Thứ Năm, 9 tháng 1, 2025

Năm tôi 49 tuổi

Năm tôi 49 tuổi

Năm nay tôi bốn mươi chín tuổi, nhưng mọi người vẫn nghĩ tôi chỉ mới ngoài bốn mươi. Tại tôi luôn thức dạy từ rất sớm, tôi ngồi thiền chứ không chạy để các tế bào sống của tôi được chùng chình. Trước bình minh, tôi nuôi bóng tối trong hai con mắt, trong những huyễn hoặc của loài người rằng mình đang trường sinh.
Sớm nào tôi cũng ngồi thiền như thế trên cái vỉa hè rộng rãi ở tầng một. Tôi không thiền trên sân thượng hay ban công, nhất định tôi phải tiếp xúc với đất. Khi cả khu phố này chưa ai thức dậy, tôi ngồi đó nhắm mắt, những tiếng muỗi sớm vo ve, tiếng đứa trẻ nhà ai đang khóc, tiếng gió đập vào những ô cửa khép hờ đêm qua đều không lọt nổi vào đôi tai của tôi.
Bỗng một hôm tôi nghe thấy tiếng chân rất nhẹ. Khi mở mắt, tôi thấy một con chó đen lông pha những sợi hung đỏ chạy qua trước mắt. Nó không quay lại nhìn tôi, nó không sủa vu vơ, nó không đứng rạng háng đái vào một cái cây bụi bên đường làm dấu, nó phải là một con chó rất thạo ở khu vực này. Tôi đứng dậy và bước theo nó, bởi nghĩ nó chạy ra từ trong kí ức, tôi thiền đã ngộ? cái màu lông nó còn lấm bụi đường của một hành trình rất xa, bụi thường theo về trong nỗi nhớ.
Tôi đã theo nó ngược con dốc cao hơn tôi tưởng, tôi thở hồng hộc. Tôi mỉm cười, mình đang tiêu pha những ngày cuối năm 49 tuổi ở chỗ này. Hết dốc, đồi bằng, nó bắt đầu đi thong thả như một con ngựa hoang thảnh thơi, tôi như bị thôi miên vào cái đuôi có màu lông hung đỏ của nó trong sương mù tháng 3. Bụi và sương, nhận ra nhau dính dính, cái đuôi càng thêm ma mị. Con chó bắt đầu ngồi xuống ở đoạn đường có một khúc cua, mắt nó hướng về phía rừng thông. Rồi nó nhìn ngó xung quanh, hai cái tai như rada đảo qua, đảo lại. Rồi nó lại đi tiếp. Mặt trời đã lên cao xiên những tia nắng vàng qua tán lá thông thưa, con chó cũng mệt nhọc lê cái mông thăn chắc lên sườn đồi đất vàng ệch. Vắt cái áo cánh lên vai, tôi vẫn là kẻ vừa đi, vừa giữ cự ly với con chó. Kẻ đi trước với điệu bộ lúc nhẩn nha, lúc gấp gáp, tôi đang vắt kiệt sức theo cái đuôi chó trong trò chơi ú tim.
Tôi đã đi quá xa so với căn nhà của mình. Từ nhiều năm nay, tôi đã không bước ra khỏi cửa mà vùi đầu vào một công việc chưa có dấu hiệu kết thúc: Viết một cuốn sách. Tôi đã từng có những năm hai mươi tuổi đi làm thợ sau khi không thể xin được công việc ở bàn giấy. Những giàn giáo cao nguy hiểm, sự im lặng ở trên cao và hốc mắt tử thần khô khốc luôn dán lấy lưng và gáy tôi. Những bữa cơm khi ấy vội vã đến mức tôi không còn nhớ mình đã ăn chúng như thế mà chỉ nghe dạ dày gào thét mỗi khi đứng ngọ.
