Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2025

Dòng sông đêm lặng chảy

Dòng sông đêm lặng chảy

Nỗi buồn không cánh cũng bay xa - H.T.T)
Hồi đóng quân ở Ba Gò, tôi sống nhờ trong căn nhà của ông Tám. Nói là nhà cho oai, chứ thực ra đó chỉ là một cái chòi lợp bằng đưng lác. Ông Tám sống với cô con gái tên Sâm và đứa cháu ngoại chừng xém xém mười tuổi. Sâm là mẹ nó, còn Ba nó đã chết trong chiến tranh. Căn nhà cất thèo lảnh giữa đồng, trên một cái gò mọc đầy những cây me keo già cỗi. Cây nào cây nấy nhăn nheo, mốc thếch; không hiểu sao chúng lại đua nhau nổi u nổi bộng, suốt ngày cứ trố ra, cứ hoác ra nhòm đất nhòm trời, như là ngạc nhiên lắm, mà lại bất cần lắm.
Mùa nắng, bốn bề chang chang nắng. Mùa mưa, bốn bề ngun ngút nước. Cái gò bị vây bủa giữa cô đơn, hiu quạnh. Gia đình ông Tám sống biệt lập như một thế giới riêng, yên ổn và cổ kính; cuộc sống như bị mốc ra trong nỗi buồn cun cút quanh năm. Nước lên thì giăng câu, đặt lờ. Nước cạn thì tát đìa bắt cá, đặt bẫy sập chuột, thổi tu huýt bắt gà nước. Căn nhà quanh năm tanh sặc mùi cá; ruồi nhặng, muỗi mòng kéo về đen kịn hàng đàn. Chúng bay quếnh quáng, rớt cả vào trong nồi canh còn đang bốc khói.
Họ sống rất đơn giản. Mỗi người chỉ vài ba bộ quần áo may lấy bằng kim tay. Vật dụng chỉ có chiếc xuồng ba lá, vài cái khạp da bò, năm bảy cái soong nhôm mỏng dính. Rau thì bẻ ngoài đồng, ngoài gò, ngoài bãi. Bông lục bình, ngó sen, bông điên điển, rau tai tượng và cải trời, cải đất… Tôm cá thì giăng câu, bủa lưới… Thú vui duy nhất của ông Tám là rượu đế, thuốc giồng. Còn thằng bé, nó lặn hụp ngoài đồng, ngoài bưng cả ngày; người đen nhẻm như củ súng. Sâm thì tôi không thể hiểu được là cô thích gì. Suốt ngày hết cùi cụi muối cá, xẻ cá phơi khô, lại lúi húi nấu ăn trong bếp; lặng lẽ như chiếc bóng, hiếm lắm mới thấy thoáng nhẹ một nụ cười buồn như sợi gió ngoài bưng. Vậy mà Sâm còn rất trẻ. Lấy chồng năm mười sáu tuổi, mười tám đã thành góa phụ. Cứ như lời ông Tám thì Sâm chung đụng với chồng bòn mót lắm cũng không đầy hai mùa trăng. Cưới nhau được một tuần thì chồng bị ốp lính. Trốn về được tuần nữa thì bị túm cổ đẩy đi lính lao công đào binh. Lại trốn. Lại bị truy bắt. Cuối cùng là chết mất thây mị dưới miệt U Minh nước đen nước đỏ. Đời Sâm buồn vậy. Nỗi buồn thấm đẫm trong ánh mắt rười rượi, thấm cả lên vầng trán, đầm đìa ra mái tóc, chảy xuống cả bờ vai, cả tấm lưng thon thắn. Tôi là lính chiến, vậy mà còn không dám nhìn lâu vào đôi mắt ấy.
Thặng nói với tôi:
- Phụ nữ mà buồn như vậy là thủy chung lắm nghen! Ông chịu, tui dùi tiểu đoàn tổ chức cho. Mỗi thằng bỏ ra tháng phụ cấp, với gói Hải đảo là xong tuốt. Mà tụi mình còn được tiếng làm tốt chánh sách hòa hợp hòa giải dân tộc nghen cha!
