Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2025

Linh hồn xứ sở trong mưa rửa bùn

Linh hồn xứ sở trong mưa rửa bùn

Trần Thị Huyền Trang là một nhà văn luôn đau đáu nỗi niềm với quê hương xứ sở. Mưa rửa bùn là một phần của khát vọng “di dưỡng văn hóa một vùng đất”, Bình Định mến thương của chị. Tập truyện gồm 10 truyện ngắn được viết trong một khoảng thời gian cầm bút dài, Nxb Văn hóa văn nghệ Tp HCM xuất bản năm 2017.

            Sống động trong từng trang viết, trong văn mạch Mưa rửa bùn là nhịp đập của trái tim quê hương. Không gian xứ sở đã làm nên không gian nghệ thuật trong một thế giới truyện mà từ điểm nhìn hiện tại có thế thấy được cái “nghìn xưa” và cả cái “mai sau” (chữ dùng của Lưu Quang Vũ). Đó là cả một dải văn hóa Sa Huỳnh trầm tích: Quảng Nghĩa, Phú Yên, Quảng Nam; những tên núi tên sông: sông Kim Sơn, sông Lại, núi Kim Bồng; những thôn làngVạn Hội, Thanh Lương, Năng An, Đại Định, An Lão, Hoài Nhơn, Qui Nhơn, Tuy Viễn, Gò Chàm, Tuy Phước, Bình Khê, Phù Ly, Truông Mây, Phú Đa, Kiểng Hàng, An Thái, An Vinh… Những tên đất tên làng thân thuộc gợi lên bao niềm thương mến, mỗi tên đất tên làng là những “nhớ nhung dằn vặt khôn nguôi” (Bùi Phong Khê). Những địa danh này trong truyện ngắn Trần Thị Huyền Trang gắn liền với lịch sử hình thành vùng đất, với những cuộc chiến đấu giữ cõi mà trong đó những con người bình thường thì hóa anh hùng, người anh hùng thì hóa siêu phàm; nhưng máu của họ đổ xuống không phân biệt; xương cốt và linh hồn của họ trở thành đất đai và mây trắng quê hương. Ba truyện ngắn Trên đỉnh rừng thần, Trần Quang Diệu và Biệt lộ khắc họa lại một thời kì đẫm nước mắt và máu chưa xa, thế kỉ XVIII, XIX, XX. Nhưng không phải chỉ là lát cắt của thời đại, những câu chuyện gọi lên cả một mạch nguồn truyền thống văn hóa chảy mãi không ngừng từ ngàn xưa tới mai sau, như ca dao Bình Định từng ca: Khi nào rừng An Lão hết cây/ Sông Lại Giang hết nước thì qua đây mới dứt tình… Không gian núi sâu rừng thẳm làm nền cho những câu chuyện lịch sử, là không gian của kiểu nhân vật anh hùng. Rừng thần trong truyện Trên đỉnh rừng thần là nơi Nguyễn Huệ gặp Bok Kiơm. “Bóng ông in trên vách bên này nhà sàn như một ngọn núi. […] Bóng Huệ in lên vách bên kia nhà sàn như một ngọn núi” - cuộc gặp gỡ của những khí phách phi thường. Trong truyện ngắn Trần Quang Diệu, tầm vóc người anh hùng được đo bằng tầm vóc đại ngàn: “… mái tóc đẫm hương rừng núi, dù ông có về kinh thành và đồng bằng bao lâu, hương rừng núi vẫn không phai” (tr.34). “Trong khi ông hát, bàn tay nhiều vết chai của ông nắm lấy tay bà. Từ bàn tay ấy, những con đường đã mở ra, những con đường bất tận của non sông, chẳng con đường nào là không nhuộm mồ hôi và máu, chẳng con đường nào là không đầy nhớ thương vẫy gọi” (tr.43). Trong Biệt lộ, núi Nảy với những sườn đá chớn chở sắc lạnh như gươm, rừng cây thâm u rợn ngợp soi bóng xuống bàu Suốt trong veo là nơi nương náu của tên tướng cướp/ người anh hùng Dư Mãnh, nơi mây trắng bay trên đầu, bay qua những ngọn cây đẹp lạ lùng, mà trong hang đá lạnh, “muôn nghìn chiếc rựa sắt dựng thành hàng lớp chỉnh tề, như những hàng quân đã đứng đợi từ lâu lắm” (tr.63). Ngựa trời, chim đại bàng – K’ring, Bạch hổ cùng với rất nhiều gió núi ào ạt mà mát lành trong các câu chuyện góp phần tạo nên kiểu không gian đẹp đẽ mang đậm tính sử thi.