Có một dạo nào đó cũng lâu rồi, tôi sống giữa mùi ẩm mốc của một căn phòng rêu mốc xanh vì mái nhà dột. Công việc của tôi hàng ngày là ghi chép số liệu vào một chiếc máy tính cũ, không được kết nối Internet. Tôi gò lưng trong tiếng mọt gỗ mà ghi ghi, chép chép trong khi dòng xe cộ ngoài cửa sổ đang chuyển động từng ngày. Cuối năm, những số liệu ấy lại được thay thế bằng những cuộc họp bàn chốc lát. Có lẽ tôi còn những ngày đi gác ở công trường để canh người ta khỏi đánh cắp vật liệu, khi ấy tôi đã phải đeo kính dày nhưng giờ tôi không thể nhớ thêm được. Ô xy lên não không đủ để vắt óc thêm, tôi hụt hơi thở dốc, ngồi thụp xuống một hòn đá ven đường. Lúc này có là vua chúa xưng danh một vùng thất cơ chạy loạn cũng phải thở cái đã, có là thợ săn đeo bám con mồi cả ngày dòng dã thì cũng phải thở cái đã. Con người chưa bao giờ là một thể thống nhất. Lục phủ ngũ tạng chưa bao giờ thấu hiểu những đam mê. Trong phút chốc, khuôn mặt tôi chảy sệ xuống như một nắm bã đậu, đúng lúc ấy, tôi nhìn thấy một con đường bậc thang đi thẳng xuống núi. Trời đất! Tôi đã đi vòng quang khu đồi này biết bao lâu theo cái khấu đuôi của một con chó hoang để cuối cùng nhận ra con đường với những bậc đá ấy đang dội thằng xuống dãy nhà nơi tôi ở.
Khi tôi đứng dậy phủi những hạt bụi dưới ống quần thì sau lưng tôi xuất hiện một người đàn ông. Ông quấn một chiếc khăn trên đầu. Không, nó được may thành một vòng tròn thì đúng hơn. Bộ râu lưa thưa có những sợi dài nhất đã chạm ngực nhưng có những sợi ngắn chỉ lởn vởn quanh cằm. Tôi nhìn vai áo chàm đã sờn của ông ta và thấy có lẽ nó không được mặc thường xuyên, tôi nhếch mép cười rồi quay đi.
– Ông không thể xuống con đường đó được nếu không nghe tôi nói.
– Sao vậy? (tôi quay lại)
– Ông cứ xuống đó nếu không có lối ra ông cứ đi sang bên trái, trái tiếp, rẽ trái. Rồi ông cứ đi lối nào ông thích, cứ bước lên những bông hoa.
Tôi đã trở lại tập thiền như mọi ngày. Nhưng hễ khi nhắm mắt lại thì những luống hoa bị tôi dẫm phải lại hiện ra trước mắt. Trưa hôm đó, tôi đã gặp cánh cổng sắt cao ngất chắn lối ra với con đường, lời của người đàn ông mà tôi gặp ở trên đỉnh đồi thật có lý. Tôi đi dọc dãy tường không gặp một người nào để hỏi lối ra hay nhờ họ mở cổng. Nhưng khi tôi đi sang trái, rồi rẽ trái, tiếp theo những hàng rào cây ngâu được xén tỉa thành những bức tường thấp, một vườn hoa đã hiện ra. Tôi nhận ra rất nhiều lá khô phủ trên lối đi hẹp xung quanh các luống hoa. Ở đây không có cây cối, người vắng tanh, lá ở đâu mà rụng xuống? Những bông hoa không có gai, tôi cứ dẫm lên hoa mà đi, còn hơn là những mảnh chai đang được giấu dưới lớp lá khô kia. Chắc người chủ vườn muốn dạy cho những kẻ trộm hoa một bài học. Cuối cùng thi tôi cũng có mặt ở nhà kịp giờ ăn trưa.
