Thứ Tư, 1 tháng 1, 2025

Mưu sinh

Mưu sinh

Ông lão quờ chân. Nó đã dậy rồi. Có tiếng lịch kịch ở chái bếp. Ông trở dậy, khẽ thở dài, giọng nằng nặng: Dậy rồi hả Phước. Ông không nghe tiếng trả lời. Một chặp, ông nghe tiếng thằng Phước vọng lên từ chái: Dầu để đâu ông? Trời tối như mực, ông lão lọ mọ đi xuống.
Đất khát. Ao khô, hồ khô. Cái hói nối hai làng thường sâu lún cả cây tre đực thế mà giờ đây trẻ con làng Mã nhởn nhơ lội qua nước không thấm chân. Ông lão bảo Phước: Đà này phải tắt ruộng lên đồng trên họa may mới có. Phước không nói gì, lầm lũi theo ông. Ngọn đèn soi ếch nhờ nhờ sáng, chao chác bóng, một già một trẻ.
Soi một lúc, ông lão ngừng tay. Ông ngồi bết xuống cỏ, trời vẫn chưa sáng. Tiếng gà từ làng khan khắt vọng. Thằng Phước ngồi cạnh ông. Mùi thuốc lá khét lẹt. Ông lão nói bâng quơ: Hạn thế này, người đi, ếch nhái đi. Mầy thấy đấy, gái làng bỏ đi gần hết. Con ạ, gắng kiếm vài chữ, sống như thế này như nước nổi, khổ lắm, cực lắm. Thằng Phước cúi đầu, nghe. Một lúc, mắt nó ánh lên. Bụi cỏ dưới lòng hồ cạn nước động đậy. Trước cái ăn, tai mắt của con người, những người nghèo, nhanh lắm, thính lắm. Phước rời chỗ hướng về đám cỏ. Cái bóng nó lại lắc lắc theo với nhịp đèn chao. Sau lưng nó, đốm lửa thuốc của ông già rực đỏ. Càng đỏ trong đêm tối. Cái màu tối của trời chờ sáng bao giờ cũng tối hơn tất cả…
Ngày Phước ra tỉnh học, mắt lão rầng rậc nước. Làng bảo: Thằng Phước học tiến sĩ à? Ông bảo: Tiến sĩ, kỹ sư gì đó. Làng lại bảo thêm: Hiếm lắm, quý lắm. Gắng mà giữ nghe con. Phước dạ. Nó nhìn làng lần cuối. Cái hói kiệt nước, cây đa già rễ chìa lên đất như chân người làng Mã to bè, thô rám, quắt queo. Nó ra tỉnh bằng đôi chân đó. Đôi chân mà từ nhỏ ông lão đã dắt dìu: đường bùn trơn phải biết bấu ngón chân lại. Mũi ngón cái càng chắt, cong xuống đất chừng nào, bước càng xa chừng ấy, con ạ.
Hắn đưa gần như ném chén cơm về phía người đàn bà. Người đàn bà cười cười. Có đôi khi hắn thấy nụ cười thật đáng ghét. Nhưng cũng có lúc hắn nhìn thấy một sự che chở, như thể sự che chở của gà mẹ với gà con. Mệt mỏi, hắn chui vào cánh gà, ngủ vùi, quên tất. Đường phố trơn, ông lão không dạy hắn đi cách nào. Đó không phải là đường làng. Hắn tự đi.
Mới lên, hắn nếm mùi một năm cư xá. Khổ, kiệt còn hơn cái khổ, cái kiệt của những đêm mờ sáng soi ếch trên những cánh đồng làng Mã. Tuy vậy, một năm ở đây, hắn học được cách phải tồn tại. Hai thằng bạn cùng khóa dọn một quán ốc bên đường. Thằng khác chọn con đường dạy kèm. Thằng nữa đi phát hành báo…
Người đàn bà bảo hắn: Nhà vắng, chỉ hai mẹ con. Em cứ ở trên gác. Em giúp môn toán cho con bé.
