớn vổng như luồng. Măng nướng chấm muối ớt nhé. Ngồi xuống đi, sao cứ đứng mãi thế?

Ả thả lỏng cơ hàm xuýt xoa ăn thỏa thích. Vết chân chim giãn ra tan vào má. Môi ả hồng, bóng mẩy những đường vân ngơ ngác. Hơi núi rừng miên man lẩn vào dây rốn, đứa bé con đạp túi bụi in cả ngón chân lên bụng mẹ. Cái xác ve vô hồn được tưới tắm bỗng trở nên mỡ màng, hoang dại. Run rủi thế nào, buổi xế chiều cái đầu hói lại được giời ân xá cho một mái tình, đủ cả trâu lẫn nghé. Còn gì dịu dàng hơn khi hai kẻ cô đơn biết bấu lấy nhau giữa cuộc đời. Nghĩ cũng đáng để y mơ một giấc mơ có thật và phải thật dài.

Bảnh mắt y lăng xăng bổ củi, chặt mía, luộc trứng, bới khoai lang… Tất tần tật y tuồn hết qua hàng rào cho ả. Chó chui mãi cũng thành đường tơ lụa. Một lỗ chó chui là cần và đủ để tiếp tế từng chuyến hàng trót lọt, chẳng sợ con mụ nào biết để bới banh ra. Ráng cho măng con làm búp măng non lớn lên giữa rừng đời vậy. Y nở cả buồng phổi cho ý nghĩ vĩ đại đó.

Gió lào gào thét, ông mặt trời hả hê cào muối trên cánh đồng sặc sụa nước. Một đống lim già phơi lưng trần nhẫy mỡ, ban mai giữa đại ngàn càng thêm nóng bỏng. Y dán mặt xuống đất, tiếng người cũng không vực nổi lên.

– Anh Lãm ơi! Ai vác con lên ăn vạ này? Anh ra mà xem! Mau lên!

Tiếng thằng Cai xỏ lá, nó đá đểu mình đây mà. Mặc xác nó!

– Anh Lãm ơi!

Quái! Tiếng đàn bà sao quen lạ? Không lẽ là… Y nhảy nhào xuống gọi toáng lên:

– Ôi Mây! M… ẹ thằng Cai. Sao mày không nói sớm?

Cả lâm trường nháo nhào phát tin hỏa tốc. Mồm thằng Cai rồ lên như máy cưa:

– Bớ làng! Bớ rừng! Ma nữ hiện hình. Ma xách đồ lên thăm anh em.

Trưa hôm ấy, rừng đón hơi hám của đàn bà dưới xuôi. Cả lán múa may quay cuồng cùng xoong cá mắm mặn chát, ngọt thấu cổ họng chui lên. Y say tình cà tưng như trẻ con hóng hớt chuyện người lớn. Thằng Cai rung đùi rầm rập, mồm xoen xoét ra vẻ tâm lý lắm:

– Thôi… để bát em rửa cho, bác dẫn chị đi du hý đi. Nhớ cầm thuổng tranh thủ bẩy măng. Tuy nhiên… bác phải nghe em! Cao thủ không bằng tranh thủ.

Bố thằng ôn con. Vỡ chum đến nơi rồi còn tranh thủ cái nỗi gì? Không mau phắn xuống bếp, lè nhè ông đá lăn xuống suối bây giờ. Chưa bao giờ lâm trường náo loạn đến thế. Cứ như đàn bà ở đâu thì ở đó có chuyện. Ả tản bước thật chậm. Cái bụng võng xuống, rung nhẹ một chút thôi cũng đủ đẻ rơi giữa rừng. Đôi nhân ngãi vô tư rủ rỉ mặc cho lão thông già nhíu mày rên khẽ vì mất máu. Rõ khổ! Cứ đến mùa người ta lại ban cho lão mấy vết chém và cái bát hứng tiết.

– Bụng đã lừng lững thế này còn lên đây làm gì? Đường sá xa xôi, em không sợ đẻ rơi con rồi đặt tên là “Rớt” sao?

Ả sằng sặc cười, phô hàm răng xỉn màu mủ chuối:

– Con nhớ anh! Xa mấy đi mãi rồi cũng đến mà. Anh không vui khi mẹ con em lên sao?

Mùi chua thoát ra từ cái đầu hói trở nên thu hút, ả hờn dỗi rúc đầu vào nách y. Mồ hôi phát rồ lên đọng lại thành vũng rin rít phía dưới cổ. Với cái pha này thì đến lươn cũng phải ngóc đầu dậy thành rắn huống gì con ong đã đến hồi khát mật như y. Nhớ ra điều gì ả liền thò tay vào túi. Ổ bánh mỳ to bằng cái mũ ló đầu ra ú òa:

– Òa! Anh ăn đi? Bánh còn giòn lắm!