Tôi lại nghe thấy tiếng chân của con chó khi nhắm mắt. Sau này tôi có hỏi bà giúp việc nếu đưa câu ấy vào trang viết có ổn không? Bà ta bảo ông nghe thấy tiếng chân chó thì ông cứ viết vào, tôi chỉ giúp ông việc đời, việc văn tôi không thể nói gì. Giờ thì tiếng chân con chó có vẻ gấp gáp hơn, tôi mở mắt ra đã thấy nó vụt qua, cái đuôi ướt lướt thướt cụp xuống. Tôi lần theo nó, lần này nó không đưa tôi đi lòng vòng nhẩn nha mà rẽ thẳng qua lối tắt của vườn hoa để lên đỉnh đồi. Nhưng, chân nó không dẫm đạp lên luống hoa như tôi lần trước. Con chó có màu lông đen hung đỏ vẫn chạy trên lối đi bên những màu hoa hồng, hoa ly, hoa thược dược, hoa cúc Nhật Bản… Chân nó hình như va phải những mảnh chai dưới lớp lá khô nên tứa máu, máu nhỏ xuống lá khô vô hồn. Con chó chứ chạy như thế, máu cứ nhỏ, nó không dám kêu, không dám liếm những giọt máu tươi đang chảy bởi miệng nó đang ngậm một miếng thịt to cũng tươi máu. Hình như đám người dưới chân dốc đang đuổi theo, con chó hậu duệ của loài chó săn kiêu hãnh giờ hèn hạ vậy sao? Một con chó đói rình lấy cắp những miếng thịt trên thớt, chứ không còn cái oai phong lao lên phía trước mũi súng để lùa con mồi hay cảnh giới giúp chủ. Không, tôi vẫn thấy nó oai vệ lắm chứ. Nếu máu cứ chảy, nó sẽ gục ngã với miếng thịt còn tươi kia. Nhưng con chó sẽ chạy về đâu, nó không đợi đến chỗ vắng vẻ mà vần vò ngấu nghiến miếng thịt, tôi tin vậy.  Lần này tôi không thể đi con đường đạp lên hoa, rồi lại rẽ phải, rẽ phải lên những bậc đá gấp gáp lên đỉnh đồi. Tôi không muốn đám người đang nhao nhao chạy tìm miếng thịt hoẵng dưới kia biết dấu vết con chó. Cũng còn vì, tôi muốn con chó sẽ có đủ thời gian làm xong phần việc của mình.
Tôi đã bỏ qua những khúc cua vô nghĩa, những dong chơi nhênh nhang của một loài vật hoang da ngàn năm trước về ăn bám giống người như loài chó. Chúng có thể nhênh nhang cả ngày trời chỉ để bắt một con bướm và làm gãy nát những luống rau, hay đào bới bắt một con chuột rồi vần nó cho đến chết chứ không xơi tái. Chừng hơn hai giờ đồng hồ, tôi đã lê được bước chân lên đến hòn đá khi trước. Theo vết máu con chó, tôi men theo một cái hàng rào xếp bằng đá, hiện ra một ngôi nhà sàn nhỏ, tưởng như một tiêu bản trong cửa hàng lưu niệm. Dưới gầm sàn, con chó đang được một người đàn ông đắp cho thứ lá cây gì đó lên những vết thương ở cẳng chân. Máu bắt đầu ngừng chảy. Tôi bước đến bên cạnh khi cả hai đang đắm chìm vào một câu chuyện. Tiếng ông ta nói rất nhỏ, nhỏ như thể một tiếng rên nhưng lại miên man như cầu nguyện. Con chó mắt lim dim, miếng thịt đã treo lên cột nhà sàn. Tôi nhận ra ông ta chính là cái gã mặc áo chàm bữa trước nhưng hôm nay những hố mắt của gã như sâu hơn. Tôi chưa kịp cất tiếng thì gã nói:
– Hôm nay ông muốn hỏi về con chó hay miếng thịt?
– Tôi lên đây cho khuây khỏa, thấy cảnh yên tĩnh tôi ghé vào.
– Nếu thế – gã có vẻ dứt khoát- ông đã lên đây bằng con đường thẳng kia rồi. Đường này lấy đây ra hoa, lá để ông ngắm.
Tôi đành cười chừ, giúp lão chăm sóc con chó, nó cũng nhìn tôi mà ve vẩy cái đuôi. Đúng là gã và con chó thật bí hiểm. Xong việc, lão lấy cây sáo thổi cho tôi nghe một bài. Tôi không sành âm nhạc nhưng nhớ là có nghe ở đâu đó tiếng sáo buồn của dân du mục như thế. Thổi hết bài sáo, lão quay sang hỏi tôi:
– Ông có nghe thấy điều gì trong tiếng sáo không?
