Chối bỏ hệ giá trị và tính ý hướng lập thành
sự hiện hữu của
thế tính trong
tiểu thuyết "Mù khơi" của Thanh Tâm Tuyền
Vấn đề khởi đi từ việc xác lập Thanh Tâm Tuyền với tư
cách một tiểu thuyết gia. Và bắt đầu bằng những trăn trở và truy vấn dai dẳng/ám
ảnh của nhà văn đối với hiện hữu, chúng tôi bước vào tiểu thuyết Mù khơi để
truy tìm con người chối bỏ hệ giá trị thuộc về bản thể nhân tính. Theo đó,
chúng tôi phân tích và cho thấy sự ảnh hưởng của những ý hướng ấy trong việc cấu
thành văn bản. Đối với vấn đề này, chúng tôi sử dụng lối trực quan bản chất và
kỹ thuật biến thể để nghiên cứu nội giới văn bản. Thêm vào đó, bài viết cũng hướng
đến việc đánh giá và ghi nhận những đóng góp của Thanh Tâm Tuyền đối với văn
xuôi đô thị miền Nam Việt Nam 1954-1975. Qua đó, những luận điểm này là tiền đề
cho bài viết tiếp theo về sự dịch chuyển, ở trường hợp Thanh Tâm Tuyền, từ tinh
thần Hiện đại sang khuynh hướng Hậu hiện đại.
Để đưa ra phát ngôn, người ta đã thực hiện một sự xáo trộn về
mặt tinh thần. Và chính sự xáo trộn đó gọi là “thức”. Ý thức là sự dao động của
cuộc va chạm giữa các tha thể lẫn nhau trong một thế giới toàn thể chung cuộc bất
biến và vĩnh hằng. Sự xáo trộn của thế giới gắn liền với sự xáo trộn về mặt
tinh thần để gây ra một hiện tượng mà chúng ta quen gọi là ý thức. Tại sao gọi
là thức ? Trước hết là sự nhận biết về những lằn ranh khác biệt, tạo nên vực thẳm
giữa ta và tha nhân, giữa tôi và những cái không phải tôi, giữa cái này và cái
kia, giữa một và muôn vàn. Cho nên, ý thức là ý thức hình thành dựa trên sự
khác biệt, dựa trên cái vực thẳm khôn cùng của những khác biệt đặc thù không gì
chối cãi, không gì hàn gắn (vì nếu hàn gắn được thể tính của hiện hữu thì đã
không còn cái gọi là ý thức nữa rồi; còn như cái TOÀN THỨC, đó không phải là cảnh
giới phổ quát của toàn thể đại chúng).
Chung quy, điều chúng tôi muốn nói ở đây: ý thức nghĩa là sự
xáo trộn, là “cơn giông bão nhiệt đới” của thế giới. Ý thức tạo ra thế giới hay
thế giới tạo nên ý thức. Cơ bản, ý thức và thế giới không có sự khác biệt. Mà
chỉ có ý thức dựa trên sự khác biệt của thế giới, còn thế giới được ý thức với
chính cái ý thức đó là hoàn toàn không tách rời. Thế nên, tìm hiểu “sự kinh
nghiệm thế giới” là tìm hiểu về chính ý thức đã hình thành dựa trên cuộc va chạm
của những khác biệt đó. Trong địa hạt ngôn từ, tác phẩm văn học về mặt nào đó
chính là sự kinh nghiệm thế giới của ý thức sáng tạo. Tìm hiểu kinh nghiệm thế
giới của chủ thể tạo lập văn bản trong tác phẩm văn học là đi tìm thể tính của
hiện hữu được bày ra qua sự dao động muôn vàn của con chữ. Đó chính là lí do vì
sao chúng tôi chọn hướng đi này.
Vì sao chúng tôi chọn Thanh Tâm Tuyền và tác phẩm Mù
khơi ? Người ta vẫn quen hình dung Thanh Tâm Tuyền là một nhà thơ với những
đóng góp đáng kể mà ông mang lại cho thơ ca Việt Nam giai đoạn 1954-1975 bằng
việc dấn thân vào thơ tự do một cách toàn diện từ hình thức cho đến cội rễ tư
tưởng, “tự do” từ trong cốt tủy của chủ thể sáng tạo. Nhưng kì thực, Thanh Tâm
Tuyền vẫn còn một khuôn mặt khác đáng kể không kém. Mà ở đây, trong phạm vi hạn
hẹp mà chúng tôi khảo sát được, e rằng vẫn chưa thật sự khai thác hết di sản từ
những tác phẩm văn xuôi mà ông để lại. Quả thực, số lượng đầu sách (chỉ tính
riêng các tác phẩm văn xuôi) với tính chất tiên phong thì ông đã có đóng góp
đáng kể cho văn xuôi Việt Nam giai đoạn 1954-1975 ở đô thị miền Nam. Đây là xuất
phát điểm khiến chúng tôi muốn định vị Thanh Tâm Tuyền với tư cách một nhà văn
tạo lập “kinh nghiệm thế giới” bằng chữ nghĩa thông qua tiểu thuyết Mù
khơi.
Mù khơi ra đời năm 1970. Có thể nói đây là giai đoạn
chính mùi cho văn xuôi Thanh Tâm Tuyền. Nhà văn đến với văn xuôi trước tiên,
ngay khi còn ở trên ghế nhà trường với truyện ngắn “Viên đạn cuối cùng” đạt giải
nhất cuộc thi của báo Thần Chung. Tuy nhiên, từ khi di cư vào Nam và hoạt
động trong nhóm Sáng tạo, sức viết của ông thiên về thơ. Giai đoạn từ những
năm 1950 đến đầu những năm 1960, ông có hai tập thơ đáng kể nếu không nói là có
đóng góp lớn cho thơ ca Việt Nam hiện đại. Đến giai đoạn sau đó, khi cuộc chiến
leo thang, chiến tranh không phải là đối tượng thường xuyên xuất hiện trong
sáng tác Thanh Tâm Tuyền, nếu không nói là rất hạn chế, nhưng chiến tranh tạo
ra cái không khí phù hợp cho sự xuất hiện của những câu hỏi cơ bản mang đầy
tính bức bách, thách thức và sống còn. Chính điều đó, ý thức sáng tạo của nhà
văn đi vào địa hạt văn xuôi để khai thác cảm thức về hiện hữu. Và Thanh Tâm Tuyền
chọn văn xuôi (cụ thể là tiểu thuyết, truyện ngắn) để xây dựng cái không khí (tạm
gọi hiện sinh) cho những suy tư bản chất của nhân vật và của chính người viết.