Vừa chạm tay, ổ bánh đã cong cớn lên khô đanh lại. Đáp xuống bãi cỏ lập tức hút ẩm dai danh dách, ăn nó có khác nào làm chó nhai giẻ. Nó ghét y, y cũng chẳng ưa gì nó. Làng làm gì có ổ bánh to, ném chó chó chết đến thế? Mình đã gặp ổ bánh này ở đâu rồi? Ở đâu nhỉ… Thôi chết rồi! Tin vào võ đoán của mình, y dựng ngay ả dậy:

– Em lấy bánh ở đâu ra? Cái thằng dê sề mang vào phải không? Quân xỏ lá! Dám vác mặt vào làng nữa à? Em nhận bánh làm gì? Em đói khát hay em chưa dứt tình với hắn?

Ả đỏ rựng lông mày, méo mó phân bua:

– Hắn chết mất xác rồi. Em tự vả vào mặt mình chưa đủ hay sao? Đừng dằn vặt em nữa! Anh không về không biết. Lò bánh mỳ dưới huyện vào làng bán rong. Hai ngàn một ổ, nghĩ trên này không có nên em mang cho anh.

Nước mắt bao giờ cũng là vũ khí tối tân của đàn bà, rất mực lợi hại. Máu trong người điều hòa trở lại, y thấy mình quả không phải:

– Anh sai rồi! Tại anh ghen quá! À Mây này? Mai mốt mẹ tròn con vuông mình lên ở hẳn trên này nhé? Đừng sống ở làng nữa, ngộp lắm!

Làng mà… Ngày nào không phanh thây ruồi ra giải phẫu thì đó cấm phải là làng. Vẫn còn ấm ức, ả bóp mũi không cho y thở.

– Lên đây em biết làm gì? Hay em đưa mắm muối lên bán cho bà con? Năng nhặt chặt bị, cố kiếm chút ít để dành cho con mình đi học.

– Ừ! Sinh xong rồi tính. Lâm trường cũng sắp xây xong dãy nhà tập thể. Sống trên này chưa hẳn lánh được đời nhưng được cái vui khỏe mỗi ngày, chẳng lo bị nóng!

Đôi chim cu đang hì hục đan ổ thì phải gió thằng Cai ở đâu xồng xộc tới:

– Anh Lãm ơi! Về lán mau! Bà gì má hóp hóp, mặt nhòn nhọn lên tìm anh. Bà ấy đang làm toáng lên… vì chuyện gì em không biết. Sao hôm nay, nhiều người tìm anh thế?

Không cần phải về, bà cô lần theo dấu chân thằng Cai đã tìm đến tận nơi. Cái miệng được tỉa vót có khác, nó thon nhọn như chông:

– Á à! Tôi hiểu rồi! Dạo này anh năng về nhà là vì bận nuôi con tu hú. Vì con yêu tinh này mà tất tả ngược xuôi chứ gì? Anh ngu nó vừa vừa thôi. Của nả nào cho vừa quân lơi lả hả anh?

Lời bà cô nghe đến chối tai. Ở đời biết thằng nào hay thằng nào dở. Có chăng chỉ những thằng dám cược dám mất, có gieo có gặt mà thôi. Y cố hãm lại khí nóng đang xung thiên để lựa lời thưa gửi:

– Cô đừng nói thế. Cháu đã nghĩ kỹ rồi. Cá vào ao ai nhà ấy được. Cháu không có con nên trời thương trời cho. Cô đi lễ nhiều phương hẳn Phật cũng dạy con người sống có duyên có nợ, phúc họa luân phiên, phải biết từ bi hỉ xả. Cô làm ơn tác thành cho bọn cháu.

Lẽ thường, mỗi khi đức tin trỗi dậy con người ta tức thì nhũn ra, thế mà:

– Đồ điên! Đàn bà làng này vôi hóa hết cả rồi hay sao? Anh cứ phải bôi trát lên mặt tôi như thế mới thỏa phải không? Con giời đánh, thấy mày bịt mặt xách làn tao đã nghi nghi… Mày có tha cho cháu tao không?

Ả yếu như con sên, bị giằng nhẹ đã ngã tày mông. Y chỉ kịp luồn tay đỡ lấy cái đầu cho khỏi đập vào gốc cây. Bà nhận ra ngay điều không may:

– Mau! Lấy võng gánh xuống viện. Nhanh lên!

Tính ra cũng sắp đến tháng đủ ngày, hộ lý trèo hẳn lên bụng để “hò dô ta”, đứa bé bướng bỉnh vẫn cố thủ không ra hàng. Bác sĩ phát hoảng khi ả lịm người đi:

– Sản phụ tụt huyết áp, xuất huyết ồ ạt. Nhanh lên! Cầm máu mổ gấp!

