Thứ Năm, 9 tháng 1, 2025

Cá nhân phản tỉnh trong trường ca Trần Anh Thái

Cá nhân phản tỉnh
trong trường ca Trần Anh Thái

Tìm kiếm ánh sáng thuần khiết trong tâm hồn chính là nét chủ đạo giúp đưa con người cá nhân phản tỉnh vượt qua bóng tối u uẩn, vươn tới ánh sáng, tự do minh triết. Toàn bộ tinh thần của trường ca Trần Anh Thái, thông qua hình ảnh con người cá nhân phản tỉnh, vì thế đã khởi cuộc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống trong luồng ánh sáng có nhiều khúc đoạn thăng trầm, nhiều khi nhuốm màu hoang hoải, thâm u của bóng tối. Trên tất cả, nó vẫn là luồng ánh sáng nâng niu qua nỗi khổ đau của “Đôi mắt sáng tiên tri chỉ tay về phía mặt trời đang tan trong làn sương”…
I. Điểm nhìn suy tưởng.
GS Trần Đình Sử, trong tiểu luận Tản mạn về trường ca, viết: “… Mặc dù các nhà thơ Việt Nam đã kiên trì chiếm lĩnh trận địa thơ ca, luôn tìm tòi, sau đợt trường ca năm 70 – 80 với các tên tuổi Thu Bồn, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu… đầu thế kỉ XXI lại xuất hiện các tên tuổi mới như Thi Hoàng, Hoàng Trần Cương và gần đây nổi bật lên bộ ba trường ca của Trần Anh Thái. Nhưng nhìn chung, trường ca của chúng ta vẫn còn khá đơn điệu trong hình thức sử thi độc thoại và xâu chuỗi. Tính cách nhân vật trữ tình nội dung cũng đơn điệu, thường là người lính, người chứng kiến chiến tranh, đau thương, mất mát, người yêu Tổ quốc. tư tưởng nhìn chung vẫn tin tưởng, lạc quan, ít có gì gây ấn tượng mới mẻ. Có lẽ chỉ có trường ca của Trần Anh Thái là mới chớm có tình cảm lo âu, bối rối, buồn rầu, thất vọng, mặc dù vẫn giữ niềm tin vào sự sống con người. Có lẽ đó là lần đầu xuất hiện tư tưởng buồn rầu, thất vọng, tự giễu mình trong một nền thơ tràn trề niềm tin và hy vọng chắc nịch…”
Đọc trường ca Trần Anh Thái, mỗi người bằng suy cảm của mình tiếp nhận nó theo những phương thức khác nhau. Xuyên suốt các tập trường ca của anh là điểm nhìn của con người cá nhân luôn tự vấn, tự khơi mở, kiếm tìm Chân giá trị. Nói như chính nhà thơ thì:  Trường ca hiện nay đã bước sang một giai đoạn khác. Nó đào sâu và phát triển vào mọi ngõ ngách của đời sống con người. Nó đa dạng, phức tạp và liên tục biến đổi, nhưng vẫn giữ được mạch ngầm chủ đạo và nhất quán. Trường ca hiện đại hạn chế tối đa cách kể và tả câu chuyện hay sự kiện. Nó tránh mọi sự giải thích dài dòng. Nó cố gắng đi sâu vào đời sống bên trong của con người, tiến sâu vào sự tự nhận thức bản thân; chối bỏ việc phản ánh giản đơn những kinh nghiệm bề mặt,  cái bên ngoài, những diễn biến khách quan. Nó thể hiện rõ tinh thần tự phản biện và nhận thức lại, tìm kiếm bản chất Người, tìm kiếm cái bên trong của con người. Nó là qúa trình phát triển tự thân của nhận thức và nhu cầu sáng tạo.
Tiếp nhận bốn tập trường ca đã in, người đọc đều thống nhất với nhau ở một nhận định: Dấu ấn riêng trường ca Trần Anh Thái trước tiên là ở những suy tư, lý giải về con người. Đó tuyệt nhiên không phải là con người bước ra từ khúc hoan ca chiến thắng, mang vóc dáng lẫm liệt của sử thi, thần thoại. Nhân vật trong trường ca của anh là những con người bình dị của đồng, của đất, của cuộc khẩn hoang, lấn biển, của nỗi bất hạnh trong chiến tranh. Để rồi từ những phận người cụ thể, bé nhỏ, yếu đuối nơi làng biển nghèo, từ gan ruột, trải nghiệm và đau đáu của chính mình mà nhận Chân, kiếm tìm ý nghĩa cuộc sống. Một nhân vật, một cá nhân được khắc họa với những nỗi đau giằng xé là một câu hỏi, một lời truy vấn về con người, về ý nghĩa  của sự tồn tại, hòng tới gần hơn với bản thể Người.
Chúng ta thường thấy, các tác giả trường ca trước đây hướng về lịch sử bằng cái nhìn sử thi. Trần Anh Thái không theo lối này. Anh dồn hết bút lực vào việc xây dựng cái tôi trữ tình mang đậm cảm hứng đời tư, chứa đựng chiêm nghiệm nhân sinh sâu sắc. Chiến tranh cùng sự hủy diệt đàn áp lên số phận con người, được nói ra bằng ngôn ngữ thơ giàu sức lay động nhất, mang chiều sâu nhân bản: “Xác quân thù, xác bạn gục vào nhau”…
Cấu thành tác phẩm của mình, Trần Anh Thái đã chọn điểm nhìn của người lính kinh qua chiến tranh, gian khổ, chết chóc. Nhưng, cảm nhận về chiến tranh, về cái chết, tác giả không phân biệt, rạch ròi địch/ ta, đồng đội / kẻ thù mà bày tỏ suy tư về sự sống, về tính Người. Điểm nhìn hướng tới tính nhân loại đưa tác phẩm vượt ra khỏi hạn định của thể chế chính trị mà vươn tới chiều sâu nhân bản cao cả.
Vì lí do đó, chúng tôi đưa ra cảm nhận về điểm nhìn khi tiếp nhận trường ca Trần Anh Thái thay cho lí do khai mở vấn đề. Từ điểm nhìn , chúng ta mở ra tác phẩm.
II. Cá nhân phản tỉnh
Hình tượng con người được khắc họa đậm nét và xuyên suốt các tập trường ca của anh là con người độc lập –  những cá nhân tự khai mở, thoát khỏi lối mòn nhận thức. Bằng chính số phận mình cùng hi vọng, nỗi đau, thất vọng, không ngừng tìm kiếm ánh sáng anh minh. Con người trong trường ca Trần Anh Thái nỗ lực không ngừng để tiến gần hơn tới việc xác lập, nhận Chân giá trị của cuộc sống, hòng đi sâu tìm hiểu bản ngã của chính mình. Khảo sát, kiến giải bộ bốn trường ca của Trần Anh Thái gồm: Đổ bóng xuống mặt trời, Trên đường, Ngày đang mở sáng, Mỗi loài hoa một mặt trời cho chúng ta thấy rõ nhất hình ảnh con người cá nhân phản tỉnh cùng thông điệp tác giả truyền tải qua hình ảnh này.
