Thứ Năm, 9 tháng 1, 2025

"Lời ca bên bếp lửa" của Bàn Kim Quy

"Lời ca bên bếp lửa"
của Bàn Kim Quy

Bàn Kim Quy là người dân tộc Dao hiện đang sinh sống và làm việc tại huyện Đà  Bắc, tỉnh Hòa Bình, Hội viên Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam. Lời ca bên bếp lửa là tập thơ được NXB  Hội Nhà văn ấn hành năm 2017, sau tập truyện ngắn Chuyện ở Thung Mây (NXB Văn hóa Dân tộc – 2009) của tác giả Bàn Kim Quy.
Hơn năm mươi bài thơ vẽ tạc một không gian thơ được ủ men, được “vần” nơi bập bùng ánh lửa, nơi gác bếp hun mùa thảo thơm. Bên ánh lửa, bên men say của rừng, của tháng Giêng mà bắt lời thủ thỉ, tâm tình. Giọng thơ của Lời ca bên bếp lửa vì thế mà cũng lành như đất.
“Nói với mình” là bài thơ được đặt ở đầu tập. Ở đây, hình ảnh người vùng cao với chiếc bề nặng địu sau lưng mang theo nó những ý nghĩa biểu trưng. Đó là cái điụ hiện thực từ cuộc sống mưu sinh đầy nhọc nhằn của người miền núi với dốc đứng, với đá tảng. Bề ngô nặng, bó củi to sau lưng leo dốc đá tai mèo khiến thân người gập xuống” cách đất chỉ gang tay”. Đó là  cái địu vô hình trong tiềm thức  người núi về biển đầy mặc cảm, tự ti:
“Ngẩng đầu nhìn không thấy núi
Cúi mặt lạ lẫm nhìn biển xanh…”
Cảm thức của phận người bé nhỏ “chênh vênh trên cây giang” và “nín thở nhảy qua từng tảng đá” sẽ hút chìm vào hư không như bao lời ỉ eo, than vãn khác nếu không có lời nhắn nhủ, khích lệ ở khổ thơ cuối:
“Dù ngã
Cũng phải tự tin đứng lên
Ngẩng đầu, thẳng lưng mà bước tiếp
Cái đựu muôn đời trước
Đâu sớm cởi được chỉ một ngày”
Nói với mình, dặn mình, vượt qua e ngại, tự ti của mình, người núi trong “Tiễn con” đã mang tư thế khác – tư thế của con người làm chủ chính mình, nhờ thế mà làm sáng danh cội nguồn văn hóa, dân tộc:
Tập thơ “Lời ca bên bếp lửa” của Bàn Kim Quy
Siết chặt dây bề
Thắt lại bao dao
Cha đưa con đi về phía biển
Bàn chân quen đường đá gồ ghề
Bàn tay quen cầm dao cuốc đất
Núi quen che tầm mắt
… Nhưng không ngăn được trái tim
Trục suy nghĩ, chiều hướng cảm xúc có khi xoay ra phía ngoài mình với những chộn rộn, trăn trở  về những câu chữ sáo mòn “không văn chương” , vô tâm, trống rỗng sinh ra nơi bàn phím biếng lười của cuộc mưu sinh (Gieo chữ); là phác họa về hình ảnh buồn lòng nơi sân ga trên tàu điện ngầm…
Nhưng, điểm lưu bám, tâm điểm làm nên giọng điệu riêng của Lời ca bên bếp lửa vẫn là dòng cảm xúc dẫn thành lời ca hân hoan của người con yêu tha thiết và tự hào về lối sống, về văn hóa của dân tộc mình. Ở chiều hướng cảm xúc này, tập thơ thực sự đã sinh ra những bài thơ đẹp:
Bay đi nhé
Vía ơi
Đồng bạc đã sấp ngửa rồi
Hoa xòe nhẹ tênh gieo nơi bậc cửa
Mũi tên bắn đi không quay về nữa
Một lần
Đi thật, đi thà
Vía ơi
Hối tiếc nào chưa thoát đầu môi
Yêu thương vẫn cuộn tròn trong díu
Lời thề thốt ghim chặt đáy bề
Buông đi
Bay theo gió vào rừng lá ấm
Đời người chát mặn
Đời cây biếc xanh
Khi người về đất
Hạt vía nảy mầm
Đêm đêm rừng trò chuyện rì rầm
Những lời đời người chưa nói hết
(Về núi)
Gọi vía, định tâm, cất lời hân hoan về vẻ đẹp của tổng động, của quê núi chính là hành trình giúp người viết đạt tới trạng thái Thiền. Thiền ở đây không phải sự giác ngộ mang màu sắc tôn giáo kỳ bí. Thiền ở đây là sự vận chuyển, thanh lọc, làm mới chính mình: “Tâm tư tôi sẽ khác / Lướt qua nỗi đau, bằng lòng hạnh phúc…” . Tất cả là để “ dắt” suy nghĩ đến miền ánh sáng. Năm mươi bài thơ là năm mươi lời “pí pặp cất lên / réo rắt gọi mùa về”
Đọc từ đầu tới cuối, khép lại trang sách, cá nhân tôi có đôi phần luyến tiếc: tác giả đã hơi vội.
Vội ở đây không có nghĩa là lười biếng, cẩu thả để ngòi bút nương theo xúc cảm hời hợt như thường thấy ở đám đông. Tôi nói vội. Nghĩa là hành trình đào sâu, chắt gạn, nâng niu chính mình mới vừa đang được bắt đầu. Vì thế, trong tập có những bài, những câu chữ theo dòng xúc cảm hướng ra phía ngoài mình ở giai đoạn đầu có phần hụt hơi. (Tôi có ý phân chia sáng tác của tác giả Bàn Kim Quy ra thành hai giai đoạn). Giá như Lời ca bên bếp lửa chậm sinh một chút, nó sẽ là một tập đầy đặn, trọn vẹn của người cầm bút có thể đào sâu và làm mới chính mình.
Tuy nhiên, hạn chế của tập cũng là một dấu hiệu đáng mừng. Nó đồng nghĩa với việc chúng ta hoàn toàn có thể chờ đợi đứa con tinh thần tiếp theo của tác giả Bàn Kim Quy khi men rừng, hương bản, lửa trái tim đủ độ chín muồi. Lời thơ của người con vùng cao yêu tha thiết mảnh đất, vành nôi văn hóa đã sinh dưỡng mình.
13/5/2021
Nguyễn Hồng Nhung
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Truyền thông là một nghề bạc đức

Truyền thông là một nghề bạc đức Tôi đã nhiều lần có suy nghĩ loáng thoáng như thế và viện đủ cớ bao biện cho cái nghề mưu sinh của mình. Ch...