Khi con người cố tình chọc giận tự nhiên
Trong tiến trình lịch sử hàng nghìn năm của nhân loại,
có ba hiện tượng diễn ra trong những thời điểm có thể là song trùng, có thể là
khác nhau nhưng đều được coi là sự bất thường nhất mang tính thảm họa đối với mỗi
quốc gia và có thể là trên phạm vi toàn cầu. Đó là chiến tranh, thiên tai và dịch
bệnh. Chiến tranh là do con người tự chọc giận lẫn nhau. Còn thiên tai và dịch
bệnh là do con người chọc giận tự nhiên.
Cuốn tiểu thuyết “Nalis xô dạt bờ định mệnh” của nữ
nhà văn Thương Hà viết về một trong ba thảm họa đó đã và đang diễn ra ngày càng
phức tạp hơn, kể từ đầu năm 2020 cho đến thời điểm hiện tại, cuối năm 2021 và
chưa biết đến khi nào mới có thể kết thúc ở nước ta cũng như trên phạm vi toàn
cầu: Đại dịch COVID-19.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 19/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 256.579.261 ca nhiễm virus SARS- CoV-2 gây bệnh COVID- 19, trong đó có 5.151.367 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 231.750.217 người. Còn tại Việt Nam ta tại thời điểm này cũng đã có hơn 1.070.000 ca nhiễm, với 23.476 người tử vong.
Bên cạnh đó, còn có vô số những thiệt hại vật chất mà nó gây
ra như kéo lùi sự tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia, cũng như trên phạm vi
toàn cầu, làm đảo lộn cuộc sống của người dân, mất cân bằng an sinh xã hội, nơi
bệnh dịch đi qua là những cái không thể nào cân, đong, đo, đếm được. Cũng tương
tự như chiến tranh và thiên tai, sau mỗi lần đại dịch đi qua, thường để lại
không ít những di chứng tâm thể không chỉ đối với những người đã bị nhiễm bệnh
được điều trị khỏi, mà ngay cả với những người không bị lây nhiễm cũng thực sự
mang trong mình những sang chấn tâm lý không hề nhỏ và chưa biết đến khi nào mới
có thể hoàn nguyên trạng thái tinh thần bình thường được. Điều ấy nói lên tính
chất phức tạp và nguy hiểm của Đại dịch COVID-19.
I. Nalis và cái giá con người phải trả
1. Cuốn sách dày hơn 400 trang, gồm 40 chương được Nhà xuất Bản
Hội Nhà văn ấn hành năm 2021, đã đặt ra những vấn đề khá thú vị về cả hai khía
cạnh. Một là, thực tế đời sống và cái giá phải trả của người dân Việt Nam và
toàn thế giới trong khoảng hai năm Đại dịch COVID-19 tràn qua. Hai là, về góc độ
lý thuyết về lý luận – phê bình văn học trên bình diện trường phái, trào lưu,
phương pháp, dòng văn học ở nước ta trong nhiều năm trở lại đây.
Trước khi đọc cuốn tiểu thuyết này, tôi đã đọc một số truyện
ngắn, thơ, tản văn, bài báo của nhiều người khác nhau. Tuy cùng viết về chủ đề
phòng, chống COVID-19, nhưng cách tiếp cận của mỗi người là khác nhau. Trong phạm
vi bài viết này, tôi tự giới hạn chỉ bàn về cuốn tiểu thuyết “Nalis xô dạt
bờ định mệnh” của nhà văn Thương Hà vừa mới được Nhà xuất bản Hội Nhà văn
cho ra mắt độc giả 11/2021.
Câu chuyện kể về một tổ công tác chuyên ngành về an ninh mạng
và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và một phần cuộc sống gia đình của
Đại tá Liêm trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19 ở nước ta, từ đầu năm 2020
đến cuối năm 2021. Nhưng tư tưởng chủ đề xuyên suốt cuốn sách là cuộc đấu tranh
sinh tồn không khoan nhượng và ngày càng gay gắt, khốc liệt hơn tưởng chừng như
không có hồi kết giữa con người và giới tự nhiên qua nhân vật đại diện cho con
người là Thành và đại diện cho giới tự nhiên là Nalis – một trong số những con
virus đang gây ra thảm họa đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu.
Câu chuyện bắt đầu được khai mở từ khi tổ công tác của Thành
phát hiện trên mạng internet có một blog mang nickname “Mèo đêm” luôn cảnh báo
về giới hạn và những sai lầm của con người từng mắc phải mà không phải lúc nào
họ cũng có thể hiểu biết, ý thức được giới hạn và những sai lầm ấy một cách đầy
đủ. Bằng một giọng trung tính, è è, không phải nam, cũng không phải nữ, được
phát đi đều đều, rất khó nghe mỗi khi Thành và cộng sự truy cập vào blog “Mèo
đêm”:
“Không biết bằng cách nào mà ta xuất hiện trên trái đất này.
Nhưng ta đã đến rồi đây!
Người anh trai Nolak từ 15 năm trước đã gây nên một đại dịch
chấn động. Thật đáng tự hào. Chúng ta cũng vì thế mà nở mặt nở mũi hơn trong cộng
đồng. Có biết bao các anh em virus tồn tại mà còn chưa được đặt tên. Thế mà người
anh của ta lại khiến cho thế giới rơi vào một đại dịch lớn. Số người chết được
thống kê nghe đâu cũng kha khá. Cái lũ chưa có tên họ kia nhìn mà ghen tị.
Thế nhưng con người vẫn kiểm soát được cái đại dịch ấy. Ừm! Kể
ra thì lúc đó ông anh của ta cũng chưa phải mạnh lắm. Chỉ là đến có hơi bất ngờ
nên con người trở tay không kịp. Cho dù tốc độ lây lan vẫn chưa mạnh mẽ lắm,
nhưng ít ra cũng làm con người hoảng sợ một phen. Hay lắm!
“Nalis đương nhiên không thể đi theo vết xe đổ ấy. Ta phải
gây ra một cơn thảm họa cho toàn nhân loại. Lũ con người sẽ trở tay không kịp.
