Thứ Năm, 9 tháng 1, 2025

Một vai diễn buồn

Một vai diễn buồn

Tôi dừng xe dưới sân khách sạn bên kia đường, ngồi chờ cho đôi tay bớt run, lấy hết bình tĩnh, tôi bước vào quán cà phê đối diện.
“Chị nhìn thấy em rồi, lên tầng hai đi”.
Giọng chị trong điện thoại nhỏ nhẹ, dịu dàng. Tôi thử hình dung nếu chị tức giận, chị quát mắng, chị khóc thì giọng chị sẽ như thế nào hay chị vẫn chỉ dịu dàng như thế, vậy thì tại sao, tại sao… Những câu hỏi quanh quẩn trong trí óc như tuôn chảy ra ngoài quấn rít lấy đôi chân tôi khi bước lên cầu thang, như những vòng thép gai xiết chặt gót, buốt nhói. Tôi bước từng bước lên bậc thang đầy khó khăn.
Chị chọn một chiếc bàn có ghế bọc nhung màu tím, có lẽ đó là màu chị thích khi bộ váy chấm bi tim tím và khăn choàng cũng tím. Dường như chị là một cô gái lãng mạn, hiền lành mà nhiều chàng trai mơ ước làm hoàng tử của một nàng công chúa trong cung điện được bao phủ bởi một dải mây tím mơ mộng. Nếu người phụ nữ trước mặt tôi đây là mẫu người phụ nữ nhiều người đàn ông muốn có cho riêng mình, vậy thì tại sao anh lại chối từ ân huệ ấy?
“Em chào chị, ngại quá để chị đợi”.
“Chị cũng mới vào thôi, em uống gì?”.
“Cho em trà gừng ạ, em lạnh quá”.
Tôi lạnh thật, dù vẫn muốn nhấp ly cà phê cho tỉnh táo, để diễn một vai cho trọn vẹn. Tôi thử bản thân mình xem nếu không có cà phê hay bất kỳ một chất kích thích nào khác, tôi có đủ dũng khí đối diện chị hay không.
“Vậy chị gọi hai trà gừng luôn nhé, vì chị cũng mới cà phê sáng với chồng chị”.
Một tín hiệu được hé mở, chị đang gửi ngầm một thông báo rằng mình hạnh phúc hay chỉ muốn mang hình ảnh người đàn ông khác đề làm tấm bìa hàn gắn một rạn nứt trong hôn nhân trước người lạ là tôi. Tôi dò xét chị, thật tài tình làm sao chị đã bao bọc được bản thân mình mà nếu không yêu anh, tôi sẽ không nhận ra chị cũng đang cố gắng diễn một vai của đời mình. Tôi tự hỏi mình, vậy chị đang diễn một vai vui hay buồn?
“Em thích thơ của chị lắm, sao chị không làm thơ nữa ạ?”.
“Chị chuyển sang viết truyện thôi em”.
Tôi ngần ngại, định hỏi chị có phải sau khi ly hôn, chị không thể làm thơ nữa không, nhưng tôi kịp giữ câu hỏi ấy trong cuống họng, và một ngụm trà gừng đã kéo tuột nó xuống ngực, ngắc ngoải ở cuống tim như một cái móc câu đung đưa với miếng mồi là những bài thơ của chị chực chờ con tim sơ hở sẽ ghim vào ngay. Câu hỏi nằm ngay đó, đập phập phồng theo nhịp tim tôi.
“Em đang bị ốm nên cũng chưa kịp chuẩn bị quà gì cho chị, sớm nay trên đường đi em có ghé qua đoạn rừng thông nhặt ít hoa thông, chị giữ xem như quà kỷ niệm nhé”.
“Cảm ơn em”.
Tôi xếp những bông hoa lên bàn quanh ly trà, ba bông tất cả. Tôi – anh – và chị, ba con người như những bông hoa chơi vơi, xoay quan một chữ “Tình” mà thành duyên phận để tôi gặp chị, đề tôi tò mò dò dẫm lần tìm bóng dáng anh trong con người chị, vợ cũ của anh.
“Em gái em thích truyện của chị lắm ạ”.
“Em có em gái hả, thích nhé, chắc chị em thân nhau lắm hả?”.
“Dạ, em gái em muốn làm nhà văn nhưng ba mẹ em không thích”.
“Sao vậy em?”.
“Ba mẹ em nói làm nhà văn khổ lắm ạ, nhất là nhà văn nữ. Chị có thấy mình khổ không?”.
“Chắc ba mẹ thương bé mới lo vậy, chị thấy bình thường mà”.