Không gian làng quê là kiểu không gian đặc trưng trong các câu chuyện Lá thị xanh lâu, Cố hương, Mưa rửa bùn và Một lứa bên trời; là một kiểu tín hiệu thẩm mĩ về những giá trị văn hóa bền vững của làng. Đó là làng Thị Dạ ven sông với bến nước, đình làng, gốc bồ đề sát mép nước, bờ sông với gió sông thổi lên mát rượi; tiếng trống hát bội vang dội cả triền sông; và có nhánh lá thị giắt lên vách liếp dù đã héo mà không chịu ngả vàng… (Lá thị xanh lâu). Đó là làng quê cũ kĩ trong Cố hương; làng quê rợp bóng mát của lũy tre quen thuộc, thân thiết; nơi có những cơn mưa tuổi dại, chị em bì bõm xách đèn đi soi ếch; nơi bữa ăn mẹ nấu luôn là những bữa ăn ngon nhất trần đời; nơi có cái gồm chọc gái để bước chân mười tám đôi mươi rậm rịch, rúc rích đến khuya; nơi chôn nhau cắt rốn, cũng là nơi xương cốt được gởi về; nơi ân nghĩa quê hương như núi non ngàn đời không trả hết. Đó là làng quê nghèo khó mà ấm áp tình người trong Mưa rửa bùn. Một làng quê mà “năm nào cũng lụt”, “tiếng tre hú nhão cả ruột”, “bốn bề trắng xóa, rơm rạ giăng mắc trên cành cây” (tr.132); nơi mà còn có những bà già mặc yếm, nặn tò he xanh xanh đỏ đỏ; nơi nỗi nhớ của người con neo về chốn mẹ: “Khi thì thầm gọi từng nhánh lá mau hồi phục, gương mặt mẹ bừng lên một niềm tin thánh thiện…” (tr.142). Làng quê cũng là nơi nuôi lớn những giấc mơ tuổi thơ để từ đó dù cho mỗi người ở đâu, trưởng thành theo cách nào thì cũng luôn giữ trong lòng sự trong trẻo tinh khiết của trời xanh mây trắng… (Một lứa bên trời).

Qua tập truyện, ta như thấy được một vùng đất đai kì vĩ núi liền núi điệp trùng, lại sông suối nên thơ bát ngát bao bọc ruộng đồng nhà cửa. Ở đó, cuộc sống đời đời tiếp nối, chảy trôi với muôn màu muôn vẻ buồn vui. Nhà văn đã nói cho chúng ta nghe điều ấy không chỉ bằng vốn hiểu biết sâu sắc mà còn bằng niềm tự hào và tình yêu thiết tha với quê hương xứ sở.