Chúng sẽ chẳng thể ngăn nổi sự lây lan mạnh mẽ của Nalis. Chúng cũng sẽ không kịp
sản xuất vắc-xin để chống lại Nalis. Thứ mà chúng có thể làm, chỉ là chạy theo
giải quyết những hậu quả sau đó.
Con người, hãy chờ đấy! Chỉ cần các ngươi mất cảnh giác,
Nalis sẽ nhấn chìm thế giới này. Nalis cho các ngươi một lời cảnh cáo! Ta sắp tới
rồi đây”. (Chương II).
… “Chắc các ngươi sẽ muốn thử trải nghiệm cảm giác bị phong tỏa
chứ nhỉ?!
Nào nào, chỉ vài khu dân cư thì đã là gì?! Phải phong tỏa cả
thành phố mới vui chứ?! Ta thấy các ngươi cũng đâu có biết sợ. Đừng lo! Chính
các ngươi sẽ mang bệnh dịch này đi khắp nơi. Đúng vậy! Không ai khác. Chính là
các ngươi đấy, nhân loại ạ! Để ta tính xem sẽ có bao nhiêu khu bị phong tỏa
nhé. À không đúng! Phải tính xem có mấy cái thành phố bị phong tỏa chứ! Để ta
đoán xem ở đâu sẽ bị phong tỏa đầu tiên nhỉ? Châu u?! Mỹ? Hay mấy nước
Đông Nam Á? Thật háo hức nhìn loài người. Hãy nhìn cái đám người đi chơi đi du
lịch kia mà xem. Chắc các ngươi không biết Nalis cũng đang cùng các ngươi đi biển
leo núi ấy nhỉ?!
Không sao! Chỉ cần các ngươi trở về thành phố, tiếp xúc với
các nhiều người hơn nữa, bệnh dịch lại đến thôi”… (Chương VI)
2. Ban đầu, nghe những điều Nalis nói trong blog “Mèo đêm”,
dưới con mắt của nhóm công tác, Thành và các cộng sự cảm thấy những phát ngôn
này hình như là luận điệu của một “thuyết âm mưu” hay một “thế lực thù địch”
nào đó, chứ chưa bao giờ họ nghĩ rằng đấy là tiếng nói trung thực nhất của giới
tự nhiên. Vì mọi người nghe không giống như giọng điệu và ngôn từ của các
phương tiện thông tin đại chúng chính thống, mà netizen quen gọi là “báo lề phải”,
nên càng thêm nghi ngờ.
Bìa sách “Nalis xô dạt bờ định mệnh” của Thương Hà.
Vậy là, chính từ sự khó nghe và đáng ngờ đó đã khiến nhóm
công tác của Thành quyết tâm đi tìm cho ra bằng được ai là người đã đưa ra những
phát ngôn có vẻ như “phản động” ấy. Thành và các cộng sự của anh đã rất vất vả,
tốn nhiều công sức và cần có cả sự giúp sức của Chi, em gái Thành và Thủy (chị
họ của Chi, hiện sống và làm việc ở Nhật) để đi tìm. Cuối cùng họ cũng tìm ra
được một trong số những IP của blog “Mèo đêm”. Đấy chính là một cô gái đã bị
Nalis xâm nhập vào cơ thể, có nếp sống lập dị, ăn ở bẩn thỉu, hôi thối, luôn sống
ẩn mình trong bóng tối và không biết tự bao giờ cô ta đã bị biến thành kẻ phát
ngôn trung thành nhất cho hắn ta.
“Giọng nói è è vang lên, âm hưởng tựa như tiếng trả lời của tự
nhiên. Không gian mờ mịt lại dần rơi vào tĩnh lặng. Tiếng quạt o o từ nơi xa xa
rồi lại lan dần ra như kéo nó về hiện thực. Đôi mắt lõm sâu vẫn nhắm nghiền.
Trong đầu vang lên những tiếng nói không biết là của ai.
“Đây là cuộc chiến của chúng ta, của thiên nhiên với con người.”
“Chúng ta cũng là một phần của thiên nhiên này.”
“Chúng ta cũng cần được tôn trọng.”
“Chúng ta không phải công cụ của con người.”
“Đây là cuộc tấn công mang tính toàn cầu. Không phải ở riêng
bất kỳ đất nước nào.”
“Con người đừng mong trốn thoát.”
“Nalis sẽ bao phủ cả thế giới này.” (Chương 15)
“Con người ạ, các ngươi có biết không?
Cái đáng sợ trên thế giới này không phải Nalis, cũng không phải
dịch bệnh hay thiên tai. Cái đáng sợ nhất trên thế giới này là lòng tham của
con người đấy. Chính lòng tham trở thành liều thuốc đắng mà uống vào là loài
người sẽ diệt vong. Đó chính là sự tham lam vô độ cái gọi là bá chủ địa cầu.
Thiên đàng hay địa ngục, ngạ quỷ súc sinh đã tàng ẩn bên trong mục nát về tâm hồn.
Một loại tâm ma vô độ đang ngự trị giữa một hành tinh xanh đang dần kêu khóc từng
ngày. Hãy tha cho chúng tôi.
Nếu có một ngày thế giới này biến mất, con người chết hàng loạt,
đó không phải tại dịch bệnh, cũng chẳng phải tại Nalis. Tất cả là vì sự ích kỷ
của con người các ngươi.
Hãy thức tỉnh đi!” (Chương 17)
Đấy chính là giọng nói của chủ blog “Mèo đêm” cô gái có tên
Nguyên Linh. Và nhóm của Thành cũng đã phát hiện ra blog “Mèo đêm” không phải
chỉ là của một người, mà là của một nhóm người, nhiều người và cũng không phải
chỉ có mặt ở một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào, mà nó có mặt trên khắp thế giới.