Tôi nói dối, tôi không có em gái, tôi là con một. Nhưng ngồi trước một nhà văn nổi tiếng đã có những tác phẩm trên văn đàn, tôi không dám thú nhận mình cũng là dân viết. Tôi sợ chị hỏi tôi đã in tác phẩm nào, tôi quen biết những ai trong làng văn, tôi làm cho cơ quan tổ chức nào… Tôi thấy mình hèn mọn và yếu đuối, trước chị. Ngay cả việc tôi làm thơ tặng anh tôi cũng không dám thổ lộ như niềm kiêu hãnh cố cứu vớt tình yêu của tôi với anh là nước cờ chiếu tướng cho thất bại hôn nhân của chị. Cái móc câu treo tòng teng những câu thơ của chị đã vây lấy trái tim tôi, bóp nghẹt. Tôi thầm ước giá như chị đừng làm thơ, giá như chị chỉ viết những câu chuyện thôi, thì tôi sẽ bớt đau biết nhường nào vì biết đâu những câu thơ của tôi lại làm anh nhớ đến chị. Tôi lục tìm tất cả những vần thơ của chị xem có câu nào dòng nào chữ nào dành tặng riêng anh không, một hành động trẻ con và ích kỷ. Tôi tự nhắc mình, họ đã từng là vợ chồng, đã chia sẻ cùng nhau một quãng đời thì tôi ghen với mấy câu thơ để làm gì cơ chứ. Tôi không giấu nổi bản thân trước những bài thơ của chị, những câu thơ của chị và những bài thơ tôi tặng anh vây lấy nhau, cuốn lấy tôi và xiết chặt thân thể trần truồng đến tươm trong những giấc mơ kỳ lạ mà tôi kêu gào anh gỡ ra giúp tôi nhưng anh chỉ có thể bất lực đứng nhìn, còn tôi gào khóc trong vô vọng chỉ biết trách hờn anh, đừng yêu nhà văn nữa anh, chúng em khổ như nhau cả thôi.
Tôi bắt đầu sợ những giấc ngủ.
“Chị đã đi được nhiều nơi chưa ạ?”.
“Cũng ít thôi em, chị ở có hai ngày mà, nhưng không khí miền núi trong lành thật đấy, khác hẳn thành phố nhộn nhịp”.
“Em hi vọng chị thích, người miền núi cũng hoang sơ lắm chị”.
Quán chuyển nhạc, một bản nhạc buồn hiu hắt, quán vắng dần chỉ còn tôi và chị trên ban công lấp lánh nắng với đôi chim trong lồng đang hót những nhịp đứt quãng chẳng đều nhau, một tia nắng nhỏ bồng bềnh trên tóc chị, đẹp lạ lùng. Tôi như ngây dại ngắm nhìn hình ảnh chị như lúc tôi vô tình nhìn thấy ảnh cưới của hai người, chị cũng rạng ngời trong nắng, sao tôi xót xa. Đôi tay run run, tôi nhấp thêm ngụm trà lấy bình tĩnh, hôn nhân có lẽ là một bí mật mà người bên ngoài nhìn vào chẳng bao giờ hiểu được, như đôi chim đang nằm sưởi nắng kia, nào có biết đâu được là chúng hót những giai điệu hạnh phúc hay u sầu.
“À, may quá, chị có mang theo hai cuốn sách, chị gửi tặng em gái em nhé”.
Tôi ngắm nhìn chị ký tặng “em gái” tưởng tượng của tôi, tôi se sắt khi thấy mình thật tàn nhẫn vì đã lừa dối chị. Chị không biết tên thật của tôi, cũng không thể hình dung tại sao tôi lại hẹn gặp chị khi thấy chị viết trên facebook cá nhân sẽ có chuyến du lịch Tây Nguyên, chị ngây thơ tin người đến vậy sao? Tôi tự hỏi có phải chăng cô gái hai mươi mới bước vào đời đầy mơ mộng với những câu thơ giản dị và người đàn bà đã bước qua cuộc hôn nhân thứ hai cũng chỉ là một người?
Tôi yêu chồng cũ của chị.
Tôi muốn chuyển chủ đề, tôi muốn chị nói rằng tôi sẽ thay chị yêu anh ấy cả phần của chị đã từng yêu, tôi muốn gào lên trước chị rằng nếu còn giữ chút hình ảnh của anh ấy hãy trả cho tôi, nhưng tôi không dám. Nhấp ngụm trà gừng cuối cùng cay nồng, tôi lại tiếp tục vai diễn với những câu thoại đầy tuyệt vọng.
“Em mới cãi nhau với chồng, em bỏ nhà sang chị gái ở ạ”.