Hẳn nhiên, người ta không thể quy trục những nhân vật của Thanh Tâm Tuyền là
chính nhà văn, nhưng đâu đó dáng hình ông vẫn hiển hiện trong các nhân vật của
chính mình.
Ở giai đoạn nửa sau thập niên 1960 trở đi, ông thiên về văn
xuôi. Nhiều tác phẩm đáng kể ra đời ở giai đoạn này. Các tác phẩm của Thanh Tâm
Tuyền (Bếp lửa, Cát lầy, Mù khơi, Tiếng động, Một chủ nhật khác, Ung thư[1] có
thể rất khác nhau về bối cảnh, đề tài nhưng cơ bản vẫn có chung cái trăn trở
thao thức của một cá nhân ý thức rõ ràng về tồn hữu và tha thiết truy tìm tồn hữu.
Trong số đó, Mù khơi là tác phẩm đạt đến độ chín muồi về nghệ thuật
và tư tưởng. Chính vì điều đó, chúng tôi chọn tiểu thuyết Mù khơi để
khảo sát kinh nghiệm thế giới và sự tạo tác thế giới nghệ thuật trong tư tưởng
Thanh Tâm Tuyền giai đoạn trước 1975.
1. Kinh nghiệm thế giới – sự truy vấn về bản chất tồn hữu của
thế giới.
Trước hết, chúng tôi muốn nói về vấn đề “kinh nghiệm thế giới”.
“Theo nghĩa ấy, hiện tượng học là một môn học mô tả, chứ không phải lập luận”[2].
Và truy tìm kinh nghiệm thế giới tức là chúng ta cần phải mô tả cuộc gặp gỡ giữa
nhận thức và những gì chưa phải hoặc chưa thuộc về nhận thức. Kinh nghiệm thế
giới đơn thuần là những hiện tượng cho thấy sự chuyển động của nhận thức trong
cuộc va chạm với cái đã tạo ra nhận thức. Trong phạm vi tác phẩm văn xuôi, việc
mô tả kinh nghiệm thế giới mà chúng ta nhận thấy qua một loạt các hiện tượng được
bày ra qua con chữ là cách mà chúng ta có thể đi đến sự quy giản về nhân vật, cốt
truyện, ngôn từ, tình tiết, hình tượng, v..v… về tất cả, để chỉ còn lại cuối
cùng cái ý hướng nền tảng làm khuấy động cả chân trời nhận thức của kẻ đã thoát
thai ra chính cái nhận thức đó.
Nhận thức hay ý thức có tính ý hướng. Ý thức được mang lại, ý
thức là sự xáo động khi một chất điểm tồn hữu linh động trong thế giới. Với ý
hướng đó, khi nó chộp lấy được thế giới thông qua các trực quan thu nhận. Thông
qua các hiện tượng, ý hướng trở nên hoàn bị và trở thành “ý thể” (sự ý thức về
thể tính hay siêu việt tính của nhận thức phổ quát).
Từ đó, “ý thể” sẽ trở thành “siêu ý thể” khi chính bản thân
nó vượt lên trên chính nó xuôi về một nhận thức thuần túy bản chất của tồn hữu
bản chất trong tất cả. Với văn bản văn học, cụ thể là một tác phẩm văn xuôi,
chúng ta truy ngược từ muôn vàn “hiện tượng” bày ra, từ đó quy lược kinh nghiệm
thế giới trở về uyên nguyên của ý hướng ở cái nhận thức ban đầu lúc ý thức đó
chỉ đơn thuần là “một sự ngạc nhiên” về thế giới. Đây chính là cái ta đang tìm,
cái mà chúng ta cần truy vấn và đào sâu. Muốn đạt được mục tiêu, chúng ta phải
bắt tay từ chỗ nắm bắt muôn vàn kinh nghiệm thế giới. Nắm bắt để làm gì, để cắt
bỏ, để xua đi đám mây mù sương khói hỗn loạn, xáo động ngõ hầu tìm thấy cõi
thinh lặng gốc rễ của nhận thức. Mà từ đó, nhận thức thoát thai.
Tại sao chúng tôi lại đến với vấn đề này khi tiếp nhận tiểu
thuyết Mù khơi của Thanh Tâm Tuyền ? Hay nói khác đi, chúng tôi thử đặt
ra giả định về việc kinh nghiệm cái kinh nghiệm thế giới mà Thanh Tâm Tuyền đã
“lập thức” qua Mù khơi. Nghĩa là nối dài kinh nghiệm thế giới đó bằng hoạt
động tiếp nhận. Lúc đó, ý thể trở thành siêu ý thể để siêu ý thể trở thành cái
gì nữa ? Đặt ra câu hỏi này là tạo sự kết nối của chính ý thức “tôi”. Việc
“tôi” nhận thức và trải nghiệm cái kinh nghiệm về nhận thức hay nói khác đi là
cuộc va chạm nhận thức giữa “tôi” và tác phẩm của Thanh Tâm Tuyền là cái kinh
nghiệm thế giới của “tôi” mà chúng ta vẫn quen gọi là phê bình hay việc tiếp nhận
một văn bản. Vậy công việc này là như thế nào? Thực chất công việc phê bình hay
đọc một văn bản văn học là như thế nào ?