Xét nội hàm văn bản có thể thấy con người cá nhân phản tỉnh trong trường ca Trần Anh Thái được khắc họa với diễn tiến của hành trình nhận thức để tới gần hơn với tính Người.
 Con người đi tìm Chân giá trị
Khái niệm con người cá nhân phản tỉnh mà chúng tôi đưa ra ở đây được hiểu theo nghĩa: con người nhận thức lại các giá trị trong cuộc sống, xác lập lại những căn cốt trước đây anh ta coi như một chuẩn mực, như giá trị thiêng liêng phải được tuân thủ, tôn thờ. Nhưng với sự phát triển ngày càng cao của nhận thức, con người tự giải mã lại những gì đã được xác lập trước đó, phản tỉnh để nhìn nhận đúng bản chất của những hiện tượng mà lâu nay còn nhiều khuất lấp.
Chúng tôi chia sẻ với nhà phê bình Đỗ Minh Tuấn trong bài viết bàn về trường ca rằng: “.. Chúng ta có những trường ca hay, sôi động về chiến tranh cách mạng, nhưng thiếu những trường ca suy tưởng trầm lắng về quá trình khai sáng của dân tộc Việt với những hành trình vượt qua khổ đau, bất hạnh, tối tăm.  Sáng tác của nhà thơ Trần Anh Thái ( cụ thể là bản trường ca Ngày đang mở sáng), không chỉ là bản huyền ca về thân phận cộng đồng trong dòng chảy khốc liệt của lịch sử khai sáng mà còn là bản huyền ca cảm động, ngợi ca niềm khao khát văn minh văn hóa hằng cháy đốt ngàn năm trong thẳm sâu tâm thức Việt”. Cùng  với nhận xét trên, đọc trường ca Trần Anh Thái, không thể không khẳng định rằng chân dung con người cá nhân phản tỉnh được khắc họa rõ nét, mang chiều sâu nhân bản. Đó là những con người đã trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống, bước ra từ trong chiến tranh, sống những ngày đầu tiên nước ta đổi mới, rồi chứng kiến sự phát triển của cuộc sống  vật chất cũng như mặt trái của nó. Họ – những con người đi qua cuộc chiến, trải nghiệm nhiều hi sinh, mất mát đang nhìn lại mình, lí giải chính mình.
Nhận thức về chiến tranh, giải mã ý nghĩa của sự tồn tại, sự sống và cái chết. Bằng ngôn ngữ, hình ảnh thơ, tác giả đã khắc tạc rõ nét hình tượng con người cá nhân dịch chuyển vừa đớn đau, vừa minh triết cùng sự vận động của ánh sáng (ở đây là chiều kích văn minh, văn hóa). Ánh sáng, nỗi đau đớn, thức tỉnh tràn qua bóng tối của thân phận cộng đồng, thứ bóng tối bí ẩn và u uẩn trong đền thiêng, cõi lặng. Nỗi ám ảnh về chiến tranh là âm hưởng chủ đạo, đè nặng lên thân phận cá nhân phản tỉnh. Tất cả nhằm sáng rõ khẳng định rằng: Chiến tranh không phải là sự thúc đẩy tiến trình xã hội. Nói một cách xác đáng nhất thì  chiến tranh chính là mồ chôn cuộc sống.
Nói cá nhân phản tỉnh nhưng anh ta không hiện diện như một cá thể đơn lẻ, dị biệt. Anh ta đại diện cho một thế hệ ở vào thời điểm không thể quên trong dòng chảy của lịch sử dân tộc. Đó là những người lính nông dân ra đi từ làng quê nghèo ven biển. Khối tình cảm nguyên sơ, trong trẻo, đẹp đẽ với con người, với làng quê, với đất nước được họ mang theo trong hành trang nhập ngũ. Nơi chiến trường ác liệt, chứng kiến máu chảy, cái chết, họ nhận  rõ hơn ai hết sự vô nghĩa của chiến tranh. Nhưng, không chỉ có vậy, với một cá nhân trong những năm tháng khốc liệt thì để nhận Chân sự thật là một hành trình nhiều màu sắc mà gam màu trầm buồn chiếm dung lượng áp đảo.
Cá nhân phản tỉnh – anh lính nông dân trước chiến tranh  mang tâm trạng phơi phới lạc quan ra trận. Với con người ấy, dấn thân vào chiến trường là sự xông pha, là nhiệt huyết của tuổi trẻ: “Tuổi mười bảy mộng mơ trích máu cổ tay dạt vào cuộc chiến/ Giấc mơ đi làm Người/ Đất nước như vầng trăng đầu thu ru mình bên biển biếc”. Nhưng, hiện thực bên dưới vầng trăng thu không êm đềm chỉ có “Người đổ sấp/ Mặt bạn tôi bê bết máu chiến hào” .Hiện thực tàn khốc tự kéo theo nó câu hỏi đòi được trả lời chân xác: “Ai hoan ca, ai mỗi ngày gióng lên điệu khèn trên mỗi xác người”.  Hỏi, đáp để tự vấn, tự soát xét: Bao con người, bao số phận bị đẩy tới lò lửa chiến tranh? Không tham chiến, không gián tiếp hay trực tiếp gây ra cái chết cho một đồng loại khác, họ liệu có thể trở về?
Khép lại trang thơ, tự trong chúng ta cùng nảy sinh câu hỏi: Có hay không sự lựa chọn khác trong chiến tranh? Câu hỏi vang lên và được giải đáp ngay sau đó. Chiến tranh là cuộc đấu chỉ có hai con đường,  “chiến tranh không có con đường thứ ba”. Hoặc sống, hoặc chết nên ai cũng cố giành giật sự sống về cho mình. Dù xuất phát điểm khác nhau thì tới lúc này, họ cũng nhận ra  bất luận vì lí do gì thì chiến tranh cũng chỉ mang đến hủy diệt, nhấn chìm thế giới trong trạng huống bi thương “Nhân loại đau buồn trong mọi cuộc chiến tranh”
Nhận thức đó được minh chứng từng giây, từng phút trước cá nhân phản tỉnh. Tham chiến, tận mắt chứng kiến đồng đội hy sinh, chứng kiến cái chết của cả những con người phía bên kia chiến tuyến, nhiệt huyết ngày đầu tòng quân ít nhiều nguôi vợi. “..Bây giờ trung đội về nơi tập kết / Cơn mơ mê sảng/  Có đứa khóc cười / Có đứa gọi nhầm tên đồng đội / Đứa thức ngồi ôm mặt khóc dưới cây. ( Đổ bóng xuống mặt trời)
Sự thay đổi cảm xúc, tâm thế của con người trước và trong chiến tranh được khắc họa thông qua điểm nhìn, qua quá trình nhận thức của người lính trẻ. Đối mặt với thực tế, cá nhân đó đã nhận thức ra nỗi đau mà chiến tranh để lại không chỉ riêng cho mình mà còn cho cả nhân loại là không thể xóa bỏ.. Nó là những vết thương không bao giờ lành đối với những người đã từng sống và chiến đấu trong những tháng ngày đó. Bước ra khỏi chiến tranh, con người cá nhân không thể trở về vẹn nguyên. Độ lùi của thời gian, trả giá của hi sinh, mất mát càng giúp anh ta nhìn nhận rõ mình hơn.
