Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2025

Biểu tượng đất và nước trong trường ca Phồn Sinh

Biểu tượng đất và nước
trong trường ca Phồn Sinh

Trường ca Phồn Sinh của Nguyễn Linh Khiếu với ẩn nghĩa là phồn thực và sinh sôi có một hệ thống biểu tượng vô cùng phong phú và đa dạng. Trong đó, hai biểu tượng Đất và Nước như hai cánh cửa mở ra một thế giới phồn thực căng tràn nhựa sống. Biểu tượng Đất cùng với các biến thể của nó tương trưng cho sức mạnh của mẹ thiên nhiên; đồng thời là hiện thân cho vẻ đẹp của tình yêu. Biểu tượng Nước là cội nguồn của sự sống, một phương tiện thanh tẩy và tái sinh. Trường ca Phồn Sinh hai biểu tượng Nước và Đất tạo nên sức mạnh, thông điệp về sức sống phi thường, bất tận của châu thổ sông Hồng.
Lời mở
Biểu tượng trong thơ văn mang đặc trưng cho lối sống tư duy, tín ngưỡng của người Việt. Mỗi tín hiệu sẽ là sợi dây liên kết và là minh chứng hoàn hảo cho mối quan hệ giữa văn hóa và tác phẩm văn học. Biểu tượng có thể xem là chiếc chìa khóa vạn năng mở ra cánh cửa văn hóa bởi mối quan hệ giữa văn học và văn hóa chính là một “mảnh đất màu mỡ” chứa đựng những điều kỳ diệu. Vì vậy, tiếp cận biểu tượng được xem là con đường khám phá văn hóa mang lại độ chính xác và hiệu quả cao. Phồn Sinh (Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2018, in khổ 16×24, dày 710tr) – một bản trường ca độc và lạ, nó đã và đang làm cho giới phê bình cũng như độc giả yêu thơ hiện đại phải lên tiếng. Hai biểu tượng Nước và Đất đã chi phối cảm quan hiện thực và con người trong Phồn Sinh. Tìm hiểu những biểu tượng này tức là tìm hiểu văn hóa ở phương diện khái quát và hệ thống hơn, bởi văn học phản ánh sâu sắc nền văn hóa, lưu giữ văn hóa.
Biểu tượng đất và nước
Có thể nói Phồn Sinh là một bản trường ca đậm chất phồn thực với sự xuất hiện đầy đủ các biểu tượng. Trong tổng số 150 chương của bản trường ca, mỗi một chương khúc như một cá thể độc lập mà tự bản thân nó đã tạo ra ý nghĩa riêng cho mình. Khi khảo sát toàn bộ bản trường ca, chúng tôi nhận thấy sự xuất hiện dày đặc các biểu tượng: Đất đai (1), Nước (2), và các biến thể của nó. Hai biểu tượng này chiếm một tỷ lệ lớn trong 2044 lần xuất hiện của các biểu tượng thiên nhiên trong 150 chương. “Thực tại đời sống có muôn vàn ẩn số, ẩn dụ, mà bằng lôgic thông thường con người không giải mã được trọn vẹn. Biểu tượng vì vậy vừa lưu giữ, giải thích, vừa sáng tạo, vừa tái sinh cái vô tận trong cái kết hợp văn hóa của nhiều bối cảnh, thời kỳ khác nhau. Có sự liên hệ chặt chẽ giữa vô thức tập thể, vô thức cá nhân với biểu tượng và huyền thoại. Vô thức tập thể là ”kho trời chung” những năng lượng tinh thần của nhân loại, được khúc xạ, lưu giấu qua những sáng tạo riêng của các nghệ sĩ thông qua các biểu tượng, motif – những biểu hiện chủ yếu của các ký ức cộng đồng”[3; tr.54]. Vì vậy, khảo sát biểu tượng trong các tác phẩm văn chương là một cách tìm hiểu các giá trị văn hóa ẩn sau các biểu tượng đó.
