Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2025

Đọc những bài thơ đoạt giải của Nguyễn Thị Kim Nhung

Đọc những bài thơ đoạt giải của
Nguyễn Thị Kim Nhung

Vừa qua, báo Văn Nghệ trao giải Cuộc thi thơ 2019 – 2020 trên báo Văn Nghệ, Nguyễn Thị Kim Nhung đoạt giải Ba với chùm bài: Dần sáng, Làng đồi, Mùa thu Sơn Tây, Biên giới. Đọc chùm bài này, Nguyễn Thị Kim Nhung vẫn tinh tế, chặt chẽ, sâu sắc, gửi gắm tấc lòng của mình trong bộn bề kí ức, trong những dự cảm của giấc mơ, trong nỗi niềm mênh mông, ấm áp của quê hương, trong quặn thắt miền biên viễn. Đây cũng là cảm xúc/hứng chủ đạo làm nên giá trị của thi tập “Thức cùng tưởng tượng”, tập thơ đầu tay của chị, khẳng định cá tính sáng tạo của riêng chị.
Trước hết, cái đẹp trong bốn bài thơ là cái đẹp hướng đến sự giao hòa, sự giao hòa giữa con người với thiên nhiên (người như nắng hừng lên điều gì; Núi như người trai ấy/ ngực xanh làm lá chắn), giữa thiên nhiên với thiên nhiên (một đám mây chờm xuống mùa thu; cây ngả vào bóng nắng; nắng mang màu đu đủ chín) giữa cái bé nhỏ, hữu hạn với mênh mông, trường cửu (Tiếng cất lên như trong lòng đất/ hay vọng lại từ đá và cây/ cũng có thể từ trời xanh dộng xuống/ thiêng liêng dải đất này; lời muốn nói nghẹn trong bóng tối; những tiếng súng găm vào tàn tích). Cái nhìn giao hòa này đã bổ túc những giàu có về hình ảnh thơ. Hình ảnh thơ cắm giữa lòng thiên nhiên, cảm xúc cũng lồng ghép, giấu kín trong thiên nhiên, vì thế, những chuyển động của thiên nhiên cũng là những chuyển động của tâm hồn.
Thứ hai, bốn bài thơ sử dụng nhiều động từ. Chúng ta có thể dựa vào các động từ để giải mã thơ Kim Nhung. Các động từ như: “giật mình”, “vang”, “văng vẳng”, “hừng lên”, “trút”, “rơi”, “ngả vào”, “găm”, “tức”, “dào lên”, “cháy bùng”, “bừng”, “mải miết”, “trổ”, “chờm”, “dộng”, “vọng”, “dựng lên”, “chạm”, “nghẹn”, “rạn”, “rạc”, “loang”,…  đều chỉ sự chuyển động, di dời. Những hình ảnh thơ được tạo thế sóng đôi, giữa chúng là động từ, có nhiệm vụ nối kết và chuyển hóa, di dời để khắc chạm nỗi hoang vu hoặc hòa vào nhau để đắp đổi, nâng nhau lên. Ví dụ, đoạn thơ sau:
Em gái đi hái rau
dại găm hồn chớm nở
tức ngực đồi xa
(Làng đồi)
Cái đẹp trong ngôn từ của Kim Nhung là sự gọn ghẽ, kiệm lời. Khổ thơ chỉ với vài nét chấm phá, nhưng đã bày ra một bức tranh đầy tính nghệ thuật, sống động. Chiều sâu của khổ thơ không nằm ở hình ảnh em gái đi hái rau ở đồi xa mà nằm ở sự tương giao giữa con người và thiên nhiên, con người nằm trong thiên nhiên, thiên nhiên nằm trong con người, đều phản chiếu vẻ đẹp phồn thực, thanh tân sinh sôi nảy nở một cách tự nhiên.
Thứ ba, tịch lặng trong thơ Kim Nhung ít tựa vào những từ ngữ diễn tả trực tiếp tâm trạng như cô đơn, lẻ loi, hiu quạnh,… nhưng đọc chị, người đọc vẫn cảm thấy lòng man mác, buồn buồn, mông lung, bởi cái động mà chị đưa vào thơ chỉ để tăng thêm cái tĩnh, âm thanh khuấy vào cuộc sống rồi mất hút, trả lại sự vắng lặng đến thẫn thờ: “Nhà ai thổi cơm sớm/ gạo đổ vào nồi để lại tiếng vang/ nuôi nhau qua ngày giáp hạt” (Dần sáng). Nhưng đó cũng là âm thanh nuôi dưỡng nỗi buồn, giúp chị chạm đến cái đẹp của nỗi buồn: “Mơ thấy mùa quả vắng/ sào tre khua chân mây/ rơi tiếng cười bầy trẻ” (Làng đồi). Và đó cũng là tiếng vọng của một tâm hồn khôn nguôi thổn thức, da diết, xa xót trước những mong manh, hư hao của cuộc đời. Chị chạy vào giấc mơ, chạy vào bóng tối, lặn sâu vào nỗi đau để thấu hiểu và chia sẻ: “Những giấc mơ của người thiếu nữ/ chạm vào đâu cũng thấy ngại ngùng/ lời muốn nói nghẹn trong bóng tối/ biên viễn là gì mà xa xôi” (Biên giới).