Khởi đi từ việc nhận thức của người viết (kinh nghiệm thế giới
của người viết), khi người viết hoài thai một ý tưởng, chính cái ý tưởng đó nhảy
xộc ra ngoài và chiếm lĩnh thế giới. Thế giới hiện ra cho người viết. Thế giới
của văn bản được định hình trong nhận thức của người viết. Kẻ ấy làm thế giới
xuất hiện và ngược lại thế giới mang lại nhận thức cho hắn. Khi đó khả thể của
nhận thức hay ý hướng tiền giả định của người viết được đưa vào tiến trình thực
lưu tồn hoạt. Khi đó ý hướng nội tại thuần túy trở thành ý thể (hay có thể gọi
là văn bản). Chính ở khâu này, “tôi” bắt được kinh nghiệm thế giới Thanh Tâm
Tuyền, tôi giao hòa với thế giới đã xuất hiện vì/và cho Thanh Tâm Tuyền. Sau
đó, “tôi” biến cái kinh nghiệm đó, biến cái thế giới của người viết trở thành
cõi giới bội sinh cho chính “tôi”. Khi đó, ý thể đã được Thanh Tâm Tuyền ươm mầm
nảy nở trong lòng “tôi”, nghĩa là tạo ra cái kinh nghiệm của riêng “tôi”, gây
nên một xáo trộn về mặt tinh thần – nhận thức. Đó là cuộc gặp gỡ giữa “tôi” và
văn bản Thanh Tâm Tuyền. Đó là kinh nghiệm thế giới của tôi khi va chạm với
kinh nghiệm về thế giới của kẻ viết.
Về phía tôi, để làm sao tôi quay về với cái nhận thức ban đầu
của Thanh Tâm Tuyền với thế giới mà ông gặp gỡ và ngạc nhiên để từ đó hoài thai
nên tác phẩm Mù khơi. Để tìm được thể tính (tế bào gốc) của tác phẩm này,
tôi phải trải qua con đường như sau:
– Xuôi dòng: ý hướng thuần túy à ý thể (văn bản) à siêu ý thể
(liên ý thức hay từ văn bản đến tác phẩm);
– Ngược dòng: Mô tả (kết hợp biến thể và quy giản hiện tượng
– các kinh nghiệm thế giới) à quay về ý thể (văn bản dưới dạng tồn hữu cốt lõi)
à ý hướng của tác giả à tiền giả định của ý hướng à ranh giới giữa khoảng lặng
im của ý thức và giây phút ban sơ của xáo trộn tinh thần.
Khó khăn của vấn đề nằm ở khoảnh khắc xáo trộn đó. Cần phải
truy cho ra cái khoảnh khắc đó là gì. “Trong sự trực quan cái hiện tượng thuần
túy thì đối tượng không nằm bên ngoài nhận thức, không nằm bên ngoài “ý thức”,
trái lại, được mang lại theo nghĩa lý của sự tự-được-mang-lại tuyệt đối của một
cái gì được trực quan một cách thuần túy”[3]. Khi chúng ta nói ý thức, là chúng
ta đang nói đến sự tồn hoạt của ý hướng tính. Khi ý hướng tính đã thực hiện một
hành động nhảy vọt, chuyển từ tiền giả định ý thức sang hình thức tồn tại song
hòa cùng thế giới. Vấn đề là, nếu ý hướng tính thuộc về tinh thần người, còn đối
tượng của nó, nghĩa là thế giới lúc chưa xuất hiện cho chính nó, vẫn hãy còn
cách biệt bởi một hố thẳm khôn cùng của tha thể. Vậy lí do gì, khả năng gì mà ý
hướng có khả năng vượt ra ngoài, hoặc thế giới thâm nhập vào trong để thế giới
trở thành thế giới của ý hướng và ý hướng là ý hướng về thế giới. Nếu không làm
rõ chỗ cách biệt ấy, không lấp đầy hố thẳm mênh mông ấy, sẽ không thấy ý thức,
cũng như không có gì xuất hiện cho ý thức cả; nghĩa là sẽ chẳng có gì để bàn ở
đây cả.
Như lời Husserl được viện dẫn vừa rồi, đối tượng không nằm
ngoài nhận thức. Nhưng cái gì làm cho đối tượng nằm bên trong nhận thức, hoặc
thuộc về nhận thức. Khi cái dự hướng, cái tiền giả định của ý hướng vận động
trong dòng chảy tồn hoạt; nó buộc lòng lao về phía giông bão tồn lưu, nó cọ
xát, nó va chạm, nó giao thoa, nó hòa quyện, nó lồng vào, nó thẩm thấu, nó xoay
vầng cùng với những cái không phải nó. Hố ngăn cách biệt giữa những cái “là ta”
và những cái không phải “là ta”, buộc chúng ta phải biến những cái “ta” và “phi
ta” trở lại thành thống nhất. Chính cuộc vận hành đại thể, thống nhất ấy, đẩy
những cái cách biệt, là tha thể lẫn nhau, đụng mặt nhau. Khi đó, ý hướng và đối
tượng của nó không còn khác biệt nữa. Ý hướng của ý thức chỉ có thể có khi có
cái không phải nó. Những cái không phải ý hướng cũng chỉ có khi có những cái ý
hướng như trên vồ lấy. Lúc đó, chúng xuất hiện cho nhau, đồng thời, đồng lưu, đồng
hiện.
Vậy thì không còn ở trong hay ở ngoài, không còn trên hay dưới,
không còn hố ngăn, hố thẳm không còn nó hay phi nó, không còn chủ thể hay khách
thể. Đơn giản là nó, là thế đấy, là vậy đấy, là thế thôi. Lúc đó, ý hướng tính,
ý thể, hay siêu ý thể, hay đối tượng, hay nhận thức, chỉ còn là những hiện tượng.