“Ngày ấy chúng ta đi ước vọng tràn trề/ Khát tự do như người khát khô trên sa mạc/ Tuổi mười bảy mơ hồ trung thực/ Ước một khoảng trời bình yên che chở mẹ ta/ Bông cúc dại cánh đồng ngày ấy nở vàng hoa/ Tia nắng nhẹ miên man hương đất/ Chúng ta đi trong tình yêu niềm hoan ca có thật/ Không do dự chần chừ không toan tính/ Số phận nhọc nhằn năm tháng thương đau”
Nếm trải mất mát, khốc liệt của chiến tranh. Nhân sinh quan nơi con người cá nhân mở rộng khỏi biên giới ta – địch. Máu đổ, cái chết, những con người hai bên chiến tuyến đối diện với nhau, với chính mình, nghĩa là đối diện với quan hệ sống – chết của con người  với con người. Chính trong ứng xử với thế giới đồng đẳng ( người với người) này, cá nhân phản tỉnh được nghĩ, được nói tiếng nói của mình – tiếng nói của bản ngã, của tính Người không vụ lợi, toan tính.
Đối diện với thân phận cá nhân, trường ca Trần Anh Thái vì thế không là bài ca hân hoan với chiến thắng, không là trang văn đanh thép, lên án, hằn thù mang danh giai cấp, lợi ích. Trên tất cả, nó là nỗi truy vấn, lí giải về sự vô nghĩa  của chiến tranh – thảm họa do chính con người gieo giắc lên cuộc sống của mình mà chưa hề có dấu hiệu thuyên giảm. Nhiều câu thơ, đoạn thơ xuất thần như những lời thì thầm từ vô thức chất chứa bao đớn đau.
“Cái chết/ Bom vùi lấp mặt/ Mặt trời lấp mặt/ Xác quân thù xác bạn gục vào nhau” “ Tôi nghe lạnh giữa hai bờ cuộc chiến/ Cái chết xếp hàng cái chết tiễn đưa nhau” “ Kẻ thất trận dưới chân đồi lê bước/ Kéo hoàng hôn rã rời/ Kẻ thắng trận hai tay ôm mặt khóc/ Nước mắt tạc vào gió thổi ngàn sau”…
Dù kẻ chiến thắng hay kẻ thất trận, tạm ngưng tiếng súng, nơi chiến trường khốc liệt, họ hơn ai hết cảm nhận sâu sắc về sự tối nghĩa của chiến tranh, về thương tích chiến tranh “ tạc vào gió thổi ngàn sau”
Hòa bình, trở lại làng quê nơi mình đã ra đi, người lính không tìm về được chốn bình yên, xoa dịu. Trái lại, anh ta chạm vào muôn tầng đớn đau khác:
Hàng xóm khăn tang đứng nép góc đường
 Hàng xóm mái nhà sương rơi ướt đẫm / Bão không về sao áo gối nhàu ra/  Hoa vô cớ rụng giữa ngày chẳng gió?Trăng sáng chi vằng vặc chỗ không người ? Giấc ngủ tôi quay vào bóng tối/ Những chiếc gai đinh găm phía đầu giường…
Ngay trong ngày trở về cùng tiếng khèn chiến thắng, người lính gặp  không khí tang tóc bao trùm làng xóm. Nỗi đau chồng lấp nỗi đau. Không khí tang tóc nơi làng quê yêu dấu khác nào không khí , cảnh tượng nơi chiến trường họ đã chứng kiến. (Nhập nhoạng người / Nhập nhoạng trắng / Những thân hình bó trắng / xác  chết chồng xác chết đợi ngày mai ) – Ngày đang mở sáng –
Không phải là cái nhìn tự vấn của những cựu binh sau cuộc chiến, càng không phải bản nhạc trong dàn thanh âm của lời kêu gọi xóa nhòa mọi thù hận. Cao hơn tất cả, nó là sự trưởng thành của cái tôi phản tỉnh, của tư duy thi ca tuân theo sự dẫn dắt của chiều sâu nhân bản. Người lính, cá nhân trong bản trường ca không mơ hồ về sứ mệnh của chính mình trong cuộc chiến. Anh ta hiểu một cách sâu sắc rằng “chiến tranh không có con đường thứ ba”. Trước sinh mệnh cá nhân, mọi cuộc chiến đều trở nên vô nghĩa.
Ở một khía cạnh khác, tiếp nhận tác phẩm trường ca Trần Anh Thái, người đọc còn nhận ra tinh thần giải thiêng. Giải thiêng là để nhận thức lại một qui luật phổ biến và là một việc làm đương nhiên của mọi thời đại dựa trên cơ sở lịch sử xã hội… Xuyên suốt bốn tập trường ca, tinh thần này vang lên, bật ra từ cõi thẳm sâu trong tâm hồn nhà thơ: “ Làng trước biển sóng rền bão tố/ Người đứng lên đổ bóng xuống mặt trời” “ Không có vùng sáng nào độc quyền/ Chúng ta bị dối lừa trong lời tụng ca rối rắm, giấc mơ vấy đục/ Gã hề lăng xăng sàn diễn u mê “ Không ai độc chiếm hào quang/ Những sinh linh bé bỏng yếu mềm dựng lên gương mặt trần gian/ Chúng ta bước lên kiêu hãnh” “Những ảo vọng cuồng mê ý chí uy quyền?/ Gió than thở cây rừng vật vã/ Về cái chết sinh linh những người vô tội/ Tên họ cao hơn mọi tôn giáo lễ nghi!” “ Hãy cởi bỏ áo khăn màu mè niềm tin giả dối/ Và thắp sáng tình yêu thuần khiết con Người”…
Tinh thần giải thiêng được cảm nhận ở đây không phải được tác giả chủ định triển khai hòng tạo hiệu ứng lạ hóa cho tác phẩm. Cùng với sự vận động mang tính logic trong tư duy, cá nhân phản tỉnh không tìm được câu trả lời có ý nghĩa cho sự tồn tại của chính mình. Sự thôi thúc, khao khát kiếm tìm ý nghĩa cuộc sống khiến anh ta hướng sự vận động tư duy ra phía ngoài mình, hướng tới mối quan hệ với thế giới siêu đẳng ( con người với thế giới tâm linh, thần thánh). Vì thế mà liên tiếp các câu hỏi nảy sinh.