Cùng với địa hình tự nhiên khác biệt, làm nên dấu ấn Bình Định còn là vẻ đẹp con người với những đặc trưng đậm nét trong đời sống văn hóa Việt. Bình Định từ xưa đã được biết đến là vùng đất võ với lịch sử lâu đời. Trong công trình nghiên cứu Võ Bình Định nhìn từ tâm thức dân gian, Trần Thị Huyền Trang đã khẳng định: “Võ đã thành bản sắc, thành linh hồn của người Bình Định”. Nhân vật trong Mưa rửa bùn phần lớn là những nhân vật lịch sử, những anh hùng hào kiệt đầy tinh thần thượng võ; hoặc là những dân thườngthì cũng mang trong mình dòng máu nghĩa hiệp đẹp đẽ và cao thượng.  Những bậc anh hùng bước vào không gian truyện ngắn Trần Thị Huyền Trang có thể kể Quang Trung Nguyễn Huệ, Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu và phu nhân Bùi Thị Xuân, những cái tên đã vô cùng quen thuộc trong cả chính sử và dã sử. Có cảm giác ngòi bút của chị hướng về các nhân vật ấy không chỉ để tái hiện mà là ghi tạc, là yêu mến, ngưỡng mộ và xiết bao trân trọng. Chị dắt chúng ta về một nơi rất bí mật và tĩnh lặng, có như thế thì mới chứng kiến được cảnh này người này: “Từ đôi mắt của Huệ, một thứ ánh sáng kỳ lạ tỏa xuống sàn nhà, lóng lánh, soi rõ từng kẽ nứa. Giữa vùng sáng do mắt Huệ soi tới, có một con dệt vải cứ nhún lên nhún xuống trên những cái chân mảnh và gầy”. Cái ảo và cái thực trộn vào nhau khiến nhân vật hiện lên vừa cao quý vừa gần gũi, sự phi thường ẩn trong vẻ bình thường. Chị khai thác những phần rất người trong tâm hồn các vị anh hùng, nhìn họ trong những đường nét hiển lộ và các trạng thái tưởng chừng mơ hồ. Nguyễn Huệ trong truyện Trên đỉnh rừng thần là một thanh niên mày xếch, mắt sáng, mũi cao nghiêm cẩn, đôi môi không cười mà như sắp cười (…). Nơi ông vừa tỏa ra sự can đảm, hoạt bát và dễ mến của người trẻ, vừa có cái quyết liệt, can trường của người từng trải, đặc biệt là khả năng quan sát sắc bén đến soi thấu tâm can của đối phương. Hiểu, để tạo nên sự gần gũi mà không khinh nhờn, để chế ngự mà không đánh mất sự hòa đồng, nói sao làm vậy, vừa mưu lược vừa chân thành, nhờ thế Huệ lấy được lòng người, mà bắt đầu từ một nhân vật đặc biệt: tù trưởng Bok Kiơm. Cái nhìn đa diện ấy cũng được nhà văn sử dụng khi khắc họa tướng Trần Quang Diệu. Quang Diệu là một dũng tướng mà tình nghĩa vua tôi, anh em, bạn bè, vợ chồng… trong mọi mối quan hệ đều trước sau trọn vẹn. Với Nguyễn Huệ, Diệu vừa là tôi trung, vừa là tri kỉ, “như sinh ra là để hiểu nhau” (tr.41). Bạch hổ đối với Diệu đầy oán thù bản năng nhưng Diệu luôn nhân nhượng để bảo vệ sinh mạng cho nó. Với phu nhân của mình, Diệu yêu thương, chia sẻ, hỗ trợ hết lòng… Những khía cạnh đời thường này cũng chính là những giá trị đạo đức truyền thống cao đẹp của người Việt kết tinh. Nhân vật Dư Mãnh (Biệt lộ) cũng xin được xếp vào đây, một tên cướp trượng nghĩa khiến người ta yêu mến nể phục. Dư Mãnh lấy của người giàu chia cho kẻ khó, giúp đỡ những người bần hàn. Dư Mãnh giỏi võ nghệ, ngang tàng mà nhân ái, luôn chừa cho người khác một đường lui. Dư Mãnh có cái cười hào sảng, “giọng cười ấm như đỡ lấy từng giọt tiếng vang ngân của vợ”. Dư Mãnh là mẫu anh hùng trong tâm thức dân gian. Kết thúc của nhân vật là cái chết khiến người đọc nuối tiếc, vừa như nuối tiếc một câu chuyện cổ tích không có hậu, nhưng là sự nuối tiếc thanh lọc và nâng đỡ con người đứng dậy, buộc người ta có cái nhìn sâu hơn để nhận chân giá trị và suy nghĩ tiếp về thời cuộc, về trách nhiệm.

Truyện của Trần Thị Huyền Trang đòi hỏi người đọc phải có sự am hiểu về lịch sử, nếu không sẽ khó cảm nhận hết những vẻ đẹp của nhân vật mà chị muốn truyền tải. Một cái tên, một câu nói trong truyện cũng có thể gắn liền với một hoặc nhiều sự kiện tốn nhiều giấy mực xưa nay.

