Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2025

Dòng sông tuổi thơ

Dòng sông tuổi thơ

Hồi nhỏ, có lần tôi chạy máy coler đưa Út từ xã đi chợ huyện. Dọc đường Út hỏi tôi:
- Nếu cứ đi riết trên sông như vầy, có ra tới biển được hôn anh Ba?
Bấy giờ tôi đã mười lăm tuổi, còn Út mới lên mười, vậy mà không hiểu tại làm sao tôi cũng nói được một câu có vẻ ra trò lắm.
- Suối chảy về sông, sông chảy về biển. Tất cả các dòng sông đều chảy về biển. Biển mênh mông bát ngát. Biển rộng lắm!
Ngày tôi nhập ngũ, tới lượt Út chạy coler chở tôi từ xã lên huyện. Dọc đường, Út lại hỏi tôi:
- Hết nghĩa vụ, nếu anh Ba không về thì đi đâu?
Bấy giờ Út mười lăm tuổi, còn tôi đã hai mươi. Tuổi hai mươi là tuổi sôi trào ước vọng, bởi vậy tôi mới trả lời:
- Thì anh sung vô lính biên phòng, anh ra đảo vẫy vùng với biển.
Nghe tôi nói vậy,Út hỏi một cách rất thật thà:
- Phải vậy thiệt hôn anh Ba?
Tôi nhìn những dề bông tra vàng rực trôi dập dềnh cặp theo mé sông, trả lời Út một cách không mấy làm tự tin cho lắm:
- Chừng đó rồi Út biết liền hà!
Út là con bác Tám, nhà cách nhà tôi một ranh đất. Cả hai nhà đều cất cặp theo ngọn xẻo đổ ra con rạch khá lớn. Thuở nhỏ, tôi với Út vẫn thường ôm bè chuối giỡn nước ngay bến cây còng trước cửa nhà Út.
Hết thời gian tập trung huấn luyện ở Chi Lăng, tôi được chuyển qua bộ đội biên phòng, rồi được biên chế vào một phân đội canh giữ một hòn đảo nhỏ, xa cách đất liền vời vợi giữa trùng dương. Nói là phân đội chứ thực ra chỉ có năm người, bởi hòn đảo qúa nhỏ, đứng bên này hú to một tiếng bên kia cũng có thể nghe được.
Đảo nhỏ nên chúng tôi cũng chẳng có mấy công việc để làm. Công việc quan trọng nhất của chúng tôi là trực máy thông tin vô tuyến, giữ liên lạc định kỳ với đảo lớn cách mấy chục hải lý, và trực đài quan sát. Thời gian còn lại, chúng tôi dành để bắt cá, để nghe radio, và để nằm khểnh tán dóc nổ trời với nhau.
Trong năm anh em cùng phân đội, tôi là người duy nhất có được tấm hình chụp chung với Út lúc chia tay ở chợ huyện. Trong hình, Út có vẻ lớn hơn tuổi mười lăm ở ngoài đời, và cũng đẹp hơn ở ngoài đời rất nhiều. Không hiểu tại làm sao, ngay từ lần đầu nằm tán dóc với nhau ở đảo, tôi đã móc tấm hình đó ra khoe với bạn bè, khiến bạn bè lầm tưởng Út là người yêu của tôi. Giữa trùng dương vời vợi, chẳng có gì ngoài tầm tả mưa tuôn, ngoài ầm ào sóng vỗ, và chang chang nắng lửa nhảy múa chói lóa trên sóng biển, ngay chính bản thân tôi, tôi cũng mặc nhiên coi Út như người yêu chung thủy của mình.
