Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2017

Hình ảnh trăng trong sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng

Hình ảnh trăng trong sáng tác 
của Nguyễn Huy Tưởng
Nguyễn Huy Tưởng là một nhà tiểu thuyết có tài, một nhà soạn kịch tài hoa. Nhắc đến ông bạn đọc thường nhắc tới danh hiệu thân quen “người chép sử bằng văn chương”. Từ cuộc đời đến những trang văn của ông có một sự tương đồng, nhất quán với một đặc điểm nổi bật là sự trang nghiêm, mực thước. Trong ký ức của những bạn văn cùng thời, Nguyễn Huy Tưởng là một người đôn hậu, hiền lành, giàu tình thương. Và sau này khi đánh giá về văn chương, con người Nguyễn Huy Tưởng nhà nghiên cứu Phong Lê đã khái quát một cách ngắn gọn: “Con người Nguyễn Huy Tưởng, gương mặt Nguyễn Huy Tưởng: Hiền. Và lành. Chân thành. Và đôn hậu. Văn Nguyễn Huy Tưởng: Nói là sắc sảo thì không hẳn là thích hợp, nhưng mà trầm tĩnh, mà chín chắn, mà đĩnh đạc, mà sâu. Huy hoàng mà không hoa mỹ. Giản dị, chân thật mà không thiếu tài hoa.”
Trong cuộc đời cầm bút của mình ông luôn trăn trở, khát khao viết được những tác phẩm lớn tầm cỡ như Chiến tranh và hòa bình của Lep Tônxtôi, tác phẩm ấy có thể đạt giải Nô - ben như mộng ước ông từng ghi trong Nhật ký, và lối viết, văn phong phải đạt đến độ trong sáng, giản dị, phải nói với cuộc đời một cái gì đó. Và cái mà Nguyễn Huy Tưởng muốn nói với cuộc đời thông qua những trang văn là sức sống của con người và truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Là người trầm tính, ít nói nhưng luôn chiêm nghiệm, suy ngẫm về cuộc đời để rút ra những bài học mang tính triết lý nhân sinh, vì thế Nguyễn Huy Tưởng đã chọn lịch sử làm đề tài và nguồn cảm hứng sáng tạo cũng như là vùng hiện thực thẩm mỹ để khai thác, phản ánh, nhưng sâu sa hơn là qua đó nhà văn thể hiện lòng yêu nước, ý thức sâu sắc về cội nguồn, lịch sử dân tộc trước cảnh đất nước bị đô hộ, xâm lăng.
Viết về lịch sử, sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng đã đảm bảo được độ chân thực, chính xác của các sự kiện, tinh thần thời đại, đồng thời có những hư cấu sáng tạo để bổ khuyết, lấp đầy những khoảng trắng mà lịch sử còn bỏ ngỏ, làm phong phú thêm thế giới nội tâm, tâm trạng nhân vật lịch sử trong những mối quan hệ phức tạp, những cung bậc cảm xúc của một người bình thường, giản dị.