Và cuộc gặp gỡ “long trời lở đất” giữa cái ý hướng và những cái thuộc về ý hướng,
chúng ta có thể gọi là kinh nghiệm của chúng, hay kinh nghiệm thế giới (kinh
nghiệm về thế giới, kinh nghiệm có được thế giới, kinh nghiệm từ thế giới, kinh
nghiệm thuộc về thế giới, kinh nghiệm mang tính chất thế giới, kinh nghiệm làm
xuất hiện thế giới, kinh nghiệm được mang lại từ cuộc va chạm giữa các bộ phận
rời rạc của thế giới, chính nhờ đó thế giới xuất hiện). Từ điều này, chúng ta
có thể nhận thấy ngay rằng, kinh nghiệm về thế giới là những hiện tượng muôn
vàn, vì mỗi lần tồn hoạt, chủ thể-khách thể lại “giao hoan”/gặp gỡ/hòa hợp theo
cách thế khác nhau và thế giới lại xuất hiện ra theo cách thế khác nhau. Tuy
nhiên, từ sự muôn vàn của kinh nghiệm thế giới, chúng ta sẽ truy tầm, quy lược
về cái yếu tính cốt lõi và phát hiện mẫu số chung của tồn hữu. Chính ở khía cạnh
này, con đường truy tầm kinh nghiệm thế giới có ích cho việc khai thác và khám
phá thế giới văn chương (cụ thể hơn là ở thể loại tiểu thuyết). Hơn bất cứ thể
loại nào, tiểu thuyết là kết quả của sự “giao hoan” long trời lở đất giữa chủ
thể sáng tạo và những cái phi chủ thể sáng tạo. Tiểu thuyết cơ hồ là kết quả cuộc
một vụ nổ “big bang” mà sau vụ nổ khai thiên đó, dư chấn của vụ nổ bày ra thiên
hình vạn trạng các hiện tượng, mà nhiệm vụ của người đọc là quay về nguồn gốc
vũ trụ, quay lại buổi hồng hoang sáng thế kia, tìm lấy chất điểm nguyên thủy mà
ở đó tất cả mọi thứ khởi đầu. Như thế, người đọc đã tiếp nối kinh nghiệm thế giới,
đẩy cái vũ trụ kia đến một chân trời mới, một miền tồn hữu mới. Đó là liên nhận
thức, bội sinh nhận thức, bội sinh ý thể.
Vậy cái được nói đến ở đây là một dạng thức tồn hữu như thế
nào ? (hay các đặc thù ngoại hiện của nó ?). Nó hay các liên chủ thể-khách thể,
liên nhận thức hay sự hình thành xuất lộ của thế giới có thể nắm bắt được trong
các dạng thức như thế nào ? Câu hỏi này làm chúng ta quay về với các biểu hiện
của ngôn từ trong địa hạt văn bản văn học. Và hơn bất cứ thể loại nào, tiểu
thuyết chính là một phiên bản nối dài cho sự xuất lộ của thế giới. “Sự cấu
thành của thế giới (weltkonstitution) được biểu lộ ở đây như hoàn toàn dựa trên
các dữ kiện thuộc giác quan, cảm giác vận động, những vẻ bên ngoài có thể cảm
nhận, như thể chúng được hình thành ở một cấp độ chỉ có ở động vật”[4]. Có thể
nói, sự nắm bắt và xây dựng cái ảnh tượng về thế giới dường như xuất phát từ
góc độ động vật. Nghĩa là, trong việc nắm bắt thế giới văn bản văn học, chúng
ta không chỉ đứng trên góc độ hiện sinh mà còn khởi đi từ điểm nhìn đồ vật, động
vật. Dựa trên các cứ liệu có vẻ như thuộc về một bộ môn hiện tượng học về “sự vật”
(Ding). Thành ra “xét cho cùng, là nguồn gốc của tất cả các hiện thực khác,
chúng ta tìm thấy cái hiện thực tự nhiên, và vì thế hiện tượng học về tự nhiên
vật chất, không còn nghi ngờ gì nữa, chiếm một vị trí ưu tiên”[5]. Điều này dường
như dẫn độ ta về cõi trần. Nghĩa là từ phương trời trừu tượng thượng thừa, phạm
trù tiên cảnh thì chúng ta được Husserl và được Trần Đức Thảo “đạp” ta ngã nhào
xuống hạ giới. Nơi con người phạm trù, nơi các phạm trù luận lý lung lay tính
chất phổ quát của nó. Và các ông ấy, làm chúng ta nhớ ra, chợt phát hiện ra rằng
cần phải xuất phát từ những “bụi đường” chi tiết thuộc về tính vật chất (không
phải chủ nghĩa đồ vật), thuộc về tính cảm nhận bởi các quan năng – hay nói khác
đi là tiếp xúc trực diện các khía cạnh muôn vàn của thế giới. Vậy nên, dấn thân
vào tiểu thuyết mà cụ thể là tiểu thuyết Mù Khơi được nói đến ở đây,
chúng tôi cho là cơ hội cọ xát và sống như các vận hội cuộc sống thị hiện trong
văn bản. Nghiên cứu tiểu thuyết hay văn bản văn học ở khía cạnh này không còn
đơn thuần là ở tính chất của phương pháp tiếp cận mà là việc phóng chiếc “phi
thuyền” tự ngã của người tiếp nhận vào chân trời của văn bản. Thế thì liệu ta
có bị nuốt chửng và choáng ngợp giữa vòng vây thạch trận các bộ phận cơ cấu từ
kết quả của giác năng và thế giới sự vật ?
Như vậy, câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ mô tả và sẽ liệt kê ra
hết; hay chúng ta ngốn ngáo, nuốt trọn mọi hiện tượng vồ được từ thế giới, từ
hiện thực của văn bản chăng ? Liệu chúng ta có cần cấu xé tác phẩm (hiện thực
thế giới) đến mức như thế không ? Husserl đã hơn một lần trả lời cho chúng ta
câu hỏi này. “Hiện tượng nhận thức đơn lẻ, cá biệt, đến rồi đi trong dòng chảy
của ý thức, không phải là đối tượng của bộ môn hiện tượng học. Hiện tượng học
nhắm đến “những cội nguồn của việc nhận thức”, đến những nguồn gốc phổ biến vốn
có thể nhìn thấy được, đến những cái phổ biến được mang lại một cách tuyệt đối,
thể hiện những tiêu chuẩn chung làm thước đo cho ý nghĩa và rồi cả cho sự đúng
đắn của tư duy hỗn độn, và nhờ đó, mọi câu đố mà tư duy đặt ra về tính khách
quan sẽ được giải quyết rốt ráo”[6].Vậy thì, chúng ta sẽ bớt lo lắng với dung
lượng vô cùng của những hiện tượng/kinh nghiệm thế giới được bày ra (trong tác
phẩm). Vì nếu chúng ta chỉ dừng lại ở việc mô tả, công việc sẽ chẳng có ý nghĩa
gì. Trường hợp thứ hai, chúng ta vơ đũa cả nắm, cào hốt, ăn sống nuốt tươi toàn
bộ những gì phô ra và sắp sửa phô ra của kinh nghiệm thế giới, chúng ta sẽ mắc
nghẹn, nghĩa là công việc mà chúng ta mang lại chỉ là một mớ hỗn độn vô nghĩa.