Biểu tượng Đất
Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới: “Đất là bản thể vũ trụ, là cái hỗn mang nguyên thủy, là nguyên liệu đầu tiên tách ra khỏi nước. Nó là vật liệu mà tạo hóa dùng để tạo ra con người. Đất là trinh nữ là thân thể được lưỡi mai, lưỡi cày xuyên vào, được mưa hoặc máu, tinh dịch của trời làm thụ thai. Khắp nơi trong hoàn vũ, đất là một tử cung thai nghén nhưng cũng là một người Mẹ khắc nghiệt khi đòi người chết để bản thân bà ăn” [1; tr.215]. Trong các tác phẩm thần thoại Hi Lạp, đất được coi là mẹ sản sinh ra các vị thần. Trong văn học hiện đại Việt Nam, đất gắn liền với hình ảnh quê hương, vùng miền làm toát lên tình yêu bản quán sâu sắc.
Nguyễn Linh Khiếu luôn có ý thức tìm về thiên nhiên, hướng tới không gian thiên nhiên đẹp, trong sạch và thuần khiết để nuôi dưỡng, thanh tẩy hồn mình trước những xô bồ, hỗn tạp của đời sống. Cho nên nói đến đất đai trong thơ ông, trước hết là nói đến một hình ảnh tượng trưng cho vẻ đẹp phồn sinh của đời sống tự nhiên, vũ trụ, và nhân sinh tập trung ở hai khía cạnh: phì nhiêu và sinh sôi, nảy nở. Đất đai một là một biểu tượng nổi bật trong trường ca Phồn Sinh. Là biểu tượng xuất hiện với tần số cao trong thơ Nguyễn Linh Khiếu, Đất đai (741 lần trong tổng số 2044 lần xuất hiện của các biểu tượng thiên nhiên, chiếm 36,25%), là một trong những biểu tượng trung tâm làm nên công cuộc gieo trồng vĩ đại của vũ trụ và thế giới.
Trước hết, “phì nhiêu” vốn là một tính từ luôn gắn liền với Đất. Trong lĩnh vực địa lý có hẳn khái niệm “độ phì nhiêu của đất” (là tổng hợp các điều kiện, các yếu tố để đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt). Đất trong trường ca Phồn Sinh của Nguyễn Linh Khiếu luôn khiến người đọc “choáng ngợp” trước vẻ đẹp mỡ màng, “ứ căng”, “tươi ròng” của nó. Và cùng với cỏ cây, hoa lá, sông núi, bầu trời, mây gió, ánh nắng, cơn mưa,… tất cả cùng tạo nên một thế giới phồn thực, căng tràn nhựa sống, một không gian đa thanh, đa sắc.
Trong quan niệm xưa nay, Đất luôn được xem là yếu tố tĩnh, cố định, nhưng khi bước vào thế giới thơ Nguyễn Linh Khiếu nó không còn bị/ được hình dung như một sự vật bất động, vô tri vô giác nữa, ngược lại như nó là một sinh thể luôn chuyển động, luôn “hồi sinh”, “tái sinh”, luôn căng tràn và mang hơi thở, bóng dáng, nhịp sống vốn chỉ có ở con người: “một phù sa non rười rượi giàn dụa lênh láng ngào ngạt trước sân nhà/ một sa hồng non tươi nõn nà nồng nàn da thịt mơn mởn/ một châu thổ đầm đìa tràn trề chan chứa lộng lẫy dồi dào sầm uất” [2; tr.88]. Chính nhờ vào cách ngắt nhịp thơ hết sức đa dạng, linh hoạt, câu thơ trở nên “phóng túng”, phá vỡ mọi trật tự, niêm luật vốn có và xu hướng “văn xuôi hóa” xuất hiện như một tất yếu, thể hiện sự chuyển động liên tục, mạnh mẽ của mọi sự vật và sự cuộn xiết của mạch cảm xúc. Ở đó, con người, cụ thể là tác giả dường như bị “xô đẩy”, “choáng ngợp” trước nhịp sống, nhịp chảy trôi không cùng của đời sống tự nhiên đầy sung mãn.