Nhà văn Tô Hoài từng cho rằng “Nguyễn Huy Tưởng đã đưa vào văn học Việt Nam một phong cách đặc biệt trong miêu tả”. Và quả thực những đoạn văn miêu tả nhân vật lịch sử của ông đã để lại ấn tượng, xúc động mạnh cho người đọc. Trong tiểu thuyết An Tư, nhà văn đã đưa vào những trường đoạn miêu tả cuộc ân ái, hoan lạc xác thịt - một điều vốn cấm kỵ trong những sáng tác trước đó, giữa một bên là công chúa An Tư “người con gái đẹp nhất trời Nam” với tên tướng giặc Thoát Hoan bằng những câu văn mà theo ngôn ngữ hiện đại là đậm mùi “sex” nhưng không tạo ra cảm giác nhục cảm, hạ thấp hình tượng nhân vật mà qua đó đề cao, tôn vinh vẻ đẹp nghiêng thành và sự hy sinh quên mình của công chúa An Tư - một người con gái trong trắng, sinh ra trong môi trường gia giáo khắt khe là hoàng tộc, không có một ngày được đào luyện nghệ thuật quyến rũ lại có thể dùng ngôn ngữ thân xác để chinh phục gã chiến binh Mông Cổ sành sỏi trên tình trường: “Trong lúc say sưa vì rượu, vì sắc đẹp, vì sức mạnh và uy quyền, Hoan xé toạc áo quần của nàng ra, để lộ mập mờ một vinh quang xác thịt, cân đối và nõn nà, trắng hồng và đường cong mềm mại. Đôi vú chắc và tròn, đầu đỏ chót như son. Nàng không ngờ có sự xõa xuống đến bực ấy. Mắt nàng nhắm nghiền lại trong một cơn thổn thức, tay nàng sẽ cố kéo những mảnh áo quần để che đậy tiết trinh. Nhưng Thoát Hoan đã vứt hết những phục sức của nàng, chỉ còn để vòng xuyến trên cổ tay người thiếu nữ. Và không nói gì, thái độ lẳng lơ của một người kiêu hãnh, Hoan nằm xuống bên nàng, tay tàn phủ lướt đưa trên mình ngọc…
Qua khỏi Ngọ Môn, Hoan thấy má nàng ửng hồng, trán rơm rớm mồ hôi, vài sợi tóc bết vào, có một vẻ tự nhiên đáng yêu. Hoan liếc nhìn tay ngọc cầm cương, sóng vút trao đưa nhẹ nhẹ, bỗng cười bảo tình nhân:…
Gần đến cửa Thái Thanh, chợt nghe có tiếng dội nước trên hồ Ngoạn  Thiềm. Hoan dừng bước lại. Nấp sau một bụi cây trông vào. Dưới ánh sáng tối xanh của đêm tàn, một cảnh tượng vô cùng huyền ảo diễn ra. Không một chút gió, trời oi như một cái hầm. Cây cối chung quanh hồ như im lặng, say sưa nhìn một mỹ phẩm của hóa công. Trên bực đá hoa ăn xuống hồ, nàng xõa tóc, khỏa thân trắng như tuyết, đang cầm gáo giội lên vai tròn trặn. Nước chảy trên mình như một làn lụa mỏng che mơ màng người ngọc, và cả cái đẹp trong sáng, lặng yên, mềm mại và khêu gợi lộ ra, với những đường cong như nặn, cánh tay như bột, đôi ngọc nhũ đương cương, chiếc quần lụa mỏng không đủ che thân dưới nhường thóc mách với mắt thèm thuồng chỗ sâu kín, mơ hồ và đẹp nhất của người mỹ nữ đương tơ…”
Những trang văn trên thật khó có thể tìm thấy trong những sáng tác về lịch sử của các tác giả cùng thời và sau này.
Một đặc điểm nổi bật trong nghệ thuật miêu tả của nhà văn là đan xen trong không khí ngột ngạt, căng thẳng của trận chiến, những bi kịch căng thẳng trong tâm trạng của lòng người, giữa sự sống và chết, tự do và nô lệ, ánh sáng và bóng tối, nhà văn đã lồng vào trong đó những đoạn văn miêu tả thiên nhiên giàu hình ảnh và sức gợi với những từ so sánh gợi nhiều trí tưởng tạo nên độ sâu lắng, trữ tình và chất thơ cho tác phẩm. Trong những hình ảnh thiên nhiên gây ấn tượng và tạo được hiệu ứng thẩm mĩ cho cho nhiều sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng phải kể tới hình ảnh vầng trăng.