“Phật ở đâu gương mặt xanh xao đứa bé đánh giày”/ “Phật ở đâu giữa cõi chúng sinh/ Nơi cuộc sống lầm than chua xót”
Câu hỏi vang lên đầy nhức nhối, Phật ở đâu? Đấng linh thiêng tối cao ở đâu khi những con người lầm than cơ cực kia đang phải chịu đói rét đau khổ, khi mà họ cần được người chở che bao bọc nhất. Hỏi để khẳng định: Phật không ở đâu khác, không phải ở tàn hương khói tỏa, cũng không phải ở đỉnh trời xa hút, Phật ở  ngay trong ta, ở chính mỗi con người. “Phật ở đây tàn hương khói tỏa mờ/ Trên pho tượng đỉnh trời xa hút/ Phật ở đôi mắt người trong suốt/ Người ở trong ta ta ở trong người”
Tinh thần giải thiêng nảy sinh nhằm mục đích gì? Câu hỏi đưa chúng ta vòng trở lại các bản trường ca. Cùng với sự phát triển tư duy của cá nhân phản tỉnh, hình ảnh độc giả bắt gặp nhiều hơn cả chính là hình ảnh về một con đường. Khảo sát riêng tác phẩm Ngày đang mở sáng, chúng ta đã bắt gặp hình ảnh: con đường không tên ; con đường ký ức ; con đường kiệt sức ; con đường đêm tối ; con đường mất dấu ; con đường đầy bất trắc ; con đường nhọc nhằn gai bụi ; đường quành quèo dốc đứng ;  máu khô đường mòn….vv
Có thể nói, cùng với suy nghiệm về con người, cá nhân phản tỉnh đi tìm Chân giá trị. Tất cả theo cảm hứng tìm kiếm con đường mới, đợi chờ ánh sáng khi bản thân cá nhân đó từng có lúc sa lầy trong  tăm tối, hẫng hụt, đau đớn thể xác, tinh thần đã giúp sáng tác của Trần Anh Thái trở nên khác biệt. Toàn bộ trường ca của trần Anh Thái, nói theo cách nói của Đỗ Minh Tuấn chính là dòng cảm hứng, dòng ý thức truy nguyên, băng qua đầm lầy kí ức của cộng đồng để khai phá một lối đi tâm linh cho sự tái hiện lịch sử cộng đồng qua tâm trạng cá nhân. Hiện thực tàn khốc cùng vùng văn hóa tâm linh khiến trường ca Trần Anh Thái mang nhiều dư vang.
Con người giải mã chính mình
Truy nguyên nguồn cội và giải mã chính mình là đặc điểm của cá nhân phản tỉnh. Các nhân vật trữ tình trong bốn trường ca này cũng không ngoại lệ. Bằng chính cuộc sống, âu lo và mất mát, không ngừng đi tìm lại mình, giải mã chính mình. Vì thế, trong trường ca Trần Anh Thái, bên cạnh thế giới hiện thực được tái hiện theo chiều dài lịch sử của buổi dựng làng, tiến biển, mở đất rồi chiến tranh, loạn lạc còn một thế giới khác của tâm tưởng. Ứng xử của con người với thế giới  siêu nhiên được khắc họa, mang theo nó những ẩn dụ sâu xa. Những cá nhân – nhân vật trữ tình đặc biệt đi sâu, tìm về bản thể.
Càng tìm kiếm, càng lý giải thì càng đưa con người cá nhân trở về với hiện thực. Toàn bộ tinh thần của anh ta vì thế mà đi sâu vào từng ngóc ngách nỗi đau, nhu cầu hạnh phúc của mỗi cá nhân. Đó là nỗi đau của người cha, người mẹ khi mất đi những đứa con thân yêu nhất của mình: “Mẹ như chiếc áo nhàu rơm/ Cha không còn sức đưa em về nghĩa trang dòng họ/ Mẹ mấy năm liền nước mắt gối đêm”.    Hiện thực và huyền ảo là hai yếu tố tương hỗ nhau trong trường ca Trần Anh Thái. Cảm quan về lịch sử, về những suy nghiệm cuộc sống con người  đã trở thành đặc điểm cuốn hút trong sáng tác của anh.
Vây bủa con người cá nhân là nỗi đau. Nỗi đau sinh ra từ chiến tranh, đeo bám anh ta cả khi hòa bình. Buông cây súng nhưng không thể  buông bỏ nỗi ám ảnh về nó. Với thương tổn tinh thần, người lính sau chiến tranh đối diện với mặt trận khác. Mặt trận của những mưu sinh tủn mủn, với nỗi lo lắng cơm áo gạo tiền:  “Con thơ đói sữa/ Nắn túi quay đi/ Ròng ròng nước mắt/ Bầu trời cong hình một lưỡi câu”/ Nỗi đau ấy chỉ biết giấu vào đêm:“Hòa bình lánh mặt / Nước mắt giấu đêm”
Chủ thể nhận thức với chồng chất cô đơn, với tâm trạng hoài nghi, hoang mang, bất an, mộng mị, càng cố minh định những bí ẩn của cuộc sống quanh mình thì càng rơi vào bế tắc. Nhưng, cá nhân đó không ngừng đối thoại, không ngừng kiếm tìm ánh sáng của cuộc sống – thứ ánh sáng đưa anh ta tới gần hơn với tính nhân loại, tính Người. Vì thế mà trong khoảng sinh hữu hạn của mình, cá nhân ấy đã không hoài, không uổng phí. Ý nghĩa của sự nhận Chân phải trả giá bằng mất mát, tổn thương, hy sinh nằm ở chỗ : Bằng vào nhận thức, vượt lên nỗi đau, cá nhân phản tỉnh đã nỗ lực để có thể chạm tay vào vùng sáng anh minh của chiều sâu nhân bản. Thứ ánh sáng giúp họ tự đưa mình ra hỏi bóng tối hoang hoải, thâm u.
Nỗi buồn, sự cô đơn là cảm xúc chủ đạo nơi cá nhân phản tỉnh. Nhưng, nỗi buồn ấy, sự cô đơn ấy không chỉ là nỗi niềm khép kín của nhân vật trong bản trường ca. Nó được mở rộng về phía nhân loại nói chung trên hành trình khám phá chính mình. Ánh sáng thuần khiết của chiều sâu nhân bản không lụi tắt, ngay cả khi đối diện với sự thật : “ Không có gì là tôi nơi đây, không có gì thuộc về tôi ở thế giới này…”  
Hành trình nhận thức của cá nhân phản tỉnh cũng chính là sự mới mẻ về nhận thức, lý giải con người trong các trường ca của Trần Anh Thái. Nó được coi là điểm dấu mốc, là nét gạch đầu tiên, đặt nền móng cho sự chuyển mình, đổi mới của thể loại trường ca khi đi sâu khai thác những tầng ẩn sâu trong đời sống con người. Tiếp nhận trường ca Trần Anh Thái vì thế người đọc không nhất thiết phải bám vào tác phẩm theo mạch chuyện từ đầu chí  cuối. Mở ra một trang sách, hòa nhập vào thế giới ưu tư của cá nhân phản tỉnh ở bất kì cung đoạn nào trên hành trình nhận thức về chiến tranh, bạn cũng gặp những tư tưởng mang giá trị căn cốt.