Là một biểu tượng nằm trong một hệ biểu tượng lớn hơn, Đất còn là sự ám gợi về một cuộc sinh thành lớn của vũ trụ. Nó cùng với ánh sáng, không khí, gió cấu thành sự sống của muôn loài: “phù sa non khuấy động mọi u mê cỗi cằn/ bầy ếch nhái ộp oạp cõng nhau vào mùa ân ái/ những đám mây trứng cá trứng tôm rực rỡ bồng bềnh bay lượn/ các nàng lúa nước ngất ngây thụ thai trong vòng tay phù sa nóng hổi/ khanh khách nước cười màu mỡ phồn sinh/ châu thổ náo nhiệt nhịp điệu truyền giống thiêng liêng/ thế hệ mới hân hoan dạt dào bờ bến mới/ lộng lẫy phù sa căng tròn hùng dũng như một bầy trâu cái/ tràn ngập tươi roi rói và hổn hển” [2; tr.682]. Chịu ảnh hưởng rõ rệt của chốn quê nhà trong sáng tác của mình, Nguyễn Linh Khiếu tái hiện châu thổ Sông Hồng như một dải đất trù phú đầy quyền năng phồn thực: “châu thổ tỉ năm gom góp mỡ màu/ châu thổ vạn năm nung nấu năng lượng/ châu thổ triệu năm chất chứa tiềm năng/ châu thổ ngàn năm cồn cào phát dục/ châu thổ trăm năm tràn trề nhục cảm/ châu thổ chục năm sinh sôi chửa đẻ/ châu thổ quanh năm nồng nàn hoan lạc/ châu thổ suốt tháng sục sôi đực cái/ châu thổ đêm ngày dao phối tưng bừng/ châu thổ từng phút từng giây bừng nở phồn sinh” [2; tr.46].
Ngoài ra, Đất còn là một trong năm yếu tố ngũ hành, còn gọi là Thổ. Theo triết học cổ Trung Hoa, tất cả vạn vật đều phát sinh từ năm nguyên tố cơ bản và luôn luôn trải qua năm trạng thái được gọi là: Kim, Mộc, Thủy , Hỏa, Thổ. Năm trạng thái này, gọi là Ngũ hành, không phải là vật chất như cách hiểu đơn giản theo nghĩa đen trong tên gọi của chúng mà đúng hơn là cách quy ước của người phương Đông cổ đại để xem xét mối tương tác và quan hệ của vạn vật. Đấy là mối quan hệ cộng sinh, cùng nhau kiến thiết vũ trụ, tạo nên vẻ đa dạng cho thế giới tự nhiên. Tuy nhiên, ý nghĩa này thực ra không mới. Bởi trước Nguyễn Linh Khiếu, Đất với nghĩa là Mẫu, là Mẹ gắn với sự phì nhiêu và sinh sôi nảy nở đã trở thành quan niệm quen thuộc. Nhưng cũng chính vì vậy nhà thơ đã không dành ít lời ca tụng cho Đất: “hiền lành như đất/ thật thà như đất/ mộc mạc như đất/ chân thật như đất/ non mềm như đất/ mỡ màu như đất/ chan chứa như đất/ nồn nàn như đất/ mênh mông như đất/ miên man như đất”[2; tr.642]. Không nằm ngoài dòng chảy của quy luật tự nhiên, nhà thơ khẳng định một nguyên lý rằng những gì lớn lao, vĩ đại đều là “cái” và rồi Đất là “Cái”, là “Mẹ” của muôn loài: “cái nghĩa là mẹ nghĩa là đất nghĩa là mênh mông nghĩa là rộng lớn nghĩa là sinh đẻ nghĩa là nuôi nấng nghĩa là cho bú mớm nghĩa là dung dưỡng nghĩa là nương tựa nghĩa là che chở suốt cuộc đời/ cái nghĩa là tốt tươi nghĩa là đâm chồi nảy lộc nghĩa là nở hoa kết trái nghĩa là chín mẩy thơm tho nghĩa là mùa màng gặt hái bội thu/ cái nghĩa là đực thấp thoáng đâu đó quanh quẩn đâu đó lởn vởn đâu đó ẩn hiện đâu đó trong nhịp điệu phồn sinh trong nao nức châu thổ Sông Hồng” [2; tr.151].