– Vâng, tôi nghe thấy trong đó tâm sự của một người ẩn dật, có thể là một nhà tu hành. Thật bất ngờ.
– Vì ông nhìn vào con chó rồi đoán định về tôi? Con chó ấy vốn không phải của tôi. Nó là của phường săn. Tôi là người đốn củi, nghĩa là chỉ nhặt những thứ rác rưởi của rừng. Khi họ hết cái để săn, hết thú dữ thì ai canh rừng, kể cả con chó săn cũng biến thành miếng mồi, nên tôi với nó thành ra những kẻ ẩn dật ở chỗ này.
– Vậy ông sống bằng cách gì, tôi nhìn quanh đây đâu còn cái gì để mưu sinh? Tôi nói quả quyết
– Tôi không thiếu tiền. Nhưng ngày ngày tôi chỉ sống bằng các loại hạt, quả, các loại lá rau. Người dưới phố không thể tin là con người ta vẫn có thể sống khỏe mà không cần đến thịt.
– Ồ (tôi ngạc nhiên), vậy ông có ước mơ không?
– Tôi có ước mơ chứ, tôi sẽ nói nếu còn gặp lại ông.
Tôi thủng thẳng xuống núi, lần này không nhờ vào con đường tắt dẫm lên hoa của của khu nghỉ dường mà gã đốn củi đã mách nước, tôi cũng không lo mệt nhoài với con đường vòng của con chó. Chắc đó là đường của những gã thợ săn nên phải vòng vèo để theo dấu chân con mồi. Con chó đã dụ tôi theo đường ấy để mất dấu vết hay thử lòng tôi? Tôi trở về bằng con đường riêng của mình, giờ đây còn ít khúc cua hơn lúc tôi lên. Biết đâu đây mới là con đường của gã tiều phu đi nhặt những tế bào chết của rừng ngày trước. Tôi cứ miên man suy nghĩ, chân đã về tới nhà khi đứng ngọ.
Từ bữa đó tôi dọn riêng một căn phòng trên gác hai, có cửa quay hướng đông để ngồi thiền, căn phòng khá yên tĩnh, tôi giam mình trong những trang giấy trắng từ sáng đến tối. Lắm khi bà giúp việc phải cáu nhặng lên tôi mới chịu rời khỏi bàn làm việc để tới bàn ăn. Tôi dặn bà ta phải đóng kín cổng vì tôi không muốn bị làm phiền kể cả đó là lũ chó mèo.
Cuối năm ấy, tôi đột nhiên bị sưng tấy các khớp xương ở bàn chân, chúng đau nhức khiến tôi không thể leo lên con dốc vào mỗi buổi sáng. Điều đó càng khiến tôi quanh quẩn bên chiếc giường. Những trang bản thảo cũng phải gác lại, mạch suy nghĩ của tôi bị đứt đoạn.
Một hôm nghe bà giúp việc đi mua sắm về, mặt có vẻ hí hửng, bà ta thường như thế mỗi khi nghe được cái tin gì ngoài đường:
– Dưới kia đang chia phần ông ạ.
– Ai đang chia mà chia cái gì? tôi gắt lên- một người chúa ghét những câu không đầu, không cuối lại đang đau đớn.
– Cái xe tải mới chở vật liệu lên xây trên đồi thông đã đâm vào con chó lúc sáng sớm, con chó chỉ bị dập một bên đùi, kêu dữ lắm, người ta mổ nó rồi đang chia.
– Con chó màu gì?
– Màu đen, thui rồi thì thấy màu vàng.
– Bà có chứng kiến tận mắt không?
– Tôi nghe tận miệng người ta nói mà. Thịt nó săn chắc như thịt chó săn.