Trước khi trở thành biểu tượng nghệ thuật, ánh trăng đã từng gắn bó và ghi dấu nhiều kỷ niệm của tuổi ấu thơ và những năm tháng hoạt động cách mạng của Nguyễn Huy Tưởng. Trong thiên tùy bút Tâm sự đêm trăng (1959) đã nói lên những cảm xúc đặc biệt của nhà văn trước vẻ đẹp của vầng trăng và cái bao la, vô tận của vũ trụ. Thiên tùy bút được gợi hứng từ sự kiện Liên Xô phóng thành công tên lửa lên mặt trăng và đặc biệt trong khung cảnh của Hà Nội trong đêm trăng rằm trung thu với tiếng trống rước sư tử, đèn sao lấp lánh. Trước những câu hỏi của con trai về vầng trăng, về vũ trụ, con người đã gợi nhắc trong ông những kỷ niệm của một thời gắn bó với vầng trăng.
Thuở nhỏ Nguyễn Huy Tưởng thường ngồi trên bậu cửa xem đám thợ gặt thuê đập lúa dưới đêm trăng. Nằm gối đầu vào lòng mẹ ngắm nhìn trăng sao trên vòm trời mênh mông cao rộng, cậu bé Nguyễn Huy Tưởng cũng có những câu hỏi hồn nhiên với mẹ hiền: Ông giăng gần hay ông giăng xa? Cái sân nhà ta có bắt được một cái thang lên trên đấy được không? Con cũng muốn như chú Cuội lên đấy nằm ngủ dưới gốc cây đa… Lớn lên, nhà văn mơ với Lý Bạch say rượu ôm vầng trăng mà sống mãi, bay theo Trang tử trong những cuộc tiêu dao, ngẩn ngơ như Trương Nhược Hư trên dòng sông xuân trăng sáng, và tự hỏi mình: Trên bờ sông người nào đầu tiên trông thấy mặt trăng? Năm nào lần đầu tiên trăng chiếu sáng con người?
Sau này hình ảnh vầng trăng còn theo suốt nhà văn trong quá trình hoạt động cách mạng. Đó là những kỷ niệm của một đêm trăng khi ông cùng các em nhỏ trong đội quân Hướng đạo đi cắm trại ở Kiến An, Hải Phòng. Mọi người cùng đi bộ, tự mang theo gạo để thổi cơm, đến nơi vào làng xin người ta rạ, rồi đem ra ngoài đồng rãi làm chỗ ngủ. Nằm bên các em, gối đầu lên một mô đất, Nguyễn Huy Tưởng ngắm nhìn bầu trời sao bao la, bát ngát. Đêm ấy bầu trời đầy sao. Cả bầu trời chỗ nào cũng nhấp nha nhấp nháy như những chiếc đèn tắt bật dõi xuống ông. Thế rồi một ngôi sao lặn, rồi một ngôi tiếp theo, cứ thế bầu trời thưa dần cho đến khi những ngôi sao cuối cùng cũng rủ nhau lạc hết... Không trung im ắng như sắp bước vào một sự kiện lớn lao. Trước khi chìm vào giấc ngủ, Nguyễn Huy Tưởng còn tự nhủ lòng phải đưa những gì vừa trải nghiệm vào trong tác phẩm của mình...
Cách mạng rồi kháng chiến, Nguyễn Huy Tưởng cùng nhiều văn nghệ sĩ bước vào cuộc trường chinh của dân tộc. Ông lại nhớ tới cái thời khắc ấy, 20 giờ 05 phút tối 19-12-1946, cả Hà Nội chìm trong đêm tối sau tiếng nổ lớn báo hiệu Toàn quốc kháng chiến. Lúc ấy, ông đang cùng các ông Nguyễn Đình Thi, Trần Huy Liệu... trong Văn hóa cứu quốc đưa điện đài lánh vào Hà Đông để lên chiến khu. Đêm ấy trời cũng đầy sao, và là một đêm trăng hạ tuần. Toàn quốc kháng chiến thế là đã nổ, rồi ra sẽ thế nào? - Nguyễn Huy Tưởng suốt đêm không ngủ, trong lòng xáo động, ông đi đi lại lại, vừa đi vừa nghĩ. Mà cũng không chỉ riêng ông, nhiều người cũng tỏ ra chộn rộn. Người ta hết nhìn trời, lại nhìn về phía Hà Nội, nơi đang có tiếng súng rộ lên. Thế rồi có người chỉ lên nền trời, rồi nhiều cái cổ ngoái theo, người ta xuýt xoa khi thấy vành trăng và hai ngôi sao hai bên rất rõ. Những tin thắng trận đầu tiên truyền về khiến nhiều người tin đó là điềm lành...