Được đồng nhất với người mẹ, Đất là một biểu tượng của sự sinh sản và tái sinh. Đất sinh ra mọi sinh vật, nuôi dưỡng muôn loài để rồi tiếp nhận lại từ chúng cái mầm đầy sức sinh nở. Đất với nghĩa là Mẫu, là Mẹ gắn với sự phì nhiêu và sinh sôi, nảy nở đã trở thành quan niệm quen thuộc. Tuy nhiên, là một nhà thơ của kỳ Đổi mới, ông không phải chịu nhiều bó buộc bởi hoàn cảnh, cùng với đó là sự khác biệt về tư duy ngôn ngữ thơ đã giúp Nguyễn Linh Khiếu rời xa kiểu thơ trữ tình chính trị vốn tồn tại trong một thời gian dài của một giai đoạn văn học dân tộc để bước sang kiểu thơ tư tưởng – triết luận, song không xa rời thế sự, ngược lại luôn bám sát đời sống nhân sinh, thế sự như nó vốn có. Đây chính là khám phá mới của một nhà thơ rất chú trọng đến chất sống, lẽ sống tự nhiên, khát khao hướng đến nét đẹp nguyên sinh, khởi thủy của đời sống con người.
Là một nhà thơ rất có ý thức trong việc cách tân, không ngại những “va đập”, thách thức của dư luận, của thị hiếu thẩm mỹ số đông, sẵn sàng đi ngược lại với quan niệm truyền thống và thi pháp truyền thống về thơ. Đất trong thơ Nguyễn Linh Khiếu bên cạnh nghĩa gốc của biểu tượng còn nảy sinh những ý nghĩa văn hóa – thẩm mỹ mới, mang đậm dấu ấn của chủ thể sáng tạo. Ở đây, Đất còn chính là hiện thân cho vẻ đẹp và sức mạnh của tình yêu, một thứ tình yêu mang đậm dục tính. Nói như vậy không có nghĩa ta đồng nhất thơ ông với sex, với cái dung tục tầm thường, với sự trần trụi của “dục tính” hiển lộ trên nghĩa bề mặt của nó. Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới chỉ rõ: “Rừng đất và người đàn bà thường được đồng nhất trong các nền văn học, những luống cày gieo hạt, cày bừa và hành động xâm nhập từ tính giao, ở cữ và gặt hái, công việc đồng áng và hành vi sinh sản, hái quả và cho bú, lưỡi cày và sinh thực khí đàn ông…” [1; tr.288]. Đó là sự đồng nhất Đất và Mẹ như một mối quan hệ khăng khít không thể chối bỏ và tách rời. Các biến thể của Đất như: gò đồi, ruộng đồng, nương bãi, hang động, vực sâu… chúng đồng hành, tương trợ, bổ sung ý nghĩa cho nhau, cùng nhau lan tỏa cái thông điệp phồn thực vốn có của nó: “cả châu thổ căng mộng nguy nga dưới bầu trời nhiệt đới phát dục đỏ rực/ cả châu thổ mỡ màu nõn nà hơ hớ tơ hơ tồng ngồng thây lẩy chín mẩy phô bày tiết tấu hình hài dáng vẻ gò đồi rừng núi hang động mỹ lệ cao quý” [2; tr.38]. Việc xây dựng một loạt các từ láy đậm tính phồn thực bên cạnh biểu tượng Đất nhằm khẳng định sự vĩnh hằng của giá trị biểu tượng này. Chỉ có thể là sinh sôi nảy nở mà không thể là gì khác ngoài nó. Quả đúng như vậy, với tính thiêng liêng ấy, với vai trò của người mẹ ấy, Đất can dự vào đời sống xã hội như là một đảm bảo cho các lời thề. Nếu lời thề là một ràng buộc cốt tử của cộng đồng, thì Đất là Mẹ và vú nuôi của toàn xã hội.