Lần nào tôi cũng phải chấm dứt cuộc tranh cãi với bà giúp việc bằng sự ấm ức như thế. Tôi đành lết cái chân đau ra ban công, cái đám chia chác ấy đã không còn, lớp lá chuối trên nền đất chơ những ruội nhặng, xa xa là đống tro thui chó. Một cảm giác bất an hơn nữa khi tôi nhặt được một chiếc vòng cổ của con chó dưới đám than cháy dụi. Cái vòng cổ đã cáu bẩn bởi mồ hôi, lông chó và đất. Tôi chống nạng, lết từng bước đến cái vòi nước ngoài sân để rửa cho sạch. Dưới ánh sáng, cái vòng không lấp lóa mà mang màu trắng đục. Một chiếc vòng bạc được đánh riêng gắn tên “Mích”. Tôi chột dạ, con chó đen lông đuôi hung đỏ mà tôi gặp cũng có đeo chiếc vòng. Nhưng ở khu này tôi chưa nhìn thấy một con chó thứ hai đeo vòng như thế. Chắc rằng, tôi đã ngớ ngẩn tin theo lời một người đàn bà hay đưa chuyện. Kể từ hôm đó, tôi bỏ xuống ngồi ở cửa, bên chiếc nạng và đợi.
Một tháng trôi qua, tôi đã ngồi thiền trở lại mà con chó đen như chạy ra từ trong vô thức của tôi vẫn bặt tăm. Tôi bắt đầu thấy cái chân trái khá hơn khi bỏ ăn các món có nhiều chất đạm mà thay vào đó là trái dừa, ổi, bưởi và một vài thứ hạt đậu. Tôi cảm thấy khi nhắm mắt lại, mọi vật sáng tỏ hơn nhưng rồi tất cả lại mờ đi trong màu trắng đến nhợt nhạt. Trong giấc ngủ tôi mơ thấy một màu trắng của rừng, của trời, của đất và cả khi ngó xuống thân mình cũng toàn một màu trắng. Chợt bàng hoàng thức dậy, tôi nhớ đến những căn phòng biệt giam trắng để hủy hoại sự sống mà mồ hôi vã ra như tắm. Trước đó, trong cơn mê ú ớ tôi gọi tên con chó để cái màu lông đen có cái đuôi pha hung hung đỏ ấy đến.  Chỉ cần một chấm đen nhỏ nhoi ấy cũng đủ giúp tôi qua  cơn ác mộng trắng. Sớm hôm sau, bà giúp việc định gọi taxi đưa tôi đi khám bệnh định kì nhưng tôi từ chối. Tôi hoảng sợ nếu phải gặp những căn phòng sơn trắng, màu áo blouse trắng của các y, bác sĩ. Tôi lê bước chân lên đồi, rừng đã không còn nhưng  còn may đất vẫn một màu vàng, những cái cây mới trồng còn trơ ngọn đang đợi thứ thuốc kích thích giúp mọc lá. Tôi tìm mãi rồi cũng thấy cái nhà sàn của gã đốn củi. Nó vẫn đơn sơ như thế, gã đang ngồi trên cầu thang tay cầm một con dao dài có mũi nhọn, vót một cái tên tre. Thấy tôi, gã dừng tay cất tiếng hỏi:
– Đời ông thấy quý nhất là điều gì?
Không cần đắn đo, tôi trả lời:
– Tuổi trẻ ông ạ, tôi tiếc nhất là tuổi trẻ. Nếu được trẻ lại tôi sẽ cho cái nạng này vào bếp.
– Vậy sao? (gã cười nhếch mép). Đấy lại là điều tôi sợ nhất. Ông biết năm nay tôi bao nhiêu tuổi không?
– Chắc ông cũng hơn tôi một chút.
– Ông nhầm rồi, đáng ra ông phải gọi tôi là chú. Nếu cắt tóc, cạo râu đi, mặc bộ đồ xuống phố người ta tưởng ông còn già hơn tôi. Năm nay tôi đã gần 70 rồi đó.
– Vậy sao ông không xuống dưới kia, để tận hưởng những gì trẻ trung còn sót lại?
Gã đứng thẳng người, lặng im đôi chút rồi khẽ nói:
– Ông không biết là tuổi trẻ là một cực hình sao? Tôi đã may mắn khi khoát khỏi tuổi trẻ ấy khi nó đến lần thứ hai.  Con chó săn  tưởng là tôi vẫn còn trẻ. Nó vẫn nghĩ tôi cần ăn, cần những chuyến săn, cần nhiều miếng thịt. Nó hiểu mọi mánh khóe luồn lủi để kiếm mối và không bị bắt. Nhưng dù nó khôn đến vậy cũng đâu hiểu được lí lẽ của người.