Tôi đang làm gì ở đây, trong quán cà phê này với vợ cũ của người tôi yêu? Tìm lại chút dư âm đã quá vãng hay khơi lại nỗi đau của một cuộc hôn nhân tan vỡ? Tôi đang cố khơi gợi trong chị điều gì khi mô tả “chồng tôi” có dáng dấp như chồng cũ chị mà chị không hề hoài nghi?
“Tụi em lấy nhau lâu chưa?”.
“Cũng mới ạ”.
“Vậy sao cãi nhau rồi”.
“Chắc chưa hiểu nhau thôi ạ”.
“Cứ bình tĩnh ngồi xuống nói chuyện thôi em”.
Tôi xin phép chị vào nhà vệ sinh, tôi òa khóc. Tôi đang cố hình dung chị và chồng cũ có thể bình tĩnh ngồi bên nhau trước khi ly hôn hay không? Tại sao hai người không sống thật vui vẻ để tôi không phải chịu đựng cơn đau này, thay người tôi yêu. Tôi bắt đầu run và lần tìm điếu thuốc lá, châm lửa. Làn khói mờ vây quanh tôi như một màn sương dày rồi tan đi để lại dáng hình mình trong gương, nhòe nhoẹt nước mắt, chảy dài hai dòng đen lấp lánh mascara. Tôi rít thuốc và nhả khói, như chính mình sợ thấy mình khóc, như muốn xua đuổi con người yếu đuối vụng về trước mặt tôi đây. Khói căng buồng phổi, khói quện từng cơn ho sặc sụa như đang chơi đùa tung tẩy với những câu thơ giữa lồng ngực. Tôi đã thất bại trong vai diễn này, tôi lau khô mà trang điểm lại, cố tình vẽ một màu mắt khác xem chị có nhận ra không.
“Chị phải về thôi, anh xã chị đang đợi, sắp đến giờ bay rồi”.
Chị nhắc hai từ “anh xã” mới tự nhiên làm sao, như cố gắng gượng cho tôi hình dung chị có một người chồng hoàn hảo, chị chưa từng đau khổ trong hôn nhân.
Chị nhìn đồng hồ và nhắn tin cho chồng, hẳn nhiên rồi, chị làm sao để ý đến màu mắt tôi được, tôi cười ngây ngô vì thấy mình ngốc quá, tôi cố công như vậy để làm gì khi chị đã tròn vai của mình? Tôi định hỏi chị an nhiên với người hiện tại chứ, nhưng tôi không dám. Chỉ biết len lén nhìn khóe miệng chị cười tươi, tôi nghĩ chị đã tìm được bến đỗ đời mình.
“Mai mốt bé nhà em nó có xuống Sài Gòn thì chị đừng quên nó nhé”.
“Nhất định chị phải gặp rồi”.
Tôi biết, mình phải diễn cho tròn vai, bước từng bậc xuống cầu thang tôi ôm chị mà trong lòng với vòng tay không dám xiết chặt, tôi sợ một cú va chạm mạnh sẽ làm tôi vỡ tan từng mảnh nhỏ. Tôi nhìn dáng chị từ đằng sau nhún nhảy khi hai tay vân vê những bông hoa thông tôi gửi tặng, tôi cứ đứng đó nhìn dáng chị khuất xa như một chú chuồn chuồn kim chao liệng trong nắng. Tôi lặng lẽ dắt ra ra về, nước mắt lăn dài.
Mãi mãi tôi sẽ không biết vì sao chị và chồng cũ ly hôn, mãi mãi tôi cũng không thể hình dung chị có thể là một người vợ thế nào khi hôn nhân đổ vỡ. Tôi chỉ nhìn thấy chị thật hạnh phúc, và bình yên. Tôi cũng không biết chuyện tình của tôi sẽ đi về đâu, hoặc có thể khi anh biết được câu chuyện này, chúng tôi đã thành người xa lạ. Tôi không cho anh biết về cuộc gặp gỡ, tôi cũng không cho chị biết tôi yêu anh, người đã từng là chồng chị. Tôi có hèn nhát quá không khi không dám đối diện với quá khứ của người tôi yêu, nhưng nhắc lại câu chuyện hôn nhân ấy để làm gì khi giờ đây chị không còn muốn nhớ.
Tôi đã diễn một vai buồn, rất buồn.
21/5/2021
Lâm Hạ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Truyền thông là một nghề bạc đức

Truyền thông là một nghề bạc đức Tôi đã nhiều lần có suy nghĩ loáng thoáng như thế và viện đủ cớ bao biện cho cái nghề mưu sinh của mình. Ch...