Một ngày hắn về muộn. Sinh nhật Trinh. Rượu làm hắn lảo đảo, chực say. Gác xép nhờ nhờ. Hắn mở cửa sổ. Những mái tôn thấp trong ánh đèn, đen xỉn. Mái nhà, mái đời, cuộc sống. Hắn lơ mơ trong giấc ngủ lưng chừng. Trinh. Ông lão làng Mã. Ếch, Nhái, bùn lầy. Những bộ salông màu đỏ, bóng lộn. Những cây dừa khô khát, xõa tóc trong gió lộng như gái làng Mã. Mùi thơm của đêm sinh nhật. Những chiếc xe máy đời mới. Những li rượu tây màu đỏ. Cây đa rễ già lên đất như chân người làng… tất cả, tất cả chập chờn trong cơn say, giấc ngủ lựng chựng, nhập nhòa đường kiếm sống. Bất chợt lúc đó, hắn nhận ra mùi thơm của suối tóc… Màu trắng của thịt da… Tiếng thở đàn bà… Lời van vĩ yếu ớt nhưng dấm dứt, dai dẳng… Hắn hiểu… Về đây, thỉnh thoảng hắn bắt gặp ánh mắt rất lạ của người đàn bà không chồng. Đuôi mắt góa phụ đầy dấu chân chim nhưng lẳng lạ lùng. Mười hai tuổi, một đêm bắt ếch, hắn đã một lần nghe lời van vĩ này. Sau này, khi chuyện vỡ, cả làng Mã nhao nhao, hắn mới biết đó là tiếng van vĩ của mụ Giồng. Gần năm mươi tuổi, chồng chết. Đêm nào mụ cũng ra chòi chăn vịt của anh Mịch. Mịch chưa vợ, đen và chắc như gỗ lim.
Con trai mụ Giồng đốt chòi vịt, cầm dao dọa đâm chết Mịch. Mịch bỏ làng. Sau đó là mụ Giồng. Mười mấy năm, bấy giờ hắn lại nghe tiếng van vĩ yếu ớt nhưng dấm dứt, dai dẳng nầy. Trăng muộn trăng thường khát. Sau này, tĩnh tâm, hắn nhớ lúc đó, hắn có xô đẩy, hắn nghĩ đến Trinh.
Nhưng cuối cùng hắn buông xuôi. Ông lão không dạy hắn đi cách nào. Không có đất bùn nhão. Không có ô rô, cóc kèn ken dày trên ao hồ, kiệt nước. Chỉ có ở đây, mùi hương đàn bà, mềm và dịu.
3. Hắn ngồi ở quán ốc hút lề đường. Quán mở muộn. Khoa bảo: Học muộn, dọn muộn. Nhưng đủ tồn tại, không lệ thuộc gia đình. Mở hàng là một lão cụt. Chiếc xe lăn của lão đã cũ. Một cây sáo trúc, chắc lâu ngày đã láng o. Một xấp vé số. Một ống thuốc lào. Phía sau lão cụt, lại có một lồng chim. Chim hoàng yến hẳn hoi.
Khoa nhìn lão nheo mắt: Ốc hay trìa, đại ca. Lão đáp gọn lỏn: Ốc. Rượu không? Có rồi. Lão lôi từ tay nải, một hũ rượu. Khoa bảo hắn: Đại ca mà có rượu, nói chuyện đời và thổi sáo đã lắm. Lão nhìn hắn ngồi một mình, cơ chừng buồn, lão đẩy xe về phía hắn. Lão chào kiểu lính cũ ngày trước, bảo: Nhậu cho vui. Hắn thấy lão cũng hay hay. Cái lồng chim phía sau với lão như hai thế giới. Lão xù xì, khô cong. Hắn cụng li với lão. Có gì, đầu lạ sau quen…
Chiều muộn. Quán có thêm vài người. Lão cụt bắt đầu thổi sáo. Tiếng sáo nhẩn nha, ai oán. Lão nói với hắn mà cũng có thể là nói với lão: Trong các món, sáo là món bạc lắm. Nó hay phụ người dùng nó. Tài chừng nào thì ắt bạc cũng lắm. Trẻ tránh sáo, già tránh đất. Theo nó, nó phải lấy lại của mình một cái gì đó. Tài ắt mệnh. Khoa bảo: Đại ca triết lí quá. Lão cười nhăn nhúm. Trẻ tránh sáo, các chú em còn trẻ. Mưu sinh, vật lộn. Sáo hay gợi buồn, gợi suy nghĩ. Mưu sinh như các chú mà buồn, mà suy nghĩ thì hay luẩn quẩn. Giỏi, các chú giỏi, vừa học vừa sống, tôi phục. Khoa bảo: Đại ca quá khen. Đói thì đầu gối phải bò. Tuổi các chú mà đã bò như vậy, già rất mê.
Hắn nhìn qua bên kia đường. Phố đang kiếm sống. Hắn nghĩ đến căn gác xép nhỏ, ấm. Hắn nghĩ đến người đàn bà. Lão cụt vẫn nói. Cái sự thường, rượu vào lời ra. Nhiều lúc hắn muốn ném vào người đàn bà. Ném tất cả. Nhưng hắn không đủ sức.
Mấy năm xa làng Mã, chân tay hắn yếu lắm.
Hắn lại như con gà chui vào cánh mẹ. Hắn nhìn lão cụt, nhìn Khoa tự nhủ trong tiếng thở dài: tau cũng kiếm sống phải không Khoa?