Gần ba ngàn đêm tiếp theo, với Nguyễn Huy Tưởng và những người ra đi kháng chiến đều là những đêm đen, chỉ có ánh trăng sao bầu bạn. Ánh trăng làm vui cảnh núi rừng, nhưng cũng có khi ánh trăng làm cho người ở rừng thêm cô quạnh. Và có những đêm chợt tỉnh giấc bất thình lình gặp lại ánh trắng và lúc ấy ông cũng đã kịp ghi lại những cảm xúc miên man mang tính triết lý, suy tư: “Nằm ngủ đêm dậy. Sáng giăng chiếu sáng các bụi tre. Có một cái ngậm ngùi ấy là không có mình giăng vẫn sáng, vẫn đẹp…” (Nhật ký, ngày 24-7-1951)
Từ những ấn tượng về hình ảnh trăng trong cuộc đời thực, Nguyễn Huy Tưởng đã đưa vào trong tác phẩm nâng lên thành một biểu tượng nghệ thuật. Trong An Tư, hình ảnh ánh trăng xuất hiện nhiều trong tác phẩm, nhất ở những thời điểm quan trọng trong số phận, cuộc đời nhân vật. Đó là đêm trăng tình tự của đôi bạn trẻ, đêm trăng hai người rong ruổi trên yên ngựa, và đó cũng là đêm trăng của sự chia ly, bi kịch. Hình ảnh trăng vừa là biểu tượng của thiên nhiên, vừa chuyên chở tâm trạng của con người, nó là nhân chứng chứng kiến niềm vui sum họp, lứa đôi tình tự, nhưng đồng thời cũng phải chứng kiến nỗi bất hạnh, đớn đau của con người. Cảnh cuối của tác phẩm là một cảnh gợi nhiều suy cảm khi công chúa trẫm mình bên dòng sông Cái trong một đêm tràn ngập ánh trăng. Thiên nhiên đẹp nhưng quá rộng lớn, rợn ngợp, bao la đối lập với cái bé nhỏ, cô đơn của con người nhưng họ lại đang phải chịu đựng những nỗi đau thương mất mát quá lớn. Sự hy sinh của An Tư mang tầm vóc và ý nghĩa lớn lao, trường tồn cũng vũ trụ, đất trời:.
  Ánh trăng bàng bạc, nàng mê man như ngày ruổi ngựa cùng chàng vào Thanh. Nàng đã đến bên bờ sông Cái, và không ngần ngại văng mình xuống nước.
Trên bờ sông, con ngựa bạch ngơ ngác, đánh hơi tìm chủ nhân, lồng lộn hướng ra lòng sông, dưới bóng trăng khuya, hí lên một hồi tuyệt vọng…
Việc đưa hình ảnh trăng vào sáng tác viết về lịch sử làm một sáng tạo, gợi không - thời gian huyền ảo, lãng mạn, phù hợp với tâm trạng nhân vật, thể hiện sự đồng cảm, sẻ chia của tác giả trước mối tình trong sáng và sự hy sinh cao đẹp của con người, nhất là người phụ nữ.
Trong Đêm hội Long Trì, ánh trăng rằm trung thu phản chiếu, đóng vai trò làm nền cảnh, tô đẹp cho bức tranh đêm hội thêm lung linh huyền ảo với cờ hoa, đèn lồng rực rỡ. Trăng cũng chính là nguồn thi hứng để chàng nho sĩ Bảo Kim trổ tài văn thơ trước vẻ đẹp yêu kiều, quyến rũ của Quận chúa Quỳnh Hoa.