Truân chuyên bám riết lấy ả lên tận bàn mổ. Con so rồi con rạ, con gì cũng khó. Cái thiên chức vượt cạn ấy không phải ai cũng vượt qua. Đêm trắng. Khói thuốc loang hành lang, y hói đến gáy chỉ còn nước đội mũ cả ngày. Ông trời thích chơi trò ai bất hạnh hơn ai. Người ở lại trơ trọi, xói lở giữa cuộc đời may mắn hơn chăng? Người đến rồi đi chi bằng không đến sẽ không đi. Y thả nụ cười tự do theo làn khói, bao ý nghĩ hiện ra cơ hồ chao đảo.

Gió giật tung cánh cửa, kéo luôn cả bà đỡ đang bận trên người bộ đồ loang lổ máu đi ra. Trông mụ bấn loạn như phải đi đỡ ngay ca khác:

– Còn ngây ra đấy à? Cơm đâu? Cháo đâu? Mang vào để sữa về.

Nói rồi mụ quắn đít chạy không cho cái miệng y được hỏi. Rõ khỉ! Cùng một lúc có cả tá người xách bụng tới đòi đẻ. Ít ra cũng phải nói sữa nào cần về thì mới hết ngây được chứ? Có tiếng rối rít thở phào, tiếng trẻ con non nớt mè nheo lại có cả tiếng sấm đánh vỡ chum vỡ vại. Y lách mắt nhòm qua khe cửa. Bên ngoài, gió vốc lá ném lên cao, trời lại rục rịch…

A painting of a couple of birds

Description automatically generatedTranh của họa sĩ Nguyễn Quang Thiều

Ô MAI GÓT

 

Tý vân vê cái chén, chăm chú nhìn sợi lông mèo bơi lập lờ thì Mao tới. Ra hiệu chủ quán tiếp thêm rượu, y lướt tay đổ đầy hai cái bát tanh mùi lòng. Rượu chao mình nhoài ra khỏi miệng rồi tuột vào lòng bát im ỉm. Cầm bát lên, y nhả giọng:

– Cạn hết. Nói tao biết thằng nào. Tao tặng cho nó vài xiên.

Đâm với xiên, biết nó là ôn vật nào mà xiên với đâm. Gẩy mụn cóc bám trên quả ổi, Tý cho vào mồm cắn. Ổi xanh lè, hắn ném bốp vào đầu con chó mớ ngủ. Chó dựng mõm lên kêu âu ẩu. Mụ Vấn chạy ra muốn ném lại một dây nhưng không dám. Cả làng này ai dám hỗn với hắn, kể cả bố vợ. Mao cố ý đặt chén đánh đạch:

– Mày say rồi. Hết gây với người lại gây với chó.

Tý xô lệch bàn, đứng tuốt dậy. Đời thằng Tý này chưa hề gây với ai chỉ toàn bị gây. Mở mắt ra đã thấy rừng, bốn bề âm âm binh binh. Tối ngày đi đốt than, ăn ở dầm dề với sên vắt. Lớn lên sang Lào đi gỗ rồi đặng số, đặng má từ khi sa vào chiếu bạc. Ra tù về rừng thì gặp Cúc, một ả buôn mật ong.

Cúc mê Tý từ đận chục can mật bị chặn cướp ở cửa rừng. Tý đi đốt tổ ong, gặp chuyện liền vung rựa giải vây. Về sau, ả bám như đỉa néo mông trâu, thứ tình yêu chết tiệt nảy nở rồi lớn ầm ầm. Anh ả ra mé làng dựng gian nhà gỗ, trồng độc ngô với chuối. Ngày tháng cứ âm ỉ trôi cho đến cái đêm Tào Tháo rượt. Tý cần sự đồng cảm, cần cả làng cười hề hề vào mặt mà bảo:

– Đồ ngu! Làm thằng đàn ông lại đi ru đời sau vườn chuối. Mọi giá trị đều có thể thay đổi, một khi đã thay đổi thì không vớt vát gì được. Thằng đàn ông mặc quần thủng đít để vợ no cái bụng chứ nhất quyết không san sẻ vợ mình với thằng khác. Cái áo rách vẫn ấm hơn cái áo da ư. Ấm cái quả đấm! Chỉ có đồ phì độn mới mặc cái áo bị chó nhay mà không biết trét đất lên người…

Phải tìm cho ra thằng mặt đen rồi xử tiếp! Vịn bàn đứng dậy, Tý chỉ về phía chấm sáng hắt qua phên liếp khi ẩn khi hiện:

– Con mặt dày. Nó đỏ lửa, chong đèn như không có gì xảy ra. Tao phải về, vắt nó ra bã.

– Sao đêm qua, mày không vắt?

– Mịa kiếp! Chỉ biết hỏi là giỏi. Tối qua, thằng Tào rủ thằng rượu, hai thằng vắt cho kiệt thì còn sức đâu.

