Thứ Ba, 24 tháng 12, 2024

Văn sĩ làng

Văn sĩ làng

Cả làng, cả xã hội gọi y như thế. Mà tự thân; y cũng ngầm kiêu hãnh với cái danh hiệu văn sĩ. Tên cúng cơm của y là Nguyễn Văn Sĩ. Bình thường ra thì cái tên đó có khác gì với cơ man người Việt có họ và tên đệm là Nguyễn Văn. Song với y thì khác, y đã nhiều lần nhẩn nha cắt nghĩa cái tên của mình rằng Văn Sĩ là kẻ sĩ văn chương, và như thế cả tên y có hàm ý là kẻ sĩ văn chương của họ Nguyễn. Đã có lần y bảo rằng: “Theo cách phân chia dân chúng thành Tứ dân như xưa là sĩ, nông, công, thương thì đây vốn thuộc dòng sĩ”. Người làng thấy y nhận vậy cũng cho rằng có lý, bởi trước đây, ông nội y có biết chút chữ nghĩa nên giữ chức trưởng bạ, tức là quản lý ruộng đất của làng mấy năm. Nhưng mới thế thôi thì cũng chưa đủ gọi y là văn sĩ, mà còn bởi y đã từng có bài đăng báo và y cũng đã từng tuyên bố hùng hồn sau những cơn say khướt là y sẽ dấn thân vào sự nghiệp viết lách cho đến tận lúc tan thành bụi cát. Qủa là y đã có bài đăng báo, không phải một lần mà nhiều lần.
Cơn cớ gì dẫn dắt y dính vào cái nghiệp cứ tự dày vò tinh thần và thân xác này? Số là thế này, trước đây y học hết cấp hai rồi đi thanh niên xung phong. Cái ý tưởng trai thời loạn của y không thành bởi vì y bị lé mắt phải nên người ta không lấy y vào bộ đội. Mấy năm sau y trở về với vết thương phần mềm nên không được hưởng chế độ gì. Dù sao thì y cũng có chút công lao, địa phương xem xét cho y giữ chân kế toán đội sản xuất. Được vài vụ thì y mắc tội chữa sổ sách để tham ô mấy tạ thóc nên bị bãi miễn.
Thế là y chẳng còn nghề gì ngoài việc theo đít trâu. Trong tứ dân thì nông, y đang làm nhưng lại không muốn làm; còn công thì y không biết tí gì; thương thì y không có vốn và không có gan; vậy chỉ còn cách là y làm sĩ. Một lần, tình cờ một mảnh báo cũ nát gói miến do vợ y mang từ chợ huyện lọt vào tay y, y xem và thấy ở đó một bài viết về tổ thanh niên xung phong gan dạ san lấp hố bom giữ vững giao thông thời chiến tranh. Xem rồi, y nghĩ, cứ như mô tả thì hồi ấy y an nhàn hơn họ nhiều, song viết ra như thế thì không mấy khó, y có thể bịa ra những câu chuyện tương tự, thậm chí còn gay go và ác liệt hơn cũng được.
Ý nghĩ ấy nung nấu y, và rồi sau mấy đem chong đèn dầu thức viết đến gần sáng, bài báo bảy trang viết tay trên giấy học trò, kể về một tổ đội thanh niên xung phong, trong đó có y, đã dũng cảm quên mình giữ vững huyết mạch giao thông và tuyến lửa, đã hình thành. Y sướng điên lên, tự thưởng cho mình một cốc rượu tự nấu nhắm với ổi xanh. Vừa nhắm y vừa nhẩn nha đọc lại.
Y phát hiện ra chữ mình xấu như gà trống đói mái bới, nên chép lại. Nhưng rồi cũng không ổn. Y đành chia sẻ niềm vui với vợ y để đọc cho vợ chép hộ. Mấy đêm liền, khi mấy đứa con y đã ngủ, vợ chồng y đọc đọc chép chép và hú hí với nhau trong niềm hoan lạc cuồng dại. Bài gửi đi theo đường bưu điện, nhưng rồi nhà y không có báo để theo dõi xem có được đăng hay không. Nghe vợ mách nước, cứ vài ba ngày y lại lai vãng đến nhà cậu bí thư Đoàn thôn, nói là đọc báo nhờ.