Không biết Thặng thót thét thế nào mà mỗi lần gặp tôi, Sâm thường đỏ lựng mặt lên, nói năng lấp vấp như người có tật. Có lẽ chính vì vậy mà tôi đâm ra để ý tới Sâm nhiều hơn. Qủa là Sâm không xấu cũng không đẹp, nhưng càng nhìn càng thấy đằm thắm cái duyên gái quê chân chất. Nó lặn vào trong làn da mặn mòi, lặn vào trong làn tóc dày óng ả; nó như củ khoai đất gò, phải nhẩn nha thưởng thức mới thấm ngon. Kể ra, lấy vợ mà lựa được những người như Sâm thì chắc sẽ được săn sóc chu đáo cả đời. Thặng lém mồm vẫn thường nói với tôi: “Con gái đẹp thường là đỏng đảnh, chảnh chẹ và làm biếng. Họ lúc nào cũng ỉ thế vào nhan sắc mà hành mình tận mạng, lơ mơ là họ bỏ liền xì cái rụp. Họ như bông hoa, thiếu gì bướm ong lượn lờ”. Tôi nghe sao biết vậy. Cũng có thể là hắn nói quén vào cho tôi. Hắn thì ai cũng đẹp, cũng xấu được cả; tùy ở nơi cung cách họ đối đãi hắn ra làm sao.
Chẳng biết ma xui qủy khiến thế nào, một hôm, tự dưng tôi bạo mồm rủ Sâm chống xuồng đi bẻ bông điên điển. Thoáng một chút lưỡng lự, Sâm gật đầu đồng ý. Hai chúng tôi, kẻ chịu sào, người bơi mũi, cứ lặng lẽ lủi sâu vào đám điên điển rậm rịt như rừng. Vào mùa nước, cò trắng, cò vàng đậu kín trên những cây điên điển mềm oặt. Thấy động tiếng người, chúng kêu lên choang choác, đập cánh bay lên bay xuống ràn rạt như có bão.
Tôi nói với Sâm:
- Cò sống với nhau thành bầy, thành bạn, chắc hổng biết buồn là gì.
Sâm không trả lời mà hỏi lại tôi:
- Quê anh Ba chắc xa lắm?
Tôi kể cho Sâm nghe về cái xóm đồi heo hút miền bán sơn địa của tôi. Ở đó, một thời con trai con gái chúng tôi không biết yêu, cứ lớn lên tồng tộc trên lưng trâu, lưng bò, thế rồi cha mẹ bảo cưới ai, gả cho ai thì lấy người đó, vậy mà vẫn sống chung thủy với nhau cả đời. Sâm chỉ yên lặng lắng nghe chứ không hỏi lại tôi câu nào.
Chừng thấy mình đã nói qúa nhiều, tôi mới hỏi:
- Hồi lấy chồng, Sâm có yêu không?
Không nhìn tôi, Sâm nói giọng trầm trầm, nghe buồn như tiếng gió đêm ngoài đồng trống:
- Em hổng biết nữa. Chỉ thấy buồn khi về nhà chồng, rồi càng buồn hơn khi ảnh mất. May mà còn có đứa con.
Sợ đụng vào nỗi đau cắt cứa của Sâm, chúng tôi chống xuồng trở về với ngổn ngang một mớ bông điên điển vàng rối mắt.
Sống ở Ba Gò gần nửa năm, tôi được đơn vị cho chuyển ngành đi học. Hôm chia tay, Sâm tiện thể đi chợ Hồng Ngự mua sắm một ít đồ lặt vặt, vậy là chúng tôi đi với nhau chung một chiếc xuồng ba lá. Chúng tôi đi được nửa đường thì trời sập tối.
Tôi nói:
- Kệ! Mình cứ bơi tới tới. Đi đêm cho mát.
Vậy là chúng tôi cứ dọc sông mà bơi mãi miết.