Nhà văn Thương Hà ở Hà Nội
3. Trong quá trình tìm kiếm sự thật đằng sau những điều mà chủ
blog “Mèo đêm” đã nói ra, Thành và các cộng sự bắt gặp nhiều cảnh tượng trớ
trêu đến đau lòng khi bệnh dịch bủa vây nhiều tỉnh, thành phố. Ngay sau khi
phát hiện ra những người bị F0, họ hô hoán nhau đi truy vết và tầm soát những
người có liên quan trực tiếp gọi là F1 và những người liên quan, tiếp xúc với
F1 gọi là F2. Thế là tất cả đều bị đưa đi cách ly tập trung ở những nơi không
có đủ điều kiện chăm sóc y tế và thiếu thốn đủ mọi thứ phục vụ cho đời sống
sinh hoạt hàng ngày. Tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung vì
thế mà ngày càng diễn biến phức tạp và trầm trọng hơn. Thêm vào đó là những ức
chế tâm lý do bị giam nhốt trong khu cách ly lâu ngày đã khiến hàng chục ngàn
người không đủ sức để vượt qua, phải chấp nhận sự ra đi vĩnh viễn, đỉnh điểm có
ngày lên đến trên ngàn ca, không có đủ quan tài chôn cất, hỏa táng cũng không kịp.
Sự ra đi vĩnh viễn của họ cũng đồng nghĩa với việc bỏ lại hàng ngàn đứa trẻ mồ
côi cầu bơ cầu bất cho cộng đồng, xã hội. Vậy là xem ra những nỗ lực của con
người chẳng thấm vào đâu. Tình hình dịch bệnh thực tế đã mất kiểm soát ở nhiều
tỉnh, thành phố như Bắc Giang, Bắc Ninh, thành phố Hồ Chí minh, Bình Dương, Đồng
Nai, Long An… nơi có nhiều khu kinh tế công nghiệp, mật độ dân cư đông.
Và đây là một trong những cảnh tượng đau lòng, nhưng thực sự
gây xúc động đối với người đọc:
“Người giao hàng đi đến bên ngoài hàng rào, nhìn cô bé con mới
năm sáu tuổi đang đứng chờ ở đó. Vốn muốn đưa cái hũ cho người phụ nữ trung
niên nọ nhưng cô bé thấy người ta xách cái hũ thì đã đưa tay ra muốn nhận lấy.
Người giao hàng hơi bối rối, liếc mắt qua nhìn người phụ nữ trung niên bên cạnh.
“Cậu cứ đưa cho nó một cái đi.”
Trong giọng nói của bà không nén nổi đau lòng. Cô bé con cũng
không lên tiếng, chỉ vươn tay ra để cẩn thận đón lấy cái hũ từ tay người giao
hàng. Vốn con bé còn muốn cầm nốt cái hũ còn lại nhưng người phụ nữ bên cạnh đã
nhanh hơn mà đón lấy. Bà cúi đầu nhìn cô bé con rồi nhẹ giọng bảo.
“Nặng lắm! Con ôm một hũ đi. Để dì ôm đỡ một cái.”
“Ba má con. Để con ôm.”
Cô bé con vẫn kiên trì nhìn cái hũ trong tay bà, sự kiên trì
của con bé khiến bà không cầm nổi nước mắt. Không lay chuyển được cô bé con, bà
đành đưa cái hũ cho nó, chỉ sợ con bé ôm không được mà làm rơi mất. Thế nhưng
cô bé con mới năm sáu tuổi lúc này lại mạnh mẽ đến kì lạ. Nó ôm hai cái hũ màu
xanh, chầm chậm đi về ngôi nhà đang mở cửa sẵn. Bà dì đi bên cạnh nó, cẩn thận
nhìn hai cái hũ trong lòng nó, chỉ sợ nó cầm không được hoặc vấp chân ngã.
Thành nhìn theo bóng cô bé, ma xui quỷ khiến mà đi theo họ.
Cô bé ôm hai cái hũ cẩn thận đi vào trong nhà. Nó đứng giữa nhà ngơ ngẩn một hồi
rồi cẩn thận đặt hai cái hũ xuống. Ngồi xuống bên cạnh, con bé cứ thế ngẩn người
nhìn hai cái hũ màu xanh. Thành lúc này cũng lờ mờ đoán được hai cái hũ ấy
chính là hũ tro cốt của bố mẹ cô bé. Cậu từng nghe Chi nói về việc giao tro cốt
đến tận nhà bởi người chết vì dịch bệnh quá nhiều mà lại không thể tổ chức tang
lễ. Thế nhưng khi
tận mắt nhìn thấy cô bé kia chạy ra nhận tro cốt, cậu mới thật
sự cảm nhận được
sự tàn khốc của đại dịch này”… (Chương 27)
4. Tất nhiên, những cảnh tượng, thời khắc như này không
hiếm gặp trong mùa Đại dịch COVID-19 kéo dài gần hai năm trở lại đây ở những
thành phố lớn, các khu kinh tế, khu công nghiệp, nơi tập trung đông người và cả
ở những nơi ý thức người dân chưa cao, sự hiểu biết về bệnh dịch chết người này
còn hạn chế, nên dẫn đến tâm lý chủ quan trong khai báo y tế, không thực hiện
nghiêm khuyến cáo 5K của bộ Y tế làm dịch bệnh lây lan nhanh chóng trong cộng đồng,
trong khi người dân thì cứ dài cổ ra để chờ vaccine, nhưng đâu có.
Cùng với đó là nhận thức của không ít cán bộ chính quyền ở
nhiều địa phương thời gian đầu còn lúng túng và thiếu hiểu biết về bệnh dịch
nên dẫn đến việc đưa ra những quyết định cứng nhắc, nóng vội mang tính chất mệnh
lệnh hành chính và công tác điều hành rối như canh hẹ. Chủ yếu người ta sợ
không chấp hành nghiêm yêu cầu phòng, chống dịch của cấp trên, sợ bị
kiểm điểm, phê bình nên có những địa phương mỗi ngày ban hành một chỉ thị, văn
bản hướng dẫn, thậm chí có ngày ban hành hai ba văn bản chỉ thị. Nhưng cơ bản
là cứ thấy có người bị F0, F1, F2 đều bắt đi cách ly tập trung.
Cả phố, phường, xã, huyện, thị xã thậm chí là cả tỉnh, thành
phố chỉ có vài ba người dương tính với virus SARS-CoV-2, nhưng chính quyền địa
phương đã ra lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội tuốt tuồn tuột, theo tinh thần “nói
không với COVID-19” mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sau này đã nói,
trước khi ban hành Chỉ thị 128 thay cho các Chỉ thị 15, 16, 19 đã ban hành trước
đó. Các khu cách ly thường được bố trí trong một không gian đóng kín, chật hẹp
tạo cơ hội cho quá trình lây nhiễm chéo ngay tại khu cách ly, phong tỏa ngày
càng cao, khiến dịch bùng phát ngày càng nhanh và kéo dài.
Lẽ ra, trước nguy cơ bệnh dịch lây lan nhanh trong cộng đồng
thì điều đầu tiên cần phải nghĩ đến là kéo giãn mật độ dân số ở những khu vực
có đông dân cư sinh sống, thì người ta lại làm ngược lại, “cách ly tập trung”,
tức là nhốt tất cả con bệnh nặng và con bệnh nhẹ cùng với người khỏe mạnh vào
chung một chuồng. Rồi sau đấy, chả ai làm gì cả!? Vật tư y tế, thuốc men thiếu.
Cơm ăn nước uống hàng ngày không đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng. Không ai được đi
đâu, làm gì. Sản xuất hoàn toàn đình trệ. Sống trong những khu cách ly dã chiến
dưới trời nắng nóng có hôm lên tới trên dưới 400 C, nước uống không đủ, đến khí
giời để thở cũng còn bị đặc quánh không thở nổi. Người ta đã ôm hàng trăm, hàng
ngàn người kéo dài đến 3-4 tháng trời như thế, ai không nhiễm bệnh cũng đã là một
kỳ tích. Trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh nền chịu sao nổi, cứ thế mà kéo
nhau đi chầu Diêm vương ngày một nhiều hơn.
5. Và hậu quả tất yếu là một cuộc di dân tự do không khác gì
chạy loạn thời chiến tranh. Từng đoàn người ồ ạt tháo chạy về quê, bất chấp mưa
nắng và những hệ lụy về dịch bệnh, tai nạn, cướp bóc có thể xảy ra trên đường.
Hàng trăm, hàng ngàn người từ già đến trẻ, người nhiễm bệnh lẫn người khỏe mạnh
từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An… đổ về các tỉnh
miền Tây và miền Trung Tây Nguyên, thậm chí còn lan tỏa đi khắp cả nước. Có những
người mất việc làm hàng nhiều tháng nay không có thu nhập đã phải cuốc bộ hàng
trăm cây số để về quê. Người khá giả hơn thì đèo vợ và đứa con thơ 15 ngày tuổi
trên chiếc xe máy cà tàng vượt cả ngàn cây số để tháo chạy. Đã thế, trong hành
trình tháo chạy thoát thân này, họ còn phải vượt qua hàng chục chốt kiểm dịch của
các địa phương giăng ra theo mệnh lệnh của chính quyền, với hàng chục, hàng
trăm câu chuyện trên đường đi dở khóc, dở cười ra nước mắt.
Và một điều tất yếu không thể nào tránh khỏi nữa đã và đang xảy
ra là cả những người nơi tuyến đầu phòng chống dịch hàng năm trời, từ lực lượng
y tế, chính quyền địa phương, thanh niên tình nguyện, bộ đội, công an… không ai
dám chắc là mình không bị Nalis tấn công. Mà ở đây chính là cô gái thuê ở trọ tại
một khu chung cư của Hà Nội có nickname “Mèo đêm”, Chi và Thành đều đã từng bị
Nalis tấn công và dẫn dụ.
II. Những vấn đề về đặt ra
1. Đã lâu lắm rồi và có thể là chưa bao giờ tôi được đọc một
cuốn tiểu thuyết như thế này của văn chương Việt Nam. Hay hay không, tôi chưa
bàn đến vì còn tùy thuộc vào địa vị xã hội, hệ hình thẩm mỹ, trình độ học vấn
và văn hóa, năng lực thẩm thấu văn bản tác phẩm, sở thích… của mỗi người đọc
trước khi họ đưa ra phán quyết cuối cùng.
Còn với tôi, đọc “Nalis xô dạt bờ định mệnh” của
Thương Hà bằng cả hai tư cách: Một là bạn đọc thông thường để thưởng ngoạn cái
hay, cái đẹp và cả những cái chưa hay, chưa đẹp (nếu có) mà tác phẩm đem lại;
Và hai, với tư cách là “Nhà lườm nguýt chuyên nghiệp” (Chữ dùng của
thần đồng thơ Trần Đăng Khoa tặng tôi), đọc tác phẩm với mong muốn có thể tìm
kiếm được một cái gì đó góp phần vào mảng chuyên môn mà tôi đã và đang theo đuổi
từ lâu.
Với những người tinh ý một chút thì không quá khó để có thể
nhận ra “Nalis xô dạt bờ định mệnh” là cuốn tiểu thuyết được nữ nhà
văn trẻ Thương Hà thể hiện theo phương pháp của dòng văn chương “Hiện thực
huyền ảo” (Magic realisme). Đây là dòng văn chương ra đời ở Mỹ Latinh vào
thập niên 60 của thế kỷ XX, với cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Trăm năm cô
đơn”, năm 1975, của nhà văn Gabriel Garcia Marquez, người Colombia. Tác phẩm đã
đoạt giải Nobel Văn học năm 1980.
2. Người đầu tiên đưa ra thuật ngữ “Magic realism” (Chủ nghĩa
hiện thực huyền ảo) thuộc về nhà nghiên cứu nghệ thuật người Đức là Franz Roh.
Thoạt kỳ thủy, ông dùng thuật ngữ này vào năm 1925 để chỉ về trường phái hội hoạ
của chủ nghĩa biểu hiện ở các nước châu u với ý nghĩa để khu biệt và
đối lập với các trường phái “Gothic style” (phong cách cổ điển) và trường phái
“Romanticism” (chủ nghĩa lãng mạn) đang rất thịnh hành ở cựu lục địa này. Còn
trong văn học thuật ngữ “Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” (Magic realism) còn có
nhiều cách dịch khác nhau như “Chủ nghĩa hiện thực thần kỳ”, “Chủ nghĩa hiện thực
bí ẩn”, “Chủ nghĩa hiện thực huyền diệu”, “Chủ nghĩa hiện thực ma mị”… nhưng đều
mang ý nghĩa khu biệt và đối lập lại với “Chủ nghĩa hiện thực phê phán”
(Critical Realism) và “Chủ nghĩa lãng mạn” (Romanticism).