Thực ra y chả cần biết đến các thông tin trên báo, mà chỉ để dò xem báo có đăng bài của mình không. Và một hôm y sửng sốt không tin vào mắt mình nữa. Rõ ràng cái tên Văn Sĩ to tướng trên một bài báo. Tim y thót lại, mặt y tái đi. Hay là một Văn Sĩ nào khác? Nhưng không, tên bài báo cũng hệt tên bài của y. Thôi đúng rồi. Y đọc lướt nhanh nội dung bài thấy đúng là của mình, thế mà y vẫn còn không tin là bài mình được đăng. Xem đi xem lại và cuối cùng là y tin. Một niềm sung sướng, kiêu hãnh trào dâng trong huyết quản khiến y chỉ thiếu nước nhảy cẫng lên mà gào thét “Ôi làng nước ơi, tôi đã thành nhà báo, nhà văn rồi!”. Cậu bí thư Đoàn thôn thấy y chăm chú đọc, buột miệng khen: “Dân trí bà con làng mình còn thấp quá, ngay cả đám trẻ cũng vậy. Gía ai cũng được như anh Sĩ thì mấy mà dân làng mình bằng thành thị… Mà này, anh Sĩ. Số báo này có một bài viết về tổ đội thanh niên xung phong thời chiến tranh hay lắm. Anh đọc chưa? Tôi định kỳ họp này sẽ mang bài ấy ra đọc, bình và để mọi người phấn đấu noi theo!... À, hình như tác giả bài báo ấy trùng với anh thì phải?!”. Đến nước này thì niềm kiêu hãnh của y trào lên như sóng vỡ bờ, y nói hụt hơi: “Bài ấy do tôi viết đấy”. Rồi y phóng cái nhìn đắc thắng về phía khuôn mặt đầy ngạc nhiên và cái miệng há hốc của cậu bí thư đoàn thôn.
Y bắt đầu nổi tiếng ở làng từ đấy. Người ta kháo nhau, một đồn mười, mười thành trăm. Được dịp, y bắt đầu khoe mẽ rằng: “Làng này không biết đấy thôi, chứ tôi viết báo, viết văn từ lâu rồi. Thỉng thoảng tôi vắng nhà lên Hà Nội để gặp gỡ các tòa soạn báo và các nhà báo, các nhà văn nổi tiếng ở trung ương”. Cũng có không ít người bảo: “Thằng cha ấy khoác lác chứ nhà báo, nhà văn gì nó. Học không hay, cày không biết, cái ngữ ấy có hót phân trâu cũng không nổi”. Còn một ông giáo làng về hưu thì cứ hễ ai nhắc đến tên y trước mặt ông, ông đều gật gù với vẻ mặt đầy bí hiểm: “Cậu ấy cũng được đấy chứ. Mà cậu ta có thành nhà báo, nhà văn thì cũng có gì lạ. Làng mình được thơm lây… Có điều này… Tướng cậu ấy cao gầy, khô cứng như chiếc bút chì đen kí hiệu HH ấy. Không có hậu. Chỉ e rằng, sau này…!”. Với riêng y, để xứng danh với danh hiệu mà mọi người tự phong cho y, y lao vào viết. Đêm nào y cũng đỏ đèn, vò đầu bứt tai để viết.