Ở vùng biên giới, dân cư thưa thớt, đôi khi chèo rả bắp tay mới bắt gặp một vài ngôi nhà thắp đèn lay lắt. Còn thì chỉ trời nước mịt mù. Màn đêm đen nhánh, tưởng như có thể chạm vào, cắt ra từng miếng mát lạnh. Tắm mình giữa biếc đen trời nước, tiếng mũi xuồng rẻ nước nghe roàm roạp như tiếng hát. Tiếng gió thì thào dọc hai bờ sậy nghe như tiếng hát. Đến cả tiếng côn trùng cũng âm vang như bản dạ khúc tặng trời sao. Và cả tiếng con tim tôi nữa, nó cũng đang phập phồng giai điệu. Suốt mấy năm trời lầm lủi trong lửa đạn chiến tranh, đây là lần đầu tiên tôi thấy trào dâng trong ngực mình cảm giác ngất ngây của hạnh phúc. Một dòng sông, một cánh đồng, một bầu trời khoáng đạt, và một người phụ nữ đang cùng tôi bơi về phía trước. Trời thì cao, cánh đồng thì rộng, còn màn đêm thì như sánh lại, buông trùm xuống như cột hai chúng tôi thành một khối, nhỏ nhoi, tan biến giữa vũ trụ đầy vị tha và cũng đầy trắc ẩn. Những trắc ẩn của đắm đuối thôi thúc, cháy nhức lên niềm khao khát vô bờ bến của thiên nhiên phồng căng nhựa sống. Niềm vị tha như con nước bao dung, suốt đời dạt dào tuôn chảy dòng phù sa sánh mật, bồi đắp cho miền nụ nở thành hoa, kết trái đơm hương ngào ngạt. Cả hai chúng tôi chìm trong im lặng. Sự im lặng ngọt ngào mê đắm. Sự im lặng của đợi chờ bùng nổ. Càng lúc tôi càng cảm thấy rất rõ mình đang biến thành một khối năng lượng bị dồn nén tới độ căng thẳng.
Không cầm được lòng mình, tôi gọi nhỏ:
- Sâm ơi!
- Chi vậy anh Ba? (Tiếng Sâm thì thào)
Tôi trả lời, giọng còn nhỏ hơn cả tiếng thì thào của Sâm:
- Ta nghỉ một lúc đi!
Chúng tôi cặp xuồng vào bờ, leo lên một doi đất nhỏ. Tôi nhận ra doi đất mọc đầy cỏ gà. Thứ cỏ gắn với tuổi thơ của tôi, gắn với những kỷ niệm một thời sẽ không bao giờ trở lại. Đốt một điếu thuốc, hít thật sâu vào lồng ngực hương vị đườm đượm của khói, tôi cảm nhận tới nghẹn ngào những gì đã qua đi trong thời tuổi trẻ. Một lần vật nhau với cái Thanh khi tranh nhau búp cỏ gà trên bờ đê, cả hai cùng lăn tùm xuống nước, nó đấm lưng tôi thùm thụp bắt đền, tôi phải vắt giò lên cổ mà chạy. Một lần gặp báo động phòng không trên đường tới lớp, cũng vẫn cái Thanh, hai đứa nhảy bừa xuống trủng đất, đè cả lên nhau; chừng tan báo động, cười với nhau tẻn tò. Một lần, khi đưa tiễn, Thanh rụt rè nắm lấy tay tôi, nói nhỏ trong hơi thở bốc khói mùa đông: “Nhất định trở về nhé!”. Vậy mà… bây giờ chỉ có Sâm. Sâm đang lôi mấy trái cam mua lúc chạng vạng mặt trời ở Tân Thành ra bóc. Không gian thơm sực mùi the the, cay cay của cam. Hương cam quyện với hương cỏ nồng nồng, quyến rủ tới tê người. Khi Sâm đưa cho tôi nửa trái cam vừa bóc xong, tôi rụt rè nắm lấy bàn tay Sâm, rồi đột nhiên kéo ghì Sâm vào ngực mình. Bàn tay tôi tham lam ghì xiết, tham lam khám phá; làn môi tôi tham lam gắn chặt vào môi Sâm tới ngạt thở. Tôi cảm nhận sự chuyển động rùng rùng của muôn muôn giọt giọt máu từ trong tim dồn ra da thịt, từ da thịt cuộn xiết vào cơ bắp. Như một tên kỵ sĩ kiệt sức ngã ngựa, tôi kéo theo Sâm ngã vào mặt đất. Mặt đất cũng phập phồng như lồng ngực Sâm đang thở phập phồng. Mặc kệ hai con chuột đồng đang rinh rích đuổi cắn nhau ở đâu đó, tay tôi hối hả lần mở từng chiếc nút áo của Sâm.
- Đừng anh!..
Kiệt sức tới mụ mẩm, tôi giật tung chiếc nút cuối cùng, vục cả gương mặt đờ dại vào khuôn ngực căng bỏng như trái chín của Sâm.