Con người giải mã cuộc sống
Cùng với nhu cầu giải mã chính mình đã nảy sinh nhu cầu tìm hiểu, lí giải, nhận thức cuộc sống xung quanh. Con người cá nhân đó đã thấy gì sau hào quang thắng trận? Ngoài nỗi đau, thương tích của chính mình, anh ta còn chứng kiến nỗi đau của những chị, những mẹ nơi hậu phương đã im tiếng súng: “Má Mừng về quê cũ/ Nhà không đất không/ Cánh đồng ẩn đầy bất trắc/ Sông Vệ nhòa nhòa sương/ Gương mặt chồng và năm đứa con/Tàn nhang rơi lạnh”.
Nỗi ám ảnh của chiến trang hiện hữu trong đời sống thực và không buông tha cá nhân phản tỉnh dù anh ta ở chiều kích nào của không gian, thời gian. Nó ám ảnh, giày vò trong cả những giấc mơ: “Đêm mơ/ Người lính Bắc năm xưa chập chờn xanh rớt/ Chị bóc hộp đường phèn/ Cổ khô nấc nghẹn/ Anh vẫy tay bước đi/ Rất xa…/Rất xa…/Rất xa…”
Giấc mơ trở đi trở lại trong các bản trường ca. Giấc mơ nâng đỡ, nuôi dưỡng đời sống tinh thần của cá nhân phản tỉnh. Nó không chỉ điểm mặt, gọi tên nỗi ám ảnh thường trực trong đời sống tinh thần. Nó còn hiển lộ kỳ vọng. Vì thế mà dù xuất hiện trong cõi ảo mộng, nó vẫn khắc họa rõ nét hình ảnh mang tính biểu tượng của tiềm thức. Chính nó, cái giấc mơ đẹp đẽ, cái giấc mơ đau đớn, đầy ám ảnh lại là sợi dây bền vững đưa cá nhân đó tới tự do. Tự do được hiểu theo nghĩa xác lập ý nghĩa của sự tồn tại, sự sống. Chính nó giúp cho con người không chai lì, trơ đá khi đối diện với hiện thực mưu sinh, với nhân tình thế thái muôn màu, nhiều góc khuất: “ Tôi phóng túng thả những con tàu cất giấu trong mơ / Bay mãi mãi về phía mặt trời bí ẩn.”
Chiến tranh lùi xa, sống trong thời bình, nghĩ về chiến tranh, cá nhân phản tỉnh nhìn đâu cũng thấy những ẩn ức tinh thần: “.. Người ta mua hương hoa viếng người thân trong nghĩa trang liệt sĩ / Nén nhang chị thắp trời không..”
Nếm trải nỗi đau của mình, của người, con người cá nhân với thân thể, trái tim mang đầy thương tích, bước lơ ngơ trong cuộc hòa nhập vào cuộc sống thường. Với thương tích găm sâu ấy, anh ta vẫn phải tồn tại, vẫn phải tiếp tục bước vào cuộc chiến hòa nhập để sống, để mưu cầu hạnh phúc. Nhưng, cuộc chiến không tiếng súng xem ra không hề dễ dàng, đơn giản: “Bán buôn lóng ngóng/ Cơm bữa ăn đong/ Ao vườn ruộng sản/ Đóng khung giữa trời” (Ngày đang mở sáng)
Chứng kiến sự đổi thay của xã hội, lóng ngóng hòa nhập với nó và chua chát nhận ra sự phụ thuộc, bất lực của con người trước sức mạnh của đồng tiền. Tiền làm nên công lí, tiền làm nên quyền uy cho con người. Không chỉ vậy, tiền còn làm khuấy đảo cả cõi tâm linh. Tiền trở thành thứ quyền uy vạn năng: “Tiền u uẩn cõi người tiền tàng hình trong công đường nhà sếp/ Tiền chen chân tinh quái chiếc ghế bọc nhung/ Đồng tiền uốn gập lưng trước uy quyền ngông ngạo/ Tiền ẩn giữa giọng người tiền hóa âm thanh ngữ điệu/ Tiền khuấy động tâm linh phủ mờ tượng Phật/ Tiền trò chơi dơ bẩn nhóm, phe…” (Mỗi loài hoa một mặt trời)
Tồn tại, mưu sinh, đối diện với các mối quan hệ, anh ta gặm nhấm sự bất ngờ, đau đớn khi đồng tiền làm tha hóa nhân cách của con người. Một người đau ốm, với những “đồng tiền rách rưới tựa vào nhau” được đưa vào viện chẳng ai đoái hoài. Địa phận của từ đức, cứu người chỉ có “gương mặt lạnh/ Tiếng la hét và lời nguyền rủa”   Nét phác họa mảnh, nhỏ đã hoàn tất nhiệm vụ của nó khi biểu đạt suy cảm của cá nhân phản tỉnh trong cuộc sống sau chiến tranh.
Trong hành trình phát triển nhận thức, băng qua chuỗi ký ức tràn ngập bóng tối của thân phận cộng đồng, một cách tự nhiên nhất, con người với thân thể và trái tim mang nhiều thương tich ấy vẫn cảm nhận được thật rõ ràng “sự sống sinh ra sau cái chết già/ Không có đại lộ trần gian/Không có bữa tiệc nào dọn sẵn/ Ánh sáng nâng niu qua nỗi khổ đau”
Xây dựng hình ảnh cá nhân phản tỉnh đau đáu nỗi niềm chiến tranh, đau đáu nỗi niềm trước sự vô cảm của con người trong đời sống kinh tế thị trường là sự chảy trôi cảm xúc, sự thúc đẩy quá trình nhận thức của nhân vật mà trong bản trường ca và trong chính tư duy người sáng tác.. Nhân vật trong  trường ca Trần Anh Thái vì thế nhiều khi hoang mang, vô vọng trước  việc kiếm tìm hạnh phúc cũng như xác lập ý nghĩa của sự tồn tại, sự sống “ Hạnh phúc thật con người? / Mơ hồ đêm tối ..” ( Ngày đang mở sáng).