Có khi đêm trước viết còn dở dang, sáng hôm sau dù có buổi trâu y cũng bỏ mặc không chịu ra đồng, kệ vợ y có ra rả thế nào đi chăng nữa. Vợ y người thấp lùn, béo tròn vò đầu kêu khổ, dậm chân bành bạch và lăn lộn làm mình làm mẩy chán chê, rồi tự động dậy, đi tìm người cày thuê. Mụ đâu có hiểu, với y bây giờ viết là điều hệ trọng nhất. Mà đã là nhà báo, văn sĩ thì ai lại còn cày với cuốc nữa cơ chứ.Nổi tiếng chưa được bao lâu thì y bắt đầu phải gánh chịu hậu quả của sự nổi tiếng đó. Ở làng, hễ ai đó nghe đài, hoặc đọc báo, thấy ở đó có người, có cảnh tương tự, na ná với người và chuyện ở trong làng, là họ lại đồn nhau: “Đúng là thằng cha văn sĩ dởm làng mình viết rồi. A… nó mang chuyện làng, chuyện gầm giường, xó bếp nhà người ta ra mà viết báo, viết chuyện để ăn tiền. Quân ba que xỏ lá thật!”. Đã có dăm ba cuộc chửi rủa cạnh khóe, hoặc áp đảo tại gia của người làng với nhà y. Nhưng nói chung, y đều khôn khéo hóa giải được, tránh để xô xát, đổ máu. Sau những cuộc như thế, y lại phải gánh chịu những cơn thịnh nộ của mụ vợ y. Thật là họa vô đơn chí. Y tức lắm, âm thầm nghĩ cách đối phó. Y biết chắc chắn những thứ đó không phải do y viết ra, song y phải gánh chịu hậu quả. Đã thế, y sẽ viết, lấy chuyện làng chuyện nước quê mình mà viết, chỉ cần bịa thêm cho khác đi tí ti là được. Y dùng bút danh cho các bài viết đó, đại loại như: Điếu Cày, Khoai Ngứa, Kiến Càng, chẳng hạn… Một loạt những mẩu chuyện châm biếm lấy từ chuyện ở làng của y được các báo đài ở trung ương sử dụng. Chỉ có điều, để họ gửi tiền nhuận bút về nhà thì y dễ bị lộ. Đành phải ra tận tòa soạn lấy nhuận bút vậy. Thế là lâu lâu, y lại cưỡi chiếc xe đạp cọc cạch ra thành phố. Mỗi lần đi như vậy, y đều trù tính trước, khoản nhận bút y sẽ chia ra làm ba phần, một để thuốc nước mời các ông ở tòa soạn, phần đưa về cho mụ vợ để gây thanh thế cho mình và cũng là để xoa dịu mụ, phần nữa y cất giữ, tích góp, biết đâu đấy lại có lúc đủ để mua một chiếc xe Simson tàng. Chẳng lẽ lại cứ xe đạp rách đến các tòa soạn mãi, nó so xúi quá, mất thể diện quá.Được một thời gian dài trót lọt, y không bị vướng vào một vụ rầy rà, to tiếng nào. Vợ y thấy yên chuyện nên cũng không lèo nhèo gì. Cho đến một lần, nhóm thầu điện ở làng tăng giá điện vô tội vạ. Y tức lắm. Bà con trong làng cũng thắc mắc. Y nghĩ, không làm gì được thì cũng phải chửi khéo cho tụi nó một trận. Thế là y bèn viết một mẩu chuyện xỏ xiên đám thầu điện. Y ví von họ như những kẻ vô tri vô giác, người ngợm như cứt sắt, ăn bớt bao nhiêu điện mà không chết. Y yên tâm gửi bài đi vì trong chuyện, y đã cẩn thận viết bằng cái chuyện ấy xảy ra ở tận thôn X, xã Y, huyện Z kia, lại ký bằng bút danh. Mẩu truyện đó được in, y nghe ngóng không thấy động tĩnh gì, nên càng yên chí. Song ngẫm nghĩ thì y lại thấy tức. Định xỏ xiên bọn nó nhưng chúng lại không hề biết thì khác nào đấm bị bông, khác nào rượu đổ hang chuột.
Đùng một cái, đoàn kiểm tra điện từ tỉnh đột ngột kiểm tra, phát hiện tổ thầu điện này dùng mẹo ăn cắp điện ngoài công tơ. Lập biên bản. Tổ điện thôn bị xử phạt, cả làng thì bị cắt điện hàng tháng trời. Bà con tức quá chửi om lên. Mấy tay thầu điện, ăn cắp điện lợi lộc chẳng bao nhiêu, lại bị phát hiện, tiền mất tật mang nên ức lắm. Chúng ngồi lại với nhau, truy xem chuyện bại lộ từ đâu. Rốt cuộc chúng đều nhất trí cho rằng chính y là người viết báo, hoặc viết đơn tố giác.