Nhưng mãi đến năm 1948, nhà phê bình văn học nổi tiếng Uslar
Retri (người Venezuela) sau khi đọc và phân tích một số truyện ngắn Mỹ Latinh,
ông nhận thấy tính chất tổng hợp lạ thường giữa cái hiện thực và cái huyền ảo,
bí ẩn, ma mị nên đã đưa ra phán quyết như này: “Đó là cái không thể gọi bằng
từ nào khác ‘Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo’.”
Bà Auor Ocampo, một nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng, người
Mexico không những đã đặt cơ sở cho văn học sử mà còn đặt cơ sở cho sinh lí học
của “Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” (CNHTHA). Trong một tham luận, bà đưa ra những
lời xác nhận của các bác sĩ thần kinh, tâm thần về vai trò chủ yếu của giấc mộng
trong hoạt động cơ thể, rằng “giấc mộng là một trong những nhịp điệu chủ yếu
của hoạt động sống”. Từ đó bà đi đến kết luận: “cả chủ nghĩa siêu thực lẫn
CNHTHA đều nảy sinh trên mảnh đất của nó, đều là biểu hiện tính hiện thực của sự
tồn tại con người. Khác nhau ở chỗ, chủ nghĩa siêu thực phù hợp với cái vô thức
của cá nhân và tư tưởng Sigmund Freud còn CNHTHA thì phù hợp với cái vô thức tập
thể và tư tưởng triết học của Carl Jung”
Còn nhà nghiên cứu văn học Antonio Bravo (người Peru) nêu lên
tám bộ phận hợp thành của CNHTHA gồm các nhân tố:
1. Niềm tin: người ta tin vào một cái gì đó mang tính
siêu nhiên, nó giao kết với tín đồ. Sự giao kết ấy là cái kì diệu (niềm tin của
nhà văn, của người đọc và của nhân vật vào cái kì diệu ấy). Và 2. Cảnh
vật, lịch sử, các sự kiện được bao phủ bằng tấm màn bí ẩn huyền diệu”.
Antonio lại chia chúng ra ba phần: 1. Phong cảnh môi trường
huyền bí; 2. Nhân vật (trong đó có các phẩm chất, đặc tính như: Có những phẩm
chất siêu nhân; Có hành động khác thường; Những người quan sát cái kì diệu và
những người có niềm tin vào cái kì diệu. Và 3. Những sự kiện phi thường. Và ông
cho rằng “Trong tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn”, thi pháp thời gian nghệ thuật thể
hiện một tâm trạng đợi chờ lo lắng khắc khoải một tương lai không rõ buồn vui sắp
đến”.
3. Tuy nhiên với nhiều người chỉ cần phân biệt được ba dòng
(trường phái, trào lưu, phương pháp, khuynh hướng) văn chương về cơ bản giống
và khác nhau như thế nào là tạm ổn.
“Chủ nghĩa hiện thực phê phán” (hay nghiêm ngặt) là dòng văn
chương ra đời ở châu u từ thế kỷ XIV, gắn liền với phong trào Phục
hưng văn hóa của lục địa này. Dòng văn chương này thiên về mô tả, phản ánh cái
hiện thực đời sống như nó vốn có đã và đang xảy ra trước mắt chúng ta bằng các
giác quan trực giác, mà sau này như Đại văn hào M. Gorky đã từng nói về dòng
văn chương này, đại ý: Nhà văn là con mắt của thời đại. Tác phẩm văn chương là
tấm gương phản chiếu của thời đại ấy.
“Chủ nghĩa lãng mạn” ra đời ở một số nước châu u,
từ giữa cuối thế kỷ XVII. Dòng văn chương này thiên về biểu đạt cái mình thích,
muốn, cái mình cần có theo con mắt chủ quan của người nghệ sĩ, mặc cho những
cái ấy có hay không có mặt trong hiện thực đời sống của con người, thậm chí là
không tồn tại như một cái có thật bao giờ.
Còn “Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” là thông qua việc mô tả,
phản ánh cái hiện thực như nó vốn có, đã và đang diễn ra trong đời sống của con
người, ngõ hầu đi tìm kiếm những suy tư, chiêm nghiệm, phán xét về một cái hiện
thực khác cũng đã, đang và sẽ tồn tại trong đời sống của con người, nhưng lại
không thể nào có thể dùng các giác quan trực giác thông thường của con người để
xác định một cách chắc chắn và chính xác rằng nó chỉ là cái này, mà không phải
là cái khác.
Sở dĩ tôi cần phải dài dòng đôi chút như vậy vì không ít bạn
đọc Việt Nam ở trong nước dường như còn ít quan tâm tìm hiểu “Chủ nghĩa hiện thực
huyền ảo” như là một dòng đặc trưng của nền văn chương khu vực Mỹ Latinh so với
nền văn chương của các nước u – Mỹ và các nền văn chương Châu Á –
Thái Bình Dương. Theo tôi, đấy có thể là một hạn chế, rào cản đáng kể đối với
không ít người khi tiếp cận với các tác phẩm văn chương được viết ra theo
phương pháp “hiện thực huyền ảo”.
4. Trở lại với tiểu thuyết “Nalis xô dạt bờ định mệnh” của
nữ nhà văn Thương Hà, sau khi đọc xong, chúng ta có thể hình dung ra có hai chiều
(tầng, lớp, vỉa, cấp độ) hiện thực đang song trùng diễn ra trước mắt mọi người.
Đó là hiện thực cuộc sống trong quãng thời gian gần hai năm từ
đầu năm 2020 đến cuối năm 2021, mà người dân Việt Nam cũng như toàn thế giới
đang phải oằn mình ra chống lại đại dịch COVID-19, do virus SARS-CoV-2 gây ra,
mà ở đấy không có sự phân biệt về quốc gia, dân tộc, thể chế chính trị, đảng
phái, tôn giáo, chế độ xã hội, sắc tộc, vùng miền… bởi một lẽ giản đơn Nalis –
một trong số những con virus gây ra đại dịch này, không quan tâm, không cần biết
và cũng không thể nào phân biệt được những gì mà con người đã, đang và sẽ làm bằng
mọi cách để có thể loại bỏ chúng ra khỏi đời sống xã hội của con người.