Tý liểng xiểng đi về phía rặng mây có ánh đèn ti hí. Chó quen hơi không buồn nhấc mõm sủa, lẳng lặng vùi mặt vào đống giẻ hôi hám. Đom đóm bé bằng hạt đỗ nay to hơn cái mũ cối, cứ rà rà như đĩa bay tìm nơi đáp hạ. “Cút…!”. Mồm quát. Chân vắt sổ, Tý đi không vấp cục đá nào. Nhà ở kia, hết tròn lại méo, mờ lại đậm. Đi qua đống rơm ềnh àng, mắt Tý cháy rực lên như pháo sáng rồi tắt ngóm. Nhổ lát riềng đã xáp bã trong mồm, Tý cười méo cả con đường lèo xèo gió.

Đi mãi cũng về tới nhà.

Tý ngồi trước vệ thềm có bãi rêu chết khét. Gió tháng bảy thổi rát bờ vai bám đầy đất đỏ. Vườn chuối xào xạc, tàu lá gãy gục còn gượng dậy đung đưa. Cảm giác trơ trọi, xói lở giữa cuộc đời lại ùa về sau ngần ấy năm chết rũ. Một ả buôn mật đã buôn cả cuộc đời một thằng đốt than. Dã man! Đàn bà là cái giống dã man. Ả ngọt như hũ sành ngấm mật vào tận tủy. Tý chỉ là hạng kiến, ruồi vì ham hố mà đắm vào rồi chết. Cái gì ngọt đều chua mồm giống bát nước ngô cho đường, uống vào cứ khe khé ở cổ, re rát mãi.

“Toong!”, Tý nhặt dép ném vào cái can không ở đầu hồi. Ném đau can làm gì. Ném vào con đĩ sau tấm rèm rẻ tiền kia kìa. Không nhịn nổi nữa, hắn rít lên:

– Con đĩ! Mày đâu rồi?

Ả đợi sấm sét bổ đôi đầu nhưng hắn lại không rồ dại lên. Tý bê thúng lạc thư thả bóc. Bóng đèn bị khói quây đặc phả ra thứ ánh sáng muỗi mằn, mụ mị. Không ai nói câu gì mà nhà cửa, cây cối đã rũ rượi, tan hoang. Khuya khoắt, gió thốc qua vườn chuối, vò nham nhở tàu lá khô giòn rụm. Tiếng dế mỏi mòn sau lùm cây tã bã. Ả vấn tóc đi ra. Thấy cái kiểu rượu vào mà vẫn dủng dẳng, ả ngứa mắt ngứa cả mồm:

– Bây giờ, anh tính thế nào?

– Sao cô lại làm thế với tôi?

Câu hỏi theo vỏ lạc rơi xuống, không dép nào dẫm mà vẫn rào rạo như dao cạo rách mép. Trăng ngoi lên trải hơi lạnh khắp khoảng sân thống gió. Ả nhếch mép rồi xổ thẳng ra sân những lời gai buốt:

– Tôi chán… phải sống với một thằng tay trắng, mặt đen.

– Ngày xưa, cô bảo chỉ cần có tôi là đủ.

– Anh cứ thích nói chuyện ngày xưa. Hồi ấy tôi ngu giờ hết rồi.

– Thế rốt cuộc cô cần gì ở tôi?

Hỏi thế cũng hỏi. Ả cần đủ thứ nhưng ả có được gì? Một con buôn đổ đường vào mật để kiếm lời. Mưa hay nắng phải còng lưng cuốc xới ngô, khoai. Làng nước nhìn vào hết mổ xẻ lại dè bỉu. Ả cãi cha, cãi mẹ để được cái gì? Hết vụ này đến vụ khác, trong gian nhà rách nát ả tự bào mòn tuổi xuân, chai lỳ cảm xúc. Củi than nhem nhuốc với tình ư? Câu ca dao đó xa xửa rồi. Ả không đẻ vì nghĩ “rèo rèo” của ả buôn mật với thằng đốt than sẽ lem luốc, đắng nghét như mẻ mật quá lửa. Ả muốn nó phải trắng trẻo, hồng hào như hạt lạc của vụ mùa mới. Hiểu chưa? Tý nhổ hạt lạc ra sàn, xấc giọng hỏi:

– Vậy nên, cô nghĩ có thể sống thế cả đời?

Ả đánh rơi giọt mồ hôi sắc vót. Tý nín thở nhặt lạc mốc vứt ra sàn. Cái gì mốc cũng phải bỏ, kể cả lỡ nhai nát bét vẫn phải nhổ. Nuốt thì móc họng ói ra, cố nuốt chỉ chuốc khổ vào người. Chưa thấy vụ lùm xùm nào ở làng êm ru đến thế. Chưa thấy thằng đàn ông nào lại bình tĩnh hơn cả bình thường cỡ đó. Lẽ ra, đêm qua Cúc đã bị chôn sống hoặc chí ít mặt cũng xoay đều như đĩa hát. Sự bình thản của hắn làm ả thấy sợ.