Thế nên, chúng ta chỉ lựa chọn những manh mối, những kinh nghiệm – hay những sợi
chỉ đỏ – dẫn đạo chúng ta tìm về thể tính của nhận thức.
Vậy thì, làm sao chúng ta biết những kinh nghiệm nào sẽ được
chọn, những hiện tượng nào phù hợp để mà chọn ? Đây là một phép thử. Vừa là thử
độ phù hợp đúng đắn của hiện tượng vừa là bước thu thập, gạn lọc đầu tiên cho
con đường quy về yếu tính. Thử như thế nào ? Hãy gắn kết những mảnh vụn hiện tượng
ấy với nhau. Như thể công việc của một nhà khảo cổ học, đào bới đống tàn tích của
toà lâu đài đã sụp đổ dưới sức nặng của thời gian và thế giới. Thử hàn gắn những
mảnh vụn (hiện tượng ấy) và hẳn nhiên, cuối cùng, chỉ lấy ra những mảnh ghép cần
thiết để phác họa một chân dung đúng đắn nhất có thể về cái yếu tính của tòa
lâu đài kia. Cái mà nhà khảo cổ tìm không phải là tòa lâu đài như một khối vật
chất mà là sự hiện hữu lưu hoạt của tòa lâu đài như một khối vật chất sống (ít
nhất là đã sống), cũng như thế, người đọc tìm ở văn bản, không phải để phục dựng
lại toàn vẹn văn bản trong nhận thức của mình mà là tìm cái nền tảng cốt lõi để
ở trên đó, văn bản vận hành tồn hữu của nó.
Đến đây chúng tôi sẽ bàn cách/phương pháp mà chúng ta thao
tác với những dữ liệu kinh nghiệm thế giới thu thập được. Chúng tôi muốn nói đến
kĩ thuật biến thể hay việc trực quan các bản chất. Đây cũng là một trong những
vấn đề cốt lõi của quy giản hiện tượng học. Chính ở phương pháp này, chúng ta bắt
gặp cuộc hội ngộ kì thú giữa tư tưởng Đông – Tây. Trong lĩnh vực nhận thức luận,
các học thuyết không chỉ muốn truy tìm lỗ hổng, các hạn chế của tư duy mà còn ở
đó, thông qua việc làm đó, muốn chỉ ra tính phổ quát và phác họa con đường dẫn
dắt ta về với tính thể thực hữu. Dường như tất cả mọi con đường, mọi diễn ngôn
đều chỉ cùng nói một điều. Tư tưởng nhân loại Đông Tây kim cổ, hồ như, chỉ là một
một quyển sách duy nhất mà thôi. Và sợi dây xuyên suốt, may ra, có thể dẫn ta về
giây phút “hồng hoang” của nhận thức – “sự đốn ngộ” hay phương pháp trực quan bản
chất và kĩ thuật biến thể theo cách dùng từ của Husserl. Về trực quan bản chất
(Wesensschau, Wesenserchauung/ l’intuition des essences / eidetic insight):
“Husserl cho rằng bên cạnh việc nhìn những sự vật và sự kiện cá biệt trong tri
giác cảm tính, ta còn có thể nhìn ra những bản chất thông qua trực quan phi-cảm
tính có cơ sở trong tri giác cảm tính và đồng dạng với nó (ý thể hóa/Idéation).
Trực quan bản chất là một dạng của trực quan phạm trù, dùng sự trừu tượng
ý thể hóa thoát li khỏi cái cá biệt để tập trung vào cái phổ quát và tất yếu”[7].
Đây thực sự là một cuộc cách mạng. Đòi hỏi này, thực tế là một sự bứt phá, kiểu
như vật thể của địa cầu vượt thoát khỏi lực trọng trường để tiến thẳng vào
không gian. Nghĩa là vượt rào cản của “giấc mơ con, đè nát cuộc đời con”. Hay
nói ra một cách thần đạo như Xuân Thu là vượt hẳn – ngã hẳn vào cõi trời, đẩy
tri nhận từ bình diện cảm tính vào bình diện ý thể tinh ròng nó, biến nó thành
siêu ý thể, vượt ra khỏi tính chất cụ thể của thực hữu. Ta dấn thân vào địa hạt
của văn bản, như kẻ mộng du đi vào miền đất đai của chúa thượng. Ta buộc lòng
tuân thủ các luật lệ của chúa thượng để nhập gia. Và ta vầy võ, ngoạy nguậy, nhầy
nhụa giữa các thực hữu cảm tính trong dạng thức cảm giác của quan năng với sự
buộc ràng của đồ vật, ta trì ngự, án ngữ ở đó. Ta dự trù năng lượng bằng cách
quên đi tính chủ thể của kẻ tiếp nhận, để ta nhập đồng, gắn với tính liên chủ
thể tàng ẩn của văn bản. Để rồi sau nữa, ta đi vào căn kiếp của ý thể ban đầu tạo
tác văn bản. Rồi ta cộng sinh với ý thể nó, đẩy nó về siêu ý thể. Nhưng bằng
cách nào, từ chỗ liên chủ thể hóa với tàng ẩn của văn bản. Từ đó, ta có thể đẩy
liên ý thể ấy về bình diện siêu ý thể ? Bằng cách nào?