Bên cạnh đó, còn có một hiện thực thứ hai sau khi Thành bị
nhiễm Nalis dẫn đến hôn mê sâu: “Không gian tựa như một hồi luân chuyển. Cảm
giác nặng nề toàn thân cậu dần dần biến mất. Vốn đầu cậu đau như búa bổ, nặng
trịch không thể cử động thì lúc này lại dần trở nên nhẹ nhõm. Thân thể cứng đơ
như rơi vào đầm lầy lúc này đột nhiên lại thấy nhẹ nhàng khoan khoái. Xung
quanh không còn những âm thanh thân quen kia nữa. Tiếng gọi của người thân cũng
theo đó mà biến mất. Thành không biết chuyện gì đã xảy ra, cũng chẳng biết mình
đang ở nơi nào. Cậu chỉ cảm thấy sự thay đổi này thật kì lạ.
“Dậy đi!”. Một giọng nói è è không phân biệt được là nam hay
nữ vang lên bên tai. Cậu không biết mình đã nghe thấy âm thanh này ở đâu, vừa
quen vừa lạ. Thế nhưng tiếng nói ấy cũng không thể đánh thức cậu tỉnh dậy được.
Cho dù cảm giác nặng nề đã biến mất, Thành thấy mình chưa thể kiểm soát lại được
bản thân. Cậu cũng rất muốn mở mắt ra. Thế nhưng cái cảm giác hư vô không chân
thực này khiến cậu không thể tỉnh lại được. “Nhanh lên, tỉnh dậy đi.” (Chương
24).
Và bắt đầu từ đây Thành dấn thân vào một hiện thực mới. Cái
hiện thực mà trước khi bị Nalis tấn công, xâm nhập vào cơ thể, Thành không biết
chắc nó có tồn tại hay không. Nhưng quả quyết đấy vẫn là hiện thực. Có điều ở
hiện thực thứ hai này, Thành chỉ có thể cảm nhận và suy tư về nó, chứ không bao
giờ có thể sờ mó hay cân, đo, đong, đếm được. Bởi lẽ, mọi việc diễn ra với anh
lúc này đi đâu, làm gì đều do Nalis sắp đặt và dẫn dụ. Anh bước vào một thế giới
mê dụ, đầy huyền ảo, nhưng cũng không kém phần lãng mạn và thú vị trong quá
trình đi tìm lời giải cho câu hỏi, đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục diễn biến như
thế nào và bao giờ mới kết thúc.
Thế là, Thành đã được Nalis đưa đến một ngôi đền thờ cổ đại
Hy – La. Những cảm nhận đầu tiên đã khiến Thành hoang mang vì không biết mình
đang đi đâu, về đâu và để làm gì: “Không gian rộng lớn bao phủ trong làn
khói dày đặc. Thành cúi đầu nhìn xuống dưới chân mình. Cảm giác như cậu đang lơ
lửng trên không trung. Hai chân không hề chạm mặt đất mà chỉ thấy một mảng khói
trắng xóa đang bảo bọc lấy chính mình. Cậu không biết mình đang ở đâu, cũng
không biết vì sao mình lại ở đây. Có lẽ đây chỉ là một giấc mơ, hoặc là một
chuyến du hành trong tiềm thức. Một cảm giác không thật nhưng lại không biết
nên làm thế nào để tỉnh dậy khiến Thành hoang mang”… (Chương
24).
Những nơi mà Nalis đưa Thành tới là một không gian hiện thực
huyền ảo khác lạ, trong lành và thi vị là cái anh lại hoàn toàn có thể cảm nhận
được: “Không gian rộng lớn bao phủ trong làn khói dày đặc. Thành cúi đầu
nhìn xuống dưới chân mình. Cảm giác như cậu đang lơ lửng trên không trung. Hai
chân không hề chạm mặt đất mà chỉ thấy một mảng khói trắng xóa đang bảo bọc lấy
chính mình. Cậu không biết mình đang ở đâu, cũng không biết vì sao mình lại ở
đây. Có lẽ đây chỉ là một giấc mơ, hoặc là một chuyến du hành trong tiềm thức.
Một cảm giác không thật nhưng lại không biết nên làm thế nào để tỉnh dậy khiến
Thành hoang mang”… (Chương 24).
5. Không biết có phải vì được điều trị cách ly kịp thời và
chăm sóc y tế trong bệnh viện, cùng với sự phục vụ chu đáo ân tình của mẹ Lan
và em Chi, mà Thành được phiêu bồng trong một không – thời gian cực kỳ tĩnh lặng,
nguyên khôi như tự nhiên vốn có của nó. Bệnh tình của anh vì thế có vẻ như ít bị
trở nặng hơn. “Cậu vừa đi vừa ngắm nhìn thảm thực vật dưới chân mình. Cảm
tưởng như cậu đang được xem những thước phim của chương trình phim tài liệu về
thiên nhiên vậy. Những cánh rừng rậm trải dài. Các loài muông thú sống trong rừng,
làm phong phú một thế giới tự nhiên muôn màu”…
“Đi qua một cánh rừng bất tận, không gian đột nhiên lại bị
bao phủ bởi một lớp sương mù dày đặc. Thành không biết chuyện gì đang xảy
ra, chỉ thấy cái bóng vẫn đang tiến về phía trước. Cái bóng không nói chuyện, cậu
chỉ có thể tiếp tục đi theo nó để không bị mất dấu”.
“Làn khói trắng bao phủ lấy xung quanh, mỗi lúc một dày. Có
lúc cậu cảm tưởng như mình sẽ bị nó nuốt chửng thì lại thấy cái bóng mập mờ ở đằng
trước. Thành cố gắng chạy về phía trước. Qua một hồi, làn khói lại một lần nữa
tan ra. Khung cảnh xung quanh một lần nữa biến đổi. Lúc này cậu không còn lơ lửng
trên không nữa mà đã được bước xuống mặt đất”.