Ả từng xem phim về một gã bác sĩ già bị cắm sừng. Gã đã lần lượt dọn dẹp tất cả, cô vợ là mẻ rác cuối cùng. Cách thức rất tởn dị. Gã xẻo bay mông bà mẹ vợ béo tốt, thái mỏng mợt đem nướng trên bếp không khói, cuộn kèm rau xà lách để chống ngán. Tới gã nhân tình bị xén hai hạt mít đem nấu canh rong biển để dưỡng nhan cho vợ. Không tê, mê gì gã lẹm sạch mộng, mí đưa gương cho ả soi. Cô ả thất kinh lao vào bồn nước sôi vặn sẵn, chết bỏng.

Nghĩ tới đó, mặt ả vón lại còn một dúm như bi thuốc len vào nõ điếu. Ánh mắt thất thần bấu lấy bậu cửa hằn lại những vết xước nham nhở. Trông ả như xà ly hiện thân mỗi khi trăng tròn lên đến nóc ngôi mộ vắn số. Nhướt nhát và tanh tưởi. Đá rổ lạc vào gầm giường, hắn ra bàn làm bi thuốc. Đóm rơi vào bô, ẩm không đốt được. Sẵn cơn hắn chửi luôn đời chết dẫm đến ruốt bi thuốc cũng phá đám. Nhìn chiếc giường đẫm hơi nhộn nhạo Tý càng đổ gắt:

– Nhà nghỉ đầy ra. Sao lại ở đây?

– Nó thích ở đây.

– À ra thế. Nó đã quay lại chưa?

– Nó sang Lào rồi.

Làng này có cả lố thằng khăn gói sang Lào, biết nó là thằng chó nào. Tý vò nát nắm vỏ lạc, đau đớn hóa đờm cứ dờn dợn nơi cuống cổ. Tý dẩu cổ lên để khạc thì trận gió lạc mùa ở đâu nhào tới ép hắn phải nuốt cục đờm đặc như sữa Ông Thọ vào bụng. Cảm giác buồn nôn theo hắn bạc bợt suốt đêm dài.

Gió gào thét vắt khô dúm râu ngô vừa ló, chói chang dát vàng thêm lũy tre phờ rạc. Tý bê cơm nguội ra đầu giếng. Muôi cho vào mồm, muôi rải cho gà. Quả cà pháo bào rát cổ họng, bọt mép tứa ra trông hắn đờ đẫn, đói khát như chó vào mùa dại. Nắng xiên qua vạt lá xót xảy. Tý vác cuốc ra ruộng. Thấm mệt, hắn ngồi bệt xuống trảng cỏ bị bò liếm. Trời trong. Mây trôi bâng khuâng rồi mỏng dần, tan vào nền trời mặn khăn khắt. Ở trên đó, hẳn lão trời đang hả hê lắm, trông lồng lộng thế cơ mà. Lão cười cứ cười đi rồi hắn sẽ không chửi “mẹ kiếp” nữa đâu mà chửi “mẹ trời”. Và hắn chửi thật:

– Mẹ trời! Se duyên cái kiểu gì. Se như con cờ ấy.

Gió táp vào cái mõm hỗn hào, hất hắn bổ ngửa. Tại sao, hễ gặp chuyện gì ai cũng lôi “trời” ra để quở? Nghĩ đến đó, hắn bật dậy mắt mở to hết cỡ. Đúng rồi! Đêm nọ, thằng chó đẻ đó đã để lại một câu. Nó nói:

“Ô mai gót!”.

“Ô mai gót” là cái cuốc mẻ gì? Lẽ ra, lúc đó nó phải gọi “Ôi làng ơi? Ối cha mẹ ơi! Cứu với…” mới phải chứ? Hay đó là loại phương ngữ mới du nhập vào làng. Ai như mụ Vấn đang tới gần. Tý sấn lại chắn lối.

– Tôi hỏi cái này. Bà có biết “ô mai gót” là gì không?

– Tôi đi chăn bò từ bé, tiếng Việt chưa biết hết sao hiểu được tiếng Tây?

– Ô mai gót là tiếng Tây?

– Nghe cũng đoán được là tiếng Tây.

– Bà đoán mò, chắc gì đã là tiếng Tây.

– Tôi chắc chắn là tiếng Tây. Tránh ra. Chú đừng lâu nhâu nữa.