Ta cần một phép biến hóa “thần thông”. Thần thông ở chỗ có thể
làm cho cái muôn vàn trở thành một và khai diễn một trở thành muôn vàn. Để rồi
làm gì nữa! Để ta triệt tiêu cái phép thần thông ấy đi. Sử dụng phép biến hóa
thần thông ấy đến mức không còn có thể thần thông thêm được nữa. Liệu ta có thể
làm được điều ấy chăng, ta có thể. Bởi ý thức ta không có những biên giới và luật
lề nhất định, khiến cho sự dao động của nó là muôn vàn muôn vạn. Hay ta có thể
gọi nó là “Kĩ thuật biến thể (variation, còn gọi là freie Variation / biến thể
tự do hay Phantasievariation/ biến thể tưởng tượng)….từ những dữ kiện cảm tính
về những thuộc tính của sự vật, ta có thể tha hồ biến đổi chúng cho đến khi đạt
được những gì bất biến và thường tồn trong sự vật, mà nếu không có chúng, sẽ
không còn là sự vật ấy nữa”[8]. Chúng ta thực hiện và theo dõi quá trình biến
thể muôn vàn này, ta thấy mơ hồ dòng luân chuyển của “Duyên khởi” chảy vào thân
mình. Đọc Mù khơi để cho ta trôi về cõi sương khói mù khơi tít tắp ấy.
Biến chuyển, dõi theo các hệ lụy, các liên hệ chằng chịt nguyên nhân-kết quả.
Và tìm về chỗ mà từ nó tất cả khởi sinh. Tất nhiên, phương pháp này chỉ hữu hiệu
và ích dụng trong giới hạn một phạm vi xác định. Còn nếu đặt nó vào bình diện
thực hữu phổ quát của vũ trụ thì không thể tìm được cái hằng số bất biến mà
Husserl nói đến. Nghĩa là, công việc mà Husserl thực hiện, luôn luôn đặt trong
dấu ngoặc và ông thực hiện công việc của một nhà khoa học mang đời sống khu biệt
trong phòng “thí nghiệm” để phân tích và lượng định nó. Vậy nên, cái môi trường
tác phẩm (tiểu thuyết Mù khơi) với các hạn định tự thân của nó, có thể cho
ta có cơ hội ứng dụng kĩ thuật biến thể vào nó để truy nguyên các hằng số tồn hữu.
2. Nhân vật Trường – thế giới trong cách thế kinh nghiệm chối
bỏ hệ giá trị hay cõi thế sụp đổ bình địa
Trước tiên, ở góc nhìn hẹp, chúng tôi sẽ thao tác với các hiện
tượng/kinh nghiệm thế giới ở góc độ nhân vật mà cụ thể là nhân vật Trường/Phúc.
Vũ trụ xoay quanh một nhân vật. Ở một nhân vật là cả một thế giới. Nhân vật và
thế giới mà nhân vật tồn hoạt không tách rời nhau. Vạn bất đắc dĩ mới phải tách
nhân vật ra khỏi thế giới của nó để chúng ta nghiên cứu nghiền ngẫm phân tách.
Nghĩa là vạn bất đắc dĩ phải bỏ nhân vật và cái hệ lụy (thế giới theo đó) vào
trong ngoặc kép, vạn bất đắc dĩ mới phải cắt đứt dòng tương tục không thôi của
ý hướng lập thành thế giới. Mặc dù, ở đây không hẳn là chúng tôi tách/cắt lìa
nhân vật ra khỏi thế giới. Chỉ đơn giản là một góc nhìn hẹp, từ nhân vật phóng
chiếu ra thế giới. Ở phần sau, chúng ta sẽ làm ngược lại, quay ngược góc nhìn. Ở
phần sau, chúng tôi sẽ thực hiện thao tác ở một góc nhìn bao quát hơn.
Phúc chối bỏ ông Nguyễn – ông nguyễn đại diện cho cái quá khứ
thất bại lẩn quẩn trong kẹt hẻm, lảm nhảm với những chiến lược, chiến thuật.
Phúc chối bỏ ông, là chối đi sự vận động của hiện hữu. Vì khi hắn cắt đứt quá
khứ, dù là quá khứ của ai thì cũng là chối bỏ cái hoạt tính của hiện thể. Thế
nên, cái sự tại thế của Phúc là sự tại thế lấp lửng, bấp bênh, bồng bềnh, hoặc
đại khái như một chút bèo trôi nước chảy. Phúc trôi đi, Phúc không sống. Phúc
đi về phía hư vô hóa. Bằng sự chối bỏ, nhân vật trở nên cô độc. Vì chối bỏ,
không chỉ chối bỏ ông Nguyễn, Phúc còn chối bỏ đám bạn bè của Khả, một đám người
dở hơi nói toàn chuyện không đâu, suốt đời chỉ nhí nhố chuyện trò về những gì
không đâu giữa một ổ đời không – đô thành Saigon. Và chính ở sự chối bỏ đó,
tính thể của sự tại thế của Phúc hay của Trường đã xuất lộ trong dáng dấp cô độc.
Và sự cô độc ở đây là sự cô độc bản chất. Hay có thể gọi là chân không của sự lập
thức. Sự lập thức cần có cô độc để sinh thành và khai triển.
Cô độc không đơn thuần là bị bỏ rơi, hoặc biệt lập với phần
còn lại – phi ngã; cô độc vì bị biệt lập với chính phần đời của mình, xa lạ với
chính cuộc đời của chính mình. Sự cô độc bản chất, đến mức ngay cả sự biệt lập
với cái phi ngã cũng không còn. Sự hiện hữu cũng không còn hiện hữu nữa. Sự hiện
hữu đến mức không còn hiện hữu nữa đến lượt nó lại là sự hiện hữu ở một dạng
khác. Hiện hữu tồn hoạt với trạng thái nín lặng tuyệt đối. Biểu hiện của điều
đó là sự phủ nhận toàn thẩy. Các nhận vật chối bỏ, phủ nhận lời của nhau.