“Con đường dưới chân là một con đường đất đỏ, không hề được
trải nhựa cũng không hề được gia cố gì. Nó mang theo cái vẻ hoang sơ của rất
nhiều thế kỉ trước, cậu đã từng nhìn thấy cảnh tượng này ở đâu đó trước đây. Đó
là trong một chương trình lịch sử, cũng có thể là trong một cuốn sách nào đó mà
cậu vô tình đọc được. Thế nhưng lúc này đây, Thành cũng chỉ có thể tự buồn bực
với cái trí nhớ ngắn hạn của mình. Cũng bởi là dân IT, Thành không thường hay
chú ý đến lĩnh vực văn học lịch sử. Có vài thứ cho dù đã xem qua nhưng bởi vì
không để ý nên chẳng nhớ rõ”.
“Chầm chậm đi theo cái bóng vào bên trong ngôi đền, Thành ngẩng
đầu quan sát kiến trúc bên trong. Ngôi đền rộng lớn được xây dựng không có nhiều
phòng mà là một khoảng rộng lớn với những cây cột chống cùng trần nhà cao vợi.
Nhìn kỹ các bức tường, Thành nhận ra những hình thù được điêu khắc trên đó đều
là những hình vẽ ghi lại sinh hoạt của người dân cổ đại cùng những hình vẽ kỳ
lạ, có liên quan đến truyền thuyết các vị thần được thờ phụng của
người cổ đại. Cậu không quá hiểu rõ về nó nên chỉ có thể đoán một chút về điều
đó”
“Đây là ngôi đền thờ các vị thần cổ đại. Nó không thờ riêng một
vị thần nào hết, mà thờ tất cả các thần của thiên nhiên”…
“Đám người Ai Cập tự tạo ra một vị thần là con người rồi hợp
nhất nó với thần mặt trời. Thế nhưng ngôi đền này không phải của Ai Cập. Nó là
ngôi đền của người cổ đại với tất cả các vị thần của thiên nhiên. Thần mặt trời,
thần mặt trăng, thần sông, chiến thần”…
“Đám người Ai Cập tự tạo ra một vị thần là con người rồi hợp
nhất nó với thần mặt trời. Thế nhưng ngôi đền này không phải của Ai Cập. Nó là
ngôi đền của người cổ đại với tất cả các vị thần của thiên nhiên. Thần mặt trời,
thần mặt trăng, thần sông, chiến thần,…” (Chương 24).
Bỗng dưng Thành chạm vào những vấn đề thực sự hóc búa, mà từ
trước tới giờ anh và các cộng sự trong tổ công tác chưa bao giờ nghĩ tới: “Mà
lúc này, khi Mèo đêm ở trước mặt các thần lên án loài người, đây sẽ là một
phiên tòa xét xử xem loài người trước những tội ác của mình.
“Ta thừa nhận, trong quá trình cải tạo thiên nhiên ấy, con
người đã gây ra những điều ảnh hưởng đến thiên nhiên. Thế nhưng không phải
chúng ta không có hành động sửa sai.”
“Thế nào là hành động sửa sai? Những kẻ mang danh bảo vệ
thiên nhiên ở đâu khi mà những cánh rừng ngày một thui chột. Giết chóc bắt bớ động
vật quý hiếm làm món ăn lập dị của con người. Khí hậu ngày càng biến đổi thất
thường, hàng ngàn mảnh rừng bị đốt, bị chặt phá bừa bãi, các loài động vật tuyệt
chủng mỗi lúc một nhiều? Đó là những thứ các ngươi gọi là gìn giữ và bảo vệ
ư?”. Thấy Thành im lặng, nó lại càng cao giọng hơn như muốn định tội luôn con
người vậy”.
“Các ngươi không chỉ phá hoại thiên nhiên. Các ngươi còn lợi
dụng tự nhiên để tàn sát đồng loại của chính mình. Đó là cái các ngươi cho là lẽ
thường sao?” (Chương 25).
6. Cũng chính trong cuộc phiêu du ở miền huyền ảo của thế giới
hiện thực thứ hai này, Thành đã được Nalis đưa đi mục sở thị một đại công trường
của tập đoàn xuyên quốc gia chuyên sản xuất vaccine giả ở một nước ngoài Việt
Nam, mà trong thế giới hiện thực thứ nhất Thành chẳng bao giờ có được cơ may
như thế: “Cái mà cậu không tưởng tượng nổi đó là một tập đoàn xuyên quốc
gia đang thao túng việc này. Không chỉ là Việt Nam mà còn là rất nhiều các quốc
gia khác. Có lẽ chúng không thể tấn công hết vào các quốc gia phát triển. Thế
nhưng chỉ cần ở đâu có sự nghèo đói, có sự thiếu hiểu biết, có sự tham lam và
mong muốn trục lợi, chúng đều có thể đánh vào đó để kiếm ra được lợi nhuận khổng
lồ”…
Các vùng biên giới, vùng núi ít người cũng là mục tiêu mà
chúng nhắm đến. Và rồi liệu sẽ có bao nhiêu người tiêm phải những mũi vaccine
giả này? Và liệu rằng thứ vaccine giả này có gây nguy hại gì cho con người hay
không? Cậu cũng không biết. Chỉ biết rằng khi sự thật này được phơi bày ra, có
lẽ không chỉ là một vụ án được đưa ra ánh sáng, mà nó còn phơi bày ra mặt tối của
con người. Những bộ lòng thối rữa từ bên trong, chỉ vì cái lợi trước mắt mà sẵn
sàng gây nguy hại cho xã hội”. (Chương 30).
7. Có lẽ mọi chuyện sẽ được sáng tỏ hơn khi mà Thành đã được
cậu bé (thực chất là hình hài khác của Nalis) dẫn dụ đến một miền hiện thực huyền
ảo khác. Đấy chính là ngôi đền mang tên “Tịnh tâm”, được xây bằng đá Ngọc Cẩm
thạch. Nơi ấy có “Mẹ linh hồn” đang ngồi chờ anh. Trước khi đến gặp “Mẹ linh hồn”, “Thành
phát hiện trước mắt là một ngôi đền được xây dựng ở trên cao bằng đá trắng. Bao
vây lấy nó là một không khí trong lành tinh khiết. Những làn sương mờ ảo trước
đó đã không còn nữa. Thay vào đó được bao phủ bởi ánh sáng vàng ấm áp, dễ chịu.