Nhưng, dù có lạc lõng, bơ vơ, chìm trong đêm tối mơ hồ thì cá nhân ấy vẫn nỗ lực không ngừng hòng đi tới miền ánh sáng . Ở tận cùng đớn đau, anh ta không ngừng tự đưa ra khuyến dụ minh triết dành cho chính mình: “Hãy bước ra con ơi!/ Biển trước  mặt con tàu đi vô hạn/ Sấm sét giông rền sóng ngầm lốc xoáy/ Thì con ơi!Có thể tàu con sẽ lẫn trong đêm tối/ Nhưng  hãy tin ở cánh tay mình và chớ  ngả nghiêng cần lái…/ Ở nơi tận cùng ánh sáng hừng lên” (Mỗi loài hoa một mặt trời)
Khắc họa chân dung cá nhân phản tỉnh, mang sự vận động mạnh khỏe trong ý thức, hướng tới giá trị nhân bản  bằng cái nhìn siêu thoát, chính là mấu chốt làm nên thành công của trường ca Trần Anh Thái cũng như dấu ấn sáng tạo riêng anh.
III. Dấu ấn riêng của trường ca Trần Anh Thái
Trải nghiệm với tạp văn, truyện ngắn , tiểu thuyết…vv trước khi đến với trường ca.. Hành trình sáng tác của Trần Anh Thái cũng chính là hành trình kiếm tìm và khai  mở chính mình. Với anh, viết là đi về phía Con Người. Là Trên đường đi vào cùng tận cõi lòng, chiều sâu thân phận Con Người. Người nghệ sĩ trong hành trình sáng tác đi tìm lời giải đáp về ý nghĩa của cuộc sống là điều không mới mẻ. Cũng đi tìm ý nghĩa  của sự tồn tại, của con người trong thế giới của các mối quan hệ, nhưng Trần Anh Thái trong các bản trường ca không phát triển mạch cảm xúc theo các thân phận để từ đó khắc họa, ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất thuộc về tính Người. Con người phản tỉnh trong trường ca Trần Anh Thái không chăm chăm nương vào các sự kiện lớn hòng đưa ra một phát ngôn đại diện cho lớp người thuộc cùng thế hệ, cậy vào thực tế mà mình đã kinh qua.
Sự khác  biệt nằm ở chỗ nhà thơ trong cách nhìn, cách đánh giá, lý giải về con người, về lịch sử luôn đặt cán cân đối trọng ở cả hai phương diện: con người cá nhân – con người nhân loại. Nhờ thế mà tiếp nhận nó, người đọc nhận ra tính phổ quát thuộc về Con Người. Bi kịch cá nhân song hành cùng bi kịch lịch sử. Thông qua số phận của người lính, của con người cụ thể với thân phận nhỏ nhoi nơi làng biển Đồng Châu là bóng hình của thời đại, của nhân loại trong hành trình sinh tồn, không ngừng vận động từ tăm tối tới ánh sáng của hi vọng, của tự do, của sự sống. Nói một cách rõ ràng thì trong các sáng tác của mình, Trần Anh Thái luôn hướng tri thức của ngòi bút về việc giải mã tính Người. Vì lẽ đó, mọi mưu toan tiếp nhận thơ ca bằng cách đưa về các khái niệm hiện thực, nhân đạo hay yêu nước một cách thuần túy đều dẫn đến những kiến giải sai khác.
Thơ trường thiên vẫn được người sáng tác hiểu với tư  cách của một thể loại tổng hợp, trữ tình – tự sự hoành tráng. Trường ca Trần Anh Thái có theo lối này? Ghi nhận đóng góp của Trần Anh Thái cho thể loại trường ca, chúng ta có thể chỉ ra rất rõ những dấu ấn cụ thể ở cả hai phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật.
Đổi mới về nghệ thuật:
Vượt ra khỏi khuôn mẫu, hạn định chật hẹp, trường ca “Đổ bóng xuống mặt trời”,  “Trên Đường”,  “Ngày đang mở sáng” hay “ Mỗi loài hoa một mặt trời “ đều được thể hiện tổng hợp của nhiều hình thức diễn đạt khác nhau. Khi thì là câu thơ, khi là một giấc mơ, khi là một đoạn văn xuôi, khi là những đoạn đối thoại ngắn như một đoạn đối thoại của kịch. Nghĩa là, một cách thể hiện đa thanh, đa sắc.
Người đọc, bằng nội hàm văn bản, có thể thâu tóm trình tự thời gian được triển khai trong trường ca Trần Anh Thái theo diễn tiến của bố cục trước, trong và sau chiến tranh. Nhưng, thời gian tuyến tính đó không nương bám vào các biến cố trọng đại, nó nương bám vào dòng kí ức. Ở đây là những kí ức của đời thường với những nỗi niềm rất nhân bản mà chính anh đã tham gia. Cái kí ức rớm máu trong trái tim người đang chịu đựng nó. Vì thế, chiều dài, bề sâu của bản trường ca là chiều dài và bề sâu tâm trạng, tư duy mang đầy tính phản tỉnh. Phản tỉnh để thức tỉnh, để tránh cho chính mình không rơi vào hào quang vô cảm: “.. Vô cảm tiếng cười, vô cảm ánh nhìn nhau…”
Như vậy, đóng góp mới về mặt nghệ thuật của trường ca Trần Anh Thái nằm ở chỗ:  Trường ca cũ thường viết theo kiểu kể và tả câu chuyện có đầu cuối, lớp lang, chú trọng vào yếu tố tự sự, trong đó có sự kết hợp nhiều thể loại thơ truyền thống như lục bát, ngũ ngôn, thơ bốn câu…
Trong các trường ca của Trần Anh Thái,  người đọc có thể dễ dàng nhận thấy rất rõ lối viết chủ yếu dựa vào tri giác với những trải nghiệm của chính cá nhân tác giả cùng những tưởng tượng và ký ức… Các trường ca của anh chối từ cách kể câu chuyện theo kiểu lớp lang rù rì cùng các biến cố lịch sử trọng đại. Cấu trúc trường ca của anh thường đan xen giữa hiện thực và huyền ảo, giữa hiện tại và quá khứ, không tuân theo một khuôn khổ có sẵn.
Đọc trường ca Trần Anh Thái (tác phẩm Ngày đang mở sáng), PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp đã nhận xét xác đáng: “… Đóng góp thực sự của Trần Anh Thái đối với thể loại trường ca nằm trong cách tổ chức cấu trúc bề sâu. Nhà thơ như loại bỏ hầu hết các yếu tố kể, tả để ưu tiên cho tâm trạng dẫn đường. Đến với Ngày đang mở sáng, người đọc bị dẫn dụ vào một thế giới đầy khắc khoải, nhiều lúc thâm u…… Ngôn ngữ thơ Trần Anh Thái được chọn lọc kĩ càng nhưng vẫn hết sức tự nhiên bởi đó là những con chữ chân thực nhất của một trái tim nhạy cảm đầy suy tư. Trước Trần Anh Thái, các tác giả khác như Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo… cũng có những đoạn miêu tả tâm trạng sâu sắc. Tuy nhiên, trong Đường tới thành phố hay Mặt đường khát vọng… tâm trạng thường gắn liền với sự kiện. Còn trong Ngày đang mở sáng, Trần Anh Thái đã lấy tâm trạng để miêu tả tâm trạng”.