4. Chiều chập choạng. Đồ vật trong nhà nửa tối nửa sáng. Hắn về. Con bé đi chơi đâu đấy. Người đàn bà đang ngồi đếm tiền. Hắn băng ngang hướng về phía cầu thang tối. Tiếng cót két hoen rỉ, nhớt nhát. Người đàn bà nhìn hắn cưới cười. Mệt hả? Hắn không nói, chực bước. Lên gác, hắn ngồi bệt xuống cái ghế con. Trên bàn để sẵn hai quả trứng gà luộc. Chán chường hắn vung tay. Tiếng vỡ nghe loảng xoảng.
Hắn gục đầu. Khóc ngon lành như ngày mẹ nó bỏ làng đi. Đi biệt. Ông lão bảo: Con trai không được khóc. Đi soi ếch qua ngày. Mẹ mày sẽ về. Tau có sổ trợ cấp, thừa nuôi mày ăn học. Bấm ngón chân xuống… Hắn nhớ ông lão. Nhớ làng Mã. Một năm rồi, hắn không về…
Một bàn tay đặt nhẹ lên vai hắn. Buồn hả cưng? Trăng càng muộn càng khát. Hắn muốn vung tay tát mạnh vào má người đàn bà ấy. Hắn về làng Mã. Giáp hạt, đất khát. Đường gầy càng như teo lại, vắng như chợ tàn. Hắn thẩn thờ đứng trước ngôi nhà xiêu vẹo. Cỏ gà lan vào tận nền. Giàn mướp chết rủ vì thiếu nước, thiếu người khô quắt, bạc trắng chen màu nâu đen của đất bùn. Những trái mướp chết treo lòng thòng, xơ và đen như cái tổ ong. Nhà bên, bác Cả ngồi giữa sân, đen trùng trục, đập cái quạt phành phạch, nhìn xa: Mùa rồi hạn quá, nắng quá. Đất nứt, làng bỏ đi nhiều. Mỗi người mỗi ngã. Moi móc mà sống. Bữa đi, ông Mía bảo lên núi Mây đào vàng, đãi vàng gì đó. Gấp nên không báo cho mày ở trên hay. Làng đi theo nhiều vô kể.
Trai đi, gái đi, trẻ con đi. Vàng không biết có không nghe đã có đứa chết vì sập hầm…
Theo tay chỉ của ông Cả, hắn nhìn về hướng núi Mây. Mây vần vũ, mờ mịt. Người hỏi núi cái ăn. Núi bảo: Thấy của rừng rưng rưng nước mắt. Tiền là máu. Vàng là nước mắt. Củi là xương khô. Nhưng người không lui bước. Núi bảo: Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá. Người bảo bằng cách xòe hai bàn tay, tưa máu, chằng chịt vết sẹo. Hắn nghĩ về ông lão. Lòng như muối xát. Đêm làng Mã yên tĩnh và tối lạ lùng. Hắn ngồi giữa sân nhà bác Cả nhìn phía đồng. Không có ngọn đèn soi ếch.
Đất làng khô kiệt. Bác Cả rót rượu cho hắn. Lên thành phố tửu lượng chắc khá. Hắn cười yếu hơn. Bác Cá bảo: Uống đi Phước. Mai mốt làm tiến sĩ, kĩ sư nhớ giúp làng. Hắn bảo: Nhiều khi giúp mình mà không xong. Bác Cả bảo: Không được đuối. Già như lão Mía mà còn không đuối. Đuối là chết. Thà chết sập hầm. Hắn cười khan. Núi mây đen thẫm nhập nhòa. Bác Cả nhìn xa: Giỗ bác gái xong là tau đi. Hắn hỏi: Đi đâu. Bác Cả nhìn về phía núi Mây: theo lão Mía…
Bác Cả nó tiếp trong hơi rượu mà như nói với chính mình: Núi Mây trắc trở nhưng đường lên núi nhiều vô kể. Đường bùn, đường nhão, đường trơn, đường đá, đường cứa thịt cứa da…
Hắn nghĩ về con đường của chính hắn.
5. Hắn đi cùng Trinh. Trong chiến dịch ánh sáng văn hoá hè, nhóm hắn chọn vùng cư dân núi Mây. Khoa bảo: Đây là vùng ngụ cư. Trinh mặc áo pull đỏ, quần jean xanh bạc. Nàng bao giờ cũng đơn giản. Trinh kể lúc ngồi trên xe. Khi đó bố Trinh bảo: Sao lại chọn vùng ngụ cư. Dân tình ở đó lổm ngổm lắm. Bố sẽ bảo để con đi vùng khác. Trinh cười: Nơi tối nhất mới cần có ánh sáng chứ bố.