Thế là mấy tay gậy gộc kéo đến nhà y. Lúc đó y đang vừa hút thuốc lào vặt, vừa ngẫm nghĩ. Sự việc đột ngột quá khiến y bàng hoàng, vừa sợ vừa ức. Y vớ cái cuốc chim lao ra đứng thế thủ. Tuy có vũ khí tùy thân trong tay nhưng quả là y không muốn sử dụng đến nó chút nào. Văn sĩ thì vũ khí phải là cây bút chứ đâu phải là cuốc chim. Vì thế, y thế thủ nhưng luôn miệng phân bua. Mấy tay kia vẫn hung hăng. Được cái, vợ y lăn xả ra chắn trước mặt y, vừa chửi mấy tay kia vừa kêu làng nước. Hung hãn là thế nhưng mấy tay kia cũng phải kinh. Y có vũ khí mà đứng sau lưng vợ, trong hoàn cảnh nực cười ấy thế mà y cũng còn đủ thời gian hình dung ra cái cảnh vợ y hệt như gà mái mẹ xòe cánh che cho gà con trước lũ diều hâu. Thật phúc bảy mươi đời cho nhà y, vừa lúc đó, ông phó chủ tịch xã kiêm trưởng công an phóng xe máy ngang qua.
Thấy huyên náo, với bản tính nghề nghiệp và tinh thần cảnh giác cao độ, ông ta dừng xe, chưa biết phải trái ra sao, lên miệng quát mấy tiếng thị uy. Mấy tay thầu điện thấy không có lợi bèn bảo nhau rút. Y được giải thoát. Được thể, y liến thoắng thanh minh với ông phó chủ tịch, tưởng ông ta bênh vực mình. Y sững người khi ông ta buông một câu: “Cậu cũng nên bớt cái miệng đi. Từ nay về sau bỏ cái tính thóc mách, xỏ xiên đi nhé. Không hay hớm gì đâu. Đừng để chuyện tương tự xảy ra, tôi không phải ăn lương để bảo vệ cho nhà cậu đâu nhớ”. Ông ta khinh khỉnh nổ xe máy, phóng đi. Y bực bội quay vào nhà, đá thúng đụng nia, nghĩ bụng, cha này nó sợ mình moi chuyện tham ô ra viết đây, nên, đe mình trước. Cho đến khi vợ y quát lên: “Sao ban nãy không anh hùng anh trưởng đi mà núp sau váy vợ, giờ còn lèm bèm ra điều ta đây. Đồ nhát như thỏ đế!”.
Y cụt hứng, im bặt.Sau đận ấy, y nhụt chí, bỏ bẵng đến hàng dăm tháng không viết lách gì cả. Nhưng mà cái nghiệp văn chương nó tai quái làm sao, nó làm cho hết thảy những ai đã trót dại dính vào nó thì khó mà giãy ra nổi. Đến bậc cao thủ, “mục hạ vô nhân” còn khó huống hồ như y, thứ tép riu quèn. Y càng cố tình thôi thì người y càng ngứa ngáy, bứt rứt không chịu nổi. Một lần, y thả bộ vu vơ, ngang qua nhà ông giáo về hưu, thấy ông đang chăm tỉa mấy khóm cúc đại đóa và chậu trà bạch, y cao hứng đùa: “Hôm nào em mang lễ vật sang cậy nhờ ông giáo bày cho kĩ thuật Bonsai”. Ông giáo phá lên cười, bảo: “ Cậu vào đây, ta uống trà ướp hoa nhài, đàm đạo chuyện thế sự, âu còn ích hơn”. Khi hai người đối ẩm, ông giáo bảo: “Ở làng này, tôi thấy cậu là người có chút chữ nghĩa… Nhưng mà chữ nghĩa cũng có dăm bảy đường. Đến như ông lang Đạt ở làng trên, nho y lý số nhất vùng mà gia cảnh lại éo le. Thôi thì ta cứ một vừa hai phải, để phúc cho con cháu. Văn chương chữ nghĩa thật cao sang song cũng thật nghiệt ngã. Ấy vì thế mà trước đây tôi có tí toe ngâm vịnh thi ca nhưng khi ngẫm thấy sợ, nên mới thôi!... Mà này, dạo này cậu viết lách ra sao?”