- Đừng anh!..
Tại sao lại đừng? Thanh ơi (tôi rên lên trong tiềm thức)! Em là của anh cơ mà! Đáng lẽ em đã thuộc về anh từ lâu lắm rồi! Cái đêm hát chèo ấy. Cái lần hát lới lơ ấy. Trong cái điếm hộ đê ấy. Trời cũng đen nhánh. Dòng sông đêm đen nhánh cũng lặng chảy. Nếu không có tiếng kẻng phòng không cất lên. Nếu hai chiếc F105D không cắm xuống bờ đê hai trái bom đen sì… Thanh ơi!.. Nếu không… em đã thuộc về anh đến tận cùng máu thịt… Thanh ơi!..
- Đừng anh!.. Đừ… ừng!..
Tôi nghe rõ tiếng Sâm nấc lên nghẹn ngào, yếu đuối và đau xót. Tôi cảm nhận rất rõ những giọt nước mắt của Sâm đang trào ra. Tại sao tôi lại gọi tên Thanh cơ chứ! Sâm đang gần gũi với tôi biết ngần nào! Cả vòng tay xiết. Cả lồng ngực. Cả bờ môi. Cả từng nhịp thở dồn đứt đoạn. Cả… cả tất cả những gì đọng lại nửa năm qua. Sao tôi điên thế này! Trời ơi!..
Đau đớn như con chim trúng đạn, tôi buông Sâm ra, ngồi bật dậy. Hai con chuột đồng chạy đuổi nhau đụng cả vào chân tôi. Điếu thuốc tôi vứt ra vẫn còn cháy lập lòe trên cỏ. Những đám mây đầu mùa vần vũ đã kéo nhau đi biệt. Bầu trời trở nên lồng lộng với ức triệu vì sao. Những vì sao lóng lánh như pha lê uà xuống, dát lung linh dòng sông đêm lặng chảy. Gió vẫn hào phóng nắm tay nhau lôi kéo tình tự trên đồng. Đồng vẫn ngút ngát căng phồng lồng ngực đất. Và tôi, tôi vẫn rần rật những cảm xúc mãnh liệt tê rần trên da thịt. Đáng lẽ phải ngã qụy xuống tấm thân ấm sực của Sâm lần nữa để tự quy hàng, tôi lại đứng phắt dậy, bước xuống chiếc xuồng đang dập dềnh trên những con sóng nhỏ lăn tăn muôn ngàn mắt sao trời gời gợi.
Thành phố cuốn hút tôi vào nhịp sống chóng mặt của nó. Tôi lăn xả vào cuộc sống mới như những giọt mưa hạ lăn xả xuống mặt đường ngập ngụa bước chân người, chằng chịt vết tàu xe. Mấy tháng đầu tôi còn gửi thư đều cho Sâm, nhưng càng về sau, những lá thư càng thưa thớt. Thời gian lấp đầy nỗi nhớ. Công việc đánh chiếm mọi ngõ ngách của thời gian.
Thế rồi cơn sét ái tình lại giáng xuống trái tim tôi lần nữa.
Cô ấy hay mặc áo đỏ, tóc cắt xì tôn kiểu Đức. Mỗi ngày cô đều đến thư viện rất sớm. Và lần nào cũng chọn đúng góc cuối cùng, gần bên cửa sổ phòng đọc. Tôi ngồi ở góc bên kia, đối diện với cô. Thỉnh thoảng tôi ngước lên nhìn cô như nhìn một bông hoa đẹp. Gương mặt thanh thoát với làn môi mọng chín. Những ngón tay trắng mịn, thon thả uốn cong trên từng trang sách. Chiếc mũi dài và cái cằm tròn nhỏ như thách thức sự đời một cách kiêu sa trên chiếc cổ cao ngọc ngà. Tôi ngây tình như chàng Vỹ Sinh, ngày nào cũng cố sắp xếp để đến thư viện thật sớm và trở về thật muộn. Tôi đọc cắm cúi nhưng chẳng hề biết những dòng chữ ngay ngắn trên từng trang sách nói những gì. Tôi chỉ biết mình đã ngây ngất, choáng váng như thế nào mỗi khi bất chợt bắt gặp ánh nhìn sâu thẳm của nàng. Hai chúng tôi gần nhau trong một căn phòng nhưng lại xa cách vời vợi như sao hôm sao mai, không có bất cứ một cớ gì để gặp nhau, để nói với nhau, dù chỉ một lời xã giao lấy có.