Với cả bốn tác phẩm của mình, Trần Anh Thái sử dụng duy nhất là thể thơ tự do, đồng thời đan xen nhiều đoạn thơ văn xuôi, nhiều đoạn độc thoại, đối thoại, thậm chí là những đoạn đối thoại như kịch, nhưng cuốn hút, không nhàm chán do có cách viết , cách thể hiện thơ tự do và thơ văn xuôi hiệu quả, tạo ấn tượng mạnh. Về ngôn ngữ, Trần Anh Thái đã sử dụng biện pháp phá vỡ cấu trúc ngữ pháp của tiếng Việt, nhằm tạo hiệu quả cảm xúc cao : Ngọn lửa xa xôi đôi mắt con thơ/ Người tựa vào đôi mắt ấy dò tìm / Run rẩy vịn qua tháng năm gầy mòn yếu ớt  (Ngày đang mở sáng)
Đọc trường ca Trần Anh Thái, chúng ta đều thấy rất rõ  sự khổ công tìm tòi về ngôn ngữ khiến cho những hình ảnh thơ vừa mới thoáng ngân lên đã lưu bám trong tâm trí độc giả. Xin được đưa ra hình ảnh “ nụ cười bươm tả” làm dẫn chứng cho nhận định này. Theo phân tích của tác giả Kiều Nga  thì: “Trần Anh Thái đã ghép hai tính từ “rách bươm” và “tơi tả” để tạo nên tính từ kép “bươm tả”. Bản thân “rách bươm” và “tơi tả”, nếu đứng độc lập đã gợi hình ảnh đến gai người, đến kinh ngạc. Nó làm cho người ta liên tưởng tới sự nghèo hèn, khổ hạnh, tan tác và tuyệt vọng: đôi khi chỉ cần nghe qua đã thấy nổi da gà, xa xót về một nỗi niềm đau thương mất mát. Từ ghép “Bươm tả” kết hợp ghép từ, ghép nghĩa thì  nó đã cho người đọc một mỹ cảm mới. Nó không chỉ là sự khổ công trong sáng tạo nghệ thuật, thái độ không chịu chấp nhận thói quen nhàm cũ mà giá trị thực sự của văn học còn là khả năng làm ra cái mới, cái chưa ai làm. Ở đây cụm từ “Bươm tả” đã cho người đọc một thay đổi, trong cách tiếp xúc với những loại văn bản có nhiều dụng công tìm tòi, một cách hiểu mới về nghĩa của từ”.
Đổi mới về nội dung:
Chiến tranh và những hệ lụy luôn ám ảnh và chi phối trong các sáng tác của Trần Anh Thái. Viết về chiến tranh, các tác giả trước anh thường bày tỏ niềm hân hoan, kiêu hãnh và đôi khi là sự háo hức, lạc quan quá đà của người ra trận chỉ biết có xông tới và chiến thắng. Nhân vật trong trường ca Trần Anh Thái khi là những con người cụ thể, khi là những con người vô danh. Người lính trong “Đổ bóng xuống mặt trời” khi trở về sau chiến tranh không là những khúc hoan ca mà là “ Giấc ngủ tôi quay vào bóng tối/ Những chiếc gai đinh găm phía đầu giường/Có gì đó như đang vỡ/ Tiếng bom rơi xé rít chân trời… Là người em gái khóc đẫm tà nước mắt, là hàng xóm khăn tang đứng nép góc đường. Là ngọn đèn kỳ vặn nhỏ và câu chuyện rầm rì của người làng. Là người chị héo hon đi tìm hài cốt chồng, là giỗ tết đi mua hương hoa về thắp trời không vì không biết ngày tháng anh hy sinh. Là ông Hác thương binh ba lần sinh con ra đều chết yểu. Tấm huy chương của ông Tạng cất vào ba lô thi thoảng lấy ra xem như người ngớ ngẩn, sống dở chết dở, điên khùng…Ngay cả trong tập trường ca có tên gọi chứa đầy niềm hân hoan là “Ngày đang mở sáng”, tác giả đã không chỉ viết về những con người ở “ Phía bên này cuộc chiến” mà còn viết cả những nhân vật ở “ Phía bên kia cuộc chiến”. Viết về thân phận họ, về cái chết của họ và những nỗi bất hạnh, mất mát, đau thương mà những người thân yêu của họ phải gánh chịu. Điều này cho thấy, tính Người trong trường ca Trần Anh Thái  luôn hướng đến giá trị nhân bản, tuyệt không phải là một khái niệm cao siêu, trừu tượng.
Các tác giả trường ca trước đây rất ít viết về những người “ bên kia cuộc chiến”… Nếu có thì dứt khoát là “Ta tốt địch xấu” một mô típ khá quen thuộc, một chiều… Hướng đến ứng xử nhân bản của con người với nhau, trong các sáng tác của Trần Anh Thái, vì thế, hướng tới sự tôn vinh những con người giản dị bình thường. Cá nhân phản tỉnh đi tìm chân giá trị, giải mã chính mình và giải mã cuộc sống. Anh ta bắt đầu từ không gian đầu tiên mà mình xuất hiện – không gian làng. Không gian làng cùng hành trình đi tìm Chân giá trị, giải mã chính mình và giải mã cuộc sống nơi cá nhân phản tỉnh khiến sáng tác của Trần Anh Thái vì thế không là những khúc hoan ca, không là những lời hô hào, khoa trương nhân danh cộng đồng ở khía  cạnh chung chung. Đi sâu vào chiều tâm linh, tìm kiếm bản thể, tìm kiếm cõi Người. Nhân vật trữ tình đối thoại với chính mình , với sinh tử để nhận ra sự chua xót của hiện thực chiến tranh tàn khốc: “Những cái chết mơ hồ/ Những cái chết chẳng thể nào cất lên tiếng nói/ Những cái chết muôn đời thua cuộc/ Trong trò chơi tạo hóa đặt bày (Mỗi loài hoa một mặt trời)…
Bằng các sáng tác, nhà thơ Trần Anh Thái đã tuân thủ tuyên ngôn nghệ thuật mà mình đặt ra và lấy nó làm kim chỉ  nam cho hoạt động sáng tạo:  Trường ca  là tiếng nói của chủ thể, của tự do thuần khiết, của bản chất Người chứ không phải là tiếng nói của một phía. Ở đây con người hiện diện và được nhìn nhận, soi chiếu dưới rất nhiều góc nhìn khác nhau chứ không phải con người chỉ được phác họa từ một điểm nhìn duy nhất…. Kết luận về dấu ấn riêng của trường ca Trần Anh Thái có thể gói trong nhận định rằng: Nhân vật trữ tình trong các bản trường ca trước Trần Anh Thái, là những con người bình thường được tôi luyện trong chiến công, kỳ tích phi thường mà trở thành Thánh nhân. Nhân vật trữ tình trong trường ca Trần Anh Thái là những con người bình thường trải nghiệm trong đớn đau, trong luồng ánh sáng tự do trong suốt để trở về với con người bản thể…
IV. Khi sáng tác chạm tới cõi Người
Đọc bộ bốn trường ca, người đọc đều  cảm nhận rất rõ cảm hứng chủ đạo chính là cảm hứng Trên đường, là khát vọng kếm tìm và khai mở. Song song với tâm thế kiếm tìm, khai mở của nhân vật trữ tình – cá nhân phản tỉnh là tâm thế của chính tác giả. Cùng chung nhận định với chúng tôi, nhà thơ Dương Kiều Minh từng khẳng định: Bắt đầu từ khát vọng ra đi tìm kiếm nguồn cội, chân lý đến sự bừng thức. Tất cả được xây dựng với tâm thế an nhiên, tự tại. Rồi từ đó, cảm hứng trường ca đột nhiên vút lên, bứt khỏi những riêng tư, đời thường, hữu hạn để vươn tới cái tuyệt đối, vĩnh hằng. Tâm thế Trên đường là tâm thế có tính đại diện chung cho con người trên hành trình tìm về bản thể, giải đáp những câu hỏi về số phận, về cuộc đời. Mạch tự sự vì thế cũng trở nên gọn gàng, thoáng đãng hơn, đem tới cho người đọc một cảm giác nhẹ nhõm. Đấy là cái nhẹ nhõm của xúc cảm siêu thoát, ở giây phút đốn ngộ chân lý sau hành trình nỗ lực đi và kiếm tìm.
