Thứ Hai, 23 tháng 12, 2024

Cho một quê nhà Sài Gòn covid 2021

Cho một quê nhà
Sài Gòn covid 2021

Quê gốc tôi Biên Hòa. Khi chưa là cư dân Sài Gòn hai mươi năm như bây giờ, người Biên Hòa hỏi tôi: “Chừng nào đi Sài Gòn?”. Khi đã là cư dân Sài Gòn hai mươi năm, có dịp về thăm quê, người Biên Hòa hỏi tôi: “Chừng nào dìa Sài Gòn?”. Với người miền Nam, từ “dìa” là quan trọng trong việc khẳng định cái nơi để thuộc về.
Thời gian Sài Gòn lockdown cao điểm trong đại dịch Covid-19 năm 2021, tôi bị kẹt lại Biên Hòa do những chuyến đi- về thất thường Sài Gòn – Biên Hòa – Sài Gòn. Xa lộ Sài Gòn- Biên Hòa lúc đó như một tuyến phòng thủ khổng lồ thời chiến tranh, nội bất xuất ngoại bất nhập cả hai phía Sài Gòn – Biên Hòa để tránh covid lây lan. Biên Hòa cũng covid nhưng mức độ không “tương tàn” như Sài Gòn. Ngày ấy, làm việc online ở Biên Hòa, tôi như ngồi trên lửa.
Đêm về, ngồi trước màn hình máy tính đọc tin tức. Sài Gòn covid ngày nào cũng chết. Người nhiễm covid tăng ngàn ngàn, người chết covid tăng trăm trăm, mỗi ngày. Lockdown trĩu nặng tràn đầy hình ảnh các chú bộ đội đi giao tro cốt người chết vì covid cho các gia đình. Lockdown trĩu nặng, đường phố Sài Gòn thênh thang vắng ngắt, những cao ốc chơ vơ buồn trên những đại lộ thênh thang… Những hoàng hôn nặng nề u uất, tôi đứng trên ban công nhà Biên Hòa, nhìn về hướng Sài Gòn, muốn về nhà Sài Gòn, muốn làm một điều gì đó cho Sài Gòn ân tình dễ thương, nhưng bất lực…
Nhớ nhà Sài Gòn lắm rồi. Thèm về Sài Gòn đi một trận từ đông qua tây. Mơ được chạy xe tà tà trên con đường cái quan Nam- Bắc, trên xa lộ Hà Nội thênh thang tám trăm thước, để ngắm trời ngắm đất và ngắm mây bay. Cam đoan sẽ không khó chịu với những người ăn xin ở các chốt đèn xanh đèn đỏ nữa, mong gặp lại họ để nở nụ cười thân thiện, để mừng vì biết họ vẫn vững vàng trong đại dịch. Biết có được vậy không, hay họ đã trôi đi phương nảo phương nào, ai còn ai mất?
Mình sẽ không về nhà vội, bắt đầu từ con đường Điện Biên Phủ, ghé thăm ông sửa xe quen (mà không hề biết tên) ở trạm Honda Hàng Xanh hay hát Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà. Xong dọt lên góc Trần Quang Khải- Nguyễn Phi Khanh làm ly chè đậu đỏ bánh lọt “cổ truyền” của ông bán chè luôn hống hách: “Chè tui đủ ngon rồi, xin thêm nước dừa chi!”. Xong, phi thẳng qua Huỳnh Văn Bánh, quẹo Nam kỳ khởi nghĩa, kêu cái bánh xèo “Ăn là ghiền” một trăm ngàn đồng chà bá, lỡ đi một mình, ngồi trước cái mâm bánh xèo bao la cũng thấy mắc cỡ, sợ người ta nói mình “tạ hầu đôn” ăn chi ăn dữ!
No rồi thì thèm bạn, ngược lên cà phê Suối Đá góc Võ Thị Sáu- Nam kỳ khởi nghĩa, ngồi ngay cái suối nhân tạo nhắn con bạn ở Quận 6 chạy lên. Mùa trung thu, nhà nó gốc Tàu, làm bánh bao la, thế nào cũng “cụ bị” lên cho mình một hộp để dành cúng má, kèm thêm cái lẻ cho hai đứa vừa ăn vừa cà phê vừa tám từ lúa trồng đến lúa trổ. Lạy trời, nó F0, vừa qua thở máy, báo tin mừng, sống 90%. Thôi, mùa này không ăn bánh trung thu của mày cũng được, miễn sao mày còn sống, để dành các mùa trung thu sau.