Nhưng cuộc sống luôn luôn chứa đựng những bất ngờ. Nó như trò chơi ú tim, đem đến cả niềm vui, cả bất ngờ, tai họa. Hạnh phúc đã nhoẻn cười với tôi.
Một lần đạp xe từ thư viện về ký túc xá, bất chợt cơn mưa chiều ập xuống, tôi tấp vào một mái phố đụt mưa. Cô gái cũng trú mưa ở đó. Cô dịch chiếc xe đạp mi ni vào trong một chút, nhường chỗ cho tôi.
- Mưa to qúa!
- Vâng, mưa lớn thật đấy (cô ấy đáp lại)! Cứ như nghiêng trời mà trút nước.
Đúng là mưa như nghiêng trơi trút nước. Gió quất những giọt mưa ào ào. Những giọt mưa bắt ánh đèn rực lên màu sắc thần tiên. Hơi nước bốc mù mịt càng làm tăng thêm vẽ huyền ảo diễm lệ. Con đường sùi bong bóng, cuộn chảy như dòng sông thần thoại. Cuồn cuộn những chiếc lá vàng trôi như trong cổ tích về một nàng công chúa thả thư tình về biển.
- Anh về Ngô Gia Tự, phải hôn?
- Vâng, tôi ở ký túc xá. Sao cô biết?
- Thì em đoán vậy mờ. Em thấy anh ngày nào cũng đọc sách ở thư viện. Mà ta đi đại đi anh! Đằng nào mình cũng ướt cả rồi.
Qủa thật chúng tôi chẳng còn cớ gì để đứng trú mưa. Chúng tôi cùng sóng xe chạy trên con đường ngập nước. Bánh xe xé nước rào rạt. Gió bứt lá vàng rào rạt. Những chiếc xe hơi quét đèn pha băng qua, tạt nước bay rào rạt như chùm chùm hoa lửa mát lạnh. Cô gái vừa đạp xe vừa cười nói ríu rít. “Chạy xe trong mưa thích hôn anh?”. “Mưa ở thành phố thiệt lãng mạn, phải hôn anh?”. Tất cả những âm thanh ấy quyện lại trong tôi, âm vang như một bản giao hưởng trữ tình tuyệt đẹp.
Vạn sự khởi đầu nan. Sau lần gặp gỡ ấy, chúng tôi quen nhau, rồi yêu nhau. Tình yêu cuốn hút hai tâm hồn vào những đêm đen nhánh ngọt ngào của những nụ hôn có cánh.
Nhưng ai mà biết tôi đã đau khổ thế nào về tính vô tư trong trắng của cô. Cô không phải là con chim sẻ nhặt nhạnh từng hạt thóc của đời tôi. cô là con sơn ca cất tiếng hát về bất cứ niềm vui nào chợt đến trong đời. Chiến thắng của dân tộc là niềm vui lớn. Cô say sưa hát về người lính; hát về sự hy sinh của máu và nước mắt; hát về chiến thắng một cách đầy tin yêu và hồn hậu. Cô là cảm xúc mặt trời choáng ngợp của tôi, niềm vui của tôi, tình yêu rạo rực của tôi. Cô cũng là nỗi đau khổ âm thầm của tôi, nỗi buồn thầm lặng dằn vặt tôi. Cô vừa là tất cả vừa là không gì tất cả. Có những lần cô với tôi thức trắng để thay nhau đọc to lên những dòng chữ viết về Trường Sơn. Cô khóc mùi mẫn trước từng cơn đói, cơn khát đeo đẳng người lính. Cô nấc lên, đỏ hoe mắt trước những cái chết bi hùng của người lính. Nhưng không hiếm những lần cô để tôi đứng chơ vơ ở góc phố với hai chiếc vé xem phim lạnh lẻo. “Đừng buồn nha anh! Nhỏ bạn rủ đi may kiểu áo mới cổ Pháp. Đẹp điên người”. Tôi không hiểu gì về mốt quần áo, càng không hiểu gì về mốt cổ áo, tôi không có gì phải buồn, lại càng không có gì phải điên. Tôi chỉ bị sốt. Thứ sốt rừng tai ác mà bất cứ người lính nào, dù có thoát chết trong gang tấc, cũng khó mà tránh khỏi.