Manh mối vừa lóe lên đã tắt phụt. Rốt cuộc câu nói đó phọt ra từ mõm thằng nào? Ai chả nói được câu đó. Với cách nói hắn nghe được, tên đó hẳn có trình độ ngoại ngữ rất cao siêu. Ả ngủ với Tây chăng? Tây “ba lô” vẫn đạp xe qua đường mòn phía sau rừng keo. Vô lý! Tây vào làng lúc nào? Tây có chui vào xó xí, làng cũng biết mà mách. Không phải Tây thì là ta mà phải là ta có học, không làng nhàng xách chục chữ để rơi mười chữ được. Đừng có nói là… Còn ai vào đây nữa, đích thị là một thằng giáo. Tý vứt cuốc chạy về nơi có tiếng trống ùng ùng, rốt ráo vào hàng nước.

– Bác biết hết giáo viên dạy tiếng Tây ở cái trường này không?

– Biết hết. Chú muốn học à?

– Không. Bác có hiểu “ô mai gót” là gì không?

– Là “lạy chúa tôi” hoặc “ôi chúa ơi”.

– Sao bác biết, hay vậy?

– Ôi dào… Phim ảnh nói cả ngày. Ai theo đạo Thiên Chúa thì nói luôn mồm.

Manh mối lại đứt đoạn trở nên manh mún. Tan tầm, lũ trẻ tràn ra đường dàn hàng ba hàng bốn. Tóm được đuôi xe, Tý bắt thằng cu Hiển tấp vào bãi cỏ:

– Vào đây. Vào viết giúp tao cái này.

– Dài không chú?

– Không dài. Tao đọc nhé: “Ô mai gót”.

“Ô mai gót” viết ra là “Oh my god”. Bố khỉ! Cả đời rúc xó núi biết cái “mũi lõ” hình gì? Hết mở rộng, khoanh vùng Tý muốn chết não vì ai cũng như ai. Chán đời, hắn đi thẳng vào nhà thờ, tìm tới phòng xưng tội. Cha đạo mạo lại gần bức vách, nhỏ nhẹ hỏi:

– Con có điều gì muốn thưa với chúa? Ngài sẽ lắng nghe, thấu hiểu, tha thứ, ban phước lành, cứu rỗi con.

Giọng cha xứ trầm ấm luồn qua ô cửa nhỏ có vách ngăn hình nan hoa. Tý nghĩ bụng, không ngờ chúa lại vạn năng đến vậy, hèn gì ai gặp sự gì cũng cầu đến chúa. Vậy chúa hẳn biết thằng ôn vật đó là ai? Biết thế, vào hỏi chúa ngay từ đầu. Có điều, cha xứ đâu phải là chúa. Cha nghe hết chuyện có đưa tin như mấy mụ chèo bẻo trong làng không? Tý ngập ngừng:

– Tôi có chuyện cần chúa giúp đỡ.

– Chúa ban ánh sáng khắp muôn nơi. Con sẽ tìm ra lối đi và nơi cần đến. Hãy trải lòng, con sẽ tái sinh.

– Thế còn cha? Cha ở đây làm gì?

– Ta được chúa cử đến. Ta là đôi tai của chúa.

– Không! Tôi cần gặp chúa. Chỉ có chúa mới hiểu để giúp tôi. Ngài ấy sắp về chưa? Tôi có thể đợi…

– Chúa hiện hữu trong trái tim của mỗi chúng ta. Ngài không đi đâu cả. Ngài ở trên cao, với vườn địa đàng của mình.

Cha nói thế thì Tý không vân vi nữa. Chấp tay lên bàn quỳ, Tý thành tâm kể ra nỗi khổ.

– Cha ơi! Tôi đến đây không phải để xưng tội. Tôi muốn chúa vạch mặt kẻ đã ngủ với vợ tôi trên chiếc giường của mình. Tôi đã tìm hắn trong vô vọng. Chúa nhân từ xin hãy chỉ điểm giúp tôi.

– Con muốn trả thù sao?

– Không! Tôi chỉ muốn biết, nó là thằng nào.

– Sao con không học cách buông bỏ? Biết được rồi con sẽ làm gì?

– Không làm gì cả! Rốt cuộc, chúa có chỉ giúp tôi không?

– Chúa nhân từ. Ngài tha thứ mọi lỗi lầm, chỉ lối cho trái tim yếu đuối.

Cha nói đúng. Yếu tim thì nhìn gì cũng tối tăm, mờ mịt. Gió sấy giòn chân tóc, Tý muốn về dội mấy gáo cho hạ nhiệt. Lối mòn dẫn về hồi nhà cỏ héo queo, mương nước rốc rác. Cá chết trầy vảy, cảnh thê lương như năm xảy ra hạn hán. Có tiếng “min khơ” bành bạch đỗ trước cửa, nghe cũng đoán được ai tới. Ả Cúc le te chạy ra, hứng trọn luồng khói hôi mù. Gạt khói, thị gọi to:

– Anh Mao!

– Thằng Tý đâu?

– Anh ơi! Em sợ lắm! Nhỡ nó lên cơn, giết hết cả nhà thì sao?

– Em yên tâm. Nếu giết, nó đã giết rồi.

– Nhưng, lạ lắm. Nó đang mưu mô việc gì ấy.

– Anh nghĩ, nó không biết… Có lẽ, đêm tối quá.

Tý giật lấy đoản rựa dắt ở vách lao ra sân. Mụ mái nhảy ổ chưa kịp đẻ phi xuống chạy bạt mạng. Mặt đái ra máu, Mao hoảng hốt hỏi:

– Mày làm gì thế?

– Thằng chó! Hóa ra là mày.

– Mày nói gì, tao không hiểu!

– Mày với nó, khốn nạn với tao.

Mao, Cúc ngồi dưới bụi chuối thấp tè. Chân nhũn. Mồm á khẩu. Tý lăm lăm con rựa, phân vân chưa biết chặt lũ gian dâm ra làm mấy khúc. Chặt bét rải xuống ao làm mồi cho cá thì nhẹ quá. Cứ xin cái thủ cấp đem bêu ở cổng làng có khi lại đe được khối đàn bà đĩ. Nắng hầm hập. Tý lên cơn dại khiến cả làng náo loạn. Mao khẩn khoản cầu xin:

– Mày hiểu nhầm rồi. Mày phải tin tao.

– Tin mày, bao giờ mới hết ngu?

Tý miết dao khắp người, vừa mài vừa ngửa mặt lên trời tạ ơn chúa. Nhờ có chúa hắn đã biết “tin bạn mất vợ” là có thật. Cả làng đua mồm can, Tý càng hăng máu. Câm hết đi, đừng làm thằng này điếc nhĩ. Tý vung dao. Lão Om mếu máo:

– Thằng Tý giết người rồi.

Mụ Chanh nghe thế, ngất. Mấy mụ hổ báo nhất làng sổ cả ruột ra cổ. Một cảnh tượng tan nát, vùi dập. Tý chặt trụi vườn chuối. Ốc sên vỡ nhà chết dưới nắng, ruồi bâu ba lớp. Còn chút hơi, lão Om thều thào:

– Anh muốn gì?

– Tôi muốn, bọn nó lấy nhau. Không lấy, tôi giết hết.

Tý chỉ thẳng dao vào cái lò nặn ra Mao, Cúc. Làng đừng mơ quét được thằng ngáo này nếu tụi nó không vào một rọ. Thích thì cưới nhau đi, khỏi phải vừa đái vừa dòm. Ý Tý đã quyết, đố ai dám cãi.

Cả làng ới nhau đi dự đám cưới Mao, Cúc. Tý mượn hội trường xóm mở tiệc linh đình, loa đài ỏm tỏi từ tối hôm trước. Cúc hơn hớn như lần đầu xuất giá còn Mao ngồi im, chốc cười lấy lệ. Lão Om ốm nhũn chiếu không ra nổi, mỗi mụ Chanh ngồi đờ một đống. Huy “MC” xin xuống dưới kiếm vắt xôi vì chưa dẫn đám nào kỳ cục như thế. Không ai dẫn thì để Tý. Chả biết học lỏm từ bao giờ hắn dẫn như đúng rồi. Bà con, cô bác ai nấy đều muốn ngoác mồm ra cười mà không dám vì chả biết tâm trạng Tý lúc này thế nào. Có khi, hắn đã thủ sẵn rựa dưới gầm bàn, đợi thấy ai không vừa mắt là “phát”. Ai cũng huých nhau gắp nhanh, gắp sạch để còn về. Tý chưa say, dân làng đã rục rịch lủi về. Chợt trong đám đông nhốn nháo vẳng lên tiếng Tây, ta lẫn lộn. Tý chỉ thẳng cái rựa về phía cổng:

– Ai? Ai vừa ô mai gót?

Không ai bảo ai, làng mệnh ai nấy chạy. Lân trốn lẹ. Tý vác rựa rời đi. Hoàng hôn xuống sớm hơn mọi khi. Đám cưới tan tác chỉ còn lũ chó với đống xương vương vãi. Làng đồ hai thằng đã lên đỉnh “Phu Xai” quyết sống mái một phen, hãy cá xem thằng nào vác con rựa vấy máu trở về.

Năm đó… Tý sa vào chiếu bạc của dân buôn gỗ. Ai chả biết, bài bạc là may rủi nhưng cái may của một thằng vừa tập tọe chơi lại là sự sỉ nhục với Lân. Y thấy buốt như bị hùm, beo cào vào hạ bộ. Lộc bất tận hưởng, Lân bắt Tý bỏ lại phí rủi ro để nếu bị úp còn có cái lo lót. Tiền chẳng là cái xơ mít gì to tát. Một thằng ăn hang ở hốc có tiền cũng chả để làm gì. Tý ghét là ghét bọn xỏ lá bịa ra luật để cướp. Tý thời đốt hết cho khói um lên, mỗi thằng hít một tý cho nở phổi.