Niềm ưu ái của Trần Thị Huyền Trang còn nghiêng về phía những người dân thường, có tên hoặc không tên, bao bọc quanh họ là ánh sáng lành của sự tử tế, thiện lương. Đó là Ông ngoại trong Chiếc áo dạ, một trí thức nghèo nhưng lại hào phóng tình thương yêu, đã giúp đỡ một gia đình vượt qua biến cố trong chiến tranh; Đó là người đàn ông trong Cố hương đi đến gần cuối hành trình của đời vẫn không nguôi thao thức về tình quê, vẫn xốn xang với một cái tên của mối tình đầu xa lắc, lòng luôn biết ơn những người chị người em đã giữ gìn cội rễ tổ tiên… Trong Trả gió cho trời, đó là nghệ sĩ Huy, vượt lên những lo lắng toan tính đời thường, hi sinh quyền lợi cá nhân cho người khác; là Ninh, ở trong địa hạt cái ác vẫn giữ được tâm tính người. Đó là những bạn bè thơ ấu trong Một lứa bên trời, vẫn luôn nghĩ về nhau và làm mọi điều có thể cho nhau. Chân thực và đời thường hơn hết là những nhân vật trong truyện Mưa rửa bùn. Một ông cằm nhẫy đi làm từ thiện mà chuyên ăn chặn, bị mọi người coi thường khinh bỉ. Những người làm nghề vớt xác thì nhận được sự trân trọng cảm phục yêu mến. Bà già buôn trầu, cô gái bán nón, chú tiểu mù, ông áo trắng, em bé như mụt măng ngồi trong lòng ông nội... có sự khác biệt về thế hệ, giới tính, công việc, địa vị xã hội, thân phận… nhưng đều gặp gỡ nhau ở sự trong sáng hiền lành lương thiện chân chính… Họ là những mảnh ghép của nhân dân, những con người của đời sống quanh ta.

Truyện ngắn Lá thị xanh lâu là một truyện ngắn đặc biệt trong tập truyện. Câu chuyện mở cho người đọc một con đường đến với nghệ thuật hát bội, đặc trưng văn hóa Bình Định. Tuồng được khám phá ở góc độ nghệ thuật diễn xuất, “một kiểu đi mà lột tả được tình cảm, thái độ, tư thế” (tr.70), miếng đá giáp để che nỗi hổ ngươi của Tạ Ôn Đình (…); ở giá trị nội dung “…cái xảo trá gian hùng, cái trung tín nhân nghĩa ở đời có bao giờ cũ? ” (tr. 69); ở hệ thống nhân vật tham gia trong một vở tuồng: kép nhứt, kép vá, vai đào, người đánh trống chầu...; ở cái vui mừng hiếu kỳ nô nức của dân chúng khi một ghe hát cập bến. Người đọc được biết về tuồng khá kĩ càng qua lối kể, tả xen với thuyết minh cẩn thận chi tiết tỉ mỉ của nhà văn. Điều đọng lại sâu sắc nhất ở chỗ Lá thị xanh lâu là một câu chuyện tình có đủ lãng mạn say đắm nồng nàn nhớ thương đau đớn ràng rịt, nói cho ta nghe về sức sống của tình yêu làm nên sức sống nghệ thuật, thứ nghệ thuật có một đời sống mãnh liệt chảy trong lòng dân gian.

Làng quê và người quê là nguồn gốc của văn hóa Việt. Nhánh cành của đời sống hiện đại liệu có bám vào cội rễ, có giữ được vẻ đẹp đạo đức thuần khiết để tốt tươi? Đó là nỗi trăn trở lớn lao của người cầm bút. “Những nhà thơ có trách nhiệm với cả thế giới, nhưng kẻ nào không gắn bó với một mảnh đất quê hương thì không thể đại diện cho cả hành tinh này được” (Đaghextan của tôi – Raxun Gamzatop). Xin mượn lời của Raxun  Gamzatop thay cho lời kết bài viết này. Đồng thời, với niềm yêu mến riêng dành cho vùng đất Bình Định trong lòng nước Việt, tôi mong được đọc thêm nhiều tác phẩm mới từ Trần Thị Huyền Trang trong mạch nguồn viết về quê hương yêu dấu.

23/1/2022

Bùi Thị Diệu

Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tính quy phạm và sư phá vỡ nó trong thể loại thơ đương luật văn học trung đại Việt Nam

  Tính quy phạm và sư phá vỡ nó trong thể loại thơ đương luật văn học trung đại Việt Nam 1. Khái niệm 1.1. Thể loại Đường luật   Thơ Đ...