Nàng đến viện thăm tôi với nào là đường, là sữa, là hột gà, trái cây, và một lô một lốc về những chuyện “khoa em vui thiệt là vui”. Rồi nàng thông báo sẽ đi píc níc một tuần với đám bạn cùng khoa nhân ngày nghỉ ba mươi tháng tư.
Trở về, thấy những gì mua cho tôi con nguyên vẹn, nàng thật thà nói:
- Không ăn được sao anh hổng nói để em mua thứ khác. Tội nghiệp anh qúa hà! Lính gì mà thật thà như đếm!
Tôi không hề thật thà mà là tôi đau khổ. Đau khổ về vết rạn nứt đã hiện lên trong tình yêu đôi lứa. Theo thời gian, vết rạn nứt đã xoáy thành vực thẳm. Tôi nhớ tới Sâm. Tôi nhớ mùa bông điên điển. Nhớ tới dòng sông đêm lặng chảy lóc bóc dưới be xuồng. Cái đêm gió đổi mùa ấy. Cái đêm hăng hắc mùi cỏ gà, thơm thơm mùi cỏ sữa. Hai con chuột đồng đuổi nhau rinh rích đêm hôm ấy, chắc đã sinh đàn sinh lũ. Cỏ đồng đầy ra đấy, chúng mày đừng có mà ăn lúa.
Tôi sống trong hoài vọng ký ức cho đến hết năm học cuối cùng. Khi mà vết thương tình rướm máu đã kông cầm lại được, tôi bán chiếc đồng hồ đeo tay, tìm về miền kỷ niệm, nơi từng có một dòng sông đêm lặng chảy.
Ông Tám không còn nữa. Trên gò xưa chỉ còn những cây me keo già cỗi, gân guốc, đầy những hang hốc. Ngày trước, thằng Đực, con trai của Sâm, vẫn thường dùng cọng sắt bẻ thành móc câu thọc bắt những con tắc kè trong đó. Bây giờ nó đã lớn vổng lên, cứng cáp và nồng khét mùi đất gò đất bãi. Sâm đi vắng, tự tay nó làm đồ mồi đãi tôi. Lươn hấp lá bầu, cá lóc thuồn mướp hương nướng lửa rơm, khô sặc rằn trộn gỏi xoài tượng.
- Để tui đi kêu ông Năm qua nhậu với chú Ba chơi. Ông Năm có ngón đờn lục huyền cầm tuyệt chiêu. Nghe mức lắm!
Nó đi được một chặp thì Sâm về. Sâm bất chợt hiện ra dưới chân gò cùng ánh hoàng hôn chập choạng. Những tia nắng chiều lay lắt còn rớt lại, hắt lên gương mặt cô một vạt đỏ như lửa. Thấy tôi, Sâm sững cả người. Đôi mắt đườm đượm buồn vẫn như xưa. Lồng ngực khỏe căng vẫn như xưa. Tôi bước chầm chậm về phía Sâm.
- Tôi về tới hồi xế trưa. Tôi có lỗi với Sâm.
- Không! Anh Ba đâu có lỗi gì. Anh vào nhà trước đi, em còn phải dọn đồ lên. Em mới đi xóm về.
Tôi phụ Sâm đưa đồ vào nhà. Xong xuôi đâu đó thì thằng Đực và ông Năm nó cũng về tới.
- Cha, chú Ba lóng rày coi mòi khác trước qúa hen!
Cậu Năm vừa nói vừa kéo tôi ngồi xuống bộ ngựa, vừa hối thằng Đực đem mồi lên. Chừng đã rót đầy ly rượu, cậu sực hỏi tôi:
- Chú đốt nhang cho ngoại thằng Đực chưa? Chú đi rồi, ổng nhắc chú hoài. (Day sang Sâm, ông nói tiếp) Phải hông má thằng Đực?
Chúng tôi lai rai được một chặp thì có người đàn ông vạm vỡ bước vào. Anh ta cỡi trần, vận quần xà lỏn, trên cánh tay có xăm dòng chữ HẬN ĐỜI. Bấy giờ tôi mới biết đó là chồng của Sâm. Họ mới sống với nhau gần nửa năm nay. Không cưới hỏi gì cả, cứ vậy mà xáp lại sống với nhau. Anh ta hơn Sâm gần chục tuổi, đã có một đời vợ nhưng chưa có con. Vợ anh ta chết trong chiến tranh vì dính pháo đĩ của Mĩ. Anh ta thuộc loại người ít nói, uống rượu chì còn hơn cả thầy nò. Cứ đưa tới là uống tới. Cậu Năm cho tôi biết, anh ta vốn là lính lái xe lội nước M113 trào Ngụy, đã từng được tưởng thưởng bội tinh bởi thành tích bị B41 thổi cháy ngoài đồng mà vẫn lôi được thằng bạn trúng thương chạy thoát về hậu cứ. Từng một lần được an ninh quân đội bỏ tù vì tội dám đấm rách mặt, bẻ gãy tay thằng đồn trưởng bảo an dân vệ bởi hắn dám lấy vợ của anh. Thoát tù, anh trốn chui trốn nhủi tới tận ngày giải phóng. Sau hòa bình, học tập xong anh xin vô đồng làm kinh tế mới. Cặm cụi như con trâu đất mà cũng chỉ đủ ăn, đủ nhậu lai rai ba xị đế. Ông Năm của thằng Đực đi công tác thủy lợi cho huyện, thấy hạp tánh với anh ta nên rủ về Ba Gò sinh sống, rồi mai mối gá nghĩa cho anh ta với Sâm.
- Thằng này được lắm (cậu Năm nói với tôi). Tới ông trời cũng không biết sợ, chỉ sợ mỗi con Sâm trong nhà.
Cả đêm đó tôi nằm thao thức không ngủ. Ngoài đồng nước, gió thổi lao rao, buồn bả. Tiếng chim ăn đêm kêu thảng thốt. Tiếng sương rớt từ mái nhà lộp độp; từng lúc từng lúc như gõ vào tim tôi buốt nhói. Tất cả đã an bài. Tất cả là tại tôi.
Lần đầu tiên lên thăm tôi, Sâm chạm trán cô áo đỏ. Tôi đưa cả hai người ra quán uống nước. Ở đó, tôi giới thiệu Sâm là con gái ông chủ nhà trọ thời tôi đóng quân ở Ba Gò. Ở đó, tôi giới thiệu cô áo đỏ là bạn học cùng trường. Đóa hoa đỏ của tôi hồn nhiên mời Sâm về nhà chơi và ngủ lại qua đêm.
Sáng hôm sau, khi đã tiễn Sâm ra về, áo đỏ của tôi nói vui vẻ:
- Chị Sâm hiền thật đấy. Em đâu ngờ chị đã có con. Coi chị còn trẻ khô, phải hôn anh?
Lần thứ hai Sâm lên thăm, tôi chở Sâm đi lòng vòng thành phố. Lúc ngồi uống nước, Sâm hỏi:
- Thủy nó thương anh lắm phải không? Vô tư như cổ, chắc hổng biết buồn tủi là gì?
Tôi thật thà gật đầu thừa nhận. Bởi đúng ra là tôi đang đắm đuối mọi bề về Thủy, còn với Sâm, tôi chưa hề bao giờ nói tôi yêu Sâm, dù rằng cái thời sống heo hút giữa đồng tôi đã từng yêu Sâm, khát khao Sâm tới cồn cào. Bấy giờ, trong thâm tâm, tôi đã tự thề với lòng là sau này thế nào tôi cũng ngõ lời xin cưới Sâm làm vợ, cùng Sâm nuôi thằng Đực ăn học nên người. Vậy mà không hiểu vì sao tôi chưa từng bao giờ thốt ra điều đó. Khi yêu Thủy, tôi có nghĩ tới Sâm, có tự thấy mình là tên phản bội. Nhưng rồi tôi đã tự lý giải cho mình, rằng đối với Thủy tôi hoàn toàn trong trắng; ngay cả khi tôi ôm xiết Sâm tới nghẹt thở bên dòng sông đêm lặng chảy, đó cũng chỉ là sự bùng cháy rất sinh vật mà thôi. Tôi tự bào chữa cho hành vi cảm xúc bồng bột, rằng tất cả thế giới đàn ông đều vậy cả. Chính tôi chứ không phải là Sâm, tôi đã tự kìm nén được cảm xúc thái qúa của mình. Tôi kể hết cho Thủy về những gì tôi có được với Thanh ngày xưa, nhưng tôi tuyệt nhiên không hé nửa lời với Thủy về Sâm. Khi vết rạn nứt giữa tôi với Thủy đã cắt cứa tới rát bỏng, tôi mới thật sự hiểu ra rằng, tôi rất cần có Sâm trong cuộc đời.
Vậy mà đêm nay, tôi hoàn toàn là kẻ trắng tay. Sâm với người chồng không giá thú của mình đang ngủ ở trong kia; họ đang có với nhau tới tận cùng hạnh phúc, tận cùng xẻ chia sướng vui và đau khổ của cả đời người. Tôi còn hoài vọng trở về mà làm gì? Mà có thật tôi trở về hay là tôi chạy trốn? Hay chính là tôi đang mong manh hy vọng trong hy vọng tồi tệ của mình? Chút hy vọng mà mấy tháng gần đây thường lóe lên trong tôi hình ảnh dòng sông đêm lặng chảy.
Sâm ơi, hãy tha thứ cho anh!
Sáng ngày, Sâm bơi xuồng đưa tôi ra Tân Thành. Khi đã lênh đênh giữa đồng trống, tôi mới thấm nỗi buồn của tôi thăm thẳm tới ngần nào. Sâm của dòng sông đêm lặng chảy ngày xưa đấy. Vẫn tỏa hương dìu dịu. Vẫn tươi trẻ âm thầm. vẫn sẽ còn đốt mãi, cháy mãi trong tôi niềm thao thức không nguôi.
Không kìm được nỗi lòng, tôi day người lại, nói với Sâm:
- Sâm à! Nếu tôi nói rằng ngày trước tôi đã từng yêu Sâm, em có tin không?
Sâm bị bất ngờ, lặng đi một lúc, rồi nói:
- Tin, em tin. Lúc đó em cũng yêu anh.
- Vậy sao em không nói?
- Em sợ.
- Em nói thật đi! Vì sao em lại sợ? Em không cảm nhận được tình yêu của anh hay sao?
Sâm gác hẳn mái dầm lên be xuồng, lột chiếc nón xuống, vừa sữa lại mái tóc bị gió thổi bay lòa xòa, vừa nói:
- Em sợ, vì em đã có một đời chồng, mà anh thì… anh chưa nói với em một tiếng nào. Em đã đợi anh. Em đã tuyệt vọng. Em biết là Thủy yêu anh, nhưng Thủy không hiểu anh. Cô ấy còn trẻ. Nhưng em tin cô ấy. Cổ là người vô tư, người tốt.
Vịn tay vào hai be xuồng, tôi lần tới chỗ Sâm. Sâm để yên cho tôi nắm chặt hai bàn tay của cô. Nhưng khi tôi nhè nhẹ đặt hai bàn tay của Sâm lên ngực mình, thì Sâm từ từ đẩy tôi ra và nói:
- Đừng anh. Như vầy không tốt đâu. Không tốt cả với Thủy, cả với nhà em. Anh ấy rất thương em, rất thương thằng Đực.
Tôi lặng lẽ hôn hai bàn tay Sâm, rồi lặng lẽ buông ra.
- Sâm nói đúng. Tôi không có quyền làm như vậy. Tôi chỉ muốn em hiểu rằng tôi yêu em, tôi cầu cho em hạnh phúc.
Tôi trở về ngay chỗ của mình khi thấy Sâm đưa ống tay áo bà ba đen nhức lên lau vội những giọt nước mắt đã lăn ra.
Chiếc xuồng lại oàm oạp rẽ nước bơi về phía trước. Phía ấy là dòng sông- là kỷ niệm một dòng sông êm đềm chảy xuôi trong ký ức của tôi. Dòng sông ấy đây rồi. nhưng hôm nay nó là nơi chúng tôi chia tay nhau. Còn dòng sông đêm lặng chảy… vĩnh viễn nó đã thành kỷ niệm. Chảy mãi, chảy mãi trong cuộc đời.
Hồ Tĩnh Tâm
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nghiên cứu và giảng dạy văn học Nhật Bản ở Việt Nam trong hai mươi năm đầu thế kỷ XXI Trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, văn học Nhật Bản vẫn ...