Phúc/Trường với Hồng, Phúc/Trường với Châu, Phúc/Trường với Khả. Các nhận vật
là những tinh cầu cô độc không tìm thấy liên kết. Ngay cả Phúc/Trường với Hồng
– người đàn bà bị đồn đoán có một cuộc tình vĩ đại với ông Nguyễn, hai con người
thậm chí đã bị lùa về phía nhau đến mức chung chạ xác thịt nhưng rồi; cuối cùng
vẫn tuyệt đối cô độc. Có chăng là vài phút yếu lòng, tựa nương vào nhau tìm
chút hơi ấm sẻ chia gắn bó lúc tấm lòng đã vụn vỡ tan hoang. Kì cùng, sau những
tan nát ấy, giữa các nhân vật vẫn không hề có sự kết nối nào. Yếu tính của nhân
vật ở đây, ngoài cô độc ra, chắc chỉ còn hư vô. Đó là những bóng hình đi lang
thang, chịu đọa đày trong chính những bế tắc của việc sống mà mỗi người họ chỉ
có thể tra hỏi mà không sao trả lời. Sống là kéo lê đời để hỏi mà chẳng thể trả
lời cho một câu hỏi mãi mãi bắt đầu mà không bao giờ hoàn thành được.
Đoạn tác giả nói đến giấc mơ của nhân vật “Tôi” (tiếng tôi
như một phán quyết, một định đề và cũng là định mệnh nữa), “Lúc ấy mưa đổ bên
ngoài, vọng sâu trong giấc thiếp, chuyển trong vòm nhịp phủ kín những mơ màng lặng
lẽ. Tôi nghe như bầy lá dài khua động miên man, lả tả trên sân vắng của ngôi
nhà cũ một thời đầy hoang lạnh mà tôi thấy mình trở về đi lại nơi đó. Tôi trở về
nhìn cảnh tượng khác xưa biết bao nhiêu, hiện trong nắng quái bàng hoàng. / Dường
như tôi vừa trải qua cuộc hành trình, tôi mệt nhọc buồn bã. Tôi bước theo lối
mòn ra đồng, ở đó lỗ huyệt đang lấp. Đứng vây quanh nấm mộ, những người lạ chưa
từng gặp. Tôi đứng bên gốc tre ngắm cảnh tượng, không nghe một tiếng khóc. Ông
ta chết im lìm như tiếng tù và khuất tắt trong buổi chiều nhạc phếch, mênh
mông”[9]. Giấc mơ là một cái cớ tuyệt vời cho chuyến phiêu lưu thế giới tính để
hình thành và phơi mở ra chân trời tại thế thuần túy và chân thực của việc làm
người. Bản chất của giấc mơ là không thực. Thực ở đây là cái hiểu của một thái
độ duy nhiên. Thực ở đây có thể hiểu dưới gốc độ hóa sinh và thuần vật lý. Thực
theo cái hiểu của một khoa học tự nhiên mang tính máy móc. Nhưng giấc mơ vượt
lên trên cái thực đó. Chúng ta rút gọn giấc mơ, rút gọn phân số giấc mơ, vượt
qua những tiểu tiết mà đôi khi vài người sẽ hiểu dưới góc độ phân tâm; tuy
nhiên, chúng ta đang tìm hằng số của giấc mơ. Giấc mơ trước tiên là sự vượt
thoát – theo cách hiểu một sự siêu việt của nhận thức. Nhận thức vượt lên trên
nhận thức để chính nhận thức cởi trói cho chính nó. Thế nên, giấc mơ là một cuộc
vượt ngục. Nhân vật tôi nằm mơ, hoặc ngồi mơ hoặc đi mơ, chung quy, cũng chỉ là
đi hoang, lang thang rời bỏ. Chưa biết, Tôi sẽ phiêu bạt đến đâu nhưng khi bắt
đầu mơ là bắt đầu ly khai. Tất nhiên, ly khai không hẳn là xa lìa hiện thực. Mà
thực tế, lại di chuyển tiệm cận về phía hiện thực theo cách hiểu là sự kết dệt
của mối quan hệ tương liên giữa nhân vật và phi nhân vật trong môi trường tác
phẩm. Không có gì chân thực hơn những kẻ mơ mộng. Giấc mơ của nhân vật Tôi mang
ý nghĩa hiện thực là vì thế. Giấc mơ là bằng cớ chân xác và đáng tin cậy hơn những
dữ kiện của đời sống vì giấc mơ vén màng, cởi bỏ lớp mây mù sương lạnh của tồn
hữu. Giấc mơ là bằng chứng, dấu vết của ý hướng tính. Qua giấc mơ, chúng ta tìm
thấy căn nguyên của ý thức mà ở ngay đó, ý thức bị lột truồng một cách đau đớn.
Chung quy, nói một cách khác, giấc mơ lại là một khía cạnh của
trực quan bản chất/ trực quan phổ quát (Wesensschau hay Wesenserchauung /
l’intuition des essences/ eidetic insight). Đó là việc cảm nghiệm thế giới
trong sự ngạc nhiên nguyên thủy để cho thế giới, toàn thẩy in hằn và lồng vào
nhân tính rồi trở thành nhân tính – một phương thức lưu hoạt của hiện thể. Thế
giới hiện lên qua giấc mơ kẻ thực hiện hành động nương vịn vào nhau. Kẻ thực hiện
giấc mơ cũng thực hiện sự xuất hiện của thế giới. Ngược lại, thế giới cho thấy
phương thức hiện hữu của kẻ mơ – tại thế thể (Dasein). Những cảnh những hình
hay sự chia lìa, sự kết thúc của nấm mộ, của lỗ huyệt không hay những người đưa
đám không tiếng khóc là kết quả của tâm thức cô độc hoàn toàn.
Sống là cô độc. Cuộc đời cần cô độc như nền tảng, như một thứ
rễ cọc của cây đời. Vì sao vậy ? Vì ý thức từ lúc khởi sinh đã là sự cô độc.
Không thể có ý thức không cô độc sao ? Không thể có ý thức không cô độc. Vì
kinh nghiệm thế giới hay các hiện tượng song hòa tác hiện đôi bên giữa ý thức
và thế giới chính vì sự cô đặc vật chất “cô độc” đến cùng cực mà hình thành.