Và bàng bạc khắp nơi, tô điểm thêm lên là ánh trăng rằm. Trăng không trong, hơi đục, nên cảnh sắc càng thêm mông lung phiếu diễu. Đường đi, bóng cây in xuống, khi xóa khi hằn, theo với gió thu. Trời chưa mát nhưng cũng không nực lắm…Quận chúa chạc 16, 17 tuổi, nàng hơi xanh dưới ánh trăng thu, người hơi gầy, nhưng vẻ thanh tú.
Còn khi đề cập đến hình ảnh những thanh niên, trí thức tiểu tư sản Thủ đô những năm kháng chiến chống Pháp trong tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô, Nguyễn Huy Tưởng cũng đã đưa hình ảnh trăng vào trong tác phẩm để nói lên vẻ đẹp hào hoa, lãng mạn, tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống của những chàng trai, cô gái Hà Nội. Mặc dù quang cảnh của Hà Nội những đêm mùa đông năm 1946 mịt mù khói lửa, nồng nặc mùi bom đạn, khí giới, vẻ âm u lạnh lẽo của đất trời, nhưng trong những phút giây yên tĩnh, trong những cơn thử thách khốc liệt đối diện với cái chết cận kề, người đọc vẫn thấy hiện lên trong tâm trí của những chiến sĩ cảm tử quân niềm khát khao hạnh phúc và cuộc sống hòa bình. Hình ảnh vầng trăng xuất hiện trong nhiều chương đoạn của tiểu thuyết, tạo ra màu sắc trữ tình, thơ mộng, lãng mạn, phản ánh sự nhạy cảm, tinh tế trong tâm hồn những thanh niên, học sinh Hà Nội. Dù đối diện với những nguy hiểm, với những mất mát đau thương nhưng họ luôn hướng về ánh sáng, hướng về bầu trời đêm cao rộng để tìm niềm vui và tận hưởng vẻ đẹp của ánh trăng hạ tuần.
Và đây là Hà Nội những đêm đông trong con mắt của nhân vật Sinh, một đứa trẻ mồ côi cha mẹ đã giác ngộ cách mạng giờ trở thành đội trưởng một trung đội tự vệ: Bên ngoài, suốt từ đầu Hàng Giấy, người ta đang tấp nập dựng vật chướng ngại. Trăng hạ tuần trong vắt nằm chênh chếch và trơ trọi đằng sau phố, trên nền trời mà các vì sao đã lạc hết, chiếu một thứ ánh sáng xanh hư hư thực thực. Những mái nhà nhấp nhô, nghiêng chúc, in hình lặng lẽ xuống đường làm rối rít những bóng người, bóng vật. Năm cái vòm chợ Đồng Xuân trắng toát, sáng lóa, quang đi vì những gian hàng xén trước cổng chợ đã được dỡ quăng ra đường.
Đứng trước cổng chợ, sáng lành lạnh, anh bỗng nhiên nhìn lên vành trăng trước mặt, lạ lùng như một cái gì bất thường mới khám phá ra. Anh cúi xuống lặng lẽ cùng anh em phá đường. Mảnh trăng chiếu một thứ ánh sáng lưu luyến xuống cái cảnh quay cuồng mù rối ấy, chênh chếch ngả mãi về sau, như từ giã một cuộc đời không thích hợp, để phố xá tự hủy mình trong đêm tối.
Và qua cái nhìn của người nghệ sĩ Thu Phong với cây đàn Violon, vẻ đẹp kì diệu của ánh trăng đã gợi lên trong anh những dự cảm về một niềm tin vào cuộc chiến của nhân dân Thủ đô sẽ toàn thắng: Thì giờ trôi đi. Qua cái cửa sổ lớn có chấn song, Thu Phong lơ mơ nhìn lên trời. Trăng lưỡi liềm trong suốt như một bìa giấy bạc, in rõ trên nền trời không gợn mây. Hai bên đuôi trăng có hai ngôi sao sáng như ngọc. Anh nghĩ: người ta thường bảo sao bao giờ cũng xa trăng. Không hiểu vì sao đêm nay, hai ngôi sao kia ở sát ngay trăng mà sáng như thế được. Đây là điềm gì? Điềm ta thắng hay thua? Anh là một nhà đạo gốc, nhưng từ bé đến lớn anh không tin đạo. Quái, sao lúc này anh bỗng lẩm bẩm đọc kinh, cầu trời cho Việt Nam chiến thắng. Vũ Minh cũng nhìn cái cảnh lạ lùng ấy, kêu lên một tiếng ồ khe khẽ, rùng mình vì cái cô quạnh của trăng sao.