Gã bỗng ngừng lại, mắt rơm rớm nước:
– Chừng tháng trước, sớm ra người ta đi trở đá hộc lên kè đường, nó bị xe cán chết. Tội nghiệp nó, lúc ấy nó lại đang cắp một miếng thịt khác về. Một con chó suốt đời chưa được sống hết đời của loài chó.
Tôi lặng lẽ lấy chiếc vòng bạc trong túi ra treo lên cái đinh trên cột nhà sàn. Lão không nhìn, một cơn gió thổi đến làm chiếc chuông nhỏ trên vòng cổ kêu khe khẽ. Gã chậm dãi bắt đầu câu chuyện của mình:
– Ngày xưa tôi chỉ là người kiếm củi. Nhưng nếu không có tôi mở lời thì người dân ở đây không chịu rời khỏi nơi mà họ đã khai khẩn này đi. Tại ông không biết rõ thôi, dưới lớp cỏ xanh um kia vẫn còn dấu tích những nền nhà bị lở lói.
– Ông cứ nói, tôi đang nghe – tôi thật sự sốt ruột.
– Lúc đó tôi đã gần năm mươi tuổi, cũng như ông. Nhưng rồi, tôi đã có rất nhiều tiền để đổi lấy năm tháng bụi bặm. Tôi thành người đàn ông lịch lãm, các cô gái đẹp vẫn vây lấy tôi hơn các chàng trai nghèo đang tuổi xuân xanh. Tôi đã đổi được cánh rừng để lấy tuổi trẻ.
– Nhưng rồi ông đã kinh sợ khi phải trẻ lại như thế đúng không?
– Tạo hóa biết điều đó nên chỉ cho ta trẻ một lần? Tôi đã được nông nổi thêm một lần,.
– Tôi muốn được nghe về ước mơ của ông, tôi nhớ lần trước ông đã hứa.
– Tôi chỉ ước mơ thêm một lần được gánh củi xuống bán ở dưới chân đồi.
– Còn ông? Gã hỏi lại
– Tôi chỉ ước mơ nhớ lại tất cả cuộc đời mình.
– Vậy thì, ông hãy tự hỏi vì sao ông có  thể được dẫm lên những luống hoa, vì sao ông có nhà cao, cửa rộng và vì sao ông cô đơn?
Tôi tạm biệt gã đốn củi trở về, thấy như được khai tâm. Ờ, với mình có nhiều điều đơn giản thật mà không thể tìm ra trong đống kí ức hỗn độn. Chợt cuối con đường, một chiếc xe hơi sang trọng vừa dừng lại. Một người thanh niên còn trẻ, đầu cắt cua bước xuống khi tài xế mở cửa, cậu ta nhìn tôi như có vẻ bất ngờ rồi quay đi. Có gì đó rất quen ở đôi mắt ấy, rồi cậu ta bước vào khu nghỉ dưỡng. Tôi lắng nghe hình như có tiếng nói rất nhỏ của người thanh niên với cậu tài xế:
– Nhớ nhắc bọn nó đừng cho ông cụ nhà tôi đi lung tung như thế, kẻo lại đen đủi như con chó hôm nọ, giờ bọn lái xe trở vật liệu cho mình chúng nó phóng liều lắm.
Ờ, hình như cậu ra giống tôi ở điểm gì đó? Tôi đem suy nghĩ ấy về hỏi bà giúp việc, bà ấy thở dài rồi nói một mình:
– Con không ra con, chỉ có tiền. Chồng không ra chồng, cái gì cũng quên.
Tôi chỉ nghe được thế, đó là một ngày cuối năm tôi 49 tuổi.
17/5/2021
Bùi Việt Phương
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nghiên cứu và giảng dạy văn học Nhật Bản ở Việt Nam trong hai mươi năm đầu thế kỷ XXI Trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, văn học Nhật Bản vẫn ...