Nói về thể loại trường ca mà mình đã lựa chọn như một sự phù hợp với tạng tính sáng tác, nhà thơ Trần Anh Thái chia sẻ: Trường ca Việt Nam từ Đẻ đất đẻ nước cho tới nay vẫn là một dòng chảy kéo dài không ngưng nghỉ. Và tôi nghĩ, con đường của nó sẽ là vô tận vô cùng, không có dấu hiệu ngưng nghỉ và mãi mãi không ngưng nghỉ, bởi khi con người còn tồn tại thì thơ ca – trường ca còn tồn tại. Chỉ có sự khác nhau trong  cách thể hiện, bởi thời đại khác đi đương nhiên hình thức và nội dung cũng khác đi, nhưng bản chất thì bất di bất dịch: Đó là hướng tới đời sống tinh thần thuần túy của con người.
Đi vào chính mình, tìm kiếm bản ngã trong nỗi ám ảnh về con người chính là yếu tố làm nên diện mạo thi ca Trần Anh Thái. Nói như tiến sĩ Đỗ Thu Thủy thì: …Từ trước tới nay chưa có trường ca nào nỗi day dứt về con người lại ám ảnh thường trực như trong các trường ca của anh. Từ những thân phận bé nhỏ, cụ thể, yếu đuối, lam lũ trong hành trình dựng làng, khởi đất (Đổ bóng xuống mặt trời) đến những số phận, cuộc đời trong hành trình kiếm tìm và giải mã về số phận người lúc Trên đường, cho tới những con người đang hướng về Ngày đang mở sáng, với những dáng vẻ khác nhau… thảy đều hướng tới cõi Người. Có thể thấy ở những trường ca này, những bi kịch cá nhân luôn tồn tại song hành cùng bi kịch lịch sử. Thông qua những số phận ấy, người ta thấy hiện lên dáng vẻ, bóng hình của dân tộc, của thời đại, của nhân loại nói chung trong hành trình tồn sinh và không ngừng khai sáng.
Khắc họa rõ nét chân dung con người cá nhân phản tỉnh với nhiều nỗi niềm, ưu tư về mình, về giá trị của cuộc sống, mà trên hết là tính nhân văn cao cả với nghệ thuật nhiều tìm tòi, đổi mới là những gì chúng ta ghi nhận ở trường ca Trần Anh Thái. Nhưng, khổ công tìm tòi, đổi mới không hẳn là đích đến cao nhất. Trong một trao đổi về thơ, Trần Anh Thái bày tỏ: “… Với tôi, tự do thuần khiết chính là bản chất của thơ… Chúng ta sinh ra và lầm lũi đi trên con đường có niềm vui sướng tận cùng và nỗi đau khổ lắng sâu. Chúng ta bị cuộc sống ép buộc. Trên con đường ấy, đôi khi ta bắt gặp một vài mảnh vỡ của Thiên đường nhưng ngay sau đó lại là vực thẳm. Chúng ta càng đi càng bước vào mê cung lầm lẫn nhiều khổ đau và không ít khi tuyệt vọng. Chính trong những khoảnh khắc hạnh phúc tận cùng và nỗi đau khổ tận cùng ta có được sự tĩnh tâm. Chỉ ở trạng thái này ta có được tự do thuần khiết. Khi bạn nhìn bầu trời vào một sáng mùa thu trong suốt không một gợn mây, bạn sẽ thấy bầu trời sâu và cao như nó vốn có, nhưng nếu bạn nhìn bầu trời vào một ngày có nhiều mây, bạn sẽ thấy bầu trời chật hẹp, thấp và gần hơn. Ở đây có một cái gì rất gần với sự sáng tạo. Nếu ở trạng thái trong suốt, trạng thái của tự do thuần khiến, người sáng tạo có nhiều cơ hội để đến được với bản chất của sự vật, đến được với bản thân mình, đến được với thơ. Tất cả chúng ta phải thừa nhận rằng, khi văn học nói được những điều thẳm sâu nhất của con người, thì nó trở thành sản phẩm quí giá…
Tìm kiếm ánh sáng thuần khiết trong tâm hồn chính là nét chủ đạo giúp đưa con người cá nhân phản tỉnh vượt qua bóng tối u uẩn, vươn tới ánh sáng, tự do minh triết. Toàn bộ tinh thần của trường ca Trần Anh Thái, thông qua hình ảnh con người cá nhân phản tỉnh, vì thế đã khởi cuộc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống trong luồng ánh sáng có nhiều khúc đoạn thăng trầm, nhiều khi nhuốm màu hoang hoải, thâm u của bóng tối. Trên tất cả, nó vẫn là luồng ánh sáng nâng niu qua nỗi khổ đau của “Đôi mắt sáng tiên tri chỉ tay về phía mặt trời đang tan trong làn sương”. Nói một cách rõ ràng hơn thì tinh thần trường ca Trần Anh Thái được kiến tạo từ trong chính bản thể hướng tới tính Người trong luồng ánh sáng của tự do trong suốt. Ánh sáng đó giúp cá nhân phản tỉnh dịch thoát ra khỏi hiện thực giản đơn, tầm thường mà chạm tới tầng ẩn sâu nơi bản thể Người. Đây cũng chính là quy chuẩn làm nên sức nặng của trường ca Trần Anh Thái.
19/5/2021
Nguyễn Hồng Nhung
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nghiên cứu và giảng dạy văn học Nhật Bản ở Việt Nam trong hai mươi năm đầu thế kỷ XXI Trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, văn học Nhật Bản vẫn ...