Còn trong cái nhìn tinh nghịch của tuổi thơ, Thắng nhí nhoáy cũng đã kịp phát hiện ra vẻ đẹp bí ẩn, diệu kỳ của ánh trăng trong đêm kháng chiến: Mắt Thắng như nhìn rõ trong đêm tối. Vào đây, quen chân chú đi tìm lỗ đục tường và thọc sâu vào trong nhà. Tới một cái buồng trông ra một cái sân nhỏ, cửa sổ để lộ vầng trăng lưỡi liềm. Thắng mừng quýnh hãnh diện mình là người trông thấy sự lạ lùng ấy đầu tiên.
Hình ảnh vầng trăng lưỡi liềm trong những đêm Hà Nội mịt mùng khói lửa là một hình ảnh đẹp mà theo cảm nhận của một số nhân vật thì đó là một hình ảnh hiếm thấy bỗng chợt xuất hiện đột ngột trong những tình huống gay cấn, tô đậm không khí căng thẳng, khốc liệt của chiến tranh, làm nổi rõ cảnh tượng thương tâm của con người trong cái đổ nát, ngổn ngang của kinh thành. Nhưng điều quan trọng, có ý nghĩa hơn là nó nói lên tâm hồn phong phú, nhạy cảm của tuổi trẻ căm ghét chiến tranh, yêu chuộng hòa bình.
Có thể nói, việc đưa hình ảnh ánh trăng vào trong nhiều tác phẩm cùng những đoạn văn miêu tả giàu hình ảnh, nhịp điệu đã tạo nên chất trữ tình sâu lắng, chất thơ mộng, lãng mạn. Và cũng qua những hình ảnh, biểu tượng thiên nhiên ta thấy Nguyễn Huy Tưởng luôn có thiên hướng đi sâu phát hiện và nâng niu những vẻ đẹp trong tâm hồn con người. Bên cạnh vẻ đẹp khỏe khoắn toát lên trong hành động, ý chí quyết tâm của những cảm tử quân, những chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, là những vẻ đẹp tinh tế trong tâm hồn những chàng trai cô gái tuổi mười tám đôi mươi với những cung bậc cảm xúc chân thành, những ước vọng bình dị, nhỏ nhoi. Khắc họa thế giới nội tâm nhân vật qua nghệ thuật miêu tả thiên nhiên cho thấy tính hướng ngoại của nhân vật, họ luôn hướng về bầu trời, vào thiên nhiên vũ trụ để lấy lại niềm tin, tình yêu cuộc sống và kỳ vọng vào tương lai tất thắng của cách mạng.
Trăng là một hình ảnh đẹp của thiên nhiên vũ trụ và cũng là biểu tượng của khát vọng hòa bình. Những sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng không chỉ đưa người đọc trở về với những thời điểm quan trọng của lịch sử cha ông mà còn hướng người đọc đến những chân trời của mơ ước, khát vọng, những tình cảm trong sáng, cao cả, thánh thiện. Và hình ảnh vầng trăng trong nhiều tác phẩm của nhà văn đã góp phần tạo ra những xúc cảm mãnh liệt đó.
Nguyễn Huy Phòng
Theo http://www.vanhocnghethuatninhbinh.org.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Con rồng Thiên Tôn  Vùng đất Thượng Bạn huyện Tống Sơn (huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa ngày nay) quả là một danh sơn, như được khí sơn h...