. Nghe ông giáo nói y cũng thấy tởn, bèn chối: “Ấy ông giáo hỏi thế, tôi có văn chương gì đâu. Chẳng qua là giải buồn, nho nhoe kiếm câu chuyện làm quà, vậy mà đã gặp bao nhiêu phiền hà”. Ông giáo cười ra chiều độ lượng: “Tôi biết cậu giấu tài… Viết được làm con người ta nó sang trọng lên, còn chuyện phiền nhiễu thì thế gian tránh sao khỏi. Làng văn ta xưa có cụ Cao Bá Quát rồi đến ông Nam Cao gặp bao rắc rối vì văn chương, còn ở bên Tàu thì có cụ Lỗ Tấn là gương tày liếp… Nhưng mà văn chương nó phải vậy, cứ phải rung chuyển thì mới đáng là văn chương chứ!”. Ông giáo cười ngậm ngùi khiến y lặng người, nổi hết da gà. Lúc tiễn y về, ông giáo bảo y: “Thi thoảng cậu lại chơi nhà… Ta lại đàm đạo. Cũng thú lắm… Thoang thoảng hoa nhài thơm lâu, cậu ạ!”.Sau lần ấy, y lấy lại dũng khí và phong độ. Nhưng chết nỗi chuẩn bị được tinh thần rồi, y lại không biết viết cái gì. Chẳng lẽ văn sĩ chỉ quanh năm chuyện con cà con kê, xỏ xiên người này người nọ. Viết gì bây giờ nhỉ? Y bí quá. Không ngờ, vợ y lại chính là người khơi nguồn cho y. Thị bô bô kể với y chuyện một cụ cao niên ở làng trên, đã có cháu gọi bằng cụ rồi, thế mà còn đi chim chuột bà góa nạ dòng, bị con cháu biết được, nhiếc móc cho, phẫn uất bèn uống thuốc sâu, nhưng may người nhà biết nên ngăn chặn kịp thời.
Nghe rồi, y vỗ đùi, reo lên: “A… Phải rồi! Phải rồi!... Dân làng này hãy chờ đấy”. Vợ y tưởng rằng y khoái trá với cái chuyện ấy lắm bèn đe: “Này! Đừng có mà lớ xớ với con nào nhớ. Đây mà biết thì đây cứ mà xẻo…”. Y giật mình, rồi sau đó hết lời giải thích cho thị hiểu là y chỉ viết về những chuyện đó thôi. Thế mà mãi y không nghĩ ra, ở trên đời này, cái chuyện tình tang, chuyện trai trên gái dưới thì bao giờ cũng sẵn, mà lại li kì, hấp dẫn nữa. Xưa nay, từ vua chúa đến dân đen đều thích cái khoản ấy. Ngay đến y, xấu xí đen đủi là thế, vớ được cô vợ sạch mắt và hết lòng vì chồng con, nhưng cứ ra khỏi nhà, mắt đã tia ngang tia dọc cấm có bỏ sót người đàn bà nào. Và thế là y viết. Trong làng trong xã, cái chuyện ấy vô thiên lủng, viết đến già cũng không hết. Mà lại đơn giản, dễ dàng nữa chứ. Cứ người thật, việc thật, chỉ cần thay đổi tên họ, bịa địa điểm, thêm mắm muối chút ít là ngon lành, bởi tự thân những chuyện ấy đã thừa sức kích thích trí tò mò, lòng hiếu kì của người ta rồi. Quả nhiên là không sai. Hàng loạt báo đăng các mẩu chuyện của y.
Bây giờ thì y khôn rồi. Qua những lần bị phiền nhiễu, thực tế đã dạy cho y sự cảnh giác cao độ. Cảnh giác với mọi người, cảnh giác với chính vợ y, nhất là những mẩu chuyện tình tang. Y giấu vợ biệt những chuyện ấy. Y chẳng dại gì để những thứ đó lọt vào tay thị, biết đâu thị lại ghen bóng ghen gió với các nhân vật thì mệt lắm. Viết như thế riết một hồi, tự dưng y thấy y cũng là một gã đàn ông có giá, chí ít thì ở cái vùng quê chiêm trũng này, y đáng là một đấng anh hào. Y không còn thấy mình xấu trai nữa, bởi đàn ông ăn nhau ở vẻ đẹp trí tuệ kia mà. Trái với hồi thanh niên, y luôn mang mặc cảm ế vợ, thì nay y thấy mình là đối tượng cho đám gái trẻ trong làng ước ao, thèm muốn. Và y nhiễm cái thói tán tỉnh từ khi nào chẳng rõ. Một lần, y đổ trâu cày, ngồi nghỉ ở quán cây gạo giữa đồng, chợt trời mưa rào, cô con gái lớn của ông giáo làng về hưu chạy vào trú mưa. Cô ngót ba chục tuổi, được người được nết, nhưng không hiểu sao lại muộn chồng.