Nếu không nói Kim Nhung thuộc thế hệ 9X, hẳn sẽ ít người đọc tin, kiểu gì cũng cho đây là thơ của người đã có nhiều trải nghiệm, chín chắn. Chị không sa vào cơn lốc “tự ăn mình” hay “nổi loạn”, mà thả lòng mình nở giữa trập trùng đồi núi, quê hương, biên cương. Ở đó, người đọc vừa thấy được sự cộng hưởng giữa con người với thiên nhiên, vừa thấy được sự vận động từ âm thanh bên ngoài vào tiếng lòng đầy trắc ẩn.
Tất nhiên, sáng tạo luôn đòi hỏi lạ hóa. Đóa hoa thơ đẹp, sắc, hấp dẫn hay không còn tùy thuộc vào khu vườn mà các thi sĩ ươm trồng. Chúng ta hi vọng và chờ đợi những đóa hoa thắm, lấp lánh tiếp tục mọc lên từ vườn thơ của chị.
Xin giới thiệu đến bạn đọc 4 bài thơ đoạt giải của Nguyễn Thị Kim Nhung:
DẦN SÁNG
Tiếng gọi loang đồng ruộng
làm giật mình bóng đêm
người đi soi trở về
men theo những tờ mờ sót lại
Nhà ai thổi cơm sớm
gạo đổ vào nồi để lại tiếng vang
nuôi nhau qua ngày giáp hạt
Mẹ dặn đừng đáp lại
văng vẳng ai gọi mình
triền mê ta thầm vụng
rạc giấc dài chưa tỏ nguồn cơn
Ta đã khác mà giọng người còn biếc
ban mai rạn những cơ hồ
Người vợ mặc lại áo
hai vạt khép bóng đêm
đôi vầng sáng mặc nhiên thầm tỏa
Sung một đời buông quả
không chạm nổi đáy ao.
LÀNG ĐỒI
Ngày xa vợi
người như nắng hừng lên điều gì
cây rùng mình trút lá vào mơ
Mơ thấy mùa quả vắng
sào tre khua chân mây
rơi tiếng cười bầy trẻ
Núi đồi kề nhau vẫn lẻ
đỉnh cao nào có thể chạm nhau
mây trắng phau một nỗi
Những thôi đường nắng dội
mình ngả vào bóng nhau
cây ngả vào bóng nắng
bóng làng ngả về đâu
Em gái đi hái rau
dại găm hồn chớm nở
tức ngực đồi xa.
MÙA THU SƠN TÂY
Trong vời xa của nắng
những con đường vẫn dẫn về nhau
màu áo ấy chưa thôi sờn bạc
hết chiến chinh đỏ bụi thao trường
Sơn Tây thoảng lời nhắc
đồn binh lẻ chân đồi
nắng mang màu đu đủ chín
người còn cách mấy thôi mưa
Trẻ trai như là nâu đất
dào lên ngọn vắng tàn xanh
đêm giấu bao nhiêu khao khát
cháy bùng một đốm khuya xa
Trời xanh bừng cơn sốt
mây trắng mải miết đắp khăn
em cách một nhịp thở
hoa keo trổ những chùm buồn
Nơi ngọn đồi sót lại
một đám mây chờm xuống mùa thu
những tiếng súng găm vào tàn tích
còn ai gọi mà thưa.
BIÊN GIỚI
Tiếng cất lên như trong lòng đất
hay vọng lại từ đá và cây
cũng có thể trời xanh dộng xuống
thiêng liêng dải đất này
Biên giới
Nơi ai cũng khẽ khàng chân bước
phía bên kia hung hiểm khó lường
bên này là thân thương xa xót
núi nghiêng mình lấy bóng che quê
Núi như người trai ấy
ngực xanh làm lá chắn
Không vì một cuộc chiến
mà chốn này gian lao
ngàn năm vùng biên viễn
núi dựng lên chiến hào
Những đêm này ta thường khó ngủ
biên cương đón khách chẳng ồn ào
ý nghĩ nhiều năm thành dự cảm
ta đã đến nơi này từ những giấc mơ
Không còn ai nhắc về cuộc chiến
hay họ nhắc mà không ai nghe
hay bởi vì không ai quên cả
nhắc làm gì điều đã nhớ ghi
Những giấc mơ của người thiếu nữ
chạm vào đâu cũng thấy ngại ngùng
lời muốn nói nghẹn trong bóng tối
biên viễn là gì mà xa xôi.
10/4/2021
Hoàng Thụy Anh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rượu đế trong dân gian Tây Nam bộ dưới góc nhìn văn hóa

  Rượu đế trong dân gian Tây Nam bộ dưới góc nhìn văn hóa 1. Khó có thể biết được rượu ra đời từ lúc nào, ở đâu, song nói về rượu, về tác dụ...