Tý hơ qua, hơ về như các bà đốt vía. Ngứa mắt, Lân muốn bọc tiền muốn cả mạng của Tý. Khi mũi lê trờ tới ngực Tý thì “phặt”, ngón tay Lân đáp xuống bãi lá. Máu me nhoe nhoét, Lân gào như mất cả cuộc đời. Đau chứ gì? Mày hét đi. Hét to vào. Hét bé thế, sao át được cơn đau? Tý bình thản lấy rựa xới đất, tìm nơi yên nghỉ cho ngón tay có chiếc nhẫn tỳ hưu màu bã trầu. Lão Điền tới cứu giá, ngón tay bốc mùi ươn không cách gì nối lại. Cái tên Lân “bốn ngón” có từ dạo đó. Tý đi tù. Một thằng đốt than, mặt nhọ vẫn hoàn nhọ.

Sẩm tối, Tý áp sát cái lán thưng bằng vách nứa, bốn bề là rừng gió đang vào độ nẩy lá, một trận gió lào khiến lá càng khát cháy. Chiếc xe bán tải đỗ sát bụi căng gai, gần đó suối chảy rì rạch như dao mài lên đá. Tý nhòm qua lỗ nứa, lán không có ai ngoài lão Điền với lái xe. Trên vách, bức ảnh Đức mẹ Maria hiền từ sưởi ấm gian lán quạnh quẽ. Thấy Lân hớt hải đi vào, Điền thả điếu xì gà vào cái tráp bằng gỗ trầm, thủng thẳng hỏi:

– Đám cưới thằng Mao có to không?

– Bố! Con bị thằng Tý truy sát.

– Mày làm gì mà nó đòi giết?

– Con nói “ô mai gót”. Nói có thế, nó vác dao rượt.

– Mày nói thế làm gì?

– Nói cho vui. Ai biết nó ghét câu đó.

– Dẹp đi. Tối nay, gỗ đi qua hẻm núi, tao có linh cảm xấu. Mày bảo, đổi hướng đi lối hang dơi.

Ván chót này có hạn gì thì cả nút đi đứt. Cả một đời giết rừng sẽ chết vì bị gỗ đè. Xì gà cháy hết nửa thì có tin báo, gỗ bị thổ phỉ cướp sạch. Một toán thổ phỉ người Lào chuyên săn trầm, giết người như ngóe. Hang dơi, con đường giúp lão làm vua gỗ đã bị lộ.

– Oh my god!

Điền tru lên như sói bị dồn tới mép vực. Vào thời khắc bấn loạn nhất, lão vẫn nhả âm gió rất chuẩn, nhẹ nhưng hết sức khẩn thiết. Điền vốn không sùng đạo. Một con chiên nửa vời tự tạo lối sống như có chúa dẫn dắt. Kỳ thực, lão vẫn quen mồm rú gọi chúa khi gặp những pha rối ren giống phim Mỹ. Thấy diễn viên ôm đầu kêu, Điền cũng kêu, lâu dần lão bị quen mõm không bỏ được. Cái đêm, bị Tý bắt gặp lão buột mồm viện tới chúa nhưng sức mạnh giúp phi thân qua hàng rào là nỗi sợ bị Tý cắt lưỡi ném cho chó.

Tý không biết dạo gặp Cúc ở chợ, Điền rơi cả mắt vì sửng sốt. Một thằng đốt than lại rất biết khai khẩn đàn bà. Lão cười sằng sặc: “Mày dám xin ngón tay thằng Lân thì tao ngủ với vợ mày. Coi như huề cả bọn. Cả đời này, mày đừng mong mặt hết nhọ”. Mao dẫn Điền tới cà kê với Cúc. Tý cứ lành như đất, không nhận ra sự thay đổi của vợ. Kể ra, Mao làm chú rể cũng chả oan, ả Cúc chỉ là lộc lá do lão Điền cắt lại.

Chiếc bán tải vội vã rời đi, bỏ lại gian lán với ánh đèn vàng või. Cả đêm, Tý ngồi chống rựa tự thấy đời “rựa rạ” không hợp với làng, càng không hợp với đàn bà. Chi bằng về núi đốt than sống lại quãng đời du dật, lành như sợi tơ con nhện vẫn đánh đu, dão quá thì đứt. Đời cứ óng nhẫy như than thế mới khoái.

Mây lội qua ngọn rừng xơ xác. Trời vừa hưng hửng lại xám ngoét màu thịt trâu chết rét. Tý xách rựa, cứ thế nhè lối mòn dẫn lên núi mà đi.

16/1/2022

 Trang Thụy

Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tam Lu nghiêng trời

Tam Lu nghiêng trời Trương Thu Hiền đã xuất bản ba tập bút ký: “Đoản khúc cho quê”, “Độc bản”, “Hoa báo mùa sang”. Ngôn từ của chị đẹp, gi...