Chính vì cô độc mà có “thức”. Con người bỗng thấy mình ngồi trơ ra giữa trời đất,
chính là khi cô độc đẩy con người “thức” được rằng con người không thể nhập hòa
với thế giới, chính là khi chia cách đôi bờ nhược thủy bất khả hợp nhất. Cho
nên nói, con người buộc phải ràng rịt kết liên với thế giới nhưng lại mãi mãi
không thể kết liên với thế giới. Bản chất cô độc của kinh nghiệm thế giới đã tạo
thành đặc thù “tan rã” của ý thức. Nhưng vì tan rã nên mới vận động, nên mới có
“thức” là vậy. Các nhân vật như Phúc, Hồng, Khả cần đến cô độc nhưng cá cần nước.
Nhưng đó là những con cá chết đuối trong lòng nước.
Vì sao vậy ? Vì tất cả những gì mà nhân vật “Tôi” đã làm
trong câu chuyện là CHỐI BỎ. Anh ta chối bỏ Hằng, chối bỏ người đàn ông đã chết,
chối bỏ những kẻ hợm hĩnh bàn tán các vấn đề to tát trống rỗng trong ngôi nhà sặc
mùi giả dối trên cao nguyên và anh ta bỏ đi ra khỏi đám đông. Sự tách lìa khỏi
đồng loại và thói suy nghĩ bầy đàn, anh ta cũng chối bỏ chính sinh quyển của
mình. Hệ giá trí của cuộc sống chung quanh hiện lên trong cách thế ý hướng mà
anh ta thực hiện đã hiện lên trong trạng thái rúng động. Sự rúng động chực chờ
sụp đổ.
Kỳ thực nền tảng của hệ giá trị trong ý hướng của “tôi” đã
không còn nữa. Nên trong tâm khảm “tôi” chỉ có sự khinh bỉ và nực cười. Với ý
hướng đó, “tôi” đã kinh nghiệm thế giới. Và thế giới theo đó hiện lên như cõi
bình địa hoang tàn của buổi hoàng hôn. Hay “buổi hoàng hôn của những thần tượng”.
Cõi thế đã trở nên lố bịch và trống rỗng. Lố bịch vì trống rỗng và chính vì trống
rỗng nhưng lại tỏ ra vẻ đầy nghĩa lý nên thành ra càng lố bịch hơn.
Hẳn nhiên, với ý hướng chối bỏ hệ giá trị căn cơ, nhân vật
“tôi” cũng như các nhân vật khác chẳng thể tái thiết một hệ giá trị tồn hữu
khác. Rõ thấy niềm tin con người đã cạn kiệt, dễ thấy trái tim con người đầy rẫy
chán chường; nhưng đằng sau đó vẫn còn có khao khát. Vì có dũng khí chối bỏ và
đập nát hệ giá trị cũ kỹ trống rỗng nghĩa là lòng khao khát một hệ giá trị khác
đã đủ lớn để ly khai. Vấn đề lập thành hệ giá trị khác không phải là điểm đến của
chuyến du tưởng (một chuyến đi không biết trước điểm dừng), hệ giá trí không thể
là điểm đến, một hướng đích tìm về. Mà hệ giá trị của sinh hiện chỉ có thể lập
thành trên chính cuộc du tưởng đó. Đi không phải để đến, đi chỉ để mà đi. Sống
không phải để cầu đạt đến một lý tưởng nào đó. Sống chỉ để nghiệm trải và lăn
tràn ra giữa cuộc va chạm mỗi ngày mãi hoài thường xuyên. Nghĩa lý của thế giới
mở ra trên từng bước “tôi” bước tới. Nhưng đồng thời, mỗi bước “tôi” bước tới
đã đạp nát cõi thế thành ra bình địa. Mâu thuẫn trong kinh nghiệm thế giới của
tôi chính là ở chỗ đó và biện chứng lập thành kinh nghiệm thế giới của tôi cũng
ngay ở chỗ đó mà có được.
3. Thế giới Mù khơi hay các ý hướng lập thành sinh giới
Sau khi đã nắm bắt kinh nghiệm thế giới từ góc độ nhân vật.
Chúng tôi muốn làm công việc ngược lại. Sau khi đã nghiên cứu nghiền ngẫm cõi
thế xuất hiện ra như thế nào, chúng tôi muốn từ đó quay về căn cơ ý hướng lập
thành cõi thế đó. Việc tác giả cố ý sắp xếp hai khung cảnh đối lập, việc xây dựng
khung cảnh như thế, dựa trên tính chất đối lập của hai cảnh nền, chúng ta có thể
phát hiện ra ý hướng mà từ đó tác giả xây dựng. Hay nói khác đi, chúng tôi muốn
nắm bắt hai mảng lớn dễ thấy trước hết của cõi thế thị hiện ra trong tác phẩm để
từ đó lần ra manh mối ý hướng tác thành. Cụ thể, cõi giới tại thế theo lối quy
nạp có thể gồm thâu điển hình bởi hai khung cảnh mà tác phẩm dường như đã cố
tình đặt cạnh nhau. (Từ khung cảnh đặt canh nhau, yếu tính của sinh giới theo
hai cách thế đó, tràn ra khắp tác phẩm). Cụ thể:
– Gia đình anh thủy binh |
– Phúc/ Trường và chị Hồng |
– Tiếng vợ cằn nhằn |
– Bầu không khí lặng lẽ, xám xịt |
– Tiếng trẻ con khóc |
– Cảm giác bẽ bàng, đau đớn, mưng mủ, ngượng ngập trong tâm
hồn |
– Anh thủy binh hát vu vơ |
– Tiếng trò chuyện đứt quãng, đôi khi nghẹn ngào đôi khi lặng
vào không gian mơ hồ |
– Bữa cơm chiều tối |
– Căn phòng kín bưng, chật ních, e ép, thắt chặt hai nhân vật |
– Tiếng máy hát |
– Bóng chiều dần tắt và không gian dần được lấp đầy bởi
bóng tối |
– Cả nhà xuống phố dạo mát |
– Tiếng khóc và khói thuốc lá |
-
Hai con người vừa gần nhưng lại xa nhau, vừa phanh phui vạch trần lòng
nhau vừa nâng đỡ chia sẻ và bám víu lấy nhau. Họ vừa cần nhau vừa muốn xa rời
nhau. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét