Thứ Hai, 23 tháng 12, 2024

Chấm phá về cây, hoa cẩm cù

Chấm phá về cây, hoa cẩm cù

Người châu Âu hay vùng bắc Mỹ thích cây, hoa cẩm cù bao nhiêu thì nhiều người Việt sống ở các quốc gia hai châu lục nói trên còn mê đắm cẩm cù, trong đó có cây lá tim hơn thế, bởi nhìn cây lá nó gợi cho người ta nhớ đến quê hương, xứ sở của mình!
Tôi biết rồi “mết” vẻ đẹp quyến rũ của hoa cẩm cù (tên khoa học là Hoya) từ khoảng hai năm trước. Định là trong năm 2021 sẽ đi một vài địa phương để tìm hiểu, khám phá thêm tiềm năng cây, hoa có cái tên nghe mộc mạc đang rộ lên ở Việt Nam. Nhưng rồi dịch Covid-19 bùng phát, ý định đó đành gác lại. Thôi thì chỉ chấm phá, “điểm danh” vài ba trong số 520 Hoya đã được Tổ chức quốc tế định danh thực vật (ICBN) công bố đã cuốn hút người chơi trên thế giới, gần đây là với nhiều người Việt Nam…
1. Xin bắt đầu từ cây cẩm cù lá hình trái tim (Hoya kerrii).
Cũng như nhiều cây hoa cẩm cù, cây lá tim thuộc họ dây leo, lá mọc đối xứng và có xuất xứ từ nhiều nước châu Á, nhất là các nước vùng Đông Nam Á với khí hậu nhiệt đới, nắng nhiều. Cái khác của cây lá tim so với các cây cẩm cù khác – như tên của nó – lá y hệt hình một trái tim. Chính sự độc nhất vô nhị này mà từ nhiều năm nay ở nhiều nước vùng bắc Mỹ, các quốc gia châu Âu – quê hương của Ngày lễ tình nhân (Valentine) 14 tháng 2 hằng năm – thay cho hộp Chocolate ngọt ngào hay bông hoa hồng đỏ thắm, ngày càng nhiều chàng trai phải đôn đáo lùng mua bằng được chậu cây Hoya kerrii, thậm chí chỉ một chiếc lá tim để tặng người yêu – Một tặng phẩm từ thiên nhiên thể hiện sự thủy chung còn gì ấn tượng và ý nghĩa hơn? Ngoài mùa lễ tình nhân nhiều người ở châu Âu, các nước vùng bắc Mỹ còn chuộng mua cây lá tim tặng người thân, bạn bè dịp sinh nhật, các ngày lễ để tỏ lòng như nhất, trước sau như một. Cũng có thể hiểu thêm ý nghĩa thực dụng: Tặng hộp Chocolate ăn rồi cũng hết hay một bông hoa hồng cắm bình để bàn vài ba ngày rồi sẽ tàn còn với một cây lá tim vốn là cây dễ sống, nếu được chăm chút nó có thể xanh từ năm này sang năm khác, nảy thêm những cặp lá mới, thậm chí cho hoa… Và như thế người được tặng cây sẽ luôn nhớ đến người đã tặng những cặp lá hình trái tim!
Nhược điểm của cây lá tim là nó khó hoa và hoa thì nhỏ bông hơn nhiều bông cây cùng họ khác. Nhưng, phàm đã là người mê cẩm cù thì một số cây người ta chơi và ngắm những chiếc lá độc đáo cũng đủ cảm xúc và thích thú rồi! Một nhược điểm khác của cây cẩm cù nói chung với người châu Âu và vùng bắc Mỹ là cây không ưa lạnh, vậy nên vào mùa đông chủ nhân phải bê từ sân vườn hay bancon vào trong nhà kín. Nhiều người cưng chiều cây hơn còn làm phòng kính, lắp hệ thống đèn chiếu sưởi ấm cho cây sống khỏe qua mùa giá tuyết!
Người châu Âu hay vùng bắc Mỹ thích cây, hoa cẩm cù bao nhiêu thì nhiều người Việt sống ở các quốc gia hai châu lục nói trên còn mê đắm cẩm cù, trong đó có cây lá tim hơn thế, bởi nhìn cây lá nó gợi cho người ta nhớ đến quê hương, xứ sở của mình! Chẳng thế mà cô bạn Nguyễn Thị Bích Ngà (Nga Sutuder) mà tôi quen biết, một người Hà Nội chính hiệu hiện định cư và sống với chồng ở Giơnever (Thụy Sĩ) – một “con nghiện” cẩm cù từ nhiều năm nay – có lần giãi bày cảm xúc trên facebook của mình: “Đi hơn 100 ki-lô-mét, sang tận bên đất Pháp mới mua được chậu Hoya kerrii ở một Shop bán cây cảnh. Mừng hơn cả bắt được vàng”. Yêu quí cẩm cù đến như thế kể cũng là đến độ!
Mua một cây lá tim hay nói rộng hơn một số cây cẩm cù khác ở châu Âu không hề rẻ. Ở nước Mỹ và vùng bắc Mỹ, cụ thể là Canada còn mắc hơn. Nói vậy bởi ngoài cô bạn Bích Ngà ở Thụy Sĩ, tôi đã có vài cuộc trao đổi thông tin về thị trường cây, hoa cẩm cù với cô cháu gái Phạm Giang ở Paris (Pháp), Nguyễn Doan ở Texas (Mỹ), Nguyễn Bích Ngọc ở Canada… họ đều là người Việt và là các “đồng nghiện” cẩm cù của tôi ở xứ người. Chính họ đã cởi mở chia sẻ ảnh qua Meesenger để tôi biết giá bán nhiều loại cây cẩm cù ở nước sở tại (xem ảnh) – Tất nhiên đây chỉ là tham khảo, bởi giá cả từng thời điểm có lên, xuống và tùy cây lá nhiều hay ít, to hay nhỏ, mầu sắc có đẹp, rồi nữa cây đang hoa, sắp hoa hay mới độ trưởng thành mà giá bán cũng khác nhau.
Giá các cây hoa cẩm cù ở một số nước cao gấp 5-7 lần so với giá bán cây cùng loại của nhiều nhà vườn tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ hay nhà vườn Thuận Việt ở ngay huyện Phúc Thọ (Hà Nội) mà tôi biết. Chẳng hạn, một cây lá tim có 5-6 cặp lá ở nhà vườn Thuận Việt và các nhà vườn phía Nam chỉ trên dưới 100.000 đồng thì ở châu Âu phải 30-40 Euro, ở Mỹ và Canada chừng 50 USD, thậm chí hơn. Tôi hỏi, giá cẩm cù ở “bển” mắc thế sao? Mấy “con nghiện” cẩm cù mà tôi điểm tên ở trên đều lý giải, đại loại: Thật ra nguồn cung cẩm cù từ các nước Đông Nam Á không ít, chẳng qua là thấp xa so với nhu cầu người tiêu dùng nước sở tại nên thành ra hiếm và giá thì cao vậy thôi!
Nghĩ mà thấy chạnh lòng và thương cho cây cẩm cù đang có khá nhiều ở đất nước mình!?
2.Như đã nói, quê hương của cây cẩm cù ở một số nước châu Á, nhiều là các quốc gia Đông Nam Á. Lướt nhìn danh sách 520 cây hoa Hoya mà Tổ chức ICBN công bố cách nay hơn một năm thì Philippin chiếm số lượng áp đảo đến 1/3, tiếp đến là Thailan, Malaixia, Indonexia, Myanma, Trung Quốc… mỗi nước có hàng chục tên cây cẩm cù khác nhau. Trong khi đó số cây cẩm cù có xuất xứ Việt Nam chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay?
Việt Nam có thật sự “nghèo” về cây hoa cẩm cù so với các quốc gia láng giềng hay do chậm chân trong công việc điều tra, phát hiện và đăng ký với tổ chức chuyên ngành quốc tế?
Nên nhớ, từ năm 1924 nhà thực vật học M. Poilane từng thu thập được một mẫu cây lạ ở tỉnh Quảng Trị (hiện còn lưu giữ tại Bảo tàng thực vật Paris – Pháp). Tại thời điểm ấy không ai xác định được tên cây đó là gì? Phải 90 năm sau, một loại cây mới xuất hiện và được mô tả y trang như cây nói trên. Rồi cây đó được công bố với tên khoa học là: H. lockii. Người phát hiện là GS. Phan Kế Lộc (Trường Đại học Khoa học tự nhiên) – Làng chơi cẩm cù trong nước lâu nay vẫn gọi nôm na là cẩm cù Lộc – tên của vị Giáo sư). Cẩm cù Lộc hoa mầu trắng ngà tỏa mùi chocola quyến rũ, mọc từng bụi nhỏ rải rác ở các vùng rừng núi dọc dài miền Trung là cây cẩm cù đặc hữu đẹp nhất Việt Nam.
Một số ít ỏi cây cẩm cù có xuất xứ Việt Nam bên cạnh H. lockii là: H. hanhiae, H. longipedunculata, H. nutans Aver, H. thuathienhuensis, H. crassipetiolata Aver, H. bonii costantin, tất cả đều được phát hiện và công bố vào thời điểm năm 2012 – Người được ICBN ghi danh chủ yếu thuộc về Ths. Phạm Văn Thể (Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật – Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam). Bẵng đi 10 năm nay, không biết có phải công việc nghiên cứu, khám phá về tài nguyên sinh vật của các nhà khoa học trong nước bị chững lại hay có một lý do nào khác mà Việt Nam không có thêm một cây cẩm cù mới nào được phát hiện?
Trong khi đó thì khoảng 10 năm nay, không biết khởi nguồn từ đâu hay là do nắm bắt nhu cầu của người yêu thích hoa cẩm cù trong nước và thế giới mà ở các tỉnh phía Nam như Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long… rộ lên rồi xuất hiện hàng chục nhà vườn trồng cẩm cù. Mỗi nhà vườn thường xuyên ít thì cả trăm, nhiều thì vài trăm cây cẩm cù các loại. Nghe nói các nhà vườn phía Nam học được “kinh nghiệm” từ các nhà vườn Thái Lan, Philippin (?). Đặc điểm của cẩm cù là dễ giâm nhân giống và cũng nhanh phát triển, cho hoa. Thực tế nhiều năm qua một số nhà vườn Thái Lan, Indonexia đã trao đổi, cung ứng cây giống cẩm cù cho các nhà vườn Việt Nam. Sau đó lại chính các nhà vườn Thái Lan, Indonexia mua lại từ các nhà vườn Việt Nam cây có giá trị thương mại rồi xuất khẩu ra nước ngoài…
Giữa nhiều nhà vườn các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc (chủ yếu ở các huyện ngoại thành Hà Nội) và miền Trung (số lượng chưa nhiều như phía Nam) cũng thường xuyên có các cuộc trao đổi, mua bán cẩm cù. Việc lưu chuyển giao thương cẩm cù giữa các nhà vườn với nhau, kể cả trực tiếp với người tiêu dùng diễn ra khá thuận tiện bởi ngành hàng không với các chuyến bay hằng ngày nối ba miền Bắc – Trung – Nam. Cẩm cù vốn chịu hạn tốt, có thể lưu kho,”đi mây, về gió” trong kiện/ thùng kín 4 – 5 ngày, thậm chí cả tuần cây vẫn sống khỏe!
Có cầu ắt có cung. Không phải ngẫu nhiên mà trong mấy năm qua cả nước xuất hiện nhiều nhà vườn cẩm cù. Tất nhiên tùy điều kiện mà quy mô đầu tư, số lượng cây cẩm cù ở mỗi nhà vườn cũng khác nhau.
Tôi muốn nói đến Thuận Việt – Một nhà vườn cẩm cù ở làng Tường Phiêu, huyện Phúc Thọ, cách Hà Nội chỉ tầm 40 km – Mà tôi và nhà văn Hà Phạm Phú, nhà báo Trung Hiền có dịp “lạc” đến. Làng Tường Phiêu vốn có nghề trồng cây ăn quả từ xa xưa, 10 năm trước cô giáo dậy mẫu giáo tên là Thuận và chồng là Việt chuyển hướng đầu tư sang chuyên trồng cây cẩm cù. Trời, cơ man là cẩm cù, không phải một mà những hai vườn. Cả hai thửa đất nhà bố mẹ vợ và bố mẹ chồng gộp lại rộng đến hơn 5.000 mét vuông đều dành trồng cẩm cù. Theo Thuận Việt thì nhà vườn thường xuyên có trên dưới 10.000 đầu cây cẩm cù lớn, nhỏ với khoảng 300 loại khác nhau, trong đó có nhiều loại du nhập từ các nước láng giềng về… Những con số thật ấn tượng ở một nhà vườn. Hiện nay, Thuận Việt là nhà vườn đứng đầu bảng trong việc cung ứng cây cẩm cù cho người tiêu dùng ở miền Bắc và lác đác có những lô cẩm cù xuất ngoại theo hình thức “hàng xách tay” cho một số người Việt định cư ở châu Âu, châu Mỹ đặt mua qua Online…
Chợt nghĩ, đó mới là một nhà vườn còn nếu tính cả hàng chục, thậm chí cả trăm nhà vườn cẩm cù ngoài Bắc, trong Nam, rồi thì miền Trung và Tây Nguyên nữa thì Việt Nam đâu phải là đất nước “nghèo” về tiềm năng cây, hoa cẩm cù?
Vĩ Thanh
Việt Nam không chỉ “nghèo” về cây hoa cẩm cù như Tổ chức quốc tế định danh thực vật công bố mà còn “kiết” về kim ngạch xuất khẩu về cây hoa này?
Cho đến thời điểm hiện tại cả nước có bao nhiêu nhà vườn trồng cây cẩm cù? Và nữa, tiềm năng về số lượng và các loại cây cẩm cù có ở Việt Nam đang đứng ở đâu so với một số nước Đông Nam Á láng giềng? Không ai biết! Có lẽ đã đến lúc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam, một số địa phương, các nhà khoa học về tài nguyên sinh vật cần có một cuộc khảo sát, điều tra để tìm ra lời giải. Trên cơ sở đó hỗ trợ, khuyến khích các nhà vườn phát triển và xuất khẩu cây hoa cẩm cù ra nước ngoài như các nước Philippin, Thailan, Indonexia… đã “nhanh chân” làm từ nhiều chục năm nay! (*).
Chú thích:
(*) Không hiểu sao, cho đến nay Việt Nam mới chỉ duy nhất Công ty TNHH nhà vườn Thanh Y ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) được Cục Kiểm dịch thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật (Phytosanitary Certificate) – mà cũng chỉ mới đây, ngày 21.6.2021?.
28/1/2022
Bùi Đức Khiêm
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vườn xưa

Vườn xưa Vườn xưa, ấy là cái vườn của gia đình tôi ở quê, thôn Khê, nằm bên tả ngạn con sông Cái thuộc tỉnh Hưng Yên, cách thủ đô chừng và...