Rồi sao nữa, lạc qua cái khu phố sang sang giữa lòng Quận 1, Huỳnh Thúc Kháng- Tạ Thu Thâu- Hàm Nghi… chi chi đó, thể nào cũng gặp con bạn nhà báo bụi đời đang ôm cái laptop trong quán cà phê có mấy cái ghế cao kều như gọng vó, vậy mà nó thích, nó nói ngồi cao, nhìn ra phố xá thênh thênh rất đã. Bắt đầu buôn chuyện thời sự, chuyện năm châu bốn bể, chuyện xe cán chó- chó cán xe. Xong rồi đi ăn hí. Nó luôn dành cho mình bất ngờ bằng những cái quán ngoằn nghoèo nhỏ xíu rất style mà mắc như quỷ. Cái gì có dính chữ Tây giữa lòng Quận 1 là mắc, nhưng nó trả tiền.
À, ghé bà chị Thanh Đa xíu, thế nào cũng có cái gì ăn và những câu chuyện không đụng hàng làm quà. Mấy tháng trời không gặp, thế nào bả cũng hun mình cái, rồi bắt đeo khẩu trang nói chuyện, khi nào ăn thì mở khẩu trang ra. Từ Thanh Đa sẽ chạy sang Quận 2 với cô bạn nhà văn có chuyện buồn trong mùa covid. Ông xã của bạn đã ra đi mãi mãi không về ở một bệnh viện dã chiến sau cả tuần thở máy. Khu vườn của ông xã bạn vẫn xanh ngút ngàn các loại rau quả, như chưa hề có trận cuồng phong covid cuốn qua.
Rồi trở về nhà, nhà ở Sài Gòn. “Quà cứu trợ” bao la đang đợi. Hơn ba tháng trời xa mặt nhưng không cách lòng, bạn bè các tỉnh không dịch đã gửi cho mình từng hộp cá, từng hộp thịt, từng ký măng khô… Không ở tâm dịch cuồng phong như Sài Gòn, trước đó, mình đã nhờ ông bảo vệ toà nhà mang những món quà này phân phát cho người cần hơn mình. Dặn ổng chừa lại phần mỗi người một ít để mình chỉ ăn lấy thảo, ăn để thưởng thức cái tình tương trợ bao la.
Rồi sao nữa? Rồi sẽ ngồi im nghe tim mình đập chậm buồn, nghe sự vắng vẻ của gần ba vạn người Sài Gòn ra đi trong đại dịch. Họ đã khổ sở, đớn đau từ biệt cõi đời trên giường bệnh covid. Họ đã hy sinh như những chiến binh thật sự. Gần ba vạn sự ra đi cho ngàn vạn sự tái sinh và trở về- trong đó có mình và con trai. Sài Gòn sẽ bình thường, mà là bình thường cũ, mình ghét sự bình thường mới. Bình thường cũ để tất cả các trạng thái sẽ trở về như cũ. Sài Gòn sẽ lại làm ăn tất bật, sẽ lại độc đáo giàu đẹp và tiếp tục cưu mang những phận người gieo neo cả nước.
Về Sài Gòn trong đỉnh dịch để được sẻ chia, trong mình đã có lúc là một giấc mơ khó khăn đến vậy. Khi dịch bùng la liệt ở Sài Gòn, như những người bản quán tìm đường về quê ở miền Trung, miền Tây, Tây Nguyên… mình muốn lội ngược Sài Gòn làm quê. Tháng 10.2021, khi xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa “xả cảng covid”, mình vù xe về ngay phố nhỏ trên đường Điện Biên Phủ. Trước toà nhà mình ở, lá vàng rơi kín lối, chưa bao giờ thấy Sài Gòn thu lãng mạn đến vậy. Mà không phải vậy, ông bảo vệ tòa nhà báo rằng, anh lao công quét dọn tòa nhà mới ra đi vì covid trước đó hai ngày. Bỗng đâu nước mắt mình tuôn ra ào ào, ấm ức vì con covid lâu rồi, giờ mới khóc…
25/1/2022
Thu Trân
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Gió ven bờ sóng

Gió ven bờ sóng Chủ doanh nghiệp đồ mỹ nghệ Phong Hải sau khi làm ăn phát đạt và nhận thấy trên thị trường xuất hiện nhiều người kinh doan...