Biếu tượng Nước
Nước là một trong bốn cổ mẫu gồm Đất, Nước, Lửa, Không khí và là bản nguyên của vũ trụ. Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thê giới nước là “khối vật chất chứa phân hóa, là biểu tượng của vô cùng lớn những diễn biến, chứa đựng toàn bộ cái tiềm tàng, phi hình, mầm mống của mọi mầm mống, hứa hẹn của mọi sự phát triển, nhưng cũng chứa đựng mọi mối đe dọa bị tiêu tan” [1; tr.458].
Ý nghĩa biểu trưng của nước trong đời sống nhân loại vẫn quy về ba chủ đề chính: Nguồn sống, phương tiện thanh tẩy và trung tâm tái sinh. Các biến thể về nước như mưa, sóng, sương mù…, mỗi biểu tượng mang một nét đẹp biểu trưng riêng, trên cơ sở ý nghĩa của nước, chúng ta có thể soi chiếu và tìm thấy những nét khái quát cũng như đặc tính riêng của mỗi biểu tượng.
Bên cạnh biểu tượng Đất, biểu tượng Nước cũng xuất hiện nhiều trong văn học. Trong các tác phẩm thần thoại Hi Lạp, ta thấy sự xuất hiện của các vị thần dưới nước thường trực và có ảnh hưởng lớn tới vạn vật, con người. Hay trong các tác phẩm Việt Nam, nước trội lên, gây ám ảnh. Sử thi Mường có tên “Đẻ đất đẻ nước” đã xây dựng cổ mẫu nước để giải thích về nguồn gốc sự sống của loài người. Nước còn biểu trưng cho tình yêu, cho hạnh phúc lứa đôi của con người. Trong “Chử Đồng Tử”, nhờ nước Chử Đồng Tử và Tiên Dung nên đôi trong mối duyên kì lạ. Tuy nhiên, có lúc cỗ mẫu Nước còn nhằm nói tới những sức mạnh kinh khủng của thiên tai, bão táp mà con người phải thay phiên nhau tìm cách chế ngự bao đời nay, như trong thần thoại “Sơn Tinh Thủy Tinh”. Có lúc Nước lại là nơi ghi dấu và thứ tha cho những oan khuất, thương đau, như trong truyện “Mị Châu – Trọng Thuỷ”, “Trương Chi”. Nước cũng được thể hiện qua hình ảnh mưa. Mưa chính là biểu tượng cho ân sủng của trời, là nguồn ân ái chan hòa giữa con người và vũ trụ, cho nên mới có những khái niệm “ơn mưa móc”, “cuộc mây mưa”… Hay đơn giản là mưa để gột bỏ những ô nhục, tủi hờn đã kìm kẹp dân tộc ta sau những năm đói kém và cũng có thể là điềm báo như trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp gây nên sự ám ảnh thú vị về giấc mơ vượt thoát khỏi không gian tù đọng để tìm đến một cái gì toàn vẹn và mới mẻ.
Có thể thấy trong thơ Nguyễn Linh Khiếu, biểu tượng Nước xuất hiện với một mật độ dày đặc. Đây là biểu tượng thiên nhiên xuất nhiều nhất trong thơ ông với 1303 lần bao gồm cả các biến thể của nó trong tổng số 2044 lần xuất hiện của các biểu tượng tự nhiên, chiếm 63,75 % trên tổng số các biểu tượng mà người viết đã khảo sát xuyên suốt bản trường ca.
Nước là nơi sự sống hình thành và là nơi bắt đầu những truyền thuyết, những huyền thoại, những kí ức: “nước là nơi anh và em gửi gắm năng lượng của mình/ nước là nơi anh và em tin cậy trao truyền hợp nhất chuỗi xoắn kép AND mật mã/ nước là nơi anh và em thấu suốt tận cùng con đường sinh sản/ nước là nơi anh và em khởi nguồn một tương lai hy vọng” [2; tr.107]. Nước là nguồn sống tự nhiên quan trọng bậc nhất của loài người. Chính vì thế mà những dòng sông lớn trên thế giới luôn luôn là khởi nguyên của các nền văn minh lớn. Đối với những cư dân nông thôn, những con người quen nếp sống hòa đồng với thiên nhiên, nước càng trở nên thiêng liêng bởi nước cũng là sự sống. Sự sùng bái nước là một hành vi mang tính cộng đồng và đã ăn sâu vào tâm thức cộng đồng con người. Nước mặc nhiên trở thành một biểu tượng mang tính giá trị, mang một quyền năng, một sức mạnh đặc biệt đối với đời sống con người. Nước là nguồn gốc của sự sinh sôi nảy nở của muôn loài vì tất cả các sự sống trên trái đất đều bắt nguồn từ nước, đều phụ thuộc vào nước. Nếu không có nước, tất cả sinh vật đều không tồn tại.
Nhà phê bình Hoàng Thị Huế và Trần Thị Quỳnh Trang
Trong thơ nguyễn Linh Khiếu, nước (cùng với những biến thể của nó như mưa, dòng sông, hơi ẩm, khí lạnh, đầm lầy, ruộng mương…) là yếu tố không thể thiếu trong việc gieo trồng, mùa vụ. Ở đó, Nước mang ý nghĩa là cội nguồn của sự sống, là “cái mầm mống của mọi mầm mống”, “nước là nguồn/ nước là khởi nguyên/ nước là sự sống/ nước là tình yêu/ nước là khát khao/ nước là ham muốn/ nước là nhục dục/ nước là ta nước là nàng lênh láng ngày đêm dào dạt chảy xiết sang nhau rộn rã hoan ca đắm đuối nhiệm màu/ nước là ta nước là nàng đầm đìa một thế giới phồn sinh tuôn trào ngất ngây tưng bừng mùa màng truyền giống” [2; tr.136-137].
Hình ảnh dòng Sông Hồng in sâu trong tiềm thức của nhà thơ, dòng sông Mẹ khởi nguồn cho mọi sự sống, từ ngàn đời nay sông vẫn chảy mang phù sa về theo những con nước để bồi đắp cho những cánh đồng tốt tươi, màu mỡ… Dòng sông huyền thoại mang tên Sông Hồng chính là cội nguồn của cội nguồn, đó là dòng sông “truyền thuyết, huyền thoại, cổ tích, tục ngữ, ca dao, dân ca, mộng mơ, dịu dàng, hung dữ, bất thường, huyền bí, thiêng liêng”. Nhà thơ xem Sông Hồng chính là dòng sông Mẹ, dòng sông thiêng đầy quyền năng, chỉ trong một chương khúc thứ 26 nhưng hình ảnh dòng Sông Hồng xuất hiện tới 25 lần và được gọi 23 lần dưới cái tên “dòng sông Mẹ”. Ngần ấy đủ để ta thấy sự ảnh hưởng mạnh mẽ của con sông quê hương đến tâm thức sáng tác của nhà thơ: “Sông Hồng là tượng hình dân tộc/ Sông Hồng là máu huyết dân tộc/ Sông Hồng là sức sống dân tộc/ Sông Hồng là bản sắc Việt// dòng sông Mẹ của đất/ dòng sông Mẹ của nước// dòng sông Mẹ đã sinh nở nòi giống Tiên Rồng vĩ đại/ dòng sông Mẹ đã sinh nở một dân tộc vĩ đại hùng cường…” [2; tr.143]. Dưới con mắt của Nguyễn Linh Khiếu nước hội tụ đầy đủ những phẩm quý báu của một người nông dân trong xã hội Việt Nam xưa: “nước tươi và lành/ nước trong và mát/ nước dịu dàng và khoan dung/ nước lãng mạn và nhân từ/ nước nồng nàn và chứa chan/ đi đâu cũng ngỡ ngàng/ đi đâu cũng nức nở” [2; tr.105].
Tuy nhiên, Nước trong thơ ông còn là hiện thân của cái chết, nó có sức mạnh của sự hủy diệt: “thời đại của lịch sử đẫm máu những trời đẫm máu những đất đẫm máu những biển đẫm máu những núi đồi đẫm máu những bình minh đẫm máu những ban trưa đẫm máu những hoàng hôn đẫm máu những đêm khuya đẫm máu những quốc gia đẫm máu những địa danh đẫm máu những dòng sông đẫm máu những thành phố đẫm máu những bản làng đẫm máu những phố thị đẫm máu những những thôn dã đẫm máu những cánh đồng đẫm máu những bến bờ đẫm máu những bãi biển đẫm máu những phong trào xã hội đẫm máu những cuộc cách mạng đẫm máu những trận chiến đẫm máu những chiến thắng đẫm máu những lãnh tụ đẫm máu những anh hùng đẫm máu những nhân dân đẫm máu những học thuyết đẫm máu những tuyên ngôn đẫm máu những giáo khoa thư đẫm máu những từ điển đẫm máu những thi ca đẫm máu những âm nhạc đẫm máu những hội họa đẫm máu những sân khấu đẫm máu những điện ảnh đẫm máu những truyền thông đẫm máu những ngôn ngữ đẫm máu những đàn ông đẫm máu những đàn bà đẫm máu những trống đẫm máu những mái đẫm máu những đực đẫm máu những cái đẫm máu” [2; tr.11-12]. Với 42 lần Máu xuất hiện, máu chính là một biến thể của nước. Máu loang đỏ những trang thơ Nguyễn Linh Khiếu thành dòng chảy đau thương của những nẻo đường chiến tranh chống giặc ngoại xâm, đó chính là “thời đại đẫm máu”, hòa bình lập lại, bom đạn chết chóc không còn nhưng người đọc vẫn có thể hình dung sức mạnh hủy diệt của chiến tranh qua những trang thơ trong thời đại này. Tác giả là những con người đại diện của thế hệ hậu chiến nói lên cảm nhận của mình về chiếng tranh, ý thức được nỗi đau của những con người sống trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh. Bởi tâm hồn họ luôn trăn trở với nỗi đau chung. Cái nhìn, cái nghĩ, cái cảm của họ tràn ngập nỗi đau chung của toàn dân tộc. Nhưng dù trong thời bình hay thời chiến nếu ta không sống đúng như những gì đáng sống thì ắt hẳn mọi thứ sẽ nhuốm một màu u tối, một mùi tanh của máu bởi sự chết chóc không chỉ về thể xác mà cả tâm hồn.
Có những giọt máu đồng cảm vỡ òa cùng nỗi đau dân tộc, có những giọt máu uất hận nóng hổi hờn căm kết thành sức mạnh chiến đấu, có những giọt máu anh hùng rực hồng thắm tô ngọn cờ Tổ quốc… Tất cả tạo thành những cảm xúc thẩm mỹ nghệ thuật sâu sắc thấm thía trong thơ ông: “nhưng xương máu khói lửa tang thương của các cuộc đại thắng giặc Ân đại thắng giặc Nam Hán đại thắng giặc Ngô đại thắng giặc Tống đại thắng giặc Nguyên đại thắng giặc Minh đại thắng giặc Thanh đại thắng thực dân Pháp đại thắng phát xít Nhật đại thắng đế quốc Mỹ đại thắng bè lũ diệt chủng Cambodia đại thắng quân bành trướng Bắc Kinh vẫn ngút ngàn mù mịt máu vẫn đỏ như nước Sông Hồng chảy tràn trên tượng đài trên chứng tích trên những địa danh trên sử sách trên những giáo khoa thư trên những trang thơ” [2; tr.415]. Máu là hình ảnh lột trần bản chất thú tính man rợ của kẻ thù, là biểu tượng lòng nhiệt tình cách mạng của bao thế hệ người Việt Nam và khẳng định sức sống trường tồn bất diệt của dân tộc. Máu như mạch chảy thông suốt trong từng tứ thơ, tràn xuống từng trang viết của Nguyễn Linh Khiếu: “máu tươi của những cuộc chiến tranh như ánh mặt trời đỏ trùm khắp non sông đất nước/ lịch sử Việt Nam trang nào cũng đẫm máu/ mở một trang sử máu tươi xối xả tuôn trào/ lịch sử Việt Nam trang nào cũng binh lửa loạn lạc/ mở một trang sử gia đình nào cũng ly tán mất mát tang thương” [2; tr.146]. Có thể nói, ý nghĩa này của Nước trong thơ Nguyễn Linh Khiếu xuất phát từ quan niệm xa xưa của con người. Với họ, nước vừa là sự biểu hiện của nguồn sống nhưng vừa mang sức mạnh hủy diệt. Truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh lưu truyền bao đời nay trong văn học dân gian Việt Nam cho thấy mối hiểm họa đe dọa con người là Nước. Nước trở thành yếu tố hàng đầu của sự phá hủy trong bốn yếu tố: thủy, hỏa, đạo, tặc.
Bên cạnh đó, trong thơ Nguyễn Linh Khiếu, Nước còn là phương tiện thanh tẩy, cứu rỗi và phù hộ cho cuộc sống tâm linh của con người, vạn vật: những lễ hội cầu mưa/ những lễ hội cầu ngư/ những lễ hội cơm mới/ những lễ hội rước nước [2; tr.158]. Cùng với đó, Nước còn mang biểu tượng của sự sinh sôi, nảy nở. Có thể nói đây là ý nghĩa của Nước được tô đậm nhất trong thơ ông. Nó trở thành yếu tố rất quan trọng, không thể thiếu được trong công cuộc gieo trồng, cày hái mùa vụ. Ở đó, Nước đại diện cho tinh khí của Trời “gieo” xuống Đất, nhờ vậy, vạn vật sinh sôi nảy nở. Đối với ông, không có nước không có hạt giống nào nảy mầm. Nước dung dưỡng mọi mầm sống trên trái đất.
Như vậy trong Phồn Sinh biểu tượng Nước đã làm tròn nhiệm vụ của mình, nó vừa là nguồn sống, vừa là phương tiện thanh tẩy và là trung tâm của sự tái sinh. Tất cả không riêng lẻ mà hòa quyện, bổ sung lẫn nhau để tạo nên một thế giới sống đa dạng và phong phú đúng như bản chất thật của cuộc sống.
Kết luận
Mỗi một biểu tượng sẽ mang một hàm ý riêng nhưng tất cả đều mang đậm dấu ấn văn hóa của một đất nước nông nghiệp như Việt Nam, chúng giống như mối quan hệ cộng sinh, bổ sung cho nhau, cùng nhau tạo điều kiện để vạn vật sinh sôi, nảy nở, làm nên một thế giới phồn thực đa dạng và phong phú. Có thể nói Phồn Sinh là một bản trường ca đậm chất phồn thực mà ở đó dòng sông huyền thoại mang tên Sông Hồng chính là cội nguồn của cội nguồn, đó là dòng sông “truyền thuyết, huyền thoại, cổ tích, tục ngữ, ca dao, dân ca, mộng mơ, dịu dàng, hung dữ, bất thường, huyền bí, thiêng liêng”. Dòng sông mang theo phù sa màu mỡ về bồi đắp cho đồng bằng, tạo nên một cuộc sinh sôi nảy nở diệu kì. Từ sự khảo sát từng nhóm biểu tượng trên, nghiên cứu này khẳng định sự nhất quán trong phong cách nghệ thuật thơ Nguyễn Linh Khiếu và những đóng góp của ông trong thơ Việt Nam đương đại.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Jean Chevalier, Alain Gheerbrant, 1997, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, NXB Đà Nẵng – Trường viết văn Nguyễn Du.
[2]. Nguyễn Linh Khiếu, 2018, Phồn sinh (trường ca). Nxb Hội Nhà văn.
[3]. Hoàng Thị Huế, 2015, Ánh xạ từ biểu tượng Cái Tôi trong thơ một số nhà thơ Việt Nam đương đại. Tạp chí Khoa học Đại học Huế, số 5/2015.
11/4/2021
Hoàng Thị Huế - Trần Thị Quỳnh Trang
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rượu đế trong dân gian Tây Nam bộ dưới góc nhìn văn hóa

  Rượu đế trong dân gian Tây Nam bộ dưới góc nhìn văn hóa 1. Khó có thể biết được rượu ra đời từ lúc nào, ở đâu, song nói về rượu, về tác dụ...