Cậu không biết đó là ánh sáng bao phủ nơi đây hay nơi đây chính là nơi phát ra
thứ ánh sáng ấy. Dù sao thì loại cảm giác thoải mái ấy cũng khiến tâm cậu bình
lặng hơn rất nhiều… Kiến trúc ngôi đền với những cây cột lớn được điêu khắc với
những hình thù giống như đầu chim hình người mà cậu đã từng nhìn thấy những
hình điêu khắc này ở đâu đó. Thành hơi nhíu mày rồi chợt nhận ra, có vẻ như nó
giống với những hình ảnh trên tường ở ngôi đền thờ cổ đại lần trước Nalis dẫn cậu
đến”…
“Khác với cảm giác của ngôi đền cổ đại kia, nơi này không
mang một vẻ uy nghiêm khiến người ta phải cúi đầu. Nó giống như một tuyệt tác
nghệ thuật để người ta chiêm ngưỡng, cũng như thưởng thức. Phía trước những bậc
cầu thang cao ngất là hai bức tượng đá thật lớn điêu khắc hình thân thú mặt người.
Giống như cách mà người ta tạo ra tượng nhân sư, bức tượng này cũng mang một
khuôn mặt người cùng với phần thân thú đang phủ phục xuống trước thềm cầu
thang. Tựa như nó đang lẳng lặng canh giữ cho sự bình yên nơi đây” (Chương
32- 33).
8. Thoạt kỳ thủy, khi con người chưa xuất hiện trên trái đất
này đã từng có một tự nhiên “tự nó”, tồn tại trước và ngoài chúng ta theo một
trật tự và quy luật vận hành cũng hoàn toàn tự nhiên. Từ khi loài người xuất hiện
và nhất là khi có học thuyết Mác – Engel, con người mới ngày càng nảy sinh tham
vọng “cải tạo tự nhiên”, biến “cái tự nhiên tự nó” thành “cái tự nhiên cho ta”.
Trong tiến trình đó, con người càng ra sức cải tạo tự nhiên bao nhiêu, càng phạm
phải nhiều sai lầm bấy nhiêu, mà chính tự nhiên, đại diện là Nalis và “Mẹ linh
hồn” đã từng không ít lần đưa ra cảnh báo là chính họ đã vượt quá giới hạn, biến
con người thành kẻ thù đối lập lại với tự nhiên vốn có của nó. Trong khi đó,
mãi mãi con người dù siêu đẳng đến mấy cũng chỉ là một phần, một bộ phận của tự
nhiên. Bởi lẽ sẽ không và không bao giờ con người lại có thể nâng nhấc mình lên
và ra khỏi cái rốn của bảo mẫu, Mẹ – Tự nhiên được. Chân lý quá giản đơn là vậy,
nhưng phần lớn con người đều không thể nhận ra. “Tựa như mẹ linh hồn đã
nói. Bất kì sự vật nào trong thế giới này đều có linh hồn. Không chỉ con người
hay động vật mà cây cỏ, hoa lá, mặt đất hay núi sông cũng đều có linh hồn của
nó. Mà virus hẳn nhiên cũng có linh hồn của riêng mình. Điều khiến Nalis trở
nên đặc biệt hơn những sự vật khác là bởi nó có khả năng bày tỏ suy nghĩ của
mình như một con người, sử dụng ngôn ngữ của con người để giao tiếp với con người,
sử dụng hình hài của con người để làm những việc mà con người có thể làm. (Chương
34).
Và khi con người sử dụng nó (tự nhiên) như một vũ khí để gây
chiến với nhau, có vẻ như chính Nalis cũng từng cảnh báo cho con người về một đại
dịch lớn sắp xảy ra. Có vẻ như chính nó cũng không chủ đích gây ra đại dịch
này. (Chương 34).
Đến đây, câu hỏi Đại dịch COVID-19 sẽ còn diễn biến như thế
nào và bao giờ nó sẽ kết thúc, tựa hồ như đã có câu trả lời tùy thuộc vào thái
độ ứng xứng của con người với tự nhiên, chứ hoàn toàn không phụ thuộc vào một
cá nhân, tổ chức hay quốc gia nào đấy, mà là của tất cả chúng ta.
III. Tạm kết
Tuy nhiên để có thể chuyển tải thông điệp mang tính vĩ mô và
cực kỳ phức tạp như thế này, nhà văn Thương Hà đã có một sự lựa chọn khôn ngoan
về loại thể: tiểu thuyết và phương pháp thể hiện: hiện thực huyền ảo. Nếu như
không dùng phương pháp “đồng hiện” (một thủ pháp của nghệ thuật điện ảnh) mà
các nhà hiện thực huyền ảo thường sử dụng, thì thật khó có thể đạt được hiệu quả
mong muốn. Phương pháp hiện thực huyền ảo cho phép nhà văn hoàn toàn có thể tự
do để tưởng tượng và sáng tạo, có thể lồng ghép, đan xen một cách kỳ diệu giữa
các chiều thời gian: quá khứ – hiện tại – tương lai và các chiều không gian bất
định giữa thực và ảo. Với một vấn đề vừa cụ thể mang tính thời sự nóng hổi của
đời sống con người và xã hội, vừa khái quát triết học, tôn giáo và tâm linh
cao, vừa thực lại vừa ảo, vừa khẳng định những cái có thực trong đời sống đang
diễn ra hằng ngày trước mắt mỗi chúng ta, vừa giả định như là những điều có thể
xảy ra trong tương lai của loài người, nếu được thể hiện bằng phương pháp hiện
thực nghiêm ngặt thì cùng lắm cũng chỉ đem đến cho công chúng một cái nhìn có
tính chất phê phán hơn là những suy tư cần thiết để tự cân chỉnh hành vi của
mình trước tự nhiên ngay và luôn hôm nay.
Đáng tiếc là trong đời sống văn chương nói chung và tiểu thuyết
nói riêng của nước ta những năm gần đây chưa có nhiều những tác phẩm như này.
Liệu đây có là tín hiệu đáng mừng cho một khuynh hướng văn chương hướng ra thế
giới hiện đại của các cây bút trẻ thế hệ 8X, 9X của văn chương Việt Nam.
Chúc mừng nhà văn Thương Hà và hy vọng sẽ được đọc nhiều
hơn tác phẩm của chị.
15/1/2022
Đỗ Ngọc Yên
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét