Thứ Năm, 9 tháng 1, 2025

Gặp quê hương trên mọi quê hương

Gặp quê hương
trên mọi quê hương

Nhà thơ Hữu Chỉnh họ Lê sinh năm 1943 ở Thanh Oai, Hà Nội xuất thân bộ đội, hiện sống ở Buôn Mê Thuột, Đăk Lăk; tác giả các tập thơ đã xuất bản: Em hát mùa xuân, Tìm thấy nửa mình, Vịn vào câu hát, Huyền thoại núi. “Như kẻ mộng du, vơ vẩn đêm ngày/ Chợt tỉnh lại thấy mình có lỗi/ Mấy mươi năm xưa cùng đồng đội/ Mở đường vào Ban Mê/ Người bạn tôi không kịp về/ Thăm mẹ!/ Đời dừng lại tuổi hai mươi quá trẻ/ Những người còn biết ai nhớ, ai quên?”. Kết thúc chiến tranh, nhà thơ Hữu Chỉnh chọn cho mình đất Ban Mê để sống như một sự tri ân, tưởng nhớ những đồng đội ngã xuống, đồng thời cũng là mối lương duyên cho những tứ thơ đằm sâu, da diết bay lên: “Con sông Cầu trong quan họ đẹp ráng chiều/ Cứ dịu dàng như em – cô gái vùng Kinh Bắc/ Xui ta gặp mình giữa cao nguyên Đắk Lắk/ Gặp quê hương trên mọi quê hương”. (PH)
Nghe quan họ trên cao nguyên
Khúc giã bạn hát rồi mà anh còn nấn ná
Dùng dằng hoài bởi tiếng láy vọng: “Người ơi…”
Anh tệ thật, bao lần nghe quan họ
Mà lần nào cũng tưởng mới nguyên khôi
Sông thì xa, đỉnh núi thì gần
Câu quan họ chảy trong lời hát
Ngỡ sông Cầu dập dềnh trước mặt
Nắng lưng đồi cứ tưởng nước lơ thơ
Nắng lưng đồi như thực, như mơ
Cứ lấp loáng như cái dòng sông ấy
Mà sóng vỗ vào lòng anh vậy
Nên giữa bao người anh chỉ thấy riêng em
Giá mà em làm một mạn thuyền
Anh ngồi tựa như trong quan họ
Thì mây núi chẳng tím màu thương nhớ
Tay vin cành, thôi thả gió bâng khuâng
Nào có thấy đâu đôi vạt áo ướt đầm
Câu hát thế nhưng em đâu có thế
Mà chỉ thấy má hồng sắc trẻ
Níu kéo anh hoài ở mãi đây thôi
Anh mải nghe quan họ đến nao người
Xôn xao lòng một vùng đất đỏ
Gặp nhau đây tình anh muốn ngỏ
Mà khó nói sao… chỉ một lời yêu
Con sông Cầu trong quan họ đẹp ráng chiều
Cứ dịu dàng như em – cô gái vùng Kinh Bắc
Xui ta gặp mình giữa cao nguyên Đắk Lắk
Gặp quê hương trên mọi quê hương.
Tháng 1.1979
Chắp hai nửa chiều
Tưởng nhớ anh hùng liệt sĩ Y Ơn
Về Đắk Tua
Chiều nay
Trầm tư rừng cây
Trầm tư dòng suối
“Buôn làng ơi
Không đầu hàng địch”
Lời Y Ơn
Thành giông tố
Thành ngọn lửa
Thành tiếng chiêng
Mấy chục năm rồi
Vách đá dội lời
Đạn xé
Hai nửa chiều
Chia!
Cây rừng trầm tư
Vách đá trầm tư
Dòng suối trầm tư
Tiếng chiêng trầm tư
Nhớ Y Ơn
Cong cong cầu vồng Chư Yang Sin
Khuôn ngực cánh ná
Chắp hai nửa chiều.
Tâm sự với Ban Mê
Đã bao lần băn khoăn
Trước trang giấy ngòi bút như vô vọng
Đêm phố núi chập chờn ảo mộng
Biết viết gì đây?
Như kẻ mộng du, vơ vẩn đêm ngày
Chợt tỉnh lại thấy mình có lỗi
Mấy mươi năm xưa cùng đồng đội
Mở đường vào Ban Mê
Người bạn tôi không kịp về
Thăm mẹ!
Đời dừng lại tuổi hai mươi quá trẻ
Những người còn biết ai nhớ, ai quên?
Xin cho lòng những phút bình yên
Nắm hương trên tay
Tôi đến Đài liệt sĩ
Cháy đỏ hết mình, những nén hương bình dị
Khói vô tư lượn đến nao lòng…
Em Ban Mê – mười tám tuổi hồng
Xuân sắc lắm, mắt xanh màu ngọc bích
Cứ trẻ trung, tiếng cười khúc khích
Có nén hương nào cháy trong mắt em không?
Ừ thì xoang
Bung bập bung
Chinh tình chinh…
Chiêng đã gọi
Chiêng đã mời
Người nối người
Mở vòng xoang.
Bập bùng lửa
Bập bùng trống
Trống vỗ lửa mặt trời
Cây nêu thần nối âm dương
Tay người nối yêu thương
Ôm cả núi rừng.
Thông thủy rượu cần
Chếnh choáng say men lá
Chếnh choáng say mắt môi tình tứ
Ta say nhau
Ừ thì xoang!.
21/5/2021
Hữu Chỉnh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nghiên cứu và giảng dạy văn học Nhật Bản ở Việt Nam trong hai mươi năm đầu thế kỷ XXI Trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, văn học Nhật Bản vẫn ...