Ngoài trời mưa to, trong quán lại chỉ có hai người. Cô gái có vẻ e thẹn, khép nép vào góc quán. Lén quan sát cô, y thấy thương thương và y tìm cách bắt chuyện: “Gái nông thôn mà như cô thế kia thì thành thị có còn lâu mới bằng”. Cô nhìn y ngường ngượng: “Thế mà ế đấy”. Y cười: “Bọn con trai làng này có mắt cũng như mù. Giai nhân ở đây mà cứ đi tìm ở đâu cơ chứ. Giá mà…”. Y bỏ dở câu nói, ngẩn ngơ. Cô nhấm nhẳng: “Anh quá khen, nhìn cú lại ngỡ chim công”. Y được thể, nhìn chằm chằm, tán: “Cô không chê… hay là để tôi làm mối?”. Cô cười nhoẳn: “Thôi, xin cảm ơn anh… Tôi chẳng thiết gì, người tài ba như anh thì làng này hết rồi!”. Nói rồi cô vác cuốc bỏ ra về trong khi trời vẫn mưa dày hạt. Y gọi với theo, lòng chộn rộn, và lần đầu nhìn mưa, y thấy cô đơn…Rồi y viết một câu chuyện, nhân vật chính là cô gái quê nhan sắc muộn chồng, mọi người không ai biết, chỉ đoán già đoán non nhưng thực ra chỉ vì người tình trong mộng của cô đã có vợ con, người ấy là một chàng thợ cày, chơi sáo tài tử, có tâm hồn nghệ sĩ hệt như chàng Trương Chi.
Y nâng niu, ấp ủ câu chuyện đó, và rồi y cũng gửi cho báo…Sẽ chẳng có gì nói thêm về tay văn sĩ làng quèn như y, nếu một ngày kia không xảy ra chuyện động trời. Một lần đi làm đồng về, vợ y chu chéo ngay từ ngoài cổng. Thị xô cửa vào nhà, xông thẳng đến trước mặt y, dí tờ báo, gầm lên: “Trời ơi là trời, sao số kiếp tôi lại khổ thế này, vớ phải thằng Sở Khanh mạt hạng. Bà hỏi mày xem cái con nào ở trong này. Bà cứ là bà chém! Bà cứ là bà xẻo!... Rõ là cái quân mèo mả gà đồng gặp nhau chửa!...”. Thị rúi y ngã nhào xuống đất, rồi vùng chạy xuống bếp. Y hiểu rõ cơ sự, lồm cồm bò dậy, chạy tháo thân ra cổng. Thị rượt theo, tay lăm lăm con dao nhọn vót nan tre sắc lẻm, luôn miệng đe: “Bà mà bắt được mày thì bà xẻo, bà xẻo quách cái của nợ ấy vứt đi cho chó nó nhai!”. Cả làng bị phen náo loạn. Mọi người đổ ra xem, cười đùa, khích bác, chế giễu… Lúc ấy thì y mặc tất cả, bởi điều quan trọng với y là chạy mau cho thoát, và sau đó là sẽ trở về nhà như thế nào. Y không còn tâm trí đâu nghĩ ngợi này nọ. Y cũng chẳng biết rằng, bọn thầu điện chơi xỏ y, tìm tờ báo đưa cho vợ y xem, rồi kích động thị. Sau đận ấy, người làng cứ thêu dệt thêm ra. Còn y thì mỗi khi nhớ lại thấy ớn xương sống. Y chẳng buồn viết lách gì nữa, song tự sâu trong tâm khảm, y vẫn nuối tiếc mộng văn chương, vì thế mà y sinh chứng mất ngủ, thỉng thoảng lại lẩm bẩm trong miệng gì đấy.
Cô con gái lớn ông giáo làng lấy chồng tận thị xã hẳn hoi. Với ông giáo thì hễ ai đó nhắc đến tên y với biệt danh văn sĩ làng, ông lại rền rĩ: “Người xưa nói cấm có sai mà, lập thân tối hạ thị văn chương”!?...
Nguyễn Chu Nhạc
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chùm thơ của Đỗ Thành Đồng ở Quảng Bình Trời cho thi sĩ nhiều nỗi cô đơn hơn người thường để thực hiện sứ mệnh hiện thực hóa nỗi cô đơn....