Ở đảo, chúng tôi ai cũng có thói quen ghi nhật ký. Ghi nhật ký để giết thời gian, và để nguôi đi nỗi nhớ nhà cồn cào như trùng trùng sóng bạc đầu trắng xóa. Bởi công việc ngày nào cũng như ngày nào, thành thử ai trong chúng tôi dần dà cũng tập được thói quen ghi lại cảm nghĩ của mình về nỗi nhớ đất liên tới cháy bỏng trong tim. Với tôi, Út vẫn thường hiện về với những kỉ niệm hồn nhiên bên dòng sông tuổi thơ trong tiềm thức. Nhưng không phải là cô Út lên tám, lên mười, hay cô Út mười lăm tuổi chạy máy coler đưa tôi lên đường nhập ngũ ; sống dậy trong từng câu, từng chữ của tôi là cô Út mười tám, đôi mươi mà tôi tưởng tượng ra. Có những đêm tôi nằm mơ thấy Út, giật mình choàng thức dậy, nhìn ra chỉ thấytrăng vàng chứa chan trên biển ; không kìm được cảm xúc, tôi một mình chạy cuồng ra biển sóng, vùi tấm thân bỏng cháy của mình xuống làn nước mặn chát của đại dương, để mà thầm khóc gào lên nỗi nhớ. Út đã hóa thành quê hương, hóa thành một tôi thứ hai, tồn tại đồng hành trong tôi, thân thuộc, gần gụi trong tôi đến lịm người.
Hồi đó, mỗi tháng chúng tôi mới nhận được một chuyến hàng tiếp tế chở tới từ đảo lớn. Những lá thư từ đất liền bao giờ cũng là niềm khát đợi lớn lao và thiêng liêng nhất. Chúng tôi chuyền nhau đọc những lá thư nhà tới thuộc lòng. Nhà tôi chỉ có hai chị em. Chị tôi đi lấy chồng xa, mẹ tôi không biết chữ, nên nhất nhất thư từ gì mẹ cũng phải nhờ Út viết giùm và đọc giùm. Bởi viết giùm cho mẹ tôi nên Út chưa bao giờ viết riêng cho tôi một lá thư nào, mà thường là Út chỉ ké vào đó một vài dòng, nói rằng Út rất nhớ tôi, rất nhớ những kỉ niệm bên dòng sông tuổi thơ của chúng tôi. Một cô gái quê mười bảy tuổi thì còn biết viết gì hơn thế nữa. Nhưng tôi đọc được trong từng nét chữ Út viết giùm những ý nghĩ, những nhắn gởi của mẹ tôi, cả một bầu trời, cả một đại dương cuồn cuộn tình cảm mà Út dành cho tôi.
Trung úy phân đội trưởng của chúng tôi là người đã có vợ, có con, có lần nói với tôi:
- Chú mầy với cô nàng hình như chỉ mới chớm yêu, chứ chưa có gì gắn bó lắm phải không?
Biết là phân đội trưởng nói đúng, nhưng tôi vẫn cứ thấy mình hình như bị xúc phạm về tình cảm. Tại sao lại chưa có gì gắn bó lắm cơ chứ. Chúng tôi sống cặp ranh đất với nhau từ thời tôi còn vận quần xà lỏn thọt me dốt cho Út. Tôi với Út từng ôm bè chuối giỡn nước dưới bến cây còng. Út từng theo tôi lội vô đồng dậm cù bắt chuột…
Dường như phân đội trưởng đọc được dòng ý nghĩ đang chạy trong đầu của tôi, anh vỗ vai tôi mà nói:
- Chú mầy đừng tự ái nhen! Những cái mà chú mầy đã có được với cô nàng một cách hồn nhiên, trong sáng mới là đáng qúy. Cảm xúc của mối tình đầu mới chớm nở từ lúc chia tay như tình cảm của chú mầy, chú mầy cần nói với nàng. Tháng sau anh được đổi về đất liền, anh sẽ tìm đến tận nhà để chuyển giùm chú mầy lá thư đó.
Phân đội trưởng của chúng tôi đã có hai năm sống trên hòn đảo nhỏ này, ba năm sống trên hòn đảo lớn, đương nhiên là anh cần được đổi về đất liền. Nhưng khi nghe anh sắp được đổi địa bàn công tác, lòng tôi tự nhiên cứ xốn xang thế nào. Tôi còn một năm nữa mới hoàn thành nghĩa vụ của người lính đảo. Bấy giờ tôi sẽ trở về dòng sông tuổi thơ hay sẽ tiếp tục xin được tại ngũ. Hồi chia tay Út, tôi đã từng nói với Út, rằng tôi sẽ ra đảo, sẽ vẫy vùng với biển cho thỏa chí nam nhi.
Nhớ lại điều đó, tôi nói với phân đội trưởng:
- Em cũng muốn được sống như anh. Xa cách vời vợi mới có được nỗi nhớ sâu thăm thẳm để mà yêu thương nhau hết mực anh ạ!
Trung úy phân đội trưởng về đất liền được bốn tháng, thì tôi nhận được lệnh gọi tập trung về trường bổ túc văn hóa của bộ đội biên phòng cực nam duyên hải ôn tập, để chuẩn bị thi vào trường sĩ quan biên phòng.
Nỗi nhớ đất liền cồn cào đã xúi tôi chấp nhận ngay lệnh gọi mà không hề có một ý kiến đề xuất gì đối với cấp trên. Với tôi lúc bấy giờ, điều cần nhất là cứ được về đất liền để chạy ngay về quê thăm mẹ và thăm Út cho đã nhớ, rồi sau đó muốn tính gì thì tính. Nhưng sự đời nó không theo đúng như mong muốn của mình. Khi tôi về tới trường bổ túc của quân chủng, thì cũng vừa đúng dịp nhà trường chuẩn bị khai giảng khóa học. Vậy là đành phải ở lại, đành phải ôm nỗi nhớ chờ đợi.
Suốt hai ngày nằm chờ khai giảng, việc đầu tiên của tôi là viết cho mẹ và cho Út một lá thư, thời gian còn lại tôi thả bộ lang thang khắp thị xã, để được tận hưởng nhịp thở hôi hổi nóng của đất liền trong thời đổi mới.
Vốn mê đọc sách từ nhỏ, khi bắt gặp hiệu sách của thị xã, tôi đã tấp ngay vào đó. Đáng lẽ chọn mua sách thì tôi lại đọc nghiến ngấu mỗi cuốn mấy trang một cách say sưa. Thói quen đi mua sách của tôi bao giờ cũng phải xem lướt qua và đọc trước vài trang; tôi đọc để chọn trước hết là những cuốn có vấn đề khả dĩ hấp dẫn được tôi, sau đó là chọn lối hành văn có thể làm tôi yêu thích. Tôi đang đọc say sưa, bỗng giật mình khi nghe có tiếng hỏi ở sau lưng. Ngoảnh lại, tôi nhận ra người hỏi mình là cô gái bán sách còn rất trẻ.
- Anh là lính ngoài đảo mới về phải không? nhìn gương mặt cháy nắng của anh, em đoán vậy thôi.
- Vâng, tôi là lính biên phòng! Tôi về tập trung học văn hóa.
- Hèn chi anh mê sách qúa trời. Để em chọn giùm anh vài cuốn nghen!
Tôi chưa biết cú sét ái tình là gì, nhưng trước ánh nhìn lúng liếng của cô gái, tôi thấy mình trở nên có qúa nhiều thứ thừa thải ở trên người.
Vậy mà khi trả tiền sách, tôi vẫn hỏi được một câu, khiến sau này tôi bị ràng buộc bởi vì nó rất nhiều.
- Tôi tên Quốc. Nguyễn Văn Quốc. Còn cô… cô tên gì?
- Em tên Út Thu. Nhà ở mị ngoài cầu Đá. Hôm nào chủ nhật em cũng ở nhà với mẹ. Anh đến chơi nhen!
Tất nhiên là tôi không từ chối lời mời của một cô gái đẹp. Có một sức mạnh nào đó cháy lên trong tôi, dẫn tôi đến với Út Thu liên miên hết chủ nhật này đến chủ nhật khác. Chủ nhật nào có việc phải ở lại trường, chủ nhật đó lòng tôi nóng như lửa đốt, làm việc gì cũng không ra đâu vào đâu. Và… hình như tôi đã không còn nhớ tới cô Út bé bỏng, nhà ở cặp ranh đất với tôi, đã chạy máy coler đưa tôi lên huyện ngày nhập ngũ. Thỉnh thoảng viết cho mẹ một lá thư, tôi mới nhớ tới Út, mới gởi kèm cho Út vài chữ. Đó thường là những lời hỏi thăm sức khỏe, hỏi thăm xem Út đã có người yêu chưa… Và tất nhiên, những lá thư mẹ gởi cho tôi là vẫn do Út viết giùm. Cuối thư bao giờ cũng có thêm vài dòng của Út. Nhưng những dòng đó đã không còn đem lại cho tôi những cảm xúc rạo rức. Trong thâm tâm, tôi tự biện minh rằng, tôi với Út chỉ như anh em cùng xóm với nhau vậy thôi; giả như tôi có ngõ lời cầu hôn với Út Thu, tôi cũng không có gì phải hối tiếc, phải ân hận đối với Út bên dòng sông thơ mộng của tuổi thơ. Nói như phân đội trưởng của tôi, tôi với Út đã có gì gắn bó với nhau lắm đâu. Tất cả chỉ là những cảm xúc của tuổi mới lớn khi xa nhau vậy thôi.
Vào một buổi sáng thứ bảy, tôi vừa từ lớp học trở về dãy nhà của trung đội, thì được trực ban thông báo là tôi có khách.
Bốn tháng kể từ khi tôi về trường ôn thi, tôi chỉ có một người khách duy nhất, đó là Út Thu. Nhưng thường Út Thu chỉ đến thăm tôi vào chiều chủ nhật, nếu chủ nhật đó tôi có việc không đi thăm mẹ con Út Thu được. Nay Út Thu đến vào trưa thứ bảy, chắc là có việc gì cần lắm. Nghĩ vậy, tôi chạy như lao về nhà khách.
Trời ạ! Khách của tôi chính là trung uý phân đội trưởng. Vừa thấy tôi, anh đã vỗ vai nói oang oang như kiểu ăn sóng nói gió của lính đảo.
- Chào! Khỏe mạnh chớ trung sĩ? Chiều thứ bảy nghỉ học, anh em mình ra bến cảng làm một chầu nghen! Có thằng nào chí cốt, rủ thêm vài thằng cho vui. Bữa nay anh khao để rửa lon luôn thể.
Tôi kéo hai thằng bạn cùng lớp. Trận nhậu đang tưng bừng, thốt nhiên phân đội trưởng hỏi tôi:
- Nè, lóng rày chuyện cô Út tới đâu rồi?
Tôi chưa kịp trả lời, hai thằng bạn đã mau miệng.
- Khỏe re anh ơi! Chủ nhật nào hai đứa nó cũng gặp nhau. Dám chừng kỳ này nó thi đậu trường sĩ quan, tụi em được uống rượu đã đời.
Phân đội trưởng nâng ly, vỗ vai tôi, cười hết cỡ.
-Giỏi! Chúc mừng chú mầy! Con nhỏ đó giỏi hết biết! Cấp tao ghé nhà, bà già mầy bệnh dữ lắm, nó ở săn sóc bả tối ngày. Vậy mà cấm hé một lời cho mầy biết phải không? Má mầy coi nó như con dâu. Đám cưới nhớ báo anh trước một tháng nghen mầy! Tuần sau anh được nghỉ, chuẩn bị ra đảo Thổ Chu. Chú mầy tranh thủ xin phép mấy ngày, tiện thể anh em về thăm cô vợ chưa cưới của mầy luôn.
Vậy đấy. Mẹ tôi bệnh mà tôi có biết đâu. Cô Út bé bỏng bên dòng sông tuổi thơ của chúng tôi, cô không hề viết một dòng về điều đó trong những lá thư viết giùm cho mẹ. Làm sao tôi biết được là mẹ tôi bệnh nặng. Lá thư nào Út cũng viết giùm mẹ một câu muôn thuở: Mẹ khỏe mạnh. Con ráng học hành công tác cho bằng anh bằng em. Trong khi đó, tôi tối ngày chỉ biết có Út Thu. Út Thu đã chiếm hết thời gian của tôi, chiếm hết tâm hồn và tình cảm của tôi.
Khi hiểu ra người yêu của tôi bây giờ là Út Thu, phân đội trưởng ngồi há hốc cả mồm. Dằn ly rượu đánh cốp xuống mặt bàn, anh nhìn thẳng vào tôi mà nói:
- Bậy qúa trời! Tao chưa biết con nhỏ mới của mầy ra sao, chớ tao thì tao chịu con Út của mầy ở quê. Mà làm sao suốt bốn tháng trời, mầy không về thăm bả với nó được lấy một lần chớ!? Thôi được, để tao xin phép giùm cho. Sáng mai sẵn xe biên phòng đi công tác, tao với mầy tháp tùng luôn. Giờ dứt hết chai này nữa là nghỉ. Nào, dô!
Mặc dù ngày mai có hẹn với Út Thu, nhưng tôi vẫn thấy rằng mình không thể ở lại được. Mẹ tôi bệnh mà tôi không hay biết gì. Út đã giấu tôi, đã thay tôi lo lắng tất cả cho mẹ. Hẳn là Út và mẹ đều mong tôi tập trung cho việc học tập. Cả nhà tôi chỉ có mỗi mình tôi được học hành đến nơi đến chốn, nghĩa là đã tốt nghiệp xong lớp 12. Chị tôi chỉ học hết lớp 5 đã phải nghỉ học để phụ mẹ kiếm sống. Còn cha tôi, cho tới ngày hy sinh cùng con tàu không số trên đường mòn Trường Sơn trên biển, cha tôi cũng chỉ mới biết đọc, biết viết bập bỏm; những lá thư còn lại của cha, nét chữ to cồ cộ.
Tôi về tới nhà lối chín giờ tối ngày hôm sau.
Mẹ tôi nằm trên bộ ván còng kê ở góc nhà. Ngọn đèn dầu hôi cháy leo lét trên chiếc bàn kê giữa nhà. Nhà vắng huơ vắng hoắc.
Nghe tiếng động lịch kịch, mẹ tôi hỏi:
- Con Út há bây? Đi ngủ đi con, thức khuya chi cho mệt.
Nghe tiếng mẹ, tự nhiên tôi rơm rớm nước mắt muốn khóc. Qủa là tiếng mẹ tôi không còn được khỏe như trước.
Phân đội trưởng lên tiếng giùm tôi.
- Mẹ, con với Ba Quốc về nè mẹ!
Mới nghe tên tôi, mẹ đã lật đật ngồi dậy, vén mùng nhìn ra, hỏi:
- Thằng quốc về thiệt há con? Út ơi! Thằng Ba nó về nè, Út ơi!
Vừa nói mẹ vừa lọng cọng bỏ chân xuống khỏi bộ ngựa, xỏ chân vô đôi guốc vông. Phân đội trưởng nhanh chân chạy lại đỡ mẹ tôi đứng dậy. Mẹ vịn một tay vào phân đội trưởng, nhìn anh chằm chằm rồi thốt lên:
- Chèng ơi! Thằng Tùng đây mờ. Cơm nước gì chưa con?
Lúc bấy giờ tôi muốn chạy ngay lại ôm chầm lấy mẹ, nhưng không hiểu sao tôi cứ chôn chân đứng yên một chỗ, trong lòng rưng rức một nỗi niềm ân hận. Toàn thân tôi nóng râm ran như có lửa đốt. Ngoái nhìn về phía sau, tôi thấy Út vịn một tay đứng nép bên cánh cửa. Vừa bắt gặp ánh mắt của tôi, Út liền cúi gục đầu, đôi bờ vai nhỏ nhắn rung lên nhè nhẹ. Cả mái tóc buông xõa cũng rung lên nhè nhẹ.
Mẹ cũng đã nhìn thấy Út. Mẹ cất tiếng gọi:
- Thằng Ba nó về rồi nè Út. Vô đi con!
Út không vô nhà như lời mẹ tôi gọi. Út vùng chạy ra ngoài. Nghe rõ tiếng chân chạy về phía bến cây còng.
Tiếng phân đội trưởng cất lên như ra lệnh:
- Cái thằng. Chạy ra với nó, lẹ mầy!
Tôi gở ba lô đặt xuống bàn, bước tới đỡ mẹ ngồi xuống ghế. Mẹ nắm lấy tay tôi mà nói:
- Đi đi con! Ra với nó đi con!
Tôi bước ra ngoài. Miếng sân đất lành lạnh sương đêm. Hương chanh từ mé xẻo đưa vào dìu dịu. Tôi bước từng bước rất chậm, rất nhẹ về phía bến cây còng. Đêm tháng năm trong veo trong vắt. Bầu trời căng vồng lên muôn vàn vì tinh tú. Dãy ngân hà vắt ngang trời như một dòng sông sắp chảy òa xuống mặt đất.
Út đứng úp mặt bên gốc còng. Dáng em thanh mảnh cùng với bộ bà ba đen, như hòa tan vào cùng với màn đêm óng ả như thủy tinh. Tôi rụt rè chạm nhẹ một bàn tay lên vai Út. Tôi cảm nhận bờ vai nóng ấm của em đang rung lên nhè nhẹ.
- Út ơi!…
Út xoay người lại, đổ tấm thân mềm mại vào ngực tôi.
- Anh vào với mẹ đi!..
Không hiểu sao bấy giờ tôi bối rối đến lạ lùng. Tôi không biết là nên đứng lại với Út một lúc, hay là nên quay trở vào với mẹ.
Bên kia sông có tiếng chim bìm bịp kêu đôi nao niết.
- Nước lớn rồi há Út?
- Ừa, nước lớn nãy giờ, giờ sắp ròng rồi anh Ba.
Dòng sông tuổi thơ vụt hiện trước mắt tôi những dề bông tra trôi dập dềnh vàng rực. Rồi đảo nhỏ giữa trùng dương cũng hiện lên với ì ầm sóng vỗ. Kỷ niệm dội về ăm ắp trong lồng ngực căng lên thổn thức. Tôi thấy mình như đang tan chảy ra, hòa vào với dòng sông dạt dào tuôn ra biển.
Ngoài phía con rạch lớn, có tiếng trẻ con khóc u ơ; rồi có tiếng ru cất lên da diết.
Ơ ầu ơ…
Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng
Về sông ăn cá…
Tiếng ru vừa mới cất lên, Út đã gục đầu vào vai tôi thổn thức. Tôi cảm nhận những giọt nước mắt của em thấm qua vai áo hôi hổi nóng. Tôi vòng một cánh tay qua tấm lưng thanh mảnh của Út, khẽ xiết em vào lòng.
Tôi nghe rõ tiếng thì thào của Út cất lên nghèn nghẹn:
- Vào với mẹ đi anh… Con nước đang ròng rồi…. Phải hôn anh Ba?
Quả là con nước đang ròng.
Nhưng nước ròng rồi nước lớn. Út ơi!.
Hồ Tĩnh Tâm
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nghiên cứu và giảng dạy văn học Nhật Bản ở Việt Nam trong hai mươi năm đầu thế kỷ XXI Trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, văn học Nhật Bản vẫn ...