Đó là một vùng trũng, bao bọc là núi, đến đây, tức khắc tự biết vì sao mà người ta gọi là núi Mây. Mây vần vũ ngày cũng như đêm. Năm sáu giờ chiều mà đã nhọ nhem mặt người. Thanh niên núi Mây bảo: Sốt rét là tiêu chuẩn nhập cư ở vùng này. Các bác cần gì điều tra. Ở đây thằng nào cũng có mầm ấy trong người. Các bác cứ tính đầu dân.
Khoa hỏi cách phòng chống. Thanh niên núi Mây lại cười, đáp gọn: Rượu. Hắn hỏi về chỗ đào vàng. Dân núi Mây chỉ tay: Còn xa. Ba con suối. Hai cái đồi và một đoạn đường đá dựng. Đi bộ mất khoảng hai ngày, hai đêm.
Đêm núi lạnh và hoang. Trinh ngồi bên hắn. Trăng mù mờ chọc thủng mây chiếu sáng nhờ nhờ. Cái thứ ánh sáng của tuổi thơ hắn, nơi làng Mã. Mười hai tuổi. Mẹ đi biệt làng. Bố chết vì đinh rỉ. Mười hai tuổi, hắn còng cạnh ở với lão Mía, một người bà con xa bên mẹ. Hắn và lão loi ngoi trong bùn, trong đất, trong nước. Cái chữ của hắn được chắt từ nước mắt và máu người. Lên phố, hắn mệt. Hắn muốn nghỉ. Nhiều lúc hắn đau đớn nghĩ đến khoảng thời gian này. Lão Mía có lần bảo: cái ăn, cái chữ cũng như ếch, nhái của người nghèo. Khó lắm, bạc lắm.
Hắn nghĩ về những đêm nơi gác xép, bên người đàn bà. Hắn đối thoại với ngày xưa. Hắn đối thoại với Khoa, lão cụt…
Trinh bảo: Có đi mới thấy hết cuộc sống. Gia đình mà Trinh đang ở bảy người mà ba người chết. Rắn cắn, sập hầm, sốt rét. Cả làng dựa vào một ông y tá với một cái kim tiêm.
Đã mấy lần hắn định nói thật với Trinh về hắn. Người thân duy nhất của hắn là lão Mía. Hắn đậu đại học, lão Mía bảo: Đò đã cập bến. Nhưng phải tự đi. Rằng, cuộc đời của dân núi Mây cũng là phiên bản tối, buồn, trước kia của hắn.
Và một điều hắn không bao giờ dám nói với Trinh. Hắn đang tự đánh mất mình.
Hắn giấu nghèo và nghĩ đó là sự sung sướng .
6. 
Hắn vẫn không gặp lão Mía. Thời gian ở núi Mây ít quá. Người đàn bà khóc: Tôi biết Phước khinh tôi… Hắn im lặng. Ranh giới mỏng manh như sương. Hắn nhớ những ngày ở cư xá, những khoản tiền, những buổi nằm dài đợi cơm. Lại nhớ căn gác xép nhỏ và ấm, nhũng đêm trên cánh đồng làng Mã. Người đàn bà tiếp tục nói… Ngoài trời. Đêm, mưa và lạnh. Mưa rào rào trên mái tôn. Mưa thường làm người ta yếu đuối hơn, nhát hơn.

Đêm hắn mơ thấy lão Mía. Lão gầy và sọp lắm nhưng trên môi vẫn ương ngạnh một đốm lửa, khét lẹt. Hắn hỏi đường lên núi Mây. Lạ lùng. Lão Mía cũng bảo bằng giọng của ông Cả. Đường lên núi nhiều vô kể. Bấm chặt ngón chân lại. Trong mơ hắn còn nghe cả tiếng sáo nhẩn nha, ảo não của lão Cụt. Con hoàng yến trong lồng phía sau xe lão Cụt nhảy tưng tưng. Thấy một đám tây ba lô, lão giấu vội cây sáo, phủ lên lồng chim một tấm vải đỏ, cất xấp vé số bay bay. Lão lao xe tới, miệng rất nhanh: You, you…
Thằng Khoa đang trả để mua rổ ốc người ta đem tới. Người bán hàng bảo: Mười ngàn. Thằng Khoa nhún vai, nó xòe bàn tay năm ngón. Người bán hàng lắc đầu.
Hắn thức giấc. Gác xép thật quạnh hiu với tiếng mưa dầm trên mái.
29/1/2010
Bạch Lê Quang
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bóng dáng chim câu

Bóng dáng chim câu Bay đi! Bay đi! Ơi con câu xanh! Người ấy đợi chờ tôi mòn mỏi Hồi đó tôi hai mươi tuổi. Cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới...