Thứ Năm, 9 tháng 1, 2025

Nguyễn Huy Thiệp và một chiến lược kể chuyện khác

Nguyễn Huy Thiệp và
một chiến lược kể chuyện khác

Trong cơn gió văn chương lan theo chiều rộng thì truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là một lốc xoáy bốc lên cao, mở ra một nghệ thuật mới, làm choáng váng, ngất ngây độc giả.
Nguyễn Huy Thiệp không hoàn toàn là con đẻ của Đổi mới, mà Đổi mới chỉ là ngọn gió nâng cánh Thiệp lên cao. Nhưng, công bằng mà nói, đôi cánh Thiệp cũng quạt gió trở lại, góp phần làm cho Đổi mới thành một phong trào. Trong cơn gió văn chương lan theo chiều rộng thì truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là một lốc xoáy bốc lên cao, mở ra một nghệ thuật mới, làm choáng váng, ngất ngây độc giả. Bí quyết đó nằm ở một chiến lược kể chuyện khác, mà 10 năm nằm ở Tây Bắc anh đã thai nghén, chờ đến khi về Hà Nội thì sinh đẻ.
Chiến lược kể chuyện cũ, đang thống ngự xã hội, là sự đối lập giữa hai thế giới: một đang suy tàn, mạt thế và một vừa ra đời, khởi nguyên. Từ đó, như một hệ quả, nảy sinh những “đối lập con” như xưa – nay, cũ – mới, xấu – tốt, ác – thiện, kẻ gian ác – người anh hùng, kẻ thù – người đồng chí… Từ đó, câu chuyện kể phải có đầu có đuôi, mang tính nguyên vẹn, nhân vật được kể phải trắng đen rõ ràng, thậm chí nhất phiến cũng được. Từ đó hình thành “nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình”. Nguyên lý sáng tác này bành trướng và chiếm hữu toàn bộ thực tại làm cho văn học trở nên nghèo nàn. Câu chuyện có thể khác nhau, cách kể có thể khác nhau, nhưng nếu tinh ý đều có thể quy về một chiến lược kể chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng cứ kể nữa đi.
Câu chuyện của Nguyễn Huy Thiệp không còn nguyên vẹn nữa, mà là một tập hợp những mảnh vỡ. Có sự xáo trộn giữa xưa – nay, huyền thoại – đời thường, xấu – tốt, thật – giả, quỷ ở với người, nửa ma nửa người… Bởi vậy phần lớn các nhân vật của Thiệp đều nhòe mờ, khó phân biệt tốt xấu, chính diện phản diện. Họ đều mang sắc độ trung gian, ở giữa các ranh giới, sắp vượt qua một giới hạn nào đó, tóm lại là đang – là.
Có thể thấy, chiến lược kể chuyện này trong vĩ mô tổng thể truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, như các truyện cổ tích Những ngọn gió Hua Tát, truyện huyền thoại Con gái Thủy thần, Chảy đi sông ơi, truyện giả lịch sử Vàng lửa, Kiếm sắc, Phẩm tiết, Mưa Nhã Nam, Nguyễn Thị Lộ, truyện đương đại như Những bài học nông thôn, Huyền thoại phố phường, Không có vua, Tướng về hưu… cũng như vi mô từng truyện ngắn của anh. Ở đây, để làm rõ điểm này, xin phân tích sâu một đôi nét trong Tướng về hưu và Vàng lửa.
Tướng về hưu kể câu chuyện tướng Thuấn, cả đời sống trong binh nghiệp, quen với mọi giá trị quân nhân, nay về hưu sống trong gia đình đông đúc đang thay đổi theo kinh tế thị trường. Không chỉ xung đột ngôi thứ, tôn ti trật tự trong nhà, mà cả xung đột giá trị. Xin dẫn ra đây một ví dụ. Đây là cảnh tướng Thuấn tặng quà cho mọi người trong mắt của con trai và con dâu: Cha tôi cho mỗi người trong nhà bốn mét vải lính. Ông Cơ và cô Lài (bố con người giúp việc – ĐLT) cũng thế. Tôi cười: “Cha bình quân!”. Cha tôi bảo: “Đấy là lẽ sống”. Vợ tôi bảo: “Cả nhà đồng phục thì thành doanh trại”. Mọi người cười ồ.
Trong cái thời buổi “loạn cờ” (chữ của Nguyễn Huy Thiệp – ĐLT) ấy, con người bị tha hóa đến mức không còn biết mình có là người nữa không. Ở một đoạn, ông Bổng (em trai tướng Thuấn) nói với chị dâu: “Chị ơi, chị có nhận ra em không?”. Mẹ tôi bảo: “Có”. Lại hỏi: “Thế em là ai?”. Mẹ tôi bảo: “Là người”. Ông Bổng khóc òa lên: “Thế là chị thương em nhất. Cả làng họ gọi em là đồ chó. Vợ em gọi em là đồ đểu. Thằng Tuân gọi em là đồ khốn nạn. Chỉ có chị gọi em là người”. Ông Bổng được xem là người dở người. Chỉ có người dở người mới dám trung thực đến mức trơ trẽn với bản thân như vậy.
Không thích nghi nổi với cuộc sống đời thường, ông Thuấn bỏ nhà ra đi, trở về với đời sống quân ngũ: Trước khi lên xe, cha tôi lấy trong ba lô ra một quyển vở học sinh. Ông đưa cho tôi. Ông bảo: “Trong này cha có ghi chép ít  điều, con đọc thử xem”. Hai đứa con gái nhỏ của người con, với sự ngây thơ của đứa trẻ trong truyện cổ Bộ quần áo của hoàng đế của Andersen đã bóc trần cái sự thật mà người lớn ai cũng biết nhưng không nói ra. Cái Mi, cái Vi chào ông. Cái Mi hỏi: “Ông đi ra trận hả ông”. Cha tôi bảo: “Ừ”. Cái Vi hỏi: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm có phải không ông?”. Cha tôi chửi “Mẹ mày! Láo!”
Tướng về hưu gây một chấn động lớn. Được dựng thành phim. Nhưng trước đó đã bị Đào Vũ vứt vào sọt rác, sau được Nguyên Ngọc moi ra. Đọc xong truyện này, Nguyễn Khải muốn đánh đổi cả đời viết của mình để có được một Tướng về hưu. Thay đổi chiến lược kể chuyện tuy không phải là không thể, nhưng phải trả giá, có khi bằng cả cái tướng về hưu của mình.
Vàng lửa là sự đối lập giữa hai nhân vật Nguyễn Du và Gia Long. Họ đều là những khối nguyên liệu vô giá, những bảo vật quốc gia, Nguyễn Huy Thiệp mượn lời của Phăng để đánh giá họ. Nguyễn Du nổi bật ở lòng tốt và nhân cách, yêu nhân dân mình, không đứng cao hơn họ, không hưởng thụ cao hơn họ. Nhưng đứng trước ngã rẽ lịch sử thì lòng tốt của ông là thứ lòng tốt nhỏ, không cứu được ai. Còn nhân cách ấy thì có giá trị gì khi cuộc đời thực của ông xúi xó, túng kiết. Trong khi ấy thì Gia Long là một khối cô đơn khổng lồ, bởi ông đứng cao hơn cộng đồng của mình do tiếp xúc trực tiếp với người Tây, với kỹ thuật châu Âu, với người Thái Lan đang quá trình Âu hóa. Bởi thế Gia Long hiểu cộng đồng của mình, đời sống cộng sinh của họ, đóng trò rất giỏi trong triều đình và sẵn sàng mang đất nước của mình ra làm sàn diễn.
Sau khi chiến thắng Tây Sơn, thống nhất được đất nước, Gia Long đứng trước cơ hội cách tân theo con đường của Minh Trị Thiên Hoàng Nhật Bản. Bởi, ông có rất nhiều nhân vật kỹ trị phương Tây đi theo, có lực lượng tham gia người Hoa, người Việt ủng hộ, có tầng lớp dân chủ Nam bộ chống lưng. Nhưng nhà vua chọn lựa trở lại con đường truyền thống, phục hưng Nho giáo bảo thủ cực đoan của nhà Thanh. Như vậy, Gia Long là người có khả năng thay đổi đất nước thì ông đã không làm vì bảo vệ lợi ích của bản thân và dòng tộc. Trong khi đó những người yêu dân, yêu nước như Nguyễn Du muốn làm nhưng lại không có thực lực. Điều này gây ra một bi kịch thời đại: người có thể thì không làm, người muốn làm thì không thể. Và hình như mỗi một khúc quanh xã hội thì bi kịch ấy lại tái diễn như một hằng số lịch sử.
Ngay khi ra đời, Vàng lửa đã gây ra một cuộc tranh luận về sự khác nhau của văn và sử giữa nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân và nhà sử học Tạ Ngọc Liễn. Người này cho rằng đó là tác phẩm văn học, người kia – tác phẩm sử học. Cả hai không nhớ rằng đây là một truyện giả lịch sử, tức vừa là văn học vừa là lịch sử (dù là sử giả), theo nguyên lý bao hàm, chứ không phải hoặc là… hoặc là theo nguyên lý loại trừ. Nhưng quan trọng hơn cả trong Vàng lửa, hay vàng trong lửa, chính là dự cảm lịch sử thiên tài nói trên của Nguyễn Huy Thiệp.
Như vậy, chiến lược kể chuyện của Nguyễn Huy Thiệp không đơn thuần là kỹ thuật, mà chính là nghệ thuật, đúng hơn một cái nhìn nghệ thuật và qua đó, một cái nhìn thế giới. Sâu sắc và mới mẻ, nó làm cho truyện ngắn của Thiệp tồn tại mãi mãi với người Việt Nam hôm nay như một tượng đài nghệ thuật ngôn từ. Kể cả khi ông đã ra đi.
17/5/2021
Đỗ Lai Thúy
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Truyền thông là một nghề bạc đức

Truyền thông là một nghề bạc đức Tôi đã nhiều lần có suy nghĩ loáng thoáng như thế và viện đủ cớ bao biện cho cái nghề mưu sinh của mình. Ch...